Đi Về Phía Mặt Trời 


 1.

Tôi là kết quả của một cuộc tình ngang trái giữa thói đời cách biệt thân phận sang hèn và quyền lực. Nhà mẹ tôi rất nghèo. Còn gia đình bố tôi – người góp phần tạo lên hình hài của tôi hôm nay – nghe bảo lúc ấy giàu nhất vùng này lại thêm ông nội tôi làm chức gì tận trên tỉnh. Người ta bảo cũng tai to mặt lớn lắm. Mà thói đời thứ gì càng cấm cản họ lại càng lao vào mãnh liệt hơn.

Để rồi lúc biết đến sự hiện diện của tôi, ai cũng tưởng cuộc tình ấy sẽ đơm hoa kết quả ngọt. Nhưng không. Gia đình bố tôi một mực chối bỏ mẹ con tôi. Họ càng ra sức cấm cản khi biết tôi là con gái. Họ bảo: “Giá thử nó là con trai thì nhà này cũng ráng nhận cháu”.

Ấy là những gì mẹ tôi kể cho tôi nghe. Câu chuyện này được nhắc đi nhắc lại suốt mười tám năm qua chắc không dưới trăm lần trong những cơn say của bà.

Còn bố tôi ư? Ông cũng bỏ rơi mẹ con tôi. Có lẽ ông đã chán với trò chơi tình ái này khi mà trước mắt bày ra một mối quan hệ đúng chất môn đăng hộ đối. Ông chọn nghe theo gia đình. Ông lấy vợ sinh con. Và từ khi sinh ra đến giờ tôi chưa một lần được nhìn thấy mặt cha mình.

Nắng đã nhạt. Bầu trời về chiều không còn cái nóng bỏng da như ban trưa mà dần hạ nhiệt. Gió từ sông lớn mang hơi mát như xoa dịu những cơn đau trên khắp người tôi. Gió nhẹ nhàng lau khô giọt nước mắt và thổi làn tóc đen tuyền đang rối bù của tôi khiến vài cọng tóc mai bay bay trước đôi mắt trĩu nặng ánh nước. Gió đung đưa những thân tre xanh bóng cạ vào nhau nghe kẽo kẹt từng hồi nhanh chậm. Tiếng lá tre xào xạc tạo nên bản giao hưởng êm tai ru cuộc đời tăm tối đang co ro ngồi bó gối dưới gốc tre. Đôi mắt u uất của tôi dần khép lại. Tôi chìm vào giấc ngủ mơ màng sau trận đòn vô cớ.

Mẹ tôi bình thường cũng như bao con người khác. Nhưng khi có hơi men trong người bà như một con thú đội lốt người hiện nguyên hình. Bà lôi tôi ra giày vò. Bà thường gào vào mặt tôi những câu mắng nhiếc, rủa xả:

– Sao tao lại sinh ra thứ như mày? Tại sao mày không phải là con trai?

Bà vô tình xem tôi như bao cát để xả cơn uất hận. Bị hành hạ lâu ngày nên mọi giác quan, cảm xúc của tôi dường như đã chai lì. Tôi chỉ tìm cách tránh né đòn đau chứ không hề nghĩ đến việc chống trả. Những câu hỏi của bà, tôi nào có thể trả lời được. Hơn ai hết, người không muốn được sinh ra trên đời này nhất phải là tôi mới đúng. Tôi không có nhu cầu được sinh ra như vậy.

Tôi quằn quại với những cơn đau, với mỗi trận đòn mà đáng ra tôi không phải chịu. Từ khi tôi biết đau là tôi biết mình bị ghét bỏ bởi chính người tôi gọi là mẹ ấy.

Tôi cứ như cỏ dại mà lay lắt vươn lên sống cho đến hôm nay.

Có hôm thấy bà ấy xiêu vẹo ngoài ngõ là tôi nhanh chân trốn đi mất. Tôi hay trốn sang nhà bà Năm Thêm – hàng xóm sát nhà tôi – xin tá túc qua đêm. Đến sáng hôm sau tôi mới dám mò về nhà. Mẹ tôi cũng chả buồn hỏi xem đêm qua tôi đã ngủ ở đâu?

Mẹ con tôi không bao giờ nói chuyện với nhau nếu không thực sự cần thiết. Tôi thường một buổi cắp sách đến trường, một buổi đi mò cua bắt ốc kiếm tiền đổi gạo sống qua ngày. Mẹ tôi cũng đi làm. Ai thuê gì thì bà làm ấy nhưng có tiền là bà lại lao vào những cơn say. Sau khi uống say bà lại lôi tôi ra mà trút oán hận.

Nhiều người trong làng nhất là bà Năm Thêm đã nhiều lần ngỏ ý xin tôi về nuôi. Những lúc tỉnh rượu bà lại một mực không cho. Bà khóc lóc kể khổ bảo bà ấy thương tôi lắm, tôi là nghị lực sống còn của bả. Ôi! Tôi nghe những câu ấy mà nước mắt chực trào chua xót cho phận mình. Nực cười cho chính bản thân mình, cho chính số phận mình, cho chính cái danh xưng mẹ con giữa tôi và bà ấy.

Tôi thầm mong thời gian chạy thật nhanh như cơn gió để tôi mau chóng kết thúc hành trình mười hai năm đèn sách. Tôi tính cả rồi. Tôi sẽ vào Nam học Đại học, sẽ tự nuôi thân mình, sẽ thoát ra khỏi trốn ngục tù này. Tôi muốn làm chủ số phận mình vậy nên tôi học rất giỏi.

2.

 Mưa gọi tôi về với hiện thực kéo tôi ra khỏi giấc mơ đẹp đẽ. Trong giấc mơ ấy tôi thấy mình đang ở một thành phố bình yên. Nơi ấy tôi được tự do như cánh chim trời, tự do sải cánh bay lượn. Nơi đó tôi không còn chịu cảnh đòn roi mắng chửi, không phải nghe những câu hỏi mà tôi mãi không có câu trả lời. Nơi ấy tôi tìm thấy bản thân mình đã bị mất từ lâu. Nơi tràn ngập ánh sáng ấm áp.

Uể oải ngước nhìn bầu trời đã tối sầm bởi mây đen giăng kín. Tôi mệt mỏi đứng dậy. Gió không còn nhẹ nhàng nữa mà ồn ào cuốn hết lá tre khô dưới mặt đất đi xa mãi. Mưa bắt đầu nặng hạt.

Tôi nhắm hờ đôi mắt đã bị số phận làm cho hốc hác rồi hướng mặt ngược chiều gió để cơn mưa rửa trôi đi những bụi bẩn đen tối. Nặng nề bước chân, tôi đi trong mưa lạnh lẽo về nơi mà người khác gọi là nhà nhưng với tôi đó là chốn ngục tù.

Sau cơn tam bành bà lại lăn ra ngủ không biết trời trăng gì. Ánh đèn dầu leo lắt hắt bóng tôi lên vách tường nghiêng nghiêng im lìm. Hai bàn tay tôi nắm chặt oán hận. Tôi đứng trân người ở đó rất lâu. Đôi mắt đau đáu nhìn người đàn bà mới ngoài bốn mươi nhưng tơi tả như mụ ăn xin đang phì phò trong giấc ngủ mộng mị. Mọi căm phẫn trong tôi phút chốc ào lên khóe mắt khiến nó cay xè rồi nối theo sau là những oai oán, bi thương ùn ùn kéo đến, sau cùng là tủi hờn, xót xa xen lẫn thương đâu đó trong tôi một chút thương. Tôi thương cho số phận của bà, thương bà cũng một đời ai oán, khổ đau như tôi. Một sự truyền thừa từ đời này qua đời kia. Nhưng tôi tự hứa với lòng sự truyền thừa này sẽ kết thúc ở tôi.

Ánh đèn dầu le lói hắt bóng lặng im lên vách lá rất lâu. Mãi đến khi thân hình trước mặt tôi cựa mình nằm nghiêng qua bên mới khiến bóng tôi di chuyển. Ngoài trời mưa không ngừng rả rích. Gió vẫn rít từng cơn ù ù ở đầu hồi mái tranh. Bóng tối bao trùm không gian. Ngọn đèn dầu lay lắt chẳng đủ sức xua tan bóng đêm ma mị.

Tôi lặng lẽ quay ra tìm cái nồi đang nằm vất vưởng mãi bờ rào sau nhà để thổi cơm. Tôi mở nắp lu gạo rồi nhìn vào hố đen thăm thẳm dường như không thấy đáy. Chuyện này cũng chẳng làm tôi bất ngờ hay hụt hẫng vì nó diễn ra thường xuyên. Lại như thường lệ tôi sang nhà bà Năm Thêm mượn tạm lon gạo về nấu đỡ bát cháo.

Bà Năm nay đã gần bảy mươi tuổi. Bà ở một mình mặc dù bà có tận chín người con. Con bà đã lập gia đình và ra riêng. Có người ở gần, có người ở rất xa. Bà là người thương tôi nhất cái làng này. Và bà cũng là người hay cho tôi ngủ nhờ để trốn những trận đòn kia.

Lần nào tôi cũng thấy số gạo bà cho tôi mượn nhiều hơn số gạo tôi mua được ngoài chợ. Bà trao cho tôi túi gạo tiện tay bà vạch tay áo tôi lên khi nhận ra vết máu chưa khô trên mu bàn tay tôi. Mắt bà đăm đăm nhìn những vết bầm tím mới lại chồng lên vết cũ:

– Nó lại đánh mày à?

Tôi cúi mặt giấu đi giọt nước mắt đang chực trào. Bà chép miệng vuốt mái tóc đang bết dính vì nước mưa của tôi chua xót nói:

– Khổ thân con bé! Sao mày khổ thể hả con?

Bà chửi đổng:

– Cái thứ trời đánh thánh đâm nhà nó. Hổ dữ không ăn thịt con. Nó ác cũng ác vừa vừa thôi chớ!

Đến đây mọi cố gắng của tôi như bức tường mỏng manh bị vài lời nói ấy xô đổ ào ào, ầng ậc tuôn trào.

Bà dặn thêm:

– Mày về tắm rồi thay quần áo khô kẻo nhiễm lạnh. Hễ nó còn sinh sự thì chạy qua đây với bà. Nhá!

– Dạ! Cháu cảm ơn bà!

– Ừ! Thôi! Mày mau về nấu cơm ăn kẻo muộn rồi.

– Vâng ạ!

Chân tôi mò mẫm trên con đường mòn tối om về nhà trong cơn mưa bay bay. Về đến nhà, tôi không nấu hết mà chia số gạo làm hai. Phần còn có thể là bữa ăn cho cả ngày mai của tôi và mẹ nếu mai tôi không bắt được tí cua tí ốc nào. Sợ mẹ tôi lấy gạo đi đổi rượu nên tôi giấu gạo đi.

Ánh mắt tôi nhảy múa bởi ngọn lửa bập bùng đang cháy tí tách trước mặt. Hơi ấm duy nhất trong cái nhà tuềnh toàng này mà tôi được hưởng chính là ngọn lửa ấy. Ngọn lửa hong khô cuộc đời ướt át đến thê thảm của tôi đôi chút. 

Lâu hồi cháo cũng chín. Tôi lấy ra một chén nhỏ để ăn còn phần hơn tôi để lại trong nồi cho mẹ. Tôi biết rằng sau cơn say thể nào bà cũng lần mò xuống bếp kiếm đồ lấp đầy cái bụng đói. Tôi vẫn không lỡ nhìn cảnh bà kêu rên vì đói.

Tôi làm thế cũng cũng chẳng tốt lành gì. Chẳng qua tôi chỉ mong có một ngày được bà ấy công nhận. Công nhận tôi là con ruột do bà mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày mới sinh tôi ra. Tôi cũng thèm nghe một tiếng gọi “An ơi!” giữa đêm mưa gió này. Tôi cũng muốn gọi một tiếng “Mẹ ơi!” trong lúc đau khổ này. Nhưng mọi đau khổ của đời tôi không phải đang được bà ấy ban tặng cho mỗi ngày hay sao?

Một chén cháo loãng không lấp đầy cái bụng đang tuổi ăn tuổi lớn của tôi. Nhưng tôi đành chịu. Tôi co ro trong tấm chăn cũ kỹ trên manh chiếu lạnh dưới nền đất mà đi vào giấc ngủ chập chờn trong khi bà ấy vẫn phì phò trên chiếc chõng tre ọp ẹp.

3.

Đi qua những ngày xuân là lúc con ve cất tiếng gọi hè. Tiếng ve râm ran khắp làng trên xóm dưới. Trong tán phượng vĩ xanh mướt đang cố che đi màu đỏ rực rỡ giữa lòng mùa hạ vẫn văng vẳng tiếng ve kêu. Ve gọi hè, gọi kỳ nghỉ dài của đám học trò, gọi giấy báo trúng tuyển Đại học của tôi về.

Tôi sung sướng mà nở một nụ cười hiếm hoi của mình sau khi gấp cất cẩn thận tờ giấy ấy vào một cuốn tập. Tôi ước mẹ mình sẽ như bao người mẹ khác, sẽ ôm lấy con mình mà tự hào mà khen không ngớt. Nhưng bây giờ tôi lại khóc nức nở vì buồn tủi. 

 Đầu tôi bỗng lóe lên tia sáng rực rỡ như ánh ban mai mùa hạ. Tôi quẹt ngang giọt nước mắt đứng bật dậy. Tôi quyết tâm đi tìm ánh sáng của cuộc đời mình. Tôi không thể sống mãi trong sự tối tăm này. Không thể mong chờ chút ấm áp ở ngọn lửa mong manh nơi xó bếp kia được.

Đang chân sáo tung tăng trên đường về với tâm trạng không thể nào tốt hơn của mình. Tôi còn có tâm trạng đưa chân đá tung những lá tre khô trên mặt đất khiến chúng bay lên không trung quay vài vòng rồi lại xếp chồng lên nhau thành lớp dày. Miệng bất giác hát mấy câu ca vu vơ không rõ giai điệu. Hôm nay là ngày tôi vui nhất trong suốt mười tám năm qua bởi một suy tính táo bạo vừa xuất hiện trong đầu. Tôi tạt vào nhà bà Năm định bụng sẽ khoe với bà về niềm vui ấy.

Bà Năm với mái tóc bạc phơ đang nheo nheo mắt ngồi vá áo ở bậc tam cấp trước cửa nhà. Trong bà hiền hậu như bà tiên. Đúng! Bà là bà tiên trong truyện cổ tích. Bà đến bên tôi, giúp tôi, thương tôi. Chưa kịp để tôi cất tiếng bà đã nhướng mắt nhìn lên cười hiền hỏi:

– Học về hả An?

– Dạ! Bà vá áo ạ?

– Ừ! Ban nãy tao đi ra vườn sao mà áo vướng cành bưởi nên bị rách một lỗ.

Bà vẫn cắm cúi tập trung vào từng mũi chỉ đều đều.

– Bà may khéo quá! Cháu vụng lắm!

– Ừ! Hôm nay có chuyện gì lắm vui đúng không?

Bà không nhìn tôi mấy mà sao bà đoán hay thật! Tôi ngồi xuống bên chân bà đưa đôi mắt mấp máy nhìn chằm chằm vào những nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt ấy vui vẻ nhoẻn miệng cười. Tôi hồ hởi khoe tờ giấy báo trúng tuyển với bà.

Đúng như tôi nghĩ. Bà dừng tay cười thật tươi rồi vỗ nhẹ vào vai tôi vài cái bảo:

– Giỏi! Giỏi lắm! Hà hà....

Nhưng ngay sau đó bà lại trầm ngâm lặng im nhìn tôi đăm chiêu. Bà đưa tay vuốt tóc mai tôi ra sau tai, ánh mắt bà nhìn tôi chua xót:

– Nhưng liệu nó có cho đi học không? Bữa nó mới bảo với tao sẽ cho mày nghỉ học đấy.

– Dạ! Không cho thì cháu cũng trốn đi ạ!

– Ờ phải! Nhưng còn tiền bạc thì sao?

Tôi cúi mặt lí nhí:

– Cháu đang lo việc ấy đấy ạ!

– Cũng khó đấy An à!

– Cháu sẽ đi làm song song với học. Nhưng năm đầu phải đóng học phí trước bà ạ!

Tôi cúi mặt chùi nhanh giọt nước mắt bất lực vừa rơi ra. Bỗng bà vỗ mạnh vào vai tôi rồi cúi đầu ghé sát tai thì thầm như sợ ai nghe thấy:

– Bà sẽ cho mày mượn.

–  Dạ?

Tôi đưa ánh mắt đang còn long lanh nước ngước nhìn gương mặt thật phúc hậu đang cười với tôi, ánh mắt bà đầy vẻ trìu mến.

– Bà có vài chỉ vàng để dành. Mỗi năm mấy đứa con bà biếu mà bà già rồi có dùng đến đâu. Bà cứ dồn lại rồi mua vàng để dành đó. Giờ bà sẽ cho mày mượn để đi học.

– Nhưng…. Bà không sợ cháu quỵt của bà ạ?

– Ngốc ạ! Sợ? Tao mà sợ đã không cho mày mượn. Tao cho mày mượn. Sau này ra trường mày đi làm có tiền thì trả bà sau. Không vội!

Tôi ôm chân bà úp mặt vào đấy mà khóc nức nở. Tôi khóc vì sung sướng, khóc vì tủi hờn, khóc vì trong lòng cảm thấy xót xa. Tôi khóc ngon lành.

Nếu cuộc đời cứ diễn ra theo lẽ thường thì đó gọi là thuận lợi. Còn ngược lại thì gọi là gì nhỉ? Thử thách? Khó khăn? 

Càng đến gần ngày tôi thực hiện cuộc chạy trốn ấy lòng tôi cứ luôn bất an. Trong tôi lấn cấn giữa việc đi và ở. Nói thật thì thực dạ một nửa tôi muốn đi, nhưng không hiểu sao một nửa còn lại trong tôi không lỡ để lại người mẹ ấy một mình. Nghĩ đến những lúc đói khát không có miếng cơm miếng cháo do tôi kiếm về được bà ấy có co ro chết đói một mình trong nhà cũng không ai hay. Nghĩ đến đó nước mắt tôi lại trào ra, ý chí quyết tâm thoát ngục của tôi lại bị đè xuống mấy hôm. Nhưng trận đòn sau đó lại thổi bay những suy nghĩ mong manh ấy đi và bồi đắp thêm cho quyết tâm thoát ra khỏi bóng tối này.

Có một chuyện khiến kế hoạch của tôi bị đẩy nhanh hơn dự tính.

4.

Cái nắng ngày hè gay gắt. Nước như ai nấu mà nóng bỏng da người. Bọn cua cá tranh nhau tìm hang trú ẩn nên tôi khá bội thu. Ngày nào tôi cũng đong được năm bảy cân gạo và trả được hết số gạo tôi đã mượn của bà Năm trước đó. Hằng ngày, tôi chỉ mang đủ gạo ăn trong ngày về nhà. Phần dư ra tôi gửi bà Năm giữ giùm.

Buổi chiều mát mẻ hẳn khi mặt trời chuẩn bị nghỉ ngơi sau dãy núi cao ở tít chân trời góc Tây. Bầy se sẻ ríu rít gọi nhau về tổ. Có chú chim non còn ham ăn cố nán lại nhảy quanh chân tôi. Chú vạch lá tre khô bằng hai cái chân bé xíu như hai cây tăm để tìm xem còn hạt thóc nào không khiến chim bố mẹ sốt ruột gọi ầm ĩ cả bụi tre gai. Mùa này gió không biết đi đâu mà cứ biệt tăm chả thấy.

Vừa xách túi gạo hớn hở về nhà tôi khựng lại trước cửa khi thấy trong nhà có ba vị khách lạ mặt. Một ông lão tầm ngoài năm mươi trông hom hem ngồi giữa hai bà to con như cái bồ thóc. Họ ăn mặc trông sặc sỡ nhưng dị hợm thế nào ấy. Tôi lầm lũi cúi đầu chào không buồn lên tiếng rồi đi thẳng ra bếp nấu cơm.

Tôi chả buồn để ý chuyện trên nhà. Chỉ vui vẻ mà nấu cơm vì hôm nay tôi bắt được rất nhiều cá to. Tôi bán được khá khá tiền và để lại vài con kho mặn ăn dần. Tôi có ngờ đâu trên nhà ấy đang diễn ra cuộc mua bán mà tôi là vật phẩm chính của cuộc trao đổi ấy. Tôi – một con người sống sờ sờ – đang được đặt lên bàn cân như món rau món cá mặc cho người ta ngã giá. Tôi không rõ mình đáng giá bao nhiêu?

Đêm ấy, trong cơn say chếch choáng với giọng khàn đặc bà không chửi cũng không đánh tôi như mọi khi khiến tâm hồn mong manh của tôi được thoải mái đôi chút nhưng rồi nó mau chóng vỡ tan như giọt sương mai rơi xuống đất. Tan biến.

Trong cơn lâng lâng của hơi men khi đã ngà ngà say bà buột miệng về việc đã gả bán tôi cho ông già chiều nay. Bà bảo tôi chuẩn bị đầu tháng sau được ngày họ sẽ đến rước đi.

Tôi tròn mắt nhìn trân trân người trước mặt mình đang gật gù lẩm bẩm gì đó. Tai tôi ù ù như có con ong đang vỗ cánh trong ấy. Tôi nghe tim mình hẫng đi rơi vào hư không, miệng tôi run rẩy nói trong nghẹn ngào:

-        Mẹ! Mẹ lỡ bán con cho người ta làm vợ sao?

-        Gả cưới chứ bán buôn gì? Ổng giàu bỏ xừ. Tao cho mày được sống cuộc sống sung sướng gấp vạn căn nhà rách này đấy.

-        Mẹ nhận người ta một số tiền như vậy mà mẹ bảo gả là gả như thế nào? Nhưng con không muốn lấy người ấy. Mẹ! – Tôi quỳ phục xuống bên cạnh bà, quẹt ngang dòng nước mắt cố víu lấy tay bà mà lay, mà xin hòng mong đánh thức chút lương chi nào đó còn sót lại trong con người ấy. – Con xin mẹ đấy! Coi như con cầu xin mẹ. Mẹ đừng gả bán con đi như thế. Con xin mẹ hãy thương lấy thân con. Dù gì con cũng là con của mẹ mà. Mẹ!

-        Gớm chưa! Tao có đưa mày lên núi đao xuống chảo dầu đâu mà mày làm quá lên thế? Lấy chồng thì ai chả phải lấy. Không lấy trước thì lấy sau cũng vậy. Giờ có mối ngon lại không ưng. Mày muốn như tao à?

-        Không mẹ ơi! Con xin mẹ! Con van mẹ! Mẹ hãy thương lấy con. Mẹ để con ở lại bên cạnh mẹ đi. Con hứa con sẽ cố gắng làm kiếm tiền nuôi mẹ mà. Mẹ! Con xin mẹ đấy!

Bà ta phớt lờ lời tôi nói, ánh mắt sâu hun hút nhìn đăm đăm vào ngọn đèn dầu đang nhảy múa trước mặt. Trong mắt ráo hoảnh và không hề có chút lưỡng lự nào xuất hiện trước tiếng khóc nức nở, trước những lời van xin của tôi. Bà hất tay tôi ra kiên định với lấy chai rượu đang còn non nửa chai bên cạnh mà đưa lên miệng tu ừng ực một hơi dài như người khát nước rồi bà nhẹ nhàng bảo ngọt tôi, ánh mắt lướt nhanh qua tôi rồi lảng đi:

-        Tao nói mày nghe. Mối này tao đã nhắm cho mày từ lâu rồi. Tao đợi mày học hết cấp, đủ tuổi đàng hoàng tao mới gả cưới. Tao nuôi mày chừng ấy năm trời, mày cứ coi như mày trả ơn tao đi An. Được không?

Tôi đanh người, gạt phăng hai dòng nước mắt nãy giờ đã làm cả khuôn mặt tôi ướt át kéo xuống tận cổ và đẫm cả một khoảng áo trước ngực, tôi đứng thẳng dậy. Tất cả uất ức gom lại dồn nơi cửa miệng, tôi gào lên trong nước mắt:

– Không đời nào! Tôi là con người chứ phải gà vịt đâu mà bà nói bán là bán?

– Tao là mẹ của mày. Tao có quyền. – Bà ta cũng đứng dậy và gào vào mặt tôi như thế.

– Bà là mẹ của tôi ư? Bà nói ra câu ấy mà không ngại mồm à?

– Tao đẻ ra mày nha!

– Vâng! Là bà đẻ ra tôi vậy nên tôi là con người, là một con người biết đau biết đớn đấy!

Không để tôi nói thêm bà ta liền lao vào tôi trút giận như mọi khi. Cơn đau da thịt chả thể so với nỗi đau đang ngự trị trong lòng tôi. Nhưng rồi một ý nghĩ vụt sáng như sao băng vụt qua bầu trời tăm tối trong tôi. Tôi thẳng người đứng lên mà chộp lấy cổ tay gân guốc đang giơ lên kia rồi đẩy mạnh một cái. Cú đẩy mạnh khiến bà ta mất đà ngã bệt xuống đất. Loạng choạng mãi bà ấy mới đứng lên được, tay chỉ chỉ mặt tôi hăm dọa:

– Mày có chống cự cũng vô ích. Tao nhận tiền người ta rồi. Họ sẽ đến bắt mày thôi.

– Hừ! Cuộc đời tôi bị bà vùi dập thế đủ rồi.

Tôi nhếch nửa miệng cười chua chát mắt trừng trừng lửa giận buông thõng một câu:

– Từ nay bà tự lo cho thân mình đi.

Nói đoạn tôi lao ra cửa hòa mình vào màn đêm. Bà ta hoảng hốt như xổng mất con cá to vội nắm tay tôi lại nhưng không kịp. Tôi chạy, chạy mãi trong bóng đêm đen đặc ấy mà không dám dừng lại. Tôi chạy với tất cả sức bình sinh tôi có. 

Bà ta cũng chả chịu bỏ qua con mồi béo bở nên cũng đuổi theo sau. Nhưng do có hơi men với lại mắt bà cũng không còn tinh tỏ nên mau chóng bị tôi bỏ lại phía sau.

Nép mình vào bụi tre rậm bên đường. Tôi nín thở khi nghe tiếng bình bịch của bước chân chạy lại gần cùng tiếng gầm gừ chửi rủa phát ra không ngừng. Rồi tiếng thở hồng hộc ngắt quãng kèm tiếng chửi ngay trước mặt tôi khiến tim tôi đập bình bịch loạn cả lên trong lồng ngực. Một tay tôi bịt miệng và mũi, một tay tôi giữ ngực vì sợ bà ta thính tai sẽ nghe ra được hơi thở của tôi đang sát bên bà ấy.

Tôi thầm cảm ơn màn đêm hôm ấy. Màn đêm chính là người bạn tuyệt vời của tôi trong những lần chạy trốn như này. Màn đêm giúp tôi che đi thân thể tàn tạ đến chán con mắt.

Đứng thở một lúc để nghỉ mệt bà ta lại cắm cổ chạy về phía trước. Tôi thở phào nhẹ nhõm đợi cho tiếng bước chân xa dần rồi im bặt mới vội chạy ngược về nhà. Tôi gom vội hai bộ quần áo đã ngả màu nâu đất đã trên sào và giấy tờ đã được tôi chuẩn bị từ trước đó rồi lần mò qua nhà bà Năm – nơi có ánh sáng soi cho tôi duy nhất lúc này.

5.

Như bao lần khác, bà Năm giấu tôi trong giường khi bà ta đến tìm. Tôi sợ hãi co rúm trong góc tường mà hồi hộp lo lắng. Mãi khi nghe thấy tiếng bà Năm lạch cạch cài cửa tôi mới dám thở mạnh ra.

Tôi thút thít kể cho bà Năm nghe chuyện mình bị gả bán cho một ông già nào đó. Bà tức sôi mà buột miệng chửi:

– Khốn nạn thật! Cái ngữ khốn nạn ấy. Tao mà biết thế hồi nãy tao lôi nó lại tao chửi cho hả cái dạ.

– Cháu xin bà! Bà cho cháu nấp ở đây. Mai cháu sẽ đi vào Nam học luôn ạ!

– Ừ! Phải vậy thôi cháu à.

Bà hạ giọng quay sang tôi. Ánh mắt bà mờ đục nay được ánh đèn thắp sáng long lanh như hai ngôi sao mai nhìn tôi chua chát. Bà than thở thay tôi kèm theo cái thở dài thườn thượt:

– Sao số mày khổ quá vậy cháu?

– Cháu không biết. Kiếp trước cháu phải như nào mà sao…

Tôi nghẹn ngào, cục ức chặn ngang cổ họng khiến tôi khó thở cùng cực. Trái tim tôi giãy giụa.

– Bữa rồi tao có điện thoại nói với thằng Nam (con út của bà đang sinh sống trong Sài Gòn) trong ấy. Tao có nói qua tình hình của mày và nhờ nó giúp khi mày vào ấy học. Nó bảo mày cứ vào được đến đó nó sẽ lo cho mày thời gian đầu. Nên yên tâm nhé!

Tôi gục đầu vào lòng bà khóc thút thít rồi ngủ quên lúc nào không hay.

Sáng tinh mơ khi trời chưa tỏ mặt người. Con gà trống còn vùi đầu vào cánh ngủ say. Bà Năm dúi vào tay tôi xấp tiền được bọc rất kỹ trong chiếc khăn mùi xoa với vài vòng dây thun cố định tứ phía. Bà dặn:

– Này là tiền bà bán vàng. Trong đây vừa đủ hai mươi triệu để mày đóng học phí và lo chỗ ăn ở thời gian đầu. Mày coi phải cất thật kỹ nha chưa! Cẩn thận không bị kẻ gian nó lấy mất!. Còn đây – bà chìa ra thêm – bà cho riêng mày một triệu lấy tiền đi đường. Tiền này bà cho, không tính là mượn nhé!

– Không bà ơi! Cháu không dám nhận đâu! Bà cất đi để dành lấy mà đi chợ.

– Không! Bà bảo này. Đáng ra nó mà chịu thì bà đã nuôi mày từ nhỏ. Bà coi mày như con như cháu. Bà cho cấm chối không tao buồn lắm!

– Bà nói thế thì cháu xin nhận ạ!

Tôi khóc. Bà cũng khóc theo. Rồi bà kéo tay áo chùi nước mắt quay sang dúi vào tay tôi mấy nắm cơm còn nóng hổi bảo:

– Cơm bà vừa thổi chín xong. Bà nắm chặt lại cho mày đi đường ăn lót dạ. Nắm chặt như này lâu thiu lắm, ăn được hai ba bữa lận đấy.

– Bà ơi !

– Hử?

– Cháu làm sao để trả hết ơn cho bà đây?

Tôi nghẹn ngào nói không rõ tiếng. Bà vén vạt áo lên quệt vội giọt nước mắt vừa chảy xuống khóe mắt mình mắng yêu tôi:

– Tiên sư bố nhà cô, ơn với chả nghĩa. Cứ khỏe mạnh, bình an như tên của mày là được. Nhá!

– Dạ!

– Còn đây là muối vừng. Mày mang theo mà ăn. Nhớ ăn uống cho no đủ. Không được nhịn bữa. Nào thành công thì nhớ về thăm bà nhé! (bà nghẹn ngào nói ngắt quãng từng cơn).

– Vâng! Cháu làm sao mà dám quên bà. Cháu nhất định sẽ quay về trả nợ cho bà. Bà ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe!

– Ừ! Mày thấy bà vẫn khỏe chán. Bà phải chờ mày về trả nợ cho bà chứ!

– Vâng! Vậy bà cho cháu lạy bà một lạy.

Nói đoạn tôi quỳ sụp xuống mà cúi rạp người dưới đất. Trán tôi chạm vào mũi chân bà mà lạy. Bà vội đỡ tôi dậy. Bàn tay bà chậm chạp vuốt mái tóc bồng bềnh của tôi ra sau, giọng bà cũng lạc đi:

– Mày đừng làm thế. Bà chỉ giúp được có vậy thôi. Khổ thân đứa trẻ ngoan mà sao ông Trời nỡ đọa đày! Thôi đi đi cháu! Chần chừ lại trễ xe không nên.

– Vâng! Thế cháu đi đây. Bà ở lại mạnh khỏe nhé!

– Ừ! Đi mạnh giỏi! Nào vào đến nơi thì bảo thằng Nam nhà bà gọi báo bà một tiếng nhé!

– Vâng ạ! Mà con xin bà! Bà nhón tay làm phước bà ở gần đây có gì lâu lâu bà ngó giùm bà ấy giúp con. Có là gì đi chăng nữa thì bà ấy cũng là người mang con đến thế giới này.

-        Rồi! Bà biết mà. Khổ thân con bé! Đi đi! Nhanh!

-        Vâng! Cháu thưa bà cháu đi!

Tôi bị rịn rời bàn tay nổi đầy gân guốc ấy rồi vội ẩn mình vào màn đêm đang dần mờ nhạt để lại sau lưng bóng một bà cụ tóc đã ngả màu mây trắng. Bà cứ đứng đó lặng im dõi theo bóng nhỏ liêu xiêu của tôi khuất dần rồi biến mất. Mãi sau bà mới quay vào nhà.

Tôi đi nhanh như trốn chạy khỏi nơi đã giam cầm tôi suốt mười mấy năm qua. Hành trang tôi mang theo chỉ vỏn vẹn hai bộ quần áo và số tiền bà Năm đưa cùng với một tâm hồn bị khoét rỗng sâu thăm thẳm.

Mọi người còn say giấc nồng. Cảnh vật im lìm như đồng minh với một tù nhân đang trốn chạy. Không một tiếng chào hỏi. Tôi đi giữa trời đêm tối ấy để tìm đến nơi có ánh sáng. Trong lòng vừa thấp thỏm lo lắng nhưng đâu đó le lói chút mong chờ, hồi hộp khiến khóe miệng tôi nhếch nhẹ. Tôi đi như chạy để ra đến đường lớn bắt xe lên bến xe khách.

 6.

Chiếc xe khách chậm rãi lăn bánh rời bến khi tôi đã yên vị trên chuyến xe ấy. Lòng tôi như vừa trút được tảng đá lớn. Tôi thở ra một hơi thật dài.

Bình minh cựa mình thức giấc sau giấc ngủ dài đang vươn những tia nắng ấm rực rỡ chiếu sáng gương mặt hốc hác nhưng phảng phất hơi xuân của tôi qua lớp cửa kính mờ đục. Bình minh nhuộm đỏ tất cả khiến đôi mắt tôi sáng màu đỏ tươi ấy. Cánh mũi phập phồng hít hà mùi tự do. Cái mùi sao mà dễ chịu thế! Tôi đưa bàn tay thuôn dài nhưng đã chai sạm lên cửa kính để sờ nắn bình minh tuyệt đẹp ấy, để cảm nhận hình hài của tự do. Tự do là khoảng trời mênh mông không có sự tồn tại của tường rào.

Tôi đã tự do.

Xe cứ thế bon bon chạy trên đường. Chuyến xe đưa số phận tôi thoát khỏi biển trời tăm tối, vứt bỏ một vùng tối tăm cùng bao vết thương ra sau lưng. Xe đưa tôi tiến về nơi mặt trời vừa ló dạng. Mặt trời đang vẫy gọi tôi.

                                                                  An Hạ.



0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout