Như mọi ngày, chiều hè Hà Nội “rơi” cái nắng vàng xuống mặt hồ Gươm, rồi ánh lên thứ ánh sáng trong đẹp vô ngần. Những rặng cây đã thôi ủ rũ vì cái nóng 40 độ, nó bình thản chờ đợi những cơn gió tới, giống như bao người đang đi dạo ở quanh đây, mong chờ cơn gió thoáng qua làm mát những giọt mồ hôi nóng bức vương trên khuôn mặt. Một chiều hè thật bình yên!

Trên phố, người ta nhìn thấy một chàng trai đã lang thang vòng quanh Hồ Gươm suốt một tuần nay. Anh chàng hết ngồi trên ghế đá, chốc lại đạp xe quanh hồ, trên mình luôn là chiếcáo sơ mi kẻ, bên cạnh còn có một chiếc xe đạp Thống Nhất hoen phanh, lúc nào cũng gắn bó với anh như hình với bóng.

Cả một ngày chủ nhật vừa rồi Vũ không đi đâu cả, vậy nên anh đã đóng tiệm sửa xe, lấy việc đi dạo làm niềm vui, nhằm cho khuây khoả chút ít suy nghĩ rối ren trong lòng.

Hôm nay là ngày thứ tám Vũ đạp xe quanh Hồ Gươm. Hồ Gươm này đẹp và có cả một truyền thuyết anh hùng về nó. Anh đã ngắm nghía đến kĩ càng cái Tháp Rùa nhỏ ở giữa hồ, đi qua cầu Thê Húc đến đền Ngọc Sơn vô số lần, tham quan từng địa điểm lịch sử quanh hồ. Bởi vì yêu thủ đô này lắm nên mỗi khi có tâm sự trong lòng, cách để Vũ giải toả, hay “chữa lành” theo ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay, chính là tìm về những vẻ đẹp nằm trong những thứ thân thuộc, xưa cũ trong lòng Hà Nội này. Đất Hà Nội 36 phố phường, chưa nơi nào làm anh thôi tấm tắc bởi vẻ đẹp lịch sử nghìn năm văn hiến của nó.

Chưa đến giờ cao điểm nên đường phố không quá tấp nập. Đi qua hai, ba con phố là thấy tháp Rùa lấp ló sau những tán cây. Quanh hồ trồng nhiều loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam, như cây lộc vừng, cây sấu, cây me, cây hoa sữa, cây phượng vĩ,… kể mãi mà chẳng hết tên. Mỗi đoạn quanh hồ đều có những tán cây cao ngút trời, lá xanh đan lá xanh, nghiêng ngả theo chiều gió, những chiếc lá cọ vào nhau tạo thành âm thanh xào xạc như đang nói thầm. Nắng vàng chiếu xiên qua kẽ lá xuống dưới mặt đất, in thành những cái bóng đẹp đẽ với vô vàn hình thù không xác định.

Vũ xuống xe, vừa dắt xe vừa tản bộ. Ánh nắng cuối ngày mang màu sắc như đôi gò má của người say rượu, ửng một sắc hồng cam đầy huyễn hoặc. Vũ đi rất lâu, rất lâu, đến tận khi bóng tối nuốt chửng thứ ánh sáng đẹp đẽ xuất hiện ngắn ngủi kia thì mới thấy anh dừng lại, trước mặt là một cái cổng gỗ đã cũ kĩ và ám rêu. 

Trên cổng là một mái gỗ cong, không rõ bị tác động gì mà đã sứt mất một góc, ngay chỗ sứt còn mọc ra mấy cây dương xỉ xanh tốt. Cánh cửa gỗ khép hờ, Vũ đưa tay đẩy nhẹ là ra. Phía sau cánh cửa, một ngôi nhà cổ không biết cụ thể tuổi đời sừng sững ở đó. Ngôi nhà khuất sâu trong một con ngõ của Hà Nội, để tìm được nó cũng khá khó khăn, thậm chí Vũ phải hỏi đường mới đến được đây.

Theo lời nhờ cậy của bác ruột anh, còn lại là do trái tim thôi thúc, cuối cùng, trong một buổi chiều tà, ngồi trước hiên nhà ngoảnh mặt nhìn ra phố, anh đã buột miệng đồng ý với bác, rằng sẽ giúp bác đến nhà ông đồ Son hỏi xem bức tranh mà bác nhờ vẽ đã được chưa.

Mang theo sự mong chờ, Vũ chậm rãi dắt xe đạp vào bên trong, nhẹ nhàng nhất có thể, như thể sợ sẽ làm phiền đến người bên trong đang “say bút mực”. Trước ngôi nhà là một khoảng sân lát gạch đỏ, anh gạt cần chống xe và để xe gọn vào góc tường. Ngôi nhà cổ với kiến trúc mặt tiền hẹp, tường có chỗ tróc lở nhẹ, phủ rêu phong. Trong nhà bật điện sáng trưng, cửa nhà mở cả hai cánh.

Vũ bước lên bậc thềm, cất tiếng hỏi: “Có ai ở nhà không?”

Hoàn toàn không có tiếng đáp lại, Vũ ngó vào bên trong, đập vào mắt là những bức tranh thuỷ mặc và những bức thư pháp được treo trên tường. Không gian yên tĩnh, phảng phất mùi mực tàu ngai ngái, những tờ giấy bày la liệt trên mặt bàn ở trong góc.

Vừa bước vào, Vũ lập tức có cảm giác như đang bước vào một bảo tàng thu nhỏ - nơi trưng bày những kiệt tác của người viết chữ. Anh nhanh chóng bị hớp hồn bởi những đường nét sống động như thật mà chủ nhân của nó đã hoạ, đã viết nên. Đó là màu thời gian xưa cũ cùng với khoảng lặng thế kỷ - giao thoa với muôn hồng nghìn tía ánh đèn hiện đại rực rỡ, là những giá trị tinh thần khi nhìn vào liền thốt lên hai chữ “thật đẹp”, đồng thời không ngừng cảm thán, trầm trồ trước tài năng của người nghệ sĩ.

Cái tình sao mà đong đầy trong từng nét đậm, nhạt, cong, nghiêng của con chữ, hiện lên chân thực trong những bức thư pháp với nền đỏ và được hoạ bằng mực đen. Đã lâu Vũ mới cảm thấy mình bị xúc động đến mức choáng ngợp như thế - kể từ sau lần học chữ cùng ông nội rồi chiêm ngưỡng cảnh ông viết chữ.

Vũ làm nghề sửa xe, học nghề sửa xe từ ông nội mình, cũng học chữ từ chính ông. Ông nội Vũ là nhà giáo, vào năm ông 45 tuổi, ông bất ngờ bị tai nạn, biến cố này khiến cho ông không còn khả năng mở miệng truyền đạt con chữ tới các học sinh của mình. Năm đó là năm 1995 – đang trong thời kỳ đổi mới đất nước, ông vẫn còn khát khao giúp con em nhân dân xoá mù chữ hoàn toàn nhưng lúc này đành lực bất tòng tâm. Vũ còn nhớ ông thường ngồi trong bóng tối rồi lén lút thở dài, những lúc mở sách, mở vở ra, trong đôi mắt ấy có nhiều khát vọng còn đang dang dở đã bị hiện thực đánh “nát”, đôi mắt hoen đỏ chợt liền trở nên u buồn, lặng lẽ. Cái vẻ buồn ấy như thể con kiến bị nhốt trong hang ổ lâu ngày, không tìm được đường ra, rồi cứ thế bất lực mà chết dần chết mòn. 

Sau khi nghỉ dạy ở trường, ông trở về với cuộc sống của người nông dân, nhưng chưa bao giờ quên bản thân từng là nhà giáo.

Vũ được sinh ra vào những năm đất nước đang đổi mới ấy, bản thân anh may mắn được đón nhận những giá trị tốt đẹp không chỉ từ trường, lớp mà còn từ chính gia đình của mình, cảm nhận được xã hội ngày một văn minh và tiến bộ. Bố mẹ mất sớm, Vũ được ông nội nuôi lớn, chính ông là người đã thương và dạy cho Vũ nhiều. Những bài học của ông được truyền đạt bằng nhiều cách khác nhau mà không nhất thiết phải nói thành lời.

Có một lần, vì ham chơi mà anh đã quên mất ông dặn về sớm để ông dạy anh viết chữ. Thế là hôm đó, khi đã tối mịt anh mới thấp thỏm mò về, đến cửa thì thấy ông đang trải giấy, mài mực. Vũ vòng vào từ đằng sau, im lặng nhìn ông viết chữ mà không dám nói gì. Bóng đèn điện hắt xuống gương mặt già nua của ông, bàn tay cầm bút của ông vững chãi, không run rẩy, mỗi lần nâng lên hạ xuống đều vô cùng dứt khoát, dáng vẻ tập trung, chuyên chú. Cái cách ông đặt bút trông thật nhàn hạ, nhưng chỉ đến khi anh thật sự được cầm cây bút lông ấy lên thì mới biết, hoá ra thực tế không như anh thấy, đôi tay bé bỏng cầm bút một cách nhút nhát, những giọt mực đen nhánhvẩy thành từng giọt lớn, bé trên giấy, sự luống cuống của anh biến trang giấy tinh khôi trở nên đầy những vết bẩn, chữ viết cũng ngoằn ngoèo như giun xéo. Một tác phẩm đầu đời thậm tệ của anh đã ra đời như thế.

Mãi đến sau này, Vũ cũng không học được chút tài thư pháp nào từ ông. Có lẽ anh thật sự không có năng khiếu, hoặc khi anh bắt đầu có chút cảm hứng, thấm nhuần được chút lý thuyết ông dạy thì ông đã không thể trực tiếp cầm bút chỉ bảo cho anh được nữa. Công cuộc học viết chữ của anh cứ thế bỏ dở.

Ông cụ thân thương ấy chỉ vừa mới vĩnh viễn xa anh cách đây năm năm trở về trước, trong tiết trời đông lạnh giá của miền Bắc. Sau khi ông mất thì Vũ cũng ít khi về nhà, anh dọn sangở hẳn trong cái tiệm sửa xe nhỏ trên khu phố tấp nập này, mỗi ngày sửa dăm ba chiếc xe, hôm ít hôm nhiều, cũng gọi là có thu nhập.

Bây giờ, đứng trong gian nhà được trưng bày đầy những tác phẩm nghệ thuật quý báu này, Vũ sung sướng hít một hơi, lá phổi căng tràn thứ không khí mát mẻ xen lẫn mùi mực tàu, hai mắt của anh sáng lấp lánh hệt ánh sao đêm. Trong một giây phút nào đó, anh đã ngẩn ngơ đến mức không hề nghe thấy có người đang gọi.

“Anh gì ơi? Này?”

Vũ giật mình nghiêng đầu, nhìn sang, anh thấy một cô gái đang bưng một cốc cà phê, đứng trước cửa buồng, sau lưng cô là chiếc rèm bằng hoa mỏng, gió bên ngoài lùa vào qua cửa sổ làm chiếc rèm khẽ bay lên.

Cô gái nhìn anh với nét mặt khó hiểu, lại hỏi anh lần nữa: “Anh đến đây tìm ông Son sao?”

Ông Son chính là ông đồ - chủ nhân của những tuyệt tác này.

Vũ mỉm cười, gật đầu: “Vâng, tôi tìm ông Son, không biết ông ấy đâu rồi?”

Cô gái bưng cốc cà phê ngồi xuống trước bàn, hơi nóng bốc lên từ cốc cà phê, toả ra mùi hương rất thơm. Cô ấy nói: “Ông Son có việc đột xuất, vừa rời đi rồi. Hôm khác anh đến tìm ông ấy nhé!”

Nghe thế, Vũ thấy hơi thất vọng, nhưng anh cũng không về ngay mà kéo một chiếc ghế gần đó, lịch sự hỏi: “Tôi có thể ngồi lại một lát không?”

Cô gái vốn định dọn dẹp vài thứ đồ bày trên mặt bàn, khựng lại nhìn anh với vẻ cảnh giác, đôi mắt hạnh hiện lên sự tinh ranh không dễ thấy. Sau gần một phút im lặng, cô mới gật đầu đồng ý, nhưng cũng nói rằng chỉ một lúc thôi bởi vì cô sắp đóng cửa.

Vũ tinh ý liền bắt tay vào thu dọn cùng cô nàng, những tờ giấy được ông Son sử dụng có chất lượng rất tốt, về cả màu sắc lẫn chất lượng, sờ vào rất nhẵn mịn mà không hề có cảm giác dễ bị rách.

“Tôi muốn hỏi cô một số điều, không biết ông Son làm nghề này lâu chưa?”

“À, cũng phải hơn chục năm rồi. Mà sao anh lại biết đến ông Son?”

Vũ thành thật đáp: “Thực ra hôm nay tôi đến đây theo sự nhờ cậy của bác tôi, mục đích là tìm ông Son hỏi về bức tranh hoa xoan hộ bác.”

Nhìn ánh mắt của cô gái, Vũ nói thêm: “Bác tôi buôn hoa quả trên phố cổ, rất thích sưu tầm tranh thuỷ mặc. Tôi nhớ trong nhà của bác có treo một bức của ông Son, phong cách rất độc đáo.”

Vũ biết đến tranh và chữ của ông Son cũng là nhờ một lần tình cờ đến nhà bác chơi, giúp bác đóng khung treo tranh ảnh. Lúc nhìn thấy bức tranh, anh đã cảm thán, ngắm nghía một hồi rồi hỏi han bác về bức tranh này, mãi sau bác mới nói cho anh biết, tự hào khoe rằng đó là tác phẩm mà bác khó khăn lắm mới mua được, bức tranh thuỷ mặc này không đơn giản là có được bằng tiền mà còn do bác nhẫn nại đi lại nhiều lần, lựa chọn nhiều lần mới có được tuyệt tác hợp ý. Bác nói bây giờ ông đồ ít, mà không phải ai cũng cho được những tác phẩm sống động, không phải ai cũng có “hoa tay” làm con chữ thăng hoa trên giấy. Đây là một nghề vất vả, tài năng là một chuyện nhưng nhất thiết phải có tấm lòng yêu nghề, kính nghiệp, lòng yêu văn hoá, con người, đó phải là một người có óc uyên thâm và cái tâm nhẫn nại. 

Sau cái lần ấy, Vũ nằm mơ thấy cảnh ông nội ngồi trong gian nhà viết chữ, khuôn mặt nhăn nheo với những nốt đồi mồi khi cau lại, khi giãn ra, lúc ông nội dừng bút, khuôn mặt tràn ngập vẻ hạnh phúc. Trong mơ, ông hỏi anh có muốn xem chữ của ông không, đây là chữ mà ông tặng anh, hi vọng anh sẽ trân trọng. Vũ bước đến, nhưng chưa kịp xem thì giấc mơ đã tan biến. Anh tỉnh dậy giữa đêm trong tiệm sửa xe quạnh quẽ, ngồi bần thần trên giường, đầu gục xuống, thở hắt.

Cảm xúc lúc đó khá giống với hiện tại, Vũ đặt gọn quyển sách lên giá, suy nghĩ linh tinh, bỗng nhiên thở hắt ra.

Cô gái vén lọn tóc, sau khi dọn dẹp xong bèn tranh thủ uống hết cà phê trước khi nó bị nguội hẳn, gật gù bảo: “Nếu vậy thì tôi nhớ ra rồi, đúng là có một người đàn ông thường xuyên ghé tới, mỗi khi đến đều mang theo hoa quả tươi. Nhờ có hoa quả của ông ấy mà tôi làm được không ít bánh ngọt và thức uống ngon. Anh có muốn nếm thử không?”

Không đợi anh trả lời, cô nàng nói xong liền đứng dậy, bước nhanh qua khoảng sân lát gạch đỏ xuống bếp, lát sau bưng lên một chiếc đĩa đựng đầy bánh ngọt.

Điều đặc biệt là chiếc bánh này không phải là bánh kem hay mấy loại bánh ngọt hiện đại mà là bánh truyền thống của miền Tây.

Cô gái mỉm cười nói: “Có thể anh sẽ thấy hơi lạ, nhưng tôi thì rất thích. Tôi thường ưu tiên sử dụng hoa quả hoặc rau củ để tạo màu sắc cũng như độ ngọt tự nhiên, khi ăn sẽ thấy mùi vị khá độc đáo nữa.”

Những miếng bánh được xếp gọn trong đĩa, trông rất hấp dẫn, vì vậy Vũ không ngần ngại nếm thử một ít. Vừa ăn anh vừa gật gù, đúng là chiếc bánh không quá ngọt thật, hơn nữa còn thơm rõ mùi của quả mọng.

Anh ngẩng đầu lên, đoạn hỏi: “Cô có vẻ am hiểu về ẩm thực nhỉ?”

“Tôi không dám nhận là am hiểu.” Cô gái khoanh tay, dựa vào tường, khoé môi khẽ cong: “Chỉ là tôi yêu thích ẩm thực, nên nghiên cứu sâu hơn một chút mà thôi.”

“Lúc nãy, tôi trông thấy một chồng sổ tay chuyên ghi chép về các món ăn nước Nam ở trên bàn của cô. Tôi nghĩ cô không đơn thuần chỉ là một người thích ăn ngon đâu nhỉ?”

Mặt trăng lưỡi liềm nhô ra khỏi đám mây lớn, cong cong, nhỏ bé trên nền trời đêm rộng lớn. Ánh trăng hắt vào hiên nhà, dưới mái hiên, cô gái quay đầu nhìn anh, nở nụ cười tươi. Một miếng bánh, một câu chuyện, không ngờ đã vô tình kéo cả hai lại gần nhau.

***

Trong tiết trời nắng nóng của mùa hè Hà Nội, Vũ kiên trì đạp xe đi qua nhiều con phố, rẽ vào những con ngõ, bánh xe đạp lăn qua những con đường đầy rêu để đến nhà của ông Son. Bất kể sáng hay tối, nếu như rảnh là anh sẽ qua, chỉ là nhiều lần như vậy mà mãi vẫn không gặp được ông Son.

Lâu dần, cô gái cũng có ấn tượng với anh, nói chuyện qua lại, cả hai cũng biết được hoàn cảnh của nhau.

Cô gái tên Nhàn, là cháu gái của ông Son, gọi ông Son bằng chú. Cô nàng giới thiệu rằng ông Son cũng chỉ mới ngoài 60, cô lớn lên khoẻ mạnh cũng do một tay ông ấy “gà trống nuôi con”.

Bố mẹ Nhàn mất trong một vụ tai nạn khi cô còn nhỏ, năm ấy, nhà nghèo nhưng ông Son vẫn cố gắng dành dụm cho cô đi học, trong khi chính ông cũng là người không biết chữ, và ông cũng cần học. Chỉ là gánh nặng cơm áo quá nặng, phần vì không có ai san sẻ, phần vì những năm ấy, ông thường xuyên phải bôn ba vào miền Nam kiếm tiền, nên dù không đặng ông cũng phải bỏ ý nghĩ đi học lấy chữ.

Mãi cho đến năm ông Son 26 tuổi thì xưởng sắt trong miền Nam bất ngờ phá sản, ông Son trở về đây ở hẳn. Vốn tưởng rằng cuộc sống sẽ tiếp tục những ngày tháng vất vả, mệt nhọc khác thì chính cô là người lên tiếng muốn dạy chữ cho ông.

Có thể tưởng tượng quá trình học chữ ấy gian nan đến mức nào, nhưng cuối cùng thì ông Son cũng đã gặt được trái ngọt. Còn Nhàn thì từ một cô bé thích ăn kẹo trở thành nhà nghiên cứu ẩm thực, suốt nhiều năm qua, cô đã đi khắp mảnh đất hình chữ S này, rồi lại đi ra nước ngoài, học tập, nghiên cứu rất nhiều. Đối với cô, nấu nướng là một niềm đam mê, nghiên cứu văn hoá ẩm thực lại càng là một niềm đam mê lớn lao và không có điểm dừng.

Khi nói chuyện, Nhàn chia sẻ: “Nhiều năm trước, tôi có dịp được lên vùng cao và thưởng thức nhiều đặc sản ở đây. Những buổi tối thanh vắng, tôi ngồi một mình trong gian nhà sàn, vừa ngửi mùi khói bếp vừa nghe tiếng củi lửa lách tách vọng ra. Trong gian bếp lúc nào cũng bừng một đám lửa hồng, mùa đông, càng về đêm càng thấy lạnh, tôi không ngủ được, thế là thường lặng lẽ xuống bếp, cời than ra để sưởi. Một vài lần, không ngờ chủ nhà lại để ý, bà ấy xuống ngồi với tôi, kể cho tôi nghe những câu chuyện thường nhật của cả gia đình, như là hôm nay đi chợ bán trâu được bao nhiêu tiền, nương bắp đã sắp thu hoạch được, nếu có cơ hội sẽ đãi tôi món cơm mèn mén. Phải nói đó là khoảng thời gian dài nhất trong số những lần đi xa của tôi, vì vậy tôi cũng tâm đắc nhất cuốn sách viết về văn hoá ẩm thực và con người vùng cao trong số hai cuốn sách đã được xuất bản dưới tên tôi.”

“Ẩm thực nước ta đa dạng, phong phú, có những món ăn cao cấp, sang trọng, cũng có những món ăn bình dị, chế biến từ những nguyên liệu đơn giản. Mỗi vùng miền một khẩu vị riêng, mỗi món ăn phục vụ cho từng đối tượng khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là chú trọng tính ngon miệng.”

Niềm đam mê nhiệt huyết của Nhàn bộc lộ qua từng ánh mắt, lời nói của mình. Vũ nghe đến say sưa, thỉnh thoảng sẽ không ngớt lời khen cô, bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình.

“Nhàn giỏi thật! Còn trẻ mà tinh thần dám nghĩ dám làm không thua ai!”

Nhàn cười, hai má nhô lên đầy đặn: “Sao anh không kể tôi nghe về chuyện của anh?”

Về gia đình của mình, Vũ chưa bao giờ hết tự hào. Anh kể về ông nội với vẻ hoài niệm, nhớ nhung da diết, những lúc đó, nước mắt tự động chảy ra, anh bật khóc như đứa trẻ con.

Nếp sống gia giáo mà ông nội truyền dạy, kì thực, lúc nhỏ anh không thể ghi nhớ hết. Nhưng ông nội rèn giũa kiên trì, qua ngày đoạn tháng, “uốn cây từ thuở còn non”, roi vọt có, khuyên răn có, ngấm dần vào con người anh, nhờ vậy mà mới có anh của ngày hôm nay.

***

Sau một tháng, ông Son đi vắng đã trở về. Ngoài 60, râu tóc của ông đã bạc gần hết, khoé mắt hằn những nếp nhăn, tuy vậy, ở ông vẫn toát lên vẻ khảng khái và trải đời.

Vừa bước vào đến ngưỡng cửa, ông Son đã trông thấy chàng thanh niên trẻ đang cặm cụi lắp bóng đèn, còn tưởng là thợ sửa mà cô cháu gái gọi đến, bèn đặt túi đồ đạc của mình xuống một bên, hỏi Nhàn.

“Bóng đèn hỏng hẳn rồi hay sao mà cháu phải gọi thợ đến?”

“Chú về rồi ạ!” Nhàn nhanh nhẹn cất lời: “Nhờ chú tiếc rẻ mà tối qua mưa bão cháu đã phải chịu cảnh không đèn đóm cả một đêm, may có anh Vũ sáng nay qua sớm giúp cháu thay bóng và sửa đường dây điện, không thì chắc cháu phải gọi thợ mất.”

Lúc này, Vũ đã thay xong bóng điện liền quay ra chào ông Son.

“Ông Son mới về ạ!”

“Ô cái cậu trai này, trông sáng sủa phết nhỉ!”

Nhàn rót hai cốc nước, mời ông Son một cốc, còn một cốc đưa cho Vũ. Trong cốc nước có viên đá, tan ra mát lạnh.

Ông Son nhìn đôi nam nữ trước mặt này, bỗng dưng cười tủm tỉm hỏi: “Một tháng chú vắng nhà, cháu biết yêu đương rồi à?”

Nhàn chun mũi nhìn ông Son: “Chú nói linh tinh gì vậy?”

Sau đó, nói với Vũ: “Anh kệ chú ấy đi, ngồi nghỉ ngơi một lát, đến trưa ở lại ăn cơm nhé!”

Bấy giờ, ông Son thay áo the khăn xếp xong xuôi đi ra, nhìn Vũ kĩ càng một lượt từ trên xuống dưới.

“Sao tôi lại thấy cậu quen mắt nhỉ?”

“Bức tranh hoa xoan, cháu đến hỏi hộ bác Tâm về bức tranh ấy.”

Vũ rót nước trà mời ông Son. Anh chỉ về phía những tác phẩm được ông Son trưng bày quanh nhà, nói: “Cả chữ và tranh của ông đều đẹp như vậy, cháu đã hiểu vì sao bác Tâm lại mê mẩn đến mức suốt ngày khoe với cháu. Hơn nữa, trong những ngày ông đi vắng, cũng có vài người khác đến tìm ông thuê viết chữ.”

Vị trà “tiền đắng hậu ngọt” đọng lại cuống họng, ông Son mỉm cười một cách khiêm tốn, giọng nói khàn khàn: “Thật tốt khi nghe được tin này. Cháu biết ông đồ trong thơ của Vũ Đình Liên đúng không, “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ*”, một thời vàng son oanh liệt đã qua, còn mấy ai nhớ tới những ông đồ già như tôi.”

Ông Son thở hắt ra một hơi: “Nhưng dù sao đi chăng nữa thì tôi sẽ không bỏ nghề này!”

Khẳng định một cách chắc nịch như vậy, rồi ông Son nhìn anh: “Hay là… cậu làm học trò của tôi, tôi dạy lại cho cậu. Cậu sẽ kế thừa tài hoa của tôi, sẽ tiếp tục ngồi trong căn nhà này, ngày ngày viết chữ, có được không?”

Ông Son chỉ đang đùa, ông cười nắc nẻ, nói anh không cần suy nghĩ nhiều.

Nhưng Vũ lại cúi đầu, im lặng giây lát, đột nhiên cất tiếng: “Cháu từng theo ông nội học viết thư pháp, nhưng chỉ bập bẹ vài bước cơ bản chưa đâu vào đâu. Nếu ông mà nhận cháu làm học trò… chắc sẽ rất lâu sau cháu mới học thành tài.”

Vũ xấu hổ gãi đầu, ông Son kinh ngạc: “Nói vậy tức là nếu tôi dám nhận thì cậu dám học?”

Vũ gật đầu cái rụp: “Có gì mà cháu không dám.”

Vũ cũng chia sẻ với ông, ông nội anh không viết chữ chuyên nghiệp như những ông đồ, nhưng chữ của ông chắc chắn không xấu, nó có một cái hồn rất riêng mà anh cảm nhận được. Một trong những nuối tiếc lớn trong cuộc đời anh cho đến bây giờ chính là việc học viết chữ cùng ông không đến nơi đến chốn. Thứ duy nhất anh học được từ ông mà thành tài chính là sửa xe – một thứ tài lẻ nhưng lại là “cần câu cơm” nuôi sống anh.

Về chuyện đó, ông Son không nhắc lại với anh nữa. Mỗi lần anh sang hỏi về chuyện bức tranh hoa xoan, ông chỉ bảo là sắp xong rồi, sau đó kêu anh với Nhàn đưa nhau ra ngoài cho ông yên tĩnh viết chữ. Nghề chính của ông là viết chữ, chỉ thỉnh thoảng ông mới trổ tài vẽ tranh thuỷ mặc, vậy cho nên có lâu hơn thì cũng bình thường, bởi lẽ đâu chỉ đặt bút là xong, ông còn phải nhìn, phải quan sát, phải cảm nhận nữa.

Những ngày này, Nhàn thường ngồi trên yên sau xe đạp của Vũ, hai người cùng nhau đi ăn, đi chơi, cùng nhau khám phá những thứ đã xưa cũ, cả những thứ mới lạ của mảnh đất nơi đã chôn nhau cắt rốn này. Xã hội đã phát triển đến độ chóng mặt, có những thứ chỉ còn trong kí ức của nhiều người.

Mấy ngày mưa, không may cành xoan bị gãy rơi vào nhà, ngôi nhà cổ bất ngờ bị thủng một lỗ trên mái nhà, nước mưa chảy vào xối xả. Lúc đó, ba người đang ngồi trong nhà bàn luận về ẩm thực nước Nam, rồi nói qua câu chuyện ông Son đã bén duyên với nghề chỉ bằng một bức thư pháp của ông đồ già trên phố, được truyền cảm hứng mạnh mẽ, ông Son theo học ông đồ già đó, rồi học thêm thầy, rèn luyện nhiều năm, cuối cùng ông theo nghề đến tận nay. Ngót nghét hơn mấy chục năm gắn bó, ông Son càng yêu nghề hơn. Nói đến đó, ông Son nhìn Vũ, trong đôi mắt không khỏi có vài phần đắn đo.

“Vũ này…”

Chợt nghe “sập” một tiếng, ngói rơi vỡ tan. Ba người, hai trẻ, một già, vội vàng đứng dậy gỡ những tác phẩm được trưng trên kệ, trên tường ra, bảo vệ chúng khỏi nước mưa. May mắn thay không có thương vong gì về người, những bức thư pháp, tranh vẽ cũng chỉ bị dính một chút nước mưa chứ không bị hỏng.

Vũ nhìn thấy ông Son nâng niu tác phẩm bị dính nước mưa, vẻ xót xa, đau lòng, như có một cái gì đó thôi thúc, anh lên tiếng.

“Ông Son, cháu muốn học viết thư pháp.”

Giữa tiếng mưa ồ ồ, gió bão rung chuyển đất trời, Vũ nói với vẻ kiên định. Có những việc không chỉ nên nằm trong suy nghĩ mà phải biến thành sự thật, phải thành sự thật thì mới không cảm thấy hối tiếc.

Những người như ông nội anh, như bác Tâm, như ông Son, hay như là Nhàn, càng tiếp xúc, càng nghe kể, càng biết nhiều về cuộc đời của họ, những con người mà họ đã gặp gỡ, những nơi mà họ đã đi, Vũ mới thấy càng thêm khâm phục những trái tim yêu nước, yêu văn hoá nồng nàn ấy. Ngoài kia, chắc hẳn vẫn còn những con người đang nỗ lực kế thừa, phát triển truyền thống của cha ông, giữ gìn để những giá trị ấy không chỉ là tồn tại trong kí ức mà thậm chí có thể tai nghe, mắt thấy, đồng thời cảm nhận bằng tâm.

***

Đầu mùa thu, hoa sữa thơm ngào ngạt. Dạo quanh bờ hồ, ta có một cảm giác khoan khoái đến lạ, lúc đó có thể tuỳ ý dựa vào lan can nhìn mặt nước gợn sóng đến ngẩn ngơ, ngắm nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng lả tả trong mỗi trận gió. Đợi đến tiết Thu phân, khi trời se lạnh còn có thể mặc áo len mỏng, nắm tay người thương đi bộ mà không biết mệt.

Vũ vừa mang bức tranh hoa xoan rời khỏi nhà ông Son thì bắt gặp các cặp đôi đang chụp ảnh mùa thu. Dưới gốc cây xà cừ có một chiếc xe hoa, những bó hoa với nhiều màu sắc rực rỡ được sắp xếp đẹp mắt, là những loại hoa đặc trưng của mùa thu.

Trên phố, trong sắc trời thơ mộng, người nói, người cười vui vẻ. Vũ không khỏi nán lại hồi lâu, lúc đạp xe đi tiếp thì trời đã tối.

Vũ giao bức tranh hoa xoan lại cho bác anh một cách nguyên vẹn. Thấy bác vui mừng vì được nâng niu trên tay tác phẩm mà bác mong ngóng đã lâu, anh cũng thấy mình vui lây. 

Bác cười, khoé mắt nhăn cả lại: “Cảm ơn cháu nhé! Bức tranh đẹp hơn mong đợi của bác!”

“Tại sao bác lại muốn vẽ hoa xoan?”

Vũ tò mò hỏi.

“Vì lần đầu bác và bá cháu gặp nhau là dưới gốc cây xoan.” Bác hoài niệm kể lại: “Trước nhà ông bà ngoại của bá cháu chuyên bán bánh tro, khi ấy, ông nội cháu sai bác đi mua bánhvề cúng rằm, ai ngờ nhà đó có chó dữ, vừa sang đến nơi thì bác đã bị chó nhà người ta đuổi cắn. Bác sợ chó mà, chỉ biết chạy thục mạng vào vườn, bắt gặp bá cháu đang đun vỏ bưởi với quả xoan khô để lấy tro làm bánh. Bác ngã túi bụi vào đống tro tàn, nhưng may là không sao, chỉ có áo bị thủng mất vài lỗ. Về sau, chính bá cháu đã mua áo mới đền cho bác đấy!”

Đầu ngày mới của mùa thu, Vũ và Nhàn hẹn nhau tại Hồ Gươm. Xung quanh là tiếng máy ảnh lách tách, Vũ dắt xe đẹp, vừa ngước mắt liền thấy bóng hình thướt tha của người thiếu nữ lọt vào tầm mắt. Nàng mặc áo dài màu trắng, đứng bên bờ hồ, khuôn mặt hơi khuất bởi vành nón lá. 

Vũ có phần lẩn thẩn bởi trông con người trước mắt có vẻ đẹp mong manh đến không ngờ. Anh chống xe, đôi mắt mải mê ngắm nhìn người con gái ấy. Trong tà áo dài, Nhàn xoay người, tạo dáng, máy ảnh của người thợ nhiếp ảnh được dịp thoả thuê bắt trọn cái đẹp. Ai mà không si mê được. Trước cái đẹp, đôi mắt anh thích thú đến sáng rực và trái tim xao xuyến đến khó giữ, nếu vậy thì cũng chẳng có gì lạ.

Ánh nhìn của Vũ vô tình chạm phải cái liếc mắt của nàng. Hai người sững sờ vài giây, rồi Nhàn mỉm cười với anh. Không biết có phải ảo giác không nhưng cứ một chốc nàng lại liếc anh với vẻ thẹn thùng. 

Nhàn chỉ chụp thêm một vài tấm rồi kéo anh lại, nhẹ nhàng quở trách rằng anh đi chậm.

“Anh không hề cố ý, xe đạp của anh bị hỏng, mà anh lại không mang theo đồ nghề để sửa.”

Vũ xoa đầu Nhàn, thoắt cái đã mấy tháng trôi qua kể từ lần gặp ở nhà ông Son, bọn họ đã thành một đôi. Cũng là do anh can đảm mở lời trước, bởi nhận ra cô nàng này trông thì dũng cảm, nhưng trong chuyện tình cảm lại rất ngây ngô, e thẹn.

Nhàn vuốt lại tóc cho anh, giúp anh sửa cổ áo, cô nói bằng giọng nhỏ nhẹ: “Ông Son nói mấy ngày tới anh không cần qua, nghỉ ngơi vài ngày rồi học tiếp. Anh đừng áp lực nhé, em tin là anh sẽ làm được.”

“Vậy nhờ em tiếp thêm động lực cho anh nhé!”

“Đương nhiên rồi!” Nhàn bí ẩn giơ một bức thư pháp lên, trên đó là chữ “Tin” do chính tay ông Son viết, nét đậm, nét nhạt hài hoà, ẩn trong đó là cả cái tình, là lời nhắc, lời hứa rằng hãy tin và hãy yêu…

 

 

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout