Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai. [1]
Năm Thiên Đức thứ mười, Yên Kinh nổi trận can qua. Thượng thư bộ lại, tên gọi Khanh Sơn, theo hầu Cao Hoàng Đế di giá về Lăng Kinh chuẩn bị cho tế tổ lại mang lòng bất chính, nghe kẻ khác xúi bẩy mà lập mưu giết vua. Hắn bị bắt ngay khi đương cấu kết cùng một viên thái y toan hòa bột chu sa vào trà nóng dâng lên cho Cao Hoàng Đế. Phép nước bất dung tội mưu phản tày đình như vậy, thế là ngay trong đêm ấy, liền đến ba đạo thánh chỉ được sứ quan truyền về Yên Kinh, giao cho quan hành khiển họ Nguyễn dẫn quân tróc nã khắp nơi để lùng bắt cho hết phường phản tặc.
Tháng bảy trời đổ mưa. Ào ạt hung hãn chứ chẳng có còn phơ phất như giăng sương như tháng giêng. Nước lạnh trút từ muôn tầng cao xuống mặt đất, tưới mát cho cây cỏ, gom góp thành dòng chảy đổ vào sông và làm nó dậy sóng.
Giọt nhỏ tí tách, đẩy nước trong chậu đồng chạm đến nấc nhỉnh hơn một chút. Cao Huân gác lại quyển binh thư khi bị tiếng sấm chớp bên ngoài làm cho giật mình. Chàng toan gọi thằng hầu đóng cho chặt mấy ô cửa sổ bên chái nhà phía đông thì không thấy nó đâu, ngẩn ngơ một lúc rồi nhìn sang lậu hồ mới hay giờ đã là nửa đêm canh ba. Kẻ hầu người hạ lệ thường đến giờ này đều đã được nghỉ ngơi, nào còn ai túc trực ở thư phòng. Vậy là chàng nhổm người đứng dậy, đi đến chỗ cửa để nhìn xem trận mưa này hung đến đâu mà tiếng cây xào xạc, rồi cả tiếng gió rít giữa đêm lại át được cả tiếng guốc gỗ của chàng khua trên nền gạch. Dễ phải đến dăm ba năm nay rồi mới có một trận gió mưa tan tác đến nhường này, chàng tự nhủ, cơ chừng là đám dân phu đắp đê phải thức trắng đêm nay. Đoạn chàng cẩn thận đi dạo một vòng khắp gian nhà, tự tay kiểm xem đám người ăn kẻ ở đã đóng cửa nẻo chắc chắn hay chưa. Chái nhà đông là mấy gian buồng ngủ của cha mẹ và vợ chàng nên hẳn chúng cũng chẳng dám lơ là, còn ở gian này, thường chàng không hay cho đám con Mơ con Mận bén mảng đến, nên cũng thật chột dạ đôi chút vì thằng Mỡ - cái đứa nhận phần dọn dẹp, hầu cận chàng – lắm khi quen thói đánh trống bỏ dùi mà quên sập cửa hay cài then. Thư phòng này chất toàn sách vở, chỗ này vài quyển binh thư, chỗ kia lại dăm tờ sớ tấu đương soạn dở, chỗ kia nữa lại có ngự bút của quan gia,... âu cũng toàn là thứ chữ nghĩa đáng giá hơn cả bạc vàng, cái đống này mà dính vài giọt nước mưa mười mươi sẽ hỏng hẳn. Chàng chậm rãi đi lại trong phòng mà nghĩ ngợi như một ông quan văn lẩm cẩm như vậy, dù kỳ thực cái chức đô chỉ huy đồng tri tòng tam phẩm chàng mới giữ có hơn hai năm và chàng mới chỉ đang ở tuổi ngoại tam tuần sung sức, minh mẫn. Song, Cao Huân lại nghĩ thêm rằng có cẩn trọng chẳng phải là đúng lời dạy của Quận vương hay sao? Từ ngày các tướng lĩnh và văn nhân theo phò trợ cho quan gia thời còn ở Thanh Giang được ban thưởng, phong tước, khoác lên cân đai áo mão rồi dựa vào đó mà phân ra cao thấp lễ nghi thì đã chẳng khác gì là thay da đổi thịt. Quan trường nào giống như chiến trường, chỉ sơ suất nhỏ cũng sẽ mất mạng, mà còn chẳng phải mất riêng mạng mình.
Đột nhiên, lúc giơ tay định quạt tắt ngọn đèn leo lét, Cao Huân nghe thấy như có tiếng đập cửa inh ỏi lẫn trong tiếng gió rít mưa rơi. Ai đó đang gọi tên chàng thì phải. Đoạn rồi chàng mở cửa phòng mà rảo bước ra thềm, ngóng xem lão giúp việc già dẫn khách nào vào bái phỏng lúc đêm hôm như vậy.
“Cao Huân tướng quân, là tôi đây, là tôi đây.” Cửa vừa mở thì kẻ kia xô ngã ông lão mà chạy thục mạng vào, vừa chạy vừa gào lên.
“Nhà anh là ai?” Chàng nheo mắt, cố nhìn qua màn mưa như trút khuôn mặt mếu máo của hắn.
“Là Doãn Hạc, Lê Doãn Hạc, bạn của ngài đây.” Kẻ kia nghe thấy tiếng chàng nói vọng ra thì tìm được hướng, liền chạy vội đến trước thềm quỳ sụp.
Cao Huân vừa lọt tai tên khách đã giật nảy mình mà lao ra đỡ hắn dậy. Lê Doãn Hạc vừa là bạn đồng mông, vừa là bạn đồng hương của chàng, vì thế nên hắn như khách quý của chàng vậy. Thế nhưng, khi lại gần hơn, chàng mới phát hiện ra cả thân hắn bốc mùi máu tanh mà nước mưa không thể gột sạch được. Tóc búi gọn gàng thường khi của đám học trò ở Văn Viện giờ bị xổ tung, rối bù. Còn quần áo hắn khoác trên người thì rách nát tơi tả vì bao vết gươm giáo chém vào. Nom bộ dạng này nào đâu phải của một giám sinh nho nhã của Văn Viện mà giống kẻ tội nhân khốn khổ bị tróc nã hơn. Cao Huân là tay đã kinh qua bao phen chiến trận, lại vùng vẫy mấy thuở trai trẻ nên tức thì đoán được có chuyện chẳng lành. Chàng cố đỡ bạn dậy để hỏi cho ra nhẽ, song Doãn Hạc một mực cứ quỳ sụp mà dập đầu xuống nền gạch lênh láng nước mưa.
“Tôi xin ngài, tôi xin ngài cứu các em tôi, cứu thầy tôi với.” Doãn Hạc sụt sùi, nức nở như vậy.
“Anh đang nói gì thế? Anh đứng lên, đứng lên nói rõ mọi sự cho ta hay.” Chàng túm lấy vai kẻ thư sinh mảnh khảnh, dùng hết sức võ biền mà lay cho hắn tỉnh táo lại.
“Khanh Sơn bị gán tội giết vua, nửa đêm qua đã bị giải về kinh thành.” Gã thư sinh nấc lên. “Khốn nạn cho thầy tôi, sáng nay binh lính của quan hành khiển ập đến nhà, vu cho thầy tôi đồng lõa rồi trói gô đi rồi. Anh em tôi khi ấy không có nhà nên mới chạy thoát được...”
“Nhưng sao lại ra cơ sự này? Khanh Sơn nhẽ gì lại mang tội giết vua? Còn thầy của anh nữa, cụ đồ Vân Tiêu ăn ở đức độ đến nhường ấy cơ mà?” Cao Huân choáng váng trước những gì mà Doãn Hạc kể, chàng không tin vào điều vừa nghe nên dồn dập hỏi lại. Khanh Sơn là đồng liêu với chàng, khí khái ngay thẳng lại cúc cung tận tụy, chàng có thể thề độc với trời hắn chẳng có gan mưu toan chuyện phản nghịch như thế.
“Ngài còn lo cho Khanh Sơn sao?” Doãn Hạc gào lên, gã quát vào mặt chàng. “Quan hành khiển rồi cũng sẽ điểm tên ngài, ngài phải mau chạy đi, trốn đến chỗ Quận vương mới có cơ sống sót. Nhanh lên, ngài phải cho ngài ấy biết Yên Kinh sắp thành bể máu rồi.”
Doãn Hạc dứt lời, sấm chớp trên trời lại giáng xuống liên hồi. Cao Huân choáng vàng, chàng thẫn thờ buông thay khỏi người bạn. Từng đấy thôi cũng đủ để chàng rõ cơ sự này rồi. Trong nhà, đám người ăn kẻ ở, cả vợ cùng cha mẹ chàng đều đã lục đục dậy châm đèn. Tựa hồ họ đã nghe thấy chuyện ồn ào ngoài này. Rồi Doãn Hạc giật thót, gã áp tai xuống nền gạch. Có tiếng bước chân, cả tiếng vó ngựa nện đều đều nữa, gã thính lắm nên không sai khác được. Lần này đến lượt gã túm lấy Cao Huân để lay cho thoát khỏi cơn sững sờ, gã luôn miệng giục chàng bỏ trốn đi vì quân lính đang đến đây. Gã tả cho chàng hay cảnh tượng bắt bớ, chém giết sắp diễn ra, cả cái dinh cơ này sẽ tan hoang trong đêm nay thôi. Và nếu chàng còn chần chừ ở lại nữa, thì sẽ chẳng có ai báo tin được cho Quận vương ở ải nam. Gia đình chàng, gia đình hắn, gia đình của bao bạn bè đồng liêu sẽ tan nát hết thảy, cả bãi đất phía tây thành sẽ nhuốm đỏ máu oan khiên.
Tai chàng ù đi. Mưa vẫn quất vào mặt, vào người chàng những nhát đau rát. Chàng nghe có tiếng guốc gỗ bước đến bậc thềm, vợ chàng đang đứng đó. Đôi mắt nàng ngập nỗi bất an, có lẽ cái linh tính của một người đàn bà đã cho nàng hay giông tố đang ập đến nơi này. Nàng đứng lặng ở đó và nhìn chàng đầy hoang mang. Còn Doãn Hạc, gã vẫn cuống cuồng thúc giục chàng chạy trốn. Cao Huân lắc đầu quầy quậy, chàng nào có thể đành lòng mà bỏ mặc người vợ hiền và song thân ở lại? Chàng hất ngã Doãn Hạc. Chàng quát nạt hắn và khướt từ trốn chạy. Chàng không tin chuyện đổi trắng thay đen tráo trở, biến người hiền lương thành kẻ gian ác trong chớp nhoáng như thế. Nhưng Doãn Hạc cũng không chịu thua, hắn lôi chàng đi. Lẫn trong tiếng mưa, tiếng người ngựa đã rầm rập rõ ràng. Binh lính đang ùa đến đây.
“Đi đi, Cao Huân. Ngài cứ ra cửa, ngựa của tôi còn ở đấy, ngài cứ cưỡi nó mà chạy về phía nam. Nhanh lên Cao Huân, ngài có đi mới cứu được thầy tôi, cứu được các em tôi, cả bạn bè của chúng mình nữa.”
“Ta sẽ đi, nhưng đưa cả vợ và cha mẹ cùng đi.” Cao Huân nắm chặt tay thành nắm đấm chàng nặng nề thốt ra quyết định của mình.
Kế đó, chàng ra lệnh cho đám người ở chuẩn bị xe ngựa, lại căn dặn thu xếp chuyện tiền công cho chúng. Dinh cơ chỉ canh trước còn êm đềm chìm trong mộng mị, giờ tán loạn như tổ ong vỡ. Kẻ tìm đường thoát thân, kẻ vơ vét kiếm thêm đôi đồng bạc. Còn Cao Huân, chàng thúc giục vợ thu dọn tay nải để theo lối cửa sau toan bỏ trốn. Thế nhưng, cái sự tính toán của chàng hóa ra chẳng được như ý, binh lính ập vào khi gia đình chàng chỉ vừa bước ra sân. Còn Doãn Hạc, gã đã bị trói nghiến lại, nằm lăn lộn trên nền gạch. Quan hành khiển họ Nguyễn nhìn Cao Huân, nhìn cả tay nải trên tay vợ chàng, khuôn mặt ông lạnh tanh. Chàng chẳng còn đường nào để chạy nữa rồi, binh lính bao vây khắp trong ngoài nhà, trên tay chúng gươm đao đều đã tuốt vỏ sẵn. Ánh chớp lại lóe lên lần nữa, quan hành khiển chậm rãi rít qua khẽ răng.
“Đô chỉ huy đồng chi Cao Huân, can dự vào việc bày mưu hại thánh thượng. Lệnh trên ban xuống, bắt cả nhà về chịu tội.”
*
* *
Nhất thủy.
Thứ nhất là nước.
Trà muốn ngon, ắt nước phải sạch.
Thiếu nữ vừa nghe mưa gõ lộp độp trên mái nhà liền vào trong bếp lấy ra chiếc thau sạch đem ra để trên nắp cái lu rỗng kê sẵn ở giữa sân. Cả năm nay, mỗi bận trời đổ mưa, nàng đều làm vậy trong sự hiếu kỳ của Cao Huân. Nhớ độ một năm trước, lúc chàng trèo tường trốn vào vườn kia, lúc mắt mũi hoa lên hình như cũng là thấy nàng khoác áo tơi, đội nón lá sen tay cầm thau giống thế.
Trời mưa ngày một lớn, chàng nhìn cảnh đất trời u ám như vậy thì trong lòng lại trộm nghĩ về cảnh thảm sầu vào cái đêm Doãn Hạc chạy đến báo tin. Cao Huân thẫn thờ xỏ chân vào đôi guốc gỗ, chàng gieo từng bước về phía khung cửa gỗ, bước qua bậc mà ngước lên trời cao. Đêm ấy chỉ có mình chàng trốn được khỏi dinh cơ, còn Doãn Hạc, còn vợ và cha mẹ chàng bị đeo gông giải đi. Chàng không nhớ mình làm cách nào mà đến được vùng Đào Nguyên heo hút này, rồi làm cách nào mà tấm thân tàn dại vì thương tích cung kiếm lại vượt qua được bức tường bao kia để nằm ngất trong vườn cây của chủ nhà này. Chàng cũng chẳng nhớ từng nằm mê man bao lâu trên chiếc giường kê ở góc nhà nữa, chỉ biết rằng khi tỉnh lại mới hay đã quá muộn mằn. Bạn bè chàng, thầy dạy của chàng, cả cha mẹ lẫn nàng Mai đều đã bị xử tử cùng ngót đến vài trăm mạng người nữa. Quận vương ở ải nam không kịp về Yên Kinh, thánh thượng trong cơn nóng giận lại nghe lời đơm đặt đã hạ lệnh ban án tru di tam tộc những kẻ có liên quan. Chàng khi đó chỉ vừa đứng dậy được, hay tin dữ ấy thì phun ra một ngụm máu tươi rồi ngã quỵ, tiều tụy cho đến tận bây giờ. Nếu không phải số trời chưa tận mà có người cưu mang, có lẽ cũng đã thác xuống tuyền đài gặp lại gia quyến, bằng hữu rồi.
“Trời mưa lạnh thế này, ngài đừng đứng mãi ở đấy.” Thiếu nữ chỉnh lại dây quai nón, thoáng thấy bóng chàng đứng ở bậc thềm thì cất lời nhắc như thế.
“Múc cho tôi một bát, tôi uống cho đỡ xót ruột.” Cao Huân thều thào.
“Ngài làm sao mà uống được nước mưa, ví thử bệnh trở nặng khéo cụ lang lại quở tôi mất.” Nàng đáp. Tay bưng lấy chậu nước trong veo. “Với lại nước này cũng chẳng phải để ngài uống sống.”
“Thật là tôi xót ruột lắm. Cô thương tôi thì cho tôi xin một bát.” Chàng nài người thiếu nữ. “Không thì một vốc thôi cũng được.”
Thiếu nữ nghĩ ngợi đôi chút, đoạn, nàng cởi áo tơi, bước vào nhà lấy cái chén mắt trâu nhỏ để múc nước đưa cho chàng uống. Thứ nước ấy quả thực mát lành, nhấp thử một ngụm thôi, cả khoang miệng đắng ngắt bỗng thấy vị ngọt thanh, trôi qua cổ họng khô cháy thấy như ruộng hạn được tưới tắn, đi vào bụng lại tức thì xoa dịu được cơn nóng ruột cồn cào. Cao Huân uống hết chén nước, vẫn còn háo thêm liền đưa tay ra, người thiếu nữ thì chỉ lắc đầu bê chậu cất đi. Nàng nói, nước này là để dành pha trà cả năm. Còn chàng nhìn màn mưa, nhìn những giọt gianh tuôn ngắn dài trước mắt, trong lòng chợt thấy phảng phất tiếc nuối.
Chú thích:
[1] Vế đối của Đặng Trần Thường đưa ra cho Ngô Thì Nhậm.
Bình luận
Chưa có bình luận