Tứ chén (thứ tư là chén uống)


Tiêu điều nhân sự đã xong,

Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.

Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ,

Quán thu phong đứng rũ tà huy.

Phong trần đến cả sơn khê,

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy,

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau!

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì. [1]


Quế Hoa cứ ngước nhìn Cao Huân. Nàng ngập ngừng, nửa muốn nửa không nghĩ đến chuyện trả lời chàng. Lòng chàng thiện lương, ắt sẽ chẳng vì những lời nghe hoang đường ấy mà lấy mạng nàng. Thiếu nữ ậm ừ, toan cất lời, nhưng nghe thấy tiếng người đàn ông ho húng hắng vì cơn bệnh, nàng lại thôi. Chàng đau thương nhường này rồi, cứ gì phải cứa thêm một nhát dao nữa. Nàng mím môi, quay mặt đi, để mặc chàng tùy ý xử trí mình.

Tay Cao Huân thêm lực, gằn lưỡi kiếm mạnh hơn nửa phần, cốt là dọa nàng chứ chẳng phải chủ tâm muốn làm hại. Chàng cứ nghĩ thân gái như nàng sẽ kiêng sợ đao kiếm mà nói hết ra những gì còn giấu diếm. Ngờ đâu nàng gan lì, cứ ngồi cam chịu chứ không hé răng nửa lời. Mãi đến khi ngửi thấy mùi máu tanh thoảng trong hơi lạnh của sương đêm, chàng mới giật mình, vội hạ kiếm xuống. Quế Hoa len lén nhìn chàng, đôi mắt nàng trong veo, không có nỗi khiếp sợ lẫn hờn giận, chỉ có một nỗi buồn man mác. Một năm trước, hình như lúc chàng mở mắt sau cơn mê man, nàng cũng nhìn chàng giống thế. Cõi lòng Cao Huân nhói lên, chàng hổ thẹn với nàng, bàn tay đang siết chặt chuôi thanh đoan kiếm dần thả lỏng. Chàng ném thứ từng nhuốm máu bao kẻ ấy ra xa một quãng. Vị tướng quân không biết phải làm gì với nàng thiếu nữ. Chàng ngồi xuống đầu chõng tre còn lại. hai tay đưa lên vò đầu. Cao Huân hối lắm, nàng nào đã làm hại gì đến chàng.

"Ông..." Quế Hoa ngồi thẳng người dậy. Nàng rụt rè thu người về đầu chõng còn lại. Trên cần cổ thon dài của nàng, máu tươi đang rỉ ra.

Cao Huân ngẩng đầu, chàng lấy ra cái khăn lụa quý giá vẫn luôn đem theo bên người, dè dặt đưa cho nàng, ra dấu là để nàng rịt vào vết thương kia.

"Cái thân tôi thì còn gì nữa đâu để phải sợ bị người ta hãm hại." Chàng tự giễu.

Quế Hoa không đáp lời, nàng cầm cái khăn, ngắm nghía đường thêu trên đấy. Có một cành mai nom cũng khéo lắm. Nàng cũng biết thêu, nhưng chắc không đẹp được như vợ chàng.

"Cô có giận mà gô cổ tôi nộp lên quan thì cũng đành." Không thấy Quế Hoa nói gì, Cao Huân càng rối hơn, chàng bực dọc với chính mình.

"Tôi không nộp ông lên cửa quan đâu." Giọng nàng khe khẽ.

"Thế... cô có biết tôi là trọng phạm triều đình không?" Cao Huân hỏi, chàng bồn chồn như ngồi trên đống lửa.

Nàng thiếu nữ gật đầu. Sao mà nàng không biết cho được. Cả năm qua, cáo thị rồi cả mõ rao khắp chiềng chạ các đạo, nàng cũng nghe phong thanh ít nhiều.

"Cô không sợ tôi à?" Cái sự thật thà của nàng càng làm chàng thêm giận. Chàng giận nàng, rồi giận đến chính mình.

"Ông là người chứ có phải ma đâu mà phải sợ." Nàng đưa tay che miệng, bật cười khúc khích. "Vả lại, đến ma tôi cũng còn chả sợ, huống hồ người sống như ông."

"Lắm lúc ma còn lành, còn có tình có nghĩa hơn người." Chàng cay đắng thốt lên.

Chợt, nàng than nhẹ một tiếng. Cao Huân nghiêng đầu nhìn kỹ hơn vết thương trên cổ nàng, chàng sững người khi thấy máu đã thấm vào cổ áo, loang thành mảng bằng ba đồng xu. Sốt ruột, chàng nhích lại gần, nhoài người kéo cái khăn nàng cầm hờ hững trên tay mà tự rịt vào thấm máu cho nàng. Mùi lá trà thơm thoang thoảng nhẹ chạm vào cánh mũi của chàng. Đấy là lần đầu tiên chàng chạm vào người thiếu nữ. Da thịt nàng mềm mại, nhưng lạnh đến nỗi chàng khẽ rùng mình. Chắc do sương đêm giăng xuống mà nàng lại mặc phong phanh, chàng tự nhủ. Đúng vào lúc chàng thất thần ấy, Quế Hoa ngả vào lòng chàng. Đôi môi thắm sắc trầu của nàng run rẩy hôn lên lồng ngực chàng. Hơi lạnh giờ trở thành một cơn buốt giá làm chàng sững sờ. Chàng đẩy nàng ra, luống cuống đứng bật dậy.

"Trai đơn gái chiếc ở chung nhà đã là phi lễ." Trống ngực Cao Huân đập dồn. Chàng nói một hơi. "Đẹp người đẹp nết như cô, nên chọn người tử tế mà gửi gắm... cần gì..."

Đêm thanh tĩnh đến quạnh quẽ, chỉ có tiếng côn trùng rền rĩ. Quế Hoa bẽ bàng bước xuống chõng, nàng cúi người nhặt khăn lụa vừa bị đánh rơi, thẫn thờ đem đến đặt vào tay chàng. Hàn khí tỏa ra từ người nàng ám cả vào khăn. Đoạn, nàng xoay người đi vào bếp sao lá trà. Đôi vai nàng khẽ run lên, nàng ngâm nga mấy câu hát bằng một giọng nghèn nghẹn.

Đêm đêm tưởng dạng Ngân Hà,

Bóng sao tinh đẩu đã ba năm tròn.

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,

Tào khê nước chảy lòng còn trơ trơ.

Cao Huân nhìn xuống cái khăn lụa, máu thấm vào cành mai, vừa khéo trông tựa bông hoa đang nở rộ. Chàng thấy lòng mình trĩu nặng. Có một thoáng, chàng toan níu tay Quế Hoa lại, nhưng hơi lạnh còn vương trên khăn làm chàng không thể cất bước nổi. Trên khoảng sân sáng trăng vằng vặc, cái chén men xanh quý nhất trong nhà đã vỡ tan thành từng mảnh tự bao giờ, nằm ngổn ngang dưới đất, lẫn vào với những sỏi đá chẳng đáng tiền.

*
* *

Cao Huân thức trắng đêm. Cũng trọn cả đêm ấy, chàng nghe thấy tiếng Quế Hoa sao trà. Mấy câu hát của nàng cứ lởn vởn trong đầu chàng, như gần như xa, như có như không. Đến lúc gà gáy, chàng tựa người tỉnh khỏi cơn mê mới nghĩ đến cái chén men xanh bị vỡ của nàng. Quế Hoa thích cái chén đấy lắm. Nàng cất nó trong một cái hộp gỗ thị có lót vải điều, chỉ thỉnh thoảng mới đem ra dùng. Nỗi áy náy vần vò đầu óc chàng. Sau rốt, khi không chịu được cái sự vần vò ấy nữa, chàng đội nón, trùm manh áo tơi mà rời khỏi nhà.

Ngày mười tư là phiên họp chợ. Cao Huân đi theo người làng tìm đến chỗ người ta bán buôn đấy. Chàng từng làm quan nên biết rõ cái thói dửng dưng của dân gian. Trọng phạm triều đình thì cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là thành gió bay lên giời cả thôi. Dân còn lo làm lụng kiếm cái ăn, lòng dạ nào nhớ đến cái bản mặt vẽ trên tờ cáo thị mà họ đọc chẳng thông. Chợ quê dẫu không được như chốn kinh kỳ nhưng cũng nườm nượp người mua bán. Cao Huân bước chầm chậm, mắt trông kỹ những hàng quán hai bên. Gà qué, quả hoa, giấy mực... bày la liệt khắp nơi. Lâu lắm rồi chàng mới đến chỗ đông đúc nhường này. Tiếng người nói cười, ngã giá, mời mọc nhau bỗng thật lạ lẫm. Chàng đi quanh chợ, cố tìm xem có hàng nào bán trà cụ hay không. Đào Nguyên là xứ trồng trà, lẽ cố nhiên, những thứ để pha, để uống thức ấy cũng phải có chứ? Thế rồi chàng cũng gặp được hàng bán. Sạp bày ra nhỏ thôi nhưng gọn gàng. Chủ ông dáng người tầm thước, nhanh nhẹn, vừa thấy chân chàng bước chậm lại đã vội mời chào ngay. Nào liễn nào niêu, cả ấm pha trà và mấy cái chén quân con con bằng gốm thô. Đoán rằng Cao Huân là tay sành sỏi, không ưng những thứ dân quê hay hỏi, ông ta lấy ra vài món đẹp hơn. Vẫn không phải thứ chàng cần.

"Ông có bán trản không?" Cao Huân ngập ngừng hỏi. Phải mất một lúc chàng mới nhớ ra loại bát miệng loe rộng nhưng nông lòng đấy gọi là gì.

Người chủ gật đầu, lấy trong thúng ra ba cái tráng men, hơn gốm thô một tí nhưng vẫn không bằng được cái chén của Quế Hoa. Chàng lắc đầu.

"Thế thì đây?" Chủ chiều lòng khách, bày thêm đôi cái nữa.

"Phải là loại tráng men xanh ngọc mới được." Chàng vẫn không ưng.

"Loại đấy giá đắt lắm." Chủ ông nhìn một lượt khách từ trên xuống dưới.

"Giá nào cũng xong, lấy ra cho tôi xem thử." Cao Huân sốt sắng, chàng lấy ra xâu tiền dắt bên hông.

Thấy tiền, chủ ông nhanh nhẹn lục xuống đáy thúng, lấy ra bọc vải trắng. Cái chén men xanh được cất kỹ trong đấy. Không giống hẳn nhưng cũng được bảy tám phần của cái kia. Người khách nom hài lòng, chàng đem hết tiền mang theo trả cho chủ hàng. Xâu tiền ấy là tiền chàng bán đi thanh đoản kiếm của mình.

*
* *

"Gượm đã."

Cao Huân rời phiên chợ, chàng nghe thấy tiếng có người gọi với theo. Sợ bị người khác nhận ra, chàng kéo cái nón xuống thấp hơn, chân dảo bước đi vòng theo hướng ra ngoài đê.

"Gượm đã. Nhà anh bị yêu tà quấy nhiễu, sắp chết đến nơi rồi, đứng lại cho tôi hỏi mấy câu." Người kia cũng nhanh chân hơn, vừa đi vừa nói.

"Ăn nói hàm hồ!" Trước giờ vốn ghét bói toán, đạo sĩ, Cao Huân quay lại quát người kia.
"Thần sắc nhà anh suy kiệt, thiếu dương khí nhường này còn không tin lời tôi?" Người kia mắng.
Ban trưa trời nắng gắt, lại ở giữa chốn đồng không mông quạnh, Cao Huân nheo mắt nhìn kỹ lại cái kẻ bám theo mình. Ông ta như ngoài tứ tuần, dáng người dong dỏng cao, khoác áo the đen. Nom ông ta cũng có nét nghiêm nghị của đạo gia, chàng nghĩ.

"Tôi biết." Cao Huân thản nhiên. "Chuyện ông nói, tôi biết cả rồi."

"Thế sao anh không tìm đường mà giữ mạng?" Lần này đến lượt vị đạo sĩ kinh ngạc.

Cao Huân bật cười. Mạng của chàng giữ để làm gì nữa đây? Thầy mẹ, vợ con, bạn bè đều mất rồi. Chàng còn sống nhưng tâm can như đã chết theo họ. Thân xác tiều tụy này còn vương chút hơi tàn chẳng phải do chàng lưu luyến chốn hồng trần, mà chỉ vì cái thứ đạo sĩ kia gọi là ma tà yêu mị đang cố níu chàng lại đấy thôi.

"Có duyên nợ với nhau, trốn cũng chả được. Ông chớ nên lo chuyện bao đồng." Chàng xoay người bước tiếp, để mặc đạo sĩ đứng như trời trồng giữa đồng.

Không nghe thấy tiếng bước chân theo sau nữa, Cao Huân mới đủng đỉnh đi men theo triền đê về nhà. Chẳng biết từ lúc nào, chàng đã xem căn nhà của Quế Hoa là nhà của mình.

"Ông..." Vừa thấy chàng bước vào sân, nàng thiếu nữ đã hớt hải chạy từ trong bếp ra. Nàng nói như sắp khóc. "Tôi tưởng ông giận tôi mà bỏ đi rồi."

Cao Huân khẽ lắc đầu. Chàng lấy ra cái chén men xanh được gói ghém cẩn thận trong mấy lần vải gấm.

"Cái này cho cô đấy, xem như cảm tạ ơn cứu giúp lúc hoạn nạn."

"Thứ này đắt lắm, ông lấy đâu ra tiền mà mua?" Nàng buột miệng, rồi nàng nhớ đến thanh đoản kiếm chàng cầm hôm qua. "Ông bán thanh kiếm để mua thứ này?"

"Không cần dùng đến thì tôi giữ làm gì." Cao Huân ngồi xuống bậc thềm, chàng cởi nón, quạt lấy quạt để như lão nông đi làm đồng về.

"Không được, tôi không lấy của ông được. Ông mua ở hàng nào, tôi tìm người ta trả lại." Quế Hoa khăng khăng, nàng vừa nói vừa gói cái chén thật cẩn thận.

Vị tướng quân không đáp, chỉ cười xoà, xem như chẳng đáng nhắc đến. Nếu là chàng của mấy năm trước, thứ này thật chẳng cần bận tâm. Lụa là gấm vóc, vàng bạc trong phủ nhà chàng chất thành rương. Lúc mới nhậm chức, Khanh Sơn từng tặng cho chàng một đôi trản bằng ngọc làm quà mừng. Khi ấy dẫu biết là quý, nhưng chàng nào có dùng đến. Giờ thế sự xoay vần, phận người lên voi xuống chó, một cái trản chỉ đáng vài đồng cũng phải vét sạch túi mới mua nổi, chàng nghĩ lại càng xót xa. Thanh đoản kiếm kia, nếu đến được tay quan hành khiển họ Nguyễn thì thật cũng đúng ý chàng lắm.

"Quế Hoa này, cô hát lại cho tôi nghe mấy câu ngày hôm qua cô hát đi." Đột nhiên, chàng không kiêng dè gì mà nắm lấy cổ tay trắng ngần của nàng. Đang là ban trưa, vào chính ngọ, nhưng người nàng vẫn lạnh như thế.

"Sáng nay ông chưa ăn gì, để tôi dọn cơm cho ông xơi cái đã." Nàng bối rối mà lảng sang chuyện khác.

"Cũng được." Chàng thở dài, buông tay. "Cô rót cho tôi bát nước uống cho đỡ khát."

Quế Hoa quay người lấy bát trong thúng, toan đi vào bếp tìm ấm đất. Nhưng nàng vừa đi được vài bước, chàng đột nhiên cất tiếng gọi. Chàng gọi cái tên cứ quẩn quanh trong óc mình kể từ lúc nghe mấy câu hát kia. Quế Nương. Quế Nương. Thiếu nữ đứng sững lại, cái bát trên tay nàng bị thả rơi xuống đất. Hai dòng lệ trào ra từ khóe mắt tưởng như đã khô cạn từ lâu. Nàng đưa tay lên chạm vào thứ nước âm ấm ấy để chắc rằng mình đang khóc. Chàng đang gọi nàng là Quế Nương. Nàng chầm chậm xoay người nhìn thằng vào chàng, vào ánh mắt trìu mến của chàng. Trên bầu trời, những đám mây đen bỗng từ đâu kéo đến giăng phủ, lấp cả đi dương quang.

"Chàng nhớ ra rồi." Một hồi lâu sau, lúc mưa bắt đầu rơi lộp độp trên mái nhà, nàng mới nói được thành lời.

"Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn, tào khê nước chảy lòng còn trơ trơ." Đến lượt chàng ngâm nga hai câu hát.

Phải, chàng nhớ ra rồi. Nhớ ra giấc mơ về nàng Quế Nương, về ngôi nhà có trồng cây hoa mộc và về người từng là chàng.


Chú giải:

[1] Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều.


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout