CỦI MỤC


“Con Chi, mày cười thì che cái mồm vào không nhỡ ai trông thấy người ta lại chửi vào mặt cho. Mà mày cười nó vừa chứ.”


Bà cô tôi vừa từ ngoài sân đi vào, thoáng thấy mặt tôi là đã lại càu nhàu.


“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Tôi cũng càu nhàu lại rồi ôm điện thoại ra góc khác ngồi xem tiếp mấy đoạn phim hài.


Dù không nhìn nhưng tôi vẫn có thể chắc chắn là bà cô tôi lại đang nhìn theo tôi bằng ánh mắt âm u, oán giận, sẽ chép miệng một cái, thở dài một hơi rồi nói một câu muôn thuở “con cái nhà vô phúc”.


Nghĩ lại thì đúng là vô phúc thật! Vì sao ấy hả? Bởi vì tôi không khóc, không những không khóc mà có có thể vừa chơi điện thoại vừa cười. Còn vì sao không khóc mà cười lại là vô phúc ấy hả? Ấy là vì hôm nay là đám ma bố tôi. Bố tôi chết, vậy mà con gái ruột của ông ấy là tôi lại chưa rơi giọt nước mắt nào.


Thỉnh thoảng khi thấy có ai đó sụt sùi kể lể bên cạnh cỗ áo quan đỏ đỏ vàng vàng loè loẹt của bố tôi khiến em gái tôi lã chã rơi nước mắt, tôi cũng muốn cố nặn ra vài giọt theo cho phải đạo. Khổ nỗi, tôi không thể nào khóc được. Hai mắt tôi cứ ráo hoảnh như thể tuyến lệ của tôi bị bịt lại rồi ấy. Hoặc cũng có khi là đã khô cạn từ lâu rồi, có khi nước mắt của cả đời tôi đã chảy ra bằng hết khi tôi còn bé rồi.


Muốn giả vờ một tí mà nước mắt cứ không chịu phối hợp chảy ra nên tôi cũng chẳng thèm cố khóc nữa. Tôi cứ thản nhiên làm những việc mà người ta bảo phải làm. Bảo vái thì vái, bảo quỳ thì quỳ, bảo lạy thì lạy, bảo thắp hương thì thắp hương, bảo đốt vàng mã thì đốt vàng mã. Trong lòng tôi trống rỗng, không có cảm xúc nào hết.


Buổi chiều muộn, tôi vừa định cố nuốt cho xong bát cơm chan nước canh nhà đám nguội ngắt và bầy nhầy mỡ thì bỗng loáng thoáng nghe thấy ông thợ kèn thông báo có ai đó, là bạn của Chi, Diệp đến viếng bố tôi. Dù không nghe thấy rõ tên người đến viếng nhưng đã đọc cả tên tôi thì chắc cũng là bạn của tôi nên tôi vẫn bỏ bát cơm xuống, ra đáp lễ cho phải phép.


Lúc tôi ra đến nơi, hai người con gái mặc váy đen dài nhã nhặn đang đứng cúi đầu trước linh sàng. Tôi biết họ là ai. Hai đứa con gái tôi đã từng căm ghét, từng ghen tị và cũng từng ước ao có cuộc sống như chúng nó suốt cả tuổi thơ. Đến lúc hai người kia ngẩng đầu lên, tôi đã kịp đón ánh mắt họ bằng nụ cười nhàn nhạt thường ngày.


“Thu, Ngọc, vào đây!” Tôi cười giả lả đón họ ngồi vào một bàn trà không có người ngồi phía trong nhà bạt, mặc kệ ánh mắt sắc lẻm đang gườm gườm lườm nguýt như muốn róc sống da thịt tôi xuống của bà cô tôi.


“Về lâu chưa? Dạo này thế nào?” Tôi điềm nhiên trò chuyện với hai chị em Thu, Ngọc như bao lần gặp mặt trước đây, không hề có chút nét buồn khổ, bi thương nào của hiếu chủ.


Em gái tôi mang trà ra mời hai người bọn họ, cũng ngồi nói một hai câu rồi xin phép đi mời trà cho bàn khác. Suy cho cùng thì em gái tôi cũng chỉ theo tôi chơi cùng hai chị em Thu, Ngọc chứ không thân với họ bằng tôi. Thu học cùng lớp với tôi suốt từ mẫu giáo đến khi học hết cấp hai, nhà chúng tôi lại ở gần nhau nên từ bé chúng tôi đã cùng nhau đi học, cùng nhau chơi đùa, dù không phải kiểu thân thiết đến mức bí mật nào của nhau cũng biết nhưng cũng có thể nói là bạn rất thân từ nhỏ. Ngọc là em gái Thu, kém chúng tôi hai tuổi nhưng vì tính tình sôi nổi, hoà đồng, Thu lại thương nó nên từ ngày bé, nó cũng chơi cùng chúng tôi luôn. Em gái tôi thì còn kém Ngọc đến ba tuổi, lúc nhỏ, tôi toàn tha nó sang nhà Thu rồi chúng tôi vừa chơi vừa trông nó khi bố mẹ đi làm nên lúc nó lớn hơn một chút thì cũng “tiện thể” để nó chơi cùng thôi chứ thật ra nó cũng không hoà hợp, thân thiết với chị em Thu, Ngọc lắm.


Ngọc như thể chưa từng thay đổi, vẫn hoạt bát như ngày nào, có điều nó đã lớn hơn rồi nên trên người cũng toát ra nét mềm mại, nữ tính hơn. Thu cũng vẫn hiền dịu, nhẹ nhàng và đa cảm như ngày trước. Lúc đứng thắp hương, nghe người đáp từ ơ hờ khóc than mấy câu mà chỉ cần thay tên người chết là có thể dùng trong mọi đám tang, không hề có tí cảm xúc chân thật nào mà đuôi mắt nó vẫn đỏ ửng lên. Chẳng bù cho tôi, đến nửa giọt nước mắt cũng không nặn ra được.


Đêm muộn, trong khi ngồi đợi đến giờ “trở mình” cho bố tôi, tôi bỗng ngẩn người khi đột nhiên nhớ đến hình ảnh Thu hồng hồng đuôi mắt, cầm tay tôi bảo “đời người chẳng có bao nhiêu, buông bỏ được thì buông bỏ hết đi cho bớt nặng lòng” lúc tối nay, khi hai chị em họ chuẩn bị ra về.


Nhưng tôi có nặng lòng gì đâu nhỉ? Lúc nào tôi cũng cười hơ hớ, đến nỗi còn bị người ta chửi vào mặt cho vì tội cười lắm đấy thôi. Bố tôi chết tôi còn chẳng khóc đây này. Nặng lòng cái đếch gì mà nặng lòng, tôi lại chả buông bỏ hết từ đời tám hoánh nào rồi ấy chứ. Tôi cười phì mấy tiếng.


“Chị, đừng cười nữa.” Em gái tôi nhỏ giọng nhắc nhở tôi. Không biết nó bò đến ngồi ngay sau lưng tôi từ lúc nào nữa. “Chị cười khó coi lắm!”


“Cô bảo mày vào nhắc tao à?” Tôi nghiêng đầu nhìn nó hỏi. “Bảo bà ấy có ngủ thì ngủ đi, cứ lườm tao mãi làm gì.”


“Cô không bảo em. Tự em bảo chị.” Em gái tôi nói. “Nhìn chị cười khó coi lắm. Chị khóc có khi còn dễ nhìn hơn.”


“Tao cũng muốn nặn tí nước mắt cá sấu ra giả vờ lắm.” Tôi im lặng một lúc lâu rồi mới nói tiếp. “Nhưng tao có khóc được đâu.”


“Giờ có khi phải lấy ớt xát vào mắt tao thì tao mới khóc được.”


“Trước có lần tao bảo mày rồi còn gì…”


Em tôi không nói gì, chỉ ngồi bó gối cạnh tôi, nghe tôi lải nhải.


“Tao đã từng bảo, ông ấy chết có khi tao cũng không khóc được rồi còn gì.”


“Đừng nói thế! Chị, chị đừng nói thế.” Lúc này em gái tôi mới lên tiếng. Cũng như lần ấy, nó không dám nghe hết những lời độc địa mà bất cứ lúc nào tôi cũng dám nói ra.


Nó nhỏ hơn tôi, tâm tư cũng đơn giản và lương thiện hơn tôi nhiều. Thế nên, sau bao nhiêu tổn thương, nó vẫn luôn sẵn lòng tha thứ, sẵn lòng xót thương, sẵn lòng giữ lấy. Có rất nhiều thứ tôi sẵn sàng gạt tay hất đổ, không thèm nữa nhưng nó thì không nỡ buông bỏ. Ví dụ như cái thứ được gọi là gia đình, ví dụ như bố tôi.


“Tao không khóc được.” Tôi lại cười nhạt với nó. “Nghĩ đến ông ấy, tao chẳng thấy xúc động, đau đớn tí nào. Không khóc được.”


Em tôi lặng lẽ sụt sịt rồi rút tờ giấy ăn ra lau nước mắt. Nó khóc suốt từ đêm hôm qua đến giờ, mắt cũng sưng mọng lên rồi.


“Trở mình” cho bố tôi xong, tiếng trống kèn cũng tạm thời ngừng lại. Mọi người đều tranh thủ tìm chỗ nằm ngả lưng, chợp mắt một lúc để sáng ra còn có sức đưa bố tôi ra đồng rồi còn chuẩn bị cỗ bàn. Chị em tôi cũng lên phòng nằm nghỉ. Em gái tôi không ngủ mà cứ liên tục trở mình, thỉnh thoảng lại sụt sịt mũi, nghe mà não ruột. Tôi cũng không ngủ được.


“Nói xem, sao mày khóc được mãi thế? Tôi hỏi nó.


Có lẽ em tôi rất bất ngờ nên phải ngớ ra một lúc nó mới xì mũi vào tờ giấy rồi nói với tôi bằng giọng mũi nằng nặng:


“Em nhớ lại những kỷ niệm với bố lúc bé. Cứ nghĩ đến lại muốn khóc.”


À, thì ra nhớ lại kỷ niệm lúc bé là có thể khóc được. 


Tôi không nói chuyện với em tôi nữa mà để mặc nó tự đắm chìm trong kỷ niệm của nó. Bản thân tôi cũng ngẫm nghĩ xem liệu mình có thể dùng cách này để sáng mai nặn ra vài giọt nước mắt hay không. Nói gì thì nói, sáng mai, sau khi chôn cỗ áo quan kia xuống đất thì đời này, chúng tôi sẽ vĩnh viễn không được gặp lại bố tôi nữa mà.


Hơn ba giờ sáng, nằm gần ba tiếng rồi mà tôi vẫn không nghĩ ra kỷ niệm nào có thể khiến tôi buồn thương phát khóc. Những thứ mà tôi nhớ tới chỉ khiến nỗi uất ức tưởng như đã ngủ yên trong đáy lòng tôi ùn ùn thức giấc mà thôi.


Ngày tôi còn bé, bố tôi đánh mẹ tôi như cơm bữa và thường thì nếu chị em tôi tỏ ra bênh mẹ hoặc không kịp trốn nhanh thì cũng sẽ bị vạ lây. Lúc đầu, chị em tôi còn hoảng sợ khi thấy bố đánh mẹ, còn khóc lóc van xin bố, còn gọi tên tất cả những người mà chúng tôi nghĩ rằng có thể ngăn bố lại, có thể cứu mẹ tôi và chúng tôi khỏi đòn roi của bố. Sau đó, chị em tôi bị đánh nhiều đến dạn đòn, đến mức bị đánh gần chết mà tôi cũng không thèm khóc. Còn mẹ tôi thì không một bữa nào không cơm chan nước mắt.


Ngày ấy, mẹ tôi người nhỏ thó nhưng vô cùng nhanh nhẹn, lúc nào cũng thoăn thoắt làm công đôi ba việc. Những tưởng vợ đảm đang thì cửa nhà êm ấm nhưng ở nhà tôi thì không. Bố tôi nghiện cờ bạc lại còn nát rượu. Kiếm được đồng nào ông ấy cũng nướng hết vào trò đen đỏ. Ông ấy chỉ uống dăm ba hớp rượu thôi là đã say bét sau đó giở trò nhiễu sự, chửi trời chửi đất, đá thúng đụng nia, đánh vợ đánh con.


Mẹ tôi từng bị ông ấy đánh cho lên bờ xuống ruộng, là lên bờ xuống ruộng theo đúng nghĩa đen ấy. Bà ấy vừa khóc vừa túm quần áo chạy trên bờ ruộng trơn trượt lúc đêm khuya, bố tôi vác cái cọc chuồng lợn đuổi theo, đuổi kịp thì quất cho mẹ tôi ngã dúi dụi xuống bùn. Chưa hả giận, ông ấy lao cả xuống bùn quất túi bụi. Mẹ tôi lóp ngóp bò được lên bờ thì ông ấy cũng đuổi theo lên bờ đánh tiếp. Đêm đó, may nhờ có đất bùn trơn trượt mà bố tôi trượt chân ngã mấy lần, mẹ tôi chạy được xa hơn, may nhờ có bóng tối che lấp mà mẹ tôi lẩn được đến ngõ nhà Thu, được mẹ Thu cho vào rửa ráy và trốn nhờ.


Sau đó mẹ tôi tính dắt chị em tôi trốn đi thật xa nhưng đáng tiếc là bố tôi lại phát hiện ra sau đó đánh cả ba mẹ con tôi. Ông ấy đuổi mẹ tôi đi, giữ chị em tôi ở nhà, không cho đi theo mẹ. Mẹ tôi quỳ xuống van xin ông ấy nhưng ngoài một trận đấm đá và những lời chửi bới khó nghe, bà ấy chẳng nhận được gì thêm. Thậm chí, bố tôi còn cầm con dao bầu trong tay, bảo nếu mẹ tôi không cút đi ông ấy sẽ đâm chết hết. Mẹ tôi cắn răng, gạt nước mắt bỏ đi, trước khi đi còn nói với chị em tôi rằng cố ở nhà ngoan, đừng để ông ấy đánh, chờ mẹ, rồi sẽ có ngày bà ấy về đón chúng tôi đi. Từ đó đến giờ, chúng tôi đã chờ mười mấy năm rồi mà vẫn chưa một lần thấy mẹ trở về.


Mẹ tôi đi rồi, đối tượng trút giận của bố tôi chuyển thành chị em tôi. Thường thì tôi phải ăn đòn nhiều hơn do gương mặt tôi giống mẹ hơn và cũng do tôi lì lợm hơn. Em tôi thì ngoan hiền hơn, hễ bị quất mấy roi là dù chẳng biết sai gì vẫn cứ rối rít xin lỗi khiến bố tôi cảm thấy hài lòng nên trong mỗi trận đòn cũng bớt được vài cái tát.


Hồi ấy nhà tôi còn nuôi lợn, một chuồng nhốt đến mấy con. Ngày ngày chị em tôi phải thay nhau đi vớt bèo, cắt dây khoai hoặc chặt cây chuối về băm ra nấu cám cho lợn. Chị em Thu cũng phải đi vớt bèo, băm rau, nấu cám lợn nhưng lúc nào cũng rất thong dong chứ không vội như chị em tôi. Thấy tôi thái rau lợn nhanh thoăn thoắt, chị em nó vô cùng ngưỡng mộ. Tôi cảm thấy thái rau lợn nhanh hơn chị em nó cũng là một chuyện đáng tự hào nên “phổng mũi” được đến mấy ngày. 


Sau đó Thu cố tập luyện để có thể thái nhanh như tôi nhưng chẳng những không nhanh được mà còn bị cắt vào tay, máu chảy đầm đìa. Tôi còn chưa kịp cười vào mặt nó, chê nó vụng thối vụng nát thì đã thấy bố nó nhăn nhó, xuýt xoa, lấy nước muối rửa sạch tay cho nó rồi móc nhúm thuốc lào rịt lại. Lúc này, tôi lại không cười vui vẻ và tự hào vì tay mình khéo léo được nữa mà thấy tủi thân và thầm ghen tị với Thu. Để có thể thái nhanh thoăn thoắt như thế, tôi đã phải cầm dao thái rau lợn từ lúc mới lên sáu lên bảy tuổi, trên ngón trỏ tay trái có không biết bao nhiêu vết sẹo lớn nhỏ chằng chịt vào nhau. Thế nhưng bố tôi chưa bao giờ tỏ ra xót ruột mà mỗi khi thấy tôi bị đứt tay, ông ấy đều chửi tôi vô dụng, mai kia chó nó cũng không thèm lấy.


Có một lần, cũng chẳng nhớ rõ là năm lên mấy tuổi, em tôi được dì tôi đón xuống nhà dì chơi còn tôi thì phải ở nhà. Không phải vì dì không thương tôi mà là vì không dám đón cả tôi đi. Dì sợ nếu không có đứa nào quanh quẩn ở nhà trong tầm mắt bố tôi thì ông ấy sẽ điên tiết lên đánh hết cả nhà ngoại. Bình thường, trong các bữa ăn, em tôi đều dọn cơm rồi ngồi hầu bên cạnh bố tôi, xới cơm, rót rượu cho ông ấy còn tôi thì trộn cám cho lợn ăn xong rồi mới vào ăn sau. Hôm ấy, vì em tôi không có ở nhà nên tôi chỉ bưng mâm cơm lên mời bố tôi ăn rồi lại ra sau bếp chứ không ngồi chầu bên mâm. Đang oằn lưng bưng chậu cám định đổ vào máng lợn thì bố tôi từ trong nhà xồng xộc lao ra. Tôi vừa ngẩng lên nói được một tiếng “bố” thì đã bị ông ấy rút cái cọc chuồng lợn bên cạnh quất túi bụi. Tôi hoảng hốt đánh đổ cả chậu cám. Mấy con lợn thấy cám đổ tung toé ra đất, không được ăn nên cứ réo ầm ĩ bên cạnh. Đánh thôi chưa đủ, bố tôi còn bảo tôi thích trộn cám lợn như thế thì bốc cám lợn mà ăn, khỏi phải ăn cơm. Chửi mắng xong nhưng câu chuyện hôm ấy vẫn chưa hết, ông ấy không chỉ nói cho hả giận mà còn đứng im đó, cầm cái cọc chuồng lợn lăm lăm trong tay, bắt tôi phải bốc cám lợn ăn, không ăn là ông ấy đánh. Tôi vẫn nhớ y nguyên cảm xúc oán hận của mình lúc ấy khi phải bốc từng nắm cám lợn bỏ vào mồm rồi nhịn sự buồn nôn mà nuốt xuống bụng. Tôi cũng nhớ rõ là hôm ấy tôi không hề khóc, chỉ vừa nuốt vừa trừng mắt lên nhìn ông ấy. Tôi cũng nhớ, suốt ngày hôm ấy bố tôi cũng không cho tôi ăn gì cả. 


Buổi tối hôm đó, nhân lúc bố tôi ngủ say, tôi lẻn sang nhà Thu. Dù sao cũng vẫn là trẻ con nên tôi không nhịn được mà kể với nó về sự tàn nhẫn của bố tôi. Nó chỉ im lặng nghe tôi kể lể chứ không hề nói gì. Một lúc sau, nó than thở với em nó là mới học một lúc mà đã đói rồi. Nó đun nước sôi rồi rủ em nó và tôi pha mì tôm ăn. Rất lâu sau đó, tôi vẫn nhớ nó kêu đói nhưng chỉ ăn có vài miếng là đã kêu no, không ăn được nữa nên cho tôi ăn cả phần của nó. Mãi sau này tôi mới chợt nhận ra ngày ấy nó mới hơn mười tuổi mà đã có lòng thương người và tế nhị biết bao. Thế nhưng tôi lại thấy ghét nó, ghét cái sự dịu dàng, tinh tế của nó. Tôi cũng ghen tị với nó nữa. Những thứ mà nó có, có lẽ cả đời này tôi cũng không bao giờ có được.


Một lần khác, khi tôi chừng mười ba, mười bốn tuổi, hoặc là lớn hơn, hoặc là nhỏ hơn một chút, tôi cũng không nhớ rõ nữa, chỉ nhớ là sau khi cãi bố tôi câu gì đấy, ông ấy điên lên tát tôi mấy phát rồi bắt tôi tự kiếm lấy cái ăn cho ngày hôm ấy. Cái ăn ở đây chỉ là thức ăn để ăn với cơm thôi chứ nhà tôi làm ruộng nên cũng có sẵn thóc gạo rồi. Bố tôi không cho tôi động vào bất cứ thứ gì của nhà từ gà vịt đến ao cá. Một đứa trẻ nhầng nhầng, không có xu nào dính túi biết kiếm đâu ra cái gì ăn cho ông ấy? 


Tôi lại sang nhà Thu kể với chị em nó. Trong lúc chúng nó không để ý, tôi còn lục lọi cái túi bút con con, lật mấy quyển sách của nó xem nó có để tiền ở đấy không, nếu có tiền thì ăn trộm mấy đồng về ra chợ mua ít thịt. Nhưng hôm đó tôi lại chẳng tìm thấy đồng nào cả. Tôi chia sẻ ý nghĩ đi bắt trộm con gà nhà ai về giết thịt với chị em nó. Thực ra lúc ấy tôi chỉ cố ý đánh tiếng thôi. Tôi đã xác định là không trộm được tiền thì sẽ trộm gà nhà nó từ trước rồi.


Chị em nó không nói gì về ý định ăn cắp của tôi nhưng sau khi thu dọn sách vở xong, Thu lại bảo với em nó là nó muốn ăn ốc, rủ em nó và tôi ra đồng bắt ốc về om chuối đậu. Lúc ấy tôi mới nghĩ ra sao mà mình ngu quá! Bố tôi không cho tôi động vào ao cá thì tôi ra đồng bắt ốc, bắt cua cũng được cơ mà, việc gì phải tính đến nước đi ăn cắp? Tôi hăm hở đi bắt ốc với chị em Thu. Lúc quay về, Thu còn bảo nấu chung luôn ở nhà nó thôi, tôi khỏi phải nấu ở nhà. Tôi vui vẻ đồng ý ngay bởi nói thật là ở nhà tôi cái gì cũng thiếu, nấu ở nhà nó thì chắc chắn sẽ ngon hơn nhiều.


Trong lúc chị em nó nấu ốc thì tôi chạy về nhà nấu cơm, hái nắm rau linh tinh trong vườn luộc trước. Lúc dọn cơm ra, thấy chỉ có đĩa rau luộc với bát nước rau lõng bõng, bố tôi sa sầm mặt mũi, chửi tôi vuốt mặt không kịp. Lát sau, Ngọc bưng bát ốc om thơm phức sang cho tôi. Nó còn cố ý ngồi chơi một lúc chờ tôi gắp được mấy miếng rồi hỏi có ngon không. Nó còn dẻo miệng bảo bố tôi ăn thử, khoe là tôi và hai chị em nó lội đồng bắt ốc cả buổi sáng. Bố tôi độc mồm độc miệng, dữ đòn với vợ con nhưng vẫn sĩ diện với người ngoài lắm! Có Ngọc ở đấy, bố tôi chỉ ậm ừ cười cười với nó chứ không chửi bới gì tôi. Tôi còn tưởng như thế nghĩa là bài kiểm tra kiếm thức ăn của tôi đã qua thế nhưng Ngọc vừa ra khỏi cổng, bố tôi đã cầm bát ốc om hất thẳng vào mặt tôi, nói: “Ông mày không ăn đồ bố thí.”


Tôi nhớ là lúc ấy tôi cũng ngỡ ngàng, cũng tức giận, cũng muốn lớn tiếng cãi tay đôi với bố tôi một trận, cùng lắm thì để ông ấy đánh chết tôi thôi chứ có gì mà phải sợ. Nhưng rồi tôi cũng chẳng làm gì cả, chỉ im lặng thu dọn bát đũa và rửa ráy cho mình sạch sẽ. Tôi từng nghe thấy ai đó nói hay đọc được ở đâu đó rằng im lặng là đỉnh cao của sự khinh bỉ nên lúc đó, tôi im lặng để thể hiện với bố tôi rằng tôi khinh bỉ ông ấy, khinh bỉ đến mức cao nhất luôn. Rồi rất lâu sau đấy tôi mới nhận ra rằng ý nghĩ lúc đó của tôi thật ngây thơ. Bố tôi mà nhận ra được ám chỉ khinh bỉ trong việc im lặng của tôi thì chó cũng có váy mặc.


Bây giờ người ta may váy cho chó mặc đầy rồi đấy nhưng tôi lại không còn cơ hội hỏi bố tôi xem ông ấy có hiểu ý nghĩa của sự im lặng hay không nữa rồi. Ông ấy đã nằm im trong cỗ áo quan loè loẹt giữa nhà, trong khói hương nghi ngút. Lúc này, dù tôi có hất đổ áo quan thì ông ấy cũng chẳng mắng chửi được câu nào. Sáng ngày mai, sau khi ông ấy bị vùi xuống ba tấc đất vàng thì đời này chúng tôi sẽ không nhìn thấy mặt nhau thêm một lần nào nữa, ông ấy không thể chửi mắng, đánh đập tôi thêm một lần nào nữa.


Ngủ không ngủ được, khóc không khóc được, nghĩ cũng không nghĩ được kỷ niệm nào đáng xúc động đến rơi nước mắt, tôi buồn bực ngồi dậy đi xuống dưới nhà định tranh thủ đánh răng rửa mặt. Lúc đi qua cỗ áo quan nằm cô độc giữa nhà, tôi nghĩ ngẫm rồi vẫn châm mấy nén hương cắm vào bát gạo bày trên đó. Khói hương bốc lên nghi ngút khiến mắt tôi cay xè, nước mắt cũng vô thức trào ra. Tôi thề, đó chỉ là nước mắt sinh lý bị ép phải trào ra để xoa dịu cho đôi mắt bị khói xông chứ không phải là do tôi khóc vì đau buồn, xúc động.


Tờ mờ sáng, ông đội trưởng đội thợ kèn lò dò đến đầu tiên vì muốn chuẩn bị sẵn sàng kèn trống, đúng giờ là thổi, muốn dặn dò lại hiếu chủ những việc cần chú ý và quan trọng hơn là để hiếu chủ kiểm tra lại bài điếu văn sẽ đọc trước lúc di quan.


Thấy tôi đang ngẩn người ngồi trước cửa, ông thợ kèn gọi tôi ra xem xét điếu văn luôn. Từ mấy hôm nay, tất cả những việc đáp từ, phúng điếu này đều do em gái tôi lo liệu nên tôi vốn định bảo ông ấy ngồi chờ một lát để tôi lên gọi em tôi xuống cho nó kiểm tra nhưng rồi nghĩ đến đôi mắt sưng mọng của nó, nghĩ đến việc nó trằn trọc trở mình suốt đêm, trước lúc tôi dậy mới ngủ thiếp đi được, tôi lại không nỡ dày vò nó nữa. Tôi quyết định tự đọc qua một lượt. Cũng có gì đâu, nội dung điếu văn thì hầu như ở đám tang của ai cũng thế rồi, thay có cái tên cái tuổi mà thôi, nhìn một lượt xem tên người chết, tên người sống đã đúng chưa là được.


Lúc đọc đến phần tên các con của vong linh, tôi hơi khựng lại một chút.


Trưởng nữ: Trần Thị Chi


Thứ nữ: Trần Thị Diệp


Tên chị em tôi là Kim Chi, Ngọc Diệp nhưng có lẽ ông thợ kèn không biết rõ, thêm nữa lại đã quen với kiểu gái đệm Thị, trai đệm Văn ở quê nên cứ thế ghi tên chị em tôi vào thôi.


Ngày xưa, vào một ngày yên bình hiếm hoi nào đó, ngày mà bố tôi không nổi điên, không say xỉn, ông ấy từng nói với chị em tôi rằng tên chúng tôi có nghĩa là cành vàng, lá ngọc. Nghe mới mỉa mai làm sao! Nào có lá ngọc cành vàng nào bị chửi bới, bị đánh đập, dập vùi tơi tả như chị em tôi cơ chứ? Sau khi biết ý nghĩa, nhiều khi tôi còn tự thấy chán ghét tên mình nhưng tôi cũng không dám tự ý bớt đi chữ nào khi viết tên lên sách vở bởi viết thiếu lần nào là sẽ ăn đòn lần ấy. Đương nhiên cũng chẳng phải là vì tôi sợ ăn đòn mà chỉ là vì thấy phiền chán mà thôi.


Tôi nhớ có lần, một bạn cùng lớp tôi đưa nhầm cho tôi tờ giấy mời họp phụ huynh có ghi tên một bạn khác trong lớp là Trần Thị Quỳnh Chi bị bố tôi nhìn thấy, dù tôi đã cố giải thích rằng bạn tôi đưa nhầm, lớp tôi còn một bạn khác tên là Chi nhưng bố tôi vẫn lôi tôi ra đánh chửi.


Ông ấy nói: “Tên tao đặt cho chúng mày để chúng mày tự tiện đổi thế à? Mày không coi thằng bố mày ra cái gì nữa phải không?”


Lần ấy, ông ấy còn chửi bới tôi lâu nhưng tôi cũng đã chai lì, chỉ giải thích một hôm đầu tiên thôi, những ngày sau thì mặc kệ ông ấy muốn nói gì thì nói, đánh thêm mấy trận tôi cũng mặc kệ cho đánh. Và đương nhiên tôi cũng chẳng khóc tiếng nào.


Xem xong tờ điếu văn, tôi vốn định mặc kệ, để ông thợ kèn muốn đọc thế nào thì đọc, thử xem bố tôi có bật dậy mà chửi bới tôi vì tự ý đổi tên được nữa hay không nhưng rồi tự tôi lại thấy nực cười vì mình đã lớn đầu rồi, đã ngấp nghé bước sang tuổi băm rồi mà còn có ý nghĩ ấu trĩ, dở hơi như thế. Ông ấy đã nằm cứng đơ ở kia thì còn chửi ai mắng ai được nữa. Ông ấy thích lá ngọc cành vàng, thế thì cứ để lá ngọc cành vàng tiễn ông ấy nốt đoạn đường cuối cùng này vậy.


“Tên chị em cháu là Kim Chi, Ngọc Diệp cơ chú ạ.” Tôi nói với ông thợ kèn. “Chú sửa lại hộ cháu chỗ đấy thôi.”


“Chà, lá ngọc cành vàng cơ đấy. Bố mày đặt tên nghe kêu thế!” Ông thợ kèn nói.


Tôi không trả lời ông ấy nhưng trong lòng thầm nghĩ, tên kêu thì được tích sự gì đâu. Vàng là vàng giả, ngọc cũng là ngọc giả, thùng rỗng kêu to thôi chứ báu bở gì. Phải là Kim Thu, là Thu Ngọc như chị em cái Thu kia mới đúng là vàng là ngọc.


Ngọc nhà người ta được nâng niu trên tay, được cài trên tóc, được cất trong kho còn ngọc nhà tôi thì nhìn thoáng qua cũng tưởng là ngọc nhưng nhìn kỹ lại thì chỉ là cục đá đỡ xấu hơn cục đá cuội một tí, xứng đáng để người ta mang về lát trên lối đi, ngày ngày đạp gót giày lên mà thôi.


Vàng nhà người ta mới là vàng mười còn vàng nhà tôi thì chỉ là cục mỹ ký rẻ mạt, được quét lên lớp nhũ vàng óng ánh, nhìn thoáng qua cũng thấy giống vàng nhưng cầm lên tay thì sẽ nhận ra là hàng giả ngay. Vàng nhà người ta là vàng có gan thử lửa còn vàng nhà tôi thì chỉ cần ngâm trong nước dăm ba hôm là sẽ bị lớp gỉ sét xấu xí đánh cho lộ nguyên hình.


Tôi chợt thấy lòng mình chua xót khi so sánh chị em tôi với chị em Thu. Tôi vẫn không hiểu nổi tại sao giữa người với người lại có sự khác biệt nhiều đến thế!


Chị em nó học giỏi, chị em tôi cũng nào phải dạng dốt nát gì. Bố nó kèm cặp chị em nó học, đưa đón chị em nó tới bất cứ lớp học thêm nào mà chúng nó muốn, không học giỏi mới là lạ. Bố tôi thì chưa bao giờ để ý đến việc học hành của chị em tôi, thậm chí, lúc điên lên còn xé hết cả sách vở của chúng tôi. Nghĩ mà tủi thân.


Nhà nó cũng chỉ có hai đứa con gái, bố nó cũng bị mấy người đàn ông mồm thối trong làng mỉa mai vì không có người chống gậy nhưng bố nó vẫn yêu thương chị em nó, vẫn bảo vệ mẹ nó trước miệng lưỡi người đời. Trong khi đó ở nhà tôi, mẹ tôi lại bị chửi rủa, bị hành hạ vì tội không đẻ được con trai, khiến nhà bố tôi tuyệt đường hương hỏa, chị em tôi cũng bị đánh đập suốt tuổi thơ.


Ngẫm nghĩ một lát mà khắp mặt tôi đã ướt đẫm nước mắt lúc nào không hay.


Em tôi đã dậy, thấy mắt tôi ướt sũng, nó thoáng sững sờ rồi ôm chặt lấy tôi thút thít. Bà cô tôi đi qua, thấy chị em tôi khóc thì nhìn tôi bằng ánh mắt bớt sắc bén hơn và có vẻ hài lòng. Họ đều tưởng tôi khóc vì bố tôi nhưng chỉ có tôi mới biết, tôi bất giác chảy nước mắt là vì bỗng dưng so sánh mình với người ta, bỗng dưng thấy tủi thân và thương xót cho thân phận chị em tôi mà thôi.


Lúc nghe thấy ông thợ kèn đọc đến tên tôi ở phần tên con của vong linh trong điếu văn, nước mắt tôi bỗng dưng trào ra lần nữa. Tôi không nhịn được mà lầm bầm tự nói với mình:

 

“Cành vàng cái gì mà cành vàng. Có phải Kim Chi nào cũng cành vàng đâu cơ chứ? Ở nhà tôi, Kim Chi chỉ là một cành củi mục mà thôi.”



0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout