Khi những tháng ngày mùa xuân khép lại nhường chỗ cho cái tháng oi bức của ngày hè cũng là lúc anh Hòa dọn đồ từ khu trọ để chở vợ về quê sinh đẻ. Chị bầu bì cũng hơn bảy tháng, mọi việc trong ngoài từ kinh tế đến nội trợ đều được một tay anh Hòa làm tất. Hôm nay là ngày hai vợ chồng về quê, thiết nghĩ đi làm bôn ba bao năm cũng tích góp đủ cho cuộc sống sau này nên quyết định về quê. Phần vì lo chuyện sinh đẻ cho vợ, phần vì chăm sóc người mẹ đã hơn bảy mươi.
Anh Hòa không an tâm vì để mẹ đơn chiếc ở cái xóm nhỏ đó một mình, thêm nữa con gái anh sống cùng mẹ còn nhỏ chưa tự lo cho mình thì làm sao chăm lo cho nội nó được. Có khi để nội nó phải lo ngược lại ấy chứ.
Anh có xe riêng nên dọn hết đồ lên xe và đèo vợ đi về. Chuyến xe dài chạy từ Bình Dương về An Giang cũng tốn kha khá thời gian của hai vợ chồng. Về đến nơi cũng đã gần tối muộn. Vừa dừng xe trước cổng, con gái anh đã chạy ùa ra hô lớn.
“A ba mẹ về! Ba mẹ về kìa nội ơi!”
“Bác sáu ơi! Ba mẹ con về rồi!”
Nghe tiếng kêu của Quỳnh Chi, hai vợ chồng bác sáu là hàng xóm kế bên cũng ngó đầu ra nhìn. Cụ út từ từ bước ra sân nhà để đón con trai và đứa con dâu yêu quý của mình. Cụ khom lưng, đôi môi cười móm mém cùng với đó là ánh mắt hiền từ, bà nói với giọng điệu quở trách nhưng lại chan chứa thâm tình.
“Chịu về rồi đó hả bây! Mèn đét ơi, đi riết rồi quên cái thân già này đây mà!”
Anh Hòa cười hờ hờ không dám nói lại, xong lại dìu vợ vào trong nghỉ ngơi. Quỳnh Chi thấy bụng mẹ nó to quá thì liền ngây ngô nói.
“Ủa mẹ sao bụng mẹ bự quá dợ? Còn bự hơn cái đầu con luôn!”
Nghe con gái nói anh Hòa bỗng phì cười, anh chợt nhớ lại từ cái lúc vợ mang bầu đến giờ mà quên luôn cả việc báo cho người nhà một tiếng. Đúng là có lỗi ghê! Cụ út nhìn thấy thế thì vui lắm, có thêm đứa cháu nữa cho vui nhà vui cửa. Chị Thắm dắt con mình vào trong nói chuyện để cho anh Hòa với mẹ hàn huyên tâm sự.
“Mẹ dạo rày khỏe hông? Con thấy mẹ gầy quá!”
Anh Hòa nhìn mẹ mình với ánh mắt chua xót, cụ út phẩy tay đánh yêu lên vai con trai.
“Có khỏe gì ớ đâu! Vắng tụi bây buồn gần chết. Dù không bệnh cũng thành tâm bệnh nữa!”
“Dạ tụi con xin lỗi, con tính về đây ở với mẹ luôn!”
“Vậy đó hen, nói có thiệt hông? Hay lại gạt bà già này nữa!”
Cụ út vừa nói vừa cười khành khạch, nói sao chứ thì cụ vẫn mến con mến cháu lắm. Đôi khi tỏ vẻ hờn dỗi vậy thôi chứ lòng thương còn không hết.
Về nhà được mấy ngày, anh Hòa chăm lo việc đồng lúa cùng với bác sáu, Quỳnh Chi nó kêu bằng bác vậy thôi chứ hai vợ chồng ấy cũng trạc tuổi anh Hòa, chỉ tại phải làm ăn lam lũ nên có hơi già trước tuổi. Cái hồi anh lên Bình Dương đi làm thì có cho anh sáu An mượn đất để mần ăn, giờ về rồi nên giúp hai vợ chồng anh An làm xong vụ lúa này rồi lấy lại đất trồng vụ mới.
Cụ út trước giờ luôn bệnh đau liên miên, dù anh Hòa có về chăm sóc cỡ nào cũng chẳng khá lên là mấy. Cụ giờ đã hơn bảy mươi mà ở cái xóm này bấy nhiêu tuổi được coi là thọ lắm rồi. Chắc bởi xưa giờ nhà cụ út toàn làm việc tốt nên trời thương cho cụ sống lâu hơn người khác.
Tối tối, chị Thắm hay đi ra bờ sông mà ngắm. Tận hưởng cái làn gió quê, nó mát rượi xua đi cái nóng ban ngày. Ở chỗ chị đứng là cái cây me nhà chị, nó to và cao lắm, tán rộng xuề xòa, ban trưa mà ra đây ngồi thì nó che cả một mảng lớn. Có lẽ nó có từ cái thời mà ba mẹ chồng chị mới cưới nhau. Phần sân chỗ này khá rộng đủ cho mấy đứa nhỏ trong xóm đến mà chơi cầu lông hay bày đồ hàng.
Đứng một hồi chị chợt cảm thấy lành lạnh ở sống lưng. Có cảm giác như có ai đó đang nhìn mình nhưng quay người lại thì chỉ có mỗi chị mà thôi. Nhìn dòng nước rồi lại thấy đám lục bình ven bờ đã trổ bông một mảng lớn. Bỗng dưng chị lại thèm món mắm của miền quê dân dã nên bước xuống cầu hái một ít để mai nhúng mắm ăn.
Vừa khom người xuống, cái cảm giác lành lạnh lần nữa ập đến. Một bàn tay xa lạ nào đó đã đẩy chị xuống sông, dòng nước ban đêm lạnh tê da. Mới vừa đó mặt nước không chút gợn mà giờ lại nhấp nhô cuồn cuộn như muốn cuốn trôi chị đi xa. Chị giật mình tay nắm lấy chân cầu, chân đạp nước, ngước mặt hét toáng lên gọi chồng. Do nhà cũng gần sông nên chị kêu là anh Hòa lập tức ra ngay. Anh trách chị vì ban đêm ban hôm còn đi ra ngoài này. Chị Thắm chỉ biết xin lỗi chồng và giải thích lý do.
Anh Hòa cũng không trách chị, đang bầu bì mà, hay thèm ăn cũng phải thôi. Dù đã lên bờ rồi nhưng chị Thắm vẫn đang suy nghĩ về chuyện vừa rồi không biết là bản thân trượt chân hay ai đó đẩy mình nữa.
Đêm hôm đang ngủ thì chị giật mình, chị ngồi dậy ra ngoài hóng tí gió cho mát người. Nhìn ra phía xa xa chỗ cây me, chị thấy bóng dáng ai đó như đang múa dưới đấy. Thoáng chốc bóng hình kia biến mất rồi lại xuất hiện trên ngọn cây. Từ đó vọng lại là âm thanh ca hát nhưng cái giọng người đó cứ khàn khàn, cô đặc rất khó nghe. Tưởng mình vẫn còn mơ ngủ nên chị cũng chẳng màng để ý.
Hơn tháng sau đó chị cũng gần sinh, anh Hòa để ý thấy vậy liền lăm le nhìn sang cây me. Nó to mà ở đó thì chật chỗ quá. Thấy anh đứng nhìn mãi sáu An vỗ bộp lên vai anh cất giọng.
“Dòm gì dòm quài dậy mậy!”
“Dạ em đang tính đốn cây me để cái phần sân cho nó trống trải. Vợ em thì cũng gần sinh đẻ rồi nên định để cái sân đó để nữa bồng con đi lòng vòng chơi.”
“Ừ được đó, mầy tính vậy cũng được. Nào làm thì hú anh một tiếng, anh qua anh phụ.”
Sáu An thì tốt tính lắm, chuyện trong xóm có gì anh cũng giúp mà chẳng có lấy công nên ai cũng quý. Thấy trời vẫn còn sớm, anh Hòa xách xe máy chạy vô kinh lai rai vài ly với bạn cũ. Dân An Giang ai nhậu cũng giỏi, đặc biệt là xóm anh và mấy người bạn trong kinh. Mỗi lần làm về mệt mỏi cái là chiều đem ra xị rượu với mấy miếng khô cá lóc cùng nhậu thì ta nói nó đã gì đâu. Thêm mấy loại trái đồ chua chấm muối ớt thì còn gì bằng nữa, đồ nhậu ngon nhất ở đây thì phải kể đến xoài chua, cóc non với mấy trái chùm ruột.
Đang nhậu hăng thì anh Hòa có nhắc đến chuyện chuẩn bị đốn cây me, anh hỏi xem có ai cần không để anh cho. Anh Xiểng ngồi đó nghe vậy liền lên tiếng.
“Bây đốn cây gì không đốn mà phải đốn cây me là sao?”
“Anh Xiểng nói vậy là sao? Bộ cây me đó không đốn được hay sao vậy?” - Hòa không hiểu hỏi lại.
“Đâu có ớ đâu! Mầy đốn cây gì thì đó là chuyện của mầy. Anh đây chỉ muốn nhắc nhở chút thôi!”
“Đúng ời! Thằng Xiểng nói đúng, từ xưa cho tới nay, người ta thường nói cây đa cây me là chỗ ma quỷ cư trú, mầy lỡ đốn rồi nó ám đó à.”
Hòa thì không tin mấy chuyện như này. Xóm anh trước giờ chả có ai chết oan thì lấy đâu ra ma với chả quỷ, với cả nếu có thì nhà anh phải có chuyện lâu rồi chứ đâu mà tới tận bây giờ. Anh cười cười đáp trêu lại với bạn nhậu.
“Nói sao chớ, nó mà có ma quỷ thì em bẻ dò hầm măng ăn luôn ấy chứ!”
“Cái thằng! Họa từ miệng mà ra đó à!”
Anh Xiểng lên tiếng, Hòa cũng chẳng nói thêm gì. Ngồi lai rai đến gần tối thì mới chịu về.
Vừa đến cổng anh đã thấy chị Quyên vợ anh sáu An đứng ngóng mình ở cửa. Chẳng biết chuyện gì, anh dừng xe, tắt máy rồi hỏi.
“Chị Quyên, sao nhìn chị xanh xao quá vậy?”
“Mèn ơi! Chú mầy đi đâu sớm giờ đó? Con Thắm lúc nãy nó té sông rồi chuyển dạ. Anh An chở nó đi đẻ rồi kìa.”
Nghe thế Hòa vừa mừng vừa lo. Rối rít mà hỏi tiếp với chị Quyên.
“Ờ dạ… vậy… vậy ảnh chở vợ em đi chỗ nào vậy chị?”
“Trạm y tế xã chứ đâu! Mới đi tức thời nè. Chạy riết theo coi lo cho con Thắm đi.”
“Dạ dạ…”
Hòa lúng túng đáp lại, giờ đây anh tỉnh cả rượu. Chạy siết vào trong nhà lấy đồ đạc cho vợ. Trước khi đi bà út có dặn dò đôi ba câu với anh. Bà dúi vào tay anh cái vòng bằng cây tằm.
“Chờ chút con, đem theo cho con Thắm! Đàn bà đẻ yếu lắm. Các cụ xưa nay nói rằng cây tằm xua đi ma quỷ. Đem theo để tránh mấy thứ không sạch sẽ ở đó!”
Hòa nhận vội rồi nhét vào trong mớ đồ. Xong thì chạy nhanh vút xuống trạm y tế xã. Ban nãy không thấy Quỳnh Chi, chắc con bé đi cùng sáu An rồi. Xuống tới nơi, anh thấy con gái mình đang khóc ầm lên chỗ phòng sinh. Hòa chạy lại thở hì hục, mặt vẫn còn đỏ vì rượu chưa tan.
“Anh sáu, vợ em sao rồi?”
“Ai biết đâu, nãy tao thấy con Chi nó la nên tao chạy tới. Thấy vợ chú mầy vỡ nước ối rồi nên có kịp nghĩ gì đâu, chở thẳng hai mẹ con xuống đây!”
Quỳnh Chi đứng kế bên thì nó khóc nức nở, mặt tèm nhèm nước mũi.
“Ba ơi ba, mẹ bị sao á ba. Háng mẹ chảy ra một đống nước rồi mẹ ôm bụng la đau.”
“Có khi nào mẹ sắp chết không ba?”
Hòa đánh nhẹ lên đầu con gái xong lại lấy cái khăn chùi mặt cho nó. Miệng trách móc mà không khỏi buồn cười.
“Ăn nói tầm bậy! Mẹ sắp sinh thêm em cho con. Đừng có nói quở, ba đánh tét đích bây giờ!”
Nghe vậy xong Chi mới thôi khóc, Hòa không khỏi lo lắng mà cứ đi đi lại lại trước cửa. Sáu An nhìn sang Chi rồi hỏi chuyện.
“Chi, nãy sao mẹ mầy té sông vậy?”
“Dạ con có biết đâu. Lúc đó con với mẹ đang mần cá thì cứ như có ai đó đẩy ớ. Con hên hong có té mà mẹ con thì trượt chân rớt sông.”
“Ai đẩy con!”
Hòa giật mình kích động mà hỏi con gái. Quỳnh Chi mặt bí xị cúi gầm xuống nhỏ giọng lại vì hối lỗi.
“Con… con hổng có biết! Mà con cũng không chắc là có người đẩy, tại lúc đó hổng có ai hết trơn!”
Hòa cũng thôi nhắc chuyện này, dù sao thì cái cầu đó trơn, rong rêu bám đầy. Anh có nhắc vợ là ít đi xuống sông đi, mà Thắm thì lại không nghe. Cô thích xuống cầu ngồi rồi ngâm chân nghịch nước. Chuyện cũng may có Chi ở đó không là giờ hối hận không kịp.
Sau thời gian hồi hộp chờ đợi, Thắm đã thuận lợi sinh đứa bé ra. Là một cậu trai kháu khỉnh, Chi mừng rớt nước mắt muốn chạy vào ôm mẹ thì bị y tá ngăn lại để cho thai phụ dưỡng sức. Lúc đó nhìn hé qua cánh cửa, Chi thấy một gương mặt đang áp sát mẹ mình nhưng phút chốc lại mất tiêu, nó giật mình kinh sợ kêu lên.
“Ba ba! Nãy có cái gì nằm kế bên mẹ ớ!”
“Cái gì là cái gì! Con đừng có tầm xàm quá!”
“Con nói thiệt mà! Nhìn nó thấy ghê lắm!”
“Cái mặt nó đen sì, cái răng nhọn như sư tử vậy á, còn nữa mắt nó đỏ như máu, cái lưỡi nó dài lè ra…”
Chi tiếp tục lên tiếng mô tả nhưng Hòa không để ý, giờ anh và sáu An bận đi theo y tá để làm chút thủ tục cho sản phụ. Anh dặn dò Chi ở đó canh mẹ nó rồi đi. Chi vẫn không an tâm nó cố níu áo ba nó lại nhưng bất thành. Nhìn lại vào trong thì chẳng thấy thứ kia nữa khiến nó bất an hơn. Nó sợ lỡ bất thình lình thứ kia nhào ra cắn nó hay bắt em nó đi chắc lúc đó chỉ biết khóc thét. Xong nó lại chạy lại chỗ mẹ đang nằm, đứng ngắm chăm chú đứa em trai nhỏ và chăm lo cho mẹ.
Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!
Bình luận
Chưa có bình luận