Tôi luôn bị ám ảnh với cái vòng xoáy ấy, mãi mãi, không khi nào thôi nghĩ về nó. Nó đã choán lấy hết tâm trí của tôi kể từ lần đầu tiên tôi gặp. Nó đáng sợ hơn bất kì thứ gì kinh khủng tôi đã từng chứng kiến. Ma, zombie, người ngoài hành tinh, tất cả những thứ tôi thấy trên màn ảnh đều thua xa so với nó. Thật là đáng sợ!
Tôi sẽ chuyển nhà sang Thiệu Anh tuần này. Tất cả kỉ niệm đã từng có ở Nam Thành bây giờ chỉ đợi gói gọn trong kí ức. Mẹ và tôi đã phải chịu đựng một khoảng thời gian quá lâu ở cái nơi được gọi là "Thành phố không ai muốn sống" này rồi. Nhà cửa, đường xá, địa điểm công cộng, tất cả đều như một vùng nông thôn. Người ta coi chỗ này là thành phố kiểu gì chứ? Tôi thậm chí còn không thể mua một ít rau từ tiệm tạp hóa mà không bị bà chủ tiệm hỏi về chuyện cá nhân. Bà ta thích tọc mạch đến vậy sao?
- Này, khi nào quay lại Nam Thành nhớ ghé qua cô mua rau, cô sẽ bán rẻ một nửa nếu con chịu yêu con gái cô!
Hứ, con gái bà ta là gì cơ chứ? Một đống vàng miếng chờ tôi tới lấy à? Kể cả như thế thì tôi cũng thề sẽ không bao giờ thích cô ta. Tôi chúa ghét mấy bà bán tạp hóa mồm miệng xoen xoét, suốt ngày chỉ biết bàn tán chuyện xóm làng. Nếu tôi yêu cô ta và sau đó bị bà ta hỏi 7749 những điều muốn giữ riêng giữa chúng tôi, tôi sẽ phát điên lên mất!
Ở trong xóm, tôi là một đứa lầm lì. Tất cả những gì tôi có thể làm mỗi ngày là chở hàng cho mẹ và đi chợ, nhưng chợ ở ngay gần nhà nên tôi không tính. Và hôm nào rảnh hơn, tôi sẽ rủ thằng Quân ở đầu ngõ đi chơi bóng đá. Mỗi lần qua chợ, chúng tôi sẽ nhón của cô hàng mận lấy vài quả, khéo léo đến nỗi cô không phát hiện được gì. Phần là cô ta cũng mải buôn chuyện với cô hàng ổi nên không để ý khi chúng tôi đi qua. Ấy vậy mà đã mấy lần, con gái cô sang tận nhà Quân hỏi tội:
- Này, sao anh cứ lén bốc trộm mận của mẹ em vậy hả? Lớn rồi mà không khôn hả?
Nó ấn đầu con bé xuống cười đểu:
- Lo về học đi nhóc con, chuyện của mày à?
- Anh..
Con bé thấp tịt và kém chúng tôi hai tuổi nên chẳng làm gì được. Cô hàng mận cũng bận suốt nên không có thời gian đe bọn tôi, lúc nào cũng bảo con gái qua "chửi thay".
- Mình nhón mỗi một quả chứ có bao nhiêu đâu đúng không? - Quân hỏi lại tôi như điều hiển nhiên.
- Ờ!
Thế mà chả hiểu sao tôi chưa lần nào bị con bé lùn tịt ấy sang hỏi tội. Chắc tại lần nào thằng Quân cũng đầu têu và cô hàng mận ghét nó nhất.
- Ê cứ ăn mận "chùa" là mẹ em cắt chim anh đấy! - Con bé đó quay lại vào một hôm khác và đe Quân.
- Cắt thoải mái! Chim tao dai hơn mận của mẹ mày!
Nó cười khanh khách. Con bé kia giận tím mặt nhưng không làm gì được, đành quay lưng đi về.
Ngoài chợ ra, thứ gắn bó với tôi nhiều nhất có lẽ là sân bóng. Sân bóng rộng tầm hai mươi mét vuông. Đối với chúng tôi, khoảng sân khiêm tốn đó là tất cả linh hồn và tài sản. Dù sân không thuộc về ai cả nhưng có một đứa luôn nhận là của nó vì nhà nó giàu nhất. Đó là Vinh. Tôi cũng từng nghĩ sân bóng đấy là của nó cho đến khi chúng tôi bị người lớn đuổi hết đi vì can tội làm ồn. Hôm sau, cả bốn đứa lại quay lại đá vì đam mê, song cũng không lâu sau lại bị đuổi vì một lý do nào đó.
- Đối với mày, thứ quý giá nhất ở cái xóm này là gì? - Tôi hỏi Quân.
- Sân bóng cạnh chợ, chắc chắn rồi!
Nó trả lời chắc nịch mà không cần phải suy nghĩ. Đối với Quân, thứ quý giá nhất là sân bóng. Còn đối với tôi, mẹ mới là quý giá nhất!
Mẹ ly dị bố vào năm tôi học lớp năm. Khi đó, tôi đã khóc như điên không cho bố đi, nhưng rốt cuộc ông vẫn lẳng lặng bỏ lại hai mẹ con chúng tôi theo tình nhân mới. Bà ta chẳng đẹp hơn mẹ chút nào, lại còn có mái tóc đỏ xấu xí như những tán cây ủ rũ ở ven đường. Bà ta không hiểu có điểm gì mà thu hút được bố tôi. Không! Tôi nghĩ chắc là do ông đã chán mẹ tôi rồi mới phải! Vì thế nên tôi ghét ông. Tôi ghét tất cả những gì thuộc về ông, và coi ông như một người chưa từng tồn tại trên cõi đời này. Bây giờ, mỗi khi ai đó hỏi về ông, tôi chỉ nói rằng ông đã đi sang nước ngoài mà không quay lại. Tôi chán chết việc ai đó nhắc đến ông ta một lần nữa sau khi ông đã ruồng bỏ mẹ con tôi.
Mẹ bị bệnh đau chân. Đã bốn năm nay bà không đi lại được bình thường. Bà làm nghề gói hàng và giao hàng, có lẽ vì vậy mà bây giờ tôi phải dành những lúc rảnh rỗi của mình để giao hàng thay cho bà. Xưởng kho cũng không cách xa nhà tôi lắm. Tôi quen tất cả các cô chú ở đấy, họ đều biết mẹ bị bố bỏ và mắc căn bệnh đau chân nên họ dành cho mẹ những thứ việc nhẹ nhàng nhất. Có đôi khi, tôi phải bỏ cả việc sinh hoạt ở trường để đi giao hàng cho bà, đổi lại tôi được các cô chú hết sức yêu quý và hay cho quà bánh. Họ bảo tôi là "đứa con hiếu thảo nhất họ từng gặp", viết thơ về tôi, kể chuyện của tôi cho bạn bè của họ nghe, vì vậy mà tôi cũng được biết đến chút chút ở trường dầu không học giỏi cho cam. Đôi khi một vài học sinh lớp dưới hay kể cả học sinh cùng khối đi qua tôi trên sân trường và chỉ chỏ tôi:
- A, anh giao hàng cho mẹ nè!
... làm tôi đỏ cả mặt. Tôi hay trêu Quân rằng chẳng mấy chốc mà tôi sẽ nổi tiếng hơn tài đá bóng của nó!
- Được rồi! Cứ để xem! - Quân nhếch mép.
Thời của tôi, mạng xã hội thực sự là con dao hai lưỡi. Có nhiều người lên mạng để chia sẻ những điều bổ ích, điều hay cho người khác. Có nhiều người lại lạm dụng nó cho những mục đích xấu. Tệ hại nhất là những hội nhóm truyền giáo những tín ngưỡng sai trái, mà trong đấy phải kể đến hội giáo Sau Trường Học- nơi tập hợp những cô cậu nhóc đang ngồi trên ghế nhà trường, những người có tư tưởng chống lại hệ thống giáo dục trong các nhà trường. Chúng tôi suýt nữa tin vào hội giáo đó do một video Quân được một người bạn ở lớp khác chia sẻ. Ở đó, họ kể những câu chuyện về những mặt trái của trường học, những thứ đã được những người giáo viên che đậy bởi bộ mặt tích cực nhằm "tẩy não" học sinh. Có những câu chuyện tôi không thể tin nổi rằng sẽ có thật được phanh phui hết trong chính video đó. Mà có lẽ do video được truyền hết từ tay người này tới tay người nọ mà không ai biết chủ nhân thực sự của nó. Vì nhân vật trong video biết tất tần tật mọi chuyện nên nhiều người thậm chí còn đoán người đó là một giáo viên đã từng nghỉ dạy ở trường. Tuy nhiên, sự thật thì vẫn đang bị chôn vùi và chưa thể đào lên!
Tôi không ghét trường học. Đó là nơi đã biến tôi từ một đứa trẻ lêu lổng suốt ngày chỉ biết quậy phá xóm làng trở thành một đứa trẻ, một đứa con ngoan ngoãn. Dù nốt năm nay là ra trường nhưng chưa một lần nào tôi từng nghĩ xấu về trường cả. Mẹ tôi từng nói:
- Trường học chỉ góp một phần trong tính cách con người, phần còn lại quyết định bởi bản thân mình!
Đúng! Những kẻ bất mãn với truờng học có lẽ đều là những kẻ học hành chẳng ra gì nhưng vẫn mong có được điểm cao. Còn tôi, dù tôi không phải là giỏi giang gì nhưng chưa bao giờ than vãn về điểm số hay lời chỉ trích của giáo viên. Điều duy nhất tôi cảm thấy bất mãn đó là.. trường tôi khá chật chội và những tiếng ồn xung quanh làm chúng tôi không thể nào tập trung học hành được.
Tôi thường ngồi áp tai vào cửa sổ để lắng nghe những âm thanh phát ra từ công trường lao động gần đó. Những người công nhân ngoài miệt mài cưa gỗ còn nói với nhau những lời kiểu như:
- Sắp tới tôi sẽ sang thành phố khác làm việc, ở đây nghèo khổ quá, cứ như này thì cả đời chẳng dám ăn tiêu gì nhiều!
- Tôi cũng vậy! Nếu tìm được việc ở nơi khác, chắc chắc tôi cũng sẽ mang gia đình của mình theo. Tôi đã nghĩ kĩ rồi, tôi chỉ sống ở đây thêm nửa năm nữa thôi!
Những câu nói đó khiến tôi thoáng buồn. Tôi cũng chẳng khác gì họ, sắp tới tôi và mẹ sẽ chuyển nhà sang nơi khác, nhưng còn những người ở lại thì sao? Còn Quân, những đứa bạn đá bóng chung, những đứa bạn cùng lớp, thầy cô, những người hàng xóm? Liệu họ sẽ sống như nào nếu thành phố này tiếp tục bị chính phủ bỏ quên và không được cải tạo gì sau 20 năm?
- Các em, tôi xin lỗi vì sẽ không thể đồng hành cùng các em đến cuối chặng đường. Từ ngày mai, tôi sẽ chuyển công tác sang Thiệu Anh. Chúc các em thành công với những dự định của mình!
Thầy chủ nhiệm đứng trên bục giảng dõng dạc nói. Tôi không ngạc nhiên khi nghe thấy quyết định đó của thầy. Nửa học kì cũng đã trôi qua, tuy chúng tôi không gắn bó với thầy được nhiều nhưng tôi biết rõ lý do thầy đi là gì. Lúc đó, tôi chỉ ước mình có kĩ năng của một thám tử để có thể biết những kẻ trong hội giáo Sau Trường Học kia là ai và ngăn chặn chúng. Ngôi trường nãy đã chịu quá nhiều điều tiếng không hay từ chúng rồi! Tôi vừa nghĩ vừa nắm chặt tay.
Suy nghĩ của tôi có lẽ đã đến tai bọn chúng. Khi xách cặp chuẩn bị ra về, tôi phát hiện trong ngăn bàn có một mẩu giấy nhỏ cỡ thẻ ngân hàng. Trên mẩu giấy chỉ ghi độc một dòng chữ: Hội trường bỏ hoang dưới chân núi.
Bình luận
Chưa có bình luận