Tiếng xì xào từ các bàn làm việc quanh tôi khiến tôi dời đi sự chú ý lên màn hình máy tính, quay sang. Những ngón tay đánh trên bàn phím đã mỏi nhừ sau nhiều tiếng đồng hồ không nghỉ. Tôi tranh thủ thời gian này để nghỉ ngơi một lát. Qua tiếng trò chuyện của đồng nghiệp, tôi chợt nhận ra lại một mùa Tết nữa cận kề. “Chà” một tiếng, tôi đứng dậy, bước qua máy pha cà phê, định bụng hôm nay không làm hết việc thì tôi sẽ tiếp tục tăng ca đến khuya. Cửa mở, chị trưởng phòng đi vào với một sấp giấy tờ trên tay, nói to:
- Mọi người nghe tin gì chưa? Sếp vừa họp nhân sự thông báo sẽ thưởng lớn cho những ai làm việc xuyên Tết đấy!
Tiếng trầm trồ và bàn tán vang lên khắp phòng. Mọi người dường như rất hào hứng với tin vui này. Vài đồng nghiệp lớn tuổi lại phất tay nói:
- Thôi, chúng tôi chỉ mong về với gia đình ăn một cái Tết ấm no. Tiền bạc có là chi, các cô chú không biết chứ càng lớn càng không mong cầu vật chất quá, vừa đủ là tốt rồi.
Khi đồng hồ điểm giờ tan làm, tôi rút lại ý định tăng ca và bước thẳng đến phòng sếp - chị Tuệ. Tâm trí tôi giờ đây chỉ có nước lao vào công việc, mong rằng nó sẽ giúp tôi quên đi nỗi buồn về một cái Tết thiếu vắng sự sum vầy.
- Chào sếp. Em suy nghĩ kĩ rồi, Tết này em muốn tiếp tục làm việc. Dù sếp cử em đi đâu em cũng sẵn sàng.
- Tốt quá rồi, chị đã không lầm khi đặt niềm tin vào em. Với tinh thần này, em sẽ sớm được thăng tiến thôi Phương à.
Tôi cười và cảm ơn chị ấy. Với một phóng viên trẻ mới vào nghề chưa được hai năm như tôi thì những lời khen ngợi này vẫn là nguồn động lực to lớn. Dù đã nghĩ thông, tôi vẫn hồi hộp nhìn chị Tuệ sau chiếc máy tính để bàn với ánh mắt nghiêm nghị nhưng đầy tin tưởng.
- Chúng ta đang cần một bài kí sự về đời sống người dân ở các vùng nông thôn còn khó khăn. Và nơi chị nghĩ đến là huyện Phú Tân, Cà Mau. Người dân ở nơi đó vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn gian nan. Em có muốn nhận không?
Tôi sững sờ đôi lúc, vội lấy lại vẻ bình tĩnh, có lẽ vì quá vui mừng. Phú Tân là nơi dì ruột tôi đang sinh sống, đã bốn năm kể từ lần cuối tôi về thăm dì, việc học hành vẫn luôn quá bận rộn và nó đã chiếm lấy hầu hết thời gian của tôi. Dường như ông Trời đã tặng tôi một chút ưu ái sau những tháng ngày bôn ba nơi phố thị phồn hoa. Tôi vội trả lời:
- Chắc chắn rồi chị ạ. Em sẽ cố hết sức mình.
- Phương à, em là một cô gái biết thấu cảm với cuộc sống, chị đánh giá cao khả năng tiếp cận và truyền tải câu chuyện đời thật vô cùng cảm động và nhân văn của em. Chị tin em làm được.
Bước chân khỏi phòng, tôi thấy lòng mình trĩu lại, nhưng tôi đã quyết tâm rồi mà! Tự nhủ đây không chỉ là một công việc, mà nó còn là sứ mệnh mang lại tiếng nói và hi vọng cho những người kém may mắn.
Ngày 28 Tết năm ấy, tôi lên đường với hành lý vỏn vẹn một cái vali. Hơn sáu tiếng ngồi xe khiến dạ dày tôi trào lên từng đợt, đầu óc choáng váng. Đến lúc này đây tôi mới thấy thực sự may mắn khi không mang quá nhiều đồ đạc theo, bằng không thì tôi đã ngất ra giữa đường rồi.
Nhà dì tôi nằm ven con sông nhỏ, mỗi buổi sáng chào đón với tiếng chim hót líu lo và tiếng nước chảy róc rách tạo nên bản hòa ca yên bình. Cấu trúc nhà sàn giúp căn nhà trông thoáng mát, tránh được lũ lụt với những trụ gỗ và mái lá dừa nước, đượm nét truyền thống của miền sông nước Tây Nam Bộ. Tôi kéo vali đi vào sân nhà, nơi vốn đã quen thuộc với mình tự mấy hồi nhưng nay lại bị dòng chảy miên viễn của thời gian làm phai nhòa. Cây xoài già vẫn tỏa bóng mát, bàn đá nhỏ dì tôi vẫn ngồi tết tóc và kể tôi nghe những câu chuyện về các ngư dân đi đánh cá vẫn nằm yên – im lìm đến lạ, tựa hồ như chẳng có gì đổi thay. Mấy con chó nhỏ bốn năm không gặp nhưng vẫn không quên tôi, chạy ra vẫy đuôi không ngớt, tôi đưa tay xoa đầu mỗi đứa một cái rồi đi vào trong.
Không thấy dì, tôi lại bước xuống bếp. Dì tôi giờ đây đã ngoài năm mươi, sống một mình trong căn nhà nhỏ này, thời gian trước khi tôi còn bé, tôi vẫn luôn bầu bạn với dì nhưng kiếp người vô thủy vô chung bắt chúng ta phải lớn lên, học cách trưởng thành và thậm chí rời xa những người mình thương yêu. Bóng dáng quen thuộc với đôi bàn tay thoăn thoắt nấu ăn hiện lên trong mắt tôi, bốn năm qua không chỉ là thời gian trôi đi, mà còn biểu thị cho đời người đã đi đến những nấc thang mới, khi tôi chợt nhận ra tóc dì đã lốm đốm bạc.
- Hôm nay dì tui lại trổ tài làm món gì nữa đây?
Dì Thúy hơi giật mình quay lại, đôi mắt dì nay đã xuất hiện những vết chân chim, nhưng nụ cười hiền hậu vẫn thường trực trên môi, dì ôm chầm lấy tôi với niềm vui sướng không tả được:
- Con bé này về khi nào dì hổng biết để dì ra đón. Đi có nắng hông con?
- Một chút thôi ạ. Tết này con về đây với dì, lâu quá rồi con mới về thăm dì. Vừa hay sếp con giao công việc làm kí sự ở huyện mình luôn đó dì ạ, ông Trời thương con quá dì ơi!
- Thôi con vừa về chắc mệt lắm, ra rửa mặt đi rồi vô ăn cơm nè con!
Tôi ngậm ngùi, biết bao lâu rồi mới tìm lại được cảm giác quý giá này. Cuối cùng lại chạy vội ra lu nước cũ kĩ đứng lặng lẽ bên hiên nhà, thân đã bị rêu bám đầy vốc nước lên tay, dòng nước mát lạnh hòa lẫn cùng lệ tuôn rơi. Nước lạnh thấm vào da, nhưng chẳng thể nào làm xoa dịu được ngọn lửa của những kí ức thuở nào đang kéo nhau ùa về. Tại sao tôi đã chẳng mảy may quan tâm đến dì trong những năm qua, cho đến khi phát hiện dì đã ở bên ngưỡng sau của chặng đường nhân sinh? Dì đã từng bảo tôi rằng vạn sự trên đời này đều có giới hạn, vậy nên điều quan trọng nhất ta làm được là hãy trân trọng nó, làm sao cho không hối tiếc ở tương lai. Dì ơi, con hiểu ra rồi! Những năm tháng sau này, con sẽ cố hết sức để ở bên chăm nom dì, như cách dì đã làm cho con vậy.
Bàn ăn gỗ nhỏ với những món thân quen, nồi cơm nóng hổi bốc khói nghi ngút cùng cá rô kho tộ, rau muống xào và canh chua. Bao năm dù cảnh vật có biến chuyển, giang sơn có đổi dời, dì vẫn không quên được thói quen nhỏ của tôi. Nhìn tô cá có màu đỏ của ớt, đáy lòng tôi như thắt lại, liền bưng chén xới cơm cho dì:
- Con mời dì ăn cơm.
Dì tôi không nói gì, nhưng tay cầm đũa đã nhanh nhẹn gắp khứa cá vào chén tôi.
- Ăn nhiều vô con, món này con thích nhất mà. Ở trên đó có ăn uống đàng hoàng hông mà thấy con ốm hẳn đi?
Tôi cười, không trả lời vì sợ dì thêm lo. Giờ phút này tôi mới thấm thía lời của các cô chú lớn tuổi làm cùng phòng, rằng đôi lúc hạnh phúc chỉ đơn giản là một bữa cơm có rau có cá, và có người thân yêu của mình.
Thời tiết ở Phú Tân mùa này khô ráo, vào buổi tối hay có gió. Tôi ngồi ở ghế đá cùng dì, trên bàn là trà dì pha, ôn lại những chuyện xưa.
- Lần này con về ở lâu hông con?
- Con ở hết Tết rồi quay về Sài Gòn báo cáo với sếp dì ạ… Nhưng con sẽ thường xuyên về thăm dì, dì đừng buồn con nhen.
- Có chi đâu mà buồn hở con. Con gái lớn có nhiều cơ hội thành công hơn dì càng vui chớ, chỉ cần con sống hạnh phúc và trân trọng những gì mình có, đó chính là món quà lớn nhất dì có thể nhận được.
Bầu trời đêm nay đầy sao, nhiều như những yêu thương dì góp nhặt dành cho tôi. Tôi thở dài cúi xuống nhìn đôi chân mình, rồi lại ngẩng đầu ngắm nghía những vì sao. Trong lòng tôi cảm khái, nếu như dì hóa thành vì tinh tú trên dải ngân hà, ắt hẳn nó phải tỏa sáng nhất, vì dì xứng đáng như thế. Thời gian khẽ trôi, sau lúc lâu thấy tôi chìm trong sự im ắng, dì lại lên tiếng:
- Mai nhà mình bắt đầu sửa soạn trang hoàng nhà cửa con nhen. Mấy năm rồi dì cháu mình mới được đón Tết cùng nhau, dì phải làm một cái thật to.
Rồi dì cười, một giọng cười nhẹ nhàng và ấm áp mà lâu rồi tôi mới được nghe. Tôi không rõ mình đã chìm vào giấc ngủ lúc nào giữa đêm khuya tĩnh lặng, nhưng tôi biết rằng dì vẫn đợi cho đến khi tôi thiêm thiếp, rồi cẩn thận đắp mền cho tôi, dì mới yên lòng về phòng nghỉ ngơi.
Những ngày cuối năm, không khí Tết đã xâm chiếm hết các ngõ ngách của xóm nhỏ. Nhà nhà ai cũng tất bật dọn dẹp, quét tước để chào đón một mùa xuân nữa lại về. Tiếng chổi quét sân hòa cùng tiếng cười đùa của trẻ con những nhà hàng xóm nghe rộn rã làm sao! Khi ánh chiều tà dần buông xuống trên những con sông uốn lượn nơi Phú Tân, không gian như được nhuộm bởi màu vàng pha cùng sắc hồng, cảnh quan dịu dàng và thơ mộng ấy có vẻ như đang níu kéo con người ở lại thưởng thức nó lâu hơn một chút. Những tia nắng cuối cùng của ngày chơi đùa nhảy nhót cùng làn nước trong xanh, tạo nên các vệt sáng lung linh ngộ nghĩnh. Cảnh vật xung quanh giờ đây là một bức họa thiên nhiên huyền bí, gió thổi nhè nhẹ mang theo tiếng kêu râm ran của bầy chim về tổ dần lắng lại nhường chỗ cho màn đêm đang xuống. Tiếng dì Thúy gọi tôi vang lên từ căn bếp nhỏ:
- Phương đâu rồi con? Lại đây dì chỉ gói bánh tét nè con.
Tôi hối hả đi đến. Trên gian bếp thoang thoảng mùi nếp mới, dì đang bày biện các thứ nguyên liệu để làm phần nhân bánh gồm thịt ba chỉ đã được ướp gia vị và đậu xanh nghiền nhuyễn.
- Con trụng lá chuối sơ qua nước sôi trước để khi gói bánh lá sẽ mềm và dẻo hơn nhen.
Theo lời của dì, tôi cho từng tàu lá chuối xanh lớn, bóng bẩy, tỏa ra mùi thơm nồng nàn của cây chuối sau vườn vào nồi nước sôi ùng ục. Tiếng nước sôi lèo xèo khi lá chuối chạm vào làm cho gác bếp của dì cháu tôi càng thêm sinh động. Khi lá chuối đã mềm và chuyển sang một màu xanh đậm, tôi dùng đôi đũa dài nhẹ nhàng vớt ra, đặt lên rổ tre dì Thúy đã để sẵn đó cho ráo nước. Những giọt nước lấp lánh nhỏ từ tàu lá xanh tựa như giọt lệ trời đọng lại buổi sương mai khiến lòng người xao xuyến mấy hồi. Đang thẫn thờ vì cái đẹp ấy, dì tôi lên tiếng cắt ngang:
- Giờ dì cháu ta cùng nhau gói bánh nhen. Con đem rổ lá chuối lại đây rồi dùng khăn lau qua lần nữa nhé.
Trên chiếc bàn gỗ cũ, thịt heo và đậu xanh được dì để sang một bên nhường chỗ cho miếng lá chuối. Dì trải một lớp gạo nếp đều lên trên, tiếp theo là lớp đậu xanh, một miếng thịt ba chỉ được cắt vừa, rồi lại đậu và lớp nếp ôm trọn các nguyên liệu bên trong. Tôi chăm chú nhìn theo và ghi nhớ kĩ lưỡng. Dưới đôi bàn tay khéo léo của dì, bánh tét được cuộn tròn lại, gói thành hình trụ dài, dùng dây lạt buộc chặt, trông vừa đẹp mắt vừa chắc chắn.
- Công đoạn gói bánh lại cần dùng nhiều sức nhất, bánh phải gói chặt và chắc, đảm bảo nhân không bị vỡ ra con ạ.
Tiếp đến dì cẩn thận xếp từng chiếc bánh vào nồi lớn, dưới cùng là một lớp lá chuối, dì bảo làm thế sẽ tránh bánh bị cháy. Dì lại đổ ngập nước cả nồi và bắc lên đống củi đã được nhóm lửa trước đó. Lúc này có tiếng gọi to từ ngoài cổng cùng tiếng chó sủa phá tan sự thanh tĩnh của màn đêm:
- Dì Thúy ơi! Dì có nhà hông?
- Phương à, con ra cổng xem ai đến kìa!
Tôi chạy tức tốc ra cổng, người phụ nữ với mái tóc đen dài và dày ấy tay dắt một bé trai khoảng tám tuổi, thảng thốt gọi:
- Tôi không nhìn lầm ấy chớ?! Cái Phương về hồi nào vậy?
- Ủa chị Quỳnh, vậy mà nãy em không nhận ra giọng chị… Cu này là?
Chị Quỳnh trả lời tôi với một vẻ mặt không tin cho mấy:
- Thằng Hòa con chị chớ ai? Em đi có mấy năm mà dìa quên hết trơn.
Tôi cười trừ giấu đi vẻ lúng túng. Thực sự, công việc ở Sài Gòn quá bận rộn khiến tôi thường xuyên thức khuya, điều này cũng dần ảnh hưởng đến trí nhớ tôi. Chị Quỳnh lại kêu:
- Dì Thúy xem này, cái Phương quên cu Hòa nhà em luôn rồi!
Tiếng dì tôi cười lớn vọng ra từ trong bếp. Thằng Hòa bước lại níu tay tôi:
- Chị hổng nhớ hồi em còn nhỏ, chị hay gấp máy bay cho em chơi sao…?
Lúc này tôi mới chợt nhớ lại. Thời còn “trẻ” ai chẳng ham chơi? Tôi nhớ khi thằng bé bốn tuổi, tôi thường sang nhà chị Quỳnh “bắt cóc” nó rồi hai chị em lại ra đầu ngõ hái ổi ăn, có khi lên đồng thả diều, bắn chim hay bắt cào cào. Tôi lại nhớ mới khi nào nó còn bám chân tôi, giờ đây đã cao đến vai tôi, đôi mắt đen láy nhìn tôi chăm chú. Tôi cầm tay Hòa, dúi cho thằng nhỏ một cục kẹo đậu phộng an ủi:
- Ha ha, cho em kẹo nè. Hôm nào chị lại dẫn em đi thả diều nhen.
Thằng Hòa dẫu là con trai, nhưng theo “lịch sử” qua nhà chăm nó với chị Quỳnh, tôi đánh giá thằng bé không chỉ ngoan mà còn rất nghe lời. Nó có quậy, nhưng luôn biết dừng đúng lúc và biết nhận lỗi khi sai. Cũng không bất ngờ mấy, chị Quỳnh mẹ nó trước khi về đây sinh con đã từng làm giáo viên trên thành phố, sau cùng lại chọn về quê sống và làm ăn vì theo chị, “nơi đất mẹ dẫu có đi xa vẫn hoài nhớ nhung, làm sao mà bỏ được”. Chồng chị là bộ đội, quanh năm về nhà được có mấy lần, nhà chị lại sát nhà dì tôi, chúng tôi thân nhau như ruột thịt cũng là điều hiển nhiên. Nhớ khi thằng Hòa còn nhỏ, tôi hay qua giúp chị trông chừng nó, còn chị lại kèm tôi việc học. Kiến thức những năm cấp ba rất nặng, nhờ chị giảng dạy mà tôi đỡ được nhiều khoản tốn kém phải đi đến các trung tâm dạy thêm, khi toàn bộ chi phí học hành và sinh hoạt của tôi đều do dì lo liệu. Nghĩ lại mới thấy cuộc đời đôi khi như một ly rượu đắng, mỗi ngụm đều mang vị chua chát của những vết sẹo không thể xóa nhòa. Gia đình tôi chuyển lên Sài Gòn sống từ năm tôi ba tuổi. Cho đến khi tôi tròn sáu tuổi, tía tôi có quan hệ ngoài luồng khiến má tôi đau lòng mà đành bỏ mặc tôi lại giữa đời. Chính lúc khó khăn vây quanh thế, dì – lúc bấy giờ là em gái ruột của má tôi, không nỡ nhìn tôi côi cút thế, đã nhận nuôi và đem tôi về mảnh đất ruột mà mình đã rời xa từ thuở nhỏ. Tôi mãi tạc ghi câu đầu tiên dì nói khi tôi về Phú Tân, rằng mỗi bước đi trên con đường cuộc sống đều lót bằng những mảnh vụn của hy vọng đã bị dập tắt, tạo nên một hành trình đầy những vết thương không thể chữa lành, nhưng chính trong những nỗi đau đó lại nảy nở những chồi non của sự kiên cường và lòng tin vào ngày mai tươi sáng. Câu nói ấy đã không ít lần vực dậy tôi trên con đường trưởng thành đầy sỏi đá lởm chởm.
- Mấy chị em nói chuyện gì vui vậy ta? Vô nhà đi kìa chớ.
Tiếng dì tôi hỏi, tôi đoán chắc dì đã xong khâu làm bánh rồi đây. Đêm nay là giao thừa nhưng xóm nhỏ khá êm đềm, nhà chị Quỳnh vì cũng chỉ có hai mẹ con nên ngủ lại nhà tôi cho đỡ buồn. Dì Thúy dặn tôi canh nồi bánh tét, lâu lâu cứ châm vài cây củi vào, cạn nước lại đổ thêm, còn dì với chị Quỳnh vào nhà hàn huyên tâm sự. Thằng Hòa thấy tôi có một mình, như hồi nhỏ cứ sợ tôi buồn nên chạy ra bắc cái ghế ngồi cùng tôi.
- Khuya nay em ở đây phụ chị canh nồi bánh nhen. Mấy năm chị học ở Sài Gòn Tết nào em cũng phụ má hết đó, chị cứ tin em!
Rồi thằng bé vỗ ngực rất tự tin. Tôi phì cười vì sự dễ thương của nó, chợt thấy thế gian có lắm lúc yên bình là khi ta nhìn vào nụ cười trẻ thơ, rồi lại tự mình bật cười. Tôi vuốt nhẹ tóc nó, khen thầm sao thằng bé lại ngoan như vậy. Hòa bất chợt hỏi, đôi mắt sáng ngời nhìn tôi:
- Chị Ổi ơi, chị làm việc trên đó ở một mình có thấy buồn hông?
Tôi không ngờ thằng cu mới ngày nào còn vòi tôi hái ổi cho ăn (và thằng bé đến giờ vẫn hay gọi tôi bằng cái biệt danh đầy “thân thương” là chị Ổi) giờ đã có suy nghĩ thấu đáo hơn thế này rồi.
- Có chớ em, tuy ở chốn phồn hoa đô thị người nhiều nhưng ai cũng có cuộc sống riêng của mình mà, có lúc em còn gặp phải những người khó tính, họ nhìn mình bằng nhiều ánh mắt lắm. Nói vậy thôi chứ ở đâu cũng có người này người khác, chị thì vẫn yêu người ở quê mình nhất.
Thằng Hòa gật gù tỏ vẻ đã hiểu, nó vươn tay chạm con Bạch Tuyết nằm dưới chân (thật ra vì bộ lông trắng muốt mà tôi đặt tên nó như vậy). Ánh trăng lấp lánh trên cao soi sáng hai bóng dáng chúng tôi, có vẻ bình yên đến lạ. Tiếng sôi sùng sục của nồi bánh tét trên bếp than sinh động đến nỗi có thể tạo ra một bản hòa âm riêng biệt, nhịp nhàng vỗ vào những chiếc bánh tét gói chặt tay. Cái tiếng rền rã ấy như một lời thì thầm nhắc nhở về lòng kiên nhẫn, về công sức mà con người phải bỏ ra để có được những chiếc bánh ngon lành đậm hương vị Tết Việt. Tôi nằm trên võng đung đưa, chợt nhớ ra mình còn phải làm việc sếp giao.
- Hòa nè, hôm nào chị dẫn em ra đồng chơi nhé.
Tôi vừa dứt lời, thằng bé đã ôm tay tôi, như hồi nhỏ tôi vẫn ôm nó, rồi gật đầu lia lịa chỉ sợ tôi đổi ý.
- Chị nhớ đó nhen.
Lúc ấy, ngoài cổng lại vang lên tiếng con Đen sủa. Tôi và thằng Hòa chạy ra xem thì chạm mặt với một người đàn ông cao ráo, tầm khoảng 40 tuổi, do trời tối nên tôi không nhìn rõ dung nhan. Anh ấy lên tiếng trước:
- Phương đấy hở em? Chị Quỳnh nhà anh có bên nhà em không?
Tôi đã không kịp phản ứng thì thôi đi, nhưng đằng này thằng Hòa còn ngẩn tò te hơn cả tôi. Nó há miệng, chạy tới người đàn ông, ôm chầm lấy anh.
- Tía ơi! Tía hổng thấy con sao?
Bấy giờ tôi mới hoàn hồn, nghe thằng Hòa nói xong mới hiểu. Đây là người tía ít gặp mặt của nó đây mà! Thú thật trong những năm tôi sống cùng dì tôi, tôi gặp tía nó không quá mười lần. Có lẽ anh được nghỉ phép nhân dịp Tết nên đã tranh thủ về nhà thăm vợ con đây.
- Trời! Anh về khi nào đấy anh Hùng? Lâu quá không gặp rồi.
- Anh vừa về đến lúc nãy, cả nhà không thấy ai, anh nghĩ chắc hai mẹ con lại qua nhà dì em nên mới sang đây nè.
Tôi bảo anh vào nhà. Giờ này chắc dì tôi với chị Quỳnh chưa ngủ đâu nhỉ, nói rồi tôi chạy vào trong gọi họ ra. Lúc chúng tôi ra, thấy hai cha con ôm nhau một hồi lâu, thằng Hòa còn hỏi anh Hùng có đem gì về cho nó không, rồi anh lại lấy ra quyển sổ nhỏ đưa nó. Chị Quỳnh khẽ gọi:
- Hai tía con thương nhau quá ta!
Mọi người đều cười. Lát sau hai vợ chồng họ về nhà, còn thằng Hòa vì lấy lí do muốn canh nồi bánh với tôi nên đã được ở lại.
Sáng mùng một Tết, khu xóm nhỏ đã vơi đi phần nào sự vắng lặng. Mấy đứa nhỏ đi qua các nhà lân cận chúc Tết và nhận lì xì mừng tuổi. Tôi thay bộ quần áo mang màu sắc tươi mới, cùng dì dọn mâm cơm cúng tổ tiên. Lát sau dì lại bảo tôi qua nhà chị Quỳnh trước, dì dọn dẹp tí rồi sẽ qua. Tôi đem bao lì xì đỏ, vơ đại cái nón lá của dì, bước một mạch ra cổng. Con Vàng thấy tôi đi liền chạy theo. Chúng nó cũng thân với nhà thằng Hòa như tôi và dì.
Vào đến nhà chị Quỳnh, tôi thấy chị đang lúi húi dọn đồ dâng lên ông bà. Thằng Hòa chạy xốn xắng, lúc thì mang chén dĩa, lúc thì bưng cơm canh… Tôi cởi nón, để đôi dép lào ở dưới bậc thềm, ngồi trên phản gỗ ngân nga một điệu nhạc không rõ của ai và tên gì. Hai mẹ con làm xong công chuyện, thấy tôi thì phấn khởi. Thằng Hòa reo lên:
- Chị Ổi qua lì xì cho con nè má ơi!
Tôi bật cười, lấy bao lì xì trong túi ra đưa nó:
- Chị chúc em tuổi mới mau lớn, học giỏi và chăm ngoan nhen.
Thằng nhỏ nhận bằng hai tay, miệng cười khúc khích.
- Em cảm ơn chị Ổi nhiều ạ. Hòa chúc chị ngày càng xinh đẹp, được lên chức trong công việc và…
Tới đây, Hòa đột nhiên ngập ngừng. Tôi ghé xuống nhìn nó, rồi nó lại cất lời:
- Chị sẽ thường về đây chơi rồi thăm em với má em nữa, à còn dì Thúy nữa. Những ngày chị không có nhà, em thấy dì nhớ chị lắm.
- Chị biết rồi, Hòa ngoan quá!
Lát sau dì tôi qua, thế là chị Quỳnh dọn cơm ra, còn có cả anh Hùng, năm người chúng tôi trò chuyện vui vẻ. Lúc giờ tôi mới nhìn rõ anh Hùng, một người có khuôn mặt vuông chữ điền, làn da rám nắng, sạm màu bởi những ngày phơi mình dưới gió và ánh mặt trời. Anh kể cho chúng tôi nghe về những lúc gian khổ nơi núi rừng hiểm trở, khiến tôi đột nhiên thấy công việc của mình vẫn còn sung sướng chán. Bữa cơm trưa mùng một trôi qua một cách êm ả.
Chiều hôm ấy, tôi dẫn Hòa ra đồng chơi. Gió nhẹ thổi qua, làm những bông lúa lắc lư như chào đón mùa xuân mới. Thằng cu vui vẻ chạy quanh đó, mắt sáng lên khi thấy vài con cào cào, đưa tay định bắt. Tôi cầm máy ảnh, tranh thủ chụp lại khung cảnh an yên vùng quê để còn có tư liệu làm kí sự sếp giao. Lúc sau, tôi chợt nhớ ra vài điều nên đã bảo thằng Hòa:
- Hòa ơi! Em chạy về nhà chị đem giấy báo cũ lại đây đi, chị có trò này hay lắm nè.
Thằng bé ngay tức khắc chạy đi, lúc quay lại, tay nó cầm mấy tờ báo cũ mà dì tôi đã đọc xong rồi bỏ trong kho. Nó thở hồng hộc, chống hai tay lên đùi hỏi tôi:
- Chị định làm gì vậy chị Ổi?
Tôi cười tỏ vẻ bí ẩn rồi đi sang khu đất trống gần đó. Tay nhặt vài nhánh tre khô nằm vương vãi trên bờ ruộng, tôi quyết định sẽ làm một cái diều! Thằng Hòa chạy lại, tôi biết là không thể giấu được nó, nên thôi cứ để nó phụ gì hay đó vậy. Tôi vừa tỉ mỉ uốn rồi vót nhánh tre thành thanh nhỏ để làm khung diều, vừa hồi tưởng về thời chân ướt chân ráo lên đại học của mình, lúc ấy dù bận tối mày tối mặt với việc đi làm thêm và học trên trường nhưng tôi vẫn có thời gian về thăm dì. Cũng nhờ đó mà tôi với thằng Hòa - lúc ấy nó chỉ mới bốn tuổi - đã tạo nên những hồi ức không thể nào quên được. Ở kế bên, thằng Hòa đã cắt xong áo cho chiếc diều. Ít phút sau, tôi cùng Hòa đã hoàn tất cái diều nhỏ đơn sơ, mộc mạc như thuở nào. Thằng Hòa đã cầm sẵn dây, nó hét:
- Chị giữ nhé, em chuẩn bị chạy đây!
Nó hít một hơi thật sâu rồi chạy ra xa. Chiếc diều từ từ nhấc khỏi mặt đất, chao đảo vài lần trong gió trước khi ổn định và bắt đầu vút lên cao, phấp phới giữa bầu trời hoàng hôn đỏ rực.
- Diều bay rồi!
Tiếng thằng Hòa reo lên vui sướng. Tôi nhìn theo, lòng như nhẹ nhõm mấy phần. Cảm giác những lo toan, bộn bề của cuộc sống thành thị đã được chiếc diều cuốn trôi theo lượn vòng trên trời. Hai chị em tôi đứng cạnh nhau mà im lặng một cách "bất thường". Có lẽ ai cũng có những suy ngẫm của riêng mình. Thằng Hòa nắm chặt sợi dây, nhìn gió đưa chiếc diều đi xa mãi. Trong khoảnh khắc ấy, dường như không chỉ tôi, mà thằng Hòa cũng vậy, được trở về với ký ức tuổi thơ, nơi niềm vui chỉ đơn giản là những buổi chiều rong ruổi trên cánh đồng cùng con diều nhỏ, thanh bình đến lạ. Chơi một lúc lâu, thằng Hòa đề nghị kéo diều về và ra cây ổi. Nó nói đã thèm mùi vị của những trái ổi đầu ngõ lắm rồi! Hai chị em lại bước chậm rãi về. Trước mắt giờ đây là cây ổi to đứng đó, sừng sững và xòe bóng mát, từng chùm trái xanh lấp ló sau tán lá dày. Những trái ổi ở đây không quá to nhưng chắc nịch, hứa hẹn vị ngọt thanh đậm đà như cái tình người miền quê. Thằng Hòa định leo lên hái nhưng tôi đã cản nó lại, vì sợ nó trượt chân té ngã. Tôi khẽ nói:
- Dưới đây có mấy chùm lận nè, chị vươn tay là hái được rồi, không cần phải leo lên đâu.
Nói rồi tôi vươn thẳng tay, hơi nhón chân một chút, tay luồn qua mấy tán lá rồi hái những trái ổi chín. Hòa cười khúc khích, nhanh nhẹn đứng cạnh tôi chìa tay sẵn ra. Chị em tôi hay có những thói quen riêng biệt mà chỉ hai người biết, chẳng hạn như khi đi hái ổi, tôi sẽ phụ trách hái còn nó đưa tay ra đợi tôi đưa xuống rồi ôm hết cả một đống. Tôi bẻ thêm mấy trái, mắt nhìn qua thấy thằng Hòa ôm không xuể nên đã dừng hái lại. Chúng tôi ngồi xuống bên gốc cây, lặng lẽ nhấm nháp từng miếng ổi giòn tan, ngọt dịu. Chợt nó reo lên:
- Em thấy thiếu thiếu cái gì đó á chị... À nhớ rồi, là muối Tây Ninh!
Nó chạy vọt về nhà, lát sau tay cầm theo hũ muối nhỏ. Sau khi rắc lên miếng ổi của mình xong, nó đưa tôi, miệng đã nhai rộp rộp. Hai chị em tôi cười vui, thằng Hòa cười đến nỗi xém mắc nghẹn, tôi vỗ vào lưng nó mấy cái hên là không sao.
- Chị coi nè, mấy trái ổi này vẫn ngọt như hồi chị dẫn em ra đây lần đầu vậy đó.
- Ừ, chắc tại nó cũng "ngấm" cái tình mình dành cho nó rồi đấy.
Cả hai lại bật cười, tiếng cười rôm rả hòa vào làn gió chiều nhẹ nhàng, phảng phất hương ổi và mùi đất quê hương, cùng tiếng bầy chim bay về tổ, mang theo cả một trời thương nhớ và bình yên.
Tết qua, tôi phải chào tạm biệt dì tôi, chị Quỳnh và cả thằng Hoà để quay lại Sài Gòn. Trước lúc đi, thằng nhỏ bịn rịn ôm tay tôi lúc lâu, nó không khóc, như thể đang cho tôi thấy rằng “con trai lớn rồi không khóc, nếu khóc sẽ bị cười vào mặt” vậy. Tôi cười lớn, rồi chào hai mẹ con nó. Dì tôi đưa tôi ra bến xe, dặn tôi đủ thứ trên đời. Tôi ôm dì, bảo rằng sẽ sắp xếp thời gian để về thăm dì, và thăm cả mảnh đất này nhiều hơn.
Bài kí sự của tôi được sếp phê duyệt ngay từ lần đầu chị xem qua, và chị nói rằng chị tin tôi sẽ thành công. Chính tôi cũng mong là thế. Sau khi phát hành vài tuần, một giám đốc công ty nổi tiếng đã tìm đến tòa soạn của tôi, nói muốn gặp tôi. Chị Tuệ vui vẻ đón tiếp ông, rồi sắp xếp một cuộc hẹn. Cái hôm tôi trò chuyện cùng ông, tôi cho rằng đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Bạn biết vì sao không? Vì ông bảo rằng có vài người bạn đang muốn đầu tư vào các vùng nông thôn còn nghèo, chính ông cũng vậy. Ông cảm thấy thực sự hứng thú với ý tưởng mà tôi đề cập trên bài viết của mình, và đánh giá cao cách tôi truyền tải cảm xúc qua ngòi bút. Sau cuộc trò chuyện đó, tôi thấy mình như được tiếp thêm một trăm phần trăm sức mạnh, để có thể tiếp tục công việc của mình, một cách yêu đời như thế. Tôi gọi điện cho dì để thông báo tin vui này, dì cũng nói đã đọc qua bài tôi viết và chúc mừng tôi rất nhiệt liệt. Dì còn bảo sẽ kể cho chị Quỳnh và thằng Hòa nghe để “vui lây”. Sau đó, sếp tôi cũng đồng ý lời mời của người giám đốc là để tôi làm “hướng dẫn viên du lịch” về Phú Tân cho ông. Chị đã dành cho tôi một tháng, không chỉ để giới thiệu làng mạc quê hương cho ông ấy, mà còn để tôi được nghỉ ngơi sau những nỗ lực đã được hồi đáp. Thêm một tin nữa khiến tôi sốc không ngừng, ông giám đốc ấy quê ở Cà Mau luôn cơ! Thế mà giờ chị sếp mới nói tôi nghe. Thảo nào chú ấy lại cười không ngớt khi nghe tôi kể về quê mình. Và rồi, tháng Tư năm đó, tôi lại xuất phát về Phú Tân, vẫn là cô gái mang nhiều hoài bão và ước mơ trong lòng.
Dưới ánh nắng dịu nhẹ và bầu trời xanh trong vắt của buổi sáng hôm sau, tôi và thằng Hòa đã có mặt tại một quán ăn nhỏ gần chợ, vì chúng tôi đến sớm vẫn chưa kịp ăn gì, nên tôi đã mua hai ổ bánh mì rồi hai chị em ngồi "gặm". Khi ông giám đốc đến, chúng tôi vừa kịp ăn xong. Hôm nay, hai đứa tôi tự nguyện trở thành "hướng dẫn viên du lịch" cho vị khách đặc biệt này. Đáng nhẽ chỉ có mỗi tôi thôi, nhưng vì thấy càng đông càng vui nên tôi đã rủ rê thêm Hòa. Vẻ mặt nó lộ rõ sự phấn khởi, chỉ chực chờ được giới thiệu về quê mình. Tôi cười, trêu nó:
- Nào, anh chàng hướng dẫn viên nhỏ của chúng ta, bắt đầu đi thôi!
Hòa tự tin hắng giọng, bắt đầu hành trình với những lời giới thiệu đầy nhiệt huyết. Từ con đường trải dài bóng cây đến những cánh đồng xanh mướt, những ruộng lúa vàng óng đang vào vụ gặt, hương lúa thơm dịu nhẹ thoảng qua theo làn gió, rồi đến các con sông chảy dài êm ả, mọi thứ qua lời kể của Hòa đã trở thành một bức tranh sống động, chân thật. Ông giám đốc tỏ vẻ vô cùng hứng thú với "người bạn nhỏ" này. Trong lúc thằng Hòa đi trước và mải mê bắt bướm, tôi kể thêm cho ông về các ngư dân ở đây và cách họ ra khơi đánh bắt thủy sản:
- Ở đây, ngư dân thường bắt đầu chuẩn bị từ tờ mờ sáng, kiểm tra lưới và các thiết bị trước khi ra khơi. Đa số bà con ra biển theo nhóm, thường thì từ 4 đến 7 người cùng nhau, có người lo chèo lái, có người lo việc kéo lưới.
Thấy ông vẫn theo dõi chăm chú, tôi bèn tiếp lời:
- Chuyến đi thường kéo dài khoảng vài tuần, tùy vào điều kiện thời tiết và mùa vụ. Mỗi chuyến về là cả gia đình trông ngóng, vì nó không chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền mà còn là cả đời sống tinh thần của ngư dân nơi đây. Theo con, biển không chỉ là nguồn sống, mà còn là một phần linh hồn của họ chú ạ.
Ông mỉm cười, dường như ông cảm nhận được sự sâu sắc qua lời nói của tôi. Ông nhẹ nhàng nói:
- Nghe con chia sẻ, chú thấy mỗi con sóng ở đây như gói ghém bao nỗi niềm và hy vọng của bà con ngư dân. Quả là một cuộc sống đầy gian lao nhưng cũng thật đáng tự hào.
Đi qua cây cầu, cả ba tiếp tục tiến đến chợ Cái Đôi Vàm – một trong những khu chợ nổi tiếng nhất của huyện. Tiếng người rao bán, tiếng mời chào hòa cùng mùi thơm từ các món ăn và hàng hóa tấp nập khiến nơi đây thêm phần sinh động. Thằng Hòa không giấu được vẻ tự hào khi kể:
- Con xin giới thiệu với chú, đây là chợ Cái Đôi Vàm, chỗ nào bán hải sản cũng tươi ngon, cua, tôm, cá vừa bắt xong là đem ra đây ngay. Mắm cá ở đây cũng là thứ chú phải thử, nổi tiếng khắp vùng luôn đó.
Ông giám đốc, với ánh mắt đầy sự ngưỡng mộ, ông lại xoa đầu nó rồi nhìn tôi nói:
- Hai chị em dẫn dắt tốt lắm, đúng là những người con ruột thịt của nơi đây. Chú từ hồi học cấp hai đã phải lên thành phố, mãi đến giờ mới có cơ hội trở về. Khi rời xa quê lâu dần, mới thấy chẳng đâu bằng quê mình con ạ! Dù cho mảnh đất ấy chưa được phát triển như các thành phố lớn hay vẫn còn nhiều điều kiện thiếu thốn, ta vẫn yêu nó, yêu như tía má ruột của mình các con à.
Chúng tôi tiếp tục dạo bước giữa chợ, cảm nhận hồn quê đậm đà trong từng bước chân. Ông giám đốc qua lời gợi ý của chúng tôi, đã mua món mắm cá, và ông còn đệm thêm một câu: "Lâu quá rồi không ăn, chú thấy nhớ hương vị này lắm!". Thằng Hòa cười toe toét nhìn tôi, trông nó như thể đã hoàn thành được một việc đầy ý nghĩa rồi đây.
Khi còn một tuần nữa quay trở lại Sài Gòn, tôi đã đưa ra ý kiến muốn dì lên đó sống cùng tôi, để tôi được chăm sóc dì những năm tháng tuổi già. Điều khiến tôi bất ngờ nhất là dì không những đồng ý mà còn chuẩn bị đồ đạc mang theo của mình rất nhanh… Sau này, trong một lần sinh nhật của tôi, dì mới hé lộ: “Dì lên trông chừng mày, ở nhà nấu cơm cho ăn, chứ nhìn mấy đứa bây còn trẻ mà ăn uống tạm bợ quá, dì không an tâm”.
Về gia đình chị Quỳnh, tôi vẫn giữ liên lạc nhưng không may, có lần tôi định gọi hỏi chị xem thằng Hòa dạo này sao rồi thì phát hiện không gọi được, giọng nữ nói “Thuê bao quý khách…” rồi tắt. Tôi luống cuống kể dì tôi nghe, dì bảo sẽ thử hỏi thăm mấy nhà xung quanh. Mãi quay cuồng trong công việc bề bộn đã khiến tôi quên béng đi… Nhiều năm sau, khi đã bước vào hàng 40 của tuổi đời, tôi mới hay tin thằng Hòa giờ đã trở thành một phóng viên có năng lực, đang làm việc cho một tòa soạn lớn. Tôi biết được nơi làm việc của nó, bèn đến đó một lần thử vận may. Ngày hôm đó, chúng tôi trò chuyện lâu đến mức không màng thời gian trôi qua. Trong suốt buổi gặp gỡ, tôi mới biết lý do nhà tôi và nhà nó mất liên lạc, là vì chị Quỳnh vô tình làm mất sim điện thoại, không nhớ số tôi và cả dì tôi, nên bẵng qua một thời gian lại phải lo cho nó học đại học mà quên khoáy đi... Tôi lấy hết những suy tư mà mình đã giấu từ lâu trong lòng ra, hỏi nó:
- Thế tại sao em lại chọn nghề phóng viên?
Tôi lại bâng khuâng nhìn nó, cái thằng mà tôi xem như em trai ruột mình, chăm bẵm nó từng chút, mới hồi nào hai chị em còn rủ nhau ra cây ồi to đầu ngõ hái ổi ăn, mà giờ đây nó đã trưởng thành, tự làm chủ cuộc sống của mình được rồi. Tôi uống miếng nước, cảm thán sao đời nó hối hả thế, chậm lại một chút không được à? Thằng Hòa im lặng lúc lâu vẫn chưa lên tiếng, tôi cũng không có ý giục nó, định uống thêm tí nước nữa thì nó chợt nói, mà nói với một giọng tự tin lạ lùng:
- Thật ra... em ngưỡng mộ chị từ hồi lâu rồi. Em thấy chị làm được nhiều điều hay, ý nghĩa quá, rồi giúp được bao người qua những bài viết. Chị là thần tượng của em đấy, không phải đùa đâu. Em luôn nghĩ nếu một ngày mình cũng có thể dùng ngòi bút để kể nên câu chuyện của những người xung quanh, để thắp nên tia sáng cho ai đó hay chỉ đơn giản là ngợi ca quê hương mình, đó cũng là một công việc đáng tự hào với em rồi.
Tôi gật đầu, lặng lẽ nghe nó nói tiếp:
- Qua cái lần Tết đầu tiên chị về sau khi học mấy năm ở Sài Gòn, em càng kiên định hơn với mục tiêu của mình. Còn nữa, chị có nhớ cũng lần Tết đó, tía em về, lúc ấy tía đưa em một cuốn sổ nhỏ không? Trong đó cũng không có gì cao siêu, chỉ là vài dòng lưu bút bày tỏ sự quý mến của tía với những người làm báo. Tía em yêu những câu chuyện về con người Việt Nam lắm. Tía còn bảo đã từng đọc bài báo của chị, khen chị viết nhân văn lắm cơ!
Nó thở dài một cái, uống ngụm cà phê rồi tiếp tục nói:
- Nếu không có chị, cũng không có những lời của tía, em e rằng mình không được như bây giờ đâu. Chị Phương, cảm ơn chị nhiều lắm.
Tôi ôm nó, một cái ôm thật chặt đã lâu không có được. Nhưng tôi có thể đã quên, cuộc đời là một cuốn sách chưa hoàn chỉnh, với từng trang mở ra đều là những chương mới đầy biến động và bất ngờ, không ai biết được cốt truyện của chính mình. Một hôm nọ, Hòa gọi điện bảo nó sẽ có chuyến công tác đến miền núi nào đó, tôi không nghe rõ tên, nhưng cũng chúc nó thượng lộ bình an. Mấy ngày sau, tôi đã hoàn thành xong vài công việc nên về sớm xem chương trình tivi cùng dì tôi, định bụng sẽ để mình thư giãn đôi chút. Một đoạn tin tức khẩn cấp với hình ảnh những đống đổ nát, bùn đất và nhiều nhân viên cứu hộ đang khẩn trương làm việc. Giọng nói của người dẫn chương trình càng trở nên nghiêm trọng hơn với cụm từ “tai nạn thương tâm” lặp đi lặp lại. Đột nhiên, tên thằng Hòa xuất hiện trên màn hình. Tôi giật nảy mình, lúc đó dì tôi cũng như tôi, hai dì cháu quay sang nhìn nhau. Rồi người dẫn chương trình tiếp tục với thông tin: “Phóng viên Lê Quang Hòa, đã dũng cảm cứu một đứa trẻ khỏi trận sạt lở. Tuy nhiên, trong lúc cố gắng đưa đứa trẻ đến nơi an toàn, anh đã không kịp chạy khỏi khối đất đá đổ xuống. Phóng viên Hòa hy sinh để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng nghiệp và những người biết đến anh qua các bài báo đầy tâm huyết của mình…”. Nghe những lời ấy, tôi có cảm giác trái tim mình như bị bóp nghẹt. Tôi không tin! Nhưng dù cho thế nào, những hình ảnh về trận sạt lở ấy, rồi cái tên Hòa cứ lởn vởn trong đầu tôi. Dường như có một trận bão lớn đến cuốn trôi đi hết mọi sự bình yên còn lại trong tôi. Tôi cố gắng thở đều, chộp lấy cái điều khiển ti vi, định chuyển sang kênh khác nhưng không tài nào làm được. Những cảnh phim vui vẻ về thằng Hòa, với ánh mắt lúc nào cũng hiện lên niềm tin, hy vọng vào tương lai, giờ đây chỉ còn là ký ức xa vời, gợi nhắc lên nỗi đau thương mất mát không thể nào bù đắp. Tôi cứ mãi thẫn thờ như vậy, nếu dì tôi không lay vai tôi, có lẽ tôi sẽ ngồi cả đêm ở đó. Vài hôm sau, dì tôi ra bến xe về quê một chuyến. Dì về xem chị Quỳnh thế nào, rồi giúp chị ấy tổ chức mai táng cho đứa em xấu số của tôi. Tôi thấy xót xa và thương chị vô cùng, vì giờ chị chỉ còn một thân một mình. Sau khi sắp xếp công việc, tôi mới xách đồ trở về quê. Lúc tôi về, kịp tiễn Hòa đi đoạn cuối. Chị Quỳnh mẹ nó và dì tôi có vẻ như đang rơm rớm nước mắt, riêng tôi thì không. Nào, không phải tôi vô cảm đâu. Thằng bé không thích khóc, tới cả lần nó tiễn tôi về thành phố sau Tết, cũng cố thể hiện nét mặt bình thường không chút gợn sóng ra, như thể người khóc là người yếu đuối vậy. Chà chà, nói vậy thôi, nó không khóc trước mặt tôi vì sợ tôi không nỡ mà về để tiếp tục công việc ấy chứ!
Tôi và dì quyết định ở lại Phú Tân thêm một tuần. Không có gì làm, tôi mang dép ra ngoài đi dạo một phen. Chiều hoàng hôn buông xuống, ánh vàng nhạt trải dài trên những cánh đồng xanh mướt của Phú Tân. Tôi đi dọc theo con đường quen thuộc ra đến gốc ổi già, hơi gió thoảng nhẹ từ đồng ruộng thồi qua, làm rơi xuống vài chiếc lá khô. Tôi dừng chân ở cây ổi, nơi những kỷ niệm và câu chuyện xưa cũ đã tạc sâu vào từng nhành cây.
Dưới những tia sáng lấp lánh của lúc chạng vạng, tôi thấy một bóng dáng quen thuộc. Cậu bé tám tuổi với nụ cười tươi và đôi mắt sáng ngời đầy hy vọng đang nhìn tôi, vẫy tay chào và chạy về phía tôi. Chớp mắt một cái, cảm nhận hơi gió vương qua làn da, mở mắt ra đã không thấy cậu đâu nữa. Có lẽ cậu đã tan biến vào hư vô. Tôi bước đến cây ổi, hái một trái, nhìn sang để tìm ai đó đợi mình, nhưng chẳng thấy ai. Quay lại nơi cậu đứng lúc nãy, tôi thở dài một tiếng, tay cầm trái ổi xanh thì thầm một câu: “Cảm ơn em, Hòa ơi!”.
Bình luận
Chưa có bình luận