Nhẽ trời đất thường khi gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này? [1]
"Nhà anh nghĩ kỹ chưa?"
Quận vương rót trà vào chén quân mời Cao Huân. À... cũng không phải, quận vương của năm ấy chưa phải là quận vương. Người chỉ là cậu cả mà thôi. Cậu cả, con trưởng của chủ soái. Gia thần, nô bộc trong nhà chủ soái gọi người như thế, nên đám tướng lĩnh trẻ tuổi mới đầu quân về Thanh Sơn như Cao Huân cùng bắt chước theo. Dẫu cho, cậu cả không thích cách gọi này. Đôi lần, cậu nửa đùa nửa thật trong bữa rượu nhạt, rằng mọi người cứ gọi bằng tên. Thời tao loạn, họ đều xông pha trận mạc, chia ngọt xẻ bùi, tình nghĩa nào khác gì anh em một nhà, cớ gì cứ phải giữ lễ. Chàng quý cậu cả, quý cái lý lẽ đấy. Nhưng nghe theo lời lão tướng họ Nguyễn nên chẳng đổi cách xưng hô. Lâu dần thành quen, cậu cả cũng không còn nhắc đến chuyện sửa lại nữa. Khanh Sơn thầm bàn sau lưng, lão tướng thật có đôi mắt tinh tường, hiểu thấu cách đối nhân xử thế. Sau đấy rất nhiều năm, chàng mới vỡ lẽ kỳ thực không phải đôi mắt lão tướng tinh tường, mà là ông không muốn để chàng thân thiết với cậu cả. Sóng gió nổi lên từ khi ấy, trong lòng quân, giữa các tướng lĩnh.
Cậu cả thích uống chè. Giống Khanh Sơn và Doãn Hạc. Cậu cũng có cái thú tự tay pha chè mời khách đến chơi. Cao Huân biết tính cậu, chàng cũng vui vẻ uống, vui vẻ nghe cậu bình phẩm nước chè ngon hay dở.
"Bẩm cậu, tôi đã nghĩ kỹ rồi. Tôi muốn hỏi cưới cô Lệ Mai, em họ cậu." Chàng thanh niên Cao Huân dõng dạc đáp. Dẫu ngồi trên chõng tre ngoài sân, nhưng chàng vẫn có cảm giác nàng đang nấp ở đâu đấy mà nhìn lén ra chàng, xem chàng thưa chuyện với cậu cả ra làm sao.
Cậu cả không đáp lại ngay. Cậu uống hết chén chè, đôi mắt đồng thau của cậu ngước lên nhìn tán cây. Dường như cậu đang nghĩ lung lắm. Cái dáng vẻ ấy làm Cao Huân ái ngại, chàng sợ cậu sẽ cấm cản mối duyên này. Dẫu sao... Lệ Mai cũng là em họ của cậu, cháu họ của chủ soái. Kể từ sau trận hãm ở Kim Lăng vào năm Dậu, cô cả bị giặc bắt đi, cả cậu lẫn chủ soái đau đớn khôn nguôi nên bao sự thương yêu, chiều chuộng cho cô cả họ đều dồn hết cho Lệ Mai. Chàng lo lắm. Trong số các tướng lĩnh, chàng không phải người sang quý gì, cũng chẳng giàu có, tài học thua kém đám văn nhân như Khanh Sơn, Doãn Hạc. Liệu rằng bậc tôn trưởng có bằng lòng gả nàng cho chàng chăng? Hay là họ lại chê chàng đũa mốc đòi chòi mâm son?
"Cao Huân này, dựng vợ gả chồng là chuyện đại sự cả đời người. Đáng lý ra, anh phải hỏi ý song thân mới phải." Cậu cả rót thêm một chén nước chè nữa, nhẹ nhàng nói.
"Bẩm cậu, tôi theo quân đến nay cũng đã năm năm có lẻ. Thầy mẹ tôi ở Quan Sơn, đường xá xa xôi, lại vướng bận việc quân nên quả thực tôi chưa hỏi ý họ được. Nhưng tôi cho là họ cũng sẽ ưng thuận thôi." Cao Huân thận trọng đáp. "Còn về lễ nghĩa, tôi đã nhận Nguyễn tướng quân làm thầy, ông ấy thay mặt thầy mẹ làm chủ..."
"Thế nhà anh đã hỏi ý Nguyễn tướng quân chưa?" Cậu cả ngắt lời chàng. Khuôn mặt tuấn tú có nét bất đắc dĩ.
Cao Huân khẽ lắc đầu. Chàng chưa hỏi ông ấy, nhưng chẳng phải ông ấy đã ra mặt làm mai cho vài người trong quân rồi hay sao? Đều xuôi chèo mát mái cả, chàng có gì khác với họ đâu nào.
"Anh..." Cậu cả thở dài, uống một ngụm nước chè nữa. "Cậu mợ tôi mất từ lúc nó còn nhỏ, bố mẹ tôi nuôi cái Mai từ đấy đến nay, không khác em Ngọc Trúc của tôi là mấy. Nó có ý với anh, tôi đã biết, cũng không muốn cấm cản. Có điều... nếu anh lấy nó làm vợ thì tức là cũng sẽ thành em rể tôi, thành con rể họ Triệu. Anh phải nghĩ cho kỹ."
Phải mất một lúc, đến tận khi cậu cả châm nước lần thứ ba, Cao Huân mới hiểu được ý trong lời cậu. Nguyễn tướng quân không ưa họ Triệu. Khanh Sơn từng nói thế. Tay ấy vẽ ra đủ thứ hươu vượn về Nguyễn tướng quân, về họ Triệu, về những co kéo ngả nghiêng giữa họ. Năm nay đã sang năm thứ sáu của chiến loạn. Tin thắng trận từ Ải Bắc, từ La Thành, Kim Lâu được truyền về nối nhau. Ngày thiên hạ thái bình chẳng còn xa nữa, nhưng khi ngày ấy đến... Chàng mơ hồ là người xung quanh mình đều sẽ khác đi nhiều.
"Bẩm cậu, năm xưa tôi tìm lên Thanh Sơn đầu quân dưới trướng chủ soái là để đánh giặc. Giờ vẫn thế." Cao Huân thành thật. Lòng chàng ngoài những chuyện trận mạc binh đao ra thì chẳng còn gì nữa. Họ Triệu hay Nguyễn tướng quân cũng đều là quân mình chứ nào phải giặc, sao chàng phải kiêng dè, phân bì họ? Rồi chàng nói thêm. "Sau này chủ soái làm lên nghiệp lớn, tôi cũng chẳng muốn khác đi."
Cậu cả nhìn chàng. Cơ hồ cậu đang cân đo đong đếm kỹ lắm, xem lời chàng vừa nói có mấy phần thật mấy phần dối. Nhưng rồi cậu cũng thở hắt ra, tay đưa lên xua xua như thể không muốn tính toán nữa. Cậu quay vào trong nhà, gọi cô em họ đang đứng nấp sau cánh cửa bức bàn ra pha cho mình một ấm nước chè mới.
"Khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Nhà anh thật như đếm, tôi còn biết khuyên can thế nào nữa đây? Thôi thì gả cái Mai cho anh đấy. Về mà sửa soạn trầu cau đem sang nhà tôi thưa chuyện, chỗ bố tôi, mẹ tôi sẽ nói hộ cho vài câu." Nói rồi, cậu cả nhìn sang cô em họ đang thẹn thùng đứng ở đầu chõng tre. "Anh chiều ý cô cũng chỉ đến thế này thôi. Sau này sướng khổ gì cô tự chịu lấy."
Sau này của Lệ Mai là khổ. Nàng cứ héo hon dần, vì bệnh tật, vì những lo toan cho con đường đi gập ghềnh chàng lựa chọn, vì nàng mang họ Triệu.
*
* *
"Nhà anh là ai?" Giọng ráo hoảnh, xa lạ làm Cao Huân dứt khỏi những chuyện xưa. Chàng nheo mắt, khuôn mặt người khách vừa như là nàng lại vừa như không phải.
"Chị Lệ Mai, ông ấy là cái người em đã thưa với bà và các chị hồi trước đấy ạ." Quế Hoa vội đỡ lời. Nàng ngồi xuống bên cạnh, đưa tay cho chàng vịn vào để đứng dậy. "Chị đừng giận ông ấy, chắc nghe tên chị ông ấy lại nhầm sang người nhà."
Người khách liếc nhìn chàng một lượt, ánh mắt dò xét.
"Ba đồng một mớ đàn ông. Mua về bỏ lồng cho kiến nó tha." Lệ Mai đội nón lên, nàng nguýt dài giễu cợt. "Em tôi cưu mang ông chứ chả phải tôi. Ông ăn ở làm sao cho không thẹn với lòng, ngày sau đừng thấy trăng quên đèn mà uổng công nó...."
"Kìa, chị Lệ Mai."
"Tôi nhận nhầm cô Lệ Mai với cố nhân nên mới sỗ sàng thất lễ, xin cô thứ tội cho." Cao Huân chắp tay, cúi người. Người khách quả thật không phải vợ chàng. Nàng ấy không ngoa ngoắt thế này.
"Ôi chao, nhầm sao mà nhầm khéo thế. Nhưng thôi, em tôi đã nói ông nhầm thì là nhầm." Người khách bước đến bên nàng thiếu nữ và dặn dò. "Lần sau, tôi sẽ lại ghé thăm cô em. Bà dặn tôi chuyển lời cho cô em, rằm tháng này đừng ra khỏi nhà."
Nói rồi Lệ Mai lại leo lên ngựa ra về. Tiếng hát trong trẻo của nàng, cả tiếng vó ngựa lộc cộc thoáng chốc im ắng hẳn. Cao Huân vẫn đứng ngoài sân, chàng thất thần nhìn theo hướng nàng đi, nhưng chẳng biết từ bao giờ hình bóng nàng đã tan biến dưới cái nắng ban trưa. Ngày hôm ấy, chàng không nói thêm lời nào với Quế Hoa.
Buổi tối, Cao Huân nằm trằn trọc trên giường tre. Chàng trở mình hết bên này sang bên kia, trong đầu nhớ lại người khách buổi sáng. Nhưng chàng không thể hình dung ra được khuôn mặt của Lệ Mai, dẫu chàng đã nhìn thấy rõ lúc nắm lấy tay nàng. Khuôn mặt ấy giờ dường như bị sương khói che phủ đi mất, chỉ còn lại vài nét mờ nhạt mà thôi. Đấy không phải vợ chàng, thế nhưng sao chàng vẫn có cảm giác như đã quen biết từ lâu. Đột nhiên, mấy lời Quế Hoa nói với Lệ Mai cũng văng vẳng bên tai chàng. Từng câu từng lời rõ mồn một. Mồ hôi túa ra trên trán Cao Huân, chàng nhẹ nhàng bước xuống giường, tay với lấy thanh đoản kiếm vẫn thường đặt dưới gối thật thận trọng.
Quế Hoa hay thức đêm để xao lá chè. Trước khi làm bắt chảo rang, nàng hay pha một ấm chè để uống cho tỉnh ngủ. Nàng ngồi trên chõng tre, tay phe phẩy quạt mo cau, vừa nâng chén quân vừa ngắm trăng mười tư sáng vằng vặc trên trời. Tóc nàng thả xõa xuống một bên vai, ống tay áo màu chàm phất phơ theo từng nhịp đưa quạt. Nàng lén nhìn về phía chái nhà đằng đông, nơi Cao Huân đang nằm. Đèn đã tắt, ắt là chàng đi ngủ rồi. Thế cũng tốt, nàng cứ lo chàng sẽ nghĩ ngợi về chuyện với chị Lệ Mai. Trong số các chị em ở sơn trang, chị ấy là người nóng tính, cay nghiệt nhất, nhưng cũng hay thương người. Chị thương nàng phải lặn lội vất vả nên mới không ưa chàng. Cao Huân nghe tên chị hẳn nhớ đến người vợ kia. Nàng thoáng ủ dột, chàng còn nặng lòng với chị ta lắm mới tha thiết gọi tên chị ta cả lúc thức lẫn lúc nằm mê. Ấy thế mà... nàng ngả người xuống chõng, chống tay tựa đầu, vừa hờn vừa tủi. Rồi nàng thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ chập chờn, nàng thấy mình tựa con diều giấy, theo gió phiêu du đi khắp chốn. Nàng thấy chị em ở sơn trang đang dựng lầu gác, đang vây quanh hầu trầu nước cho bà, đang đàn hát vui chơi quên tháng ngày. Ai nấy cũng mang một vẻ dịu dàng, thanh tân thoát tục, không cục mịch thô lậu như nàng. Rồi nàng lại đi theo cơn gió mát, về đến chốn xưa, nơi có căn nhà, có mảnh vườn, có cô con gái độ trăng rằm ngồi thưởng trà dưới tán cây hoa mộc đang nở rộ, bên chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú. Đôi mắt nàng con gái ấy trong veo, chăm chú nhìn chàng thanh niên chậm rãi tráng ấm, châm nước, rót trà.
"Pha trà kỳ thực là biết nước nào vừa với trà nào, nóng lạnh ra làm sao. Trà ngon cũng phải thuận theo đất trời. Xuân, hạ, thu, đông mỗi mùa mỗi thức, hợp cảnh hợp thời uống vào mới khoan khoái, khỏe mạnh được."
"Sao chàng phải dặn dò em kỹ thế này?"
"Tôi sợ không dặn em thì lúc tôi tòng quân vắng nhà, em lại bỏ uống mất lạng trà ngon của tôi."
Nàng đứng dưới gốc cây hoa mộc nghe người con gái và người con trai chuyện trò với nhau. Thế rồi... thế rồi chỉ còn lại người con gái ngồi đấy. Chơ vơ, đơn độc. Những giọt lệ trào ra từ khóe mắt của nàng làm nhà cửa, vườn tược lẫn cả người con gái đều nhòe nhoẹt đi. Nàng lảo đảo bước thêm vài bước, muốn chạm vào nàng ta, nhưng đúng vào lúc ngón tay nàng vươn đến, cái lạnh ngắt của lưỡi kiếm kề sát vào cổ làm nàng giật mình. Thoáng chốc, giấc mộng tan biến. Trước mặt Quế Hoa là Cao Huân đang cầm đoản kiếm chĩa về phía nàng.
"Cô là ai?" Chàng lạnh giọng hỏi. Ánh mắt chàng lóe lên một tia hung hãn, hệt như chàng đang đứng trước quân giặc trên chiến trường năm nào. "Người dưng nước lã, bèo nước gặp nhau, nhưng sao cô lại biết trong nhà ta có người tên Lệ Mai?"
Quế Hoa ngơ ngác nhìn người đàn ông đang kề kiếm vào cổ nàng. Lưỡi kiếm sắc tì vào da thịt mềm mại đã cứa thành vệt, nhoi nhói giống kiến cắn. Nàng là ai? Nàng là ai ư? Hình như nàng cũng chẳng còn nhớ được bao nhiêu. Hoặc giả là nàng không quên, nhưng nàng không muốn nhớ lại nữa.
Chú giải:
[1] Trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, do Đoàn Thị Điểm dịch.
Bình luận
Chưa có bình luận