Trời đã đứng bóng, Phuệ chợt nhớ mình phải đem nước về sớm, nếu không tranh thủ thì đến lúc ông Viết Văn tỉnh rượu lại sẽ có chuyện. Phuệ ngồi dậy và lấy lại hồn vía sau cuộc đấu tranh kịch tính với thần chết. Nó vội nhặt bình rượu, cuốn tờ giấy lại rồi đậy nắp bình lại, kỹ càng bỏ vào cái túi áo thật sâu, cầm cái thùng nước đi về. Phuệ bây giờ chẳng còn cảm giác mệt mỏi khi cầm thùng nước như mọi ngày nữa. Trong đầu nó cứ đau đáu mãi hình ảnh Bà Lùn Điên và những câu nói, dòng chữ hết sức kỳ lạ của bà ta. Hết nỗi lo này đến nỗi lo khác, Phuệ chỉ mong bây giờ về đến nhà bố vẫn còn chưa tỉnh rượu. Không thì ông ta lại cho Phuệ ăn một trận đòn kinh hoàng nữa.
- Mày về nha rồi đấy à! Mất dạy chẳng khác con mẹ già của mày, chẳng biết thưa hỏi ai! – Ông Viết Văn quát giọng lớn nói.
Phuệ run bần bật đến nỗi nói chuyện lấp bấp, hình dáng của ông ta ngồi trước cửa kéo điếu thuốc với gương mặt đanh lại, như một con sói dữ tợn nhìn Phuệ cũng đủ làm nó không thốt nổi thành lời:
- Dạ... dạ... con... con thưa bố con... mới đi lấy n... nước về ạ!
Ông Viết Văn gằn giọng hỏi:
- Hình như tao ăn thịt mày hay gì à mà mày nói chuyện thế hả? Mày đi đâu từ sáng tới giờ mới về, quần áo thì rách rưới, ướt sũng từ đầu tới chân. Mày có biết thằng già này đợi mày lấy nước về để tắm, pha trà từ sáng tới giờ không?
Phuệ mếu giọng đáp:
- Dạ... dạ con xin lỗi bố con vào pha nước trà cho bố liền ạ! Bố đừng đánh con!
Ông Viết Văn đáp:
- Hay mày lo đi chơi rồi té? Mẹ mày chẳng bao giờ biết dạy mày, nói đến là bênh. Không đánh mày không bao giờ khôn cái đầu mày ra! Đi vào quỳ gối cho tao! Nhanh!
Phuệ làm theo lời ông Viết Văn chẳng dám hé răng nửa lời, cũng chẳng dám nói to khóc lớn, khéo lại bị cho ăn thêm mấy bạt tay. Dù chuyện này diễn ra như ăn cơm bữa - nếu không phải nó thì cũng là bà Thu, còn riêng Tỉnh Văn – từ lúc căn bệnh ấy đành chào thua thì ông Viết Văn không còn thèm đếm xỉa gì tới cậu nửa dù chỉ là nửa câu. Đôi lúc cơn điên của đứa con trai của mình làm cho ông bực tức, nhưng có đánh thì cũng như không đánh, chẳng biết xin lỗi, chẳng biết sửa sai, chẳng biết sợ ông mà lại còn hận ông. Với sức khoẻ của một cậu thanh niên mới lớn thì cũng đủ quật ông, nhẹ hơn thì bị mấy cái móng tay cào rướm máu hết cả mình. Riêng Thị Xuế lúc trước cũng chịu những trận đòn roi của bố, nhưng từ khi cô bước chân ra đời kiếm tiền, làm trụ cột cho gia đình thì cô được ông cưng chiều, thay đổi một cách bất thường. Chỉ còn Phuệ, là tấm thớt để ông ta trút những mũi dao câm phẫn của mình. Khi đó, Phuệ chỉ biết quỳ trong một góc rồi cố kiềm nước mắt vào trong. Trong lúc đó, ông Viết Văn đi đâu đó có vẻ như ngoài bụi rậm, ông ra tìm một cái cây vót thật nhỏ rồi cầm vào bắt đầu đánh Phuệ không nương tay. Tiếng roi quất vào người Phuệ vang lên đen đét đến rõ cả tiếng cây roi phụt qua gió.
- Cho mày chừa cái tật mất dạy, lêu lỏng đi chơi quên công việc của mình! Cho mày chừa... cho mày chừa...
Phuệ chấp tay cầu xin ông Viết Văn:
- Con... con xin bố, bố tha cho con, con không... không có!
Phuệ không dám nói mình té vì sợ bị đánh mạnh hơn. Nhưng ông Viết Văn thì lại liên tục đánh Phuệ, bắt nó quỳ đến đỏ cả đầu gối. Người lạnh cóng, nó run lên từng đợt, giọng cũng yếu ớt dần:
- Con... con lạnh quá...
Phuệ cố nhướng mắt nhìn xung quanh, lúc này mọi thứ như nấp sau một mảng sương mờ dày đặc, tiếng của la mắng dần nhỏ lại, chẳng còn cảm giác đau nữa vì cái lạnh thấu xương như một liều thuốc tê đậm đặc khiến Phuệ không chút đau rát trước những đòn roi của ông Viết Văn nữa. Ông ta cuối cùng cũng chịu buông roi xuống, rồi nắm vai áo còn lại đến nhấc bổng nó lên rồi cảnh cáo:
- Tao đánh lần này là lần cuối, lần sau lấy nước còn chậm trễ kiểu này nữa tao đập mày cho gãy xương!
Phuệ chẳng còn sức đáp lại. Nó bị thả xuống nền gạch cái “bịch”.
“Cạch”
Tiếng vật gì đó va với nền gỗ làm ông Viết Văn chú ý đến. Là cái bình rượu trong túi Phuệ nó rớt ra, Phuệ vội nhìn khi thấy bình rượu bị rớt ra khỏi túi, nó nhanh tay chụp bỏ vào túi nhưng vẫn không qua được con mắt tinh tường của ông Viết Văn. Ông ta nhào đến định chộp lấy tay của Phuệ lại để lấy xem đó là cái gì thì bị vấp té sấp mình xuống, cánh tay trái bị trẹo sang một bên. Ông Viết Văn nhăn mặt đau, la lên:
- Mày... mày đúng là thứ xui xẻo trong nhà này. Cút... cút khỏi mắt tao trước khi tao nổi điên nhá!
Nghe tiếng động, bà Thu vội chạy ra xem có chuyện gì thì thấy chồng mình té sấp xuống mặt sàn. Bà Thu vội đỡ chồng mình lên nhưng vấn đề là cánh tay của ông Viết Văn bị trẹo hẳn sang một bên thấy rõ, phần xương vai bị lõm sâu hoắm. Ông Viết Văn đau đến độ quằn quại, cắn môi bật cả máu. Bà Thu ra hiệu xua tay cho Phuệ vào trong rồi hỏi ông Viết Văn:
- Mình... mình có sao không ạ?
Ông Viết Văn đáp:
- Tao đau muốn chết đi sống lại rồi mày không thấy à còn hỏi?
Bà Thu đáp:
- Để em đưa mình lên thị xã nhờ y tế ở đó chữa cho mình nhé!
Ông Viết Văn quát:
- Tao mà lên tới đó chắc tay tao sẽ gãy luôn mất!
Trong này, tiếng ông Viết Văn quát mắng trong nỗi đau thấu trời thì bị ngắt ngang bởi âm thanh phát ra từ ngoài cửa:
“Cọc”.
Là bà Khuê, bà ta vừa đi xuống chợ phiên về, cầm theo mấy sấp vải đầy màu sắc sặc sỡ. Vừa ngắm nghía mấy sấp vải vẻ tự đắc, bà ta vừa cười tủm tỉm rồi nói:
- Cái Phuệ với cái Xuế ra đây coi này, tao vừa mua được mấy sấp vải đẹp phết ra, tới đám cưới, ba dì cháu mình mặc mấy bộ đồ từ mấy sấp vải này chắc đẹp nhất đấy! Mà chưa hết nhé, lúc nãy... tao còn thấy được trai đẹp mày ạ! Hahahaha... Vui chết đi được, to con, lực lưỡng, da lại còn rám nắng, dì chúng mày mà còn trẻ là nó phải đem ô quá mà rước dì mày về thôi!
Bà Khuê tủm tỉm cười đến đỏ cả mặt. Tuy là người tọc mạch đôi lúc làm Phuệ và Xuế khó chịu, nhưng bà dì này lại rất thương cháu, và là người duy nhất trong nhà có thể cãi được với ông Viết Văn. Lúc này, bà Thanh Khuê mãi nhìn vài mấy sấp vải mà không biết rằng phía xa xa là ông anh và bà chị dâu.
- Dì lại ảo tưởng rồi đấy! – Bà Thu nói.
- Anh mày bị trật tay không lo, lo cho mấy sấp vải. Tiền lắm nên mua nhiều vào, để tao bị bệnh tật khỏi chửa! – Ông Viết Văn giọng mốc xỉa nói tiếp lời.
Nghe tiếng, bà Khuê giật mình nhìn thấy hai người rồi nói:
- Bị trật tay à? Quả báo của việc ăn nhậu đấy. Cháu tôi tôi lo, không tới lượt hai anh chị phải tiếp lời. Còn tiền này là tôi tích góp từ mấy năm rồi cơ, cũng nhờ cái miếng đất èo uột trồng khoai hết cả đấy! Nói thế, anh em trong nhà, ngồi đó đi! Khỏi cần trạm xá, để tôi gọi bà Bói về trị cho. Bà ta ở giữa làng, gần lắm ngồi đó đi!
Bà Thu quay qua nói với ông Viết Văn:
- Mình ngồi đây ráng nhé! Để em kêu cái Phuệ nó chuẩn bị cơm tí mình ăn. Phuệ ơi, vào làm cơm đi!
Phuệ vọng lại yếu ớt:
- V... vâng ạ!
Bà Thu hỏi lại:
- Con có lấy rêu không?
Phuệ im một hồi không đáp, bà Thu vội nói:
- Chắc nó mệt quá...
Ông Viết Văn nhìn bà Thu rồi đáp:
- Mày kêu nó ra đây. Nói chuyện kiểu không thèm nhìn mặt à?
Bà Thu gật đầu rồi kêu lên:
- Phuệ ra đây bố nói chuyện nè con!
Phuệ đáp đôi phần lo lắng:
- Con ra... ra liền ạ!
Phuệ cúi mặt, dáng vẻ thấp thỏm đứng trước mặt ông ta vì biết ông ta chỉ lấy cái cớ để mắng Phuệ một lần nữa. Quả thật, Ông Viết Văn hỏi:
- Hôm nay ăn gì thế?
Bà Thu nhanh miệng nói thay cho Phuệ:
- Còn một ít mèn mén với cả rêu. Con có lấy rêu không đấy Phuệ?
Phuệ ngập ngừng trả lời bà Thu:
- Dạ... c... con...
Ông Viết Văn nổi giận chửi Phuệ:
- Dẹp mẹ luôn đi! Mày định cho tao ăn mèn mén không hả con ranh kia? Mày cút khỏi mắt tao nhanh! Còn mày...
Ông Viết Văn lườm bà Thu, bà Thu vội hiểu ý nói:
- Để em đi mượn ít mèn mén bên nhà ông trưởng làng với tí rêu đá cho mình! Mình vào trong nằm nghỉ đi nhé!
Ông Viết Văn đáp:
- Tay tao thế này nằm kiểu gì mà nằm...
Chưa nói hết câu, lúc này từ ngoài cửa, bà Khuê dắt một bà Bói độ chừng sau mươi tuổi về nhà để chỉnh lại cái tay cho anh của mình. Bà Bói này có dáng vẻ khá mập mạp khác hẳn so với những bà Bói ở làng thường ốm tong ốm teo, nhưng về trang phục, bà ta ăn mặc khá giản dị, chỉ đơn thuần là mấy tấm vải rách nhiều màu, trông phai màu nên độ đã rất cũ, nhưng đan lại thành một cái áo cổ vuông, tay dài, rộng và một cái quần đen trông rất giản dị. Đầu bới một búi tóc nhỏ, hai lỗ tai đeo hai cái khuyên và tay cũng thế. Bà Khuê dìu bà Bói vào trong nhà rồi nói:
- Đây là bà Bói, bà ta giỏi lắm đấy. Tùy duyên mà lấy hoặc không lấy tiền.
Bà Khuê quay mặt vào trong góc phòng của Phuệ và Xuế vọng vào:
- Hai đứa đem nước ra đây, có khách đấy!
Ông Viết Văn và bà Thu không nói một lời nào, chỉ nhìn vẻ kì lạ vào bà Bói rồi nói vài câu thể hiện sự lịch sự:
- Chào Bà Bói ạ!
Bà Bói chẳng đáp mà chỉ nhìn xung quanh nhà, bà ta nhìn rất kĩ từ sàn nhà, vách nhà đến trần nhà và cả cái chái bếp. Nhưng thứ khiến bà ta nhìn chằm chằm đó là phòng cái Phuệ.
- Dạ, tôi mời bà Bói uống nước ạ! – Xuế nói.
Bà Bói nhìn cái Phuệ, cái Xuế rồi nói:
- Cái Xuế đấy à, trông cũng xinh gái phết nhờ! Vào trong đi! Còn cái Phuệ ở lại đây giúp ta một số chuyện.
Phuệ nhìn bà Bói rồi đáp:
- Vâng ạ!
Từ trong túi, bà Bói móc ra một bọc lá gồm nhiều loại thuốc trộn lẫn vào nhau, được bọc kĩ bằng một lớp giấy, bà Bói gỡ ra rồi đọc cái gì đó lầm bầm không thể nghe được rồi bảo Phuệ đem vào giã thật nhuyễn đến khi nó tiết nước từ trong lá ra đủ ba muỗng ăn cơm. Phuệ dù nhỏ tuổi nhưng nó rất lanh lợi, hiểu chuyện và làm việc nhanh nhẹn khiến cho bà Bói rất ưng bụng. Phuệ vừa đi, bà Bói liền nhìn qua ông Viết Văn rồi nói:
- Mới bị đúng không? May là chửa kịp đấy, để đến mai là tật suốt đời luôn!
Ông Viết Văn nhìn bà Bói đáp:
- N... nặng đến vậy... sao?
Bà Bói cau mày nhìn chằm chằm ông Viết Văn nói:
- Do cậu đụng vào thứ không được đụng...
Ông Viết Văn vẻ khó hiểu hỏi:
- Ý bà là sao chứ? Tôi không... hiểu được...
Bà Bói nói:
- Đừng hỏi nhiều, mai mốt cẩn thận nhé! Có thờ có thiêng, có kiêng thì có lành!
Ông Viết đáp:
- Tôi chả làm gì ai cả!
Bà Khuê vội nói:
- Nói thế còn chả hiểu! Là ông đụng vào thứ không hay nên bị quật đấy!
Với bản tính cọc cằn, ông Viết Văn muốn cãi lại. Nhưng tình thế này cãi cũng chẳng có lợi ích gì, đành nghe vậy, dù không tin mấy cái chuyện ông cho là mê tín nhảm nhí này. Có lẽ chỉ những trường hợp thế này mới đủ khả năng kìm chế con quỷ bên trong ông Viết Văn. Bởi bây giờ thứ duy nhất quan tâm là thuốc chữa và cũng vừa đúng lúc thuốc đã giã xong. Phuệ cầm cái cối ra đưa cho bà Bói. Bà Bói cầm lên vẻ rất ưng rồi lấy phần thuốc bôi lên cái vai của ông Viết Văn, sau đó dặn dò kĩ càng:
- Nằm sấp xuống, không được để phần thuốc dính vào bất kì thứ gì, nhớ không được cử động. Đến canh Tuất rồi gọi ba tiếng: "Bà Bói! Bà Bói! Bà Bói!" nhé!
Nói rồi bà ta lấy cây gậy chống kế bên rồi về, nhưng bà ta lại khựng lại nói:
- Cho ta đi dạo một vòng nhé!
Bà Khuê lanh lợi nói:
- Được chứ ạ! Để con dắt bà đi!
Bà Khuê dìu bà Bói đi dạo một vòng, vẫn con mắt ấy, bà ta nhìn mọi thứ đến từng chi tiết một cách đầy khó hiểu. Đến chỗ cái giường nơi ông Văn Kín nằm, bà ta thốt:
- Bị liệt giường, hai cái tay bị tê cứng như hai khúc gỗ... Sắp rồi!
Bà Khuê không hiểu bà ta nói gì, nhưng vẻ mặt có vẻ lo lắng hỏi:
- Bà... bà nói... sắp gì... chứ?
Bà Bói không đáp, chỉ nhìn chằm chằm vào ông Văn Kín một hồi rồi bỏ đi. Đi đến ngay phòng cái Xuế, bà ta lại dừng lại, bà Khuê như bắt được nhịp định nói:
- Là... là sắp gì nữa sao?
Bà Bói nói:
- Lấy chồng! Mệt rồi đây!
Đoạn Bà Bói lầm bầm nói:
- Đến lúc rồi nhỉ!
Bà Bói lại tiếp tục đi tiếp rồi ghé lại phòng cái Phuệ, nhưng lần này bà ta ngưng lại một hồi lâu rồi mỉm cười xong lại như nói trong mồm:
- Có quý nhân mà không biết trân trọng! – Bà ta nhếch miệng khi vừa dứt câu.
Bà Bói hất tay bà Khuê rồi lập cập bỏ đi chẳng lời nào, để lại sự hoang mang, lo lắng cho bà Thanh Khuê. Bà ta nhìn theo bóng dáng của bà Bói như bị đứng hình, cho đến khi bà Bói đi được tới cây mít cách đó không xa, điều kỳ lạ làm cho bà Khuê phải trừng mắt kinh ngạc. Bởi bóng dáng của một người phụ nữ độ chừng hơn sáu mươi lúc này lại trông gầy guộc, cái lưng còng tựa muốn chạm dưới mặt đất khiến bà Khuê há hốc mồm, đến cả bà Thu vỗ vai kêu, bà Khuê còn không hay biết.
- Này... Dì làm gì mà trông thất thần thế? – Bà Thu hỏi.
Bà Khuê dụi mắt, lấy lại thần sắc đáp:
- Không... không có gì hết!
Bà Thu nói tiếp:
- Dì ở nhà xem anh Văn với bố nhé! Tôi đi qua nhà trưởng làng sẵn tiện ghé nhà ông Khiêm có ít việc.
Bà Khuê đáp qua loa:
- Ơ... ờ... chị đi cẩn thận đấy nhé!
Bà Thu gật đầu rồi ra ngoài cửa, xỏ đôi dép rồi lên đường đi đến nhà Ông Khắc – Trưởng làng của làng Thổ...
[........]
Khắc Dậu điểm, bà Thu đi xuống nhà ông Khắc trong chiều tối hôm đó. Đường đến nhà ông Khắc không hề dễ dàng, bà Thu phải đi qua tầm hai con dốc bám đầy rêu trơn trượt và một cái hang rồi mới đến. Mặt trời sắp ngủ quên sau dãy núi cao chẳng thấy đỉnh, cây cối thõng mình xuống đường đất thô sơ đón cái nắng cuối ngày, bóng bà Thu nhỏ bé in trên con đường nhỏ. Bà Thu vừa đi vừa thầm mong sao có ít mèn mén để ăn qua ngày.
Độ chừng ba mươi phút, chân bà Thu cũng sắp rã rời cả ra. Bà Thu mừng rỡ khi thấy trước mặt là ngôi nhà trình tường được làm bằng vách đá kiên cố của ông Khắc. Gia đình ông tuy không giàu có, nhưng thuộc dạng khá giả, đủ ăn đủ mặc. Ông có một người vợ tên Hà, hai đứa con trai sáu tuổi và khá được lòng người làng. Là người hiếu khách, bà Thu vừa bước vào cổng nhà, từ bên trong bà Hà đã vọng tiếng ra:
- Ai đấy ạ?
Bà Thu vội đáp:
- Tôi, Thu vợ ông Viết Văn nè chị!
Bà Hà nói lại vẻ niềm nở:
- Trời ạ, quý quá, mời chị vào!
Bà Hà nhanh nhẹn bước ra đón khách vào nhà nồng nhiệt. Nhờ cái tính hiếu khách, thân thiện thế mà ai cũng được lòng. Bà Thu vào trong nhà, kéo cái ghế rồi ngồi xuống thở dài chia sẻ:
- Ngại quá, lại đến nhà chị giờ này phiền chị quá! Nhưng... có điều tôi muốn nhờ nhà chị... có được không?
Bà Hà rót miếng trà đặt trước mặt bà Thu rồi đáp:
- Vợ chồng tôi là trưởng làng, chuyện giúp bà con mình là chuyện phải làm, chị cứ việc giải bày nhé!
Bà Thu hạ giọng chậm rãi thưa:
- Thú thật với chị, chồng tôi vừa bị trật tay sáng nay mới gọi bà Bói chữa nên nhà đang khó khăn, mấy ngày nữa cái Xuế nó đám cưới với cậu Khường con ông Quý làng bên nên kinh tế đang khó khăn. Khoai vụ năm nay lại thất nên nhà tôi đang thiếu lương thực. Chị thương tình mà có thể cho tôi mượn một ít mèn mén không chị?
Bà Hà đáp:
- Tôi cứ tưởng chuyện gì, chuyện này thì dĩ nhiên rồi chị. Chị ngồi đây đợi tôi tí nhé! Mình ơi, có chị Thu tới chơi, mình vào trong bếp lấy một gói mèn mén đưa chị Thu giúp tôi nhé!
Ông Khắc nói ra:
- Ừ! Mình bảo chị ngồi đợi tôi tí nhé!
Trong buổi chiều tạ, bóng dáng ngồi đợi nhỏ bé, tần tảo của bà Thu như còn gầy guộc, thô kệch hơn cả nền đất nhà ông Khắc. Có lẽ, đến cả ánh nắng buổi chiều còn chê bờ vai khuất bóng của bà Thu. Mà chỉ có thời gian mới song hành từ bà ấy từ lúc làm dâu đến bây giờ. Nhưng chắc hẳn số lần đợi chờ, kiên nhẫn trong suốt những năm làm dâu sẽ không bằng sự nôn nao khi cầm trên tay gói mèn mén lúc này. Đang háo hức xen chút trầm tư thì bà Thu bỗng giật mình vì tiếng động phát ra từ nhà ông Khắc.
“Kình”
Tiếng cửa gỗ mở va vào góc tường, ông Khắc – người đàn ông có dáng hình cao, to con và vẻ mặt đứng tuổi. Năm nay cũng đã năm mươi nhưng tóc đã hói, bạc trắng hết thảy. Ông Khắc nhìn bà Thu cười rồi nói:
- Chào chị! Thông cảm để chị đợi lâu.
Bà Thu vội đứng lên kéo ghế, nhã ý muốn mời ông Khắc ngồi xuống.
- Tôi mời ông ngồi!
Ông Khắc vội vịn vai bà Thu đáp:
- Chị không cần khách sáo đâu, cùng là người làng mà. Đây! Mèn mén chị đấy, không cần trả tôi đâu nhé! Sẵn tiện tôi có ít chuyện muốn... muốn hỏi chị. Chị không ngại thì...
Bà Thu mỉm cười đáp:
- Có gì ông cứ hỏi, mượn mèn mén của anh chị chẳng lẽ một câu chuyện tôi lại còn tiết kiệm!
Ông Khắc nói:
- Cảm ơn chị nhé! Vậy thì tôi xin phép hỏi... Chị quyết định gả cái Xuế cho Khường sao?
Bà Thu đáp:
- Dạ đúng rồi! Sao vậy... anh?
Ông Khắc nói tiếp:
- Không sao cả, nhưng chị có... chắc chưa vậy? Nhà ông ấy thật ra tôi có nghe nói vài chuyện không hay lắm về lai lịch nhà ông ta.
Bà Thu đáp:
- Thưa anh, như nào anh nói tôi biết với!
Ông Khắc quay sang bà Hà, vẻ như muốn bà Hà nói hơn là chính ông nói, dù gì phụ nữ với nhau cũng dễ nói chuyện hơn. Bà Hà ngầm hiểu ý, nói lời thay chồng mình:
- Tôi... tôi nghe cái nhà ấy có phong thủy không tốt chị ạ! Thằng Khường có tướng sát phu. Cái nhà ấy còn nổi tiếng là cho vay lúa, cho một lấy mười. Mà quan trọng... hơn là... chuyện này là do tôi vô tình nghe trong lúc tôi xuống chợ phiên vừa sáng nay luôn chị ạ! Người ta nói cái nhà ấy... ngót nghét cũng năm đứa con dâu, nhưng đứa nào làm dâu cứ được tầm một tháng là... là mất tích không rõ nguyên nhân! Nói trắng là chết!
Bà Thu nổi da gà khi nghe bà Hà nói đến từ “chết”. Bà Thu toát mồ hôi, mặt mày tái mét hỏi:
- Chị... chị vừa... vừa n... nói sao chứ?
Bà Hà nói:
- Làm dâu ở đó cứ đến tầm một tháng... là chết chị ạ! Mà chuyện này xảy ra khi bà vợ cả là bà Thinh mất đi. Cái nhà ấy theo mẫu hệ từ trước tới nay, chẳng biết sao từ khi bà ta mất thì tôn ti trật tự trong nhà đảo lộn một cách đầy kinh ngạc, từ truyền thống mẫu hệ mà chuyển thành chế độ phụ hệ chỉ trong chưa đầy thất tuần sau khi bà Thinh mất. Đó chỉ là chuyện cỏn con trong cái nhà đấy. Nên tôi... tôi cảm thấy lo lắng khi chị nói... gả cái Xuế cho thằng Khường. Chưa hết, tôi còn nghe nói thằng ấy bị bệnh gì mà đến nay không lương y nào chữa hết, nó kị nắng và mặc áo tay dài quanh năm. Nên...
Bà Thu tối tăm mặt mày, cú sốc này làm bà ta sốc đến độ xém ngất xỉu, nhưng ánh đèn dầu le lói cùng với tiếng cửa chính bên ngoài đã làm bà Thu giật mình quay ngoắt lại.
Đứng ngoài cửa là cái Phuệ, nửa đêm nửa hôm mà nó trông rất hớt hải, tay cầm cái đèn dầu nhỏ chạy đi tìm bà Thu trong đêm. Phuệ nó thở gấp nói:
- M... mẹ... mẹ mau về đi, bà... bà nội bị té, đầu đập vào nền sàn bị... bị ngất r... rồi!
Bà Thu nhận cú sốc thứ hai, bà Thu lắp bắp nói:
- C... cái gì chứ? Sao chuyện đến liên miên thế này vậy trời ơi! Con chạy về trước đi, mẹ về sau!
Ông Khắc đứng lên rồi chạy theo bà Thu, ông Khắc dặn:
- Mình ở nhà nhé! Tôi đi một lát.
Bà Hà đáp:
- Mình đi cẩn thận nhé!
Bà Thu, cái Phuệ và cả ông Khắc ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Nãy giờ cũng đã chạy được tới con đèo thứ hai, nghĩa là không còn bao xa nữa là tới nhà bà Thu. Tại nhà bà Thu, lúc này ông Viết Văn, bà Khuê và cái Xuế đang cố gắng đỡ bà Hương dậy, móm một ít nước lá chỉ mong bà Hương tỉnh dậy. Bà Hương vừa ngã một cú rất mạnh, tuổi già sức yếu, với cú ngã trời giáng ấy khiến bà Hương ngất xỉu là còn nhẹ, mạng bà ta nhỏ chắc cũng đi chầu ông bà. Bà Hương ngất cũng đã hơn mười lăm phút từ lúc Phuệ chạy đến nhà ông trưởng làng. Lúc đó Phuệ nó đang ngồi đút cơm cho ông Kín, Xuế thì ngồi chăm bố, ngồi canh giờ để gọi bà Bói về mà chữa. Bà ta quả không nói điêu, ông Viết Văn vừa dứt câu thứ ba là cái tay ông như có ai vặn khớp xương ông về đúng vị trí một cách rất nhẹ nhàng. Chưa đến một phút, tay ông Văn đã bình thường trở lại, ông Viết Văn cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Nhưng chưa được bao lâu thì giật mình bởi tiếng động, giống như có một thứ gì đó va chạm vào nền sàn, tiếng rõ là rất to. Vội vàng từ trong phòng chạy ra, theo sau là bà Khuê, ông Văn quay qua cái Phuệ và cái Xuế hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Con Xuế đáp:
- Con không biết, hình như phía trước...
Ông Viết Văn như ngộ ra điều gì đó rồi hỏi:
- Phía... trước, bà nội mày đâu rồi hả?
Một câu hỏi khiến cho những người còn lại sững sốt. Bốn người vội chạy lên phía trước. Nằm giữa nhà là bà Hương. Bà ta đã bị ngất, nằm li bì giữa cái sàn gỗ sần sùi làm cho bốn người sợ đến xanh mặt mày, vì chỉ cần chậm trễ một xí là bà Hương có thể về với trời ngay. Ngàn cân treo sợi tóc, bà Khuê giọng cấp bách nói:
- Cái Phuệ, đi kêu mẹ về nhanh lên! Nhanh đi! Còn cái Xuế, chạy đi tìm bà Bói nhờ bà ta đến giúp.
Cái Phuệ, Xuế bối rối lấy cái đèn dầu trên cái bàn, gấp đến độ quên mang cả dép. Con đường chiều này bị ướt nhèm, Xuế cùng Phuệ chạy trên con đường đất của làng bằng chính đôi chân trần lòng khòng, hai chị em rẽ ra hai hướng, mỗi người một cung đường. Dấu chân của hai cô gái bé nhỏ để lại trong đêm, có lẽ đến cả trăng cũng quên...
Cũng đã hơn nửa tiếng trôi qua, bà Hương vẫn chưa có bất kỳ một động tĩnh gì. Nằm trên cái giường cũ kỹ, mọt ăn nham nhở đến cả chân, bà Hương vẫn thở đều đặn, mắt thì vẫn nhắm, nhưng cơ thể chẳng tí động đậy nào. Bà Khuê, ngược lại vẻ điềm tĩnh của ông Viết Văn, thì bà ta như ngồi trên đống lửa, hồi hộp chờ cái Phuệ, cái Xuế từng phút, từng giờ. Bây giờ biết cầu trời độ. Bà Khuê đang bóp tay chân, làm mọi cách khiến bà Hương tỉnh lại. Ông Viết Văn thì móm nước lá và một ít cháo. Đã một lúc lâu, nhưng tô cháo vẫn chưa vơi đi được một nửa, ly nước thì gần như còn nguyên...
“Rầm!”
Tiếng cửa mở, ông Khắc, bà Thu và cả cái Phuệ đã về. Bà Khuê như phần nào an tâm. Bà Thu đi trước, tới con Phuệ, theo sau là ông trưởng làng. Như một mũi tên, bà Thu lao vào đến ngay bên giường, vừa nói vừa khóc trong hoảng loạn:
- Trời ơi, sao khổ thế này, hết chuyện này lại tới chuyện kia...
Thấy thế, bà Khuê tiếp lời:
- Bây giờ ngồi than cũng không được gì. Tôi có kêu cái Xuế gọi bà Bói tới xem có cứu chữa được gì hay không, không thì đưa xuống trạm xá!
Nói rồi, bà Khuê quay sang ông trưởng làng, lòng mừng như bắt được vàng, bà nói:
- Nếu bà Bói không đến... Mong bác giúp mẹ tôi! Chi phí tôi sẽ cố gắng trả đủ cho bác nhanh nhất!
Ông Khắc trả lời:
- Người làng với nhau không cần đến chuyện tiền bạc. Đúng là đồng tiền đi liền khúc ruột, nhưng hiện giờ mạng sống vẫn hơn! Mà này, tôi nghe bà nói kêu... kêu ai đó...
Bà Khuê vội đáp:
- Bà Bói!
Ông Khắc nói tiếp:
- Sao nãy giờ chưa thấy, lâu quá không hay đâu!
Nhìn qua, ông Tỉnh Văn nãy giờ không nói một lời, mặt vẫn lầm lì như mọi ngày. Dù bà Hương bị ngất xỉu nhưng ông ta vẻ tỉnh bơ chẳng chút lo lắng mà lại còn hứng xơi vài chén rượu. Ông Khắc chút bực bội nên nói:
- Ông còn uống rượu được à? Không thấy nhà đang có chuyện hay sao?
Ông Viết Văn đặt cốc rượu xuống giường rồi liếc mắt qua ông Khắc nói:
- Chứ làm con mẹ gì? Rượu vào còn ấm bụng chứ ngồi như chó chờ xương, chờ bà Bói tới khi nào mới no bụng hở?
Bà Thu cũng đã quen cảnh này đến chán nên chả thèm nhắc, có nói cũng như nước đổ lá môn.
- Thôi kệ anh ạ, đừng quan tâm ông ấy. Đến tôi đây - vợ ổng - ổng chả còn quan tâm bằng chai rượu của ổng. – Bà Thu nói.
Ông Khắc bất lực chẳng lời nào rồi nhìn ra cánh cửa chính, ánh mắt trông chờ mỏi mòn...
Đã hơn ba mươi phút trôi qua nhưng cái Xuế vẫn chưa về tới nhà. Nhà sốt xắng nay lại sốt xắng hơn, mẹ Xuế cứ ngóng mãi ra cửa, bà Khuê cũng vậy. Một người thì ngất, một người lại mất tích chẳng thấy đâu làm cho gia đình lo lắng tột độ. Trăng lên rõ đến chẳng một áng mây che mờ, ấy vậy trời thì lại tối đen như mực, sương mù phủ kín lạnh đến thấu xương, đường đi trơn trượt lắm dốc lắm đèo. Biết bao nhiêu đứa con gái làng này bỏ mạng cũng vì những điều đó, vì thế cái Xuế đi nãy giờ rõ rất lâu nhưng không về, không đi tìm kịp thì chuyện xấu có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Ông Khắc đứng lên nói:
- Đi tìm nó thôi! Bây giờ chỉ có cách nhờ thần chọn người mà đi tìm. Bởi chuyện đi tìm người nghe đơn giản nhưng không khéo lại một mũi tên trúng hai con nhạn. Trước giờ làng này đi tìm người cũng phải đều cầu nguyện nhờ thần làng và thần đất đai chọn người hộ, bởi không hợp tuổi, hợp mạng, không đủ sợi dây năng lượng kết nối để bề trên chỉ đường đi thì công cuộc đi tìm cũng coi như công cóc.
Nói xong, ông Khắc đi vào trong góc bếp như tìm một thứ gì đó, ông Khắc lên tiếng:
- Tôi cần một cái bát hương có chứa nắm đất sau nhà trộn tro bếp và năm cây hương, năm tách trà, năm tách rượu.
Ngoài ra, còn một thứ gì đó nữa được ông Khắc lấy ra từ túi ông ta. Một cái túi giấy màu trắng ngà, bên trong chứa nhúm bột màu xám xám có mùi chua và hăng hắc nhẹ. Ông Khắc đưa lên ngửi rồi nói:
- May là tôi có đem đấy! Đây là vôi trộn chung với tro hương ngoài đình làng. Khi đã chọn được người, người được chọn cầm theo cái gói bột này, đi tới đâu rắc tới đó đến lúc về nhé!
Nói xong, ông Khắc bày ra những vật phẩm vừa nãy nói. Một cái bát hương có chứa nhúm đất sau nhà trộn chung với tro bếp, năm nén hương, năm tách trà, năm tách rượu - tượng trưng cho Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Sau đó, ông Khắc dùng cái ly hương bằng đất nung rồi hoà chúng với một nhúm tro bếp trong đống củi đã tàn nhả lửa, rồi ông Khắc đốt năm đốt hương, mỗi một đốt hương đại diện cho một mệnh người. Nhang vừa toả hương lên, ông cắm vào cái lư hương theo chiều ngang thẳng tắp. Ông Khắc quay sang đặt năm chén trà nóng bên phải, năm chén rượu bên trái. Làm xong, ông quỳ trước lư hương, miệng lẩm bẩm gì đó và hoà rượu chung với trà rồi nói:
- Này, mỗi người uống hết một chén này nhé! Uống xong quay mặt về hướng Nam, đối lưng với nén nhang là được. Độ chừng năm phút quay lại, cây nhang của ai tàn nhanh nhất, người chính là người sẽ đi tìm Xuế.
Đã năm phút trôi qua, ông Khắc ra lệnh cho năm người quay lưng lại. Nhìn một hàng nhang, thì đến cây cuối cùng là cây tàn nhanh nhất, ông Khắc thốt lên:
- Là... là cái Phuệ!
Ông Khắc rút cây nhang, cắm đầu xuống rồi tiếp lời:
- Bề trên chọn nó rồi!
Bà Thu nói vẻ lo lắng như không muốn con mình đi:
- Nguy hiểm lắm con ạ! Hay là...
Ông Khắc vội cắt lời:
- Lệnh trời rồi! Cãi không được đâu! Bà yên tâm!
Ông Khắc móc từ trong túi quần một cái vòng tay, dặn dò kỹ càng:
- Đây là cái vòng bạc bên trong có muối than được làm phép ở đình làng, bên dưới có một cái then cài lại, cháu nhớ đừng làm sứt then nhé! Cả cái gói này nữa, nhớ đi tới đâu rắc tới đó đến lúc về. Quan trọng là dù có gì ... đi nữa cũng không được nói, nhìn gì đấy!
Phuệ chăm chú nghe lời căn dặn của ông Khắc, nó gật gật rồi bỗng nhiên ngã đùng ra xỉu tại chỗ. Sự hoang mang trong lo sợ cùng với hàng trăm câu hỏi lộn xộn chồng chất trong đầu từ lúc qua bà Hà đến hiện tại khiến bà Thu oà khóc.
- Phuệ... có sao không? Con sao thế này? Sao hết chuyện này tới chuyện kia vậy trời ơi...!
Bà Khuê cũng hốt hoảng không kém, bà ta định lại gần cái Phuệ thì ông Khắc nói:
- Mọi người đừng lại gần! Để đó, tôi biết nó không sao đâu. Bà Khuê, bà đỡ ông Viết Văn vào đi, ông ta say lắm rồi!
Nói rồi, ông Khắc vẻ trầm ngâm, bấm bấm tay, nhìn xuôi nhìn ngược. Ông Khắc tự hỏi:
- Từ nãy đến giờ các vật phẩm đều có đủ, mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ sao lại có chuyện này. Có khi nào... đã mạo phạm việc gì đó rồi?
Chẳng biết từ đâu, tiếng “cọc... cọc”, “bịch... bịch” cứ phát ra rồi dừng lại, rồi lại “cọc... cọc”, “bịch... bịch” khiến ông Khắc khó chịu.
- Nhà chị có nuôi mèo à? Sao có tiếng gì như phát ra từ trên mái nhà ấy?
Bà Thu nhìn ông Khắc, đáp:
- Nhà tôi làm gì nuôi mèo?
Ông Khắc đã có câu trả lời, ông hỏi một câu để khẳng định:
- Nãy giờ có phải thiếu... thiếu thằng Tỉnh Văn đúng không?
Bà Thu ngó xung quanh, bây giờ bà ta mới phát hiện từ chiều tới giờ không thấy nó. Đoạn nhớ lại, khoảng năm giờ chiều, Tỉnh Văn nói vào phòng nằm nghỉ do nhức đầu, đến giờ này vẫn chưa thấy nó ra. Trong phòng cũng chẳng có một tiếng ngáy nào tức là nó không có nhà. Bà Thu một lần nữa hoảng loạn, bà ta la lên kêu tên Tỉnh Văn nhưng không một lời hồi đáp. Sợ nó lại lên cơn điên rồi đi lạc, đường thì trơn, trời thì đêm như mực, nỗi sợ mất con của bà ta dâng trào. Bà Thu định lấy cái đèn dầu trên bàn đi tìm Xuế thì ông Khắc ngăn lại nói:
- Chị vào lấy cái thang giúp tôi, tôi biết nó ở đâu rồi!
Bà Thu dù không hiểu ý ông Khắc lắm nhưng vì con của mình thì kêu bà làm gì cũng được. Bà Thu lấy cái thang một cách vội vàng rồi đưa ông Khắc.
- Được rồi, ra bên ngoài nhà thôi! – Ông Khắc giọng cứng rắn nói.
Lúc này, bên trong nhà chỉ còn bà Hương đang nằm li bì, còn ông Văn Kín đã ngủ chẳng hay biết gì chuyện phía trước nhà. Riêng cái Phuệ vẫn nằm ngất trước lư hương đang bốc khói nghi ngút ấy.
Ông Khắc và bà Thu đã ra ngoài cửa. Bà Thu hoang mang, không hiểu ông Khắc đang làm gì bởi cái thằng không liên quan gì lắm trong việc tìm con của mình. Như hiểu được thắc mắc, bà Thu nên giải thích:
- Xa tận chân trời, gần ngay trước mắt. Chị nhìn lên đi, nó trên mái tôn nhà kìa!
Bà Thu nhìn theo chỉ tay ông Khắc, bà Thu như một người hoảng hồn. Vì trên mái tôn trơn trượt, cao chết người ấy mà bằng cách nào Tỉnh Văn lại leo lên. Điều đó khiến bà Thu sững sờ. Nhưng cái mái nhà sau cơn mưa làm bà Thu sựt lo lắng, vì chỉ cần một sơ suất, Tỉnh Văn sẽ trượt từ trên cao xuống đất. Bà ấy rưng nước mắt, hốt hoảng đến mức hét lên:
- Tỉnh Văn ơi... Con ơi sao lên đó? Đừng làm mẹ sợ con ơi...!
Ông Khắc cố trấn an:
- Chị bình tĩnh, tôi trèo lên giúp nó xuống đây.
- Khoan! – Một giọng nói già dặn từ sau lưng ông Khắc phát ra. Đó là bà Bói, bà ta đang nắm tay cái Xuế chuẩn bị đi vào nhà. Nhưng khi vừa thấy cảnh này, bà ta đã khựng lại, nói:
- Thằng này bị mộng du rồi! Nhưng không phải mộng du thường đâu. Là bị mà dẫn hồn rồi, không khéo lại bị mất hồn.
Từ trên mái nhà, Tỉnh Văn nó như một con mèo cõng trăng, nó đang ngồi xếp bằng như đang đối diện nói chuyện với ai đó. Bỗng nhiên nó quay xuống, mắt trừng lên nhìn một cách đáng sợ:
- Tỉnh... – Xuế định thốt lên nhưng bà Bói ra hiệu cho cô không được phát ra tiếng.
Bà Bói cũng ra hiệu cho mọi người im lặng, còn bà ta thì đứng nhìn chăm chú Tỉnh Văn rồi bà ta khẽ thốt:
- Mắt nó... sáng rồi!
Trời đêm nay lạnh lẽo lạ thường, một cơn gió nhẹ cũng đủ làm rùng mình. Màn đêm im bặt giờ đây bị phá vỡ bởi thứ âm thanh rùng rợn khác cất ra từ chính miệng Tỉnh Văn:
- Qua hai đèo một hang... Bước ba thước kéo đàn... Quậy đục con nước mặn... Đi tìm kiếm miếng ăn...
Mắt Tỉnh Văn trở lại bình thường sau khi vừa dứt câu nói kỳ lạ nhưng đủ khiến năm người còn lại đứng dưới xem phải sởn gai óc. Nhưng rồi nó lại nhìn qua chỗ khác. Là cái gốc cây mít phía xa, mắt nó nhìn chăm chú còn miệng như đang nhại lại câu nói của ai đó:
- Nàng... dâu... thứ... thứ... sáu... Á... hahahaha...
______Hết chương hai_______
Bình luận
Chưa có bình luận