Cúc vạn thọ và dừa cạn.
Tết năm nay tôi về vào ngày hai mươi âm lịch tháng mười hai. Về cùng tôi là chị hai, chị năm nay đã hơn hai sáu tuổi mà vẫn còn tự do lắm, nhiều lần mẹ hỏi chị khi nào lấy chồng, chị cười rồi gượng mặt ngoảnh đi nói "lấy làm gì, không lấy cũng có chết đâu". Tôi thì năm nay cũng gần tròn hai mươi, tuổi này nhiều người nói với tôi là độ tuyệt nhất, mà nhìn tôi cứ lầm lì, người khác ít gặp thường nghĩ tôi ít nói. Tôi giấu ba má chứ tôi cũng có ba, bốn cô người yêu cũ rồi. Mà nói vậy, chứ thực ra cũng chỉ là tình yêu tuổi học sinh thoáng qua, có những kỉ niệm vừa đẹp, vừa buồn cứ quanh quẩn, in hình.
Nhà tôi trước giờ chẳng chưng bày hoa họe gì nhiều, nhìn cũng đơn giản lắm, năm nay ba mua thêm hai chậu hoa màu vàng, tôi không biết tên của nó, nhìn cũng lạ, có bác hàng xóm thấy bắt mắt cũng mua theo về bày ra cho có không khí.
Tôi cũng đem một chục cây hoa dừa cạn trắng và hồng đã có hoa, vài ba hạt giống cây cúc vạn thọ về trồng bên giếng nước.
Nhà tôi gần bờ biển, ba đi biển, mẹ đi buôn cá. Hôm nào ba đi có cá thì mẹ bán, không thì mẹ đi mua của người ta rồi lên chợ bán lại. Ba tôi thích trồng cây lắm, nhà tôi còn trống miếng đất nhỏ độ chừng đủ xây hơn một căn nhà, tôi xem đó là khu vườn nhỏ. Cứ mỗi sáng sớm và khi trời chập tối ổng lại cầm cái ống dây mô-tơ bơm nước đi tưới hết cái mảnh vườn con con ấy. Ba tôi trồng hai cây bưởi trước cổng vườn, mấy cây ổi, mảng cầu, cây sanh toàn bộ chỗ đó đều do ba đi xin từ những nhà của người khác. Mà nhà tôi hình như ít nhiều ai cũng thích trồng cây thì phải. Tôi có trồng cây me và vài ba cây trứng cá nhưng khi cây me mới ra lứa trái đầu tiên thì ba tôi lỡ chặt đi mất. Mẹ tôi thì trồng mấy cây chanh, tay mẹ trồng có khác, cây nào trái cũng ra nặng trĩu cây, cứ tới mùa người ta lại đến xin về đánh nước chanh muối giải khát. Mẹ còn trồng mấy dây khoai lang và vài ba cây rau mà tôi chả biết tên chúng. Chị tôi thì trồng một đống nha đam, tầm độ hai nhăm ba chục gốc, tôi có gieo xen kẽ vào giữa chúng vài ba hạt giống cây hoa mười giờ, mấy cây đuôi hổ và cả mấy loại hoa nhỏ khác. Ngoài mấy cây chanh của mẹ, thì hầu như mảnh vườn chẳng chưa có cây nào ra trái cả. Nhiều khi nghĩ đến ngày nó ra trái mà thấy sao xa vời quá.
Nhưng mà nhìn mảnh vườn được phủ xanh, tôi lại thấy nao nao lòng và không muốn rời khỏi chốn ấy.
Quảng Trị, mùa xuân với tôi là ổn nhất, không có cái nóng của gió lào thổi trong hè, không mưa bão dồn dập như mùa đông. Quê tôi người ta sống bằng nghề bám biển nên mùa này dễ chịu hơn, tâm trạng người ta vui vẽ và một mùa tết sắp về trên miền quê đất đỏ.
Mấy năm nay tôi có khác hơn ngày xưa nhiều, ý tôi là cả tôi và cách họ đối xử với tôi. Họ hàng tôi khi ăn tiệc đều thay cho tôi ly nước ngọt bằng ly bia, tôi với bạn bè tôi thì thường xuyên bỏ số tiền đi làm thêm cực khổ vào những lần xuyên đêm suốt sáng mà hậu quả là những ly bia vào bằng đường nào cũng ra bằng đường đó, có khi là nói bậy, làm mất hòa khí của nhau. Nhiều lần tôi muốn bỏ, nhưng đôi khi, chúng ta không làm được giống những gì chúng ta suy nghĩ.
Hôm đó, tôi có gặp lại cô bạn gái đầu tiên của mình trên quán cà phê, quán cách xa chỗ tôi ở tầm 4km và nếu tính từ quán về nhà cô ấy thì xa hơn. Chắc là cô ấy chẳng để ý, hoặc có nhưng cả hai không lên tiếng. Đôi khi tôi lặng nhìn cô ấy, tôi để ý gương mặt, dáng hình và mái tóc. Tôi như thấy có điều gì trong tôi đã dần dần mất đi. Cậu ấy mập hơn so với cấp ba, mái tóc vẫn dài như vậy, hai lọn tóc chẻ hai bên gần tai, mặc một chiếc áo màu trắng với chiếc quần jean dài và đôi dép xỏ quai. Trong vô thức, tôi nhớ những gì xảy ra vào những năm trước đó. Người ta thường nói mối tình đầu là mối tình khó quên nhất, tôi thấy đúng, có lẽ chỉ với tôi. Tôi cứ suy nghĩ vu vơ trong đầu như vậy, tiếng ồn ào, bản nhạc của quán cà phê cứ chạy ngang đầu tôi, tiếng ting ting thông báo của cái điện thoại cũ, ... mà tôi chẳng có hứng thú để tâm gì.
Tầm chín giờ tối, tôi lặng người quay đi ra, dắt chiếc xe của chị, bỗng tôi thấy thật buồn và thất vọng, đột nhiên tôi muốn cô ấy nhìn thấy mình, dù chỉ là một chút mờ nhạt thôi cũng được.
Con đường về hơi u ám, quê tôi chưa có phát triển gì, đèn đóm trên đường không có mấy, đặc biệt tôi ở thôn xóm nhỏ không thể giống thị xã được. Về tầm 2km phải đi ngang qua nghĩa địa, tôi sợ ma lắm, hồi cấp ba mỗi lần đi qua đây tôi đều đi với bạn hoặc chạy theo bóng đèn xe ngưòi khác. Mà cứ chạy, cứ chạy, đến con đường dẫn tới nhà thì tôi cũng chẳng còn nhớ gì cái nỗi sợ đó. Mẹ vẫn còn để đèn sân cho tôi vào nhà, mẹ hay sợ tôi đi chơi khuya nhậu nhẹt, lúc nào cũng vậy, một là tôi phải gọi điện về nói trước, hai là mẹ đợi đến lúc tôi về tới nhà mới thôi. Bởi vậy, tôi thường nói mẹ ngủ trước, cứ tắt điện, khóa nhà, nếu tôi không ngủ lại nhà bạn cũng có cách mở khóa, với tôi phá hoại là vậy, là không nghe, là dối mẹ, đơn giản vậy thôi.
Tôi ngã lưng và lại bấm điện thoại, chẳng biết nữa, thường khi buồn hay một mình tôi sẽ tìm người nhắn tin, một hai ngày lại im bạch. Riết rồi tôi làm thơ, viết văn, làm tất cả mọi thứ, để khi hai mắt không nhắm được tôi có thể nhắc nhở bản thân không nghĩ và làm những điều khờ dại.
Những ngày sau đó vẫn vậy, tôi có hai lần lên quán cà phê lần trước để ngồi nhưng tôi không còn gặp lại người ấy ở quán cà phê đó nữa.
Kỳ lạ thật, nhiều khi chúng ta cứ đi đến một nơi không phải vì ở đó có bán đồ, có bản nhạc chúng ta thích mà chúng ta đến đó vì nghĩ rằng mình sẽ gặp lại một vài người ở nơi ấy.
Chúng mình còn nhớ gì về năm mười lăm ấy không, hay trôi qua là sẽ không quay lại nữa.
Mấy chậu cúc vạn thọ đã vươn lên sau lớp đất, tôi lấy chúng nhẹ nhàng và đặt vào chậu nhỏ, tầm năm chậu. Lũ dừa cạn vẫn vậy, chúng trông chẳng khác gì ngày đầu tôi mang về, bông hoa của chúng vẫn nguyên giống như chẳng rụng đi.
Hôm nay tôi có cãi nhau với lũ bạn về một nghệ sĩ. Chia sẻ chút, tôi có gu âm nhạc khác với bọn bạn tôi, tôi nghĩ vậy. Chúng tôi cãi nhau vì họ thích người này, còn tôi thì không, đại khái là bạn tôi nhắc về một rapper và cho tôi nghe bản nhạc nó thích, tôi nói không hợp và những lí do củ chuối được nêu ra. Nhiều khi tôi muốn tranh luận một cách trưởng thành nhưng người ta lại kéo tôi xuống bằng những lí luận, những áp đặt lên ngôn từ, nên thôi, tôi im lặng khi thấy mình không giải quyết được vấn đề này ngon nghẻ.
Tôi thấy mình vẫn trẻ con như thuở ngày xưa trong nhiều chuyện, mà kệ, nhiều khi trẻ dại lại nói được mấy câu mà người lớn phải suy nghĩ nát đầu.
Tôi thích nhạc dân ca, thích bolero và một vài bài nhạc trẻ nhưng hiếm lắm. Thích cả mấy bản thổi tiêu, thổi sáo, nghe người ta thổi thôi mà lòng bỗng sầu khủng khiếp, một vài bản nhạc không lời tôi để cất dành riêng. Người ta đi theo những bài nhạc hot, những bản nhạc nhún nhảy, tôi không, tôi cứ muốn giữ cái gì đó ít ít riêng tư cho riêng mình, hơi ích kỷ nhưng kệ vậy. Chắc là cũng không làm sao đâu, nhỉ.
Định nghĩa về cái hay thì nhiều, đánh giá một bản nhạc dựa trên nhiều thứ nhưng với một người bình thường như tôi khi tôi nghe một bài hát, một bản nhạc, nếu là nhạc nước ngoài thì tôi phải đọc bản dịch để biết lời bài hát đang viết về cái gì. Khi tôi hiểu được chúng, tôi nghe từ giai điệu, ý nghĩa, nếu như tôi liên tưởng được đến các hình ảnh, đời sống của tôi, tôi cảm nhận được cái tương đồng giữa tôi và chúng, thì với tôi như vậy là hay. Như khi tôi nghe "Thương về miền Trung của Hoài Lâm" thì tôi nhớ đến dòng sông Hương, núi Ngự, những từ ngữ có trong lời bài hát rồi từ đó tôi mới liên tưởng nhớ đến quê hương mình, các hình ảnh và bóng hình người miền Trung. Những "Áo mới Cà Mau", "Chờ người", "Phố xa", ...
Tôi thích cái sự nhẹ nhàng của dân ca, những giai điệu chầm chậm của bolero cũng giống khi tôi bước đi chậm rãi giữa Sài Gòn nhộn nhịp vậy. Và những bản thổi tiêu, sáo không lời nhẹ nhàng đó giống như những ngày mình im lặng để nhìn ngắm mọi thứ xung quanh đổi thay vậy.
Mà đôi khi nói ra, nhiều người nói mình già quá, ừm thì nếu ai cũng hiểu nhau thì cần gì đến cái gọi là tình yêu đâu, đúng không?
Năm nay là năm thứ hai tôi đi xa về ăn tết, lạ lắm, tôi không biết diễn tả sao nữa, nó là một mớ hỗn độn chẳng thể viết được thành lời. Trên chuyến xe khách tôi háo hức về nhà, rồi tôi lại nghĩ đến ngày cũng trên chuyến xe này tôi lại phải rời xa. Mấy năm cấp ba, tôi với ba tôi không hợp nhau lắm, ba với tôi thường cãi nhau rồi im lặng cả tuần, nhiều khi không ai dám mở lời nói một câu với nhau, nghĩ lại thôi tôi cũng thấy sao hồi đó mình tệ thế. Mà khi đi, vào phía Nam xa xôi ấy, nơi Sài Gòn đấy thì người tôi thương nhớ nhất lại là ba mình. Tôi nhớ mái tóc bạc, làn da xạm đen và nhưng bắp cơ gồng mình với con thuyền, biển cả, nhớ giọng hát, những bài học nho nhỏ mà thực tế ba dạy tôi. Ba luôn là người tài giỏi và thông thạo mọi lĩnh vực, người duy nhất tôi luôn luôn ao ước được trở thành.
Tôi nghe người ta nói, hãy nhìn vào con trai của họ chúng ta sẽ thấy được thời trẻ tuổi của họ. Vậy đấy, tôi vẫn nhớ câu nói ấy, luôn luôn mong rằng mình sẽ học tập và biết nhiều hơn. Để có một tuổi trẻ không phải hối hận về điều gì, tôi không biết ba tôi có giống tôi tuổi trẻ không nhưng tôi sẽ sống hết mình với nó và một ngày nào đó tôi sẽ kể cho ba nghe.
Tôi sẽ tìm điều tương đồng giữa tôi và ba mình, xem giống người ta nói không, ba nhỉ.
"Bóng cha thăm thẳm quê nhà,
Hẳn là cũng nhớ mong ta vô bờ"
17.5.23 Phan Văn Hạnh
Sáng hai mươi tám âm, hôm nay ba tôi đi biển chưa vào bờ, tôi dậy sớm, nhiệm vụ của tôi hôm nay là kéo ống nước ra tưới cái mảnh vườn nho nhỏ đấy. Đầu tiên tôi tưới nhẹ bọn dừa cạn và mấy cây cúc vạn thọ mà tôi trồng được vài hôm trước. Loài dừa cạn này hay thật đấy, chúng nở hoa quanh năm, bên kia vài cây vạn thọ thì còn nhỏ xíu nhưng một cây đã chết mất tiêu rồi. Tôi kéo lê cái ống dẫn nước ra ngoài vườn, cái buồn ngủ biến mất đi và tự dưng tôi thấy yên bình quá, cái sự mát mẻ của nước, cái không khí ở quê này biết tìm đâu khi tôi lại vào thành phố. Mấy gốc nha đam xòe tròn như búp sen, mấy dây khoai lang nữa, chúng cứ liên tục liên tục lan rộng qua từng ngày, mới đó đã phủ kín một nửa sân vườn thành màu xanh. Ngoài hàng rào sân vườn nhà tôi là các cây sầu đâu, các cây bạch đàn to nhỏ và một khe nước chảy qua cây cầu dẫn đến biển. Một chú cò còn say ngủ trên bãi cỏ bờ khe, hẳn đêm qua nó đã có một bữa ăn no ở đây, trên cây bạch đàn còn một vài chú chim sâu xù lông vì gió xuân đêm qua
vướng lại, mấy giọt sương đọng lại trên đầu lá, rồi rơi xuống, rơi xuống, rơi thẳng vào tâm hồn tôi. Tiếng chú gà trống trong sân nhà lâu lâu lại cất lên, chú ưỡn ngực trên cây mưng gọi Mặt Trời như muốn nói đã đến lúc trỗi dậy rồi, xin đừng làm biếng nữa.
Sao tôi muốn thời gian dừng lại ngay lúc đó quá.
Tôi đi bộ xuống biển, đợi cha tôi vào bờ. Đêm hôm qua ba tôi ngâm lưới ngoài biển rồi ngủ luôn ở ngoài, sáng dậy sớm lôi lưới có cá thì gỡ không thì lại thả tiếp. Ở đây người ta thương và sống chung với biển, không có biển thì bốn chị em nhà tôi chắc cũng không học đến giờ này. Bóng mấy con thuyền ngoài khơi xa, mấy chú bác tuổi cao chèo nhẹ con thuyền lạu ( thuyền nhỏ ) ra gần bờ thả lưới sớm mong hôm nay kiếm chác được chút gì. Ở biển là vậy, tiền nhiều thì không có nhưng đồ ăn tươi sống đâu thiếu gì đâu. Cha tôi đi thuyền to hơn dành cho hai người, bóng thuyền ngoài xa như bức tranh lãng mạn ấm nồng. Con thuyền cha đi sừng sững giữa đường chân trời xa ngút, ánh bình minh le lói qua các kẽ hở chân mây chiếu thẳng xuống mặt biển in màu, có vàng có hồng có thẫm đỏ. Chắc là ánh sáng chưa đủ mạnh nên còn bị làn mây che chắn, tầm vài phút nữa thôi hòn lửa ấy sẽ từ từ càn quét rồi hừng hực xuất hiện như chứng minh cho thế gian rằng nó là tồn tại cao quý và đẹp nhất.
Tôi vội lấy cái điện thoại đời cũ của mình chụp một tấm ảnh, nhiều lần khi chứng kiến cái đẹp tôi thường như thế, mà khi đăng lên mạng người ta thường chờ ê chê mới buồn, ý tôi là buồn cười ấy. Tôi không quan tâm về lời người khác nói nhiều đâu, khi tôi nhìn vào bức ảnh, bình minh lúc năm giờ bốn mưới bảy sáng hiện lên trước mắt tôi, thế là đủ.
Cha vào tới bờ rồi, hôm nay có hơn mười cân cá bạc và bảy tám con ghẹ, chà, nhà tôi có con em út tôi nó mê tôm, cua, ghẹ lắm, hẳn là mẹ phải để dành cho nó ba bốn con riêng rồi. Mấy chị em tôi ăn uống khác nhau lắm, tôi thích ăn cá nóc, chị hai tôi không ăn được cái nóc. Tôi không thích ăn ghẹ, con em tôi là trùm ăn ghẹ, tôi không thích cá cháo (khoai) chị tôi thích ăn cá cháo, tôi không ăn khổ qua hay cải vậy mà nhà tôi ai cũng ăn được.
Ăn uống trong nhà thôi cũng thật là vấn đề nan giải.
Mà tôi thích nhất là cá, tôi ăn cá cũng kì, không ăn hai lửa, trừ một vài loại đặc biệt. Còn cá bạc, cá nục, cá ngân, thường mấy con cá ngon ngon tôi chỉ ăn đúng một lửa, tức là chỉ ăn khi nấu nó một lần rồi không hâm lại. Mẹ tôi thường nói là tôi ăn theo kiểu ăn khôn, đi xa không có lấy gì ăn.
Dạ, đi xa ăn cá nước ngọt, đi xa rồi tính nha mẹ, về nhà ăn cá biển, về nhà ăn ngon là được mà.
Mưa rồi, mới mùng ba tết mà mưa, hôm nay tôi có hẹn với lớp cũ cấp ba. Thì chuyện như cơm bữa, người tới trước kẻ tới sau, chúng tôi ghé thăm người thầy mà chúng tôi quý nhất trong ba năm học. Lạnh quá, thầy trò làm vài ly cho ấm người, ... tôi mất trí nhớ cho đến tối đó mẹ tôi bắt gió và cho tôi ăn bát cháo hành. Tôi cũng thấy bình thường, nhưng đôi khi say vào, mình nói nhiều thứ bốc đồng quá. Tôi thường thấy ba tôi say vào lại nói nhiều, thấy người ta say vào là nóng tính, thấy bạn mình say vào là khóc, còn tôi thì có nói nhiều và nói tào lao.
Trời mưa da diết, tôi biết, hôm đó cô ấy có đi đến thăm thầy và tôi cũng đã nhìn thấy. Bạn tôi xem tôi là cái vạch giới hạn khi nhắc tới bia rượu, nhưng thỉnh thoảng bạn biết đấy, khi chúng ta buồn, chúng ta thường say mèm đi vì những lí do chỉ riêng chúng ta biết. Giống như việc chúng ta lấy bia rượu để quên đi mọi thứ trong chốc lát.
Tôi đã buông xuôi và thả lỏng bản thân theo chiều gió trong hôm đó, có lẽ tôi đã không còn muốn nhớ gì ngoài việc cầm ly và uống. Ngoài trời vẫn mưa, mưa cho đến tận mùng năm tết.
Tôi đem mấy gốc cúc vạn thọ vào trong nhà, tôi sợ chúng úng nước và bị gió thổi hỏng mất, còn lũ dừa cạn kia vẫn nguyên vẹn như thế. Không thể không nói chúng thật sự rất mạnh mẽ và kiên cường trước thời tiết này.
Sau đó, chúng tôi lại gặp nhau ở lần đi gặp thầy dạy vật lý cấp hai, với tôi đó là một người anh, người bạn và thầy rất hay trêu tôi với cô ấy. Tôi rất quý thầy, tôi cũng biết mình còn ham chơi và đôi khi thầy đã chỉ cho tôi nhiều thứ mà tôi chưa thể hiểu. Chúng tôi bắt đầu nhắn tin lại cho nhau, tôi cũng tỏ ra tự nhiên nhất có thể, tự nhiên như cách gió mùa xuân nổi lên và bay đi. Chúng tôi không đi quá sâu vào cuộc sống nhau, đôi khi cô ấy trêu chọc tôi bằng những chuyện cũ, chuyện chúng tôi rời xa nhau thế nào. Có trời mới biết khi tôi đọc những dòng tin có vẻ vui vẻ đó tôi đã buồn đến như thế nào.
Ba năm cấp ba cô ấy đã ghét tôi như thế nào tôi vẫn còn nhớ rõ. Những lần ngoảnh mặt, xoay lưng, và cả chửi mắng, tôi vẫn nhớ rõ những gì mình đã làm. Nó chỉ là những tình cảm ngây dại của hai đứa trẻ, ngây thơ nhưng đều nghĩ rằng người mình yêu đầu tiên chính là người mình yêu cuối cùng. Con người ta nhớ đến mối tình đầu qua điều gì người có biết, nhớ những cảm xúc đầu tiên mình gọi đó là yêu, là nỗi nhớ da diết hay mấy cái ôm đầu, những nụ hôn vụng về hay với chúng ta, những đứa trẻ học sinh ngày đó là những lần đưa nhau quyển vở chép bài nhỉ? Hay là tất cả, hơn hết tôi nghĩ, tôi nhớ về mối tình đầu, về cô ấy vì thứ tình cảm trong sáng cô ấy đã trao tôi.
Thì như các bạn thấy, tôi đã gạt đi mọi thứ và giờ lại ngồi viết như thể tôi trân trọng tình yêu đó lắm. Tôi biết, mọi thứ đã qua nhưng vẫn còn nguyên đó những gì tôi gây ra, dù rằng chỉ là những đứa bé thì sau tất cả tôi vẫn là một gã không ra gì.
Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau nhưng không thường xuyên mấy. Tôi nghĩ rồi mình sẽ quên hết mọi thứ và cố gắng tránh xa khỏi mạng xã hội này. Gió chiều xuân, tôi đi bên bờ biển, gan dạ như được những lần sóng vỗ, bọt biển và gió xuân này rưới mát, tuốt sạch. Mọi thứ vẫn bình thường như chưa có gì xảy ra cả.
Khi mười bảy, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng khi chia tay, rời xa một người thì những ngày sau đó thế gian này sẽ vì đó xoay chuyển lắm. Chúng ta nghĩ đến những lời nhạc buồn, mường tượng ra những cái kết tan vỡ, những bước đi nặng nề và những lần ôm đầu với đống suy nghĩ tiêu cực, hỗn độn. Tệ hơn là với một vài thằng con trai, sau những ngày chia tay là những đêm dài với cái bụng căng đầy bia, chúng ta nhìn mọi thứ với cái nhìn buồn kinh khủng khiếp. Và tự ôm mình lay lách chật vật qua những ngày đó một mình trong đêm. Chậc, tôi vẽ ra như thế vì cá nhân tôi đã từng như thế.
Rồi một ngày, tôi bước chân đi giữa lòng thành phố khi trái tim tôi vừa nhận một vệt cắt không rỉ máu. Thành phố vẫn như nguyên là thành phố ấy, những căn nhà sẽ chẳng vì tôi mà xám màu đi, những con người bận rộn sẽ vẫn bận rộn và sẽ chẳng có ai dừng lại hỏi vì sao hôm nay tôi buồn đến thế. Con đường có thực sự dài hơn khi chúng ta đi trong vô thức, có đấy! Nhưng chỉ riêng với chúng ta mà thôi. Trong chúng ta ai cũng biết điều đó, nhưng đã chẳng còn ai muốn suy nghĩ đến nó nữa, hẳn là buồn. Chỉ đơn giản, vì buồn.
Để rồi thứ còn sót lại trong chúng ta là một câu hỏi không có câu trả lời, một trích dẫn hay một bài học nào đó, tất cả chúng đều chỉ nằm gói gọn trong trí nhớ của chúng ta, không có một vật gì đại diện được cả.
Như hôm nay tôi đi trên bờ biển, ngắm nhìn mênh mông bát ngát ấy, quê hương vốn đã quen ngày nào cứ mỗi năm lại càng một đổi mới. Nhưng sóng vẫn là sóng đấy thôi, biển vẫn xanh, hoàng hôn vẫn đẹp lắm người có thấy? Mấy quán bãi tắm, cái mõm đá nhô lên giữa bờ cát làm người ta thích thú vẫn nguyên vẹn và đi qua bao năm tháng.
Xin đừng vì những bản thân mà khắt khe với mọi thứ xung quanh. Tôi nhận thấy được điều đó khi học cách lắng nghe.
Mùa hè, mùa Quảng Trị với cái gió lào đặc trưng ấy, mùa của cái nắng chang chang, nắng bể đầu bể óc. Mùa hè ở quê tôi là mùa những khách du lịch ở nơi khác về ghé biển chơi. Ở mấy quán nhậu, quán ăn ven biển thì mát đấy, chứ vào nhà dân thì thôi, chúng tôi làm đủ trò, đủ cách để sống sót qua những buổi trưa, mùa hè bấy giờ nóng như lửa thiêu. Tôi hay ví quê mình là cái lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân. Nóng vậy nên người ta chuộng tắm biển lắm, biển đông kin kít, người tứ xứ đổ về, độ tuổi nào cũng có. Mấy đứa con trai mười bảy mười tám tuổi trong quê chiều chiều cứ ở trần giương cái cơ thể bốn năm sáu múi của chúng ra đi qua đi lại làm màu. Lâu lâu lại thấy vài ba đứa ngồi chụm chụm tia xem hôm nay có chị nào xinh xắn ghé thăm.
Mùa hè nóng là vậy nhưng lại là mùa người dân ở đây quý. Quý vì đây là vì là mùa cá về và thường thì các ngày trong mùa hè thời tiết rất tốt để ra khơi. Nhìn thấy thương mấy đứa cấp ba áo dài áo trắng mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, đặc biệt là tháng tư tháng năm ấy, học mùa này thì đúng là cực hình.
Mà nhớ lại, cũng mới đây thôi mình cũng tội như vậy.
Hồi tôi đi học lớp mười hai có cái chủ đề làm tập san làm thơ với mẫu chuyện gì đấy. Tôi cũng viết được một bài thơ đấy chứ, mà trời ơi cô văn của tôi bả nói tôi chép trên mạng về thế là được giải hai giải ba gì đấy tôi không nhớ rõ. Nhận giải xong thì cô hỏi tôi bài này chép google hả, tôi bảo em tự viết thế là thôi, buồn ngang luôn.
Nói chứ tôi cũng không quan tâm lắm, lớp tôi hồi đó là lớp lựa, tôi học dở nhất lớp. Khổ ghê, bị áp lực lắm chứ đùa, bạn tôi ai cũng tổng tám chín phẩy, tôi toàn lẹt đẹt bảy phẩy mấy thôi. Hồi đó đi học sợ bị cô thầy gọi trúng lắm, nhất là môn hóa ấy, tôi vẫn không hiểu sao mình qua môn được. Giờ nhìn lại cũng vui ghê, ba năm cấp ba trôi nhanh như cơn gió thoảng qua.
Bạn còn nhớ năm mười bảy tuổi của mình không?
Năm mười bảy nhẹ nhàng bước đến như cơn gió, mát mẻ và lướt ngang qua. Tuổi mười bảy đi qua khi chúng ta nhận ra những trò chơi chúng ta thích phải dừng lại, thay vào đó là trách nhiệm, sự kì vọng của người thân, kì thi trung học quyết định tương lai phía trước.
Chúng ta nhớ về năm mười bảy tuổi của mình, có hò hẹn, có vui vẻ, có giận hờn, nhớ câu nói trên facebook hay xuất hiện rằng "mối tình năm mười bảy là mối tình khó quên nhất, là mối tình của thanh xuân", lúc đó đâu biết đâu là thật là giả. Mười bảy tuổi, áo dài em thướt tha trong nắng chói, năm cuối cùng của những lần mộng mơ. Tiêu đề bài thơ tôi viết trong tập san mà tôi nhắc trước đó, trùng hợp thay nó tên là "Tuổi mười bảy".
Vậy đó, mười bảy cứ thế nhanh chóng qua đi.
Còn đâu nữa người mình thương, chọn tương lai hay nghe lời gia đình người có biết. Thời gian đâu phải chuyến tàu chỉ cần mua tấm vé là có thể quay lại trạm bắt đầu, còn đâu nữa tà áo dài năm ấy, bài ca cũ ngân nga trong lớp chiều, mấy dòng chữ kí tên lên áo trắng tôi còn cất sau lớp tủ, đóng băng.
Chúng ta, có người nhìn xa xăm, có người vui vẻ nhớ đến, có người bồi hồi lạ kì,
Cũng có người lặng lẽ quên đi.
Tôi về quê sớm hơn dự tính, nghỉ lễ năm nay dài hơn nghỉ tết. Vườn cũ mới đó mấy dây khoai lang, bọn hoa mười giờ đã chiếm chỗ phủ xanh mảnh đất rồi. Nắng quá, có một vài cây nhỏ đã khô héo đi. Mùa này, mấy cây chanh đã bắt đầu lộ ra vài trái nhỏ, mấy cây nha đam thì bớt xanh đi vì trời gắt gỏng quá. Tôi về trúng đợt ba xây thêm cái hồ cá nho nhỏ, ba nói xây ra vậy để nuôi cho vui, sau này lỡ người ta có di dời thì mình cũng có thêm một tí. Tôi thích cái ý tưởng này lắm, thế là tôi dang nắng mấy ngày cùng ba xây cái hồ bằng xi măng nhỏ xí để thả cá trê. Vậy là cái vườn tự dưng có thêm cái hồ nho nhỏ ở mép dưới.
Đám dừa cạn hồi đó tôi đem về chỉ chừng độ chục cây giờ đã lan ra thành cả quân đoàn không đếm xuể. Mưòi mấy gốc ngày đó đều thành những gốc to nhất chỉa nhánh tứ tung, bọn cây con tí ti chen chúc nhau dành đất vươn lên, hoa trắng, hồng xen kẽ nhìn cũng ra gì và này nọ phết. Vì bọn này chịu được nắng nóng nên tôi nhổ bớt ra ngoài vườn, không để chúng quá nhiều trong giếng nữa. Chỉ chừa tầm độ bốn năm cây cho có màu sắc. Bên cạnh, lũ vạn thọ giờ đã vươn cao ngang đầu đứa trẻ con, vạn thọ chưa nở hoa nhưng nhìn cũng có một hai cây trông xơ xác. Tôi dành một buổi chiều tỉa lại gốc thân và mấy nhánh khô của chúng, chỉ sợ cái nóng này thật sự sẽ làm chúng gục ngã.
Tôi có quen một đứa em sinh năm hai lẻ sáu, bằng tuổi đứa em út của tôi. Tôi biết nó từ mối tình đầu của mình, tôi ấn tượng với nó cực, nó dễ thương và tình cảm lắm, tuy nó nhỏ tuổi thế thôi nhưng nhiều lần tôi thấy mình chẳng thể suy nghĩ được sâu sắc và tinh tế như nó. Dáng người nó nhỏ xíu, cười rất dễ thương, mặt nó sắc nét, nó lanh lợi, nói chuyện dễ thương lần đầu gặp nó tôi rất ngạc nhiên về gương mặt và giọng nói. Năm năm nay nó là người duy nhất cứ đến ngày sinh tôi lại chúc mừng sinh nhật. Có nhiều lần, nó là người đầu tiên chúc, cũng có lần nó là người duy nhất nhớ đến và chúc tôi trong ngày hôm đó. Tôi xem nó giống em gái ruột của mình vậy, mặc dù nhiều lần, tôi thấy chúng tôi có gì đó khác xa nhau về cách suy nghĩ, cách giải quyết và nói chuyện. Nhưng mà, tôi không để tâm lắm, tôi yêu quý nó và ủng hộ nó chứ không phải muốn nó giống tôi. Nhưng tôi có lẽ cũng làm nó buồn nhiều lần rồi, đôi khi nó không nói ra, nó cười ngây thơ và xem như chưa có chuyện gì. Nhưng tôi biết, đôi khi chính tôi đã sai rất nhiều trong câu chuyện đấy. Chúng tôi vẫn thường xuyên tâm sự, nói một vài câu chuyện trong cuộc sống.
Có khi là buồn, cũng có lúc là vui.
Tôi nghĩ, chúng ta trong đời ai cũng có nhiều lần như thế, có được một người để trò chuyện thật vui biết mấy, hơn cả vậy để kiếm được một người lắng nghe mình còn tuyệt vời hơn. Nhiều khi, vì những áp lực ngoài kia, những lần bản thân mình vô tư với lời nói, với hành động mà đã quên mất mình làm sai với những người bên cạnh. Chúng ta quen với việc người ta sẽ ở đó mà quên mất rằng ai cũng có thể đột ngột rời đi mà chẳng cần lí do gì. Bởi vì chúng ta chẳng thể trói buộc nhau như đức tin, sẽ chẳng có một sợi dây liên kết vô hình nào gắn liền cả hai khi giữa chúng ta không có sự tương đồng, niềm tin và sự tôn trọng.
Một cây vạn thọ đã xuất hiện những búp hoa đầu tiên, nó chỉ chờ đến lúc được bung mình.
"Trâm cài tóc rối tuột rơi
Chữ tin dẫn lối cho đời thênh thang"
4.6.23
Đeo tai nghe, thả hồn mình vào tiếng tiêu trong chiều lộng gió, suy nghĩ về những ngày hè nắng đổ, về những thứ mà tôi không biết. Cũng có những chiều tôi một mình trên chiếc xe máy, xõa mình giữa những con đường quê không tên tuổi, mấy hàng cây xao xác như gọi tên mình, tôi thấy mình chẳng còn điều gì đáng bận tâm.
Tôi nhận ra yên bình với tôi là khi nhắc về quê hương, nhắc về gia đình. Đi kèm với đó, là những khoảnh khắc, những bức hình được đóng khung lưu giữ những kỉ niệm. Với tôi yên bình đơn giản là vậy, là nụ cười của mẹ, mấy bì chè đậu xanh, đậu đỏ, bánh lọc mẹ mua sau khi đi buôn cá về. Là những lần cha ngại ngùng nhìn tôi thật lâu sau mấy tháng tôi mới trở về nhà, là cha mẹ hiền hòa, là vài ba bữa cơm mẹ nấu, ... là vậy thôi.
Hè đó, tôi gặp con bé hai lẻ sáu cùng với người ấy nhiều lần hơn. Con bé thích biển, thích bình minh, mà chỗ nó thì xa biển lắm, nó ở xa tôi những gần 30km. Mỗi lần nó về, tụi tôi lại đi dọc quanh làng xóm, đi chợ, ăn hàng, ăn bánh và mấy thứ tưởng chừng rất trẻ con. Dần dà tôi thấy tự nhiên hơn với cô ấy, thậm chí, tôi và cô ấy còn đi uống cà phê riêng. Có đôi ba lần tôi và bạn tôi cùng cô ấy, đi nhậu, mà mấy bạn biết rồi, tôi nhậu vào thì nói nhiều, nói nhiều thì thành nói sai. Tôi cũng ráng sửa lại cái tật này, mà cũng đừng trách tôi quá, tôi vào Sài Gòn ở với chị, hơn nửa năm tôi cũng chỉ uống bia một lần nên mấy lần về quê tôi tận dụng thời cơ để đỡ "cơn thèm" không mấy tốt lành ấy. Vậy đó, thành ra nhiều khi tôi làm phật lòng người khác trong lúc mình lỡ quá chén. Cũng may sao mấy đứa bạn tôi nó đã quen với chuyện tôi nói nhiều trong khi xỉn, cô ấy cũng vậy. Tụi tôi tâm sự nhiều hơn, có khi là ở những lần tôi chở trên chiếc xe gắn máy đi ngang qua ngôi trường năm cũ, những lần bên chiếc ghế đá nghe gió thổi và tiếng sóng vỗ rì rào, những cái nhìn thoáng qua rồi vụt mất dành cho nhau, đôi khi là câu trách móc ngày trước, vì sao, ...
Tôi lấy bốn chậu cúc vạn thọ ra đặt gần cổng nhà mình, cây đã cao quá nửa thân, dưới những tán lá xanh, vài búp đã xuất hiện le lói những cánh hoa đầu tiên. Mấy cây dừa cạn thì vẫn như ngày đầu tôi đem đến, chúng vẫn lặng im ở đó, những cánh hoa lặng lẽ nhìn thẳng ánh Mặt Trời gắt gao.
Có những trưa hè trời đổ cơn mưa rào, khu vườn như được sống lại sau những ngày giống sống trên sa mạc. Mấy nhánh cây, cành hoa nhợt nhạt cũng dần dà đậm sắc xanh hơn. Mùi hơi đất xộc lên nồng nàn lắm, mấy đứa trẻ con thì dơ tay, có đứa thì cởi cả áo rồi la hò hô hét đắm mình tắm giữa cơn mưa rào. Tôi thấy mình trong những hình ảnh của lũ trẻ này, rồi chợt nghĩ hầu như bây giờ các bậc cha mẹ thường để con mình đắm chìm trong những chiếc điện thoại nhỏ gọn kia. Thế giới của những đứa trẻ kia đôi khi nằm trong thứ mà ngày xưa, mục đích của chúng là dùng để liên lạc. Bọn trẻ thấy thích thú với thế giới ảo hơn, thích thú với trò chơi điện tử hơn những niềm vui, trò chơi ngày xưa tôi từng trải. Các bậc cha mẹ thì vì công việc, vì thời gian và sự yêu thương chưa đúng cách của mình mà dần dần để thứ tưởng chừng như vô hại đó trở thành một điều quen thuộc trong đời sống con trẻ, rồi hối hận.
Tôi không đánh giá bất kì điều gì hay bất kì ai bởi vì tôi cũng vẫn thường xuyên cầm điện thoại, bỏ phí thời gian của mình vào những trò chơi vô bổ, chỉ là có nhiều hệ lụy xảy ra mà chúng ta vẫn thường thấy, ai cũng hiểu rõ. Và đôi khi, tôi tự hỏi liệu những đứa trẻ lớn lên với những cái màn hình điện thoại đấy, chúng sẽ nhớ gì về tuổi thơ của mình?.
Nhiều hôm sau tôi ra nhà cô ấy chơi, nhà có hai đứa cháu nhỏ tuổi, một trai và nột gái. Tôi lấy cớ ra chơi với tụi nhỏ, tụi nó cũng dường như thích tôi, bám lấy và làm mấy trò vô tri dễ thương lắm. À, ba mẹ cô ấy vẫn còn nhớ đến tôi, hồi đó, năm lớp bảy, lớp tám, thường vào tầm độ sáu bảy giờ tối tôi cùng đám bạn mình lại đến đứng trước nhà cô ấy hò hét tên người ta. Tôi cũng gặp ba mẹ cô ấy mấy lần, mỗi lần gặp đều cách nhau một khoảng thời gian trông lâu lắm, ấy vậy mà ba mẹ cô ấy vẫn nhớ đến tôi thật rõ ràng. Chúng tôi cũng tỏ ra bình thường, nói chuyện với nhau và mỉm cười, kể mấy ngày đi học, đời sinh viên của chúng tôi. Cô học Đà Nẵng, tôi Sài Gòn, cách nhau độ gần ngàn cây số, mỗi nơi một môi trường khác nhau nhưng nhìn chung, ai cũng đã học được ít nhiều từ cuộc sống. Từ lúc rời xa gia đình, một mình, những cảm xúc bồi hồi, bỡ ngỡ, buồn vui có đủ.
Có một điều gì đó nằm sâu thẳm trong trái tim tôi như muốn chui ra, nhưng rồi nó bị tôi dùng bộ óc ngăn lại. Tôi không biết mình có ngăn được nó hoàn toàn, chỉ biết hình như những hành động, lời nói, gương mặt, đến mạch máu và suy nghĩ của tôi đã có thứ gì kiểm soát. Tôi lặng yên suy nghĩ trong nhiều ngày tiếp đó, những đêm tối tôi lại làm thơ, làm mọi cách để mình giữ được bản thân.
Mấy chậu cúc vạn thọ đã nở hoa, cúc vạn thọ tôi trồng màu cam. Mấy cánh hoa sau vài lần cố vươn mình ra khỏi búp cuối cùng cũng thoải mái khoe sắc giữa đất trời. Mùi hoa nhẹ nhàng, hoa lặng yên tô điểm lên khu vườn xanh biếc đó.
Bên mấy cây dừa cạn, sau bao nhiêu cánh hoa tàn rồi lại nở, tới bây giờ chúng cũng có một loài hoa kề cạnh mình. Nhưng tôi không biết vì sao dừa cạn vẫn lặng im, chúng chỉ đung đưa trong cơn gió và dường như chẳng bao giờ lá hoa chúng sẽ với được những cánh hoa vạn thọ màu cam.
Tầm độ hai tuần sau, trong nhóm chat trên facebook có tôi và cô ấy cùng con bé hai lẻ sáu. Chúng tôi chợt kể cho nhau về những thứ vu vơ, những chuyện vui, mấy câu chuyện khi xa quê và cả lần về quê này. Con bé hai lẻ sáu tỏ ra mình trưởng thành lắm, nó lâu lâu nhảy chọt nhắn tin thật dài rồi biến mất, rồi lại vào. Khuya đó khi con bé kia đã ngủ, chúng tôi vô tình nhắc đến chuyện ngày xưa. Tôi nói, tôi trách tôi ngày xưa đã vô tình. Người nói đã qua rồi xin cứ để trôi qua, giống như hoàng hôn rồi sẽ lại đến bình minh tuyệt đẹp. Trong thoáng chốc tôi bất chợt lặng im trong căn phòng nhỏ hẹp, chẳng biết nói gì chỉ biết đưa mắt nhìn khung chat, dòng chữ cô ấy đang nhập tin nhắn xuất hiện.
Sao tôi lại buồn và lo lắng thế, tôi thấy mình như bị điên. Tôi không biết mình thất vọng về điều gì, tôi chẳng buồn đọc tin nhắn, tắt máy và nghe một bài nhạc dân ca về miền Trung mình. Rồi ngước mắt nhìn lên trần nhà và suy nghĩ, đầu tôi là một mớ hỗn độn, chúng xáo trộn và đan xen lẫn nhau. Tôi không biết, không hay và tôi ước chi nếu đêm nay trôi qua nhanh thì tốt biết mấy.
Tôi nghe đi nghe lại bài nhạc đó tầm sáu bảy lần thì quay lại khung chat. Nội dung nãy giờ cô ấy viết dần hiện ra. Câu đầu cô ấy nói thật ra cô ấy đã có người yêu rồi, câu thứ hai nhắc tôi biết thời gian quen nhau đã tầm hơn hai tháng. Câu thứ ba, thứ bốn bảo tôi rằng chuyện chúng tôi đã qua từ rất lâu và hãy xem như đó chỉ là một cơn gió, chuyện đó xảy khi chúng ta vẫn là hai đứa con nít. Câu thứ năm, sáu, bảy cô ấy nói người hiện tại đã giúp cho cô ấy biết như thế nào là tình yêu thực sự, về sự chở che, quan tâm.
Tôi cứ đọc đi đọc lại, đọc đi đọc lại nhiều lần. Tâm trí tôi chẳng còn nghĩ được gì cả, sao đột nhiên lòng nặng trĩu đến thế. Đêm nay thời gian trôi lâu quá, mấy lần gặp nhau, mấy lần chúng tôi nói chuyện với nhau cứ thế hiện ra. Quán cà phê, cái ghế đá dưới biển quê, con đường đến trường cũ, ... sao chúng nằm ở đó, nằm hằn in trên mấy dòng tin nhắn trong khung chat chúng tôi. Tôi chẳng biết, chúng cứ đột nhiên xuất hiện giống như đang đại diện cho một điều gì đó vậy. Sao tôi nghe tiếng gió đêm mùa hạ, tiếng côn trùng râm ran ngoài mảnh vườn con con rõ quá, tôi nghe được cả tiếng sóng biển vỗ âm vang, nghe cả tiếng lòng tôi đang tan nát.
Khoảnh khắc đó, tôi biết rõ, cái cảm giác ngày hôm đó len lỏi muốn chui ra khỏi trái tim tôi chính là tình yêu. Tôi muốn một lần nữa được yêu cô ấy, muốn bù đắp cho toàn bộ những gì tôi gây ra, muốn yêu và được cô ấy yêu mình. Tôi muốn nhiều lắm, nhưng tôi biết phải nói gì đây. Rồi mai này tôi sẽ sống thế nào, những câu hỏi chẳng có câu trả lời cứ thế tuôn ra, tôi phải làm gì, nói gì đây, ... hồn tôi đâu còn ở trong căn phòng này nữa, nó cứ chơ vơ giữa chốn nào và ao ước được một lần, dù chỉ một lần cuối cùng được ôm em.
Những tin nhắn đó bất chợt được thu hồi từng cái một. Mưa giông kéo đến bất ngờ, mưa rào mùa hạ là thế. Tiếng sét đánh ngang kéo hồn tôi, lòng tôi, bộ óc tôi ra khỏi luồng suy nghĩ. Tôi nhận ra mình nên nói điều gì đó trước khi cô ấy nói hãy xem như bản thân chưa nói gì. Tôi muốn nói một điều gì đó với cô ấy, một điều gì đó để sau này tôi chẳng còn hối hận. Nhưng cuối cùng, câu trả lời của tôi dành cho người là "ngủ ngon, có gì đâu.
Chúng tôi chẳng còn nhắn tin cho nhau như lúc trước.
Bốn chậu cúc vạn thọ đã tàn hoa từ hôm trước, trận mưa gió đêm qua đã khiến những cánh hoa rơi rụng vương vãi khắp nơi, chẳng còn gì ngoài nhũng xơ xác hoang tàn. Hai trong bốn cây bị gãy ngang thân mình, hai cây kia may mắn hơn, những nhánh của chúng xước ngang, chẻ dọc nhưng thân cây vẫn còn thẳng đứng, còn cứu được.
Lũ dừa cạn nhìn xơ qua trông cũng chịu nhiều tổn thất, mấy bông màu trắng, màu hồng bị bay tứ tung và nhàu nát vì mưa. Nhưng chúng vẫn còn nguyên như thế, chúng vẫn sừng sững sau trận mưa, lũ cây con lại cao hơn ngày hôm trước, mấy gốc lớn chẳng hề hấn gì nhiều ngoài vài ba bông hoa có thể mọc lại được. Chúng đã che chở nhau qua trận mưa xối xả đó và lại đón ánh nắng gắt gỏng của ngày hôm sau. Đột nhiên tôi thấy chúng mạnh mẽ quá, nắng mưa gì chúng có thể kiên cường vượt qua được, sức sống chúng thật mãnh liệt. Tôi hiểu ra với sức sống ấy việc chúng vì sao có thể ra hoa quanh năm rồi.
Các bạn biết không, cúc vạn thọ là tình yêu của tôi với người đó, khi lúc chúng ta gặp một người đặc biệt, chúng ra đã vun trồng một hạt giống cúc vạn thọ với người đó. Không may mắn nế tình yêu đó mất, cây cúc vạn thọ ấy cũng sẽ chết đi, nhưng nhụy hoa của cây từ những bông hoa màu cam đó vẫn sẽ còn vương lại. Cứ vậy, chúng ta lại ươm mầm một hạt giống cúc vạn thọ khác, cho đến khi ta gặp người thích hợp nhất. Người chúng ta gọi là vợ, là chồng.
Còn lũ dừa cạn đó chính là tình cảm của chúng ta. Tình yêu với một người có lúc sẽ mất đi, nhưng tình cảm của chính bản thân chúng ta mãi sẽ luôn còn đó, mãi mãi ở đó. Có đôi khi chúng ta làm nó tổn thương trong vô ý, nhưng nó vẫn sống mãi đó thôi, nó vẫn đâm chồi, sinh sôi mà chúng ta không hề hay biết. Hoa dừa cạn giống như tình cảm chúng ta vậy đó, chúng cứ nở âm thầm, lặng lẽ cho đến khi chúng ta nhận ra và biết rằng phải ân cần hơn, phải dịu dàng hơn với nó.
"Chiều nay lồng lộng gió xuân,
Một bông hoa nở một lần nữa yêu.
Ngày còn đặt bút viết nhiều,
Cảnh kia vốn đẹp cũng đìu hiu theo.
Nào biết nhớ tiếng chim kêu,
Nào đâu biết được cảnh quê thanh bình.
Sống cùng biển nên quá quen với nước
Lòng vu vơ muốn được ước chạm mây.
Đặt lời thơ để tỏ bày,
Lòng ta đã lỡ đắm say cảnh đời.
Hoa vươn cánh nở hoa mỉm cười
Hoa đẹp khi cây còn tốt tươi
Mà hoa tàn rụng người mới biết
Hoa vốn là tình yêu đấy thôi.
Hoa âm thầm nở nhìn đời trôi,
Bao mùa mưa gió đã qua rồi
Mà sao người vẫn còn lạnh nhạt
Mặc lòng mình giữa những chơi vơi.
Cúc vạn thọ và loài cây dừa cạn,
Hai loài hoa kì lạ giữa nhân gian.
Những người chỉ đi ngang và những người ở lại.
Những điều ta cất giấu trong lòng.
Liệu có một điều gì nguyên vẹn mãi?
Bầu trời này, kỉ niệm này hay ai."
Tới đây thôi, tôi dọn dẹp lại khu vườn nhé, mà còn một nơi cần dọn dẹp nữa, để nó ổn định lại nữa, là lòng của chúng ta.
Cảm ơn bất cứ ai đã đọc tới đây, thật lòng cảm ơn rất nhiều. Đôi khi tôi không cần những cái like hay những lời khen, chỉ cần có một người thấy được sự đồng điệu mà kiên trì tới tận đây. Sợi dây liên kết giữa chúng ta, hai con người xa lạ trên thế gian này thông qua thơ văn, điều mà tôi đang cố gắng làm hết sức. Tôi còn trẻ lắm và chưa được như bạn hay bản thân tôi nghĩ, nhưng tôi chắn chắn sẽ cố gắng hơn trong tương lai, trong những lần sau kế tiếp.
Một lần nữa cảm ơn bất cứ ai đã kiên trì đến tận đây.
Bình luận
Chưa có bình luận