“Đã bảo là đừng gọi cho tôi nữa rồi mà”.
“Bố chỉ muốn biết số điện thoại của Tiểu Lam thôi. Con đừng làm khó bố chứ, Khải Tố”.
“Tại sao tôi phải để em gái tôi liên lạc với ông? Đừng bảo là ông quên chuyện xưa rồi đấy”.
“Bố đã thay đổi rồi, con ơi. Cho bố một cơ hội nữa được không?”
Khải Tố trầm tư. Trong lòng anh thực sự muốn từ chối ông ta, vì ai biết được ông ta đã thực sự thay đổi? Chỉ vì ông ta đã ở tù gần mười năm đâu có nghĩa sẽ không ngựa quen đường cũ? Nhưng dù gì vẫn là cha của các anh, người đã từng nuôi dạy các con khôn lớn. Từ chối thẳng thừng như thế thì thật bất hiếu.
“Thôi được rồi. Tôi sẽ cho ông số điện thoại của anh Lệ. Muốn gặp Tiểu Lam thì phải hẹn trước với anh ấy. Có sự đồng ý rồi mới được đến”.
“Cám ơn con, Khải Tố. Bố lấy giấy bút rồi, con đọc số đi”.
Khải Tố đọc dãy số cho Trịnh Xuân Cường, rồi cúp máy. Anh liền nhắn tin cho anh trai cả về cuộc trò chuyện vừa nãy, kèm với lời dặn các anh phải cẩn thận.
Người đàn ông hơn 30 tuổi đọc dòng tin nhắn với sự khó chịu. Một phần anh không hài lòng khi Khải Tố lại cho địa chỉ liên lạc dễ dàng như vậy, một phần vì anh không muốn phải gặp người bố bạo lực đó lần nào nữa. Nhưng anh có thể hiểu vì sao em trai mình làm vậy, đó là vì lòng hiếu thảo với cha mẹ.
Nhưng mà với người bố đã hành hạ con gái mình đến nỗi bị phán án tù, thì có còn tư cách làm bậc cha mẹ không?
Đúng như Vĩ Lệ đã dự đoán, gã hẹn rằng sẽ đến thăm các anh vào thứ bảy. Một cuộc hẹn khá đột ngột. Dù gã nói lý do đến gặp là để hỏi thăm sức khỏe, muốn biết các con có sống tốt không nhưng những người con trai đã sớm biết đó là cái cớ cho việc muốn gặp Nguyệt Lam.
Trước ngày thứ bảy ba ngày, Vĩ Lệ đã liên lạc với người em trai thứ, là Trần Luân, mau chóng sắp xếp thời gian để tiếp ‘khách’. Trần Luân bấy giờ đang tăng ca ở bệnh viện tỉnh, nghe anh trai thông báo đột ngột như vậy không kiềm được mà càm ràm. Vĩ Lệ chỉ liên tục nhắc anh phải mau về nhà rồi cúp máy, không quan tâm về lịch trình dày đặc của bác sĩ Luân.
“Cái ông nghiện trà này”.
Trần Luân tặc lưỡi, vứt chiếc điện thoại lên sofa. Anh rơi vào trầm tư, suy nghĩ về phiên tòa năm xưa và tội ác của người bố. Sau những chuyện như thế mà gã vẫn muốn gặp Nguyệt Lam sao? Sao lại mặt dày như thế được? Nhưng cũng như Vĩ Lệ, anh hiểu lý do vì sao Khải Tố lại đồng ý. Nếu có thể, Trần Luân muốn từ chối cuộc hẹn đó. Anh không muốn em gái của mình phải chịu đau thương thêm lần nào nữa.
Nguyệt Lam thì không biết gì về cuộc hẹn cả. Không một ai nói với cô rằng thứ bảy này bố đến thăm cả nhà. Không nói là đúng rồi. Ai lại có thể để người em gái gặp lại nỗi sợ hãi hồi nhỏ chứ? Đặc biệt là với những người anh trai quá bao bọc của Nguyệt Lam, chắc chắn họ sẽ không đồng ý. Nhưng cũng chính vì sự chở che quá mức đó mà Nguyệt Lam mới có thể hồi phục tinh thần từ những tổn thương hồi bé.
Sáng thứ bảy lúc chín giờ, chuông cửa chính kêu kính cong. Vĩ Lệ hít một hơi sâu, quay sang nhìn người em trai thứ là Trần Luân. Cả hai gật đầu với ý đã sẵn sàng, rồi Trần Luân đứng dậy đi đến cửa chính.
Người đàn ông ở độ tuổi gần bảy mươi, mái tóc xơ rối lẫn màu đen và những sợi tóc đã bạc. Trang phục của ông mang cảm giác của một người lao động công trường. Chiếc quần kaki màu nâu đã cũ, áo sơ mi kẻ sọc đã lỗi thời không được là ủi chỉn chu. Bàn tay thô ráp và chai sạn của ông đang cầm một túi vải màu đỏ đất, có vẻ là quà biếu.
Trần Luân mời ông bước vào nhà, lấy cho ông đôi dép lê và dẫn vào phòng khách. Vĩ Lệ đã pha sẵn trà nóng, lịch sự mời người đàn ông ngồi vào chiếc ghế đơn cạnh sofa. Thái độ đón khách của hai anh rất lịch sự và tôn trọng, như thể đang tiếp khách làm ăn chứ không phải chào mừng người bố đã lâu không gặp. Người bố không khỏi cảm thấy ngột ngạt.
“Bố có chút quà gửi mấy đứa. Bánh đậu đỏ đấy, ngon lắm. Đứa nào cũng có phần hết nên đừng tranh nhau nhé”.
Người đàn ông tên Trịnh Xuân Cường cười khách sáo, đẩy túi vải về phía hai người con trai. Vĩ Lệ lịch sự nhận lấy, rồi để nó qua một bên. Anh rót trà mời bố và Trần Luân, không thèm bày món bánh đậu đỏ ra nhâm nhi.
“Lần đầu bố tới nhà mấy đứa đấy. Nhà cũng rộng ghê nhỉ! Thoáng mát và sáng sủa nữa. Bố cứ nghĩ nó chỉ là một căn nhà nhỏ bé thôi chứ”.
“Tụi con có công ăn việc làm mà”. Trần Luân nói. Ông Cường gật gật, mắt chao đảo khắp gian phòng khách như thể lần đầu tiên đến một nơi sang trọng. Một khoảnh lặng bồn chồn và ngột ngạt giữa bố và hai người con trai. Ông Cường ngồi không yên, đùi phải rung liên tục. Vĩ Lệ để ý điểm tương đồng này giữa ông và Nguyệt Lam, chợt tâm trí bị rung động.
Ông hỏi thăm về cuộc sống của các con, muốn biết xem chúng có sống tốt không, có vấn đề gì cần ông giúp không. Hai người anh trai trả lời ngắn gọn nhất có thể, cứ như đang ‘chặn’ người bố. Hai người con trai từ chối sự giúp đỡ của ông khi ông đưa cho họ một phong bì dày cộm.
“Không có gì nhiều nhưng mà hai đứa nhận giúp bố nha. Nhiêu đây chắc không đủ để ăn một bữa thịnh soạn nhưng mà thôi, bố gửi chút tiền”.
“Không. Con không lấy. Bố cầm về đi”.
Trịnh Xuân Cường khựng người trước lời từ chối lạnh lùng và dứt khoát của Vĩ Lệ, người con trai cả. Anh lườm bố, ánh mắt không còn sự thương cảm như lúc nãy nữa. Trần Luân cảm thấy nhịp đập của mình tăng lên vì căng thẳng. Anh cả tức giận rồi.
“Vĩ Lệ, con à. Chút lòng của bố con không nhận sao? Con không xài cũng được, cứ cất đi khi nào cần thì lại lấy ra”.
“Việc nhận tiền từ người bố bạo lực chẳng khác gì tha thứ cho tội lỗi của bố, cũng như chấp nhận việc để bố tổn thương Tiểu Lam một lần nữa. Con thay mặt các anh em, không nhận”.
Vĩ Lệ hùng hồ nói, cương quyết không xuống nước vì bố. Người bố thở dài não nề, nhưng thoáng trong ánh mắt ấy là sự giận dữ. Có vẻ để gặp được Nguyệt Lam, phải bước qua rào cản lớn trước – là những người con trai.
Người đàn ông cất phong bì vào túi quần. Ông siết chặt nắm đấm, cố gắng kiềm chế cơn giận. Hôm nay là cơ hội quý giá để gặp lại các con của mình, nếu để cảm xúc làm chủ thì sẽ không còn dịp nào ghé thăm nữa. Nghĩ thế, ông thở dài từ bỏ.
Trần Luân và Vĩ Lệ khi thấy nắm đấm của người bố thì cau mày cảnh giác. Các anh biết tính cách của bố rất hung hăng, thậm chí có thể ra tay ngay tại đây. Vĩ Lệ nhớ đến thanh kiếm gỗ dùng để tập luyện để ở trong góc tủ chén, suýt nữa là phi như bay ra lấy dụng cụ rồi.
“Tiểu Lam đâu con? Dạo này nó khỏe không?”
Cuối cùng cũng lộ ra mục đích của ông. Ông đến đây không phải để gặp con trai, mà là con gái. Việc ông mang bánh và tiền đến là để lấy lòng hai anh, cho hai người thấy rằng ông đã khác xưa. Nhưng ông lại để lộ sơ hở chỉ vì cái siết tay nổi gân xanh kia.
“Em ấy khỏe. Đừng gọi con bé với cái tên đó”. Trần Luân đáp, không quên kèm theo lời nhắn.
“Sao vậy? Khải Tố cũng bảo bố như thế”. Ông hỏi, giả vờ ngây ngô. Thực chất ông biết lý do, chỉ là muốn chơi đùa với con một chút thôi. Sau gần chục năm ở tù, tính cách của ông còn tệ hơn trước.
“Ông không còn là ‘bố’ của chúng tôi nữa. Ít nhất là đối với em ấy”. Vĩ Lệ không thể tiếp tục cuộc gặp mặt này, anh buộc phải lên tiếng. Đáng lẽ ngay từ đầu anh nên từ chối gặp mặt mới đúng. Việc chào đón người đàn ông bạo lực về nhà chẳng khác nào rước nỗi đau về cho cả gia đình.
“Ông đã để lại một vết thương lớn trong tim Tiểu Lam. Con bé luôn rùng mình khi nhớ về ông, về những gì ông đã làm. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nghe thấy tiếng khóc mỗi đêm bởi vì những nỗi ám ảnh đeo bám con bé đến tận trong giấc ngủ!”
Trần Luân vẫn cau mày, khẽ đặt tay lên vai Vĩ Lệ nhắc anh bình tĩnh. Người con trai thứ hai trong nhà chỉ biết nhìn đi chỗ khác, vì những gì anh trai cả nói là sự thật. Mỗi lần nghe tiếng thét thất thanh trong sợ hãi từ phòng của Nguyệt Lam, Vĩ Lệ luôn bừng tỉnh đầu tiên và chạy đến bên người em gái bé nhỏ. Trần Luân luôn bắt gặp cảnh Vĩ Lệ ôm chầm lấy Tiểu Lam, còn cô em gái thì run rẩy, nước mắt nước mũi tèm lem. Trần Luân giới thiệu một bác sĩ tâm lý cho Tiểu Lam, nhưng cô từ chối. Bác sĩ Luân đành kê cho cô thuốc ngủ loại nhẹ vì không muốn để cô phụ thuộc quá nhiều vào thuốc.
Ông Cường đơ người, rồi lặng lẽ cúi đầu. Vĩ Lệ hít một hơi sâu, cảm thấy bản thân đã vô tình để lộ cảm xúc mất rồi. Nhưng phải để cho người bố biết hậu quả ông để lại trên đứa con gái của mình nghiêm trọng như thế nào. Không thể để gã chứng nào tật náy được.
“Bố biết rồi”. Nói rồi, gã đứng dậy, cảm nhận gân cốt được giãn ra. Gã thở dài vì kết quả của cuộc hẹn không như mong đợi. Thực chất ngay từ khi Vĩ Lệ không bày bánh đậu đỏ ra mời dùng trà, gã đã sớm biết được kết cục rồi. Cứ nghĩ sẽ gỡ gạc được chút tình thương từ các con bằng phong bì, nhưng cũng không thể làm lay chuyển ý chí của họ được. Lúc này Trịnh Xuân Cường mới nhận ra, bản thân đã sớm bị khước từ từ lâu rồi.
Trịnh Xuân Cường lặng lẽ ra về. Hai người con trai cũng không thèm tiễn ông. Theo lẽ thường mà nói, họ đã quá đáng với người cao tuổi, đặc biệt là bố của họ. Nhưng cũng không thể trách hai anh được, vì các anh chỉ đang bảo vệ Nguyệt Lam. Thậm chí các anh có thể chấp nhận mọi thủ đoạn chỉ để người bố bạo lực đó không còn có thể gặp lại con gái nữa.
Căn nhà trở về không gian tĩnh lặng. Hình bóng gã đi mất, Vĩ Lệ thở dài mệt mỏi.
Cùng lúc đó ở trung tâm mua sắm, Đỗ Phong nhận được cuộc gọi từ Vĩ Lệ. Người anh cả tóm tắt về buổi gặp mặt với giọng bực bội, anh cảm thấy người đàn ông đó không nhận ra rằng mối quan hệ với gia đình đã bị ‘hỏng’. Đỗ Phong vừa nghe điện thoại vừa quan sát xung quanh cửa hàng bán thú bông, tìm thấy ngay Nguyệt Lam đang phân vân mua cá mập hay con thỏ trắng.
“Ổng vừa ra khỏi nhà. Để đề phòng hai đứa chú ý xung quanh nha”.
“Dạ anh”.
Đỗ Phong cúp máy rồi thở dài. Anh không trông đợi gì từ người đàn ông đó cũng như cuộc hẹn, có lẽ anh đã mong rằng không có sự thay đổi tích cực gì ở ông.
“Anh Phong, cái nào đẹp hơn á?"
Người đàn ông tóc vàng cất điện thoại vào túi rồi đi sang chỗ người em gái. Cả hai đã ở cửa hàng này được nửa giờ đồng hồ rồi mà Nguyệt Lam vẫn chưa quyết định được món gì nên mua. Vẻ mặt cô rất bối rối, do dự giữa thú bông hình cá mập và hình thỏ. Đỗ Phong không biết nói gì hơn. Một người con gái gần hai mươi tuổi đầu vẫn có niềm đam mê bất diệt với thú nhồi bông. Tháng trước cô vừa mang về một bộ lắp ghép cho trẻ năm đến sáu tuổi.
“Anh lại thấy con ếch màu xanh lá, đeo balo ở kệ kia đẹp hơn”.
Đỗ Phong chỉ tay về con ếch mà anh nói, liền bị Tiểu Lam chê. “Em không thích con ếch! Em ghét và sợ loài lưỡng cư đó!”
“Em hỏi anh cái nào đẹp thì anh trả lời rồi đấy”.
“Là đẹp dữ chưa?”
Người anh đành tìm loại khác, xem có cái nào con bé thích không. Anh nhìn thấy thú bông hình con mèo màu đen. Bản thân anh thấy nó thật ngố nghĩnh, nhưng đấy lại là thứ sẽ lọt vào mắt xanh của Tiểu Lam.
“Em thấy cái này thì sao?”
Nguyệt Lam xoay người và nhìn theo hướng ngón tay anh đang chỉ. Đôi mắt xanh biếc của cô gái liền mở to trong sự phấn khích. Đỗ Phong đã đúng, không đời nào cô sẽ bỏ qua nó.
“Nó đội mũ này! Mặt cũng dễ thương nữa”.
Người anh trai chỉ thấy cái mặt khờ khạo của con thú bông, chẳng thể gọi là ‘dễ thương’ được, hoặc có thể anh không hứng thú với những món đồ này cũng nên. Nguyệt Lam chọn con mèo bông rồi nhanh chân đi đến quầy thu ngân. Trong lúc đợi cô thanh toán, Đỗ Phong bắt gặp hình bóng của một người đàn ông ngoài trung niên, mái tóc đen lẫn vài phần tóc bạc. Khuôn mặt đó, ánh mắt đó và cả dáng đi vừa nhanh vừa vụng về như sắp ngất.
Người anh trai nhanh chóng dẫn Tiểu Lam đi chỗ khác, cẩn thận không để người đàn ông đó nhìn thấy cô. Tiểu Lam ngơ ngác, cô liên tục hỏi anh có chuyện gì. Đỗ Phong không trả lời, sắc mặt cau có và ánh mắt cảnh giác cao độ.
“Anh Phong, sao thế? Sao lại đẩy em đi?”
“Nhỏ tiếng thôi. Đừng quay đầu, đừng nói lớn”.
Đỗ Phong khéo léo đi đường vòng, lợi dụng những bức tường để rời khỏi tầm mắt của ông ta. Anh nắm cổ tay Tiểu Lam, siết chặt không buông. Người em gái nhận ra có gì đó không ổn. Cô ngước lên nhìn anh, trong lòng chợt cảm thấy bất an kỳ lạ. Đỗ Phong làm việc trong bộ phận pháp lý, cách xử lý các tình huống đều nhanh nhẹn và kỹ lưỡng. Chưa kể, ánh mắt của anh trở nên sắc bén và lạnh như băng. Cái nắm tay mạnh đến nỗi Tiểu Lam có thể nhận thấy tay mình đang đỏ lên. Dựa theo hành động và nét mặt, cô chắc chắn anh đang đề phòng một cái gì đó.
Sau một lúc lâu, cả hai anh em ngồi xuống ghế đệm của trung tâm. Đỗ Phong đã buông tay Tiểu Lam nhưng không lơ là dù chỉ một giây. Nguyệt Lam không chịu nổi nữa, cô cất tiếng hỏi.
“Sao vậy? Nãy giờ anh đang làm gì mà có vẻ bấn loạn thế?”
Đỗ Phong im lặng. Anh không muốn con bé nhìn thấy bố ngay lúc đang tận hưởng chuyến mua sắm. Anh đã không bận tâm đến lời cảnh cáo của Vĩ Lệ, cứ nghĩ không thể nào lại trùng hợp như vậy được. Nhưng giờ đây anh đã hối hận khi đã không đưa Tiểu Lam về nhà sớm hơn.
“Anh Phong”.
Người anh giật mình khi nghe cô gọi, thoát khỏi luồng suy nghĩ. Anh quay đầu nhìn đứa em gái, ánh mắt giờ đây bày tỏ sự thương xót.
“Anh không sao. Tụi mình đi về thôi”.
“Nhưng mà còn sớm mà. Em muốn mua vài món nữa…”
“Không. Đứng dậy và đi về”.
Tiểu Lam ngây người vài giây khi nghe Đỗ Phong nhấn mạnh từng chữ. Hai bờ vai chợt căng lên, đôi mắt biếc đảo khắp nơi để phân tán sự hoảng loạn trong cô. Nguyệt Lam đứng dậy chuẩn bị về thì từ đằng sau, cô nghe thấy giọng nói của một người đàn ông cô từng xem là bố.
Cả cơ thể như bị đóng băng vậy. Cô đứng như tượng, đôi mắt mở thao láo trong sợ hãi, đôi môi khé hở, nhịp tim tăng nhanh đột ngột. Cảm giác này thật quen thuộc nhưng cũng rất đáng sợ.
Nguyệt Lam không dám cử động dù chỉ một ngón tay. Cô không dám quay đầu nhìn xem người đàn ông kia có thật là bố không. Đỗ Phong nhanh chân kéo cô đi ra khỏi trung tâm. Cứ ngỡ là đã thoát được cho đến khi người bố kéo vai anh dừng lại.
“Đỗ Phong! Là con đúng không?”
Ông ta nói với sự mừng rỡ như thể đang tạ ơn trời đất. Người con trai ôm em gái thật chặt, che mắt cô để cô không phải nhìn thấy nỗi sợ tuổi thơ. Nguyệt Lam chỉ biết rúc mặt vào ngực anh, cố gắng điềm tĩnh bằng cách thở sâu nhưng không những không thể bình tĩnh mà còn sợ hãi hơn rất nhiều.
“Ôi đúng là con rồi! Đúng là trời thương người có lòng. Nhìn ra dáng đàn ông ghê ta. Chắc có bạn gái rồi phải không?”
Đỗ Phong không trả lời, chỉ nhìn vào ông bằng ánh mắt sắc lẹm và hung dữ. Ông Cường cười khách sáo, làm như thể người nông thôn mới lên thành phố, bỡ ngỡ với lối sống xa hoa. Gã liếc sang nhìn đứa con gái, nhìn rất lâu. Gã chợt nghĩ con gái mình đã lớn thế này rồi sao. Ánh mắt gã nhìn từ trên xuống chân Nguyệt Lam. Đôi chân mảnh khảnh màu da ngâm, mái tóc dài qua vai mượt mà như lụa. Dáng vẻ nhỏ nhắn, bộ váy màu trắng giản dị và đôi giày sandal đơn giản phù hợp với độ tuổi của cô.
“Sao vậy, con gái? Không khỏe trong người hả? Hay là đói bụng rồi? Bố có kẹo ngọt trong túi này. Có mấy viên thôi. Ăn đi cho có sức”.
Gã Cường chìa ra hai viên kẹo màu hồng về phía Nguyệt Lam. Cô không dám cử động, còn không dám quay đầu nhìn ông chứ nói gì là nhận kẹo. Đỗ Phong cầm lấy hai viên kẹo đó rồi cất vào túi quần.
“Để con giữ. Cám ơn bố”.
Anh dìu em gái đi ra bãi đậu xe. Hai chân Nguyệt Lam chợt mềm ra như bún rồi cô khuỵu gối xuống sàn gạch nóng hổi do ánh mặt trời nóng bức. Đỗ Phong trở nên lo lắng và hoảng loạn rồi cũng quỳ xuống trước mặt con bé. Chỉ nghe thấy giọng của bố thôi mà tinh thần Tiểu Lam đã suy sụp đến mức này.
“Tiểu Lam, nhìn anh hai này. Nhìn anh”.
Cô liền ngước đầu lên nhìn người anh trai đang lo lắng đến bấn loạn. Đỗ Phong choàng áo khoác của mình lên cô để che nắng, rồi đưa cho cô chai nước khoáng. Phải mau đưa Nguyệt Lam về nhà thôi, không thể ở đây lâu hơn được nữa.
“Bình tĩnh. Hít thở sâu đi em. Anh hai ở đây rồi. Không sao đâu”.
Nguyệt Lam làm theo lời anh, dù mỗi lần hít vào là đau như thể hàng nghìn mũi kim đâm vào ngực. Tay chân bủn rủn, ánh mắt liên tục đảo qua đảo lại. Một vài người thấy hai anh em đang chật vật thì lại hỏi thăm và ngỏ ý giúp đỡ. Một số còn cho mượn khăn giấy ướt để lau đi mồ hôi trên trán của cô gái.
Người đàn ông tên Cường chỉ biết đứng ở trong trung tâm mát mẻ, trơ mắt nhìn mọi sự. Ông lại nhận ra thêm một điều nữa: sự hiện diện của ông là nguyên nhân cho sức khỏe tinh thần yếu ớt của Nguyệt Lam.
Nếu bảo ông không động lòng thì sẽ là nói dối, nhưng không đến mức khiến ông phải lao ra đó và giúp đỡ. Trịnh Xuân Cường cho rằng bản thân đã tiến bộ rất nhiều và đã có thể tiếp cận những đứa con của mình mà quên rằng chính ông là người đã tự thoát khỏi gia đình đó. Ông không thể gỡ gạc được gì nữa.
Đỗ Phong cõng Nguyệt Lam trên lưng, không quên ném cho người bố một cái nhìn căm ghét tột cùng. Anh cõng đứa em trên lưng đến xe hơi, em gái ngồi vào trong xe. Anh bật điều hòa lên để xoa dịu cái nóng rồi cứ thế về nhà.
Trên đường đi, Đỗ Phong liên tục nhìn vào gương để theo dõi Tiểu Lam, đang nằm trên ghế hàng sau. Dáng vẻ bây giờ của Nguyệt Lam thật đáng thương, khiến anh không khỏi quặn lòng. Bên trong xe khá yên tĩnh, nên anh có thể nghe thấy tiếng sụt sùi phía sau.
Vừa về đến nhà, Đỗ Phong lại cõng Tiểu Lam vào trong. Vĩ Lệ thoáng trợn mắt vì sốc nhưng lại cau có. Anh tiến lại gần hai người, cử chỉ bồn chồn và sốt ruột.
“Đừng nói với anh là gặp thật đấy”.
“Anh nói đúng rồi đấy. Gặp rồi”.
Vĩ Lệ gọi Tiểu Lam bằng giọng ôn tồn. Cô ngẩng mặt lên nhìn anh. Đôi mắt sưng húp và đỏ do nước mắt. Sắc mặt cũng tệ không kém. Vĩ Lệ hít một hơi sâu trước khi vươn tay lên xoa đầu con bé.
Nguyệt Lam về đến phòng ngủ, liền nằm xuống chiếc giường mềm ấm. Cô bây giờ như điện thoại hết pin, đầu óc đen kịt và không hoạt động. Nhưng cô phải thay đồ rửa mặt đã…
“Trời ơi, lâu lắm mới thấy cô trưng bản mặt đó ra ấy! Tôi tưởng cảm xúc của cô bị liệt luôn rồi chứ”.
‘Tôi số 2’ đứng trong gương mà cười lớn đắc chí. Nguyệt Lam cau mày, lặng lẽ thay quần áo và tắm rửa. Ít ra cô vẫn có thể làm những công việc sinh hoạt bình thường. Thật may là có Đỗ Phong ở đó, nếu không chắc cô ngất tại trung tâm thương mại rồi khi tỉnh lại sẽ thấy trần nhà trắng của bệnh viện.
Một lúc sau, Vĩ Lệ lên phòng của cô với chiếc khay gỗ trên tay. Anh pha trà hoa cúc, bày ra một đĩa bánh quy nhỏ cùng với một viên thuốc và chai nước lọc.
“Đỡ hơn chưa?”
Nguyệt Lam gật đầu, cô nhìn theo cử chỉ tay của Vĩ Lệ khi anh rót trà ra tách rồi đưa cho cô.
“Uống đi. Sau đó ăn thêm ít bánh rồi hẳn uống thuốc”.
Cô nghe lời anh rồi ngồi dậy. Từng cử động như đang gánh cả chục cân tạ. Cô không còn tâm trạng nào để ăn bánh uống trà nữa, nhưng phải ăn lót dạ rồi mới uống thuốc được.
Tiểu Lam nhai tạm vài chiếc bánh quy, cố nuốt cho trôi xuống cổ họng rồi nhấp vài ngụm trà. Chất lỏng ấm áp màu vàng nhạt dần sưởi ấm dạ dày của cô. Vĩ Lệ thấy em mình đã ăn xong thì lấy viên thuốc ra khỏi vỉ, đưa cho cô cùng với ly nước lọc.
“Thuốc chống lo âu đấy. Loại em hay dùng”.
Anh nói với giọng trầm. Không cần anh nói cũng biết đấy là loại thuốc Tiểu Lam hay dùng vào những lần bị hoảng sợ như thế này. Có lẽ anh cảm thấy bầu không khí quá nặng nề và buồn bã, nên mới cố nói thêm. Hoặc có lẽ anh đang rất lo lắng nên câu từ cũng không có chiều sâu.
“Em biết mà”.
Tiểu Lam uống viên thuốc màu hồng, cố uống thêm mấy ngụm nước để làm dịu vị đắng. Cô không còn tâm trạng để làm bất cứ cái gì nữa. Đầu óc bây giờ như mặt giấy trắng tinh, không suy nghĩ được và cũng không cảm thấy gì nữa. Cô nằm xuống giường rồi cuộn mình trong chăn, mặt quay về phía tường. Hai chân co lại gần đến ngực, thân trên thì khom xuống cứ như cô đang tự biến nhỏ lại vậy.
Vĩ Lệ thấy dáng ngủ của người em gái mà chạnh lòng. Cô hay ngủ ở tư thế đó, giống như đang bảo vệ và an ủi chính mình. Anh ngồi xuống ở mép giường, không nói câu nào mà chỉ im lặng trông em ngủ.
Nguyệt Lam cảm thấy không thể đuổi anh ra khỏi phòng nên cứ thế mà thiếp đi. Vĩ Lệ thì không hề rời mắt khỏi cô, ánh mắt đượm buồn của anh nhìn chăm chăm vào bóng lưng nhỏ bé đang trốn trong chăn bông. Mãi cho đến khi Tiểu Lam thực sự đã đi ngủ thì anh mới an tâm. Vĩ Lệ đắp lại chăn để giữ ấm cho Tiểu Lam, không quên xoa đầu đứa em vài cái trước khi tắt đèn và ra khỏi phòng.
Vĩ Lệ đi xuống tầng trệt, bắt gặp Đỗ Phong, Trần Luân và Tam Vũ đứng chờ ở cuối cầu thang. Cả ba người đều mang vẻ mặt lo lắng và sốt ruột. Người anh cả bình thản đi xuống, nhẹ nhàng thông báo.
“Ngủ rồi. Mấy đứa tắm rửa chuẩn bị nấu cơm đi”.
“Anh định đi đâu à?” Tam Vũ hỏi, cảm thấy anh mình không nên rời khỏi nhà ngay lúc này. Nguyệt Lam đang không khỏe và cần anh chăm sóc, mặc dù những người anh kia vẫn có thể thay Vĩ Lệ làm điều đó, nhưng có anh cả thì an tâm hơn.
“Không. Anh không đi đâu cả. Anh hơi mệt chút thôi”.
“Anh cũng ngủ một chút đi. Mặt mày tái mét hết rồi kìa”. Trần Luân chỉ vào mặt anh cả, không ngại ngùng mà thốt lên. Đỗ Phong đồng tình với bác sĩ Luân, cũng bảo anh nên nằm nghỉ. Cơm nước cứ để các em lo.
Sự thật rằng, Vĩ Lệ cũng như Tiểu Lam, đều sợ hãi khi gặp người bố. Khác với Tiểu Lam, anh không suy sụp và bộc lộ nỗi sợ ra ngoài mà tự mình chịu đựng, tự mình vượt qua nỗi sợ đó. Cuộc gặp lúc sáng nếu Trần Luân không ở đó với anh trai cả, thì có lẽ Vĩ Lệ vì quá sợ hãi mà phát điên, cầm hung khí gây án mất thôi. Mỗi người có cách thể hiện và vượt qua nỗi sợ khác nhau. Trường hợp của Vĩ Lệ là dùng cơn giận để đối phó với nó, và có lẽ, những người con trai khác cũng có điểm chung như vậy.
Bình luận
Chưa có bình luận