Thằng em tôi là một đứa rất khó nuôi. Ngay từ khi mới lọt lòng, nó đã hành mẹ suốt một thời gian dài bằng những trận ốm đau liên miên. Vì là trẻ sơ sinh nên cứ hễ sốt một chút là đưa đến bệnh viện, mỗi lần như vậy phải ở lại mất cả tuần. Tiền lương chạy xe taxi của ba gần như đổ hết vào viện phí và tiền thuốc. Mẹ lo âu, ba có cho mình những lo lắng, cả nhà đều căng như dây đàn nên tôi cũng khó mà vui vẻ được. Vậy nên, để giảm bớt áp lực chăm sóc thêm thằng anh vốn đã thích quậy phá từ nhỏ, mẹ gửi tôi về ngoại trong mấy tháng hè. Ngay lập tức, sự kiện này trở thành khoảng thời gian tôi mong đợi nhất.
Năm nay, vào kỳ nghỉ hè lớp bốn, tôi lại được về ngoại chơi. Thằng em tôi bây giờ đã lớn hơn một chút, hết đau lặt vặt nhưng nói nhiều và ồn ào hết sức. Vì điều kiện gia đình không mấy khá giả nên mẹ nuôi hai anh em tôi ở nhà, bởi vậy chúng tôi chưa bao giờ biết nhà trẻ trông ra sao. Mẹ tôi làm nghề may tại gia, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống thiết yếu nhưng bù lại có thời gian chăm sóc con cái.
Sáng hôm đó mẹ dậy đi chợ từ rất sớm. Năm nào về ngoại mẹ cũng chuẩn bị một mớ đồ cho tôi đem đi, phần lớn là rau củ và thịt cá. Bà ngoại tôi rất ít đi chợ, mẹ tôi biết cái tính tiết kiệm đó nên mẹ khăng khăng những thứ này là thiết yếu. Trong lúc đợi mẹ đi chợ về thì tôi cũng tranh thủ chuẩn bị cho mình một cái cặp đựng đầy quần áo, mà thực ra chỉ là kiểm tra thôi chứ những việc này tôi đã chuẩn bị xong từ tối hôm kia. Vì ở lại nhà ngoại đến hết hè mới về nên tôi cần nhiều đồ một xíu.
Khi mọi thứ chuẩn bị xong xuôi, hành lý và thức ăn được ba để ở ghế sau taxi, còn tôi ngồi ở ghế phụ lái. Ba chở tôi ra bến xe và đón xe cho tôi. Cũng như mọi lần, tôi vẫn luôn tự mình về nhà ngoại được bởi đường đi không có gì khó khăn. Rồi tôi chia tay ba, sau đó leo lên xe khách với tâm trạng đầy hào hứng.
Hai tiếng sau, chiếc xe khách vào bến. Tôi đeo cặp lên vai, tay ôm bao thức ăn, chân thì chạy một mạch trên vỉa hè. Từ bến xe về tới nhà ngoại chỉ cần đi bộ chừng mười phút là tới. Tôi cứ ghi nhớ thế này: đi theo vỉa hè, nhắm thấy tiệm vàng “Như Trúc” rồi rẽ vào con hẻm bên cạnh. Nhưng tôi khoan chưa đi về hướng đó, tôi cần ra công viên trước.
Đợi đèn đi bộ chuyển sang màu xanh, tôi băng qua đường. Trên đoạn vỉa hè đằng trước, dưới gốc cây cổ thụ vươn ra từ khuôn viên của công viên, ngoại tôi đang ngồi sau một chiếc xe đẩy. Lúc ấy mặt ngoại trông rất tư lự, cứ ngước cái đầu nhìn lên không trung mà không hề chớp mắt. Tôi chạy đến. Ngay lập tức, ngoại dang rộng hai tay ôm chầm lấy tôi, dụi mặt vào mặt tôi mà thương lấy thương để. Cứ tưởng là ngoại thương tôi nhất, ấy vậy câu đầu tiên ngoại nói là:
- Thằng Hà dạo này sao rồi Sơn, có hay sốt nữa không?
Thằng Hà chính là em tôi. Nó chỉ đau ốm lúc nhỏ thôi chứ bây giờ chạy nhảy cả ngày.
- Ngoại khỏi lo, nó khỏe như trâu. Nó đánh con như cơm bữa. – Hai bờ môi của tôi kéo dẹp sang hai bên để làm một nụ cười, sau đó đưa cho ngoại bao thức ăn. - Cất cái này đi ngoại!
Ngoại cúi xuống hôn vào đầu tôi một cái nữa, rồi mở cửa xe đẩy cất bao thức ăn vào. Công việc hằng ngày của ngoại là bán xôi trên chiếc xe đẩy này, bán từ sáng sớm đến khi mặt trời lặng là được về. Phần lớn người mua của ngoại là nhân viên văn phòng và học sinh, một số ít người tập thể dục ở công viên cũng hay mua xôi của ngoại đem về nhà.
Khi đã sắp xếp mọi thứ xong xuôi, tôi xin phép ngoại về nhà trước.
Đoạn đường về nhà khó khăn hơn năm ngoái một chút. Vỉa hè bây giờ không còn là vỉa hè nữa, nó đã trở thành nơi mở rộng cho các gian hàng buôn bán xung quanh. Gần như mọi chỗ trên vỉa hè đều đã bị chiếm. Không phải xe máy thì bàn ghế, không bàn ghế thì bảng hiệu, không bảng hiệu thì cây cối. Mọi thứ cứ giăng đầy ra ngoài như thế. Tôi phải đi hẳn xuống lòng đường, nhưng dưới đó lối đi cũng chẳng được thông thoáng với những chiếc ô tô xếp dài từ đầu phố đến cuối phố.
Đến hiệu vàng “Như Trúc”, tôi quẹo vào một cái cổng chào có đề mấy chữ to tướng: “Khu Dân Cư Tiến Bộ số 11”. Cũng giống như ngoài phố, đường đi ở đây cũng chật ních hàng quán nhỏ lẻ của bà con. Bàn ghế bày ra choán hết toàn bộ đường đi khiến tôi cứ tưởng đây là nhà của họ. Mỗi lần người ta chạy xe máy qua là một lần dọn quán, còn những người đi bộ như tôi thì chỉ cần lách qua khe hở giữa hai chiếc bàn nhựa là ổn thỏa.
Đến cuối đường, tôi tiếp tục rẽ vào một con hẻm nhỏ hơn. Lúc này mọi thứ trở nên tối tăm vì những chái nhà và những mái hiên bắt đầu thi nhau đan xen trên bầu trời. Hẻm vào nhà ngoại bấy giờ trông như một đường hầm vậy. Tường mọc lên hai bên, phía trên thì bị bịt kín bởi nền bê tông hoặc mái tôn của các căn nhà xung quanh. Nơi đây tối thui, muốn thấy đường đi thì người ta phải bật điện hai tư trên bảy. Thông qua bóng đèn, tôi thấy dây điện treo trên trần đa dạng chẳng khác gì mạng nhện. Dường như tất cả đường dây dẫn vào các căn hộ bên trong đều ở đó.
Càng vào sâu hơn, nhiều ngã rẽ càng xuất hiện. Mặc dù tôi đã ở đây nhiều lần, cũng rành rọt đường đi lối lại chẳng khác gì người bản địa, nhưng trong thâm tâm vẫn luôn sợ bị lạc. Đường đi ở đây giống như một chiếc mê cung, chỗ nào cũng hẹp, cũng ẩm mốc và thấp lè tè, tầm nhìn lại hạn chế nên rất dễ đi nhầm lối. Rất may, trí nhớ của tôi còn tốt nên vẫn tìm được đường về.
Tôi vào sân nhà ngoại. Cái sân chỉ rộng vỏn vẹn hai mét vuông, độ rộng chưa đến một mét. Tôi hơi nhích người qua một chút để đèn điện từ con hẻm soi vào, bởi trong này bị đậy kín hoàn toàn như một chiếc hộp. Sau khi xác định được tấm lau chân nằm trước hiên, tôi cúi người luồn tay xuống dưới, sau đó cầm lên một chiếc chìa khóa. Thói quen của ngoại vẫn vậy, vẫn giấu chìa khóa dưới tấm lau chân suốt bao nhiêu năm. Ổ khóa vừa kêu lên tiếng “tách” thì một giọng nói réo đến từ đằng sau:
- Sơn Cốc? Có phải mày không?
Tôi quay ngoắt đầu lại, mắt mở to. Đó là Lâm, là một thằng hàng xóm. Nhà nó gần ngay đây thôi, chỉ cần đi bộ vào trong mấy bước là tới. Ngay từ lần đầu tới đây chơi trong kỳ nghỉ hè năm lớp một, tôi và nó đã trở thành bạn thân. Nó kém hơn tôi một tuổi nhưng người ngợm thì to gần gấp đôi. Tóc nó cắt ngắn kiểu đầu đinh, đôi mắt to và sáng. Da nó hơi ngăm ngăm. Tôi lấy làm lạ lắm, vì nó ở trong khu dân cư không ánh sáng này cả đời nay, vậy thì lý do gì khiến da nó có màu như thế? Rồi tôi kết luận rằng nó cũng đi học như mình. Chắc nó rất hay dang nắng ở trường.
Cảnh lúc đó trông thật khó coi. Nó chạy về phía tôi, tôi chạy về phía nó, cả hai lao vào nhau như mấy bộ phim tình cảm trên tivi. Trong lúc ôm, tôi và nó nhảy nhót một cách thích thú, la hét đến mệt lả người. Sau đó, thằng Lâm thả tôi ra, nhìn tôi chằm chằm:
- Này, lần này ở lại lâu không?
- Như cũ!
Rồi tôi với nó lại lao vào ôm, tiếp tục nhảy nhót.
Cái không khí đoàn tụ đó thực sự gây náo loạn cho mọi người, nhưng lúc đó chúng tôi không để ý. Mãi đến khi cánh cửa sắt của nhà bên cạnh mở soạt ra, cái đầu của một bác gái vừa ló ra đã gắt gỏng:
- Tụi bây có im đi không? Bị khùng hả?
Hai đứa thả nhau ra và thôi không nhảy nhót nữa, nhưng vẫn nhìn nhau cười.
Một chốc sau, ở con hẻm bên trái xuất hiện một hình dáng khác. Chỉ cần đúng một giây là tôi nhận ra ngay đó là chị Ngọc, chị cũng là hàng xóm giống như thằng Lâm. Chị Ngọc lớn hơn tôi một tuổi, nhìn đứng đắn và rất ra dáng người lớn. Chị rất xinh với gương mặt hình trái xoan, một đôi môi mỏng và cặp mắt hai mí. Cả bọn chúng tôi đều quen biết và thân thiết ngay từ lần đầu tiên gặp nhau.
Chị Ngọc chạy đến chỗ chúng tôi với một nụ cười trên môi. Khác với thằng Lâm, chị chỉ đưa tay ra bắt. Chị hí hửng nói:
- Biết ngay mà! Lâm Tặc mà ồn ào như vậy thì chỉ có Sơn Cốc đến thôi.
Chúng tôi thống nhất với nhau bằng những biệt danh như vậy. Tôi phát hiện ra rằng, khi tên của mỗi người ghép thêm một từ nào đó phù hợp thì sẽ tạo ra một từ mới rất hay. Ban đầu, tôi tính lấy biệt danh cho mình là “Sơn Tặc” (tên tôi là Sơn), nhưng thằng Lâm đã dành từ “tặc” trước nên thôi. Thế là tôi quyết định lấy từ “Sơn Cốc”. Thực tình chúng tôi chẳng hiểu từ “Sơn Cốc” là gì cả, chỉ nghe qua thấy hay hay và chọn bừa như vậy thôi. Với chị Ngọc, bọn tôi gọi chị là Ngọc Nữ.
Tôi mở cửa và mời cả hai vào nhà. Nhà ngoại không rộng, đồ đạt thì ít, mọi thứ trông khá gọn gàng, và cái mùi của người già thì cứ thoang thoảng đâu đây. Phòng khách nhà ngoại chỉ rộng khoảng mười mét vuông, là nơi diễn ra mọi hoạt động chính như ngủ nghỉ, ăn cơm và học bài (nếu tôi có hứng thú). Ngoại có một gian bếp nhỏ xíu chỉ đủ chỗ để bếp ga và bình ga. Vì còn nhỏ nên tôi chưa biết thế nào là nguy hiểm cháy nổ, chứ nếu ba mẹ tôi thấy cách bố trí bình ga và bếp để cạnh nhau mà không có ngăn cách thế này chắc sẽ tá hỏa mặt mày.
Nhà ngoại còn có một phòng vệ sinh nho nhỏ nữa, đủ rộng để tắm rửa, giặt giũ và rửa chén. Đó là nơi tôi thăm hỏi đầu tiên khi bước vào nhà, vì lúc cùng thằng Lâm nhảy nhót là người tôi đã nặng như chì rồi.
Cả ba chúng tôi cùng nằm trên sàn nhà nói chuyện trong nhiều tiếng đồng hồ. Ánh sáng của bóng đèn khiến mắt tôi đôi lúc bị nhòe đi không thấy gì. So với ánh sáng mặt trời thì bóng đèn này chỉ như một que diêm giữa đêm tối, vậy nên mắt tôi phải tiết ra nước nhiều hơn, đồng tử phải co giãn tốt hơn để thích nghi. Nhưng tôi nào biết chuyện sáng sủa đó lại ảnh hưởng đến mình. Thứ tôi để tâm nhất lúc này chính là nói xấu thằng Hà. Kỳ thực thì dễ gì có dịp được nói xấu em mình đâu?
Tối đó, tôi giúp ngoại lặt rau để chuẩn bị bữa tối. Thằng Lâm và chị Ngọc đợi sẵn ở trước nhà từ lúc chập tối làm tôi không tài nào thong thả được, cứ bị thôi thúc mãi. Rồi bữa ăn tối cũng đến. Tôi ăn nhanh như bị ai đó dí roi vào mông. Năm phút đồng hồ trôi qua, tôi ăn xong hai chén cơm đầy. Ngoại la tôi, nhưng tôi cứ mặc kệ, ai quan tâm đến việc bị la rầy khi sắp được đi chơi cơ chứ? Tôi húp thêm một chén canh rau mồng tơi, ngon như cách ngoại nấu. Sau đó, tôi chạy nhanh vào phòng vệ sinh rửa miệng, rồi chạy ra để uống nước. Ngoại lại la tôi một lần nữa, nhưng lần này tôi đáp lại bằng một cái hôn kêu lên tiếng “chụt” vào má, thế là ngoại cười.
Chúng tôi gọi nơi đây là “đường hầm”, không chỉ vì ẩm thấp và kín đáo, mà nó còn bí hiểm như đường hầm thật vậy. Khu dân cư chúng tôi sinh sống có nhiều địa điểm rất hay, nhưng người lớn không thích những nơi đó. Họ cho rằng những nơi như vậy rất nguy hiểm và không nên bén mảng tới. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cứ đến đó chơi, vì chúng tôi đã thấy nguy hiểm gì đâu?
Thằng Lâm là người dẫn đường, nó thuộc tất cả đường đi lối lại ở đây. Nó nói rằng, nếu bây giờ nó nhắm mắt rồi xoay ba vòng để quên hết phương hướng thì nó vẫn tìm được đường về nhà. Tôi cho là nó nổ, nói láo nói phét. Với đường hầm ngoằn ngoèo như cái mê cung thế này, dù có hai mắt chăng nữa thì tôi cũng thấy khó mà nhớ hết lối rẽ được.
Đi chơi ở đây được một cái lợi rất rõ ràng, đó là chúng tôi có thể đi bất cứ lúc nào tùy thích mà không phải lo về nhà khi trời tối. Tại đây, dù đang là trời sáng hay tối thì cũng như nhau hết, lúc nào cũng phải bật đèn. Nếu đứng trong này mà không có đồng hồ thì cũng chẳng biết được bên ngoài đang là ngày hay đêm. Sống ở đây được một cái lợi nữa là rất mát, vì những ngôi nhà cao tầng xung quanh đã che hết nắng. Bù lại, tường hai bên đường hầm rất ẩm ướt, rêu mọc đầy thành những mảng màu xanh lá đậm. Nếu chẳng may sơ ý va vào thì quần áo sẽ bị nhuộm màu ngay.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến nằm tại một ngôi nhà bỏ hoang, tường và cửa ngã đổ hơn một nửa. Người ta nói căn nhà này sắp sụp rồi, không nên đến đó chơi. Chúng tôi nghe câu đó đã nhiều năm nay, vậy mà căn nhà vẫn y nguyên như thế kể từ ngày đầu tiên tôi đến, thành ra chúng tôi không còn để tâm đến những lời cảnh báo đó cho lắm. Nếu có quan tâm thì nên để ý đến những bức tường còn đứng vững của ngôi nhà này, vì nó bẩn cực kỳ. Rêu mọc lên cao như cỏ và cỏ cũng mọc nhiều như rêu, nơi nào cũng có cỏ và rêu. Nguyên nhân cho sự phát triển này vì đây là nơi duy nhất trong đường hầm có ánh sáng mặt trời chiếu xuống, nó giống như một cái giếng trời. Không khí trong đường hầm được thông hay không cũng chính nhờ căn nhà này. Bây giờ hiện là ban đêm nên chúng tôi chỉ nhìn thấy ánh trăng.
Chúng tôi trèo lên cầu thang gỗ cũ kỹ của căn nhà và leo lên một nơi từng là gác. So với những nơi khác, chỗ này có không khí dễ chịu hơn hẳn. Vì trần nhà đã sụp xuống nên bây giờ mọi thứ đều phơi hết ra ngoài. Nếu cố gắng, chúng tôi có thể thông qua một sợi dây điện to lòng thòng trước mặt mà leo lên những mái nhà khác. Nhưng chúng tôi không dám thử. Sợi dây vẫn có điện trong đó chứ không phải đồ bỏ.
Đó là nơi hay ho đầu tiên, căn nhà bỏ hoang. Tiếp đến, chúng tôi tìm đến một nơi được gọi là “công viên đường hầm”. Đó là một khoảng sân không quá to, nhưng so với xung quanh thì nó có thể gọi là rộng. Thực chất, đó là nơi được xây lên để cho xe quay đầu. Đường hầm chỉ rộng chừng hai mét rưỡi nên xe máy có thể thoải mái quay đầu được. Còn với những thứ cồng kềnh hơn như xe ba gác, loại xe thường xuyên được sử dụng để chở đồ đạc vào sâu bên trong đường hầm, một mình nó đã chiếm gần hết đường đi. Vậy nên, người ta phải xây một chỗ đủ rộng để mấy chiếc xe này quay đầu.
Thế nhưng, xe ba gác thì cả tháng mới đi vào một lần, thành ra khoảng sân trống nhanh chóng có công dụng thứ hai. Trần nhà chỗ này có bắt một bóng đèn rất to, thắp rất sáng, người ta thường đem bàn ghế ra đây ngồi chơi. Phía sau công viên có hai đoạn cầu thang ngắn dựng lên rồi bị cắt ngang một cách đột ngột. Nghe thằng Lâm nói, nơi đây từng là một căn nhà, hai đoạn cầu thang đó là của căn nhà ấy. Khi nó bị phá bỏ, người ta dọn sạch rồi trán nền bê tông mới để xây dựng nên chỗ quay xe. Không hiểu vì lý do gì mà người ta chừa lại hai đoạn cầu thang bê tông này. Tôi đoán là họ thấy nó hay hay, vì người ta đến đây hầu hết đều trèo lên đó ngồi nói chuyện chứ ít ai lựa chọn ghế nhựa.
Vì trời đã tối, đúng hơn là vào giờ tối, nên công viên hầu như không có ai. Bọn tôi thấy thế thì càng thích, muốn chơi như thế nào thì chơi mà không sợ bị giành chỗ. Leo trèo và ngồi nói chuyện trên hai đoạn cầu thang chừng một giờ thì tiếng mẹ chị Ngọc gọi tới. Chúng tôi cũng quyết định giải tán về ngủ.
***
Ngoại tôi thường dậy rất sớm để nấu xôi cho kịp bán bữa sáng. Mỗi lần rời khỏi nhà, ngoại luôn để lại cho tôi một chén xôi đầy, khi nào thức dậy thì lấy ăn. Rất hiếm khi ngoại đánh thức tôi vào buổi sáng. Ngoại tôi nghĩ hay lắm, nếu không có gì quan trọng thì không việc gì phải gọi một đứa con nít đang ngủ ngon dậy cả. Đặc biệt đây là kì nghỉ hè, bọn con nít chúng tôi hay đi chơi đến khuya mới về, người mệt mỏi nên ngủ rất đã.
Kì nghỉ hè đã trôi qua được một tháng cùng với ngoại. Ba đứa chúng tôi đã lùng sục gần như tất cả mọi ngóc ngách trong khu dân cư, nhờ vậy mà tôi biết thêm nhiều chỗ thú vị mới mà năm trước không có.
Sáng nay, chúng tôi tiếp tục hẹn đến một vị trí mới, một nơi bị người lớn cấm. Nói gì thì nói chứ hễ có cấm là chúng tôi càng khoái, vì chắc chắn có gì đó nên họ mới cấm. Với người lớn thì cái gì cũng nguy hiểm, tôi không thích cách nhìn bi quan của họ. Với tôi, dù tốt hay xấu thì việc tìm hiểu cũng có nhiều bài học bổ ích không kém. Biết để học, biết để sau này còn tránh. Mẹ hay dạy tôi điều đó. Chính việc để một thân tôi tự về ngoại cũng do mẹ đề xuất.
Thằng Lâm đã đợi trước nhà từ lúc nào rồi. Như đã định từ hai ngày trước, hôm nay bọn tôi quyết định đến nơi bị cấm đó. Hai thằng ai cũng háo hức ra mặt, bởi chính thằng Lâm cũng chưa đến đó bao giờ dù nó đã sống ở đây được mười năm.
Tôi và nó tìm đến nhà chị Ngọc để rủ chị đi cùng. Ngay lúc chúng tôi thấy cánh cổng sắt nhà chị, giọng ba chị từ trong nhà quát tháo ra:
- Mặt mũi bà cũng dày đó chớ, hử? Bà biến đi đâu hai ngày nay rồi bây giờ về lăn ra ngủ, bà nghĩ đây là cái chợ cho bà muốn đi thì đi muốn về là về à? Bà làm con mẹ gì mà phải mất ngủ? Thằng nào làm bà mất ngủ? Bà theo trai mấy ngày rồi?
Với tất cả lòng tự tôn bị chà đạp, mẹ chị Ngọc gào khóc:
- Ông… ông, đồ độc ác, ông giết tôi đi cho rồi! Tôi đi theo trai hả? Trời ơi là trời, cả đời tôi chưa khi nào nhục nhã thế này, trời ơi!
- Khóc cái con mẹ gì? - Giọng ba chị chuyển sang cười cợt. - Bà cút qua nhà thằng kia rồi cởi hết đồ ra mà khóc với nó.
Hai đứa bị cuốn theo tràn la lối đó đến nỗi chúng tôi đến trước đoạn hàng rào nhà chị Ngọc từ lúc nào không hay. Khi đó, tôi và thằng Lâm cùng chồm đầu nhìn qua hàng rào sắt. Giọng chị Ngọc cất lên:
- Ba say rồi, đi ngủ đi ba!
- Mày cút! - Ông quát. - Mày cũng giống mẹ mày lắm nhé, Ngọc! Tao thấy cái tướng mày lớn lên làm đỉ là hết chỗ chê.
Lúc đó, hình ảnh cuộc cãi vả mới kịp lọt vào mắt tôi. Tôi thấy chị Ngọc đứng đó mím môi, hai bàn tay nắm chặt. Mẹ vội chạy tới ôm đầu chị, xoa xoa rồi hôn lên trán, sau đó trừng mắt nhìn chồng. Cuối cùng, mẹ bưng mặt chị lên và nhìn thẳng vào mắt chị, nhẹ nhàng nói:
- Đi chơi đi con, để mẹ nói chuyện với ba!
Thế là chị chạy ra khỏi nhà, băng qua chiếc cổng sắt rồi vụt luôn qua mặt bọn tôi. Chạy được một đoạn thì chị dừng lại, lưng quay lại. Hai chúng tôi gấp rút chạy tới. Lúc ấy, nét mặt của chị tươi như hoa trông chẳng có gì là buồn rầu sau khi bị ba chửi cả. Chị cười và nói:
- Đi thôi!
Tôi và thằng Lâm đưa mắt nhìn nhau mà không dám nói gì.
Chúng tôi đi sâu hơn vào bên trong đường hầm, nơi có lẽ là xa nhất có thể đi. Ở cuối đường, phần lớn đèn điện đã hư hỏng nên đường đi tối om, mặt đất lại hay đọng nước, mùi hôi bốc lên âm ỉ trong không khí. Người ta cấm đoán bọn trẻ như chúng tôi vì đây là nơi đám thanh niên hư hỏng hay tụ tập và hút chích. Ngay cả những người lớn cũng ngại đến. Khi xưa, đường xá và nhà cửa trong này cũng sáng sủa như chỗ của chúng tôi, nhưng tệ nạn khiến người ta sợ hãi và dần chuyển nhà đi hết. Như một điều tất yếu, nơi tăm tối này trở thành sào huyệt của đám người vô công rỗi nghề, những kẻ lấy kim tiêm và mấy loại bột trắng làm thú vui qua ngày.
Chị Ngọc hôm nay xông xáo hơn hẳn, chị đi trước để dẫn đường cho bọn tôi. Càng vào sâu bên trong, đèn gần như hỏng hết, ánh sáng lờ mờ đến từ mái tôn trên trần là nguồn sáng duy nhất giúp chúng tôi định hình được đường đi.
Đường hầm bỗng trở nên im lặng lạ thường. Mỗi tiếng thở, mỗi tiếng bước chân đều dội hết vào màng nhỉ tôi như mặt trống bị dùi cui đánh. Cứ một lát, giọng cười the thé của một đám thanh niên vọng ra từ sâu bên trong, nhưng chúng tôi vẫn đi vì chúng tôi không sợ ma.
Bất thình lình, tôi ngã sõng soài ra nền bê tông khi vấp phải thứ gì đó mềm mềm. Đến khi ngồi dậy, tôi mới phát hiện ra mình vừa đá phải một người. Khiếp quá, ai lại nằm giữa đường thế này? Rồi người đó rên lên một tiếng khiến chúng tôi phải thụt cổ vào người.
- Ây da, mấy giờ rồi? Cảm ơn đã đánh thức anh mày dậy nhé, anh “chơi” hơi quá liều!
Trong ánh sáng mờ ảo, tôi có thể nhìn thấy người kia chồm lên sát mặt mình. Anh ta nói tiếp:
- Ồ, mấy đứa còn nhỏ thế này mà cũng “chơi” rồi à, đỉnh thế? Dân ở hẻm nào đây? Anh mày đến mười sáu tuổi mới “chơi”, bây giờ thì anh mày có tận sáu năm kinh nghiệm rồi, có gì không hiểu thì cứ hỏi anh mày!
Tôi nuốt lấy một ngụm nước bọt khô khan, không ngờ anh ta có thể nói việc chơi ma túy với vẻ đầy hào hứng như vậy. Giữa lúc đó, tôi thấy mình cần phải nói gì đó nên cũng cố gắng rặn ra một câu:
- Dạ thôi ạ, tụi em không “chơi”!
Người lạ mặt đó rít lên như một con chuột:
- Wao, không “chơi” hả? Mấy đứa liều thật đấy, không “chơi” mà dám vào đây! Mấy đứa có biết người ta nói gì về những người như anh mày không?
Cả ba chúng tôi đều lắc đầu. Anh ta phân trần:
- Người ta nói những người như anh mày là những đứa không tương lai, là cục cứt của xã hội, ô kê? Bọn họ thấy anh mày là tránh xa, rồi còn xua tay đuổi đi như một con chó nữa ấy. Đấy, bởi vậy anh mày mới bất ngờ khi thấy mấy đứa không “chơi” lại đến đây.
Anh ta chống tay ngồi dậy. Lúc đứng lên, bao nhiêu mùi hôi thối từ mồ hôi và sự bẩn thỉu đều tỏa ra cả. Ngay cả việc đứng cũng trở nên khó khăn với anh ta, cứ loạng choạng một hồi mới ổn định. Bỗng anh ta khoác tay lên vai tôi, rồi xoay người tôi hướng vào bên trong. Anh nói với cả bọn:
- Được rồi, anh mày sẽ dẫn mấy đứa đến nhà bà Nhung, mấy anh em hình như đang tập trung ở đó đấy. Nói nhỏ nhé, chưa ai từng nhận vinh dự khi được Phong này dẫn đường đâu nhé, hầu hết đều bị ăn đấm thôi. À quên, cứ gọi anh mày là Phong nhé, tên do mẹ anh mày đặt cho đấy, nghe có hay không hả?
Chúng tôi đi theo anh ta đến một ngôi nhà có cổng rào bị hư, lưới thép bị xé rách và cong vẹo. Đây là căn nhà duy nhất được thắp sáng, dù ánh sáng cũng leo lắt như chính sự sống ở đây vậy. Trước hiên, một bóng đèn nhỏ soi sáng khoảng sân rộng. Tôi thấy có rất nhiều dép tại đó, đôi nào đôi nấy đều ở mức tàn tạ hết cả. Anh Phong dẫn chúng tôi đi qua đống dép rồi vào trong nhà. Thật lạ là căn nhà có cửa nhưng lại không đóng, nó cứ thế mở toang ra. Người lớn nói nếu không cẩn thận thì bọn nghiện sẽ lẻn vào nhà lấy cắp ngay.
Điều chúng tôi có thể đoán được nhưng không thể tưởng tượng được, đó là cả chục con người gầy gò bẩn thỉu đang ngồi dưới nền đất của một căn phòng rộng mà trống trơn. Một số nằm, một số thì ngồi dựa vào tường, hầu hết là đàn ông và chỉ có duy nhất một người phụ nữ ngồi trên một chiếc ghế sô pha ở góc trong. Khi nhìn thấy chúng tôi, tất cả bọn họ đều khựng lại trong vài giây, bất động như rô bốt hết pin. Tôi quét mắt một lượt quanh phòng và thấy một vài người đập đập vào cánh tay của mình để chuẩn bị chọc kim tiêm vào tay, nhìn vậy mà trông nghệ thuật hết sức.
Người phụ nữ kia xem chừng đã bốn mươi tuổi, nhưng trông có vẻ già nua hơn nhiều. Bà ta có mái tóc cắt ngắn như đàn ông, gương mặt nhợt nhạt, đôi môi thâm tím. Bà ta nhìn chúng tôi bằng cặp mắt trông có vẻ mệt mỏi.
Cầm lấy cây gậy bên cạnh, bà huơ nó về phía đám thanh niên trên sàn nhà:
- Dẹp, dẹp ngay, cất hết kim vào!
Chúng tôi được bố trí một chỗ ngồi có lẽ là tốt nhất ở đây, trên một chiếc giường tầng sạch sẽ. Khi chúng tôi ngồi trên đó, bọn họ đều ngước lên nhìn trong lúc nói chuyện. Cũng giống như anh Phong, tất cả đều kinh ngạc khi thấy chúng tôi. Bà Nhung, cái tên mà anh Phong đã nhắc trước đó, là người xúc động hơn ai hết, bởi bà đã khóc khi nghe tôi nói rằng mình chỉ đến đây đi chơi. Dù khát đến khan cổ họng nhưng chúng tôi không được mời uống nước hay ăn gì ở đây cả, bà Nhung khẳng định như thế. Bà chỉ giải thích chung chung là ba đứa chúng tôi khác với họ, chúng tôi còn khỏe mạnh nên phải biết giữ gìn.
- Tụi bây ngu vừa thôi, có biết đây là chỗ cho dân nghiện không hả? - Bà hít nước mũi trong khi nói. - Ở đây có rất nhiều kim tiêm và mảnh chai vỡ, chúng có thể làm tụi bây bị thương bất cứ lúc nào. Đây là lần cuối vào đây nhé, hứa với tao không? Đám con nít tụi bây thích quậy phá banh chành và không muốn nghe lời, nhưng đám người lớn nói đúng đấy, tụi bây nên nghe chúng. Nơi đây sẽ phá hủy cuộc đời tụi bây chỉ trong một vết xước.
Hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ ngồi nói chuyện với nhau như thế. Tôi biết được rất nhiều thứ từ cuộc trò chuyện này, tất cả đều thốt ra từ miệng của từng người. Những người nghiện ngập bọn họ trước kia cũng giống như chúng tôi, cũng từng có một cuộc đời tươi sáng. Nhưng ước mơ và lý tưởng của họ đã bị vùi dập thậm tệ bởi chính người thân và mọi người xung quanh. Họ bị coi thường, bị kinh rẻ, bị vấy bẩn, bị chà đạp, bị lấy đi lòng tự tôn. Từ những người có đầy hoài bão, cuộc đời họ trở nên bế tắc. Họ bỏ xó cuộc đời mình và tìm cách hủy hoại cơ thể thông qua những mũi kim nhỏ bé.
- Ba mẹ tụi bây hay gọi bọn tao là đám này bọn kia, lũ này đống nọ, nghe giống như đang gọi một đống cứt ấy nhỉ? - Bà Nhung lắc đầu, hàm răng nhăm nhở của bà nhe ra để làm một nụ cười gượng gạo. - Mà tụi bây biết đấy, khi thấy cứt thì người ta cũng ra sức dọn cho sạch sẽ chớ với tụi tao thì bọn chúng chẳng thèm ngó tới. Tụi bây biết vì sao không? Đơn giản lắm, vì tụi tao chính là cái chỗ để bọn chúng đổ cứt, mà đã là chỗ đổ cứt thì chỉ có mấy con ruồi quan tâm thôi. Ờ, dĩ nhiên bọn chúng sẽ có để tâm đến một chút nếu đường ống cứt nhà chúng bị tắc.
Mấy người quanh đó cùng cười ồ lên, như thể đó là câu chuyện hài hay nhứt quả đất. Bà Nhung ngã người ra sau ghế, mắt nhìn lên trần nhà một cách lạnh lùng.
- Mà thôi, nói như vậy thì tụi nhỏ chúng bây bắt chước theo và trở nên hư. Ý tao muốn nói là bọn tao xui xẻo khi phải sinh ra trong một gia đình tan nát. Bọn người nghĩ mình là thượng đẳng luôn tìm cách đẩy bọn tao ra rìa, luôn tìm cách hạ nhục bọn tao ngay khi có thể. Khôi hài thật! Đôi lúc tao cũng nghĩ ác cho bọn chúng lắm, tao nghĩ là nếu tao và chúng đổi chỗ cho nhau thì tao sẽ tống hết rác lên mặt chúng để chúng biết được cảm giác bị xa lánh là như thế nào. Nhưng thôi, đó là một cách nghĩ rất mất dạy nên tao không muốn tụi nhỏ chúng bây noi theo. Nói chung, thế giới này quá khó để sống, bọn tao chỉ muốn bỏ cuộc cho khỏe.
Ngước lên ba đứa chúng tôi, bà mỉm cười:
- Tao hi vọng tụi bây khác với bọn chúng!
Buổi đi chơi kết thúc, ba chúng tôi cùng trở về nhưng không ai nói với ai câu nào. Mỗi đứa đều có cho mình những ý niệm khác nhau về chuyến đi lần này nên vừa đi vừa nhìn xuống sàn bê tông mà suy nghĩ. Và để giữ lời hứa với bà Nhung, anh Phong cùng những người trong hội của họ, chúng tôi quyết định không quay lại đó nữa.
***
Ba mẹ thằng Lâm làm công việc bán hàng online nên nhà cửa chất đầy hàng hóa, đâu đâu cũng thấy thùng giấy xếp cao. Tôi có vào nhà nó một lần, lần đó ba mẹ nó vừa mới nhập hàng nên ngoài khe hở chừa ra để đi thì chẳng còn nơi nào trong nhà còn trống. Ngay cả cái giường ngủ mà họ cũng chất đầy đồ lên đó. Thằng Lâm nói một cách cay đắng rằng nó chưa bao giờ được duỗi thẳng chân khi ngủ. Nếu có tháng nào đơn về liên tục như mưa thì lúc đó hàng mới giảm, và như thế thì nó có thể có ba ngày để ngủ một cách thoải mái trước khi hàng tiếp tục nhập về.
Cuối tháng đó, nhà thằng Lâm gặp một chút rắc rối. Theo như ba nó nói, do một múi điện bị chuột cắn nên chập mạch và xảy ra cháy. Rất may mắn là vụ cháy xảy ra vào ban ngày trong lúc họ làm việc nên được dập ngay. Ấy vậy mà họ vẫn mất một góc nhà, mấy thùng giấy đựng đồ ở đó cháy hết, thiệt hại nghe nói lên đến mười triệu đồng. Rất nhanh sau đó, chính quyền địa phương và tổ dân phố đến kiểm tra. Đợt đó, họ cũng đang trong chiến dịch rà soát lại khả năng phòng cháy chữa cháy của các hộ gia đình trong đường hầm. Nhà ngoại tôi không có đồ đạc gì nhiều, lại thêm phần gọn gàng nên mấy ông đó không có gì phàn nàn, duy chỉ yêu cầu ngoại sắm thêm một bình chữa cháy để phòng bị. Còn nhà thằng Lâm, đó là nơi bị kiểm tra gắt gao nhất.
Tôi và thằng Lâm cùng đứng ở trước cổng nhìn vào nhà nó. Mấy người của chiến dịch phòng cháy chữa cháy chỉ liếc sơ qua thôi là cũng lắc đầu, bọn họ nói như thế là không được. Họ đưa ra một danh sách điểm yếu dài ngoằng và giải thích về những trường hợp cực kỳ xấu có thể xảy ra nếu mọi thứ bùng cháy. Nói một cách công bằng thì người ta rất đúng. Điều duy nhất họ yêu cầu ba mẹ thằng Lâm là phải chứng minh được sự an toàn trong công việc của mình. Lúc đó, nhà nó chỉ còn hai lựa chọn mà thôi: một là không buôn bán như vậy nữa, hai là chuyển đến nơi khác kinh doanh.
Nhưng rồi nhà thằng Lâm vẫn được thông qua, tức người ta đánh giá đống hàng của ba mẹ nó an toàn với một vụ cháy. Rồi tôi nghĩ, thì ra họ vẫn có lựa chọn thứ ba của riêng mình.
Cái chiến dịch rà soát đó qua chừng vài ngày thì tôi mới biết được nguyên do. Theo như thằng Lâm kể, nó thấy ba mẹ mình trao cho mấy người kia một cái phong bì, nói là gửi tiền uống cà phê. Lúc đó tôi chưa biết đó là đút lót, là hối lộ, chúng tôi chỉ biết là muốn chuyện gì được giải quyết nhanh chóng thì chỉ cần gửi cà phê.
***
Một ngày kia, ngoại tôi phải nghỉ bán xôi một ngày vì đường hầm bị sập. Nói bị sập thì hơi quá, vì thực tế nó chỉ nứt và rơi xuống một vài tảng bê tông, xem chừng vẫn còn khả năng lưu thông được nếu có ai đủ can đảm. Nhưng khi nhìn trần nhà cong xuống như một tấm ván thì không ai muốn bước qua hết. Vậy là một đội thanh niên của tổ dân phố được tập hợp và sửa đường hầm trong vòng một ngày. Họ dựng lên những thanh sắt to bằng cổ tay và chống những tấm ván bằng thép chem vào phía trên để đỡ trần nhà. Cách sửa chữa đó đơn giản như cách chúng tôi vẫn thường hay chơi trò xếp hình. Tôi, thằng Lâm và chị Ngọc đứng đó quan sát cả ngày và gần như không thấy họ sử dụng một chút xi măng nào.
Khi hầm được sửa xong, lối đi được lưu thông trở lại. Tuy nhiên, người ta phải hết sức cẩn thận để không va vào những cây sắt chống đỡ đó, nếu không thì nó lại sập nữa.
Người ta chưa hết xôn xao về chuyện sập đường hầm thì bắt đầu bàn tán một cái mới không kém phần quan trọng, đó là ăn trộm. Dạo gần đây, rất nhiều hộ gia đình thông báo rằng họ thường xuyên bị mất cắp. Đôi khi họ mất đôi dép, đôi lúc họ mất cái khung sắt phơi đồ trước nhà, lại có nhà mất cả một con chó. Đặc biệt hơn hết, có một nhà bị trộm đột nhập và mất nguyên một cây vàng, và họ đã làm um xùm vụ đó trong suốt một tuần.
Ai ai cũng nhắm về phía bà Nhung và mấy anh em nghiện ngập ở cuối đường hầm tăm tối. Mặc dù không có chứng cứ gì nhưng họ vẫn một mực khẳng định như thế. Họ mô tả tên trộm có một dáng vẻ lê lết bẩn thỉu, bàn tay và bàn chân co quắp lại đúng kiểu mấy tên nghiện, đôi lúc còn giật giật như lên cơn nữa. Nhưng tôi thấy những lời đó có nhiều lỗ hỗng lắm, nhất là về cách thức xâm nhập. Có tên trộm nào bị co quắp tay chân lại trèo qua được một hàng rào sắt lởm chởm mũi nhọn như thế? Tôi đã đến đó và thấy họ, không ai trong họ bị co quắp tay hết. Hầu hết bọn họ đều tỏ ra mệt mỏi, cơ thể thì uể oải, nếu mà liều lĩnh trèo qua đoạn hàng rào sắt thì có thể bị trượt tay và thủng ruột như chơi. Có thể tôi nhìn không hết, có thể đó chính là một tay nghiện, nhưng tôi tin là hắn, hoặc bọn hắn không đến từ hội của bà Nhung.
***
Điều kinh khủng nhất xảy đến với chúng tôi trong ngày nắng nóng nhất năm. Khu dân cư lúc đó đang chìm trong sự tĩnh lặng của trời đêm, ai nấy cũng rơi vào giấc ngủ sâu. Hai giờ sáng, tôi nằm ngủ như chết trên tấm chiếu trải dưới sàn nhà, tấm nệm nằm hằng ngày phải dựng lên tường chứ không thể ngủ trên đó được, vì trời nóng quá.
Giữa đêm, đang trong cơn mộng mị, một phần trần nhà ở phía bếp đổ sập xuống như thể có ai đó vừa đánh bom. Tôi ngóc đầu dậy theo quán tính của tiếng đổ nát, hai mắt vẫn còn dính vào nhau. Tôi định nằm xuống ngủ tiếp nhưng bỗng nghe tiếng ngoại hét lớn. Rồi ngoại cầm lấy hai vai tôi kịch liệt rung lắc, nhờ vậy mà cơn buồn ngủ bị đánh tan đi phần nào. Khi ý thức trở lại, tôi bỗng giật lùi về phía sau khi nhìn thấy căn bếp đang bốc cháy hùn hụt. Trần nhà phía trên bao gồm cây gỗ và mái tôn đều lọt hết xuống đè nát căn bếp của ngoại, bên ngoài cái lỗ vừa sụp xuống là một biển lửa đỏ rực. Người tôi bỗng cứng đờ như một bức tượng khi nhìn vào bình ga đang bị ngọn lửa bao trùm. Miếng giấy dán hình ngọn lửa gạch chéo trên bình ga bắt đầu bốc cháy.
- Sơn, chạy ra ngoài mau!
Ngoại nắm lấy cổ áo và kéo tôi ra khỏi nhà. Ngay khi hai bà cháu xông ra đường hầm, bình ga trong bếp nổ tung như một quả bom và thổi ra một cơn sóng lửa đánh sập căn nhà của ngoại. Tôi có thể nghe thấy toàn bộ trần nhà đang đổ nát ở bên trong.
Cái cảnh tượng sau đó mới thực sự kinh khủng. Khi tôi đưa mắt sang những căn nhà bên cạnh, tất cả đều đã chìm trong biển lửa. Khói đen xộc lên trời một cách cực kỳ hung hăng, hơi nóng phả ra như hơi thở của một con rồng khiến da tôi bỏng rát. Tôi dám chắc rằng những người sống trong đường hầm này chưa bao giờ được thấy thứ ánh sáng nào mạnh mẽ như vậy.
Người người kéo nhau ra đường hầm để lánh nạn. Bên cạnh tiếng la hét thúc dục nhau chạy, tôi còn nghe thấy tiếng khóc. Nhiều người quỳ gối kêu gào trước cổng nhà mình, một số người phải đứng ra ngăn cản khi có ai đó tìm cách chạy vào trong ngọn lửa hung dữ. Bọn họ gân cổ với nhau:
- Chạy thôi, lửa lớn như vậy không còn cơ hội nào đâu!
- Không, ba tôi vẫn còn trong đó!
- Ông ấy chết rồi!
- Chạy mau, lửa sắp lan ra tới nơi rồi!
Thằng Lâm và ba mẹ nó lúc đó cũng chạy tới. Tất cả chúng tôi cùng kéo nhau chạy ra khỏi đường hầm. Vì ai cũng muốn chạy lên trước nên chẳng ngần ngại xô đẩy những người bên cạnh. Ngoại tôi ngã xuống đất mấy lần. Tuổi già không cho phép ngoại khả năng chống trả, còn tôi thì quá nhỏ bé. Tôi đứng lại đỡ ngoại dậy, nhưng ngoại đẩy tôi ra và quát lớn:
- Chạy đi, tao tự đi được!
Dĩ nhiên là tôi muốn nghe lời ngoại, nhưng không phải kiểu như thế này. Thế rồi, tôi và ngoại cùng nhau dìu đi khi bị mọi người bỏ lại mỗi lúc một xa. Tôi đưa người vào một bên nách để nâng ngoại lên. Mấy lần bị ngã, ngoại bị người ta đạp lên chân nên bây giờ không còn đi bình thường được. Tôi bỗng rùng mình khi dường như thấy chân ngoại cong đi một cách kỳ quái, cứ như người ta đã đạp gãy xương của bà vậy. Nhưng ngoại không kêu lên một tiếng đau đớn nào.
Đi được một đoạn, hai bà cháu cuối cùng cũng bắt kịp đám đông. Ban đầu tôi tưởng như vậy, sau đó mới phát hiện ra đường hầm đã sập ngay chỗ người ta sửa chữa đợt trước. Đất đá vun lên thành đống che kín lối thoát. Người ta ra sức đào bới với hi vọng mở được một lối thông ra ngoài. Khi những nỗ lực đào bới được đền đáp bằng một cái lỗ, họ phát hiện ra phía bên kia đã ngập trong biển lửa.
Đám đông bắt đầu chạy ngược trở lại. Những người bị tụt về phía sau như hai bà cháu tôi bây giờ lại là người đi trước. Lúc đó, ba mẹ thằng Lâm chạy tới giúp tôi đỡ bà ngoại, nhờ thế mà tôi được tự do.
Tôi và thằng Lâm xung phong dẫn đường. Theo như kinh nghiệm rong chơi cả tháng nay, chúng tôi quyết định rẽ vào một lối khác ngược lại với lối đi của đám đông. Tuy chưa biết tình hình như thế nào nhưng chúng tôi vẫn quyết định đến căn nhà hoang, nơi đó thông ra ngoài nên có lẽ là một lối thoát rất tiềm năng. Trong khi đi, chúng tôi gặp chị Ngọc, chị đang ngồi khóc một mình trên nền bê tông, người cong lại ôm hai đầu gối, ở đó hoàn toàn trống vắng. Vừa thấy chúng tôi, chị liền òa lên khóc:
- Ba mẹ chị chết rồi! Họ vẫn còn trong ngọn lửa!
Tôi và thằng Lâm vội kẹp nách đỡ chị dậy. Cố gắng giữ một giọng thật mạnh mẽ, tôi nói:
- Nhưng chị còn sống! Chúng ta sẽ đi cùng nhau!
Sáu người chúng tôi tiếp tục lên đường. Rất nhanh sau đó, chúng tôi đứng trước căn nhà hoang, nhưng không phải một mình mà là tất cả người dân đều đã tập trung tại đó. Họ đứng nhìn ngọn lửa và đống đổ nát trước mặt. Căn nhà hoang, niềm hi vọng duy nhất của chúng tôi đã sụp đổ.
Mọi người nhanh chóng chạy về phía công viên đường hầm, lúc này không còn đường lui nữa vì ngay phía sau chúng tôi trần nhà đã bắt đầu đổ sập.
Tất cả người dân đứng chen chúc nhau tại công viên, đông như một tổ kiến. Trần ở đây được đúc bằng bê tông cốt thép, không phải lợp bằng tôn như những chỗ khác nên có lẽ là nơi an toàn duy nhất còn sót lại. Trong âm thanh của sự hỗn loạn, tiếng khóc là thứ xâm chiếm mọi thứ. Những vụ xô xát bắt đầu xảy ra. Những người vì quá kích động dần đi tìm lý do để đổ lỗi. Một nhóm thanh niên đi tới lôi ba mẹ thằng Lâm ra và đẩy họ ngã xuống đất. Một người chỉ tay vào thẳng mặt ba thằng Lâm, gân cổ lên chửi:
- Ông còn lời nào để nói nữa không hả, Ông Phú? Ông có thấy đống hàng chết con mẹ nhà ông đã làm gì không?
Ba thằng Lâm đứng dậy, bình tĩnh nói:
- Cậu Thiên, đống hàng nhà tôi không phải nguyên nhân!
- Không phải cái con mẹ nhà ông! Ông tưởng tụi tôi là con nít hả? Thế đợt cháy lần trước là do ai gây ra?
- Lần đó khác, lần này khác!
Người thanh niên tên Thiên bắt đầu cười lớn:
- Phải rồi, khác lắm, rất khác! Lần trước chưa hối lộ, lần này đã hối lộ, rõ ràng là khác. Ông đã đưa cho bọn chúng bao nhiêu để được cái giấy xác nhận an toàn phòng cháy chữa cháy?
Ông Phú bỗng gầm lên:
- Tôi yêu cầu cậu ăn nói cho cẩn thận!
- Phải rồi, phải giữ thể diện chứ. Mặc dù sắp bị lửa thiêu nhưng cái thể diện vẫn quan trọng hơn cái mạng già của ông, phải không nào?
Rồi ông Phú cúi đầu nhìn xuống chân, ông không còn gì để biện hộ nữa. Giữa lúc căng thẳng đó, ngoại tôi tuyên bố:
- Thằng Phú vô tội! Nếu ngọn lửa thật sự từ đó thì gia đình nó chẳng còn cơ hội đứng đây được đâu.
Tôi và thằng Lâm cùng reo lên vui mừng, ngoại nói như thế quá hợp lý. Nếu nguồn gốc của cơn hỏa hoạn xuất phát từ nhà thằng Lâm thì chắc chắn bọn họ sẽ bị thiêu cháy ngay từ khi còn ngủ trên giường. Đến đó, anh Thiên thôi không làm lớn chuyện nữa, mọi người cũng không còn tâm trạng để trách gia đình thằng Lâm thêm.
Tôi bị một âm thanh nghe như tiếng rút rít của con vật nào đó gây chú ý. Từ trong bóng tối ẩn khuất tại một ngã rẽ phía trong kia đường hầm, tôi thấy bóng đen của một người. Vụ cháy đã làm cho toàn bộ điện bị cắt, bóng đèn vì thế trở nên vô dụng. Nhưng chúng tôi không phải ở trong bóng tối vì toàn bộ ánh sáng chúng tôi có được đều đến từ vụ hỏa hoạn, và nó càng lúc càng mạnh mẽ hơn.
Tôi từ từ bước chân ra khỏi vùng an toàn của công viên và tiến về phía người kia. Chị Ngọc đi ngay sau lưng tôi, cầm lấy cổ tay tôi mà lúc lắc. Chị nói:
- Em đi đâu vậy, Sơn Cốc? Chúng ta nên quay lại nơi an…
Chị chưa kịp nói hết câu, trần nhà của công viên bỗng sụp xuống. Toàn bộ tiếng người ngay lập tức biến mất, thay vào đó là âm thanh của sự đổ nát. Lửa tràn xuống từ nơi sụp đổ nhanh như một cơn lũ. Lúc đó tôi bị bất động, mọi thớ cơ trên người đều bị co rút lại. Cổ họng tôi nghẹn ra mấy từ như: Lâm Tặc, ngoại, mọi người? Hai dòng nước mắt chưa kịp rơi khỏi má, trần nhà phía trên chúng tôi kêu lên một tiếng “rắc”. Chị Ngọc kéo tôi đi. Vừa chạy, chị vừa lôi tôi ra khỏi cú sốc:
- Chạy đi, Sơn Cốc ơi! Chạy đi! Đừng đứng đó nữa.
Chúng tôi sờ vào tường hai bên để chạy. Cái bóng trong bóng tối nhanh chóng được ánh lửa soi rõ, đó là anh Phong.
- Đi theo anh, mấy đứa! Có một lối thoát!
Vừa chạy, anh Phong vừa nắm tay chúng tôi dẫn đường. Trần nhà sập xuống mỗi lúc một nhanh ở sau lưng, cứ như nó đang đuổi theo chúng tôi vậy. Nhờ có ánh lửa mà chúng tôi thấy được đường đi, nhưng bù lại nó nóng khủng khiếp. Tôi có thể cảm nhận được da mình có thể tróc ra bất cứ lúc nào, thậm chí tôi nghĩ nó đã chín tái luôn rồi.
Đến cuối đường hầm, chúng tôi thấy bà Nhung và những người trong hội nghiện ngập của bà đang tập trung lại thành vòng tròn, đầu chụm vào nhau. Ngay khi thấy chúng tôi, bà quất tay điên cuồng, cổ họng gào lớn hết cỡ:
- Nhanh lên, chạy nhanh nữa lên!
Lối thoát anh Phong nhắc đến chính là một cái nắp cống dẫn xuống đường ống thoát nước bên dưới lòng đất. Nắp cống đã được kéo lên và để qua một bên, từng người từng người một trèo xuống dưới hết sức khẩn trương. Khi chúng tôi đến nơi, bà Nhung nói một cách khẩn trương:
- Để bọn nhỏ xuống trước, nhanh lên! Ủa, sao có hai đứa, còn thằng kia đâu?
Chúng tôi không có thời gian để nói chuyện, trần nhà chỉ còn vài giây nữa là đổ sập hoàn toàn. Tôi nhảy xuống, lòng cống chỉ rộng có nữa mét nên tôi phải di chuyển theo kiểu bò bằng hai tay hai chân. Nước dưới đó ngập gần một nữa ống cống và hôi thối vô cùng. Người xuống ngay sau tôi là chị Ngọc, tiếp theo là những người khác. Rồi trần nhà đổ xuống đánh lên một tiếng ầm cực kỳ kinh hãi. Trái tim tôi như thắt lại sau tiếng động ấy. Như vậy là hết, tất cả đều đã chìm vào biển lửa.
Xuống dưới này, mọi ánh sáng đều bị lấy đi hết. Người dẫn đầu chịu trách nhiệm dẫn đường là ai tôi cũng không rõ, tôi chỉ thấy anh ta cầm trên tay một thứ ánh sáng rất quý giá đến từ một chiếc điện thoại cục gạch. Trong lúc di chuyển, tôi cứ nghe thấy tiếng thút thít của ai đó ở phía sau.
Chúng tôi cứ thế bò qua dòng nước hôi thối trong khoảng mười phút thì tìm được một chiếc nắp cống dẫn lên trên. Tất cả mọi người cùng hợp sức lại đẩy chiếc nắp ra nhưng không được, phía trên có thứ gì đó chặn lại. Chúng tôi cùng đồng thanh kêu lớn từ “cứu” rồi ra sức đập lên chiếc nắp. Chỉ vài giây sau, chiếc nắp cống bị kéo sang một bên, ánh sáng từ hàng chục chiếc đèn pin cùng lúc soi xuống chói hết cả mắt.
Theo trình tự, từng người từng người một được kéo lên mặt đất. Khi đã được giải cứu, tôi quay qua quan sát những người khác trồi lên khỏi chiếc cống. Người cuối cùng leo lên là anh Phong. Tôi không thấy bà Nhung đâu cả.
Anh Phong chợt lao đến ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở:
- Bà ấy nhường chỗ cho anh mày. Bà ấy không xuống kịp!
Tôi khụy xuống mặt đường, tai ù đi. Bao nhiêu sự hỗn loạn xung quanh đều vụt về phía sau tôi và trở thành hư vô. Tôi xoay người nhìn về phía cột lửa khổng lồ đang thiêu cháy bầu trời đêm, trông nó có hình thù giống như một con quỷ lửa địa ngục. Những chiếc xe cứu hỏa với những chiếc thang dài và những vòi nước khổng lồ liên tục chiến đấu với ngọn lửa. Ngoài tôi, chị Ngọc và nhóm nghiện ngập của bà Nhung, không còn ai khác sống sót qua vụ cháy.
Bình luận
Chưa có bình luận