Hai giờ sáng và mi đang đứng bên vệ đường cùng lỉnh kỉnh hai chiếc ba lô. Một chiếc đeo trên lưng đựng quần áo, chiếc còn lại để cạnh chân mi, dưới nền vỉa hè, là sách.

Cuối cùng mi cũng đã quyết định rời đi khỏi nơi mi đang sống. Không còn một chút do dự, không còn một chút sợ hãi, mi cần đi ngay! Thế là, bất chấp đêm hôm khuya khoắt không một bóng người, mi nhanh chóng xếp quần áo và vài quyển sách mình yêu thích thành hai chiếc ba lô, rồi ra khỏi căn phòng trọ tù túng của mình. Mi đi lướt qua những căn nhà đóng kín cửa, im lìm, mi chỉ nhìn lướt qua chúng một lượt rồi ngoảnh mặt đi thẳng.

Mi đứng đợi một chiếc xe khách đường đài đi lên phía Tây Nguyên. Nhưng mi chẳng biết, giờ này, liệu có còn một chiếc xe khách nào ngang qua đây nữa không? Vì bình thường mi chẳng đi lên Tây Nguyên. Mi chỉ đi lên Sài Gòn, nơi đô thị phồn hoa ấy ở ngược hướng với đường lên Tây Nguyên. Công việc của mi thường phải chạy đi chạy lại giữa nơi mi sống và công ty mẹ ở trên Sài Gòn, chứ chẳng bao giờ bước lên Tây Nguyên cả. Chính vì như thế, nên bây giờ mi mới quyết định đi lên đó, mi muốn đi đến một nơi mới mà mi chưa từng đến.

Mi đứng đợi và thầm ngạc nhiên rằng tại sao mình không hề nhớ ra: vào đêm khuya này sẽ chẳng thể có một chiếc xe khách nào nữa? Các xe lên Tây Nguyên trễ nhất đi từ Miền Tây cũng đã ngang qua đây lúc mười giờ đêm. Nhưng thật kỳ quặc, khi mi không hề có ý định quay trở lại căn phòng của mình, mi cứ đứng đó và nhìn suốt về phía những chiếc xe có thể tới. Mi đã không muốn đợi đến ngày mai, khi trời sáng mới rời đi, vì mi sợ sự quyết tâm của mình sẽ nguội lạnh. Sau khi thức đêm để đọc một quyển sách thật hợp ý mi đã biết rằng đây là lúc thích hợp nhất để đi, nếu không, mi sẽ mãi chìm sâu trong một cuộc sống nhờ nhờ của vừa đủ, của ẩm ương, của lưỡng lự. Khi đã cảm nhận được thời khắc thích hợp như thế, mi không tin không thể có được một chiếc xe nào đó ngang qua.

Và rồi, niềm tin của mi đã đúng! Từ xa một chiếc xe khách rọi đèn sáng trưng đang đến. Nó lại gần hơn, mi nhìn thấy rõ trên đầu xe dán biển điểm đến là các tỉnh Tây Nguyên. Vui mừng, mi vẫy tay liên hồi để đón chiếc xe định mệnh của đời mình. Chiếc xe nặng nhọc đỗ xình xịch như tàu lửa bên cạnh mi. Nó đã quá cũ, nó không phải là những chiếc xe giường nằm đời mới hay đi qua đây. Nó là chiếc xe khách ba mươi chỗ lỗi thời, già nua và ồn ào. Nhưng biết làm sao được, bất kể chiếc xe nào xuất hiện vào lúc này cũng là cứu tinh cho mi.

Tên lơ xe nhảy xuống xe và thoăn thoắt nắm lấy cái ba lô của mi, hắn hỏi mà không nhìn vào mặt mi: “Đi đâu đây anh trai?”

-  Lên Gia Lai.

-  Rồi rồi! Từ từ, đợi một tí, gớm khổ cái ông này, tôi có ba đầu sáu tay đâu!

Hắn trả lời mi trong lúc gắt gỏng với gã tài xế, gã đang bảo hắn xem cái bánh xe dùm có non hơi không vì xe đang chạy như một con ngựa động dục.

Mi đứng đợi tên lơ xe nhét cái ba lô sách vào gầm xe đã chật ních những bao tải, thùng, túi… “Đưa luôn cái ba lô kia đây. Rồi lên xe ngồi trước đi anh trai.” Hắn  nói và giơ tay ra mà chẳng ngước lên nhìn mi. Mi cũng lẳng lặng đưa chiếc ba lô trên vai cho hắn và lên xe. Hẳn là hắn còn loay hoay lâu lắm với cái gầm xe đã chật ních như thế kia. Mi lên xe và choáng ngợp ngay tắp lự. Chiếc xe đã lèn chặt toàn người là người!Các ghế ngồi đã kín chỗ và người ta ngồi tràn ra cả đường luồng giữa hai dãy ghế. Thêm các balo lớn nhỏ và đồ ăn thức uống mang theo của hành khách, chiếc xe trông giống như một chiếc bánh mỳ kẹp thịt không nước sốt đầy ụ.

Thấy mi đứng loay hoay một lúc lâu mà không biết ngồi ở đâu, gã tài xế chỉ vào một cái ghế nhựa nhỏ nằm giữa đường luồng ở bên trong nói: “Vô trong đó ngồi đi!còn có cái ghế đó thôi à!” Mi nghe lời và bước qua vai hai người ngồi đằng trước để có thể đặt cái mông mình yên vị trên chiếc ghế nhựa cỏn con. Mọi người xung quanh chỉ liếc nhìn mi có một cái, rồi lại nhắm mắt vờ như ngủ. Có người không ngủ thì ánh mắt lại mơ màng suy tư như đang chìm trong một thế giới khác ở rất xa.

Mi cũng bắt đầu mơ màng, mắt nhắm mắt mở khi chiếc xe bắt đầu rục rịch chuyển bánh. Mi lúc nào cũng thế, cứ lên những chiếc xe khách thì những nhịp rung lắc của nó lại như võng đưa, chúng đưa mi vào những cơn mơ màng nửa tỉnh nửa mơ. Mi nghĩ, thói quen này chắc là vì trước đây một thời gian dài, mi phải sử dụng thuốc chống say xe liều mạnh trong những lần đi xe khách của mình. Thứ thuốc đó lúc nào cũng khiến mi ngủ mê ngủ mệt từ lúc lên xe cho đến khi kết thúc cuộc hành trình. Bây giờ, mặc cho xe chật kín người và rung lắc dữ dội, mi cũng cứ mơ màng tuy không còn dùng loại thuốc đó nữa.

Mi nhớ về ngày xưa khi mi đi làm ngày đầu tiên khi vừa tốt nghiệp đại học. Mi mặc chiếc áo sơ mi trắng tinh sạch sẽ bước đến công ty vào buổi sáng sớm tinh mơ. Người quản lý công ty bảo mi hãy về nhà thay một bộ quần áo khác, cũ kỹ càng tốt, sau đó quay trở lại và mi được đưa xuống làm việc ở một nhà xưởng đầy bụi, đầy những món hàng cần được lau chùi, bảo trì, bảo dưỡng. Mi nhớ, khi đó, bàn tay yếu ớt đã quen cầm bút suốt hai mươi ba năm không thể cầm nổi một máy bắn đinh ốc cỡ lớn. Lúc đó, nó là chuyện lớn đối với mi, là vấn đề nan giải và mi vỡ mộng, thất vọng và chán nản. Nhưng bây giờ, mi mỉm cười, khi nó đã là chuyện thường. Mi đã sống hết một nửa đời người và mi cảm thấy mình già dặn hơn nhiều. Bằng tuổi mi, ngày xưa, bố mi đã khăn gói hành lý rồi cùng một vợ, hai con đi một ngàn cây số từ Bắc vào Nam với chỉ hai bàn tay trắng. Gia đình mi đã trải qua thời kỳ đầy biến động, đầy nghèo khổ. Bố mi can trường bám trụ ở vùng đất miền Nam đầy mới mẻ mà khi xưa nó chỉ là một chốn khỉ ho cò gáy. Chính vì lẽ đó, mà bố mẹ mi kỳ vọng về mi như một niềm hi vọng, một tia sáng về một thế hệ tương lai kiếm tiền bằng việc ngồi trong văn phòng máy lạnh. Chứ không phải là nai lưng trên những cánh đồng, nương rẫy hay nhà máy ám mùi mồ hôi.


Xe xốc lên một cú mạnh, chắc có lẽ nó đã lao vào một ổ gà. Con đường liên tỉnh lúc nào cũng lỗ chỗ những ổ gà ổ voi vá víu chằng chịt…


Giống mhư câu chuyện chẳng bao giờ đơn giản và cuộc đời cũng như thế. Cho dù giờ đây mi đã nỗ lực thoát khỏi căn nhà xưởng và có vị trí tốt hơn đúng như bố mẹ mi mong muốn, nhưng chính mi lại không muốn. Cái vẻ ngoài làm văn phòng chỉ là một bộ mặt người ta hay hình dung về một tầng lớp tri thức. Nhưng phía sau nó là muôn vàn những nghề nghiệp khác biệt, có những nghề thật sự rỗng tuếch, dù bộ mặt đó đẹp, nhưng nó là một bộ mặt tri thức giả. Mi không thể chịu đựng được điều đó. Thế là mi tìm đến sách, với lòng khao khát tri thức và hiểu biết cực độ, cốt yếu là để thay đổi môi trường, thay đổi công việc. Sách là nơi mà mi cho rằng là tốt nhất đối với việc tìm kiếm tri thức, là nơi dễ dàng để tiếp cận, là chất xúc tác để mi không bị cuốn vào vòng quay của một môi trường đã thối rữa. Sách cũng là thứ bố mi đã đọc cho mi khi mi còn chưa biết chữ, là thứ duy nhất mà khi mi cầm nó lên để đọc, bố mẹ sẽ để im cho mi đọc mà không phải làm bất cứ công việc gì.

Thế là sách dẫn dắt mi qua rất nhiều những chặng đường, những thế giới, những tư tưởng và hình thức… Đôi khi mi thật sự say mê nó đến độ có cảm giác như là yêu, một tình yêu vô điều kiện. Mi có thể đọc sách vì không cần bất cứ điều gì. Chỉ cần nó là sách và mi đọc thế thôi!

Càng đọc mi càng cảm nhận thấy bản thân mình cần thay đổi. Bất kể thứ gì! Cả giấc ngủ, cả cách thở, cả công việc, cả môi trường sống. Đó cũng chính là lý do mi đã nhất quyết thuê trọ để ở một mình. Mi quyết định rời nhà. Đối với mi đó là bước đầu cho sự giải thoát. Nhưng giải thoát khỏi cái gì mới được chứ? Hay đó chỉ là một sự phản kháng tự nhiên trước mọi vật mọi sự mà bất kỳ con người nào cũng phải có?

Mi tỉnh táo lại một chút và cố gắng nhướn cái nhìn ra cửa sổ xe, bên ngoài vẫn tối đen. Mi không biết là đã đi bao lâu rồi? Nhưng mi tự nhủ rằng trời sẽ nhanh sáng thôi! Đâu đó từ xa vọng lại một tiếng xe máy. Có thể trời sắp sáng nên mọi người đã làm việc trở lại, có thể là đi làm rẫy, hay là đi chợ sớm cũng nên. Trên xe, những người xung quanh mi cũng đã rục rịch tỉnh dậy nhiều hơn, chỉ riêng mi, cơn buồn ngủ vẫn quấn lấy, ríu cả mắt và mi không sao cưỡng lại được nó nữa…


Khi đọc sách mi đã biết thêm nhiều điều, học hỏi thêm nhiều điều. Nhưng tất cả chỉ là nửa vời. Chưa kể đến những quy luật của cuộc sống, của tự nhiên, của trời đất, những điều lớn lao ấy chắc chắn rằng mi chưa thể hiểu được đến nơi đến chốn. Nhưng như thế đâu có làm sao? Chuyện đó chẳng phải là cần dùng cả một đời hay sao? Có khi còn hơn thế nữa, để có thể đi đến nơi đến chốn của một cái gì trong vũ trụ này, đôi khi một đời là không đủ. Thế thì vì lý do gì mà mi lại đau đáu không nguôi về những chuyện đó? Vì cớ gì mi cứ đòi chạy chốn, đòi bứt phá, đòi đi thật xa, ra khỏi cuộc sống mà từ lâu nó được coi là định mệnh của cuộc đời mi? Câu hỏi đó có lẽ chỉ có chính mi mới trả lời cho mi được. Nhưng tréo ngoe thay, để trả lời được nó mi bắt buộc phải đi…

Gã lơ xe vỗ vỗ vào mặt mi: “Dậy, dậy đi anh trai. Gớm khổ, ngủ lăn ngủ lóc!”

Mi tỉnh dậy, mặt ngơ ngác nhìn xung quanh – không còn một bóng người, tất cả hành khách trên chuyến xe đã biến đi đâu hết. Mi đưa tay xoa đầu, gãi gãi đôi mắt cho tỉnh táo hẳn. Nhìn thấy mi mơ màng, gã tài xế nhếch mép cười khinh khỉnh, nói: “Con trai mới lớn mà như ông già. Mấy ổng có khi còn ngon hơn nhóc. Mấy ổng đâu có ngủ quên trời, quên đất giống vậy.”

“Đã đến Gia Lai rồi hả?” – Mi vừa ngáp vừa hỏi.

“Gì? Anh trai ngáo đá hả? Huyện D, còn trong tỉnh B, lấy đâu ra lên đến Gia Lai?”

Tỉnh B? Thế là xe chưa ra khỏi tỉnh mà mi đang sống. Tức là xe chạy tối đa chỉ khoảng độ 50 cây số thôi! Mi bàng hoàng nhận ra điều đó, liền hỏi lại: “Nhưng tôi lên Gia Lai cơ mà? Sao xe không chạy tiếp?

“Đây là bến cuối, còn chạy đi đâu?”

“Nhưng rõ ràng trên đầu xe ghi biển có tỉnh Gia Lai. Anh chẳng hỏi tôi đi đâu lúc mới lên xe sao? Tôi đã trả lời là đi Gia Lai mà đúng không?

“Thôi thôi, ông đừng có lôi thôi! Trên xe tôi đã hỏi có ai đi chỗ nào khác huyện D không, đã không một ai mở cái mồm ra, mà trong đấy có cả ông đấy, ông tướng ạ! Bây giờ ông lại cãi thế thì tôi lạy ông mất!”

“Xe bến cuối là huyện D rồi, xe này không lên Gia Lai. Bảng nó dán vậy, nhưng hôm nay tăng cường đi tuyến huyện D để chở mấy cha thương lái, nên là giờ phải quành lại cho kịp sáng mai chạy chuyến mới.”

Gã tài xế kiên nhẫn giải thích với mi hơn một chút. Nhưng mi bỏ ngoài tai và tiếp tục phân bua:

“Tôi không hề nghe anh hỏi gì cả?”

“Này, thôi đi nhé! Tôi không rảnh để cãi nhau với ông. Ông đưa tôi 100 nghìn tiền xe rồi xuống xe cho tôi nhờ!”

“Tiền thì tôi có, nhưng xuống xe thì tôi biết đi tiếp thế nào bây giờ? Hay ta cứ cho xe chạy tiếp lên Gia Lai, tôi sẽ trả tiền gấp 10 lần.”

“Đây không cần tiền, trả tiền và cút xuống xe ngay!”

Mi vẫn tiếp tục cự cãi, vì rằng nếu mi rời chuyến xe vào lúc đêm hôm khuya khoắt thế này, mi sẽ chẳng tìm đâu ra được một phương tiện gì để tiếp tục di chuyển. Mi sẽ chẳng biết tá túc ở đâu nơi xó xỉnh này. Ở huyện D toàn là nương rẫy, các rẫy cà phê, bơ, tiêu và sầu riêng. Những nhà nghỉ ít ỏi đã được các thương lái nông sản thuê hết sạch! Vì bây giờ đang là mùa thu hoạch sầu riêng, mà sầu riêng ở huyện D thì ngon có tiếng khắp cả nước, nên các thương lái phải túc trực ngày đêm để tranh giành nhau các nhà vườn.

Cuối cùng, mi bị tên lơ xe túm lấy cái cổ áo sơ mi và dúi xuống xe, hắn không quên giật lấy tờ 100 nghìn trong túi mi. Hai chiếc ba lô cũng bị vứt lăn lóc bên vệ đường và chiếc xe khách quay đầu đi thẳng. Mi cứ đứng im và nhìn mãi cái ánh đèn chiếu hậu cứ nhỏ dần và mờ mịt hẳn trong bóng tối.

Còn lại một mình mi giữa bóng tối đen đặc, bên lề con đường trải nhựa, mi bỗng thấy rùng mình sợ hãi, khi ánh đèn điện dù có nhưng lại le lói rất xa. Mi tự trách mình rằng tại sao lúc nãy không ngồi luôn trên xe để đi ngược về cho rồi! Lúc ấy, mi không hề nghĩ đến chuyện đó. Đầu óc mi cho đến lúc này chỉ có hướng về nơi mi muốn đến mà không mảy may ý định quay lại. Tuy nhiên, khi xách hai chiếc ba lô và mò mẫm dấn bước dọc trên đường nhựa, mi cứ dần dần nổi lên một mong muốn được quay lại.

Thế nhưng, chân mi lại không ngừng bước về phía trước. Vì mi biết rằng, đó là cách duy nhất mi nên làm khi vẫn chưa có ý định cho việc gì khác. Mi đi, mà không hi vọng sẽ đến được nơi mà mi muốn đến. Bởi vì, sự thật là Gia Lai ở quá xa so với sức đi bộ của mi. Mi sẽ không thể đến đó chỉ trong vòng một buổi tối hay thậm chí là trong vài ngày. Nhưng mi không ngừng đi, như có sức hấp dẫn gì đó dẫn dụ, và rồi mi cứ chậm dần và trong thâm tâm mi bắt đầu sợ hãi và chán nản. Mi tưởng tượng rằng vài tiếng đồng hồ nữa thôi trời sẽ sáng. Lúc đó khi vạn vật bừng tỉnh trở lại, chắc hẳn sẽ có rất nhiều nơi mi có thể tá túc hoặc là sẽ có những chiếc xe khách hay thậm chí là xe tải chở nông sản ngang qua, để mi có thể leo lên và đi đến nơi mà mi muốn. Lúc đó, mi có thể đi tiếp, hoặc quay trở về… Khi nghĩ như thế, bỗng nhiên mi cảm thấy mạnh dạn hơn trong từng bước chân của mình. Về cái viễn cảnh của ngày mai ấy, khi bước đi trong đêm tối, ai cũng nghĩ tới ngày mai, chỉ có vậy thì mới có thể mạnh dạn bước tiếp.

Đi được một quãng thật xa, mi bắt đầu cảm thấy chiếc ba lô chứa sách quá nặng. Ban đầu mi cầm nó trên tay, mỏi, mi thay nó với chiếc ba lô đựng quần áo để đeo nó trên lưng, nhưng như vậy cũng không giảm đi được trọng lượng mi phải mang vác. Thêm một quãng nữa, mệt lờ đờ, mi đứng lại suy nghĩ. Mi nghĩ, chắc phải bỏ lại chiếc ba lô đựng sách này. Nếu cứ cố chấp mang nó theo bên mình, mi sẽ kiệt sức trước khi trời sáng. Mi lưỡng lự, vì đây thực sự là những quyển sách mi thích nhất! Nhưng không còn cách nào tốt hơn là bỏ nó lại. Mi đặt nó bên vệ đường và rời đi. Được một quãng mi lại lưỡng lự, mi quay lại nhìn và thấy chiếc ba lô đựng sách ấy lờ nhờ trong bóng tối. Mi tự nhủ khi trời sáng, nếu quay về, mi sẽ nhặt lại chiếc ba lô đầy sách vở ấy của mình – khi mà nó vẫn còn ở đó. Còn bây giờ thì mi cứ đi. Thật là kỳ lạ cho đêm nay, khi chặng đường này quá nhiều cảm tính đối với mi, với hướng đi tới là nơi mi chưa từng biết đến, còn hướng quay đầu là nơi mi chán ghét cùng cực nhưng lại có cả những thứ mà mi hết mực yêu thương. Mi chợt hiểu ra rằng cuộc chạy trốn này đầy những khó khăn, tréo ngoe và đầy trả giá. Liệu rằng một ai đó có chạy trốn như mi không? Và liệu người ta có làm được? Còn mi, đêm nay mi cứ dấn bước đã.


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

  • avatar
    người xa lạ
    Mình thích câu chuyện này, đọc giống quê mình.
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout