Tiếng nước róc rách, rù rì chảy xuyên quan bản làng vốn đang ngủ say nồng, im lìm. Gió nhẹ khẽ thổi xuyên qua từng hàng cây, bụi tre làm chúng rung lên xào xạc, dưới ánh trăng mập mờ phủ ngập trong áng mây mù mịt, đen kịt. Cây cầu vắt ngang qua sông, cót két cọt kẹt theo từng bước chân của người đàn ông, cầu không dài chỉ tầm mươi mét, làm bằng gỗ được nối lại sơ sài ở giữa thấy được cả lòng sông đen ngòm, chảy xiết phảng phất ánh bạc. 


Người đàn ông gánh hàng, lưng sừng sững, mồ hôi làm sũng áo, chậm rãi đi. Mùi dầu lờ lợ lất phất bay ra từ chiếc thùng đã cạn, mỗi bước lại nghiêng ngả, chao liệng sóng sánh như dầu cùng cây cầu vất vưởng, ông cúi đầu mãi miết mắt lúc nào cũng hướng về không gì cả, qua được sông rồi ông lại hạ gánh xuống để thở dồn, quay về phía đằng sau có bóng hình ai đó lẽo đẽo đi theo với chiếc đèn pha lủng lẳng trên đầu. 


Trời lạnh kinh hồn, hơi thở ông phát ra sương, không chờ người kia bắt kịp, thân rảo bước, đá chân len lỏi qua các khi nhà lụp xụp, tồi tàn, xơ xác tồn tại. Chỉ riêng nhà bà đồng là khang trang, sang trọng nhất nhưng nó có gì khiến ông chờn rợn, ghê tởm cùng cực mặc dầu chẳng biết lý do là cái chi. Nhà ông ở cuối ngõ đi bộ mất dăm phút từ đầu làng để tới. Bên trong có gì quý giá bao nhiêu đâu, chiếc áo nâu đã bạc hết màu, một cặp bát đũa, soong, nồi, chảo, vài hộp bánh quy để đựng kim chỉ và chiếc bàn thờ nhỏ đang nghi ngút khói trong ánh đèn dầu vàng leo lét, lớt phớt ẩn hiện ảnh của người đàn bà mặt đang nghiêm lại. 


Lấy điếu cày ra từ chiếc tủ trong góc nhà, ông bỏ từ từ từng rê thuốc lào, đốt cũng từ từ, vẻ ung dung, tự tại. Ông nhìn những vệt cháy đỏ nhòa nhòa pha ánh cam nhạt, khói khói thuốc bã ra từng đợt, cuối cùng chốt gọn hút một hơi sâu hết cỡ và thở ra lâu thật lâu, dài thật dài. Cột khói trắng bốc lên, ngập tràn, giờ nó là sương, là khói thuốc, là hơi thở của ông, vị ngọt lịm và đắng chát trộn lẫn khiến ông đê mê, lâng lâng trong lòng, đầu óc trống rỗng, đôi mắt của người đàn bà trống rỗng, linh hồn ông trống rỗng… Bỗng có tiếng gõ cửa bên ngoài làm ông chợt tỉnh chợt nhớ, lật đật chạy ra, ông chưa mở vội, tiếng gõ của tiếp tục, đều đều, không mạnh hơn cũng như nhanh hơn chỉ y như tiếng gõ mõ tụng kinh, sau một khoảng ngắn có tiếng gọi từ phía bên kia cửa

“Chú!...” Giọng thỏ thẻ, nhỏ như sợ phá hỏng giấc ngủ của ai đó vừa chìm sâu


Ông mở cửa cho người kia vào, chiếc đèn pha quen thuộc rọi thẳng  làm ông chói mắt ghê gớm.


“Cởi mẹ nó ra!” Ông gắt “Cả bộ!”


Người kia gật đầu, cởi chiếc quần chiếc áo lấm lem bùn đất ra, bẽn lẽn, ngượng ngùng, tay cứ díu lại. Chỉ chừa lại chiếc quần lót ngắn cũn cỡn. Mặt anh đỏ lên hình như là vì thẹn


“Sao? Ngại hả?” Ông hỏi như quát

“Ngại chứ! Cứ trần như nhộng thế này…” Anh đáp, không dám nhìn thẳng vào mắt ông


Ông cười khà khà, vẻ thích thú lắm. Cởi bỏ luôn bộ hết mấy vật ngoài thân rườm rà dù cho trời đang lạnh đến thấu da thấu thịt. Trải chiếc chiếu cói ra dưới gầm giường nhà mình, đầy bụi nhưng vẫn dùng tốt, ông dọn thêm chai rượu cần vừa chín tới, cả đĩa thịt chó, chân ếch núp rơm. Anh ngồi xuống, mặt đối mặt với ông. Anh run, ông run, lập cập, bần bật. Hai thân thể lõa lồ, hiển hiện trước đôi mắt long lên ánh vàng mỏng


“Chú qua đây làm gì? Đêm hôm khuya khoắt…” Ông nốc một hơi rượu, cay xè, nồng nồng

“Dạ em qua chơi!...” Anh nhấp nhẹ ly rượu “Chứ ở nhà thì chán lắm”

“Láo toét! Chú qua đây vì bị mẹ đuổi khỏi nhà đúng không?” Ông quát tháo


Anh không đáp chỉ gật đầu buồn hiu, miệng chem chép nhai, trệu trạo, vai hơi quỵ xuống, lưng còng. Mái tóc bù xù, đôi mắt lốm đốm vết chân chim, nụ cười ngời sáng với chiếc núm đồng tiền một bên má. Ông đưa chiếc điếu cày sang chỗ anh. Anh ngồi lẩn thẩn một lúc , tựa hồ đang đắm chìm vào cõi của riêng mình, rồi cầm nó lên, hít một hơi và tiếng rít  liên hồi phát ra, phá vỡ bầu không khí im lặng, kéo dài đến tận bầu trời đêm hão huyền, tận ngọn gió phiêu du trên đồng.

“Chú cũng ngu lắm! Đã ba mươi tuổi rồi chứ ít gì… Cưới vợ về rồi sinh con đẻ cái, cho bà già nở mày nở mặt…” Ông thở dài ngắm nhìn anh với vẻ thương xót, đau xót “Thôi mấy bữa nay chú cứ qua nhà anh ở”

“Cảm ơn anh! Mà ước sao bà già nhà, yêu em hơn chút đỉnh… Thế thì hay quá anh nhỉ” 


Má hai người phừng phừng đỏ không phải vì thẹn mà là do rượu vào, miệng khô rốc dù cho đã uống nom chục ly, cứ nốc cho bằng đã bằng sướng không lo say bởi nhẽ có ai lại say vì rượu cần bao giờ


“Rượu ngon quá anh…” 


Ông ậm ừ, gật đầu lấy lệ, miệng hơi vểnh lên


“Ừ… Người ở trên tỉnh gửi xuống bữa trước vừa hợp với hai anh em mình” Ông nói


Thiết nghĩ “Thằng khỉ  nó có bao giờ uống được giọt rượu nào nào ra hồn đâu từ tấm bé đến giờ. Có mỗi hơi rượu thôi đã khiến nó quay cuồng, điên đảo rồi. Thế mà vẫn khen ngon… Khổ thân nó…” Nó vừa mới ra đời khóc oe oe đã bị thả trôi sông, lênh đênh vì là con hoang. 


Lúc đó, ông mười ba tuổi, thời ấy người ta nghe khổ lắm, hủ tục, cổ tục, truyền thống, chính trị cứ chồng chất lên nhau, hỗn loạn, chẳng biết đâu mà lần. Thế là họ làm ra bao nhiêu cứ cống cho đền làng, cho chùa chiền thầy tu, cho bà đồng. Chả thế mà người ta nghèo lại hoàn nghèo, bần cùng, đói khát. Trời nắng cháy da, gió phơn thổi mạnh, đất nứt nẻ. Mọi người như bị mộng du, không ai nói lời nào, mặc cho nó khóc ré lên, bà mẹ của nó cũng đã đã về từ lâu. Ông đợi, để có ai lên tiếng phản đối và bảo vệ cho nó khỏi hành động đáng khinh này, ông đợi, nhưng chẳng có ai, không một ai. 


Sau tiếng kèn dài và trống đập mạnh cuối cùng người ta thả nó xuống, vẫn còn đỏ hòn! Ông liền lao vào dòng nước hung dữ, hung bạo, từng đợt sóng quật mạnh vào ông như muốn cuốn phăng đi tất cả, ông đau điếng, tê dại thế mà ông vẫn giành giật lấy nó, đôi chân quẫy nước tung tóe, hai mắt cay xè, tai ù đi miệng lúc nào cũng đầy nước “Chết mất thôi!” ông nghĩ vậy. May sao trong lúc tay chới với ông đã chộp được nó,  thân thể ấm nóng áp vào ngực ông, “nhỏ quá!” ông bồi hồi run lên, lần đầu ông thấy sinh mạng con người mỏng manh biết dường nào


“Dạo này anh làm ăn khấm khá chứ?” 

“Cũng lai rai. Giờ người ta toàn dùng điện, có ai thèm mua dầu đâu! Còn chú thì sao?” Ông nói, miệng bặm lại, chống người ra đằng sau, vẻ mỏi mệt lắm, thở dồn

“Cũng ổn anh. Dạo này mưa trái mùa nhiều, ếch nhái cứ bu lại một chỗ, bắt đã tay lắm. Mỗi tội dạo này giá ếch cứ rơi tuốt, em sợ không lo được cho bà già…” Anh bùi ngùi kể “Này! Chúng ta coi bói đi anh, nghe nói  thiêng lắm, bà đồng ngay trong làng thôi…”


Tiếng gà gáy chen ngang cuộc nói chuyện của hai người, thế là hết đêm dài. Sương mù đã vãn hẳn, tiếng láo nháo của ông bán phở, của bà bán thịt chào rồi hỏi, chửi rồi cười, rôm rả khác hẳn với vẻ u ám, tĩnh mịch của buổi tối mờ. Ông bỏ dở nửa ly rượu, bỏ luôn anh ở lại chơ vơ trên chiếc chiếu rách bươm, trên sự lờ đờ của linh hồn toang hoang. Ông nằm trên giường chỉ dặn vỏn vẹn “Nhớ về” Xong ngủ thẳng cẳng, say như chết. Anh mỉm cười, đứng lên đắp lại chiếc chăn cho ông, dọn bát đĩa, sắp chiếc chiếu còn vương lại mùi thuốc lào, ly rượu bỏ dở nửa ly, anh tọng hết vào mồm, rượu ngọt không đắng nhưng chát kinh khủng, nước mắt anh rỉ ra


“Dở kinh!...” Anh rên ư ử trong miệng


Để lại chiếc đèn pha còn các thứ khác anh mang đi tất, bùn đất, mồ hôi, khí trời, mùi hôi của thửa ruộng nhiều phèn tất cả trộn lại làm thành thứ gì đó rất nặng nề với anh song vẫn mang lên trên mình. Chiếc giỏ đựng ếch, cái cần câu nhái, giờ anh phải qua bên kia sông, băng qua cầu, cheo leo, rùng rợn để đem ra chợ bán. Hai chục năm làm cái nghề này, mỗi ngày hai lần, đi rồi về dù mưa giông bão bùng hay đất trời khô hạn, bỡ bạc anh vẫn đi. Chuẩn bị xong tư trang, vật dụng, anh nhẹ nhàng khép cửa


“Ngủ ngon…” Anh thều thào lời chúc ngủ ngon cho ai đó


Bóng lưng của anh khuất dần theo đam sương lạc đường, chưa kịp tan.

Ông lia lên bờ, người lạnh cóng, tay vẫn ôm lấy nó, mắt ông như muốn bị nung chảy, thở hổn hển. Tiếng khóc đã dừng hẳn, sóng vỡ đôi bờ, nắng rọi điên cuồng vào người ông, mọi người quanh chúm lại, bu quanh và tiếng thầm thì, bàn tán bắt đầu, người chỉ người trỏ, có một người còn vào tận sâu trong xóm kêu mẹ nó ra. Chợt ông cảm nhận được có ai đó, thứ gì đó muốn lấy nó khỏi mình, ông liền gằn lại, thật nhanh thật lẹ cắn và xé như một người điên, một tảng thịt rời ra nhoe nhoét, ròng ròng, đen đỏ, đỏ đen.


“Nó điên rồi!” Tiếng ai la lên “Thằng con hoang vẫn còn sống!” 


“Không!... Không…” Ông gào lên muốn vỡ giọng, muốn chết đi. Mắt vằn lên tia đỏ, tâm trí ông bơ phờ điều duy nhất còn sót lại là tiếng trái tim đập của sinh mạng nhỏ bé kia, ông dùng tấm lưng của mình để che cho nó. Cát, đá, bụi bay đầy trời, người ta không giành nữa mà đấm rồi lại đá, bầm dập, tím ngắt cả người, ông nghĩ mình sắp chết thật, lần thứ hai trong ngày. “Công an!” tiếng la hét của đám đông biến mất,, họ tản mát chạy trốn tứ hướng. Ông có lẽ vẫn chưa đến thời điểm để cùng mẹ cùng cha xuống suối vàng.


“Ổn rồi… Ổn cả rồi…” Ông nói vào tai nó.


Buổi chiều vàng ửng mở, mặt đất giòn giã, cỏ gianh mướt mát. Một buổi chiều của cuộc đời.


Ông uể oải, vươn mình sau giấc ngủ sâu, ngồi nhổm dậy nhìn về phía cửa sổ còn nhập nhoạng ánh nắng cam vàng, đôi mắt lum dum muốn chợp mãi mãi. Buổi chiều, mặt trời đã chìm quá nửa đằng chân trời, ông vặn mình, đã thấy từ trong gian bếp nồi cháo ếch thơm lừng, nức mũi chờ sẵn.


“Thằng khỉ!” Ông chửi đổng rồi cười toe tét


“Ai đi đêm hè 

Mà mặt lầm lũi

Ai đi đêm khuya

Mà chẳng cần dầu

Ai đi lạc đường

Mà dầu chẳng ham?”


Mỗi bận đêm đến ông lại ngâm lên bài vè, lũ trẻ trong  khi nghe tiếng hát lại bỏ ra khỏi nhà, dõi theo tiếng vè du dương, trầm ấm như tiếng hát ru của những bà mẹ nửa đêm thức giấc vì tiếng khóc ré của con mình. Một cảnh tượng nom rất lạ, ngõ xóm tối om, gánh hàng bán dầu giờ như sân khấu, ông đi trước, lũ trẻ theo sau, xếp thành một hàng dài nối đuôi nhau, đứa cầm chiếc chong chóng, đứa thì cầm hòn bi ve để đổi “chác”, y chang một đêm lễ hội hay trung thu trăng rằm, bọn trẻ nhấp nhô, hồ hởi để đổi những thứ chúng cho là quý nhất cốt để nghe được cái giọng hát hay đến mê hồn của ông


“Khiếp! Ta đi bán dầu hay đi hát rong…” Ông quát mà miệng vẫn huýt sáo theo điệu


Lũ trẻ tít mắt tản ra chỉ vài khấc rồi lại xếp như cũ, đi cùng ông, qua dãy nhà vắng tanh, qua dòng sông bẽo bạc muôn đời đen ngòm, qua rừng bạc biển vàng vô cùng.


Lâu lâu, lâu lâu thôi, có người mua dầu, ông sẽ hạ gánh xuống, bên trong thùng trong vắt thấy cả đáy, mùi hăng hắc, nồng nặc, quánh đặc, đa phần người mua đều mang theo chai sẵn nên ông chỉ cần lấy chiếc phễu nhỏ, vừa vặn ra, múc một gáo đầy ắp dầu, tiếng ùng ục, òng ọc của dòng chất lỏng phát ra, lũ trẻ khi ấy nín thở, đôi mắt sáng ngời ngắm nhìn ông như thể đó là việc kì thú nhất trên trần đời dù cho chúng đã thấy khung cảnh ấy hơn trăm lần. Xong xuôi ông lại rong ruổi khắp nẻo, tìm kiếm vị khác hiếm hoi tiếp theo trong ngày, chốc chốc ngồi nghỉ chân ở một xó xỉnh nào đấy, một bãi cỏ mướt mát, một đụn cát còn động lại của nắng ấm, bất cứ nơi nào và rồi ông cất lên tiếng ca


“Ai cũng có một quê hương và một mối tình…”


Những lúc ấy, khi mà bọn trẻ đã về nhà, khi mà bóng đêm và sự cô đơn ngự trị trong linh hồn bắt đầu cựa mình. Ông lại ngồi làm thơ, có đôi lần vài đứa trẻ bị bỏ lại hay chúng tự tìm tới, chúng sẽ kể hết mọi thứ cho ông nghê về việc cha mẹ chúng ra làm sao, bạn bè chúng tệ như thế nào còn ông thì lặng im, lặng lẽ ôm chúng vào lòng, không khóc chỉ thấy buồn rười rượi, thân phận loài người tuy khác mà giống nhau đến lạ, đều vui đều vui, đều oán hận khổ đau liên miên, muôn phần, đều hạnh phúc sung sướng đứt quãng. Khác chăng chỉ là lũ trẻ chưa biết gồng mình giấu bản thân sau lớp mặt nạ trưởng thành.


Sao ông không làm ca sĩ ạ? Một đứa trẻ nào đó hỏi trong vô vàn đứa


“Vì cuộc đời không cho! Đời bạc lắm!” Ông trả lời cụt lủn


Đây là đêm thứ bao nhiêu? Một ngàn một trăm? Ông không biết. Hồi xưa, học lớp hết lớp năm ông đã phải lăn lội với đời, lăn lê, bò trườn, la liếm, đã phải ăn cám thay cơm và đã thấy xác bố, mẹ treo lửng lơ trên trần nhà ở hai gian phòng đen đúa, xám ngoét một góc, môi trắng bệch


“Còn gì nữa đâu… Còn gì nữa đâu em ơi mà khóc với chả sầu…”


Câu hát ấy là thứ ông ngân lên sau buổi gánh hàng phiêu bạt, du đãng, mộng du như bao người khác trong cuộc đời vô cùng tận. Ông về nhà, băng qua cây cầu với những chiếc kéo, chiếc cột đứng như muốn chèo kéo người đi cầu lao xuống lòng sông sâu thẳm cùng chúng. Màn sương lơ đễnh, bức màn treo ngược của đêm tối rền rĩ, gió thổi vun vút, vùn vụt qua từng bụi tre lãng, tiếng tru tréo từ đám chó đằng sau ông văng vẳng, sủa vào ông, vào ánh trăng, vào cõi lõng những con người đi lạc. Ông lén lút, sợ sệt nhìn vào ô cửa sổ mụ mị của bà đồng, đèn điện sáng trưng một màu đỏ chiếu thẳng, hình như đó là bài cầu kinh là khói nhang nghi ngút, giọng người đàn bà đầy định lực nhưng lại khiến ông rùng mình, da gà dựng hết cả. Ông quay đi, không bao giờ có cơ hội nhìn nó nữa.


Anh mở cánh cửa như đập mạnh khiến ông giật mình. Mồ hôi chảy đầm đìa, đôi mắt dường như kinh hãi điều gì lắm, tiếng thở gấp gáp như sắp hết hơi, giần giật. 


“Cái đếch gì đấy chú!”

“Anh sắp chết rồi đấy,... Anh ơi… Anh ơi…” Anh nói bần thần, bệ rạc, thảng thốt

“Sao mà chết!”  Mắt ông trợn ngược


Anh chạy tới bên ông, hương nhang vẫn còn luẩn quẩn trên người, không nói cũng chẳng rằng anh chồm lên giường, chỗ ông đang ngồi bệt xuống. Anh ôm lấy ông như một đứa trẻ đang giành lại mẹ mình và rồi tiếng nức nở phát ra, tiếng sụt sùi trong ánh đèn dầu chuẩn bị tắt, ông sững sờ hỏi:


“Tệ đến vậy ư?” 


Ông nhìn ra cửa sổ, ra ngọn gió đang lùa từng đợt cuốn theo lá chơi trò đuổi bắt nhau, ánh mặt trời đang dần ló dạ nhưng mặt trăng vẫn chưa chịu tan đi trong đám mây xám xịt, trong bầu không khí mà như ông cảm nhận, đến là nghẹt thở này. Và anh cứ khóc mải miết đến khi đã mệt lử, toàn thân rã rời, tay chân không vùng được nữa. Lúc đó anh siết chặt, ôm chặt lấy ông  không rời nom như thể ông sắp rời xa vĩnh viễn, mất mát, như thể đây là cái ôm vĩnh biệt, từ giã của anh.


“Tôi nói với chú rồi! Người nhạy cảm thường đau khổ lắm…” Ông nói mà nước mắt cứ tuôn ra, không lau hết được


Cớ gì mà ông phải khóc thế này cơ chứ! Cớ gì… Ông lặng lẽ đưa cánh của mình xoa đầu anh, giống hệt một đứa trẻ. Đơn sơ và trong vắt.


“Thật mỏng manh… Y lần đầu tôi gặp chú vậy” Ông kể

“Vậy hả anh… Mà đừng đi nhé anh… Đừng đi… Đừng bao giờ rời khỏi cái làng này một lần nào nữa…” Anh nói mà giọng cứ lạc hẳn đi

“Vì sao? Chính chú cũng biết việc đó là bất khả, nếu ở lại…” 


Đến đó ông lại thôi, ngập ngừng như có cái gì đó chặn đứng trong cổ họng của mình. Bất chợt ông đẩy anh ra, ngấp ngứ, chần chừ nhưng rồi chính bản thân ông cũng không thể dứt khoát mà ôm lấy anh. Anh nói sau tiếng thở dài:


“Cây cầu đó… Đừng qua… Lúc nãy có đôi chim bìm  bịp và le le mắc cạn, chúng nó kêu la thảm thiết như người vậy đó anh… Vừa sợ mà vừa thương thế là em đành lội xuống sông…”

“Sau đó thì sao…” Tự nhiên sau khi nghe ông cười nắc nẻ như bị trúng tà “Không đời nào mà loài vật lại nói được tiếng người! Chẳng bao giờ!”


Vậy là không còn gì có thể lay chuyển cái niềm tin bất diệt của ông với cuộc sống này nữa. “Đành phải vậy thôi” Anh nhẩm thầm trong miệng. Mặt anh tối sầm lại, ánh đèn pin lấp loáng nhấp nháy thêm vài lần nữa lại tắt ngúm, bóng tối nhòa nhòa với màu trắng ngà, anh ngồi dậy bước lại chỗ cánh tủ gỗ đã cũ nát, cởi trần, chiếc gương vỡ một nửa soi bóng tấm lưng vạm vỡ, đầy thẹo của anh đằng sau. Tiếng rơi của quần áo, của hơi gió còn vọc vạch, ông dõi theo dáng hình trong không khí ẩm thấp, tù đọng, nín lặng đưa mắt ngắm nhìn từng đường nét, đôi mắt, làn da, xác thịt, những góc nghiêng đã quá quen thuộc ấy mà nghẹt thở, mà như muốn thiêu rụi anh qua ánh lửa của hai hòn mắt. 


Trăng le lói, lẻ loi tỏa xuống màu trắng xám rọi xuyên thủng qua làn sương rọi bóng khuôn mặt của hai người, im ỉm, chẳng ai nói câu gì, anh tiến lại gần chiếc giường, bước lên, đè ông xuống với một đôi môi dính chặt, nhanh gọn, dứt khoát đến lạ lùng bằng cánh tay chệnh choạng, run run, vẫn lẫn trong mình hơi thở của dòng sông. Bỗng tiếng cú vọ ngoài đồng, trên cây ở đằng xa đằng gần vọng lên não nề, buồn bã, khiến hai người  bừng tỉnh.


Ông như bị tê liệt, sửng sốt không nói nên lời “Nhưng sao lại bây giờ hả chú…” Ông khẽ rên lên trong lúc anh đang mơn man trên làn da rít rát, sạm đen vì dãi dầu sương nắng. Toàn thể đều bị anh đụng chạm, lục lọi, tìm tòi trong cõi sâu nhất của da thịt, ông muốn phản kháng mà chẳng thể, đáp lại lời nói lúc nãy chỉ là sự im lìm cực độ của anh và ánh nhìn như muốn soi rọi linh hồn ông. 


Tiếng thở lúc nhanh lúc chậm lúc gấp lúc dài, trong màn đêm tịch mịch, cô quạnh còn lấp lửng giữa sáng và đêm, chạng vạng và bình minh, hình như ông trời đã bỏ quên mất thời gian lúc đấy. Hai người thấy được sự rạo rực trong tâm khảm của mình, cảm nhận được rằng nó không còn được cứu vãn, không còn được quay đầu nữa, rằng nó sau đêm nay, buổi sáng này sẽ không còn có thể dập tắt như trận bão lửa mặt trời ngoài kia.


Ông kéo anh về phía mình đặt đầu lưỡi đang còn khô khốc, nhạt thếch đầy mùi rượu lên anh. Anh không chống lại, cứ thế thả mình trôi dạt, cứ thế cuống lưỡi ngọt như giấc mơ xoáy sâu vào nhau, rất mạnh và cũng rất lâu, rút ra để thở dốc rồi lại lao vào nhau tựa hồ như muốn thỏa mãn nỗi thèm khát đến cháy lòng bị thời gian trôi lấp đi mất. Một sự bệnh hoạn, ông biết, một việc không thể nào chấp nhận được, anh biết, nhưng mà vẫn làm, vẫn cứ vật vã, giằng xé lẫn nhau trên chiếc giường rung như sắp sập xuống. Chiếc quần lót mỏng dính trên người ông hồi nãy từ lâu đã bị vứt xó, lăn lộn một góc giường, một cuộc lột trần, cả về thể xác lẫn linh hồn. Ông và anh vĩnh viễn không thể lùi lại, đã đến nước này rồi. 


Giây phút này anh chợt nhớ về những bài hát ru ngủ êm đềm, những buổi chiều mát rượi với con diều lượn lờ trên đồng cỏ gianh mọng nước. Ông nhớ đến những đêm khóc ròng vì nhung nhớ, những ngày xa nhau trong nỗi niềm hoài thương cùng tận. Không phải là tình cha con, không phải là bạn bè, anh em…


“Sao anh không lấy vợ?” Anh hỏi

“Xấu như tạo, gàn như tao ai lấy…” Ông trả lời hướng về anh với sự chất chứa nỗi niềm chẳng thể nói ra


Bây giờ anh mới hiểu ra câu nói ấy có ý nghĩa gì, dù sao mọi chuyện cũng không còn quan trọng nữa rồi.


“Em làm…” Anh nói giọng khàn đi vì đờm đặc


Ông gật đầu, ậm ừ. Ông không muốn tin, chẳng hề, cuộc sống đã cho ông biết bao khổ đau và cũng biết bao hạnh phúc, nhưng bản thân chính mình không thể tin được rằng có ngày dở khóc dở cười như thế này đây. Thế rồi…


“Nhẹ thôi… Kẻo đau” Ông bỡn cợt mà nước mắt cứ trào ra, trệu trạo trong miệng. Anh bần thần một lúc lâu, nhìn phía bên dưới mình tấm thân trần không một mảnh vải, ngọn đèn dầu tắt phựt. Anh rúc đầu vào cổ, vào ngực để hít hà, để cắn xé đến chảy máu tựa một con thú bạo tàn mất đi lý trí. Ông thấy khuôn mặt đỏ au, mí mắt căng, người mát lạnh vì mồ hôi tuôn ra như tắm, đưa tay lên vuốt mái tóc bồng bềnh, ướt nhẹp của anh, nước rỉ xuống văng ra theo từng nhịp, từng hơi thở phả ra sương. Tiếng rên rỉ trong ánh đỏ như nung, cành tre đung đưa, nhịp nhàng, tấm màn mắc ngoài hiên nhè nhè nhẹ, nhịp nhàng theo tiếng cọt kẹt của chiếc giường.


Cơn đau vẫn ở đó, nếu không phải vì những hớp hôn nghẹn ngào, những lần cào da xé thịt lên anh có lẽ ông đã phải thét, phải gào lên vì đau đớn muôn phần. Anh khóc, nước mắt rơi xuống miệng ông, mằn mặn, sao mà giây phút giao hoan lại buồn thay, lại đắng cay thay, lại nhục nhã thay, chung đụng xác thịt cớ sao lại mang nhiều tội lỗi và gánh nặng đến vậy, ông tự hỏi mình.


Mặt trời đã ló dạ hoàn toàn, cuộc làm tình cứ thế mà kết thúc, không phải trong sự sung sướng tột đỉnh mà là sự ê chề, mất mặt không tả được. Tất cả đã tụ họp về cái ngày định mệnh này, tất cả… “Đừng đi…” Anh nói không ra hơi nhưng vẫn cố gượng lần cuối trước khi lịm đi trong giấc ngủ an lành.


Ông đợi đến khi anh đã chìm sâu vào cơn mê man rồi chuẩn bị một cách nhanh gọn hết sức có thể những vật dụng, thùng dầu, gánh dầu, can dầu,... Nhanh nhưng cực kỳ khẽ khàng, ông phải đi, phải đi khỏi cái ngôi làng này, không phải bằng con đường dẫn tới bãi biển xanh thẳm mà là bằng cây cầu vắt ngang qua sông ấy, ông muốn vào đấy xem cái sự đáng sợ mà anh đã kể như thế nào… Xong xuôi mọi sự ông vẫn chưa đi vội, đứng lại một khắc để xem người mà ông đã cùng lớn lên, cùng trải qua mọi bể dâu của cuộc đời với ông, lồng ngực của anh phập phồng cùng chiếc chăn thật mỏng đã bươi vài phần. Ông cúi xuống hôn lên gò má, lên mắt rồi môi “Tôi yêu chú… Chú biết rõ mà…” Ông nói rồi dứt áo ra đi. Ngoài trời nắng đã lên tận đỉnh đầu, tiếng rôm rả của đám người trong làng lần đầu khiến ông cảm thấy nhẹ bớt phần nào, đã đến cây cầu đấy rồi, sau vài giây chần chừ ông bước lên đó, định mệnh là đây, sống chết cũng là đây…


“À… à… con đến với bố mẹ liền…” Ông nói thầm


Anh thấy mình đang đi trên con đò, ai đó vang lên câu vọng hò nghe quen thuộc đến lạ:


Trăng kia hững hờ 

Lấp lánh ánh bạc 

Rọi bóng hàng cây 

Dềnh dàng hơi thở

 Ẩm ướt hơi sương 

Gió kia bạc nhược 

Mang theo ánh nhìn 

Mênh mang mờ mịt 

Con đò dọc sông 

Lầm lỡ trôi ngang 

Cây cầu vắt ngược 

Ôi sao buồn hiu 

Người lái ngồi im 

Hành khách động đậy 


Bầu trời bây giờ chỉ có một màu máu tươi, đỏ lòm, lòng sông đen kịt bốc lên mùi hôi thối nom rất tởm, anh muốn ói, loay hoay một lúc, thấy mặt của người lái đò, là bà đồng hôm qua, anh liền giật nảy mình, sợ hãi. Anh thấy xác người trôi vật vờ trên mặt nước, không rõ mặt mũi chỉ có làn khói mờ che phủ đôi mắt, anh thấy ông chồm lên mặt nước kéo mình xuống làn nước. Anh ré lên, tay chân vùng vẫy


“Anh ơi! Anh ơi…” 


Bật dậy, anh không thấy ông đâu. Rốt cuộc cơn ác mộng hồi nãy báo hiệu cho điều gì, cho cái chi? Anh liền lao ra khỏi nhà, chạy tới cây cầu ấy. Anh thấy một đám người đang hò câu hát


Tiếng nói thều thào 

Tiếng nói rền rĩ 

Ai đi qua sông 

Mà quên đường về 

Ai đi qua cầu 

Mà quên mất mẹ 

Mùi sương lãng đãng 

Theo hương ngút ngàn 

Cô độc trong lòng 

Cô đơn thịt da 

Đâu? Ánh trăng mờ!


“Chú bán dầu hồi nãy té nước mà chết rồi…” 


Anh nghe đám trẻ trong lũ người tụ tập thành đống bên cạnh bờ sông. “Thế là hết rồi!... Anh ơi… Anh ơi… Sao lại bỏ em một mình” Anh la hét đến khản đặc cả cổ, đến chết đi sống lại, lao xuống dòng sông, không ai kịp kêu lên câu nào, phải một lúc lâu sau mới có người kéo anh ngược lại


“Sao mấy người lại kéo tôi lên! Hồi xưa chả phải chính mấy người đã muốn đưa tôi xuống à!” 


Anh điểm tội người trong làng, không ai trả lời anh, họ tưởng anh điên rồi, cũng như hồi xưa… Và anh nghe tiếng bìm bịp thổi kèn, tiếng le le đánh trống, dài thật dài, sầu thật sầu. Ai vui chung mà sầu riêng vậy. 

 

Người ta trên khúc sông đó vẫn nghe đám trẻ hát bài ca dao. Dòng sông vẫn êm ả trôi đi mặc cho thời đại của con người nối tiếp lẫn nhau…



“Bắc kim thang

Cà lang bí rợ
Cột qua kèo
Là kèo qua cột
Chú bán dầu
Qua cầu mà té
Chú bán ếch
Ở lại làm chi
Con le le đánh trống thổi kèn

Con bìm bịp thổi tò tí te tò te”

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout