Chiều tan học, Giang lại ghé quán ốc nhà thầy.
Từ đằng xa, tiếng cãi vã đã thu hút sự chú ý của nó. Để ý kỹ hơn, hình như trước quán đang tụ tập rất đông người.
Tiến lại gần, Giang nghe rõ những tiếng mắng chửi cay nghiệt:
"Nó về thăm tao, mày lấy quyền gì mà cấm?"
Giang nhận ra giọng nói ấy - chính là bà chủ quán. Giọng sang sảng ấy, mỗi lần kêu phục vụ lau bàn cho khách, nó chẳng thể lẫn đi đâu được.
"Mày không có quyền gặp nó, không xứng đáng để nó gọi bằng mẹ." Một giọng đàn ông đáp trả, trầm thấp nhưng không hề to tiếng.
Chưa kịp nhìn rõ hai nhân vật chính, Giang cũng đoán được: người đàn ông kia đang giữ bình tĩnh. Và kẻ biết kiềm chế cảm xúc trong cãi vã thường không phải dạng dễ đối phó. Trận này, bà chủ thua chắc!
Đám đông tụ tập mỗi lúc một đông. Giang cũng không chen vào được, đành đứng ngoài hóng chuyện.Bất chợt, một tiếng "Xoảng!" vang lên. Có vẻ là tiếng đĩa bể.
"Con tao đẻ ra!" Giọng bà chủ lại vang dội.
Người đàn ông cười khẩy, giọng lạnh tanh:
"Ừ, mày đẻ. Nhưng mày có nuôi nó không? Hay bỏ nhà đi theo thằng khác?"
"Bộ mày quên ai là thằng đánh tao? Ai?"
Giữa màn đấu khẩu căng thẳng, số người xung quanh càng lúc càng đông, vẻ mặt háo hức chẳng khác nào đang xem kịch. Nhiều người còn giơ điện thoại quay lại. Những tiếng xì xào, cười chê vang lên, khiến Giang cảm thấy bẩn cả màng nhĩ.
Biết tính bà chủ xưa nay nóng nảy, khả năng cao sẽ xảy ra xô xát. Và Giang thừa hiểu, đám đông đứng đây không ai có ý định can ngăn.
Sau một hồi suy tính, Giang quyết định gọi cho công an khu vực, trình bày đầu đuôi và không quên thổi phồng mức độ nghiêm trọng để họ tới càng nhanh càng tốt. Rồi nó đứng yên quan sát cho đến khi lực lượng an ninh xuất hiện. May mắn, mọi chuyện chưa đến mức nghiêm trọng ngoài việc thiệt hại vài cái chén đĩa.
Trước khi rời đi, Giang lén nhìn người đàn ông vừa cãi nhau với bà chủ. Ánh mắt nó bất giác dừng lại.
Gương mặt kia... sao mà giống thầy Trường đến thế?
Nhưng chân mày người đàn ông kia xếch lên nhiều, tạo cảm giác nghiêm khắc, lạnh lùng hơn thầy. Dáng người ông ta khoan thai, quần áo chỉnh tề, trái ngược với sự bộc trực, cục mịch của bà chủ. Theo sau ông ta còn có hai người đàn ông lực lưỡng, hẳn là vệ sĩ. Nếu vừa rồi có đánh nhau thật, bà chủ chắc chắn nắm suất đi thẳng bệnh viện.
Tối hôm đó, Giang trằn trọc mãi không ngủ được. Tâm trí cứ miên man nghĩ về trận cãi vã ban chiều.
Người đàn ông kia, với nét mặt hao hao thầy Trường, có lẽ chính là ba thầy. Thầy từng nói sống với ba, còn bà chủ cũng từng nói con trai chỉ về thăm vài tháng. Vậy thì nguồn cơn cãi nhau hôm nay, chắc chắn là vì thầy Trường. Không biết thầy đã hay chuyện chưa? Chắc rồi. Chuyện lớn vậy, cả xóm đều biết. Vậy thầy sẽ làm gì? Dọn về sống với ba như trước, hay tiếp tục ở lại cùng mẹ?
Trong đầu Giang mọc lên một loạt câu hỏi về thầy, rồi tự trả lời, tự phản biện. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, cuối cùng chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
***
Sáng hôm sau, Giang cố tình dậy sớm, ra ngồi ở trạm xe buýt nhưng không bắt chuyến nào. Nó không hề vội tới trường mà đang chờ một người. Chẳng vì lý do nào cả, chỉ là có gì đó trong lòng cứ thôi thúc nó làm thế.
Giang biết, tò mò chuyện riêng của giảng viên là không phải. Nhưng sự việc cứ diễn ra liên tiếp khiến nó không dừng lại được. Người ta bình thường còn tò mò về cuộc sống của người nổi tiếng, huống hồ một đứa sinh viên, chẳng phải cũng có quyền thắc mắc về người nắm giữ điểm số của mình sao? Biết đâu khi nắm được chuyện nhà thầy rồi, nó sẽ không lép vế mỗi khi hai người đôi co nữa.
Chuyến xe này qua, chuyến khác tới, Giang vẫn ngó trái ngó phải, mong mỏi. Cổ nó như dài thêm mấy phân. Cuối cùng, khi giờ học gần kề, nó đành thất vọng bước lên xe.
"Thôi, trưa gặp thầy cũng được." Dù gì tiết cuối hôm nay cũng là môn Triết.
Nhưng Giang không ngờ - trưa hôm đó, băng ghế đá gần câu lạc bộ sáo chỉ có mỗi mình nó cùng hộp cơm gà. Không có thầy. Không có cà mèn. Không có phần canh cải chia sẻ. Tự dưng, nó thấy cơm hôm nay khô đến mức khó nuốt. Càng nghĩ càng thấy buồn cười: mới được ăn ké vài lần mà giờ đã đâm ra khó chịu khi thiếu.
Ngày mai, nhất định phải có thêm canh bù đắp! - Giang âm thầm hứa hẹn.
...
Tiết cuối, lớp trưởng đột nhiên thông báo:
"Giảng viên môn Triết vắng mặt, cả lớp được về sớm."
Huy mụn hí hửng thúc cùi chỏ vào tay Giang:
"Ê, hiếm lắm mới được như vầy. Đi đâu chơi không mậy?"
"..."
"Ê?"
"..."
Thấy Giang không ừ hử gì, mặt đầy đăm chiêu, Huy đành ghé sát, hạ giọng như kể chuyện kinh dị:
"Giang... ơi! Có... đi... chơi... không..."
Bộp!
"Á!"
Giang không thèm đáp, chỉ đập mạnh vào vai Huy một phát rõ đau.
"Thằng chó! Rủ đi chơi mà đánh tao dữ vậy?"
Trước lời oán thán của Huy, Giang chỉ im lặng, vuốt cằm ra vẻ trầm tư. Một lúc sau, nó mới phán:
"Ờ, vậy mày có muốn đi ăn ốc không?"
***
Quán ốc nhà thầy hôm qua còn cãi nhau ầm ĩ, nay lại trở về dáng vẻ nhộn nhịp thường ngày.
Tiếng cười nói rôm rả, thi thoảng vang lên những âm thanh "Hai, ba... dzô!" từ góc bàn nào đó. Bà chủ vẫn giữ dáng vẻ đon đả, giọng nói sang sảng, chỉ có điều, đôi mắt không còn ánh tinh anh như trước.
Huy nhìn mấy đĩa ốc trước mặt, huých nhẹ vào tay Giang:
"Trời đất ơi! Mày điên hả? Hết chỗ ăn rồi hay sao mà ghé đây?"
Miệng thì nói vậy, nhưng tay Huy đã gắp con ốc nướng muối ớt to nhất, nhanh gọn xử lý trong vòng mười giây. Sau đó gật gù tán thưởng, ngầm công nhận nước chấm ở đây quả thật tuyệt vời.
Chẳng mấy chốc, nó đã xử lý thêm con thứ hai, thứ ba.
Chứng kiến thằng bạn chí cốt bị đồ ăn đè bẹp ý chí, Giang không buồn ném cho Huy ánh mắt khinh bỉ. Nó quét mắt một vòng quanh quán, như đang tìm kiếm thứ gì đó, rồi kết thúc bằng một tiếng thở dài khe khẽ. Không hiểu sao, những món khoái khẩu trước mặt lại chẳng còn sức hấp dẫn. Bình thường, chỉ cần nhìn thấy ốc là Giang đã sáng mắt lên. Vậy mà hôm nay...
"Ủa? Rủ tao tới đây ăn mà mày không ăn à? Bình thường cuồng ốc lắm mà? Nãy giờ có mỗi tao làm 'máy bào' thôi đó," Huy lèm bèm, tay lễ thêm một con ốc to đùng, bỏ vào chén Giang.
"Tao có ăn mà!"
Giang miễn cưỡng gắp một đũa mì xào đưa vào miệng, nhưng chẳng nếm ra được vị gì.
Chợt, nó liếc sang Huy, bâng quơ:
"Không biết sao hôm nay thầy vắng tiết ha? Cũng không có ở nhà luôn."
Động tác lễ ốc của Huy khựng lại. Nó nhìn xuống dưới chân, trầm ngâm khá lâu. Sau đó hắng giọng, nghiêng đầu về phía Giang, hỏi nhỏ:
"Đừng nói mày rủ tao đi ăn ở đây là vì muốn gặp thầy nha?"
Một luồng điện chạy dọc sống lưng Giang. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, nó cảm nhận rõ ràng mình đã vô thức nín thở.
Sao vậy nhỉ? Chẳng lẽ đúng như Huy nói? Nó rủ bạn đến đây... để hy vọng tình cờ gặp thầy?
Không, không thể! Chỉ là nó thích ăn ốc. Hôm nay tan học sớm, tiện thể ghé qua thôi. Ừ, chắc chắn là vậy.
"Làm gì có!" Giang lắc đầu, quả quyết. "Tao chỉ thấy lạ thôi. Thầy không đi dạy, cũng không ở nhà. Mày không thấy bất thường sao?"
"Chuyện của giáo viên, tụi mình quan tâm làm gì. Biết đâu thầy hẹn hò với bạn gái thì sao." Huy nhún vai.
Thấy Huy không mấy mặn mà, Giang đành nuốt những thắc mắc đang lởn vởn nơi đầu môi, tập trung ăn nốt phần mì xào nguội ngắt.
***
Kết thúc bữa tối hôm đó, lần đầu tiên Giang khiến ba má suýt ngã ngửa khi nghe nó thông báo muốn... đi dạo để tiêu hóa.
Mà quanh khu này, đi đâu được ngoài từ nhà ra trạm xe buýt rồi vòng về quán ốc?
Đoạn đường từ nhà Giang đến quán chỉ mất khoảng năm phút đi bộ. Từ xa, ánh đèn rực rỡ cùng tiếng leng keng của chảo xào ốc vang lên. Bà chủ niềm nở thu tiền khách, dáng vẻ hoạt bát thường ngày.
Và kia - giữa dòng người - Giang thoáng thấy một bóng dáng quen thuộc.
Thầy!
Đúng là thầy Trường!
Giang bất giác hít sâu, tròng mắt mở to. Một cảm giác hỗn độn ùa về nơi ngực: vừa vui mừng, vừa khó chịu, chẳng biết vì lý do gì. Dù vừa ăn no, nhưng chân nó vẫn tự động bước nhanh hơn, tiến thẳng về phía quán.
Chọn một bàn ở góc khuất, Giang cất giọng dõng dạc:
"Cho xin thực đơn!"
Bảng giá ở đây nó thuộc nằm lòng, nhưng hôm nay Giang muốn được chính thầy mang thực đơn ra.
Thầy mặc áo thun đen, quần short, chân đi dép lê, tay cầm thực đơn, bước tới với nụ cười lịch sự:
"Em đi một mình hả? Ăn ốc mà không có bạn thì buồn lắm đó."
Giang im lặng, mắt nhìn thầy không chớp. Một giảng viên đại học... đang làm phục vụ quán ốc. Nếu nói không ngạc nhiên thì đúng là dối lòng.
Nó cầm lấy thực đơn nhưng không mở ra, đưa lại cho thầy. Nếu gặp khách khó tính, chắc thầy đã bị mắng. Nhưng người trước mặt vẫn điềm nhiên ghi món, miệng giữ nguyên nụ cười tiêu chuẩn.
Vừa định quay đi, thầy bỗng nghe tiếng Giang gọi:
"Thầy ơi, thầy ăn gì chưa?"
Bình luận
Chưa có bình luận