“Xin chào”.
Cô gái trong gương mỉm cười tươi rói, cất tiếng chào hân hoan.
“Chào”.
Cô đáp lại, gương mặt thờ ơ không một chút cảm xúc.
“Xin chào!”
Cô gái chào lần thứ hai, cố ý nói to để tạo sự phấn khởi.
“Xin chào”.
Cô lại thờ ơ đáp. Một khoảng lặng giữa hai người, không, 'hai nhân cách' mới đúng.
“Có thể thôi đi không?” Cô phàn nàn, giọng trầm và bực bội. Cô gái trong gương chỉ mỉm cười, rồi lặng lẽ biến mất trong nháy mắt. Buổi sáng nào cũng vậy. Cô phải trò chuyện vài câu với 'cô', mặc dù rõ ràng diện mạo đó thì không thể nào là người khác ngoài cô được. Cùng một cá thể, nhưng lại tồn tại hai nhân cách. Không thể hòa thuận, cũng không thể đồng hóa.
Cô rửa mặt đánh răng, chống tay lên bồn rửa mà thở dài. Đến khi nào cô mới thoát khỏi 'cô'? Hiện tượng này thật không thể tin được. Đa nhân cách á? Làm sao một người bình thường như cô lại có thể?
“Nguyệt Lam, em định ở trong đó đến bao giờ?”
Người đàn ông cất tiếng phàn nàn từ bên ngoài cửa phòng tắm. Cô chẳng hề để bụng câu từ khó chịu của anh, vì cô biết anh vốn dĩ đã ăn nói như vậy.
“Em ra ngay đây”.
Nguyệt Lam vừa đáp vừa chỉnh lại tóc tai. Sau khi đã thay đồ, cô mang cặp xách xuống dưới nhà. 'Anh cả' đã ngồi sẵn ở ghế, chờ Nguyệt Lam cùng dùng bữa sáng. Cô không muốn để anh đợi lâu, nên vội ngồi xuống vị trí đối diện anh, rồi cả hai cùng ăn sáng trong im lặng.
Sự im lặng giữa hai người không hề khó chịu hay ngột ngạt, ngược lại rất thư giãn. 'Anh cả' là Vĩ Lệ, nay đã ba mươi lăm tuổi, công việc ổn định và không có ý định kết hôn. Anh là tổng giám đốc của thương hiệu đồ uống Anvy, chuyên về trà và cà phê. Bản thân Vĩ Lệ là một người rất thích uống trà. Những hộp trà trong bếp đều là loại tốt, hỗ trợ sức khỏe và an thần. Anh mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế khá nặng, chỉ một chút bụi dưới gầm bàn cũng khiến anh phát tiết, vì vậy các thành viên trong nhà luôn thấy anh cặm cụi dọn dẹp.
Nguyệt Lam ăn xong, cầm bát đũa lên chuẩn bị đem đi rửa thì anh cả gọi lại. “Để ở đó đi. Lát anh rửa cho”, Vĩ Lệ nói, mắt nhìn vào điện thoại không rời. “Vẫn còn chút thời gian, em tiện tay rửa luôn cho xong”, Nguyệt Lam đáp với giọng đều đều. Cô thích tự làm mọi thứ nếu có thể, luôn tự mình giải quyết những việc cá nhân mà không nhờ đến các anh. Cô cảm thấy sự bao bọc của anh cả và anh hai đều quá mức, nên đôi lúc vô tình nói ra những câu càm ràm.
Vĩ Lệ không nói gì, anh hiểu cô muốn độc lập sớm và đó cũng là một điều tốt. Bên trong Vĩ Lệ nhen nhóm sự lo sợ rằng một ngày nào đó Nguyệt Lam sẽ không còn muốn ở bên cạnh các anh nữa. Vì suy nghĩ ấy mà bất giác hình thành những hành vi lo lắng, bao bọc và nuông chiều quá mức cần thiết.
“Em đi đây. Ba giờ chiều em về nhé”. Nguyệt Lam nói vọng từ cửa chính. Vĩ Lệ ậm ừ, và cô nghe thấy tiếng đẩy ghế. Chắc anh cũng sắp đến giờ đi làm. Cô rời khỏi nhà, lập tức đeo tai nghe chống ồn rồi mới an tâm bước đi.
Hôm nay nắng nhẹ, thời tiết thích hợp cho việc buôn bán và cắm trại. Dù chỉ mới gần bảy giờ sáng, đường xá đã tấp nập xe cộ. Xe buýt đón học sinh, xe máy rồ lên chạy thật nhanh, và tiếng bóp kèn của những chiếc ô tô tạo thành hỗn hợp âm thanh ồn ào. Chưa kể tiếng con nít thi nhau chạy đua xem ai đến trường đầu tiên, tiếng rao hàng và tiếng chó sủa. Thế giới xung quanh Nguyệt Lam đầy những âm thanh sôi nổi và sinh động, thứ mà cô không thể chịu đựng được. Vì thế mà mới có chiếc tai nghe chống ồn này. Nó như là vật sinh tồn của cô, dù đi đâu ở bất cứ khi nào, chiếc tai nghe không bao giờ bị bỏ quên.
“Ô kìa! Tiểu Lam, nay đi học sớm thế à?”
Dù chống ồn, nhưng cô vẫn nghe ra tiếng chào thân thuộc của bác Thương, ông chủ của một tiệm trà nhỏ gần trung tâm thương mại. Cô miễn cưỡng cười đáp lại, tháo tai nghe xuống.
“Chào bác Thương. Nay bác mở cửa sớm ạ?”
“Ừ! Mở hàng sớm, nhỡ vận may đến thì sao. Ồ, vừa mới nhắc xong thì có khách rồi”. Một bà cụ chậm rãi bước vào quán trà, bác Thương giúp bà mở cửa và mời bà vào trong.
“Vậy cháu xin phép đi ạ”.
Nguyệt Lam đeo lại chiếc tai nghe rồi nhanh chóng bước đi, làm bộ như vội vã lắm. Cô thở dài một hơi, cảm thấy bản thân thật tồi tệ. Bác Thương là người tốt, rất hòa đồng và thân thiện, vậy mà cô lại cảm thấy khó khăn trong giao tiếp với bác, đã vậy còn đeo lên mình chiếc mặt nạ miễn cưỡng như thế. Cô không khỏi cảm thấy áy náy và tội lỗi với bác.
Giữ trong mình sự mặc cảm ấy, Nguyệt Lam bước vào giảng đường với tâm trạng không mấy tích cực. Đặt ly cà phê vừa mua để lên bàn, rồi mở máy tính xách tay. Cô sắp xếp các vật dụng trên bàn mình ngay ngắn và trật tự, cảm thấy có chút động lực học hành. Vừa lúc giảng viên bước vào, sinh viên đồng loạt đứng dậy cúi chào lễ phép.
Nguyệt Lam trông thấy bóng dáng quen thuộc từ cửa sau của phòng học. Là bạn thân tri kỷ của cô, Mari. Cô gái tóc vàng và gương mặt mang nét phương Tây vội vã ngồi xuống cạnh Nguyệt Lam, thở hổn hển.
“Mệt quá đi mất! Cũng may là chưa bị phát hiện”. Mari thở dài. “Cậu lại ngủ quên à? Hay là mãi mê đi với anh nào đó?” Nguyệt Lam trêu chọc. Chỉ khi ở bên những người quen thuộc cô mới cảm thấy dễ chịu nhất.
“Làm gì có anh nào! Với cả tớ cũng chẳng hề ngủ quên. Quán ăn sáng khá xa trường, nên tớ phải co chân mà chạy đấy”. Mari lấy ra chiếc máy tính bảng cùng với chiếc bút cảm ứng. Tất cả đều là hàng cao cấp và đắt đỏ.
“Cậu làm bài luận kết thúc môn chưa?” Mari cất tiếng hỏi. Nguyệt Lam cau mày, có bài luận nữa á? “Môn nào ấy nhỉ?”
“Lại quên nữa rồi à? Môn triết học của thầy Khang đấy! Thầy ấy khó tính, nên tiêu chuẩn chấm điểm cũng khó lắm”.
“À, nhớ rồi. Tớ đang làm. Chắc cũng được một nửa rồi”. Nguyệt Lam nhìn lên màn hình trình chiếu của giảng viên, nhanh chóng gõ lại nội dung quan trọng.
“Thôi đi cô. Chắc cũng mới làm xong trang bìa chứ gì. Tớ hiểu cậu quá mà”. Mari húc vai Tiểu Lam, cười khì có vẻ đắc chí lắm. Nguyệt Lam cũng nở nụ cười tươi rói.
“Nếu không thì cậu cứ để học lại đi. Dù sao mới năm nhất thôi mà, nên thả lỏng một chút mới có thể tận hưởng thanh xuân chứ”.
“Bỏ đi, bỏ đi. Anh Lệ đã than phiền vì tớ học hành không chỉn chu đấy. Làm sao để anh ấy mắng được nữa?” Tiểu Lam nhớ lại cuộc nói chuyện giữa hai người, cảm thấy hổ thẹn vì sự thiếu trách nhiệm của mình với việc học.
Các anh kiếm tiền không hề dễ. Mọi khoản chi và học phí đều do các anh phân chia ra mà thanh toán đúng hạn, không những vậy họ còn dành thời gian cho Nguyệt Lam rất nhiều. Để đáp lại công sức và tình cảm các anh dành cho cô, cô phải học hành thật tốt.
Buổi học diễn ra trong yên bình, Mari cũng không nói gì nhiều khi đã tập trung vào bài giảng. Cả hai chỉ trao đổi bài học với nhau vài ba câu suốt cả buổi. Một buổi học kéo dài chừng bốn giờ đồng hồ, lúc tan học cũng vừa đến giờ ăn trưa nên Tiểu Lam và Mari kéo nhau ra cửa hàng tiện lợi.
Tiểu Lam nhờ cô bạn mua hộp mì trộn và một chai trà xanh rồi đi sang chỗ khác nghe điện thoại. “Anh Phong à. Sao thế?” Đỗ Phong, là “anh ba” trong nhà, anh đảm nhiệm chăm sóc Tiểu Lam và đưa đón cùng với Vĩ Lệ. Anh là nhân viên văn phòng pháp lý, nay đã 24 tuổi.
“Anh có cuộc họp đột xuất nên đến đón em muộn năm phút. Em đợi anh được không?” Đỗ Phong luôn tuân thủ theo giờ giấc đã vạch ra, tuyệt nhiên không muốn trễ giờ. Anh không muốn Tiểu Lam đợi nhưng công việc thì không thể tránh được những trường hợp bị chệch giờ so với kế hoạch. “Không sao đâu anh. Em đang ăn trưa với Mari, nên cũng mất chút thời gian. Anh cứ lo công việc đi nhé”. Nguyệt Lam trả lời nhẹ nhàng với nụ cười mỉm. Cô biết anh Phong luôn bận rộn, cả ngày nghỉ còn phải làm việc tại nhà nên chịu thiệt một chút cũng không sao.
Mari tay cầm hai bọc nilon, than vãn rằng hai bàn tay đang đỏ tấy lên vì xách đồ. Nguyệt Lam cười, thật hết cách với cô bạn của mình, rồi cô cầm hộ một túi. Hai cô gái ngồi ở nhà ăn và cùng nhau thưởng thức bữa trưa giản dị.
Nguyệt Lam và Mari là bạn thân thời thơ ấu từ cấp một. Ấn tượng đầu tiên của Nguyệt Lam về cô bạn người nước ngoài này chỉ có thể gói gọn trong câu sau: “Không thể chạm đến”. Tại sao lại bảo Mari là một cô gái không thể chạm đến? Vầng hào quang lạc quan, tươi rói yêu đời của nàng vượt xa khả năng hiểu biết của Tiểu Lam. Cô không hiểu nổi cô nàng. Tại sao lại có thể lạc quan được như vậy? Tại sao có thể thản nhiên kết bạn? Tại sao có thể dễ dàng bắt chuyện với người khác được như thế? Càng không thể hiểu Mari, Nguyệt Lam càng cảm thấy tự ti mỗi khi bước đi cùng nàng. Và cô càng thu hẹp bản thân lại, cho rằng Mari là một thực thể xa vời, tuyệt nhiên người như cô không thể nào có thể với đến.
Nhưng Mari cũng sắc xảo lắm chứ. Cô nàng nhận ra sự tự ti của bạn mình, và đã tạo một bầu không khí thoải mái giữa hai người. Kết quả của tình bạn này là đã kéo dài được hơn mười năm.
Nguyệt Lam đi vào nhà vệ sinh để rửa tay sau khi ăn. Cô nhìn thấy bản thân mình trong gương. Vẫn là gương mặt ấy, con người ấy, nhưng người trong gương lại mỉm cười.
“Ăn no rồi chứ?” 'Cô' trong gương cất giọng hỏi. Thanh âm có vẻ thân thiện, nhưng đối với Tiểu Lam, câu nói ấy đầy sự mỉa mai và châm chọc. Tiểu Lam không trả lời, chỉ nhìn chăm chăm vào đôi mắt ấy.
Đáp lại cái nhân cách đó để làm gì chứ. Đó không phải là bản thân cô, không phải con người thực sự của cô. Có lẽ cô học nhiều quá, sức khỏe không tốt nên sinh ra ảo giác mà thôi. 'Cô' không hề tồn tại. Từ đầu đã không tồn tại.
Nếu vậy, tại sao hình ảnh phản chiếu trong gương lại khác biệt như thế?
Ba giờ chiều mà mặt trời vẫn tỏa nắng chói chang. Người người mặc áo thun cộc tay, quần đùi, tay cầm thức uống giải nhiệt mà sải bước. Nguyệt Lam thở dài và cau mày, cô ghét nhất là thời tiết oi bức. Cô đứng dưới mái hiên cổng trường, ánh mắt trông chờ chiếc xe hơi quen thuộc của Đỗ Phong. Anh là người rất kỷ luật, không bao giờ trễ hẹn với bất kỳ ai. Nguyệt Lam nhìn vào đồng hồ đeo tay, xem xem có thực sự Đỗ Phong không trễ một giây nào không.
Hai phút, ba phút trôi qua. Đã bốn phút rồi. Kim giây chậm rãi quay đều, và khi nó dừng giữa số một và hai của con số mười hai, chiếc xe hơi màu đen đỗ ngay trước mặt Nguyệt Lam.
Nguyệt Lam bước lên xe. Bên trong xe không hề có mùi động cơ hay mùi ghế da, những yếu tố dễ gây say xe, mà là mùi hương của tinh dầu xả. Đỗ Phong quay xuống, đưa cho cô một chai nước lạnh.
“Anh hay thật đấy. Vừa trễ đúng năm phút”. Nguyệt Lam vừa nói vừa mở nắp chai, một hơi uống gần nửa chai nước.
“Chỉ riêng về quy tắc thời gian, em đừng xem thường anh”. Đỗ Phong khởi động xe hơi, rồi chiếc xe phóng đi thẳng về nhà. Suốt quãng đường, Nguyệt Lam chìm đắm trong suy tư, đôi mắt hướng ra bên ngoài cửa sổ và ngắm nhìn vạn vật.
Vốn dĩ trong lòng Tiểu Lam chưa bao giờ là yên bình. Cô luôn cảm thấy bất an và sợ hãi, vì bất kỳ lý do nào đó mà cô không biết. Cô không thể biết được. Không biết bao nhiêu lần cô ngồi ở bàn học, chăm chú ghi nhật ký nhưng khi đọc lại thì chỉ là những câu chữ than phiền. Cô chỉ biết than vãn, rằng tại sao mình lại đau, lại sợ sệt đến thế? Sao cuộc sống không công bằng hơn với mình? Tại sao mình phải chịu đựng những cảm xúc này? Tại sao lại là mình?
Nguyệt Lam viết rất nhiều những câu văn như thế, chằng chịt cả mấy mặt giấy. Đến khi cô đọc lại, sự thất vọng về bản thân đã thay thế cho mọi cảm xúc trước đó. Bởi vì cô nhận ra, bản thân chỉ có ‘than phiền’ mà không biết tìm cách tự cứu lấy mình.
Không. Mọi chuyện không dễ dàng như thế. Nó không dễ dàng như việc bị cảm thì uống thuốc là khỏi, cũng không dễ đến mức đi ngủ một giấc là ngày mai sẽ khác. Không hề. Đó là điều mà cô chắc chắn. Bởi nếu đã đơn giản như thế, thì cô đã không khổ sở trong tâm trí như thế này.
Chắc cô bị điên rồi cũng nên…
Hình ảnh ‘cô’ trong gương lại hiện ra trong đầu Nguyệt Lam. ‘Cô’ mỉm cười thân thiện, nhưng có đôi mắt của sự mỉa mai. Cái nhìn đó là từ đâu? Tại sao hình ảnh trong gương của Nguyệt Lam lại khác với thực tế? Không, vốn dĩ trong hiện thực, ‘cô’ đang tồn tại ngay trong tâm trí của Nguyệt Lam… Hay tất cả chỉ là ảo giác của Nguyệt Lam?
Một Nguyệt Lam trong có vẻ điềm tĩnh, nhưng thực ra không phải như vậy. Một con người giả tạo, nội tâm hỗn loạn, và đang trên bờ vực đánh mất chính mình.
Cụm từ ‘chính mình’ ở đây, rốt cuộc là nói về ai thế?
Bình luận
Chưa có bình luận