“Anh đừng có níu kéo! Tôi đã quyết định rồi! Tôi sẽ ra tòa làm đơn ly hôn”.
“Em đừng có giận quá mất khôn! Mọi chuyện đều có thể giải quyết mà. Anh sẽ không rượu chè nữa. Em tha thứ cho anh được không?”
“Đây là lần thứ mấy tôi phải nghe anh nói cái câu đó rồi? Tôi không quan tâm nữa. Ngày mai tôi và anh ra tòa. Chính tôi sẽ chấm dứt cuộc hôn nhân này!”
Như lời người vợ nói, ngày hôm sau cả hai cùng diện kiến trước tòa. Ở khu vực dành cho người xem có bảy đứa trẻ. Sáu trai một gái. Sáu người con trai chăm chú lắng nghe, một số thì có vẻ nghiêm túc và chín chắn hơn vài người con còn lại, những người có vẻ lơ đãng và buồn chán. Người con gái ôm trong lòng con gấu trúc nhỏ, liên tục ngắm nhìn gian phòng với ánh mắt đầy sự tò mò. Trong gian phòng ngập sự căng thẳng, chỉ có đứa trẻ ấy là hồn nhiên nhất.
Một vài tiếng búa phán xét vang lên, cô bé quay đầu về phía bồi thẩm đoàn. Cô không hiểu gì về phiên tòa này. Chỉ biết duy nhất một điều: cô phải sống với bố, và sáu người con trai sống với người mẹ.
“Không chịu đâu! Con muốn ở với mẹ! Mẹ ơi!”
“Tiểu Lam… mẹ thật lòng xin lỗi con. Mẹ đã không thể giúp được con”.
“Mẹ ơi! Anh hai ơi! Không chịu đâu! Con muốn mẹ cơ! Mẹ!”
Nước mắt nhòe cả đôi mi của cô bé. Con gấu trúc nhồi bông bị vứt xó qua một bên. Cô bé cựa quậy trong khi bị giữ lại bởi vòng tay thô ráp của người bố, kêu gào đòi mẹ. Người mẹ quay mặt đi, tay che miệng mà khóc nấc. Bà vỗ ngực mình, tự trách đã để người đàn ông kia cướp mất đứa con gái bé bỏng.
Cô bé khóc thật lớn, thật thảm thiết. Người con trai cả cũng sụt sùi nước mắt, chạy về phía em gái của mình mà cất giọng. Từng câu chữ thốt ra đều chắc nịch.
“Tiểu Lam, em hãy đợi bọn anh nhé. Khi bọn anh lớn lên, chắc chắn sẽ đưa em về nhà với bọn anh. Cho nên là… em hãy cố lên! Nhất định phải đợi các anh đưa em về đấy!”
Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời. Bầu trời xanh biếc không một áng mây, gió thổi nhẹ như nâng niu những bông hoa đang chớm nở. Cái nắng nhớ tháng trước còn oi bức khó chịu, chuyển sang mùa thu thì đã dịu lại tính tình.
“Nguyệt Lam. Anh cho em hai phút để bước xuống nhà đấy!”
“Đợi em một chút nữa thôi mà!”
Cô chải lại mái tóc dài qua vai rồi thoa lên một chút son. Hình ảnh bản thân trong gương không tệ, ít nhất hai quầng thâm mắt đã phần nào được kem che khuyết điểm giúp đỡ. Sắc mặt trông có vẻ tươi tỉnh hơn. Tác phong nhìn chung là ổn để đi viếng mộ.
Cô nhanh chân bước xuống cầu thang, nhìn thấy Đỗ Phong và Tam vũ đã quần áo tươm tất, giày đã được xỏ vào và Đỗ Phong đang nhìn Nguyệt Lam với ánh mắt chán chường. Anh kiểm tra thời gian trên đồng hồ đeo tay, rồi thở dài.
“Em trễ hai phút bốn mươi giây. Đã dặn là hôm nay đi thăm mộ mẹ rồi”.
“Em xin lỗi. Do em không biết mặc gì để gặp mẹ”.
“Mặc thoải mái là được rồi. Mẹ cũng không còn nữa mà khen em đâu”.
Đỗ Phong cầm gáo nước, trái cây và nhang, sau đó mở cửa chính. Tam Vũ nhanh chân lên vị trí ghế lái, khởi động chiếc xe hơi màu đen. Người anh thứ ba trong nhà mở cốp xe và cất hết đồ đạc vào trong. Chỉ vài phút sau, họ đã rời khởi nhà, hướng đến nghĩa trang ở phía nam thành phố.
Tam Vũ mở nhạc hòa tấu, ung dung lái xe như thường ngày. Đỗ Phong mở sổ tay, kiểm tra thời gian và tiến độ lịch trình hôm nay, xem có đúng theo kế hoạch của anh hay không. Nguyệt Lam ngồi ở băng ghế sau, nhâm nhi món ăn vặt mà Tam Vũ mang theo cho cô.
“Ôi chết. Anh quên mua hoa cho mẹ rồi”.
Đỗ Phong kêu lên. Anh tặc lưỡi và cau mày, tự hỏi tại sao lại có thể quên được. Trong giọng nói ẩn chứa sự tự trách.
“Chỉ còn cách ghé mua một bó thôi. Ở gần tuyến đường này có tiệm hoa. Chúng ta cùng đi”.
Tam Vũ rẽ phải, đi vài trăm mét nữa thì thấy một tiệm hoa nhỏ ở bên phải đường. Đỗ Phong và Nguyệt Lam bước vào cửa hàng, để người anh thứ năm ngồi đợi trong xe.
Cô nhân viên bán hoa mỉm cười niềm nở chào khách. Bên trong tiệm thơm ngát hương hoa tươi. Nhiều loại hoa khác nhau với đa dạng các loại màu sắc, được trang trí ngay ngắn trên kệ và trên thanh sắt gần trần nhà. Nguyệt Lam đặc biệt để ý đến hoa cúc trắng, liền bước đến bồn hoa. Đỗ Phong trông thấy em gái mình có vẻ muốn mua loại hoa ấy, không do dự mà bảo nhân viên chuẩn bị một bó.
“Em thích hoa đó à?” Đỗ Phong cất giọng đều đều.
“Không biết nữa. Nhưng em nhớ mẹ hay trang trí loài hoa này. Mình mua bó này đi anh”.
Đỗ Phong thanh toán, và cô nhân viên đưa bó hoa cho Nguyệt Lam. Cô ôm lấy bó hoa cỡ to, đôi mắt không rời khỏi những bông cúc trắng tinh khiết.
Cả hai quay lại vào trong xe, rồi họ tiếp tục đi đến nghĩa trang để gặp mẹ.
Rời xa khỏi thành phố nhộn nhịp, đi về phía nam là một khu dân cư tĩnh lặng và yên bình. Có lẽ vì nơi đây có nghĩa trang lớn nhất thành phố tọa lạc nên không ai dám mở hàng ở khu vực này. Chỉ có những ngôi nhà nhỏ xếp hàng hai bên đường.
Sau khi đỗ xe ngay ngắn, Tam Vũ phụ Đỗ Phong xách đồ rồi cùng Nguyệt Lam đi qua cánh cổng lớn dẫn vào sâu bên trong nghĩa trang. Cô giữ khư khư bó hoa trong tay, không rõ nó gợi cho cô kỷ niệm gì mà khiến cô phải ôm nó như thế.
Đi khoảng vài mét nữa mới đến mộ của người mẹ. Một tấm bia mộ được lát đá màu đen láng bóng, khắc tên và ngày sinh, ngày mất của bà.
Hồ Tiểu Linh. Đó là tên của người mẹ quá cố. Nguyệt Lam bỗng ngây người, đôi mắt đăm chiêu về phía dòng chữ khắc trên tấm đá. Thì ra đó là tên của bà.
“Tiểu Lam, đừng để bọn anh làm thôi chứ. Qua đây anh nhờ chút này”.
Cô thoát khỏi luồng suy nghĩ rồi lại gần bia mộ hơn. Cả ba cùng nhau lau chùi sạch sẽ tấm bia, vứt những trái cây và hoa đã héo úng, rồi thay vào bằng những món tươi mới. Sau cùng, họ chắp tay, lầm bầm cầu nguyện, cầu mong bà được lên thiên đàng.
Sau khi đã xong việc viếng mộ, vì thấy Nguyệt Lam có vẻ suy tư, Tam Vũ không kiềm được mà hỏi.
“Sáng nay em nhìn có vẻ không vui. Nhớ mẹ đúng không?”
“Không phải... Em không biết nữa. Em không có nhiều ký ức về mẹ”.
Đỗ Phong nghe thế thì bỗng nhớ lại chuyện xưa, đôi mắt dịu dàng đi trông thấy, giọng nói thì ân cần hơn.
“Vì em phải sống xa bọn anh và mẹ lúc mới năm tuổi mà, không nhớ gì nhiều thì cũng không có gì lạ”.
“Nhưng mà đến cả tên của mẹ em cũng không biết… Có lẽ em đã quá vô tâm”.
“Em có hỏi tên mẹ rồi mà?”
Tam Vũ nói. Nguyệt Lam hơi cau mày, bối rối vì câu nói chắc nịch đó của anh. Cô có hỏi một lần rồi sao? Thế sao lúc nãy khi nhìn vào tấm bia, cô lại cảm thấy như đang đọc tên của một người lạ?
“Có á?”
“Có mà. Hồi nhỏ em cứ hỏi anh và mẹ miết, vì em hay quên nên cứ hỏi một câu mãi”.
“Em… Em không nhớ”. Nguyệt Lam quay đầu sang chỗ khác, cảm thấy nghi ngờ bản thân rất nhiều. Chuyện quan trọng và tái diễn nhiều lần như vậy mà không nhớ sao? Hay là do lúc đó còn quá nhỏ, nên cũng quên luôn rồi?
“Giờ thì nhớ rồi đấy”. Tam Vũ xoa đầu Tiểu Lam, cười khì. Đôi mắt hoạt bát của anh nheo lại cùng với nụ cười rạng rỡ. “Đừng có hỏi nữa nhé!”
Nguyệt Lam cũng cười theo anh, cô húc bờ vai rắn rỏi ấy, tỏ vẻ chọc ghẹo.
“Năn nỉ đi rồi em sẽ không hỏi nữa”.
“Thôi nào. Ai lại làm vậy chứ”.
“Em giỡn đấy”.
Tam Vũ là người con thứ năm trong đại gia đình. Anh làm việc ở văn phòng Pháp y cục cảnh sát Trung ương thành phố, và cũng là giảng viên môn giải phẫu ở ngôi trường đại học mà Nguyệt Lam đang học. Thỉnh thoảng anh ăn trưa tại trường cùng với người em gái, và mối quan hệ ruột thịt giữa hai người cũng được đồng nghiệp của Tam Vũ cũng như bạn bè của Nguyệt Lam biết đến.
Tính cách của anh rất thân thiện và hòa đồng, giỏi ăn nói và biết đối nhân xử thế. Khó mà tin được đó là tính cách của một người làm trong ngành Pháp y. Khi nhắc đến Pháp y thì cái chết, hình ảnh tử thi và những điều kinh khủng khác khiến người ta tự tạo một tính cách chung cho những người trong ngành. Vì vậy, không ít người tỏ ra bất ngờ khi biết nghề nghiệp của Tam Vũ.
Đa phần các anh trai của Nguyệt Lam có nghề nghiệp liên quan đến cảnh sát và an ninh xã hội. Đỗ Phong cũng vậy.
Đỗ Phong là người anh thứ ba trong gia đình, 24 tuổi. Anh là điều tra viên của cục cảnh sát thành phố, được đồng nghiệp gọi với cái tên trêu chọc là “Mẹ Phong”. Sở dĩ có biệt danh đó là vì người đàn ông tóc vàng này rất hay nhắc nhở người khác như thể anh là mẹ của họ vậy. Ở nhà cũng không khác gì mấy, hay càm ràm vì những việc nhỏ nhặt. Mới hôm trước, anh đã cáu um lên vì Vĩ Lệ đã mua thực phẩm nguyên giá thay vì hàng giảm giá ở những khung giờ nhất định tại siêu thị.
Ai cũng bảo Đỗ Phong là người khó tính và hay bắt lỗi, nhưng ít ai thấy được sự tinh tế và dịu dàng của anh.
“Được! Mình đi đến trung tâm mua sắm đi! Còn nhiều thời gian lắm mà, hôm nay đi chơi đến xế chiều luôn!”
Tam Vũ hào hứng nói lớn, nhanh chân đi ra cổng. Đỗ Phong thở dài, cảm thấy cậu em trai thật tùy tiện.
“Này, Tam Vũ! Theo kế hoạch của tôi đã định thì bây giờ chúng ta sẽ đi về nhà mà!”
“Vậy cậu đi một mình đi. Tôi chở Tiểu Lam đi chơi”.
Tam Vũ nói với giọng chán nản. Khác với những người anh em trong nhà, nghiêm túc tuân thủ theo luật lệ hay đại loại những thứ đã được định sẵn, Tam Vũ luôn tìm cách phá vỡ nó. Anh cho rằng cuộc sống không nhất thiết phải có luật lệ, cứ vô tư mà sống thì lại thoải mái hơn. Và từ suy nghĩ đó mà hình thành lối sống có chút buông thả và lạc quan của Tam Vũ.
Đỗ Phong thì hoàn toàn ngược lại. Anh là người có lối sống lành mạnh nhất (theo quan điểm của anh) và nghiêm khắc nhất trong nhà. Đến cả việc đi tàu đến chỗ làm, tắm rửa, ăn uống và mọi thứ, anh đều cho chúng một khoảng thời gian để thực hiện. Từng giây từng phút. Quan trọng hơn, những công việc anh đã đặt ra trong một ngày bắt buộc phải được hoàn thành. Cho dù anh có thức trắng đêm hay không kịp ăn uống, Đỗ Phong nhất định sẽ hoàn thành theo kế hoạch. Và anh gọi nó là sự kỷ luật hoàn hảo.
“Anh Phong, đi ăn chung đi”.
Nguyệt Lam rướn cổ lên nhìn người anh trai. Đôi mắt cô to tròn, con ngươi màu đen long lanh như đá quý. Trái tim Đỗ Phong dao động trước ánh mắt nài nỉ của người em gái, nhưng sự nghiêm khắc phần nào ngăn chặn anh nói câu đồng ý.
“Hôm nay thôi, được không? Chiều nay anh bận hả?”
“Không, không. Anh không có lịch trình chiều nay ở công ty. Nhưng anh còn đống giấy tờ và hồ sơ vụ án chưa giải quyết xong, và báo cáo cuối tháng này nữa”.
Người anh trai lầm bầm danh sách công việc mà Nguyệt Lam không nghe rõ. Cho dù có nghe được cô cũng không hiểu hết. Bản thân là người theo ngành Tâm lý, những trường hợp xã hội thế này cô phải xử lý làm sao để Đỗ Phong không cảm thấy khó chịu.
“Mình ăn trưa rồi về, có được không? Anh phải ăn uống và nghỉ ngơi nữa chứ”.
Đỗ Phong trầm ngâm một hồi rồi thở dài chịu thua, cũng lâu rồi anh chưa đi ra ngoài cùng các em của mình. Có lẽ anh đã quá tập trung làm việc mà quên rằng bản thân cũng cần nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình.
Kỳ lạ thay, hôm nay Nguyệt Lam không cảm nhận sự hiện diện của ‘Tôi số 2’, nhân cách thứ hai của cô. Thông thường cô ấy sẽ xuất hiện vào những lúc Nguyệt Lam bắt gặp những hình ảnh phản chiếu như qua gương, nhưng hôm nay không hề thấy cô ấy xuất đầu lộ diện. Phải chăng cô đã khống chế được ‘Tôi số 2’? Hay là có chuyện gì đã làm nhân cách đó tiêu biến?
Nguyệt Lam không rõ, nhưng không có cô ta thì lại tốt. Ai biết được cô ta sẽ khiến cô đau khổ đến mức nào nếu hiện diện ngay trong buổi đi chơi? Chủ thể hiểu rõ điều đó, nên không quan tâm đến nhân cách thứ hai. Nói đúng hơn, là ‘bỏ rơi’.
Lần đầu tiên nhân cách ‘Tôi số 2’ xuất hiện, là sau buổi phiên tòa năm xưa. Cô không nhớ rốt cuộc đã có chuyện gì, nhưng hình như cô đã ‘ngủ’. Khi tỉnh dậy thì cô đã ở nhà. Người bố ban đầu rất chiều chuộng và nâng niu Nguyệt Lam, ông còn dùng tiền sinh hoạt vào những món đồ chơi đắt đỏ cho cô con gái nhỏ bé. Nhưng điều đó chỉ kéo dài được nửa năm. Vì một lý do nào đó, tính khí của ông thay đổi đột ngột. Người đàn ông tên Trịnh Xuân Cường trở nên cáu gắt, hung hăn, không còn dành tình yêu cho con gái nữa mà biến cô thành công cụ trút giận sau mỗi buổi rượu chè bê tha. Nợ nần chồng chất lên nhau từ những cuộc cá cược đen đỏ, và cả hai sớm đã không còn tiền để ăn uống. Nguyệt Lam bị đánh, hành hạ và bỏ đói. Vì không đủ tiền đóng học phí, cô phải tự học tại nhà. Có khi còn phải lẻn vào lớp học thêm ở khu phố kế bên để nghe giảng.
Cuộc sống với bố không khác gì địa ngục trần gian. Những lần trốn ở nhà kho sau nhà, trong nhà tắm, trên gác hay trong tủ quần áo Nguyệt Lam vẫn nhớ như in. Cô nhớ những cơn ớn lạnh và nỗi sợ hãi tột cùng, mang theo bên mình cho đến khi gã đàn ông tàn ác kia lại một lần nữa được mời ra tòa.
Lần thứ hai ra tòa, Nguyệt Lam cuối cùng cũng được gặp lại các anh.
Chao ôi, cảm giác khi được gặp lại những người anh trai thật khó tả. Nó vừa lâng lâng, bay bỏng, nhưng cũng thật nặng nề và thổn thức. Cô chưa bao giờ quên gương mặt của các anh, dù chỉ là những mảnh ký ức không hoàn chỉnh, sự hiện diện của các anh vẫn luôn tồn tại trong tâm trí Nguyệt Lam.
Người con út vẫn còn nhớ như in cặp mắt của người con trai cả đã dao động như thế nào khi nhìn thấy những vết bầm tím và hình bóng gầy còm kia. Thoáng chốc thể hiện sự thương xót và buồn bã, rồi nhanh chóng chuyển sang giận dữ và căm hận. Đôi mắt long lanh như nước, có lẽ anh đã suýt khóc ở khoảnh khắc ấy.
Người bố giữ vẻ tự tin, cho rằng các con trai của mình còn non dại và ngây thơ để có thể thắng được phiên tòa. Nhưng ông nào có ngờ, những đứa con của mình lại không hề nhân nhượng mà đánh bại ông. Trịnh Xuân Cường đã quá xem thường các anh, không hề biết rằng trong suốt mười năm hơn, họ đã tích lũy nhiều kiến thức và kinh nghiệm như thế nào, sẵn sàng dùng chúng để ‘cứu’ Nguyệt Lam.
Tất nhiên, gã bị phán án tù. Dù năm năm ấy chả là gì so với tội ác của gã, nhưng còn hơn là không. Khi phiên tòa vừa kết thúc, Khải Tố, người anh thứ sáu trong gia đình cũng có mặt ở đó, chạy đến Tiểu Lam và ôm chầm lấy em. Con bé bất ngờ nhưng nhanh tay đỡ lấy anh, ấp úng không biết nên nói gì.
“Anh xin lỗi. Thực sự xin lỗi. Xin lỗi”.
Khải Tố vừa xoa đầu Nguyệt Lam vừa sụt sùi nước mắt. Cô cũng khóc, và cuối cùng vỡ òa lên khi những người anh còn lại cũng lao đến ôm chầm nhau. Những người có mặt ở phiên tòa đều cảm động, mừng cho gia đình họ. Vĩ Lệ liên tục xoa đầu Nguyệt Lam, đôi bàn tay to và thô nhưng thật ấm áp, khác xa với đôi bàn tay của gã họ Trịnh kia.
“Anh xin lỗi vì để em đợi lâu như thế. Anh xin lỗi”.
Gã hiển nhiên không phục kết quả. Hắn nhìn thấy đứa con gái đã vụt khỏi bàn tay mình, công cụ trút giận của hắn đã mất. Hét lớn lên. Giọng hắn vang khắp cả gian phòng:
“Chúng mày nói thì hay rồi! Những năm qua tụi bây có thăm tao lần nào đâu! Có lần nào nghĩ cho tao chưa? Thử vô hoàn cảnh như tao xem, tụi bây cũng sẽ đánh nó thôi!”
Câu nói của ông xé toạc cả căn phòng. Những người con trai chắn tầm nhìn của Nguyệt Lam, không để cho đứa em gái nhìn lại khuôn mặt của người bố. Lúc đấy, một làn sương ám vào tâm trí cô, mọi âm thanh như tiếng muỗi kêu bên tai. Mọi thứ như bị làm cho méo mó, đến cả nhận thức của cô cũng trở nên mơ hồ. Chuyện sau đó như thế nào thì Nguyệt Lam không nhớ rõ, chỉ biết là khi tỉnh dậy thì bản thân đang được đắp chăn bông ở một mái ấm mới. Một mái ấm thực sự, nơi mà cô có thể nhận được tình thương gia đình từ những người anh trai.
Cô sẽ không thể nào nhớ được rằng, sau khi phiên tòa năm xưa kết thúc, nhân cách thứ hai đã hình thành và hành xử như thế nào. Với tên gọi mà Nguyệt Lam đặt cho nó bây giờ vẫn còn được sử dụng: Tôi số 2.
Bình luận
Chưa có bình luận