“Em ơi, chỗ này có người ngồi không?”
Giang dửng dưng nhìn người thanh niên đang cười trước mặt. Anh mặc áo sơ mi sọc caro đỏ và quần tây đen, trên đầu đội một chiếc nón trắng. Thật tình nó không hiểu, tại sao lại có người đi xe buýt mà vẫn đội nón. Không thấy nóng sao ta?
“Không. Anh ngồi đi.” Giang lắc đầu, chủ động nhích người qua một bên.
Nắng Sài Gòn những ngày tháng Tư như đổ lửa, đập quả trứng để ngoài thềm cỡ nửa tiếng là có ngay món ốp la. Ngoài đường, áo ai nấy cũng ướt đẫm mồ hôi, đủ thứ "bản đồ quốc gia" lạ lẫm in thành từng mảng lớn trên lưng.
Giang không thích nắng. Nó nhăn mặt khi một tia nắng vàng lọt qua cửa kính, chiếu thẳng vào mặt. Hây, biết vậy khi nãy nó nên để thanh niên kia ngồi chỗ này mới đúng.
“Nắng có vitamin D rất tốt cho da.”
Chàng trai vừa lên xe lúc nãy, ngồi cạnh, lên tiếng. Thấy người bên cạnh liếc nhìn, anh đưa tay chào rồi cười khoe hàm răng đều như bắp. Giang chưa bao giờ nghe nói nắng giữa trưa sẽ tốt cho da, lại còn có cả vitamin D? Nhìn kỹ thì mặt mũi người này trông cũng sáng sủa, vậy mà phát ngôn như đường tàu bị lệch ray.
“Ồ, anh có muốn đổi chỗ để hứng vitamin D không?” Nó nhướng mày, hỏi ngược lại.
“Được thôi!”
Tên này bị điên rồi!
Nhưng người ta đã có lòng thì Giang cũng không nỡ làm họ thất vọng. Hai người đổi chỗ cho nhau. Chợt, nó nhìn thấy thanh niên lạ mặt lấy nón che đi vệt nắng ban nãy, tự dưng lại cảm thấy thú vị hẳn.
“Sao anh né vitamin D? Tốt cho da lắm đó!” Nó châm chọc, hiếm hoi cười mỉa.
Chẳng biết anh có nhận ra ý tứ trong câu hỏi của Giang không, nhưng nụ cười anh càng rộng, để lộ cái răng khểnh nằm sâu trong cùng. Anh nhìn nó, mắt hơi nheo lại, giọng bình thản:
“Vitamin D trong người anh dư rồi, nạp thêm sẽ bị thừa, không tốt.”
“Chắc anh học ngành luật hả?”
“Không. Anh thất học. Hì.”
Lần đầu tiên Giang thấy có người kể về "chiến tích học tập" dưới đáy con số âm mà lại cười tươi đến vậy. Nó nhìn sao cũng không ra được anh chàng mặt mũi sáng láng, đeo kính dày cỡ bốn độ này lại “thất học”. Đúng là đừng trông mặt mà bắt hình dong, ông bà mình nói cấm có sai.
“Còn em, em học ngành gì?”
Nhắc đến chuyện này thì gãi đúng chỗ ngứa của Giang. Nó đang là sinh viên năm hai ngành Công nghệ thông tin - cái ngành mà ăn hay ngủ đều mơ thấy code, code và code. Nhà nó mỗi khi có khách tới chơi, hỏi cháu học ngành gì, ba mẹ đều khoe rằng sau này sẽ làm lập trình viên, lương tám chữ số. Nó mang kỳ vọng của gia đình đặt lên vai, mỗi ngày một nặng oằn, tinh thần cũng nặng theo.
“Công nghệ thông tin. Năm hai.” Giang đáp.
“Úi giời!” Chàng trai lạ tặc lưỡi, đưa tay hất tóc. “Vậy là em đang đi tới trường hả? Chuyến xe buýt này hình như chỉ ghé đúng một trường đại học thôi.”
“Ừm. Tới rồi. Chào anh!”
Giang nhanh chóng rời khỏi ghế, chuẩn bị xuống trạm dừng kế tiếp. Ngạc nhiên thay, thanh niên kia cũng đi theo sau, đã vậy còn cười hì hì chẳng chút nghiêm túc:
“Anh cũng xuống trạm này.”
Nó không để tâm lắm tới lời người lạ, chỉ gật đầu rồi bước nhanh xuống xe, chẳng buồn ngắm nghía xung quanh. Bốn tiết sắp tới dài đằng đẵng, trong đó có một tiết Mác - Lênin do giảng viên mới đảm nhận. Thật là một buổi chiều cực hình!
Sinh viên lớp Giang ví Triết học như bộ liều thuốc an thần lành mạnh. Người đứng lớp được ưu ái đặt cho biệt danh “tiến sĩ gây mê”, chỉ cần tung một chiêu là hạ gục hàng trăm chiến sĩ. Giang không rõ mình đã tử trận bao nhiêu lần, nhưng thời năm nhất nó từng rớt môn Triết một lần và phải thi lại. Âu cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.
Hôm nay, giáo viên dạy môn Mác - Lênin có việc đột xuất, nên nhà trường cử giảng viên khác dạy thay. Nghe râm ran rằng người này là cựu sinh viên vừa ra trường, có thành tích xuất sắc nên được mời về giảng dạy.
Với Giang mà nói, cũ hay mới gì nó cũng đều tử trận như thường. Chỉ cần là Triết học, nó sẵn sàng giơ cờ trắng gục ngã.
Trải qua ba tiết dài như ba thập kỷ, tiết Mác - Lênin là tiết cuối cùng. Nếu ví von, hẳn phải tương đương với cả một thế kỷ. Giảng viên chưa vào lớp, nhưng ai nấy cũng đã ngáp dài.
Một đứa trong lớp bước lên bục, dõng dạc hô lớn:
“Quyết tử để tổ quốc quyết sinh! Quyết tử để vượt qua Mác - Lênin!”
Bình thường, khi trong lớp có người hô như vậy, tất cả sẽ vỗ tay tuyên dương vì phát biểu quá hợp lòng người. Riêng hôm nay, không có bất kỳ âm thanh “bộp bộp” nào.
Ngoài hành lang, giảng viên mới đang đứng nhìn vào bạn trẻ hừng hực khí thế, không quên đưa tay ra hiệu cho cả lớp im lặng.
“Giảng viên mới kinh nghiệm non nớt. Tụi bây không có gì phải lo!”
“…”
Lớp trưởng khẽ hắng giọng. Nhưng máu ra trận của chiến sĩ kia đang quá hăng, không bắt được tín hiệu từ đồng đội. Đợi bạn trẻ phát biểu xong, vị giảng viên ngoài cửa mới đưa hai tay vào nhau, vỗ “bộp bộp bộp”.
“Hay!”
Một tiếng "hay" vang lên từ ngoài hành lang khiến không khí cả lớp như đóng băng.
Bạn trẻ vừa rồi còn đang hùng hồn, lập tức ba chân bốn cẳng chạy về chỗ ngồi.
Giang đang úp mặt xuống bàn, không muốn can dự vào mấy trò ngốc nghếch của lớp, bỗng nghe thấy giọng nói quen thuộc. Nó dụi cặp mắt vừa thiu thiu được năm phút, sau đó mở to như hai bánh xe bò khi nhìn thấy người đang đứng trên bục giảng.
Là thanh niên trên xe buýt lúc nãy.
***
Như thế nào gọi là "tai nghe không bằng mắt thấy", Giang dường như đã hiểu rất rõ chỉ trong một buổi chiều. Lại càng phải nói thêm, không phải lời của giảng viên nào cũng đều là thật. Điển hình là thanh niên “thất học” trên xe buýt trở thành người dạy thay môn Triết chỉ trong tích tắc vài tiếng.
Xã hội này đúng là ngày càng lừa gạt nhau!
Giảng viên mới, với chiếc áo ca rô đỏ, đứng giữa lớp, giọng dõng dạc:
“Nói thật với các em, thầy cũng không thích mấy thứ liên quan đến Triết học. Nhưng mà, định mệnh nó cứ đưa đẩy các em ạ.”
Bầu không khí căng thẳng vì câu nói này mà trở nên rộn ràng. Trên miệng ai nấy cũng tủm tỉm nụ cười, đặc biệt là bạn trẻ lúc nãy vừa tuyên bố "Quyết tử để tổ quốc quyết sinh".
“Thầy ơi, thầy bao nhiêu tuổi vậy thầy?” Một bạn nữ trong lớp lên tiếng. “Em thấy thầy trẻ quá trời.”
Nhiều cái gật đầu đồng tình vang lên. Đây cũng là thắc mắc chung của đa số những con người đang có mặt trong phòng học. Trong trí tưởng tượng của cả lớp, ai nấy đều vẽ ra hình ảnh một thầy dạy Triết trung niên, đôi mắt hằn vết chân chim, gương mặt từng trải. Nhưng giảng viên mới này thì ước chừng chỉ hơn tụi nó độ chục tuổi là cùng.
"Thầy" đẩy nhẹ gọng kính nơi sống mũi, mắt hơi nheo lại, dõi về phía cuối lớp.
Sau đó... mỉm cười.
“Tuổi tác là một vấn đề nhạy cảm đối với bất kỳ ai, kể cả thầy.”
Giang hơi cúi đầu, biết mình đã bị phát hiện qua ánh nhìn vừa rồi. Thật ra mà nói, nó tự tin rằng bản thân không hành xử thất lễ với thầy lúc trên xe buýt. Cùng lắm thì có tỏ ra hơi thiếu thân thiện, nhưng cũng không quá đáng. Vậy mà khi đối diện với hai tia laze lọt qua từ cặp kính cận của thầy, nó lại tự dưng chột dạ.
Chỉ dạy thay một tiết, chắc không sao...
Buổi học bắt đầu.
Giang đảo mắt một vòng, quan sát tình hình. Đúng như nó nghĩ, dù là giảng viên cũ hay mới, dày dặn hay non nớt kinh nghiệm thì mọi người vẫn cứ buồn ngủ như thường.
Lớp trưởng nhã nhặn lấy tay che miệng, ứa cả nước mắt. Vài người khác lấy sách chắn trước mặt, rúc đầu xuống bàn. Một số không kìm chế nổi, phát ra tiếng "oáp" đủ lớn để vị giảng viên đứng trên bục nghe thấy. Một số khác lắc đầu, tặc lưỡi trong âm thầm.
Tử trận hai phần ba quân số. Kẻ địch quá mạnh!
Kết thúc tiết học, cả lớp tạm biệt thầy bằng một tràng pháo tay giòn giã, lòng phơi phới. Bốn mươi lăm phút cuối cùng cũng trôi qua. Tạ ơn trời Phật!
Trạm xe buýt ở trường đại học lúc nào cũng đông sinh viên. Cái nắng bốn giờ chiều không còn gay gắt như lúc trưa, nhưng vẫn tỏa ra hơi nóng khiến Giang cực kỳ khó chịu. Tâm trạng nó hôm nay chẳng tốt chút nào: sáng thì viết sai code, bài tập không nộp kịp hạn; chiều thì gặp phải giảng viên “giả danh” kẻ thất học. Quyết định rồi! Tí nữa phải ghé quán ốc gần nhà, ăn một trứng vịt lộn xả xui, cứu vãn tâm hồn đang héo hon.
Giang là đứa mê ăn vặt, đặc biệt là ốc. Ốc hương, ốc mỡ, ốc gai... cứ là ốc thì nó chẳng bao giờ từ chối, nhất là ở cái quán đầu xóm có nước chấm sền sệt, vị ngọt pha chút cay khiến người ta nghiện.
Nó đặt mông xuống ghế, chọn bàn ở góc trong cùng rồi búng tay rất điệu nghệ, hô lớn:
“Cô ơi! Một trứng lộn và bốn đĩa ốc như cũ nha!”
Nếu quán ốc này có thẻ thành viên, thiết nghĩ Giang chắc chắn đã là khách VIP, được cấp thẻ kim cương. Một tuần bảy ngày thì nó ghé ba ngày, hóa đơn không bao giờ dưới hai trăm nghìn. Cho nên, khi nó bảo “món cũ”, ai nấy cũng hiểu là nó đã quá quen mặt ở đây.
Thức ăn chẳng mấy chốc bày lên trước mặt. Giang như cành cây héo được tưới nước, bừng tỉnh sức sống, nhanh chóng đánh chén quả trứng đầu tiên. Nó từng nghe mẹ nói muốn xả xui thì ăn trứng vịt lộn, bóp nhẹ vỏ rồi quăng ra sau lưng, coi như rũ đi vận đen. Không biết có linh nghiệm không, nhưng sau khi ăn xong, nó cũng làm vậy thật. May là quán vừa mở cửa, chưa có nhiều khách, chứ không thì chắc quê muốn độn thổ vì cái trò mê tín.
Sự thật chứng minh, ăn trứng vịt lộn rồi quăng vỏ sau lưng không hề xả được xui. Bằng chứng là ngay sau khi Giang xử lý xong phần ăn, búng tay gọi “Tính tiền!” thì vị giảng viên vừa chạm mặt cách đây mấy tiếng lù lù xuất hiện trước mắt.
Giang dụi mắt kiểm tra xem mình có nhìn nhầm không. Một lần, rồi một lần nữa... vẫn vậy.
Ngạc nhiên hơn, bà chủ quán tiến đến, vỗ cái “đét” vào lưng người đó, giọng thân thiết:
“Trường! Canh quán dùm mẹ cái. Mẹ vô tính tiền cho người ta.”
Phụt!
Thầy?
Giang trưng ra vẻ mặt không thể nào ngạc nhiên hơn. Mắt mở to, miệng vẫn còn đang nhấm nháp dư vị cuối cùng của món ốc gai nướng mọi, đùng một phát nuốt trọng qua cổ họng.
Không đúng! Nó ghé quán này thường xuyên, nhưng chưa từng nghe bà chủ nhắc có con trai, cũng chưa từng thấy thầy lần nào trước đó.
Rốt cuộc chuyện này là sao?
Ánh mắt thầy bỗng đảo qua nó, sau đó cười bí ẩn:
“Bàn đó, để con tính tiền cho.”
Bình luận
Chưa có bình luận