Tháng Bảy này, vùng Đồng Tháp quê tôi mưa xối xả. Nước dâng lên ngập mấy thửa ruộng đang bừa. Nào con lóc, con rô lội tung tăng, ngoi ngóp. Cái đất này tuy phù sa màu mỡ nhưng cũng hứng chịu bao bão giông. Những trận bão thiên nhiên rồi bão cuộc đời. Những trận sét long trời lở đất gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân. Nó đùng đoàng, ầm ĩ, gào thét, vang rền. Những cơn mưa điên cuồng trút nước như hận ai hờn ai. Tôi được sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại nơi đây để chứng kiến bao buồn vui cuộc sống. Rồi theo thời gian, bao nhiêu thứ cứ trôi tuột theo mưa, thấm vào lòng đất, hóa thành kiếp khác.
Mưa cũng gây nỗi buồn cho nội. Trong một chiều tầm tã tuôn rơi, tôi còn nhớ như in cái hình ảnh chú lính áo xanh đội mưa hớt hải chạy đến nhà báo tin dữ. Nội chếnh choáng, ngã khuỵu xuống nền gạch, chậu hoa sứ đang cầm trên tay cũng rơi xuống vỡ tan tành như trái tim bà lúc ấy. Mưa ngoài trời, mưa bên đất khách, mưa ở biên giới Tây Nam và mưa trong lòng nội. Tất cả hòa quyện lại thành một nỗi niềm lớn, đầy xót thương. Chú Út được thông báo đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy xác. Cho mãi đến bây giờ, bà còn không tin chuyện con trai mình đã mất, dù cho bụi thời gian đã bám đầy tấm bằng khen liệt sĩ đang treo chễm chệ trên tường.
“Hiên, chừng nào thằng Lãnh nó dìa dậy bây?” (Lãnh là tên của chú Út tôi), nội hỏi Hiên khi cô đang cắm cúi nhổ tóc sâu cho bà.
Mặt cô Hiên tái nhợt đi khi nghe câu hỏi của nội. Cô ậm ừ, khó xử. Thấy vậy, tôi lên tiếng:
“Chú đi nước ngoài chừng mấy năm nữa mới dề lận nội.”
“Sao lâu dữ dậy bây?”
Có mấy câu chữ nội thốt ra thế thôi mà đã làm lòng tôi thắt nghẹn. Nội vẫn chờ chú Út quay về trong niềm hy vọng mong manh của riêng mình. Tôi chẳng biết bà không nhớ thiệt hay cố tình che giấu nỗi đau?
***
Nội sinh ra ba người con, hai trai một gái. Ba tôi tên Luân – con trai lớn, rồi tới cô Liền và cuối cùng là chú Lãnh. Hồi mà biên giới Tây Nam sục sôi vụ quân Pôn Pốt, lúc ấy ba tôi hai sáu, còn chú Lãnh thì mới đôi mươi. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng, nhà nào có thanh niên trai tráng là tình nguyện đi chiến đấu. Ba và chú tôi cũng không ngoại lệ. Ngày hai người con trai của nội vẫy tay chào tạm biệt gia đình để lên đường, bà dúi vào túi áo của mỗi người cái khăn tay. Khi bóng dáng của cả hai khuất dần vào con đường ngoằn ngoèo phía trước thì nước mắt bà đã chảy thành dòng. Ông nội bảo ai mà không thương con cho đặng. Nhưng nước nhà đang lâm nguy thì ráng mà nén nỗi đau lấy đó làm tự hào. Rồi bà giả vờ “ờ ờ” cho qua chuyện chứ trong lòng lúc nào cũng đứng ngồi không yên. Vài ba hôm đi chợ là hỏi thăm tin tức để xem có bà con nào biết về tung tích đội quân không? Mà ai cũng hệt như nhau, biết gì đâu, lắc đầu nguầy nguậy. Thế là mỗi ngày tôi đều thấy nội quỳ mấy tiếng đồng hồ trước bàn thờ thần phật, gia tiên: “Con khấn lạy mẹ Quan âm, cửu huyền thất tổ ban bình an cho hai thằng con trai con là Nguyễn Cao Luân và Nguyễn Cao Lãnh đi đánh giặc thắng lợi trở về...”
Khi gió thổi vù vù qua những cánh đồng đang trổ mạ thì cũng lúc ấy tin thắng trận tràn về. Bọn Khmer Đỏ đã chịu đầu hàng trước bản lĩnh kiên cường của quân đội ta. Xóm làng lại xôn xao tin tức, mặt ai nấy đều ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ. Có chiến sĩ bình an nguyên vẹn; có người lại bị thương, mang dấu sẹo trên khắp cơ thể. Gia đình tôi cũng vậy. Ông nội thì cứ đi ra đi vào cái cửa chính như thuần thục, bà thì ngồi sau chái bếp đợi chờ. Má ở nhà chăm tôi còn cô Ba thì lò dò ra ngoài chợ hóng hớt.
Một ngày mưa rả rích, tôi còn nghe tiếng bước chân ai như hành quân trước cổng. Ba, ba tôi trở về thật. Trên vai ông còn quải cái ba lô con cóc. Thấy ba, tôi mừng như được mùa. Đứa con nít nhanh nhảu chạy ra sân, ôm lấy chân ba của mình. Ông xoa đầu tôi nói: “Ba nhớ con nhiều lắm!”. Rồi ba trao cho mỗi người một cái ôm thắm thiết. Lúc đó, má tôi mừng đến phát khóc, tưởng đâu số kiếp gieo cho bà thành góa phụ, nhưng không, trời lại thương đời má. Thêm vụ lúc ba đi tầm một tuần trăng, má phát hiện mình có thai, đó là con Hồi, em gái tôi. May mà phước phần khi hai đứa trẻ thơ vẫn còn ba bên cạnh.
“Em bây đâu?” Bà nội gặng hỏi ba.
Ba không dám nhìn thẳng vào mắt nội, chỉ biết tiến tới cầm lấy đôi bàn tay gầy guộc của mẹ mình: “Chắc nó về sau á má, con với em hông đi cùng một sư đoàn.”
“Cái thằng này, bây bỏ em à.” Nội trách cứ.
Chuyện chỉ vậy thôi mà bà giận ba suốt mấy tháng trời ròng rã. Nào thấy chú Lãnh về bà mới chịu nguôi ngoai. Chú Út bặt vô âm tín làm cho hầu như trong nhà ai cũng lo lắng miết mà nét mặt giãn ra không nổi. Chỉ có duy nhất má tôi là bình thản. Bởi từ lâu trong cái nhà này, má tự xem mình là người dưng nước lã. Bà chỉ lo cho chồng cho con. Chồng về bình an nguyên vẹn là mừng lắm rồi. Hơi sức đâu mà khổ tâm cho kẻ khác nữa.
***
Trời chuyển mưa đen thui. Gió thốc mạnh bạo vào cây cối khiến lá rụng tả tơi. Bầy chuồn chuồn bay lãng đãng. Cô Hiên ngồi ở gốc gừa cạnh bờ sông, mặt buồn thiu. Mấy đợt con nước lớn ròng mà chẳng thấy hình dáng người thương trở về, buồn là phải. Cô Hiên chơi thân với chú Út, thân từ thời con trẻ chơi tạt lon, nhảy sông tắm lội đùng đùng. Nhà cách nhau có mỗi quãng sông nối bờ bằng cây cầu khỉ lắt lẻo đung đưa. Đồng trang lứa nên hai người rất hiểu nhau.
“Anh ác lắm anh Lãnh, anh bỏ tui ngồi một mình qua tháng này năm nọ dậy sao!”
Cái câu than trách đó của cô Hiên không ngờ nó lại in sâu vào tâm trí của một đứa trẻ như tôi và còn ám ảnh mãi đến tận bây giờ.
Chú Út hơn tôi chừng con giáp. Hồi chú chưa đi lính, tôi bám theo như một con đỉa. Chú hay cho tôi kẹo để ăn, hái trái trâm đưa tôi nhai tím miệng. Đến khi chú đi rồi, tôi đâu biết chơi với ai. Cô Hiên ư? Mà cô chẳng phải người thân ruột thịt. Má hay nhắc tôi phải dè chừng. Có hôm tôi đi tìm chú để đi hái trâm thì bất ngờ thấy chú đang ngồi nắm tay và hôn lên trán cô ấy sau lũy tre nhà. Bị phát hiện, chú thỏa thuận nếu tôi giữ bí mật này thì sẽ được cho kẹo mỗi ngày. Dĩ nhiên là tôi đồng ý nhưng sau đó không lâu lại đâm ra ghét điều đó bởi má nói mấy người hay lén lút là chắc chắn làm chuyện xấu. Cái mầm đen ấy tự dưng nảy lên trong đầu một đứa trẻ ngây thơ khiến một thời gian tôi không thèm kẹo chú cho nữa, đồng thời cũng ghét luôn cô Hiên.
Má tôi xuất thân là dân chợ búa nên ăn nói thẳng thừng. Má hay kéo cô Liền ra góc hè tâm sự chuyện gia đình. Má kể khổ đủ điều. Cô Ba thì hiền queo, mà đôi lúc bị má tác động cũng thay đổi đi tính nết. Riết rồi cô cũng không có cái nhìn thiện cảm đối với cô Hiên. Mỗi lần cô Hiên qua chơi là cô Ba cố tình tránh mặt. Cô ít khi động chạm buông lời nặng nhẹ như má. Nhưng thà như má thì người ta còn biết đường mà lần, im ắng như cô Ba lại vô cùng khó gần và nguy hiểm. Sau này tới khi xuất giá, cô theo ông chồng Đài Loan, nghe nói là đại gia giàu nứt vách đổ tường bên xứ họ. Ông bà nội thì dễ ợt, miễn cô Ba ưng là gả đi ngay. Ba tôi thì nghĩ cho hạnh phúc của em gái mình nên hay can thiệp vào. Ông lo là cô Ba lấy chồng xa, lạ nước lạ cái rồi bị người ta đánh đập hành hạ nên nhất quyết ngăn cản cuộc hôn nhân đó. Ông bà nội thì bỏ ngoài tai những lời ba nói. Thế là cô Ba đi làm dâu xứ lạ, biệt tăm không hẹn ngày về.
Sau vụ đó, ba giận luôn ông bà nội, dẫn vợ con, cuốn gói ra khỏi nhà. Còn miếng đất nhỏ hồi đi Campuchia được nhà nước cấp, ba xây nhà tự chế rồi gia đình tôi ở vậy tới giờ. Nói là giận chứ tình thân máu mủ bỏ sao đặng, lâu lâu ba cũng hay lén chạy ngang nhà nội nhìn vào cổng xem ông bà có khỏe không? Cô Ba có về thăm ba má không? Rồi chú Út nữa, liệu rằng chú vẫn còn sống và trở về? Ba cũng như nội, trong lòng luôn thắp lên ngọn lửa hy vọng em trai mình vẫn còn tồn tại trên đời cho dù đó chỉ là tàn lửa sắp tàn nơi đầu nhang. Riêng tôi cũng rầu thúi ruột. Nội thì mất con, ba mất em, còn tôi thì mất đi người chú ruột thân thiết và mất luôn cả những giây phút tuổi thơ ngọt ngào bên những viên kẹo thơm ngon.
***
Thời gian trôi qua, ông nội cũng đã về nơi chín suối. Ngó dọc ngó ngang, nhà còn mình ên bà nội lủi thủi. Niềm an ủi lớn nhất của bà là cái hộp gỗ nhỏ để đầu nằm. Nghe má kể đó là cái hộp vòng vàng châu báu. Bà quý nó lắm! Mà bà không cho ai đụng vô hết trừ bà và một người nữa, đó là chú Út.
“Đợi thằng Út nó dìa, tao đưa nó cái hộp này.”
Vậy mà cái hộp nhỏ bé đó lại là khởi nguồn của biết bao rắc rối. Từ ông nội rồi đến ba, tạo thành một vòng xung đột lớn bủa vây lấy tâm can bà nội. Đã có lần ông nội bực tức vì bà quý cái hộp đó hơn cả ông. Ông ghen tuông với cả cái hộp, thẳng tay vứt nó xuống sông. Bà nội phát hiện được, không do dự, nhảy tùm xuống dưới vớt lên. Mà ngặt nỗi bà không biết bơi. May mà có cô Hiên đang gội đầu bên bến đối diện, nhìn thấy phóng xuống cứu bà.
“Tui sống chết với người nào dám quăng cái hộp của tui.” Bà nằm trên cái phản, người còn yếu, gắng giọng tuyên bố khi thấy ông đi ngang qua.
“Bà có giỏi thì chết đi. Tui hông quan tâm.”
Bởi câu nói đó mà hai ông bà già gần mặt nhưng lại cách lòng cho đến khi ông xuôi về miền mây trắng.
“Má hông thương vợ chồng con cái con sao? Má cho con mượn tạm cái hộp đó đi. Mấy chỉ vàng hở má? Con hứa sau này ăn nên làm ra sẽ trả lại má đầy đủ.” Ba tôi hết lời nài nỉ nội.
Nội vẫn thế, nhất quyết là không. Má tôi nổi cơn hầm hập, xúi ba tôi lấy trộm cái hộp. Nhưng rồi ông cũng không lấy được vì nội đã tiên liệu trước nên đã cất đi nơi khác kín đáo hơn.
“Tức quá mà, má anh ích kỷ thì thôi rồi! Chú Út còn sống đâu mà để lại chi hông biết.”
Ba trợn mắt nhìn má, nhãn cầu đỏ ngầu như mắt cá hồi, tay vung lên định đánh má. Nhỏ em tôi nhanh như cắt sấn lại ôm chầm lấy đầu má che che. Nó mếu máo:
“Ba đừng đánh má mà ba.”
Có lẽ sự cầu xin của con bé làm cho ba tôi lay động. Ông thả cánh tay từ từ xuống nhưng cục tức vẫn còn nghèn nghẹn nơi cổ họng. Sau đó, chỉ tay thẳng vào mặt má quát:
“Cấm cô xúc phạm đến má và em trai tui. Còn lần nữa thì cô liệu hồn.”
Ba bỏ đi chỗ khác. Má ôm chầm lấy nhỏ em gái tôi mà khóc. Sau đó mấy hôm, má rời nhà đi biệt tích. Má đi một mình trong đêm không cho ai biết, kể cả gái cưng của bà là con Hồi.
Từ ngày nhà không có má, ba tôi tập tành uống rượu. Ngày nào ông cũng đi sớm về khuya, cứ nổi trận lôi đình lên là đánh đập anh em tôi. Càng lúc tôi và con Hồi sợ ba như sợ quỷ dữ. Thế rồi, cũng như má, trong đêm tối mịt mùng dày đặc sương khuya, tôi dẫn em gái chạy trốn.
Giữa cái tối om không rõ đường đi nước bước, anh em tôi lạc vào một căn nhà tranh. Thân thể rã rời, chân không còn bước nổi nữa, chúng tôi nằm gục ngay trước cửa căn nhà đó. Nghe tiếng chó sủa inh ỏi ngoài đường, người phụ nữ trong nhà cầm cái đèn dầu chập chờn ngọn bấc ra xem. Đập vào mắt cô là hình ảnh hai đứa trẻ gầy gò như cò hương đang vật vã. Soi đèn rõ mặt mới biết là người quen, thế là cô dìu chúng tôi vào nhà. Cô Hiên bôi thuốc vào các vết thương. Những lằn roi dài ngoằng trên khắp cơ thể ngổn ngang, ứa máu, bầm tím làm cô nhói lòng.
Hiểu rõ được tình hình của chúng tôi, hai anh em được cô cho ở lại nhà rồi cứ dăm hôm cô lại dẫn qua chơi với bà nội. Đó là những ngày tôi cảm nhận được rằng cuộc sống này vẫn còn tươi đẹp lắm. Còn ba tôi, ông chẳng thèm đi tìm con cái mình, bỏ mặc chúng tôi sống chết.
***
Tôi vươn vai đón bình minh ghé qua khung cửa sổ. Cũng hai mươi năm rồi, tôi đã ngủ êm giấc trong chính căn phòng này. Hai mươi năm trước, chú Út tôi đã rời nó ra đi. Bao nhiêu ký ức, kỷ niệm lại ùa về. Căn phòng vẫn còn đó, trống trải, thênh thang, nhưng người ơi sao không trở lại? Hôm nay thật kỳ lạ, tôi thấy cơ thể mình uể oải vô cùng. Linh cảm mách bảo tôi rằng như có một điều gì đó chẳng lành sắp sửa xảy ra. Và quả thật như vậy, bà nội tôi bị trúng gió. Con Hồi lấy gối kê đầu cho bà và cô Hiên thì xoa dầu cù là khắp mặt mũi, tay chân. Tôi đi tìm bác sĩ.
Chiều nội hấp hối.
Tôi nắm lấy đôi bàn tay chai sần của người bà trải đầy sương gió. Chợt nội nghiêng đầu qua nhìn tôi, miệng bà móm mém:
“Lãnh hả con? Bây về hồi nào mà hông báo má một tiếng dậy?”
“Con là Chuyển, hông phải chú Lãnh đâu nội.”
“Bây giỡn với má hoài dậy bây? Cái nết bây giống y hệt ông già bây hồi đó dậy.”
Bà nội xoa đầu tôi, rồi ngắt vào má:
“Cái mặt còn búng ra sữa thế này mà đòi đi lính. Má bảo ở nhà với má rồi mà hổng chịu nghe. Bây hư lắm!”
Rồi bà gắng chồm người dậy. Tôi không thể hình dung được trong giây phút thập tử nhất sinh như thế mà bà nội vẫn còn đủ sức để ngồi lên. Phải chăng đó là sức mạnh của tình mẫu tử? Em Hồi ngồi sau lưng tạo điểm tựa cho bà dựa vào.
Bà nhìn tôi gọi:
“Bây lại cái bàn thờ, nhìn sau tấm ảnh ba bây, có cái hộp gỗ nhỏ. Bây đem nó đưa lại đây cho má.”
“Dạ.”
Tôi theo lời nội đi lấy cái hộp ngay lập tức mà không chút chần chừ, bởi vì tôi biết thời gian dành cho nội còn rất ít.
Cầm cái hộp trên tay, bà hướng mắt về di ảnh của chồng:
“Cảm ơn ông bấy lâu nay đã giữ nó giúp cho tui.”
Nhìn cái hộp tôi tò mò: “Trong đó có gì dậy nội?”
“Tổ cha bây nha Lãnh, cái hộp gỗ bây gởi má dặn giữ giùm trước khi đi lính. Giờ bây đi lính dìa, má đưa lại cho bây.”
Thì ra nãy giờ bà nội vẫn còn nghĩ tôi là chú Út. Cái hộp đó là kỷ vật mà trước lúc ra đi, chú đã gởi mẹ mình giữ hay sao? Cảm xúc trong người tôi bắt đầu trực trào, nó cứ khó diễn tả làm sao! Tôi cứ tưởng viễn cảnh này chỉ có ở trong những bộ phim thời chiến. Ai ngờ bây giờ nó là sự thật, rõ mồn một trong chính gia đình của tôi.
“Bây giờ đã đến lúc má giao nó lại cho bây rồi.”
***
Tay tôi run run cầm chiếc hộp nội đưa, mở từ từ. Thật ngạc nhiên khi trong ấy không có vòng vàng châu báu gì cả mà chỉ là một mảnh giấy đầy chữ ở cả hai mặt. Những dòng mực đầy nắn nót và yêu thương từ người viết:
“Gởi em Hiên, người con gái mà anh thương nhất...
Ngay dòng đầu tiên tôi đã nhận ra được việc mình cần làm là gì rồi. Lá thư này phải được đưa đúng người được nhận. Thế là, tôi lặng lẽ đưa nó cho cô Hiên. Nhưng cô ấy lại bảo là mình có tuổi rồi nên mắt kém, không thấy rõ mặt chữ và nhờ tôi đọc giúp:
“Gởi em Hiên, người con gái mà anh thương nhất,
Ngày mai đây anh sẽ lên đường chiến đấu, chắc có lẽ thời gian ấy chúng ta sẽ tạm rời xa nhau. Em biết không? Má thương nên biểu anh đừng có đi, ở nhà với má. Nhưng không được em à! Anh không thể ích kỷ, làm ngơ trước cảnh tượng biên giới nước nhà đang lâm nguy được. Anh phải đi thôi. Anh phải ra trận chiến đấu như bao người con trai khác. Anh Hai cũng đi. Và anh mong rằng quân ta sẽ chiến thắng và anh em sẽ cùng nhau quay về đoàn tụ với gia đình...”
Đọc đến đây, tôi thấy mắt cô Hiên đỏ hoe như sắp khóc.
“...Nếu anh không quay về nữa, thì em cũng đừng quá đau buồn. Lúc ấy cũng đừng đợi anh mà hãy đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Em nhé!...”
Lúc này tôi đã thấy cô khóc thật rồi. Cảm xúc dồn nén bấy lâu nay giờ đã được bức thư này xúc tác. Nó bung ra mạnh mẽ khiến cô gào lên nức nở. Phải chi giờ cô còn trẻ, có lẽ cô sẽ cầm lá thư này chạy thật xa, băng qua mấy quãng đồng, khóc một mình cho đến khi cạn khô nước mắt. Trời ơi! Cô Hiên đã đợi chú Út hơn hai mươi năm rồi. Khoảng thời gian ấy đánh đổi cả thanh xuân của một đời con gái. Tóc cô giờ đây đã lởm chởm vài sợi bạc. Rồi cô sẽ như nội, màu thời gian sẽ phủ dần tất cả những chờ mong.
Cô Hiên nâng niu tờ giấy mỏng dính ấy đặt lên ngực rồi đè hai lòng bàn tay lại, ép sát vào âu yếm. Cô muốn chú Út luôn ở trong tim mình. Chợt cô quỳ xuống bên nội. Bà thì đang thoi thóp thở.
“Má ơi! Cho con xin được làm vợ anh Lãnh, làm con dâu má nhé!”
Nội nhìn cô Hiên, đôi mắt bà thật trìu mến. Bà nở nụ cười mãn nguyện sau cùng trước lúc lâm chung: “Ờ.”
Nội ngủ ngon một giấc dài trên vai con Hồi...
Ngoài trời lại chuyển cơn giông. Nước từ trên cao tuôn xuống, ầm ầm như thác đổ. Mưa nổi bong bóng phập phồng day dứt, át đi cả những xúc cảm đang chằng chịt trong lòng. Tôi đứng nhìn mưa, lòng đầy rung động. Có chăng trong cơn mưa tầm tã kia, bóng dáng của những người thân yêu đang hiện diện? Tôi còn nhớ lúc nhỏ nội từng bảo rằng: “Những linh hồn nào còn đang lạc lối, họ sẽ nương theo những cơn mưa để tìm đường về lại với quê hương.”
Bình luận
Mọt Lưu Manh
Nguyễn Thái Bảo
Sâu non
Nguyễn Thái Bảo
Sâu non
Nguyễn Thái Bảo
Sâu non
Nguyễn Thái Bảo
Phong Vũ
Nguyễn Thái Bảo
Xám
Nguyễn Thái Bảo
Hăn Hăn
Nguyễn Thái Bảo
hovu
Nguyễn Thái Bảo
Hàn Thực
Nguyễn Thái Bảo
Hàn Thực
Quỳnh
Nguyễn Thái Bảo
hovu
Bông Cải Hoa
Nguyễn Thái Bảo
Lặng Thinh
Nguyễn Thái Bảo