Sau một hồi chật vật vòng quanh cảng sân bay, Thu Hà mới tìm thấy chiếc xe được nhân viên homestay thuê giúp.
Bác tài xế là một người đàn ông độ trung niên, mái tóc đen gần như sắp bạc màu. Nụ cười ấm áp nở rộ trên khuôn mặt phong trần, mấy vết chân chim nơi khóe bác mắt nhăn nhăn, cong lên tựa hai vầng trăng khuyết.
Theo lời kể của bác, từ đây lên núi sẽ mất khoảng bốn tiếng rưỡi đồng hồ, đã nhanh hơn bình thường bởi buổi sáng không có quá đông phương tiện di chuyển. Năm năm trước, tuyến đường này được nhà nước đầu tư xây mới, giờ việc đi lại đã dễ hơn rất nhiều. Tuy vậy, vì nơi đây có địa hình khá phức tạp, không tránh khỏi sẽ bắt gặp những khúc cua ngoằn ngoèo hay mấy con dốc dựng đứng, bác dặn Thu Hà nếu khó chịu thì nhớ nói.
Cô gật đầu cảm ơn, kéo dây an toàn rồi tựa người vào ghế. Ngoài cửa sổ, những vạt mưa nhẹ nhàng đan vào nhau như một tấm rèm lụa mỏng, phủ mờ cảnh vật hai bên đường. Thu Hà ngước nhìn bầu trời xám xịt, lòng dấy lên cảm giác khó tả.
Chuyến xe lặng lẽ lăn bánh qua từng con phố, dần rời xa thành thị ồn ào để hướng về miền núi cao hùng vĩ. Hai bên đường, những hàng cây rừng bắt đầu xuất hiện dày đặc hơn, xanh ngắt một màu miên man trải dài đến tận chân trời.
Thu Hà lấy điện thoại chụp phong cảnh bên ngoài, nhắn mấy câu cho Phương Ly báo bình an. Đợi một lúc vẫn không có hồi âm, cô đành cất máy lại vào túi. Hôm nay vốn là ngày cuối tuần, chắc nhỏ Ly phải nằm nướng tới trưa mới dậy nổi.
Sau khi khi nghe Thu Hà nói sẽ nghỉ phép dài hạn để đi du lịch, Phương Ly ghen tị lắm. Lúc ấy nó nằng nặc đòi đi theo nhưng vì đã lỡ “bán mình” cho tư bản nên đành phải ngậm ngùi từ bỏ. Nó đang làm giáo viên trong một trường cấp ba, muốn xin nghỉ lâu là chuyện không hề dễ.
Vốn tình trạng của Thu Hà cũng không khá hơn, chỉ là cô vừa nộp đơn thôi việc, tạm thời huy hoàng thất nghiệp một thời gian. Thế nên mới có thể ung dung đi đây đó như bây giờ. Tuy nói chuyến này lên đường chủ yếu vì muốn giúp ba mẹ cô thực hiện nguyện vọng, nhưng đây cũng xem như một cơ hội để cô rời xa những bộn bề trong cuộc sống thường ngày, nạp năng lượng lại sau bao năm làm quần quật như một cái máy được lập trình sẵn.
- Cháu gái, cháu có thích nghe nhạc không? - Bác tài xế từ tốn hỏi, trong giọng nói không giấu được chút ngại ngùng, vô tình cắt ngang dòng suy nghĩ của cô.
Thu Hà cong môi, cô nhìn tia mong chờ không giấu được trong mắt bác qua tấm gương chiếu hậu, khéo léo đáp lời:
- Dạ có, bác biết bài nào hay thì bật lên cho con nghe chung với!
Nghe đến đây, bác tài xế liền tỏ ra rất vui vẻ. Bác nghiêng người, thành thục bật lên đài radio yêu thích. Mấy ngón tay trên vô lăng rất nhịp nhàng, chuyển động theo âm thanh du dương của lời ca.
"Em là dòng sông Mã
Anh là núi Mường Hung
Cho thuyền em ngược dòng
Gió đưa em về núi
Em hãy về bên suối
Đợi anh anh ở bên khuâng
Anh làm no lòng mường
Em làm vui ấm bản
..." (1)
Điệu nhạc nhẹ nhàng vang lên giữa yên bình trời núi, tựa hồ lời gọi mời người lữ khách đến thăm. Như vô tận, những hàng thông cao lớn cứ không ngừng nối tiếp, chúng lặng lẽ trải dài, rợp bóng suốt cả quãng đường đi.
Càng lên cao, cảnh vật càng thay đổi. Cơn mưa rả rích lúc nãy giờ đã ngừng, nhường chỗ cho không khí trong lành, mát lạnh của tiết trời sắp vào đông. Trên cao, mây bồng bềnh như bông trắng trôi theo gió, lững lờ bay giữa nền trời xanh ngắt, trong veo. Ánh nắng sớm dịu dàng chiếu qua bạt ngàn sóng lúa vàng ươm, phủ lên mọi thứ một lớp ánh vàng dịu nhẹ. Tất cả hệt như đang ăn ý gom màu sắc, dệt thành bức tranh thiên nhiên đẹp như mộng.
Xe đi qua những ngôi nhà sàn được dựng đều tăm tắp, làn khói bếp nhàn nhạt nhẹ bay lên, ngỡ muốn hòa cùng gió theo mây trời. Thỉnh thoảng Thu Hà sẽ trông thấy mấy cô chú đang cặm cụi làm việc trên nương, ai nấy đều đeo theo một chiếc gùi to tướng. Nhiều người mẹ địu con nhỏ, chúng nó ngoan ngoãn nằm gọn ở trên lưng, mấy đứa lớn cũng hơn lúi húi đi theo sau phụ giúp.
Khi những khung cảnh đời thường đã khuất bóng phía sau, cũng là lúc tai Thu Hà thấy lùng bùng và đau nhẹ. Qua khung cửa kính, nhiều con dốc uốn lượn nối tiếp nhau xuất hiện. Mọi thứ bất chợt được bao trọn trong màn sương mờ, mang theo một cảm giác ma mị khác lạ. Bấy giờ, không khí có phần lạnh hơn, những vách núi cao vời vợi nay gần ngay tầm mắt, báo hiệu việc hai bác cháu cách điểm đến không còn xa.
Không lâu sau đó, xe dừng ở một khu làng nằm gần chân núi. Thu Hà loạng choạng mở cửa ra, có cảm giác muốn nôn sạch hết bữa mì mà cô ăn trên máy bay khi nãy.
Nếu không nhầm thì hiện cô đang ở tại làng Táu, nơi này mới được chính phủ hỗ trợ thúc đẩy du lịch mấy năm nay. Thu Hà kéo theo hành lý, tròn mắt ngắm xung quanh. Xem ra việc quảng bá được triển khai rất hiệu quả. Ngoài lượng lớn khách thăm từ trong nước, còn có nhiều du khách người nước ngoài, nhìn sơ qua, phải hơn phân nửa là các thanh niên trẻ.
Khoảng một giờ trưa sẽ có người phía homestay đón cô lên đỉnh Huyền. Thấy thời gian vẫn còn sớm, Thu Hà định bụng sẽ đi dạo quanh làng. Cô rất tò mò về nếp sống của người dân ở đây, tiện thể muốn ghé mua vài món quà lưu niệm mang về.
Làng Táu là nơi ở của nhiều người dân tộc thiểu số, được biết đến như một ngôi làng cổ có lịch sử lâu đời. Mang theo tâm trạng hào hứng muốn tìm hiểu, Thu Hà đi một mạch về tấm bảng đồ cỡ lớn trước cổng làng, trên đó ghi toàn bộ những địa điểm tham quan, được đánh dấu theo số thứ tự để người xem dễ phân biệt. Chỉ có điều còn chưa kịp háo hức, niềm hạnh phúc đang gần kề của cô đã hoàn toàn mất đi. Bởi thứ đập vào mắt là ba chữ "Trạm Soát Vé" nằm chễm chệ ở vị trí số một của bản đồ. Vậy mà cô lại quên bén mất.
Thu Hà trầm ngâm một lúc lâu, song vẫn miễn cưỡng xoay người ngược ra ngoài, không giấu được cảm giác thất vọng. Cô chẳng tiếc tiền, nhưng thời gian còn lại là quá ít. Nơi này vốn rất rộng lớn, nếu mua vé mà không thể từ từ đi chơi thì phí lắm.
Thu Hà bĩu môi chán chường, chỉ số hạnh phúc đang dâng lên như bị đánh cho một cú trời giáng. Vừa đi được mấy bước, chân cô chợt vấp phải hòn đá nhỏ bên đường, suýt trượt ngã.
- Hết cái cổng soát vé thì giờ tới mày muốn ngáng bước chị à? - Thu Hà càm ràm, hậm hực nhìn xuống đất. Cũng may là cô phản ứng nhanh.
Như nghĩ ra một điều gì thú vị, đôi mày cô hơi nhướng lên, bèn nhanh chóng điều chỉnh lại tư thế. Cô học theo điệu bộ chuẩn bị lúc phạt đền của mấy cầu thủ trên tivi, lấy đà dồn lực sút một cú vào hòn đá.
- 1-0 cho đội tuyển Việt Nam - Thu Hà tự hào đưa ngón cái quẹt mũi, hài lòng nhoẻn miệng cười.
Cô dõi mắt nhìn theo, hòn đá kia như quả bóng thu nhỏ, dưới tác động của Thu Hà và độ nghiêng nhẹ của con dốc mà lăn đi được một đoạn dài, mấy giây sau, nó dừng hẳn trước mái hiên của một cửa tiệm bên đường.
Thu Hà rảo bước đến gần, nhìn tấm biển gỗ đang đung đưa nhẹ nhàng phía trên cửa. Dòng chữ vẽ tay bằng sơn trắng đã ngả màu, đề cái tên "Quán Nhỏ" đầy đơn sơ. Kiểu chữ này giống với những bảng hiệu thời xưa, thời bây giờ rất khó để bắt gặp.
Phủ một màu nâu sẫm, cả cửa tiệm được dựng bằng gỗ sồi, phần mái che lợp bởi ngói đá, giống loại thường thấy trên nhà của người dân vùng này. Dọc theo lớp mái nghiêng nghiêng là rất nhiều dây leo nhỏ, chúng phủ quanh như ôm trọn lấy cái quán bơ vơ, muốn điểm thêm sắc xanh dịu dàng trên tấm nền đơn giản của nó.
Mang theo sự tò mò, Thu Hà đẩy cánh cửa cọt kẹt bước vào trong. Nương theo ánh đèn vàng, cô thấy một loạt kệ xếp dọc hai bên vách. Phía trên chất đầy những ấm trà và cốc cổ, mỗi chiếc đều không hề giống nhau, trông như một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật. Quán bày trí rất nhiều đồ thủ công bằng thổ cẩm. Từ tranh treo, thảm, gối, đến rèm che... đều toát lên một nét mộc mạc không lẫn đâu của vùng này.
Không khí bấy giờ đặc quánh mùi trà mới pha và hương thơm thoang thoảng của chậu hoa nhài ngay cạnh cửa. Tiếng nhạc du dương phát ra từ chiếc máy hát cũ ở góc quán hòa với thanh âm trò chuyện nho nhỏ từ thực khách bên trong, thổi hơi thở ấm cúng len qua từng ngóc ngách. Dù đã dần đến giờ cơm trưa nhưng nơi đây vẫn đông người ra vào. Có vẻ như sắp không còn bàn trống.
- Chào mừng quý khách - Giọng nói thánh thót vang lên từ phía sau quầy. Một cô gái chừng hai mươi tuổi cầm thực đơn đi đến.
Thu Hà ra hiệu rằng cô đi một mình. Cô bé gật đầu như đã hiểu, nghiêng người mời cô đến một chỗ gần kề.
- Xin hỏi, tôi có thể ngồi ở bên kia không? - Thu Hà nhỏ giọng ngại ngùng hỏi, tay chỉ về phía sau.
Trong một thoáng lỡ đễnh đưa mắt nhìn quanh quán, cô vô tình nhận ra Quán Nhỏ có hai gian riêng biệt, chỉ cách nhau một đoạn mấy bước chân. So với chỗ cô đang đứng, gian bên kia có vẻ yên tĩnh hơn. Vẫn là màu gỗ sồi quen thuộc, vẫn dây leo xanh phủ kín tường, nhưng ở đó có cửa sổ rộng mở, vài chậu xương rồng nhỏ đặt phía trên. Ngay bên dưới là một chiếc bàn trống, trông như chưa ai ngồi.
Thu Hà thu tầm mắt, sau khi nghe cô hỏi, cô bé kia không trả lời ngay. Biểu tình em trông có vẻ ngạc nhiên, sâu trong mắt mang theo sự bối rối.
Vốn không định làm người khác khó xử, Thu Hà chuẩn bị nói mình ngồi đây cũng không sao, nhưng lời sắp đến môi rốt cuộc bị thu vào vì một người đàn ông từ phía ngoài đang đi đến.
Cùng một lúc, ánh mắt hai người họ giao nhau. Hình như đã nghe được cuộc hội thoại ban nãy, người kia nghi hoặc nhìn về phía Thu Hà. Mấy giây sau anh chậm rãi dời mắt rồi gật đầu với cô bé nhân viên.
Như trút được gánh nặng, cô bé ấy liền thở phào, dẫn Thu Hà đi về một hướng khác.
- Xin lỗi chị, em là nhân viên mới. Vừa rồi em có chút căng thẳng, mong chị bỏ qua cho. - Cô bé áy náy giải bày.
- Không sao, em đâu làm gì sai mà phải xin lỗi chị. - Thu Hà lên tiếng trấn an, nói tiếp:
- Người vừa nãy là quản lý ở đây hả?
Cô bé kia chậm rãi đi bên cạnh, nghe cô nói vậy thì cười tươi giải thích:
- Anh ấy là ông chủ của em ạ.
Thu Hà "ồ" lên một tiếng, cũng không nói gì thêm.
Mãi đến khi bước vào gian sau của Quán Nhỏ, cô mới hiểu vì sao nơi này thoạt nhìn trông yên tĩnh đến vậy.
🍃 🍃 🍃
Chú thích:
(1) Trích từ lời bài hát "Tình Ca Tây Bắc" của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh.
Bình luận
Chưa có bình luận