Tôi trở về kinh thành Thăng Long từ sáng sớm cùng với đoàn tùy tùng. Do vừa rồi, thân xác này vừa phải trải qua tình huống “chết đi sống lại” đó, nên Trần Chí Lâm đã cử thêm người để hộ tống tôi. Thời tiết lúc này đang bắt đầu vào đông, gió lạnh thổi nhẹ qua khe cửa sổ xe ngựa. Bầu trời trong xanh, vài đám mây trắng trôi lững lờ. Trần Chí Lâm mở tấm vải ở cửa, nói vào trong:
‘’Thưa ngài, chúng ta tới cổng thành Thăng Long rồi.”
Tôi vén tấm màng lên, trước mắt tôi, những bức tường thành cao sừng sững bao quanh, được xây bằng gạch đá kiên cố. Cổng thành lớn với mái ngói lưu ly xanh ngọc, chạm khắc hình con rồng, mang đặc trưng của kiến trúc thời đó. Trên cổng thành, những lá cờ bay phấp phới trong gió, chữ “陳”[1] được in trên cờ, biểu tượng cho quyền lực triều đình nhà Trần. Lính canh mặc đồ vải màu đỏ sẫm, đội mũ nhọn hoắc được đan bằng tre cùng màu áo, tay cầm giáo đứng canh chừng ra vẻ uy nghiêm.
Trần Chí Lâm xuống ngựa, nói chuyện một vài câu với tên lính gác. Hắn mở tấm vải ra, bảo tôi:
“Thần đã cho người chuẩn bị kiệu. Mời ngài xuống ngựa.”
Tôi leo lên chiếc kiệu màu đỏ sặc sỡ, bốn góc đều có sẵn bốn tên thị vệ khiêng vác. Đi qua những con đường lát đá, các bức tường thành cao ngút, uy nghiêm trải dài, được xây dựng kiên cố, bao quanh kinh thành. Xung quanh thành được trồng với hàng cây xanh mướt của cây thông con, nền đất được rải một màu xanh biếc của cỏ.
Từ xa, tôi đã thấy tòa nhà cao to, mái ngói vàng rực, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tôi thắc mắc, hỏi:
“Đây là đâu?”
Trần Chí Lâm nhíu mày rồi trả lời:
“Thưa ngài, đây là Kính Thiên điện. Lúc nào ngài cũng diện kiến bệ hạ để uống rượu và ca hát ở đây.”
Tôi khẽ gật đầu, nhưng lòng thầm nghĩ: "Trần Phúc Hưng này quả thật không tầm thường, được vua Trần trọng dụng đến mức này."
Khi kiệu đến trước cổng điện, một tên mặc áo dài màu xanh đậm ra nghênh đón. Áo dài có phần cổ cao, tay áo dài và rộng, chiếc mũ có kiểu dáng hình trụ cao. Khuôn mặt tên này khá nghiêm nghị, và cũng có phần hơi ẻo lả, giống mấy tên thái giám mà tôi coi trong phim TVB[2]. Hắn cất giọng the thé:
“Ta đã báo với bệ hạ rồi. Các ngươi hãy vào đi.”
Tâm trạng tôi cũng có một chút lo lắng và hồi hộp. Tôi chưa được diện kiến ai quyền uy tới thế lúc còn sống cả. Kể cả Chủ Tịch Nước, tôi cũng chưa từng được thấy ở ngoài đời thật. Thế mà giờ tôi đang là một nhân chứng sống của lịch sử. Đó là diện kiến vua nhà Trần.
(Nhâm Dần, [Đại Trị], năm thứ 5 [1362], Nguyên Chí Chính năm thứ 22. Mùa xuân, tháng giêng, lệnh cho các nhà vương hầu, công chúa dâng các trò tạp hý vua xét duyệt trò nào hay thì thưởng cho.[2]
Lại cho gọi các nhà giàu trong nước, như ở làng Đình Bảng ở huyện Bắc Giang, làng Nga Đình thuộc Quốc Oai vào cung đánh bạc làm vui. Có tiếng bạc đặt tới 300 quan tiền, ba tiếng thì đã gần ngàn quan rồi. [3])
Bước vào trong điện, tiếng ca hát vang lên, những vị quan vương hầu đang quây quần bên nhà vua, cùng nhau chơi bạc. Trần Dụ Tông ngồi trên chiếc ghế khảm ngọc bằng vàng, tay cầm những đồng tiền xu, vừa chơi vừa cười đùa với các vị công chúa và vương hầu thân cận. Gương mặt vua tỏ ra vui vẻ, đầy phấn khích.
Sau này tôi mới biết, trò đó còn được gọi là “phán thán”. Cách chơi trò này rất đơn giản: trên bàn đặt một chiếc hộp chia thành bốn cửa. Người chơi muốn cược vào cửa nào thì đặt tiền vào cửa đó. Sau khi mọi người đặt cược, họ tùy ý lấy một số đồng tiền hoặc hạt bỏ vào một cái hộp đặt sẵn ở giữa bàn. Khi tất cả đã xong, nhà cái sẽ đổ số tiền hoặc hạt trong hộp ra và bắt đầu đếm. Mỗi nhóm 4 đồng tiền hoặc hạt sẽ tính thành một vị. Sau đó, dựa vào số lẻ còn lại, nếu số lẻ là 2 thì người đặt cửa số 2 thắng, nếu là 3 thì cửa số 3 thắng.
Nhẩm nhẩm trong đầu, tôi thực hành như trong phim cổ trang. Tôi cúi rạp người xuống, miệng hô lớn:
“Thần là An phủ chánh phó sứ Trần Phúc Hưng, tham kiến bệ hạ.”
Thấy tôi đến, vua vẫy tay gọi lớn: "Trần Phúc Hưng! Ngươi về rồi à. Miễn lễ. Lại đây, ngồi cùng với trẫm." Xong rồi quay qua các vương hầu, “Các ngươi mau lui xuống hết đi. Lát nữa , ta triệu lệnh thì hãy đến chơi tiếp với ta.”
Họ cung kính hành lễ, nhanh chóng thu dọn hộp đựng đầy tiền, rồi lặng lẽ rời khỏi cung. Tôi bước đến gần, giữ nét mặt cung kính, khẽ cúi đầu. Vua nhìn tôi, ánh mắt đầy sự ân cần, hỏi:
“Trần Phúc Hưng, sức khỏe của nhà ngươi dạo này thế nào? Chuyến đi vừa qua có gặp trở ngại gì không?”
Tôi cố giữ vẻ điềm tĩnh, đáp lời:
“Tạ ơn bệ hạ, sức khỏe của thần vẫn ổn, nhưng chuyến đi vừa rồi thật không như mong đợi.”
Vua liền ngồi thẳng dậy, đôi mắt sáng lên đầy sự tò mò, cất giọng:
“Kể cho trẫm nghe, chuyện gì đã xảy ra?”
Tôi kể lại chuyện mình bị ám sát như thế nào, rồi được một vị cô nương cứu giúp ra sao, nhưng tất nhiên không nhắc đến danh tính của Thanh Uyển. Nghe xong, vua tỏ vẻ tiếc nuối:
“Thật đáng tiếc! Ngươi không đưa nàng ta đến diện kiến trẫm, quả là điều đáng tiếc.”
Tôi cười gượng, cố gắng giải thích cho nhà vua hiểu. Bản tính ích kỷ trong tôi trỗi dậy. Mặc dù bên ngoài tỏ vẻ thân thiện, nhưng trong lòng lại cảm thấy khó chịu. Dù tôi biết việc đó là đúng quy tắc, nhưng ý nghĩ để bệ hạ gặp Thanh Uyển khiến lòng tôi rối bời. Tôi không muốn ngài gặp nàng, càng không muốn bất kỳ ai chạm vào nàng. Là người gặp nàng đầu tiên, tôi lỡ để trái tim rơi về phía nàng mất rồi.
Rượu và thức ăn được dọn ra, tôi và bệ hạ cùng uống say sưa suốt cả buổi chiều. Tới tối, khi cơn say đã ngà ngà, tôi xin phép vua về ngự thư phòng để nghỉ ngơi.
Trên đường trở về phủ, tôi đi dạo quanh khu vườn ngự uyển. Gió đêm thổi qua từng tán cây, những ngọn đèn lồng đỏ treo cao, ánh sáng dịu nhẹ. Tôi tình cờ đi qua một cái hồ lớn, mặt hồ phẳng lặng như gương, phản chiếu ánh trăng lấp lánh. Trên mặt hồ, những đóa sen trắng đang nở rộ, hương sen tỏa ra thoang thoảng, làm cho không gian thêm phần thanh tịnh.
Tôi bước lên một chiếc thuyền nhỏ, cầm lấy mái chèo nhẹ nhàng đưa thuyền ra giữa hồ. Ngồi trên thuyền, tôi nhâm nhi bình rượu đã giấu sẵn từ trong cung điện, ngắm nhìn những bông sen hồng rực rỡ dưới ánh trăng. Ánh trăng sáng chiếu xuống mặt hồ, từng gợn sóng nhỏ lăn tăn. Nhìn những đóa sen nở, tôi chợt nhớ đến Thanh Uyển. Nàng như một đóa hoa sen thanh khiết, kiêu sa, giữa mặt hồ tĩnh lặng. Tôi tưởng đời này kiếp này không còn được gặp lại nàng nữa. Trớ trêu thay, ông trời cho tôi gặp lại nàng - với một con người hoàn toàn khác.
* * *
Sáng hôm sau, tôi cáo biệt vua và rời khỏi hoàng cung, trở về phủ của mình. Khi bước vào cổng phủ, tôi choáng ngợp trước sự xa hoa, lộng lẫy của nơi này. Phủ của tôi thật sự là một tòa biệt phủ to lớn với khu vườn rộng rãi, được chăm sóc kỹ lưỡng. Lối đi lát đá, cây cối hai bên được cắt tỉa gọn gàng. Người hầu kẻ hạ tấp nập qua lại, ai nấy đều bận rộn.
Khi tôi vừa bước chân vào cổng phủ, đã thấy bảy người phụ nữ đồng loạt chạy ra đón tiếp. Mỗi người một vẻ, kẻ rạng rỡ, người đầy lo lắng, nhưng tất cả đều chung niềm vui khi thấy tôi an toàn trở về. Các nàng đều khoác trên mình những bộ áo được dệt bằng lụa tơ tằm cao cấp, màu sắc rực rỡ nhưng không kém phần thanh nhã, mỗi người đều toát lên khí chất riêng.
Người phụ nữ với dáng vẻ đoan trang, khuôn mặt phúc hậu, diện áo cổ chéo màu tím nhạt, tóc búi cao, tay cầm quạt giấy màu trắng, bước lên trước. Bà ta là người lớn tuổi nhất trong bảy người phụ nữ ở đây, nhưng riêng về sắc diện thì bà ta vẫn còn giữ được nét thanh xuân. Bà ta dịu dàng cất lời, giọng nghiêm trang:
"Ông nó đi xa về, lòng tôi lo lắng không yên, nhưng thấy ông nó khỏe mạnh trở về thế này thì thật là phúc đức trời ban.”
Tôi ngơ ngác chưa hiểu gì, hỏi lại:
“Bà… là ai?”
Nét mặt bà ta thoáng lộ vẻ mặt khó hiểu, liền cho kêu gọi Trần Chí Lâm. Hắn vội vàng chạy vào trong đại sảnh, liền cung kính cúi người trước bà ta, đáp:
“Bẩm bà phu nhân, không biết bà triệu hồi con có việc gì không?”
“Mi giải thích sao về chuyện này?” Bà ta có chút giận giữ trong lời nói.
Hắn lật đật cúi người xuống, thưa thớt:
“Bẩm bà, do chuyến đi vừa rồi có biến cố khiến cho đầu của ông Chánh tạm thời bị mất trí nhớ ạ.”
“Thôi được rồi, mi lui xuống đi.“ Bà ta thở dài, giọng có vài phần buồn bã.
Vừa dứt lời thì một người phụ nữ khác với dáng vẻ yểu điệu trong trang phục màu xanh lam nhạt, trên tóc được cài chiếc trâm chạm hoa mai tinh xảo, tiến đến gần tôi nói với cái giọng lanh lảnh: "Chàng đi xa lâu như vậy, cả phủ đều lo lắng không yên. Nay được thấy chàng bình an, chúng thiếp vui mừng không xiết.”
"Chị Hai khéo lo, phu quân phúc lớn mạng lớn.” Một cô gái khác nói.
“Em ba quá lời rồi. Chúng ta vẫn rất lo cho phu quân.” Cô gái lúc nãy đáp. Giờ tôi mới biết đó là cô vợ thứ hai của tôi.
Đưa mắt nhìn cô gái còn lại, tôi thầm đánh giá. Bà ba vận y phục màu đỏ thắm, thân hình mảnh mai, nụ cười có nét hồn nhiên của lứa tuổi xuân xanh mơn mởn. Nàng nhanh chóng sai người làm một bữa tiệc thịnh soạn để chào đón, tiện thể quay sang các gia nhân, giọng dứt khoát nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng: "Người đâu! Mau bày biện yến tiệc! Phu quân đã trở về, phải dâng lên những món ngon nhất!"
Chẳng bao lâu, trên bàn ăn đã bày ra một loạt những món ăn tinh tế: con cá chép nướng vàng ươm tỏa mùi thơm phức, đĩa chim trĩ nấu hạt sen béo ngậy, bát canh sâm hầm với thịt gà đậm đà. Hương thơm lan tỏa khắp gian phòng, kích thích vị giác nơi đầu lưỡi, khiến lòng tôi tràn đầy sự biết ơn.
Cô gái mặc tấm áo đối lĩnh màu hồng phấn, nốt ruồi ngay cạnh khoé miệng, nhẹ nhàng nói: "Phu quân, mời chàng thưởng thức. Hôm nay chúng thiếp đích thân chuẩn bị những món này."
Tôi cảm thấy thái độ của những bà vợ này đối xử với Trần Phúc Hưng rất tốt. Không nỡ để họ hụt hẫng, tôi khẽ cười đáp: "Cảm tạ các nàng, ta thật sự rất vui khi trở về nhà."
Tuy nhiên, khi ngồi giữa bảy bà vợ xinh đẹp, lòng tôi vẫn không khỏi bận tâm đến hình ảnh của Thanh Uyển. Tâm trí cứ hướng về nàng, người con gái mang vẻ đẹp bí ẩn, dịu dàng, nhưng tính cách thật ngoan cường. Dù các bà phu nhân trong phủ ai cũng một lòng tận tụy, nhưng trái tim tôi đã lỡ trao cho nàng bên dòng sông Lục Nam mất rồi.
Ánh mắt của người phụ nữ bận trên mình bộ đồ xanh biếc, thấy tôi im lặng hồi lâu không nói gì, liền cất lời: "Phu quân, hôm nay dường như chàng có điều gì suy nghĩ? Có chuyện gì xảy ra trong chuyến đi chăng?"
“Sao hôm nay chị Tư để ý dữ vậy? Bình thường chị có bao giờ đoái hoài tới ông nó đâu?” Cô gái có nốt ruồi ra vẻ trêu ghẹo.
“Em Năm, lo mà ăn đi, không cần xen vào chuyện của người khác.” Bà vợ thứ tư phản biện ngay tức thì.
Khuôn mặt của bà vợ thứ năm đỏ bừng, ra chiều tức giận nhưng không dám nói gì, chỉ dám đưa mắt lườm một cái rồi thôi.
Tôi cố mở miệng, nở nụ cười lập khuôn, rồi đáp lại: "Hai nàng đừng cãi nhau nữa. Chỉ là ta còn đôi chút mệt mỏi sau chuyến đi dài."
Cô gái người nhỏ nhắn, trên người nàng vận mỗi cái áo yếm vàng nhạt, khẽ nghiêng đầu: "Nếu phu quân mệt mỏi, vậy hãy nghỉ ngơi ở thư phòng, thiếp sẽ đến chăm sóc cho chàng thật chu đáo."
Bà vợ thứ tư thấy thái độ của cô gái này có vẻ không ưa cho lắm, liền tỏ thái độ khó chịu, giọng mỉa mai:
“Em Sáu không cần khổ tâm quá làm gì. Ở đây đã có các chị chăm sóc rồi.”
Bà vợ thứ sáu cũng không vừa, liếc mắt cái, giọng hoạnh hoẹ đáp:
“Chị Năm sao cứ thích lo chuyện bao đồng vậy? Người ta hay bảo nốt ruồi ở miệng là nốt ruồi duyên, mà sao chị Năm vô duyên thế cơ chứ."
Đầu tôi choáng váng vì tiếng cãi cọ giữa mấy người vợ. Đó là lý do vì sao thời hiện đại chỉ nên lấy một người vợ. Một người còn khó để chiều ý, làm sao có thể chiều hết được từng này người?
Tức giận, tôi đập bàn, quát lớn:
“Dừng lại đi!”
Mọi người ai nấy đều im thin thít. Tôi thở dài ngao ngán, thấp giọng nói:
“Các nàng cứ tự nhiên ăn cơm, ta về thư phòng nghỉ một lát.”
“Để tôi đưa ông về phòng.” Bà vợ cả đứng dậy, điềm đạm nói.
“Không cần đâu. Tôi tự đi được. Mọi người cứ ăn tiếp đi.” Tôi vội xua tay, rồi bước ra khỏi cửa, quay về thư phòng.
* * *
Nằm trên giường được một lúc, bỗng có tiếng gõ cửa bên ngoài. Tôi nói vọng ra:
“Ai đó? Vào đi.”
Cửa thư phòng bật mở, hiện ra người phụ nữ bước vào. Dung mạo của nàng khác hẳn so với những người phụ nữ khi nãy. Nàng vận áo giao lĩnh màu trắng ngà, mái tóc đen óng xõa dài, nhẹ nhàng bước tới gần. Nàng ngẩng lên, đôi mắt ngây thơ pha chút e thẹn, nói khẽ:
"Thiếp… mang thêm… trà nóng cho chàng, mong chàng… sớm hồi phục sức khỏe."
Tôi niềm nở, bưng chén trà trên tay, đáp:
“Nàng ngồi xuống đi. Ta có chuyện muốn hỏi nàng.”
Mùi thơm của hạt sen thoang thoảng trong khoang mũi. Nhấp một ngụm, vị trà ngọt thanh, khiến tôi không khỏi buột miệng khen:
“Ngon lắm!”
Nàng đỏ mặt, đôi mắt chớp chớp đầy e lệ, giọng đáp lại, nhỏ nhẹ như gió lướt qua cành trúc:
“Thiếp… vui lắm.”
Tôi nhìn qua, nét đẹp thanh tao của nàng cùng điệu bộ có phần rụt rè làm tôi tò mò, khẽ hỏi:
“Nàng tên họ là gì?”
Nàng cúi đầu, giọng lí nhí:
“Thiếp họ… Trương, tên Hồng… Thảo”
Nghe tên nàng, tôi vui vẻ nói:
“Đa tạ nàng đã pha trà cho ta.”
Nàng cúi thấp người, ánh mắt lúng túng không dám đối diện, ngượng ngùng nói:
“Bổn phận của thiếp... là người vợ, làm vậy là lẽ thường... chàng không cần khách sáo.”
Tôi bật cười lớn, giọng chân tình:
“Ta chỉ muốn thành tâm với nàng mà thôi. Nàng lui nghỉ đi, ta cảm thấy hơi mệt một chút.”
Trong một thoáng, vẻ mặt của nàng biểu lộ rõ nét vui mừng, nụ cười của nàng đôi khi còn hơi dè dặt, nhưng tôi chắc chắn đó là nụ cười chân thành. Nàng cúi người rồi cáo lui, cánh cửa đóng lại thật nhẹ. Tôi cũng ngả người trên giường, đánh chén một giấc thật dài sau bao nhiêu sự kiện vừa qua xảy ra.
* * *
Tối đến, khi ngồi trước bàn làm việc, tôi mới nhận ra một điều phiền toái lớn: bản thân không biết chữ. Việc đọc và viết trở thành một trở ngại lớn. Không còn cách nào khác, tôi đành phải cho người gọi Trần Chí Lâm đến hỗ trợ. Tên học đồng cẩn thận dịch chữ giúp tôi, mặc dù vẻ mặt hắn đầy tò mò, nhưng hắn không dám hỏi thêm vì biết rõ tính tình tàn ác của tên quan này từ trước.
Đang ngồi làm việc, chợt nghe tiếng gõ cửa nhẹ, tôi lên tiếng cho vào. Hồng Thảo bước vào, trên tay mang theo một bát canh nhân sâm, bước đi nhẹ nhàng như không. Tôi thoáng giật mình khi nhìn thấy nàng. Trông nàng còn rất trẻ, nàng thật sự rất trẻ, dáng vẻ dịu dàng, e ấp, chắc chỉ mới đôi mươi. Vậy mà, nàng đã trở thành người vợ thứ bảy của Trần Phúc Hưng. Trong lòng tôi thầm nghĩ: "Quả thực hắn ta thật sự may mắn hơn người."
Nàng đặt bát canh lên bàn, giọng ngọt ngào như mật ong: “Thiếp thấy chàng làm việc vất vả nên mang canh sâm đến cho chàng bồi bổ.”
Tôi nhìn nàng, thoáng lúng túng, không quen với sự chăm sóc ân cần như thế, chỉ biết khẽ cười: “Cảm… ơn… à không, đa tạ nàng.”
Nàng đứng yên một lúc, ánh mắt dường như ngạc nhiên, lướt qua tôi với vẻ bối rối. Có lẽ nàng đã quen với một Trần Phúc Hưng tàn nhẫn, lạnh lùng, nay thấy tôi nói nhỏ nhẹ, trầm tĩnh như vậy, gương mặt nàng thoáng chút bất ngờ, nhưng vẫn giữ lại nét thẹn thùng.
* * *
Dần dần, tôi bắt đầu quen với cuộc sống trong phủ, nhưng lòng tôi vẫn không yên. Một hôm, khi đang nghỉ ngơi, tôi nghe Trần Chí Lâm đến báo có người dân đến phủ kêu oan. Tôi nhanh chóng ra ngoài xem sự tình. Trước mặt tôi là một đôi vợ chồng nông dân, mặt mày lấm lem, quỳ gối dưới đất. Người chồng vừa nhìn thấy tôi liền dập đầu nói: “Bẩm quan lớn, xin ngài minh xét, chúng tôi bị oan!”
Qua lời kể, vụ việc xảy ra khi một tên địa chủ đến thu nợ. Thấy vợ của người nông dân đẹp, hắn nỗi lòng dâm ô, định giở trò đồi bại. Người chồng trở về đúng lúc, máu dồn lên não, liền lấy cây gậy dài kế bên đánh vào đầu tên địa chủ. Ngày hôm sau, hắn kiện ngược, tố cáo vợ chồng người nông dân tội hành hung, đòi tôi xử phạt.
Tôi bước vào đại sảnh, ánh mắt lướt qua, liền thấy tên địa chủ đã ngồi sẵn, dáng vẻ ung dung, tay nâng chén trà, trông như thể hắn chẳng hề lo lắng điều gì. Vừa thấy tôi ngồi xuống, hắn liền mừng rỡ, đứng dậy chắp tay chào trước mặt tôi:
“Bẩm quan lớn, con có việc khẩn cầu ngài."
Tôi gật đầu, ra hiệu cho hắn nói tiếp. Hắn liền lại gần, ghé sát tai, giọng nói thì thào đầy vẻ kín đáo:
“Bẩm, nếu ngài xử tại hạ thắng vụ kiện này, con xin biếu ngài một vạn lượng bạc, coi như chút lòng thành.”
Tôi ngẩn người. Nếu là trước kia, chắc chắn Trần Phúc Hưng sẽ không bỏ qua món lợi lớn này. Nhưng tôi thì khác. Vốn tôi cũng ghét mấy việc đồi bại này. Huống chi, tôi không thể làm ngơ trước sự bất công này. Tôi lạnh lùng nói:
“Ngươi nghĩ rằng tiền bạc có thể mua chuộc được ta sao?”
Tên địa chủ thoáng run người, sắc mặt tái dần. Không đợi hắn phản ứng, tôi đập bàn, quát lớn:
“QUỲ XUỐNG!”
Tên tham lam kia lập tức quỳ sụp xuống đất, khuôn mặt đỏ chét chuyển dần sang màu xanh nhợt như tàu lá chuối. Ôi, đây là cái cảm giác khi có quyền lực trong tay, khi là người có thể phán xét kẻ khác sao. Nhớ lại lúc ở công ty cũ, tôi toàn bị sếp mắng, nay cuối cùng cũng được mắng người khác rồi.
Cố kìm nén nụ cười, tôi giữ gương mặt lạnh lùng, tiếp tục ra vẻ như đang xử án.
“Tên kia! Ngươi dám làm nhục con gái nhà lành, đã vậy còn vu oan cho vợ chồng người nông dân kia đánh người. Theo ta thấy họ chẳng qua chỉ là tự vệ. Ta phạt ngươi 10 roi vì tội dám làm nhục người khác. Ngoài ra, ngươi còn cố ý muốn hối lộ ta. Ta phạt ngươi thêm 10 roi nữa vì tội hối lộ. Người đâu, đánh hắn cho ta!”
Mặt tên địa chủ trắng bệch, không ngờ tôi lại xử như vậy. Hắn bị đánh đến khóc không ra tiếng, miệng cứ liên tục kêu oan. Vợ chồng người nông dân vái lạy tôi và vui vẻ ra về. Dân chúng nghe tin đồn ra, ai nấy đều cảm kích, tiếng lành đồn xa. Sau vụ án này, có vẻ như danh tiếng của Trần Phúc Hưng đã được tôi cứu vớt đi phần nào.
[1] Nhà Trần được viết bằng chữ Hán.
[2] Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa Học Xã Hội (Hà Nội), 1993, tr.754.
[3] Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa Học Xã Hội (Hà Nội), 1993, tr.755.
[4] Đài phát sóng hay chiếu những bộ phim của Hồng Kông.
Bình luận
Chưa có bình luận