Khi mây mù lại lặng lẽ dâng lên từ chân trời, bắt đi những ánh chiều tà cuối cùng và dung túng cho bóng tối nhập nhoạng xâm chiếm mọi ngóc ngách của vùng quê nhỏ, đám học trò mới bắt đầu vét nốt chút năng lượng còn sót lại để đạp xe về nhà. Đi học tít ở ngoài thị trấn nên đường về của cả bọn còn xa mút mùa Lệ Thủy.
Năm đứa tuy không cùng một xóm nhưng nhà tụi nó cũng không cách nhau quá xa. Chẳng hiểu do duyên số hay ông trời sắp đặt thế nào mà từ hồi lớp mẫu giáo tới lớp Chín, tụi nó luôn học chung một lớp. Nhóm bạn lớn lên cùng nhau, ngày ngày chí chóe đợi nhau đi học, cùng nhau về, cùng nhau nhốn nháo phá làng phá xóm. Tụi nó tỏ tường bản chất của nhau đến mức chỉ cần một đứa cau mày hay thở dài là những đứa còn lại biết đứa đó đang nghĩ gì. Trừ Chương, nếu có chuyện gì đó quá sâu xa, quá phức tạp vượt qua khả năng suy luận của nó thì nó cứ thế bỏ qua luôn mà không thèm đoán chi cho mệt người. Vậy nên, cho dù có một đứa ít nhạy bén hơn trong đám và trừ những chuyện không nên tọc mạch, thì giữa tụi nó cũng chẳng có bí mật nào hết, họa chăng có thì cũng khó mà giấu đi được.
Chỉ là, tụi nó có muốn vạch trần nhau hay không mà thôi.
“Đói bụng quá!” Chương than vãn không ngớt từ lúc trèo lên yên sau xe của Bách. “Đói chết tao rồi Bách ơi!”
Chương lắc lư trên yên sau lưng Bách hệt con lật đật, ỉ ôi không ngừng về chuyện nó đói đến mức có thể ăn hết cả bầy bò. Bách khụt khịt mũi, chẳng nói chẳng rằng. Như một thói quen cố hữu, nó thò tay vào ba lô trong giỏ xe lấy ra một thanh chocolate rồi vòng ra sau lưng nhét vào tay Chương. Bách không thích đồ ngọt, nhưng cha nó dường như không hề nhớ điều đó, vậy nên cứ sau mỗi chuyến công tác dài ngày, cha Bách đều mua về cả đống bánh kẹo lạ mắt làm quà cho nó. Bách cũng không buồn nhắc nhở người cha đã quá ư bận rộn về sở thích ăn uống của mình. Với lại, nó không thích ăn, nhưng có một người khác lại rất thích và bản thân Bách thì thích nhìn vào đôi mắt như có thể phát sáng mỗi khi trông thấy đồ ngon của người đó.
“Ăn đi!” Bách nói, giọng nhẹ nhàng hơn hẳn khi nói chuyện với Quân Anh nhưng vẫn không quên cằn nhằn. “Rồi nín mỏ giùm tao, nhức đầu lắm!”
Chương dường như chẳng để ý đến lời phàn nàn của Bách, nó cười tít mắt, tay bóc lớp giấy bạc quấn quanh thanh chocolate ra rồi nhét hết vào miệng. Chương là đứa có đầu óc đơn giản. Chỉ cần cho nó ăn ngon, khen nó giỏi giang đẹp trai các thứ thì nó có thể mang gương mặt dễ thương thân thiện như chó con suốt cả một ngày. Từ đó đến giờ, Chương chẳng mảy may nhận ra là Bách luôn quan tâm và đối xử với nó đặc biệt hơn những đứa còn lại nhiều.
“Hết sẩy! Chỉ có mày thương tao thôi Bách ơi!” Chương cười toe với hai hàm răng đen sì vì dính chocolate.
Một tiếng Bách ơi, hai tiếng cũng Bách ơi, ngọt như mía lùi. Hạ Uyên đạp xe phía trước, nghe thấy mà choáng váng hết cả đầu óc, suýt chút nữa nhỏ đã ngã ngang vì cái bầu không khí phảng phất mùi hường phấn hết sức lộ liễu của Bách và Chương. Tất nhiên, Bách không hề phát giác ra cái rùng mình ớn lạnh của Hạ Uyên, cái nhíu mày ba chấm của Quân Anh ở đằng sau và cái trề môi sân si của Hiệp sát ngay bên cạnh.
“Ngon không? Nhà tao còn nhiều lắm, mai tao đem cho mày!” Bách nói bâng quơ, nhưng Hạ Uyên có thể nghe ra chút thích thú trong giọng nói của Bách.
“Chắc tụi tao chết hết rồi!” Quân Anh làu bàu.
Bách cũng không nghe được mấy lời móc miếng vừa phun của Quân Anh. Nó đang bận đắm chìm trong niềm vui khó tả của riêng mình.
“Ngon!” Chương nói tắp lự. “Đội ơn mày! Cho gì tao cũng ăn hết!”
Mày mà có muốn ăn mặt trăng thì tao cũng ráng lấy cho mày nữa đó Chương! Bách thầm nghĩ, và đương nhiên là Bách chỉ có thể thầm nghĩ và giữ ý tứ đó cho riêng mình.
Sao Bách có thể thốt ra thành lời? Rõ ràng tình cảm của nó dành cho Chương đang ngày một lệch xa tình bạn đơn thuần. Chương sẽ phản ứng thế nào nếu biết sự thật về con người của nó? Chưa bao giờ nó thấy sự vô tri, đầu óc ngu si tứ chi kém phát triển của Chương có ích đến thế.
Bách và Chương, hai đứa nó đã đi chung xe từ hồi mới lên cấp Hai. Nhà hai đứa chỉ cách nhau một cây cầu. Mỗi đứa chia nhau chở một đoạn, cứ thế lặp đi lặp lại mỗi ngày. Kể cả lúc giận nhau tụi nó cũng không tách ra, chỉ không nói chuyện, không nhìn mặt và đồng lòng “giận cá chém thớt” lên đầu những đứa còn lại thôi. Sáng sáng, một cái sào và một cái hột vịt đèo nhau nối đuôi theo ba bóng lưng khác thong thả đạp xe đi học trên con đường quê nhỏ yên bình. Rồi trưa trưa hoặc chiều chiều, tụi nó lại tha thẩn lùa nhau về. Lũ thanh thiếu niên mới lớn cứ dính nhau như hình với bóng đến nỗi Bách phải thốt ra một câu xanh rờn: “Tao với tụi bây sống bầy, sống đàn riết không khác gì bầy vịt cỏ nhà thằng Hiệp.”
Nhưng chiều nay không như thế. Có chút rắc rối đã xảy ra.
Chưa đi được bao xa, tụi nó đã nghe thấy tiếng rột rột của sên xe bị đứt, cà dài theo mặt đường. Cả đám đồng loạt dừng phắt lại, không cần nói cũng biết xe đứa nào bị hư. Và xui xẻo thay, tiệm sửa xe gần nhà thầy đã đóng cửa từ sớm.
“Tụi bây về trước đi!” Hiệp bối rối, tay kéo cọng sên xe ra bỏ gọn vào giỏ. “Qua cầu có một tiệm, tao dắt lại đó sửa xong rồi về sau.”
“Bớt tào lao nhe mậy!” Bách nói, khẽ đẩy gọng kính lên.
“Tao tự lo được mà!” Hiệp lại nói, rồi bắt đầu dắt xe đi với một thái độ rõ ràng là không cần sự giúp đỡ của đám bạn.
“Mày dắt tới chừng nào?” Quân Anh nắm cổ áo Hiệp lôi lại khi nó đi ngang qua. “Lỡ tiệm đó cũng đóng cửa luôn rồi sao? Mày cứ ngồi sau vịn xe, tao kè mày về!”
Hiệp chưa kịp nói gì thì Bách đã lên tiếng hỏi Quân Anh.
“Được không đó mày? Mày chạy xe ghê vãi nồi. Tao nhớ hồi bữa đi lao động cuối năm, có đứa đổ dốc cầu xong cái ôm cua khét lẹt rồi lật xuống cái đìa cạn sau trường, trước con mắt bàn dân thiên hạ, cái người ta bu đen bu đỏ lại coi mày loi ngoi dưới sình cả buổi.”
“Tụi tao phải lôi mày và cái xe gãy cổ lên!” Chương cười khúc khích bồi thêm vào. “Ông bà độ mày! Hên là hổng có chiếc xe nào đi ngược chiều. Không thì cha mẹ mày khóc hết nước mắt.”
Quân Anh làm sao quên được buổi chiều hôm đó, qua lớp nước sình hôi rình che mờ con mắt, nó thấy tụi Bách, Chương và Hiệp vừa cười la lếch, vừa gắng gượng kéo nó lên bờ. Kể cả Hạ Uyên cũng nhịn cười đến run tay khi nhỏ lấy khăn giấy lau mặt cho nó. Quả là kí ức kinh hoàng mà cả đời này nó không muốn nhắc tới. Bởi thế Quân Anh đâu nhận ra ý quan tâm của Bách vì cái mỏ hỗn hay khơi chuyện cũ rích cũ xì của nó. Khứa Chương cũng chả hơn gì, cứ hay hùa theo thằng bạn nối khố. Hai con mắt Quân Anh tóe lửa, như thể nó muốn đập thằng Bách một trận bỏ xừ ngay và luôn.
“Bữa đó xe đứt thắng ngang.” Quân Anh cộc cằn đáp. “Chứ mày tưởng tao lấy mạng ra làm xiếc hả?”
“Ờ!” Bách nói gọn khô.
“Lẹ mày!” Quân Anh quay sang nói với Hiệp, thằng nhóc vẫn mặt nhăn mày nhó, ra chiều khó xử.
“Tụi tao không gấp về!” Hạ Uyên nhẹ nhàng nói. “Mày lo gì vậy Hiệp? Mày nghĩ coi tụi tao có bỏ mày mà đi về trước không?”
Nhỏ còn lạ gì cái tính rụt rè, hay sợ làm phiền người khác đến mức ám ảnh của Hiệp, cho dù là bạn thân cũng không ngoại lệ. Chuyện gì nó cũng cố tự giải quyết, người ta càng thấy nó tội nghiệp, càng ra sức giúp nó, thì nó lại càng tránh đi, đôi lúc còn đổ quạu mà từ chối thẳng thừng. Hạ Uyên không rõ đã có chuyện gì khiến Hiệp luôn phản ứng như thế. Nhỏ cũng không hỏi, đó là chuyện riêng của mỗi người, không thể bàn tán cũng không nên xen vào. Nhỏ chỉ có thể nhỏ nhẹ giải thích để Hiệp hiểu được rằng, tụi nó là bạn bè và tất cả những gì tụi nó làm cho Hiệp đều xuất phát từ sự chân thành đối đãi với bạn mình, ai cũng như ai, chứ không phải vì thương hại. Hiệp có hiểu, nhưng ít nhiều nó vẫn giữ lối sống khép mình hay tự ti đó. Thỉnh thoảng, Hạ Uyên thấy Hiệp còn hà khắc với bản thân nó hơn cả mình nữa.
Cuối cùng, Hiệp cũng thôi ý kiến với cả bọn.
Gần sáu giờ chiều, gió thốc lên từng cơn mang theo hơi ẩm lạnh lẽo. Hạ Uyên rời ánh nhìn khỏi những đám mây đen vần vũ kéo ngang bầu trời báo hiệu một cơn mưa lớn sắp trút xuống. Có chút lo lắng dâng lên trong đáy mắt nhỏ. Hạ Uyên chẳng thấy cái ý tưởng kéo đẩy xe này có gì hay ho cả, nhưng như mọi khi, nhỏ chọn tin tưởng tụi con trai và không có ý kiến với mấy trò con bò của tụi nó.
Hạ Uyên thủng thẳng đạp theo sau.
Mới thêm được vài vòng đạp, cả đám bị một chiếc xe máy chạy từ sau tới áp sát. Giọng nói quen thuộc cất lên pha lẫn sự nghiêm nghị. Là thầy Toàn, đoán chừng thầy đi chợ chiều hay có công chuyện gì gì đó.
“Mấy đứa kè xe nhìn nguy hiểm quá vậy?” Thầy Toàn vừa hỏi vừa phẩy tay ra hiệu cho tụi nó dừng lại.
Đám bạn lần nữa dừng lại, nhìn thầy định phân bua thì thầy đã nói thêm.
“Xe hư gửi ở nhà thầy đi, sáng thầy dắt qua tiệm kế bên nhà sửa cho, trưa mai học xong Toán rồi ghé lấy. Trời tối với muốn mưa rồi, mấy đứa kè tới lui vậy không an toàn.”
“Tụi em tính tới tiệm đằng trước sửa á thầy.” Chương giải thích thay cả bọn.
“Giờ này không tiệm nào còn mở đâu.” Thầy từ tốn nói. “Nghe lời thầy đi, còn tranh thủ về ăn cơm với cha mẹ!”
Năm cặp mắt nhìn nhau, ngầm xác định là không còn cách nào khác nữa. Thầy Toàn có vẻ sẽ không để tụi nó kè nhau về khi trời sắp có dông. Cãi thầy núi đè, ánh mắt của Bách hiện lên rõ mồn một câu đó. Với lại đó giờ thầy Toàn rất thương và quan tâm tụi nó, Hạ Uyên cũng không muốn làm thầy lo lắng thêm nên trước vẻ mặt tần ngần của Hiệp, nhỏ đã lên tiếng thay.
“Dạ, tụi em cảm ơn thầy nhiều!” Dù sao, đề nghị của thầy cũng đã giải quyết được sự lo lắng của nhỏ.
Thầy Toàn nghe thấy vậy mới yên tâm quay đầu xe về mở cổng cho tụi nó.
“Nghe lời thầy đi!” Hạ Uyên lặp lại lời thầy với Hiệp, tay đẩy nhè nhẹ vào lưng nó.
Đột nhiên Hiệp giật thót mình một cái như nhớ ra điều gì đó. Gương mặt nó tái dần đi, vẻ lo lắng hiện rõ mồn một.
“Chuyện gì vậy?” Hạ Uyên thấy thế bèn hỏi.
“Lo chơi với tụi bây cái tao quên là mẹ dặn tao về sớm. Nay mẹ tao với em tao đi lên đồng trên mót lúa, không có ai ở nhà xắt chuối cho vịt ăn. Cơm nước cũng không ai nấu. Giờ mà mẹ tao về không có cái gì rồi thì chắc tao no đòn quá.”
Đoạn đường quay lại nhà thầy có vẻ sẽ khiến tụi nó mất thêm thời gian.
Chuyện mẹ Hiệp rất khó, lại còn hay “thương cho roi cho vọt” thì Hạ Uyên biết rất rõ. Đó là kiểu phụ huynh hay mắng chửi con cái mỗi khi đi làm vất vả cả ngày ngoài đồng về hoặc gặp phải những vấn đề bí bách trong chuyện cơm ăn áo mặc, dù đứa con chỉ phạm một lỗi nhỏ. Cha Hiệp nghe đâu đi làm cho nhà máy xay xát lúa nào đó ở tỉnh khác, ít khi về nhà. Mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều là mẹ Hiệp gồng gánh, nên đôi lúc cô hay trút tất cả bực tức lên Hiệp, đứa hiền nhất nhà, nên Hiệp sợ như thế cũng phải.
“Vậy mà nãy mày còn kêu tụi tao về trước.” Bách càm ràm. “Nhiều lúc tao không hiểu mày nghĩ gì luôn á Hiệp!”
“Được rồi!” Hạ Uyên cắt ngang trước khi Bách kịp nói thêm những lời thiếu ý nhị. “Giờ vậy đi, mày lấy xe tao về đi, còn xe mày để tao dắt lại nhà thầy cho. Rồi Quân Anh chở tao về.”
Bên cạnh Quân Anh gật gù ra chiều đồng ý.
Lần này Hiệp dường như đã cân nhắc được nặng nhẹ giữa việc từ chối nhận giúp đỡ và việc bị ăn đòn. Nó nhìn Hạ Uyên với ánh mắt biết ơn.
“Cảm ơn mày!” Hiệp trông như sắp mếu tới nơi. “Mai tao đem ổi với bình bát cho tụi mày nha!”
“Ừ!” Quân Anh đáp thay. “Về lẹ đi kìa, không mẹ mày quánh là không thấy mặt trời ngày mai đâu con!”
Thế là những đứa còn lại ngó theo bóng Hiệp cong lưng đạp xe ngày càng khuất xa tầm nhìn của tụi nó.
Trời càng lúc càng tối lại, những đám mây đen đầy đe dọa bắt đầu sà xuống. Thời tiết mùa hè thật thất thường, mới hôm trước còn nắng tét đầu, hôm nay đã kéo dông bão tới. Những ánh chớp cứ lóe lên trong tầng mây đen kịt làm Hạ Uyên thấy sợ hãi. Vốn rén sấm sét, nhỏ dắt xe đạp đi nhanh hơn, lòng thầm mong đừng có sét đánh trên đường về, tại tụi nó phải đi qua đồng trống.
“Ê!” Bách gọi lớn sau lưng Hạ Uyên.
Nhỏ quay lại, thấy Bách vừa cất điện thoại vào ba lô.
“Hai đứa tao về trước nha.” Nó nói. “Mẹ tao mới gọi nói cha tao về rồi, đang đợi cơm!”
“Ừ!” Hạ Uyên nghe Quân Anh đang dắt xe bên cạnh nói, thằng bạn vẫn giữ nguyên nét mặt cau có vì mới bị Bách cà khịa thêm mấy câu, có vẻ như khó chịu lắm rồi.
Hạ Uyên gật đầu, nói một cách có chủ đích. “Hai đứa mày về đóng cửa bảo nhau đi! Tụi tao không cản trở nữa.”
Bách đứng hình mất vài giây, rồi chợt thông suốt mọi chuyện. Nó khẽ cười gượng gạo, giữ nguyên sự bối rối mà nhấc chân lên đạp xe chở Chương về.
“Uyên nó có ý gì vậy?” Chương hỏi.
“Không có gì đâu!” Bách trả lời nhanh, cố giấu đi sự hoảng loạn trong lòng.
Trên đường đi, Bách cứ thắc mắc là do nó quá lộ liễu, hay do Hạ Uyên là một đứa tinh quái đến đáng sợ. Nghĩ đến cặp mắt sắc như mèo đầy ranh mãnh của con nhỏ, Bách tự cảnh cáo mình phải ý tứ hơn.
Bình luận
Chưa có bình luận