Trong triều đại này, nếu nói tôi là một vị quan tốt thì không đúng. Thật ra, để tồn tại trong chốn thị phi nơi cung đình, quả thực chẳng hề đơn giản. Cái thân xác này, trước khi tôi bước vào, đã gây ra không biết bao nhiêu điều ác. Kéo theo đó là hàng loạt kẻ thù, không chỉ trong triều mà ngay cả dân chúng cũng đầy kẻ căm phẫn. Dẫu cho từ khi tôi cố gắng làm việc thiện, tiếng xấu đã phần nào lắng xuống, nhưng quá khứ thì chẳng thể xóa nhòa một cách dễ dàng.
Từ khi có Trần Chí Lâm hỗ trợ, tôi mới thực sự hiểu được cái khắc nghiệt của chức vị An phủ chánh phó sứ. Nhờ hắn, tôi như diễn viên đoạt giải Oscar[1], đóng vai một tên quan đầy quyền uy mà không để lộ sơ hở. Các vụ xử án lớn nhỏ, tôi đều để cho tri phủ toàn quyền quyết định, nhưng không quên giám sát ngầm. Tôi chẳng muốn người dưới tay mình gây ra những chuyện tàn nhẫn vô nhân tính mà cuối cùng bản thân lại phải gánh hậu quả.
Những việc như củng cố đê điều, đã có Hà đê phó chánh sứ lo. Còn về nông nghiệp, Đồn điền phó chánh sứ đã đứng ra quán xuyến. Tôi chỉ cần ngồi trên cao, kiểm soát toàn cục.
Trần Chí Lâm, người này quả thực là một kẻ túc trí đa mưu, vừa tài giỏi lại tinh tế. Được hắn giúp đỡ là một điều may mắn cho Trần Phúc Hưng. Xuất thân không cao sang, cha hắn chỉ là một thợ mộc bình thường, mẹ thì dệt vải để đem ra chợ bán. Nhưng nói về nghị lực và tinh thần học hỏi của hắn thì không ai có thể phủ nhận. Sau giờ làm việc, hắn luôn cắm cúi đọc sách, từ các quyển binh thư đến cả những tập thơ thời Đường.
Trần Phúc Hưng đã sớm để mắt đến hắn. Trong một lần ghé gian hàng của mẹ hắn, Trần Phúc Hưng thấy hắn cầm quyển “Tôn tử binh pháp”[2] đọc làu làu. Một tên buôn bán mà tinh thông binh thư như vậy, không phải là chuyện thường. Hắn quyết định đưa Trần Chí Lâm về phủ, cho làm học đồng, quản lý các việc lớn nhỏ trong phủ. Biết mình mang ơn, Trần Chí Lâm không chỉ giúp hắn trong các công việc thường ngày mà còn không ngại nhúng tay vào những chuyện dơ bẩn.
Một buổi chiều oi ả của tháng sáu, tôi đang ngồi đối diện với Trần Chí Lâm ở khuôn viên rộng lớn ở bờ hồ sen. Từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ chơi cờ vây. Tôi chỉ biết chơi cờ vua và cờ tướng, những môn cờ đó chơi dễ hơn nhiều. Cờ vây thì tôi có biết qua việc coi mấy bộ phim kiếm hiệp của Kim Dung[3] hay chiếu trên mấy đài truyền hình. Trần Chí Lâm đã dạy tôi cách chơi, giờ là lúc tôi thể hiện cho hắn rằng, tôi cũng là một cao thủ cờ tướng ở mấy quán cà phê vợt buổi sáng.
Lúc này, những quân cờ trắng và đen đan xen nhau một cách hỗn loạn. Trần Chí Lâm đặt quân cờ đen xuống ở cụm cờ đen gần hướng Tây, khuôn mặt hắn bình tĩnh nhưng sắc mặt sắc lạnh, không hề nói một lời. Tôi nhìn vào bàn cờ, nhận ra hắn đang dần đưa tôi vào thế cờ "Dịch Đoạt Tiên Thiên Đồ"[4] - một ván cờ “sống chung” khá nổi tiếng thời bấy giờ.
Tôi đi một quân trắng, đặt nó xuống góc bàn hướng Đông Bắc, cố gắng tạo lối ra nhằm phá vỡ vòng vây, nhưng Trần Chí Lâm không hề nao núng. Hắn đặt một quân cờ đen vào giữa bàn, bắt đầu bao vây quân của tôi từ mọi phía. Nếu tôi tấn công, thì chính quân của tôi sẽ bị tiêu diệt trước.
Tôi cau mày, nhìn chăm chăm vào bàn cờ.
“Dạo này bên ngoài có chuyện gì bất ổn không?”
Trần Chí Lâm cười nhạt, cất giọng:
“Bẩm, ở ngoài trấn hiện tại đang có một bọn nổi loạn muốn chống lại triều đình.”
Tôi đặt một quân trắng khác ở ngoài vòng vây quân đen, nhằm muốn thoát khỏi thế bế tắc. Nhưng có vẻ mỗi nước đi của tôi đều bị Trần Chí Lâm nhìn thấu. Hắn ra một quân đen khác đặt gần đó, nhằm theo sát quân của tôi. Quân của tôi và hắn cứ thế bám chặt lẫn nhau, đến mức trên bàn cờ không còn chỗ trống nào nữa.
“Ngày mai, ngươi hãy cử binh lính tới tiêu diệt bọn chúng đi. Tiểu họa bất trừ, tất thành đại họa[5].”
“Thần tuân lệnh!”
“Ván này ngươi đánh hay lắm! Quả không hổ danh là Cờ Ma[6].” Tôi tấm tắc khen, mặc dù đây đối với tôi như một trận thua bẽ mặt.
“Ngài quá lời rồi. Thần chẳng qua chỉ biết một chút món nghề, sao có thể xứng danh hai chữ ‘Cờ Ma’. Ngài đây mới thực sự là bậc kỳ tài. Học mới vài tuần mà đã đánh thuần thục như vậy rồi.”
Tôi lần đầu được nghe khen tới vậy, nên có phần hơi tự mãn mà vỗ ngực khoác lác:
“Ta quên nói cho ngươi biết, thời đi học cấp 3, ta còn là kỳ thủ cờ vua…”
Tôi vội ngừng lại. Quên mất bản thân đang là thời nào, sao có thể tùy tiện nói ra những câu như vậy. Tôi cũng không rõ là thời này có cái gọi là “cờ vua” không, mặc dù tôi biết chắc chắn là cờ vua ra đời rất lâu rồi. Thôi, mà cứ không nói ra thì có vẻ tốt hơn.
Hắn nhìn tôi tỏ vẻ khó hiểu, hỏi lại lần nữa:
“Ngài hồi xưa có đi học cấp 3 gì đó là sao?”
Tôi chợt nghĩ, “Chết rồi, vạ miệng là có thật. Giờ phải làm sao đây?” Tôi chợt nghĩ ra một cách để sửa chữa lỗi lầm.
“Ý ta là hồi xưa cha ta đã dạy ta các thế cờ này từ nhỏ, nên ta nhớ lại mấy thế cờ này thôi.”
Trần Chí Lâm tỏ vẻ thán phục, nói:
“Đúng là hổ phụ sinh hổ tử.”
Sao hôm nay tên này cái gì cũng khen mình thế nhỉ. Chắc hắn nghĩ mình vẫn là Trần Phúc Hưng thời xưa đây mà. Nhưng tiếc cho hắn rằng, ta đây giờ là một phiên bản mới, khiến cho thân xác này thành một bậc quân tử, “đầu đội trời chân đạp đất” đúng nghĩa.
“Sau này ngươi không cần phải nịnh ta như thế nữa đâu. Bình sinh ta chúa những tên ghét nịnh hót.”
Trần Chí Lâm hoảng hốt, liền đứng dậy quỳ rạp người xuống tạ tội:
“Thần biết lỗi. Có mắt mà như mù. Xin ngài trách phạt.”
Tôi thấy vậy, cũng không lấy làm ngạc nhiên. Công nhận thời này, mấy người ở đây hay làm quá lên mọi chuyện như vậy để làm gì nhỉ?
Tôi hất tay, nhẹ nhàng bảo:
“Ngươi đứng dậy đi. Ngươi không hề có tội. Thôi, ngươi lui về nghỉ ngơi đi.”
Hắn đứng lên, cúi người kính chào, nói:
“Thần xin phép cáo lui.”
Đợi hắn khuất dạng sau bóng cây, tôi thở dài một tiếng. Ngồi đây suy tư một mình, tôi ngắm nhìn hồ sen đang nở rực một màu hồng. Lại nhớ đến nàng, người con gái đã cứu tôi ở bên bờ sông Lục Nam. Nhưng liệu tôi có còn tư cách để nhớ nàng không, khi mình có đến bảy bà phu nhân trong phủ? Ngoài ra còn có một thất phu nhân hết mực yêu tôi hết lòng. Một lần nữa, tôi lại lâm vào thế bí, không phải trên bàn cờ mà là trong chính trái tim mình.
* * *
Vài ngày sau, không ngoài dự kiến, Trần Chí Lâm đã làm đúng theo lời tôi căn dặn. Toán quân phiến loạn chẳng còn động tĩnh gì nữa. Ngoài ra, mọi công việc khác đều được hắn thu xếp ổn thỏa. Quả nhiên, Trần Chí Lâm là người tài, và lần này hắn xứng đáng với phần thưởng hậu hĩnh. Một phần là để giúp cha mẹ hắn đang gặp khó khăn, phần còn lại, hắn thực sự xứng đáng với điều đó.
Vào tháng 2, vua ban chỉ cho các lộ tuyển chọn dân đinh để bổ sung quân số[7]. Tôi là người chủ trì đợt tuyển quân lần này, tất nhiên sẽ cùng với Trần Chí Lâm đánh giá nhiều tiêu chí để chọn ra những người phù hợp. Thời này, quân đội nhà Trần được chia làm 4 binh chủng: bộ binh, kỵ binh, thủy binh và tượng binh.
Đợt tuyển chọn này chủ yếu dành cho bộ binh, đặc biệt là lộ quân. Lộ quân phần lớn là dân binh, tức lực lượng chủ chốt là dân thường. Nếu không có chiến tranh xảy ra, thì họ sẽ thay phiên nhau vừa trực vừa tham gia làm nông để sản xuất. Với chính sách “ngụ binh ư nông,” họ không nhận được quân phí từ triều đình.
Tờ mờ sáng, tôi đã cùng Trần Chí Lâm ngồi kiểm tra danh sách dân binh đăng ký trong trấn. Tôi khá bất ngờ về số lượng người tham gia, nếu không nói là rất đông. Điều đó chứng tỏ tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam qua bao thế hệ vẫn luôn giữ vững. Đang xem xét danh sách, bỗng một tên lính hớt hải chạy vào, khuôn mặt tái nhợt:
“Bẩm ông Chánh, có chuyện xảy ra!”
Tôi cau mày, gặng hỏi:
“Chuyện gì, mau nói!”
Hắn lắp bắp:
“Thất phu nhân… người…”
Nghe tới đây, tim tôi như bị ai đó bóp nghẹt. Tôi đứng phắt dậy, quay sang Trần Chí Lâm, căn dặn:
“Ngươi cứ tuyển quân theo những tiêu chí ta đã ghi rõ trong đây. Ta phải đi trước.”
Trần Chí Lâm cúi người nhận lệnh. Tôi nhảy lên ngựa, phóng như bay về phủ, lòng rối như tơ vò. Nếu Thảo có chuyện gì, tôi biết phải làm sao?
Tới trước phủ, tôi một mạch xông thẳng vào phòng. Không thấy dấu hiệu của nàng ở đây, chỉ có tên nô tì đang ngồi khóc nức nở ở một góc. Tôi vội hỏi:
“Thất phu nhân đâu rồi?”
Nó vừa khóc vừa đáp:
“Bẩm ông Chánh, sáng nay thất phu nhân muốn đi chợ. Con ngăn cản, nhưng người không nghe, nhất quyết tự đi. Từ đó đến giờ con không thấy người trở về...”
Nghe vậy, tôi không trách mắng nô tì mà chỉ ra lệnh lui, rồi lao ra ngoài, hỏi han khắp nơi trong trấn. Hỏi tới cửa tiệm này tới cửa tiệm khác, hết người này đến người khác. May mắn đã đến với tôi, có cô bán thịt gần đó có thấy một toán người bắt Thảo đi. Lần theo manh mối, tôi đến một ngôi chùa hoang vắng.
Bước qua cổng, sân rộng hiện ra trước mắt, cỏ dại mọc um tùm. Đằng trước chùa có một cây đa rất to, che phủ bóng mát cả sân. Ngôi chùa này đã lâu không người lui tới, chỉ còn một cánh cửa bị gãy rụng nằm dưới đất. Bên trong có một người đàn ông mặc y phục màu trắng viền vàng, giữa lưng có hoạ tiết hình con rồng màu vàng hình tròn. Tay hắn cầm một cây quạt, gấp lại giấu sau lưng, lưng quay về phía tôi. Nghe tiếng bước chân, hắn nói:
“An phủ chánh phó sứ đó sao, ngài vẫn khoẻ chứ?”
“Ngươi là ai? Sao ngươi cả gan dám bắt vợ ta?” Tôi gầm lên.
Hắn ta bật cười khanh khách, niềm nở đáp:
“Ta là ai không quan trọng. Chỉ cần ngài đi theo ta, sẽ biết tung tích của thất phu nhân. Nhưng có một điều kiện.”
“Điều kiện gì?”
“Ngài phải đi một mình.”
Tôi suy nghĩ một lát. Rõ ràng bọn chúng muốn nhắm đến tôi, không muốn dính dáng đến quân lính. Nếu tôi dẫn người theo, e rằng sẽ khiến Thảo gặp nguy hiểm. Cuối cùng, tôi gật đầu, không do dự:
“Được, ta đồng ý.”
Hắn cười lớn, bất ngờ vung tay phóng ra ám khí. Tôi nghe tiếng gió, vội nghiêng người tránh. Phập! Ám khí cắm vào cây cột, làm nứt một đường dài. Tôi rút ám khí ra, thấy có một mảnh giấy nhỏ kèm theo. Trên đó ghi: “Ngày mai, canh 3, thư quán ‘Kinh Tân'. Đi một mình, có người khác sẽ diệt khẩu.”
Tôi quay lại chưa kịp hỏi thêm thì bóng người vừa rồi đã biến mất tăm. Thân pháp nhanh nhẹn như vậy, rõ ràng hắn không phải là hạng tầm thường. Đôi tay nắm chặt tờ giấy, tôi ngồi khuỵu xuống đất, tay chân bủn rủn, mềm nhũn đi. Tiếng tim đập mạnh liên hồi. May mà tên này không có ý đồ giết tôi, chứ nếu không Nguyễn Thành Công này có mười cái đầu cũng không giữ được.
Một lát sau, binh lính cuối cùng cũng bắt kịp. Trần Chí Lâm vội vã chạy đến, sắc mặt biến đổi khi thấy tôi ngồi bệt dưới đất:
“Ngài có tin tức của thất phu nhân không?”
Tôi chỉ lắc đầu, yếu ớt đáp:
“Ngươi... dìu ta về phủ.”
Hắn lập tức khoác tay tôi qua vai hắn rồi đỡ từng bước về xe ngựa. Trên đường về tôi không nói năng gì, hay chính xác hơn là không có tâm trạng để trò chuyện. Lòng tôi như lửa đốt, không biết giờ Thảo đang ở đâu, liệu nàng có bình an không? Nếu có chuyện gì xảy ra với nàng, tôi chính là kẻ có tội.
Khi về tới phủ, Trần Chí Lâm nhìn tôi lo lắng, chỉ tay vào môi tôi, bảo:
“Môi ngài… hình như có vết gì đó.”
Tôi đưa tay chạm vào môi, cảm nhận vệt máu đỏ tươi trên tay mình. Không biết tự lúc nào tôi đã cắn môi đến bật máu. Quệt vội vệt máu, tôi trấn an hắn:
“Ta không sao.”
Tối đó, tôi lật tung cả đống kinh thư, mong tìm được manh mối gì đó, nhưng tất cả đều vô dụng. Đang lúc bế tắc, có tiếng gõ cửa vang lên. Tôi mừng rỡ, tưởng rằng là nàng, liền bảo:
“Nàng vào đi.”
Người bước vào là một người đàn ông, không ai khác ngoài Trần Chí Lâm. Tôi lại buồn rầu nhìn vào những quyển kinh thư để ngổn ngang trên bàn. Thấy tôi thất vọng, hắn liền tiến tới an ủi:
“Ngài đừng lo lắng quá, tại hạ đã có cách.”
Tôi như người trôi sông vớ được cọc, vui mừng bảo:
“Ngươi có cách gì sao? Nói nhanh!”
“Trên đường đến thư quán, ngài hãy để lại dấu vết trên đường. Thần sẽ theo sau và ra tay khi có cơ hội. Ngài chỉ cần ra mật hiệu, tại hạ sẽ hành động.”
Tôi bán tín bán nghi, hỏi lại:
“Chỉ với mỗi mình ngươi? Chẳng lẽ… ngươi biết võ công?”
Hắn khẽ mỉm cười, đáp:
“Sư phụ của thần từng truyền cho một bộ võ công được gọi là Thái Cực Quyền. Ngài có thể tin tưởng mà giao trọng trách này cho thần.”
Thái Cực Quyền? Rõ ràng cái tên này mình đã từng nghe ở đâu đó thì phải. Mà mặc kệ, võ tây võ ta gì cũng được, miễn sao có thể cứu nàng lành lặn trở về là ổn.
“Được! Theo kế hoạch của ngươi mà làm. Ngươi giỏi lắm, Trần Chí Lâm!” Tôi khẽ vỗ vai hắn.
Sau khi cho Trần Chí Lâm lui, tôi mở cửa sổ, nhìn lên bầu trời đêm. Ánh trăng lạnh lẽo không một gợn mây khiến lòng tôi buồn bã. Ước gì có Thanh Uyển ở đây, tôi sẽ chẳng còn lo sợ điều gì. Nhưng giờ thì sao? Bình rượu này liệu có giúp tôi quên đi cô đơn hay không?
[1] Ẩn dụ về việc giả vờ đóng vai một người khác, giống như các diễn viên đoạt giải Oscar.
[2] Một cuốn sách nổi tiếng về chiến lược và binh pháp của Tôn Tử, rất phổ biến trong quân sự.
[3] Tác giả tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng.
[4] Một ván cờ nổi tiếng trong lịch sử, với thế cờ mà cả hai bên đều rơi vào tình trạng "sống chung".
[5] Nghĩa là nếu không giải quyết những chuyện nhỏ, về sau sẽ thành tai họa lớn.
[6] Biệt danh chỉ người chơi cờ vây xuất sắc, với những nước cờ đầy biến hóa như ma thuật.
[7] Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa Học Xã Hội (Hà Nội), 1993, tr.754.
Bình luận
Chưa có bình luận