Chiều tàn. Mấy tia nắng còn sót lại rải lên cây cỏ của núi rừng một lớp ánh sáng màu vàng đồng rực rỡ trước khi rút về bên kia chân núi. Phát ngậm cọng cỏ gà, đưa mắt dõi theo sắc nắng từ từ nhạt dần trên khóm hoa dại trước mặt, ngẫm nghĩ một lúc rồi đưa tay ra ngắt lấy. Sau đó, hắn mới đứng dậy, thong thả lùa đàn dê theo con đường mòn trở về.
Lúc con dê cuối cùng yên vị trong chuồng, Phát khép lại cánh cửa chuồng đã sứt bản lề, chỉ được gá lại một cách tạm bợ, lắc đầu ngao ngán. Hắn nhìn mấy cái ván gỗ lung lay mình đã cẩn thận làm dấu từ trước cũng chưa thấy có dấu hiệu thay mới. Dù đã nhắc chú Út sửa lại cánh cửa chuồng cả tuần nay nhưng lần nào cũng thế. Sáng Phát lùa dê đi chăn, chú Út gật lấy gật để nói chắc như đinh đóng cột sẽ sửa vậy mà chiều tối khi Phát lùa dê về mọi thứ vẫn y như vậy. Hễ Phát hỏi tới là chú Út đang gà gật bên mâm rượu, thường là khi ấy chú đã say quá nửa, bắt đầu nói linh tinh những chuyện trên trời dưới đất mà Phát không tài nào hiểu nổi.
Rửa tay chân xong bước lên căn nhà sàn ọp ẹp dựng tạm bằng ván gỗ, Phát thấy chú Út đang ngồi bên đĩa cá nướng chưa động đũa, chai rượu thì đã cạn tới đáy, nằm lăn lóc bên cái mâm nhôm. Thấy Phát, chú Út lè nhè lên tiếng:
- Sao nay về sớm dữ mày?
Phát bước vào góc nhà, lần tìm cục tiền giấy được cuộn lại giấu trong chĩnh gạo, bỏ vào túi quần, đáp lại:
- Con tính tới nhà bà Sáu Hương mua ít đồ lặt vặt!
Chú Út đưa ly rượu lên cạn một hơi rồi “khà” lên một tiếng sảng khoái:
- Mày mua đồ gì mà đi miết? Bộ có mình bả mở quán bán đồ ở cái chỗ này hay gì mà mấy cái quán tạp hóa gần đây thì không đi, lại đi tuốt luốt xuống tận dưới đó làm gì?
Bàn tay đang cào cào mái tóc rối của Phát chợt khựng lại một lúc, hắn lắp bắp:
- Thì… tại… tại bà Sáu bán rẻ hơn mấy chỗ khác. Mua nhiều còn được khuyến mãi.
- Con mụ Sáu Hương hồi còn ở làng đã nổi tiếng keo kiệt, tính toán chi li. Nó mà bán rẻ hơn người ta nửa đồng chắc mặt trời không mọc ở đằng Đông nữa quá! Mày nói thiệt cho tao biết, mày xuống đó không phải chỉ để mua đồ phải không?
Phát bị nói trúng tim đen, lòng run lên như một người bị bắt quả tang vừa làm việc xấu, nhưng theo phản xạ hắn lắc đầu, phủ nhận một cách yếu ớt:
- Không… có… có đâu. Con… con… chỉ mua đồ thôi. Thiệt mà!
Cũng không biết chú Út có tin lời phân bua của Phát không mà chỉ cười khẩy, rồi thở dài. Bước chân vội vã của Phát vừa chạm tới đầu cầu thang, tiếng nói đằng sau đã lại vang lên:
- Mày đừng có mơ mộng hão huyền nữa, Phát à! Cho dù mày có bứt hết hoa của cả ngọn núi này hay có đem cả đàn dê trong chuồng đưa cho đứa con gái đó thì nó cũng không thèm liếc mày một cái đâu! Chỉ là dã tràng xe cát thôi! Bỏ đi con ơi!
Vậy là chú Út biết hết rồi! Không biết chú đã biết bí mật này của Phát từ lúc nào? Từ lúc chú thấy hắn thường nôn nóng lùa dê về chuồng sớm để kiếm cớ đi tới chỗ quán bà Sáu Hương mua đồ? Hay từ những nhánh hoa dại hắn hái từ ngọn núi về rồi vô ý để quên bên cầu thang dẫn lên nhà sàn? Hoặc là từ những cái trở mình liên tục của Phát mỗi đêm trước ngày họp chợ phiên của người Raglai ở cái bản này? Một người tối ngày chỉ đắm chìm trong những cơn say, hơi thở luôn lẩn quất thứ men cay nồng quanh năm suốt tháng như chú vậy mà cũng nhìn thấy bí mật ngỡ đã giấu kín trong trái tim của thằng cháu trai lần đầu biết nhớ nhung một người dưng xa lạ.
- Chú… đừng có đoán mò!
- Mày nghĩ gì, muốn gì, trên trán đều viết lên hết trên đó rồi, cần gì tao phải đoán mò!
Phát bước xuống cầu thang, bước chân vội vàng như đang chạy trốn. Hắn nhìn bó hoa mình gài lên cánh cổng bằng gỗ, lòng run rẩy một chặp. Phải rồi, hắn vốn dĩ cũng biết cho dù có hái hết hoa của cả khu rừng này thì cũng có tác dụng gì đâu khi mà ngay cả một cái ngẩng đầu nhìn hắn người kia cũng không muốn.
Phát biết chứ, nhưng hắn vẫn vô thức hái đám hoa dại vẫn nở bung ngay chân đồi mỗi lần lùa lũ dê lên đó gặm cỏ, cũng như không ngăn được mình kiếm cớ mua linh tinh để chạy xuống quán bà Sáu Hương mỗi buổi chiều muộn chỉ vì muốn lén nhìn người kia một cái.
Hắn biết chứ, rằng cô sẽ chẳng bao giờ để ý tới một gã con trai xấu xí quê mùa như mình. Cô vừa sáng chói lại vừa xa xôi như những ánh sao trên bầu trời đêm mùa hạ, hắn có bắc cả trăm cái thang cũng với không tới. Phát hiền lành chứ đâu phải một thằng ngốc mà không biết điều hiển nhiên ấy. Nhưng có lẽ hắn cũng không phải người thông minh gì lắm. Đã biết người ta là một ánh sao xa vời mà vẫn mơ mộng viển vông, vẫn cảm thấy trái tim trong ngực mình đập mạnh hơn mỗi khi hình ảnh kia thoáng qua trong lòng. Đâu cần phải hái sao xuống, cầm trong tay thì mới có thể vui vẻ. Nhìn thấy ngôi sao đó sáng lấp lánh trên trời, Phát cũng đã thấy mãn nguyện rồi.
Tiếng của chú Út cắt ngang dòng suy tư của Phát:
- Xuống đó rồi nhớ mua cho tao chai rượu nha mày!
Phát không ừ hử gì, rút chùm hoa dại gác lên cổng khi nãy xuống, ngắm nghía một lúc rồi siết chặt trong tay. Sau đó lại gác nó lại lên cổng.
Ánh sáng cuối cùng rút về bên kia sườn núi. Vầng trăng non đã ló dạng ở chân trời. Con đường mòn dẫn xuống chân núi lúc nhập nhoạng tối lại càng vắng vẻ hơn. Tiếng mấy con chim ăn đêm thình lình rúc lên trong mấy bụi cây ven đường, dễ dọa cho mấy người yếu bóng vía phải giật mình. Nhưng bước chân thoăn thoắt của Phát không hề chậm lại. Hắn quen thuộc với rừng, với cây cỏ chim muông ở nơi này đến từng hơi thở. Ngay cả con đường xuống núi này, hắn tự tin rằng dù nhắm mắt lại thì vẫn có thể biết được từng cái ổ gà, biết được vị trí từng viên sỏi nhỏ. Rừng có sâu thẳm, có quanh co đến đâu hắn cũng tự tin có thể thuộc nằm lòng. Chỉ có lòng dạ một người, còn chưa tới gang tay, lại quanh co lắm lối đến mức không thể dò được nổi.
Càng xuống gần chân núi, tiếng lao xao càng lúc càng rõ hơn. Ánh sáng của những ngôi nhà bên dưới ẩn hiện lập loè như ánh sáng của những con đom đóm thường kéo nhau đi cả đàn trong rừng khi đêm xuống. Phát nhắm mắt cũng biết, trong những đốm sáng nho nhỏ đó, đâu là ánh đèn của nhà bà Sáu Hương. Bước chân không tự chủ mỗi lúc bước mỗi nhanh hơn, còn trái tim cũng mỗi lúc đập mỗi dồn dập hơn trong lồng ngực.
Cái tạp hóa nhỏ của bà Sáu Hương nằm ở ven đường dẫn lên núi, là chỗ nghỉ chân của những người từ dưới xuôi muốn lên núi và từ trên núi xuống dưới xuôi trao đổi hàng hóa. Việc bán buôn của bà Sáu Hương không phải trông cậy vào cái tạp hóa chỉ có dăm gói mì, vài cây thuốc lá, mấy can rượu trắng và vài món đồ linh tinh bán cho người làng lên đây sinh sống, làm ăn mà chủ yếu đến từ việc trao đổi hàng hóa với người Raglai. Bà thu mua những thứ người Raglai trồng được trên nương rẫy của họ như bắp, mãng cầu, đậu ván,… hoặc những thứ họ thu lượm, săn bắt được trong rừng với giá rẻ mạt rồi đổi lại cho họ những món nhu yếu phẩm lấy từ dưới xuôi đưa lên như muối hột, thuốc men, xà bông, quần áo,… Công việc một vốn bốn lời này khiến không chỉ bà Sáu Hương mà nhiều người có đầu óc mưu mẹo và giỏi tính toán như bà đều phất lên chỉ trong thời gian ngắn.
Lúc Phát tới nơi, trước cửa tạp hóa cũng đang có vài người mua đồ. Mà hình như mỗi lần hắn tới nơi này đều không bao giờ thiếu những gã choai choai đang tụ tập trước cửa. Có vài gương mặt còn khá quen nữa. Lần nào xuống đây mua đồ hắn cũng gặp họ đang lảng vảng xung quanh. Thật ra cái tạp hóa bé như cãi lỗ mũi của bà Sáu Hương không phải chỗ bán đồ lớn nhất và duy nhất ở cái chân núi này. Mấy món đồ bày bán cũng chẳng phải cái gì hiếm lạ, nhất định phải tới đây mới mua được. Chẳng qua là kể từ lúc cô cháu gái gọi bà là dì chuyển tới thì nơi này mới náo nhiệt hơn trước mà thôi. Vân đã mang đến cho ngọn núi vốn buồn tẻ này một niềm phấn khởi và hi vọng mới.
Vân còn trẻ, trẻ lắm. Lại đẹp nữa. Con gái của cả cái bản Raglai này, của cả ngọn núi Mây này, mà không, có lẽ của cả làng Hòa ở tít dưới xuôi ấy cũng chẳng ai có được khuôn mặt đẹp đến xao lòng nhường ấy. Đôi mắt cô to tròn, đen lay láy như thứ gỗ mun thượng hàng nằm sâu tít ở tận rừng già. Ai cũng nói đôi mắt của Vân sâu hơn cả dòng suối Ngang vắt ngang sườn núi, thăm thẳm như bầu trời đêm mùa hạ, chỉ cần lạc vào đó thì sẽ chẳng nhớ đường về. Có lẽ vì vậy cái đám trai bản Raglai từ trên núi, trai làng Hòa từ dưới xuôi lên đều cứ mãi quanh quẩn ở đây chỉ vì không tìm được lối về nữa chăng?
Không biết Vân có biết tình ý của đám con trai vẫn cắm rễ trước nhà mình hay không mà cô vẫn dửng dưng như không. Ánh mắt đẹp như ngàn sao trên bầu trời đêm mùa hạ đó thờ ơ lướt qua những gương mặt đối diện mình mỗi ngày nhẹ bẫng như không khí, như cơn gió nhẹ nhàng lướt qua khu rừng, thoáng qua rồi mất hút, không hề chần chừ dừng lại một giây phút nào. Nụ cười có lẽ đẹp hơn cả những nụ hoa nở bung nơi rừng thẳm kia cũng chưa từng vì ai mà hé cánh. Vân như thể một cơn mưa mà người ta mong ngóng và khao khát trong những ngày nắng chang chang nứt nẻ khô cằn bật cả rễ cây, cạn cả con suối. Nhưng hóa ra cô không phải nguồn nước mát mẻ, tưới mát hi vọng cho những cây si mà đám người ái mộ cô vun trồng. Nếu cô là mặt trời, cô hẳn đã thiêu đốt trái tim của những chàng trai kia ra tro. Bỏng rát. Nếu cô là mây, cô chẳng phải đám mây bồng bềnh che mát, mà sẽ là mây giông mù mịt, dìm khối tình cảm mới chớm kia ướt đẫm dầm dề. Người ta tò mò kháo nhau, người sẽ làm nụ hoa đẹp đẽ kia bung nở, sẽ neo lại áng mây xa vời kia rốt cuộc sẽ là một kẻ như thế nào?
Mà cho dù kẻ đó là ai chắc chắn cũng không phải là Phát. Ai cũng nói Phát có làm gì thì cũng không thể nào với tới dù chỉ là một ngón chân của Vân. Một gã con trai nghèo khó, tướng tá cục mịch, người ngợm đen đúa, ai nói gì cũng chỉ biết gãi đầu, cười ngô nghê như hắn thì làm gì có cửa để bước vào tim của người con gái đẹp nhất ngọn núi Mây này. Dù hắn chẳng bày tỏ ra mặt hay quyết liệt theo đuổi, nhưng chuyện một gã như Phát ôm ấp thứ tình cảm như thế vẫn không tránh được những lời mỉa mai. Thật không khác gì đỉa đeo chân hạc! Phát mà cưa đổ được Vân thì chắc chắn sẽ trở thành nhân vật huyền thoại trong những câu chuyện mỗi dịp họp chợ phiên mất thôi.
Ấy vậy mà, cuối cùng, câu chuyện tưởng như hoang đường này lại trở thành sự thật. Cô gái đẹp nhất ngọn núi Mây thế mà lại trở thành vợ của Phát thật!
Từ chân núi đến đỉnh núi, từ trên bản xuống dưới xuôi, người ta xôn xao hết mấy phiên chợ liền. Không ai biết rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra. Người ta đoán già đoán non đủ thứ cả. Trong lúc mọi người trên núi bàn luận không ngớt thì Phát đã dẫn Vân về làng ra mắt gia đình.
Từ con đường mòn dẫn xuống núi, băng qua những mái nhà lô nhô ẩn hiện sau tán lá, băng qua con đường đất không một bóng người qua lại, băng qua cả con đường mấp mô dẫn qua cánh đồng làng đang sắp vào vụ gặt, hai người chẳng ai nói với ai một câu nào. Phát bối rối đi phía trước, Vân cúi đầu lặng lẽ đi sau. Hai người như hai chiếc bóng đơn độc, câm lặng trên đường, đều đặn cách nhau một khoảng cách không quá xa mà cũng chẳng đủ gần.
Phát nhìn tấm biển ghi tên làng đã phai màu vì mưa nắng, ngay cả cột gỗ dựng hai bên cũng đã bị mối mọt gặm nham nhở, cảm giác có chút thân quen lại dường như có chút xa lạ. Từ lúc bảy hay tám tuổi gì đó, khi món nợ của gia đình khiến ngay cả cánh cửa duy nhất trong nhà cũng bị chủ nợ cho người tháo bung cả bản lề ra để siết nợ, khiêng đi; khi mái nhà mỗi lần mưa xối xả dội xuống là bên trong còn đọng lại vũng nước nhiều hơn ngoài đường, khi gió bấc về mang theo cái lạnh lẽo thổi vào căn nhà đã mất đi cánh cửa có thể che chắn, Phát đã theo chân người ta lên núi chăn dê, gán nợ. Đi lâu đến nỗi núi rừng dường như đã thân thuộc với hắn hơn cả ngôi làng này.
Tuổi thơ của Phát loanh quanh từ ngọn núi này đến ngọn núi khác, từ đồng cỏ này qua đồng cỏ kia. Đầu trần, chân đất, quanh năm suốt tháng chỉ có độc một manh áo phong phanh trên người, thế mà hắn vẫn đi qua được mấy mùa nắng chan chát như đổ lửa, dầm mình trong mùa mưa khốc liệt của rừng già, và mùa gió bấc khô khan, lạnh lẽo nơi miền sơn cước vắng vẻ. Hắn lớn lên với sương gió, với tiếng đàn dê kêu be be từ lúc tia nắng đầu tiên ló dạng, đến lúc tia nắng cuối cùng đi về bên kia bầu trời. Thảng hoặc, khi người nhà ốm nặng, chủ dê mới miễn cưỡng cho hắn trở về làng.
Sau này, khi món nợ được trả hết, gia đình dành dụm được chút của cải mua được đàn dê, thì Phát ở hẳn luôn trên núi. Rồi sau đó nữa, chú Út cũng bỏ làng, lên sống cùng Phát. Gọi là sống cùng, nhưng ông chú cũng chỉ đắm chìm trong những cơn say không có điểm đầu cũng không thấy điểm cuối. Trong những cơn say triền miên quên ngày tháng đó, chú Út vẫn luôn nhắc đi nhắc lại với Phát rằng, đừng bao giờ với lấy những thứ ở quá xa tầm với của mình. Vì cuối cùng họ cũng sẽ bỏ mình mà đi thôi. Và cuối cùng người đau khổ cũng chỉ có mình mà thôi. Phát chẳng hiểu gì, nhưng cũng cố gật đầu cho có.
Phát bước chân qua cổng làng, men theo con đường còn nhớ trong ký ức, băng qua khu chợ trưa đã vãn bóng người. Vài người bán hàng thu dọn trễ, ngẩng đầu nhìn hai người vừa bước qua. Những ánh mắt tò mò bám theo gót chân của Phát và Vân, dường như xuyên qua cả lũy tre, bám theo họ về đến tận con đường nhỏ quen thuộc. Phát rụt rè đưa bàn tay gân guốc, đen đúa đã chai sạn của mình nắm lấy bàn tay nhỏ xíu, gầy guộc, trắng đến độ thấy cả gân xanh của Vân. Cô thoáng giật mình, định rụt tay lại nhưng Phát không chịu buông:
- Đừng sợ. Tui đã nói chuyện của tụi mình cho người nhà tui rồi. Dù ai có nói gì tui cũng sẽ không thay đổi quyết định của mình đâu.
Vân để yên bàn tay mình trong tay Phát, khẽ gật đầu.
Đám cưới của Phát và Vân diễn ra vào ngày gió bấc đầu tiên thổi về cánh đồng làng, thổi tung cả đám xác pháo cưới đỏ thẫm nằm trơ trọi trền nền đất cứng ngắc. Trời mù mịt, mây bàng bạc, lãng đãng như ánh mắt cô dâu khi được chú rể dẫn đi trên con đường làng quanh co. Đoàn đưa dâu ít đến tội nghiệp. Cô dâu không bước vào cửa trước mà vòng về phía cửa sau. Tiếng xì xầm bắt đầu vang lên từ lúc chú rể dẫn cô dâu lên sân khấu. Dù đã khéo léo lấy bó hoa che đi nhưng những vị khách tinh ý vẫn nhìn thấy cái bụng lúp xúp sau lớp áo dài cưới đỏ như xác pháo. Hèn chi gương mặt của bên nhà trai khó ở như vậy. Hèn chi không rước dâu cửa trước mà nhà gái như bà Sáu Hương không giãy nảy lên.
Tiếng xì xầm và những ánh nhìn săm soi của người xung quanh không ngừng lại kể từ sau đám cưới. Mỗi ánh mắt soi mói, mỗi lời nói bóng gió ác ý không phải dao mà sắc nhọn không khác gì dao cứa vào tinh thần mỗi ngày một sa sút của Vân, khiến cô càng ngày càng gầy rộc đi, càng ngày càng câm lặng như chiếc bóng.
Phát tưởng để vợ lại làng là cho vợ con một mái nhà tốt nhất để vượt qua gió mưa của nơi rừng thiêng nước độc, nhưng không ngờ gió mưa có độc đến đâu cũng không bằng miệng lưỡi người đời. Cái tiếng “ăn cơm trước kẻng”, “chửa hoang”, “thằng Phát phen này đổ vỏ cho người ta rồi” cứ lởn vởn như ma chú bên tai, càng làm dày lên nỗi buồn trong mắt Vân.
Phát thu xếp đưa Vân quay trở lại núi Mây. Căn nhà sàn ọp ẹp giờ được làm thêm vách ngăn, trở thành nơi trú thân của ba con người và một đứa trẻ sắp chào đời.
Mỗi ngày, Phát đều đặn lùa đàn dê lên núi từ lúc mặt trời chưa ló dạng, sương đêm còn ướt đẫm ngọn cỏ, lá cây. Vân ngồi thẫn thờ bên bậc cầu thang, đôi mắt đẹp lúc nào cũng mờ mịt như sương khói trên mặt hồ mùa đông. Lặng lẽ. Tịch mịch. Ánh mắt của cô theo cái bụng càng lúc càng lớn dần thì lại càng xa xăm. Ánh mắt của cô dường như đang kẹt lại đâu đó ở chân trời bên ngoài khung cửa. Đôi lúc, bất chợt nhìn vào mắt vợ, Phát lại thảng thốt. Cảm giác như thể Vân là đám mây trên bầu trời, chỉ neo lại phía trên ngôi nhà của hắn một thoáng chốc. Chỉ cần một cơn gió về là sẽ bay đi mất, không để lại dấu vết.
*****
Thằng Phúc ra đời vào một đêm mưa tầm tã.
Sau cơn đau bụng bất thình lình, Vân trở dạ. Chú Út bị tiếng thét của Vân đánh thức khỏi cơn say chếnh choáng. Chú Út hấp tấp dỡ vách ngăn chạy qua, giục Phát đang rối bời chạy đi kiếm bà thầy của bản. Phúc cầm đèn pin, đội áo mưa, vừa lo vừa cuống cuồng, mới bước xuống chân cầu thang đã lộn một vòng xuống đất. Hắn nghiến răng đứng dậy, vừa lê cái chân chảy máu, băng qua màn mưa, đi tìm người tới cứu vợ con mình.
Lúc thằng Phúc được bà thầy trao vào tay Phát, nó đang thiêm thiếp ngủ. Làn da đỏ hỏn của nó dưới ánh lửa bập bùng trông đỏ rực. Phát lóng ngóng ôm đứa trẻ sơ sinh vào lòng, nâng niu như thể đang ôm một báu vật vô giá nhất trên đời.
Dù không nỡ nhưng cái nhà sàn ọp ẹp với hai người đàn ông vụng về không phải là sự lựa chọn tốt nhất để chăm một người đàn bà mới sinh và một đứa trẻ còn đỏ hỏn. Vậy là Vân và đứa bé lại trở về sống trong căn nhà dưới chân núi của bà Sáu Hương.
Vân thường ngồi bên bậc cửa, ngơ ngẩn từ sáng sớm đến tận chiều tà. Chỉ có lúc thằng Phúc ré lên một tiếng thì Vân mới như giật mình, thoát khỏi cơn mộng mị của chính mình mà quay lại thực tại, chậm chạp vỗ về thằng bé. Ánh mắt của cô vẫn chưa khi nào thôi xa xôi.
Hết mùa nắng, qua mùa mưa, đến mùa gió bấc, cây cỏ trong rừng đơm hoa thay chồi rồi héo rũ mấy lượt, thằng Phúc từ lúc còn nằm trong lớp khăn, đỏ hỏn đã lẫm chẫm bước đi rồi chạy nhảy chơi trước nhà được rồi mà Vân cũng chưa ngỏ ý sẽ quay trở về làng hoặc về căn nhà sàn của Phát. Phát cũng không giục giã. Ngày nào cũng như ngày nấy, dù có trễ thế nào, dù có mưa gió bão bùng như thế nào, Phát cũng ghé xuống thăm mẹ con cô một lần. Lần nào xuống cũng mang khi thì một vốc da đá (1), khi túi nho rừng, táo rừng đầu mùa, lúc là mấy món đồ chơi tự làm. Thằng Phúc thích lắm. Thấy Phát từ xa là nó đã nhảy cẫng lên, reo hò ầm ĩ. Nó thích được Phát công kênh trên vai đi quanh nhà. Nó luôn miệng gọi “Ba, ba ơi” mãi. Những lúc đó, Vân đều cúi mặt. Bà Sáu Hương thì thở dài.
Người ta chỉ không nói ra miệng thôi, chứ chỉ cần để ý thì ai cùng ngờ ngợ nhận ra thằng Phúc càng lớn lại càng không có nét nào giống với Phát. Người làng thì lại càng không kiêng dè gì.
Ngày ba của Phát qua đời, một nhà ba người và chú Út về làng chịu tang. Ánh mắt lạnh lùng soi mói của họ hàng, của xóm làng như dao găm, ghim vào mỗi một cử động của thằng bé. Nó lủi thủi trốn vào một góc nhà, hoặc nấp sau Phát để trốn tránh cái nhìn gay gắt của mọi người.
- Con làm gì sai hả mẹ?
Lúc thằng bé gối đầu lên đùi Vân, nó đã hỏi như thế. Vân vuốt mớ tóc tơ của con trai, dịu dàng hỏi:
- Sao con lại nói như thế?
- Vì sao bác Hai, bác Ba, chú Năm, cô Sáu, thím Bảy,… không cho con đến gần? Cũng không cho con ngồi ăn cơm chung, cũng không chịu cho con ngồi chơi cùng mấy anh chị trong nhà nữa.
Vân cố nở nụ cười gượng gạo, vỗ về con trai:
- Không phải mọi người không thích con mà vì ai cũng mệt quá, nên có chút khó chịu trong người.
Thằng bé nghe mẹ giải thích vậy thì không nói gì thêm, nhẹ nhàng khép mắt ngủ. Từng đường nét trên gương mặt non nớt của nó gợi lên một gương mặt đã xa mờ trong đoạn ký ức phủ bụi của Vân. Dù cô có cố phủ nhận thế nào cũng không được. Cô thừ người, ánh mắt lại lãng đãng xa xăm. Phát đứng đắng sau, nghe thấy và nhìn thấy tất cả. Bàn tay hắn siết chặt lại, gân xanh nổi lên cả mu bàn tay. Nhưng rồi Phát cũng chỉ tất tả quay ra ngoài, hai vai dường như trĩu xuống như đang gánh cả thế giới.
Từ đó, Vân không bao giờ dẫn thằng bé về làng nữa. Thời gian cô ngẩn người mỗi lúc một nhiều hơn. Nhất là từ lúc Phát đi khám bệnh, biết được mình bị vô sinh. Căn bệnh quai bị không được chữa trị đúng cách thuở nhỏ, bắt đầu gieo rắc bóng tối lên cuộc đời hắn.
Mỗi lúc vô tình thấy ánh mắt phẳng lặng như mây như khói của Vân, Phát đều không tự chủ được mà cảm thấy nơm nớp. Hắn vẫn luôn sợ rằng áng mây của cuộc đời mình sẽ bị cuốn đi thật xa, thật xa. Xa đến nỗi dù chạy qua bao nhiêu ngọn đồi cũng không đuổi kịp.
Một ngày gió bấc lạc ngang sườn núi. Cơn gió bấc trái mùa khiến đàn dê đang mạnh khỏe đột nhiên bỏ cỏ. Dự cảm bất an trong lòng Phát lâu nay cuối cùng đã thành sự thật.
Người đàn ông lạ mặt dừng bước trước cái quán nhỏ của bà Sáu Hương, nhìn chằm chằm thằng Phúc đến mức nó sợ hãi khóc ré lên. Vân từ trong nhà lật đật chạy ra. Cái vá đang cầm trên tay rơi xuống đất khi cô nhìn thấy người đàn ông trước mặt. Những đường nét trên gương mặt này phảng phất có thể tìm được trên gương mặt non nớt của thằng Phúc.
- Chỉ cần em đồng ý, anh sẽ đưa mẹ con em rời khỏi đây ngay. Bây giờ anh đã kiếm được rất nhiều tiền, đã có nhà, có xe. Anh đã có thể lo được cho mẹ con em một cuộc sống đầy đủ. Đi với anh đi, Vân!
Phát không biết Vân đáp lại như thế nào. Hắn đã chạy vụt đi trước khi nghe thấy câu trả lời của cô. Phát không biết vì sao mình lại bỏ chạy. Chỉ là hắn không có đủ dũng khí để đứng lại.
Có lẽ cơn gió bấc lạc mùa đã thổi cái người trong ánh nhìn xa xăm vô vọng của cô trở về rồi. Có lẽ áng mây ngỡ vẫn neo đậu trong lòng Phát sẽ cùng cơn gió kia bay xa khỏi tầm với của hắn, về bên kia ngọn núi.
*****
Mưa liên miên dai dẳng cả tuần rồi mới dứt.
Lúc thấy Phát bước vào nhà, thằng Phúc đã hờn dỗi hỏi Phát vì sao không tới thăm mẹ con nó.
Mưa lớn quá! Ba không đi được.
Hình như Vân đã kiếm đại một cái cớ như thế để vỗ về thằng bé. Vân không hỏi lý do vì sao hắn không tới. Cô xuống bếp, dọn cơm lên cho Phát. Phát cắm cúi ăn. Không ai nói với ai một lời. Tựa như tất cả đều vẫn giống như bình thường.
Vân dỗ thằng Phúc đi ngủ xong, quay trở ra bên ngoài. Phát ngồi thinh lặng ngoài sân. Tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm, nghe não lòng vô cùng. Vân ngồi xuống bên cạnh. Cuối cùng Phát là người lên tiếng phá vỡ sự im lặng của hai người:
- Sau này, anh sẽ không xuống tìm em và thằng Phúc nữa. Hai mẹ con em… nếu muốn… thì có thể… đi cùng người đó. Anh biết người em đợi không phải anh. Em không cần thương hại anh đâu. Có thể đi cùng em một đoạn đường là anh đã thấy vui rồi. Anh…
Phát không nói hết câu được. Lời bên môi chưa kịp thoát ra đã nghẹn lại trên đầu lưỡi. Lời chúc phúc này sao mà nói được tròn vành rõ chữ chứ? Hắn là người, không phải là gỗ đá, có thể giả vờ như không có chuyện gì mà bảo vợ mình đi đi và sống thật hạnh phúc!
Vân cúi đầu, im lặng không đáp lời. Cô chỉ thở dài. Tiếng thở dài xao xác như gió bấc thổi qua cánh rừng, luồn qua từng khe hở của căn nhà sàn ọp ẹp, mang theo cái lạnh lẽo khô khốc dội vào lồng ngực của Phát. Nghèn ngẹn. Bức bối.
Phát đứng dậy ra về. Vân tiễn hắn ra cửa. Chưa khi nào cô mở lời muốn giữ hắn lại nhà. Cô có lẽ chưa bao giờ nhìn thấy ngọn lửa bỏng rát tha thiết trong mắt hắn mỗi lần cầm lấy bàn tay của cô chăng? Hay là dù có thấy thì Vân cũng vờ như không thấy? Nếu đã chẳng có tình, vậy thì tối nay đôi mắt của Vân sao lại buồn bã đến thế? Là thương cảm cho hắn chăng?
Phát biết chứ, Vân chưa từng thương mình. Ban đầu đã vậy, đến bây giờ cũng vậy. Từ đầu đến cuối, chỉ có mình hắn là thương cô bằng hết cả lòng mình. Lòng thương của cô, nói cho đúng hơn, có lẽ chỉ là sự áy náy.
Khi Phát trở về, mây đen đã ánh trăng đã bị mây đen che mờ. Cây lá ướt đẫm hơi sương. Con đường mòn dẫn lên núi còn vết bùn lầy từ trận mưa mấy ngày trước, lún xuống cả bàn chân. Chỉ cần băng qua thêm con suối cạn trước mắt, đi thêm một chốc nữa là đến căn nhà sàn quen thuộc. Có lẽ giờ này, chú Út đã say mèm và chìm vào giấc ngủ từ đời nào rồi.
Có tiếng nước gầm gừ, ùng ục từ phía xa vọng lại. Âm thanh càng lúc càng lớn. Âm thanh quen thuộc quá! Có lẽ nào là…
Suy nghĩ của Phát bị cắt đứt khi dòng nước ầm ầm cuốn phăng hắn vào lòng nó. Nước lũ từ thượng nguồn luôn bất thần trở về không báo trước như thế. Ngụp lặn trong làn nước lạnh buốt, hai chân Phát như bị trói lại, không quẫy đạp nổi. Hắn chìm dần, chìm dần… Ý thức của Phát dần trở nên mơ hồ.
Hình như lúc đó cũng vào một đêm trăng như thế này, trở về sau đám đãi nhà mới của một người quen trong bản Raglai, Phát chọn con đường đi tắt qua suối Ngang để về cho nhanh. Dưới ánh sáng mờ ảo của vầng trăng trên đầu, Phát thấy một bóng người con gái lội xuống suối. Tưởng người ta đi tắm đêm, Phát ngại ngùng không dám nhìn tiếp nữa. Ai ngờ đợi một lúc không thấy động tĩnh gì, Phát len lén quay lại xem thử thì chỉ thấy một nhúm tóc dài như rong rêu xõa ra trên mặt nước.
Không nghĩ gì nhiều, Phát lao xuống suối, vật lộn với dòng nước lạnh giá một lúc lâu mới kéo được người kia lên bờ. Ánh sáng bàng bạc của vầng trăng rọi lên gương mặt trắng bệch đến quen thuộc kia làm Phát hoảng hồn la lên:
- Cô Vân! Vân ơi! Vân!
Phát vỗ má Vân, liên tục gọi lớn cái tên mình đã gọi thầm không biết bao nhiêu lần trong lòng. Mãi đến khi cô ọc hết mấy ngụm nước kia ra ngoài, đôi mắt xinh đẹp mới từ từ mở ra. Đôi mắt đen láy từng khiến bao người say mê lạc lối kia, giờ lờ đờ như người đã chết. Cô không nói không rằng, không liếc nhìn Phát một cái, việc đầu tiên khi tỉnh lại là lao xuống dòng nước xiết. Phát vội vã kéo cô ngã lên bờ.
Vân kiệt sức, gào lên:
- Sao anh lại cứu tui làm gì? Để cho tui chết đi!
- Không! Tui không thể để cô chết đi được!
- Vì sao? Anh chỉ cần nhắm mắt đi thẳng một đường là được mà! Tại sao?
- Tại… vì… tui…tui…
Phát ngắc ngứ một lúc cũng không nói được thành câu, chỉ lắc đầu, và giữ chặt tay cô lại.
Vân thấy ánh mắt ngượng ngùng của Phát, nhìn bàn tay đang níu tay mình, cười khổ:
- Anh thích tui à?
Phát gật đầu rồi vội vã lắc đầu, rồi lại gật đầu.
- Nhưng tui không biết anh là ai, tui cũng không thích anh!
Phát biết chứ. Vân không thích hắn. Từ lúc đầu Phát đã biết điều ấy rồi.
Có lẽ nếu không phải vì áy náy, nếu không phải hắn nài ép, Vân sẽ không đời nào lấy hắn. Bây giờ người cô đợi đã quay trở về, còn hắn chỉ là một gã đàn ông vô sinh, lấy tư cách gì để níu kéo cô ở lại. Nếu hắn không trở về nữa, có lẽ sẽ là sự giải thoát lớn nhất cho mẹ con cô ấy chăng?
*****
Lúc Vân đang vắt khăn chườm lên trán thằng Phúc vì thằng nhỏ lên cơn sốt, quấy khóc không ngừng từ đêm hôm qua tới giờ thì nghe tiếng lao xao ở trước cửa tạp hóa. Cô bưng thau nước ra ngoài giếng, nghe người ta bàn tán việc khuya qua có lũ đầu nguồn về đột ngột, cuốn mất hai người băng qua suối, đến giờ không biết tung tích. Tay Vân run lên, thau nước trên tay rơi luôn xuống đất. Cô run rẩy chạy ra hỏi:
- Có biết người đó là ai không?
Người kia lắc đầu, hồn nhiên đáp:
- Không chắc lắm. Nhưng hình như nghe nói có thằng nhỏ chăn dê ở mạn sườn núi Mây thì phải.
Thấy sắc mặt của Vân xám xịt như người chết, người kia biết mình lỡ lời bèn gượng cười:
- Cái này tui cũng nghe nói, không biết chắc. Có thể cũng không phải!
Vân không nở nổi nụ cười, vừa quay lưng bước vào nhà thì thấy choáng váng rồi ngất xỉu. Trước khi mất đi ý thức, cô loáng thoáng nghe tiếng ai đó hét lên bên tai rồi sau đó không còn nhớ gì nữa.
Nếu không phải vì bà Sáu Hương và mọi người cản lại, Vân đã định ôm con chạy tới suối Ngang xem thử. Cô nằm bần thần trên giường, nhìn đỉnh màn bằng đôi mắt ráo hoảnh, cảm giác lạnh lẽo bủa vây cả người cô như cái đêm cô trầm mình xuống suối năm đó. Vân vẫn còn nhớ đôi tay đầy vết chai níu chặt bàn tay mình lúc ấy. Cả ánh mắt tha thiết đó nữa. Cho dù khi cô lạnh lùng nói mình đã có thai với người khác. Rằng ai sẽ chấp nhận một người đàn bà không chồng mà chửa như cô. Không bằng chết quách đi cho xong. Người ấy vẫn không buông tay cô ra, nói quả quyết:
- Tui lấy cô! Tui lấy cô là được chứ gì! Để tui làm cha đứa nhỏ là được chứ gì!
Từ hốc mắt, từng giọt nước mắt lăn dài xuống má. Bỏng rát vô cùng.
Cảm giác đau đớn lại một lần nữa bóp nghẹt trái tim Vân.
*****
Vân đưa thằng Phúc theo con đường mòn dẫn lên núi. Đây là lần đầu tiên nó được lên núi nên thích lắm. Hết nhìn ngó cái này cái kia lại hỏi cái này cái nọ. Khi mệt nhoài thì nó mới níu tay Vân hỏi mình đi đâu.
Về nhà.
Vân đã nói với thằng bé như thế. Nhìn gương mặt nặng nề của mẹ, thằng bé ngoan ngoãn không hỏi thêm gì nữa, đan bàn tay nhỏ xíu vào tay Vân, cố bước theo cô.
Nhà sàn nằm im ỉm trong nắng. Cánh cửa gỗ chỉ đang khép hờ. Trong chuồng dê trống rỗng. Dường như chỉ mới có mấy ngày mà khung cảnh nơi đây đã tiêu điều không tả nổi. Vân đẩy cánh cửa, dẫn thằng Phúc bước vào trong.
Dọn dẹp một lát xong xuôi, cô mới ôm con trai ngồi trên bậc thang nhìn về chân trời xa lắc.
Chiều tàn. Nắng nhạt dần. Mây rủ nhau kéo về bên kia đồi. Chỉ còn tiếng gió hun hút thổi qua. Vân từng mông lung đợi một người từ bên kia ngọn núi trở về. Đợi mãi. Đợi mãi. Đến khi họ trở lại tìm cô thì trái tim của Vân đã không còn ở đó nữa rồi. Hóa ra, cô đã mở cửa trái tim cho một người khác bước vào. Cô nhớ tới nụ cười ngờ nghệch và bàn tay chai sạn của người đã nắm lấy tay mình ở bên con suối khi ấy. Đó mới là chốn về Vân mong mỏi những ngày sau này. Giá mà cô hiểu ra điều này sớm hơn.
Giờ đến lượt cô đợi người ấy trở về. Cho dù là một ngày, hai ngày, ba ngày… Cho dù là một năm… hai năm… ba năm.
Cho dù là cả đời này!
*****
Trời nhập nhoạng tối. Vừa khép cửa, dẫn Phúc vào nhà, Vân chợt nghe có tiếng lao xao từ xa vọng lại.
- Trời mưa lớn mà không chịu ở lại, nhà vợ mày chứ có phải nhà ai đâu mà làm khách? May mà số mày lớn, mới mắc vào nhánh cây kia, người ta mới vớt lên kịp thời, không là năm sau nhà này lại có thêm cái giỗ để ăn rồi! Vì tìm mày, ngay cả thề độc là bỏ rượu tao cũng thề luôn rồi… Mà cũng lạ đời, tao còn chạy ngược chạy xuôi đi kiếm mày, còn con vợ mày sao cứ bình chân như vại thế nhỉ?
- Cổ… chắc không còn ở đây nữa đâu… nên không biết chuyện con bị nước cuốn.
- Mày dại quá con ạ!
- Không phải chú từng nói người ta có thể cột chân một người nhưng làm sao cột được trái tim của người đó sao. Nếu họ đã muốn đi thì có mười con trâu kéo lại cũng vô ích. Không phải chú cũng để người đó ra đi tìm người mà họ thương hay sao? Nên ngày nào cũng mới say như hũ chìm.
- Tao…
- Mà sao có khói bốc lên từ phía nhà của mình vậy? Chú không dập bếp lửa trước khi đi hả?
- Chết cha rồi, không lẽ là cháy nhà?
Rồi có tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch, tiếng cổng gỗ bị xô mạnh. Vân mở cửa bước ra, nhìn thấy hai bóng người quen thuộc dưới chân cầu thang, đang kinh ngạc nhìn mình. Nước mắt Vân lăn dài, đôi mắt khóa chặt hình dáng thân thương kia, khoé môi nở nụ cười hạnh phúc.
- Phát, anh về rồi!
(Hết)
Chú thích:
(1) Da đá: một loại trái dại mọc ở rừng, vỏ mỏng, khi sống vỏ màu xanh, vị chua, lúc chín có màu đỏ hồng, vị ngọt thanh, thịt quả màu trắng đục, hạt cứng.
Bình luận
Chưa có bình luận