Anh Khoa là con một người bạn thân của mẹ tôi, tôi biết đến anh năm tôi vừa tròn mười tuổi. Nhiều năm trôi qua chúng tôi không có cơ hội gặp lại nhau, chẳng rõ anh còn nhớ ngày xưa từng có một con nhóc luôn lẽo đẽo bám theo sau lưng và gọi tên anh bằng một âm điệu mè nheo sướt mướt hay không, nhưng tôi mong anh thỉnh thoảng hãy hồi tưởng về quãng thời gian đã xa kia, tiện thể dọn dẹp mớ hồi ức hỗn độn, dành một góc be bé thôi mà đặt tôi vào đó.


Có lẽ những kí ức trong khoảng thời gian đầu đời sẽ khắc sâu trong trí não người ta và được phủ một lớp men tươi mới lung linh không thể bị ăn mòn qua năm tháng khắc nghiệt và dai dẳng. Ấn tượng mà anh Khoa để lại trong tâm trí tôi cũng từa tựa như thế, nó dịu dàng, ấm áp và ửng sáng tựa hồ ánh nắng cuối mùa thu.


Mà đúng lá ánh nắng cuối mùa thu thật. Tôi gặp anh lần đầu tiên vào một ngày tháng Chín, sau ngày khai trường vài tuần lễ. Hôm đó trên đường đón tôi đi học về, mẹ tôi nhân tiện ghé vào nhà cô Thu. Cô Thu và mẹ là bạn thân, mối giao tình giữa hai người sâu sắc và đậm đà tới mức tưởng như có trời sập mới ngăn trở nổi.


Vợ chồng cô Thu có một người con trai, tôi có biết điều này, nhưng biết cũng chỉ để biết mà thôi. Nói cho cùng nó không đáng để bận tâm, và cũng chẳng mấy ý nghĩa. Giả anh ta trạc tuổi, thì chắc tôi còn có chút hiếu kì, nhưng ngặt nỗi cái cậu trai tôi biết tên mà không biết mặt kia đã mười tám tuổi rồi, đã là một cậu thanh niên rồi. Trong khi tôi vẫn còn là một con bé tiểu học "hỉ mũi chưa sạch" như lời trêu ghẹo của mấy cô hàng xóm. Mà những cậu trai như thế hay xem thường bọn nhóc chúng tôi lắm. Bởi các cậu vừa bước tới ngưỡng cửa của sự trưởng thành, các cậu lấy thế làm tự hào và thỏa mãn, lại càng hay ra cái vẻ người lớn nửa mùa với lũ nhóc tì chúng tôi đây.


Nhà cô Thu tận sâu trong một con hẻm nhỏ, không lấy gì làm rộng rãi nhưng yên bình và ấm cúng. Cô đón hai mẹ con tôi với một nụ cười hiền lành và ý nhị như trước đây luôn như thế. Hai người phụ nữ thân thiết ngồi với nhau nói không hết chuyện. Tôi đứng dỏng tai nghe một hồi thấy vô vị và nhàm chán quá, lại thấy nhiễu nhương và lằng nhằng quá, mới ra trước hiên nhà bó gối ngồi chờ đến lúc vãn chuyện mẹ ra chở về.


Nhưng chao ôi, những câu chuyện tỉ tê không đầu cuối của các bà nội trợ biết đến bao giờ mới hết. Tôi ngán ngẩm nhận ra điều đó và càng ngán ngẩm hơn khi mơ hồ hình dung rằng sau hai mươi năm nữa, lẽ nào tôi cũng trở nên như thế? Lẽ nào tôi và nhỏ Thư bạn thân cũng sẽ vừa cắn hột dưa vừa cười khanh khách, rồi thi thoảng lại vỗ đùi đánh bép đầy hào hứng khi người kia tiết lộ bí mật của một cái chuyện mà xét ra chẳng liên quan quái gì đến mình?


Có lẽ trí tưởng sẽ đưa tôi đi xa hơn nữa, nếu không bắt gặp ở góc sân một chậu hoa màu vàng nhỏ xinh. Gần như ngay lập tức, tôi quẳng sạch nỗi băn khoăn về tương lai mà sà lại ngay chiếc chậu sứ thần kì kia. Gần như quỳ hẳn xuống, phủ phục bên những bông hoa màu nắng với một dàng vẻ say mê đờ đẫn đến buồn cười.


Lúc tôi đang mải mê ngắm những cánh hoa bé xíu mỏng mềm như lụa và không kìm nỗi ham muốn chạm tay vào để biết chúng rực rỡ đến nhường nào, thì một tiếng cười trầm cố nén đưa tới sau lưng khiến tôi giật bắn người.


Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng sâu sắc và đẹp đẽ, tôi không dám chắc anh Khoa bây giờ có còn giống trong hồi ức của tôi hay không, nhưng lúc ấy tôi nhìn thấy một cậu trai cao ráo, đôi mắt một mí hấp háy nhìn tôi như chói nắng. Ở anh ta có cái vẻ điềm tĩnh dễ mến khiến người ta vô cớ tin và quý ngay từ những ánh nhìn đầu tiên. Khoa mặc áo Đoàn thanh màu niên xanh sẫm, đầu đội nón tai bèo hơi lệch. Lúc ấy tuy chưa hiểu lắm về những hoạt động ngoại khóa của các anh chị phổ thông, nhưng tôi vẫn đoán anh vừa đi dự một buổi họp chi Đoàn hoặc tham gia một chiến dịch tình nguyện nào đó trở về.


Khoa dựng xe đạp vào bờ tường, miệng vẫn nở nụ cười và khi anh bước lại gần, tôi thấy rõ một lúm đồng tiền không sâu lắm bên má trái. Thong thả tiến lại chỗ tôi với vẻ tự tin và thản nhiên của người chủ nhà, anh hỏi giọng thân mật:


- Em là Tranh có phải không?


Tôi gật đầu, nhận ra mặt anh lấm tấm mồ hôi và lưng áo đã ướt đẫm.


- Anh là Khoa...


Anh chưa nói hết tôi đã cắt ngang, có phần hấp tấp và vô lễ:


- Em biết rồi! Anh là con trai cô Thu! Mẹ đã kể với em rồi!


Khoa hơi nhíu mày, anh nhìn đăm đăm vào mặt tôi. Tự nhiên tôi thấy ngượng, bèn lật đật quay đầu về phía chiếc chậu sứ, tay vân vê một cánh hoa cúc mỏng.


Anh chỉ tay vào bông hoa:


- Em thích hoa cúc nhỉ?


Bằng một động tác nhẹ nhàng thuần thục, Khoa ngắt một bông hoa đẹp nhất, nở rộ nhất mỉm cười bảo tôi:


- Tặng em này!


Tôi đón lấy bông hoa, hết sức thận trọng đưa lên mũi, một mùi hương nồng ngai ngái, thơm như nắng luồn vào lồng ngực. Tôi nhắm tịt hai mắt, tưởng như thấy cả muôn ngàn tia sáng đang nhảy nhót. Và khi mở mắt ra, một vạt nắng trưa đổ dài xuống khoảnh sân nhỏ, đậu trên khóm cúc vàng, chảy tràn trên sàn đá lấp lánh trắng sáng như mảnh gương tráng bạc.


Gần như đờ đẫn vì quang cảnh trước mắt, tôi quay sang Khoa, muốn nói những lời trầm trồ mới hay anh đã không còn đứng bên cạnh. Vừa vặn khi ấy mẹ tôi với cô Thu cũng đã kết thúc buổi trò chuyện tưởng như dài bất tận. Tôi bước vào nhà chào cô, đảo mắt nhìn quanh nhưng chẳng thấy Khoa đâu. Có lẽ anh đã xuống dưới nhà, tôi nhún vai nghĩ và chạy ra cổng trèo lên xe đợi mẹ.


Mẹ ngạc nhiên nhìn bông cúc tôi đang cầm trên tay:


- Ở đâu ra thế con?


- Anh Khoa tặng con đấy!


- Thế hai đứa gặp nhau rồi à?


Hình như mẹ còn có nói thêm điều gì đó nhưng ngay lúc ấy vì tiếng còi xe lửa trên con đường sắt sau hẻm vang từng hồi ầm ĩ và vì bụng đang cồn cào chỉ mong chóng về nhà để ăn bữa cơm trưa nên tai tôi tạm thời không nghe được thêm bất cứ lời nào nữa.


*


Tôi sống cùng mẹ và bà nội trong một căn nhà cổ ở rìa thị trấn. Ba tôi là kỹ sư công trình, ông hiện đang công tác ở một huyện biên giới trong tỉnh. Cuộc sống của tôi tương đối nhàm chán. Lúc ấy mẹ lại chưa sinh nhỏ Hương và thằng Hướng, hai em sinh đôi sau của tôi, nên ngoài con chó Nhật tôi chẳng có ai để chơi cùng.


Tôi đem bông cúc Khoa tặng cắm vào chiếc lọ thủy tinh đặt gần bậu cửa sổ. Những ngày đầu, khi bông hoa còn rực rỡ và tươi tắn, tôi hay ngồi hàng giờ nhìn những cánh hoa nhỏ và dài, xếp gọn gàng quanh đài hoa để vơ vẩn nghĩ về màu vàng và mùa thu.


Nhưng trẻ con chóng chán, hoa cúc lại không tươi lâu, bông hoa Khoa tặng sớm muộn cũng ngả màu tàn úa và khi bông hoa đã dâng hết hương sắc, đã trở nên héo rũ thì tôi còn tiếc gì mà không thẳng tay vứt nó đi? Tôi vứt bông hoa nhẹ nhàng vô tư như vứt một vật thừa, không một chút bận lòng hay tiếc nuối.  


Có thể tôi sẽ quên hẳn Khoa nếu một hôm tan học ra đứng trước cổng trường chờ mẹ đến đón như mọi khi, anh đột nhiên chạy xe lại chỗ tôi. Tôi chưa kịp nhớ ra cậu thanh niên kia là ai, cũng chưa kịp hiểu điều gì thì anh đã vội vàng lên tiếng:


- Lên xe anh chở về!


Trường cấp một và cấp ba của huyện ở sát cạnh nhau, chỉ cách một bức tường cao. Ngày ngày tôi vẫn thấy các anh nam sinh nai nịt gọn gàng và các chị nữ sinh áo dài tha thướt nói cười thong thả kéo nhau đi vào cổng trường bên cạnh. Tôi say sưa nhìn họ với cái vẻ ngưỡng mộ không che đậy và trong mắt tôi, những nam những nữ kia trông mới đứng đắn và thanh lịch làm sao.


Tôi ngớ ra một lúc, và sau khi vật lộn với mớ lổn nhổn trong đầu cuối cùng tôi cũng kịp nhận ra anh thanh niên trước mặt là ai. Anh Khoa học ở ngôi trường ngay bên cạnh, chắc ngày nào đạp xe ngang qua đây anh cũng thấy tôi đứng thơ thẩn ở đây đợi mẹ. Tự nhiên tôi thấy quê quê, tôi sửa lại thế đứng rồi lắc đầu:


- Không! Em chờ mẹ đến đón!


Khoa xuống xe, gạt chân chống rồi đến đứng đối diện với tôi. Có lẽ vì chiều cao giữa hai người quá chênh lệch, anh đành ngồi thụp xuống. Anh ngồi trên gót, thấp hơn đầu tôi và tự dưng tôi thấy mình cao hẳn lên.


- Mẹ em bận việc không đến được! Tối nay em ở lại nhà anh!


Tôi ngơ ngác, thế rốt cuộc đã xảy ra chuyện nghiêm trọng gì mà mẹ tôi không đến được, mà lại không có một lời nhắn gửi, mà lại để tôi phải qua đêm ở nhà người khác thế kia? Chắc lúc ấy mặt mũi tôi trông rất thất thần và biết đâu còn nhăn nhó mếu máo như sắp òa ra khóc đến nơi cũng nên.

Khoa hơi lúng túng, anh thừ ra một hồi rồi đặt tay lên vai tôi vỗ vỗ:


- Bà nội em nhập viện, mẹ em phải vào chăm bà.


Ra là như thế, nội tôi sắp tám mươi rồi, sức khỏe xưa nay vốn không tốt. Số lần bà vào viện cũng tăng theo từng năm, ba tôi lại đang công tác xa, khi đấy người săn sóc cho bà không ai khác ngoài mẹ. Những lúc phải vào viện chăm bà, không yên tâm để một đứa trẻ mười tuổi ở nhà một mình, mẹ đều gửi tôi sang nhà dì Út. Dì chưa lấy chồng và đang sống trong một căn nhà thuê gần cơ quan, chắc hôm nay dì bận việc nên mẹ chuyển sang gửi tôi cho cô Thu. Tự nhiên tôi thấy mình giống một món hàng.

Trước đến nay tôi hay ghé nhà cô Thu nhưng chưa bao giờ ở quá lâu, một buổi trời là dài nhất. Thế mà bây giờ tôi sắp phải qua đêm ở nhà cô, với vợ chồng cô, với con trai cô mà không có mẹ bên cạnh. Ý nghĩ đó khiến tôi đâm giận mẹ quá, bà nghĩ gì trong đầu mà lại đem tôi đi gửi lung tung thế kia.


Tôi rụt rè gật đầu, đáp lời Khoa với một thái độ buông xuôi chán nản:


- Đi thôi anh!


Tôi ngồi sau lưng Khoa, những câu hỏi và thái độ thân tình của anh làm tôi vơi đi nỗi hoang mang và sợ sệt, thế nhưng đến lúc bước vào cổng nhà anh, đứng trong cái sân gạch với tôi từ lâu quen thuộc, một nỗi sợ hãi đâu từ trên trời đổ xuống đầu khiến tôi cứ đứng trơ ra mà nhìn vào trong nhà với đôi mắt ầng ậng nước.


Buổi tối hôm ấy diễn ra như thế nào tôi không còn nhớ rõ. Sự việc xảy ra từ lâu lắm rồi và cũng đã nhòa đi trong trí nhớ tôi như bức ảnh cũ ố màu vàng xỉn. Thế nhưng mãi đến tận bây giờ, mỗi khi cố hình dung, tôi vẫn thấy ở một góc khuất nào đó trong tâm trí ửng lên ánh sáng ấm áp của ngọn đèn chụp treo trên bàn học. Hình như hôm ấy tôi học bài trong phòng của Khoa, mỗi người ngồi một đầu bàn, tôi giải toán lớp năm, anh giải toán lớp mười hai, và có lẽ khi tôi đã ngủ gục trên bàn với những bài giải cộng trừ phân số còn dang dở thì anh vẫn miệt mài đến tận nửa đêm với nỗ lực và khát khao đặt chân vào một trường đại học tên tuổi.


Tôi có thể quên sạch những gì diễn ra trong buổi tối lưu lại nhà cô Thu nhưng sự kiện diễn ra trong sáng ngày hôm sau thì tôi tin rằng bây giờ và sau này vẫn mãi mãi sống động và linh hoạt trong đầu tôi như một thước phim xưa cũ.


Trước nay tôi quen được mẹ chở bằng xe gắn máy vèo một cái là đến ngay trường, nên khi ngồi sau lưng Khoa trên chiếc xe đạp của anh, tự nhiên tôi thấy là lạ, cũng hơi thích thích, nhưng chỉ sau môt đoạn đường tôi nhận ra ngay cái niềm vui có phần quá hấp tấp của mình. Tôi bĩu môi, giở giọng càu nhàu:


- Anh đạp chậm rì!


Thấy Khoa làm thinh không nói, tôi lại tiếp tục nhấm nhẳng như một đứa trẻ không biết điều:


- Đi xe đạp chán ơi là chán!


Bấy giờ Khoa mới lên tiếng:


- Em có muốn ra đằng trước ngồi không?


Tôi rụt cổ, lắc đầu:


- Em không chở anh được đâu, em đâu có biết chạy xe.


Khoa dừng xe, anh quay đầu nhìn tôi:


- Anh có bắt em chở anh đâu, anh bảo em ra ngồi đằng trước đây này!


Tôi trố mắt:


- Ngồi lên cái thanh ngang kia á?


Tôi nhìn cái gật đầu của anh, bụng hơi băn khoăn, nhưng cái tò mò và ưa mới lạ át đi cái nghi ngờ. Tôi trù trừ một hồi rồi nhảy phóc xuống xe, tháo chiếc cặp đeo sau lưng đưa Khoa và loay hoay trèo lên thanh ngang của chiếc xe đạp. Khi tôi đã yên vị rồi Khoa mới thong thả nhấn bàn đạp cho xe chạy tiếp. So với ngồi thu lu đằng sau, ngồi phía trước xem ra thú vị và hấp dẫn hơn nhiều. Tôi thích thú nắm chặt lấy ghi đông xe và trong tư thế xoay người về một bên, tôi đung đưa hai chân theo từng vòng đạp với vẻ khoan khoái và đắc ý.


Sau này tôi mới biết đó là trò chơi ưa thích của các cặp tình nhân, những kẻ yêu nhau thường hay đèo nhau như thế. Khi ấy tôi còn nhỏ, chưa biết tình yêu là cái gì, bây giờ hiểu được rồi tôi lại ước mình đừng hiểu thì hơn. Về phần Khoa, chắc anh cũng chẳng nghĩ ngợi gì hơn, anh chở tôi chỉ đơn giản như chở một đứa em gái, như cái cách để làm vui lòng một cô nhóc ẩm ương hay dỗi mà thôi.


Khoa hỏi, tôi nghe giọng anh ngay sát bên tai:


- Thích không?


Tôi cười tít cả mắt:


- Thích lắm! Trước nay em chưa bao giờ được đèo như thế này!


Cũng có khi tôi cao hứng không kiềm chế được mà nhún mà lắc trên cái thanh ngang làm chiếc xe chao đi như sắp đổ Khoa đều bình thản ghìm tay lái và anh rầy tôi, giọng ấm như cái lò than bà tôi hay sưởi mỗi mùa đông:


Em ngồi yên một tí có được không, sao cứ trườn tới trườn lui như con mèo vậy?

*

Sau lần đó, tức là trong khoảng thời gian Khoa còn ở thị trấn, chúng tôi còn có thêm những dịp gặp gỡ khác, nhưng cụ thể thế nào thì tôi không nhớ rõ, có lẽ chúng chẳng mấy ấn tượng và đáng để tâm nên bộ não của tôi tự động không lưu bất cứ một dữ kiện nào về những lần gặp mặt ấy.


Năm ấy Khoa đỗ đại học - một trường đại học ở thành phố phương nam và rời khỏi thị trấn. Cũng trong năm ấy bà tôi mất và chỉ vài tháng sau, khi đã được thăng chức và chuyển công tác đến một thành phố gần tỉnh lị, ba nhanh chóng đón hai mẹ con tôi đến nơi ở mới, tới lượt tôi rời thị trấn.


Bận thích nghi với cuộc sống và môi trường mới, với học tập thi cử và những thú vui, tôi quên Khoa và những bông hoa cúc của anh, ký ức vì thời gian mà đóng băng trong trí nhớ.

Rồi tôi lại gặp Khoa, dòng đời đưa đẩy con người ta như thế đấy! Thật ra tôi không mấy bất ngờ, tôi biết trước sau gì mình cũng sẽ gặp lại anh, vấn đề là sớm hay muộn, là đúng hay sai thời điểm. Tôi mong cuộc gặp ấy như ngày bé mong được mẹ chở đến nhà anh, với nỗi háo hức trông ngóng như đứa trẻ đợi quà.


Anh hẹn gặp tôi ở công viên thành phố vào một chiều cuối Thu. Tôi không khó để nhận ra Khoa dù đã hơn mười năm trời chưa một lần gặp lại. Không hiểu sao khi ánh mắt vừa bắt gặp một người đàn ông dáng người cao cao với đôi vai rộng khoanh tay đứng ngắm những vạt hoa cúc vàng rực có điều gì mách bảo tôi rằng kia chính là Khoa, và tôi thong thả bước đến cạnh anh rất tự nhiên nở một nụ cười thay lời chào hỏi.


Khoa có lẽ cũng đã nhận ra tôi, anh hỏi, vẫn thân mật và ấm áp như lần gặp đầu tiên:


- Em là Tranh đấy nhỉ?


Trong không khí se lạnh của buổi chiều thu, giữa sắc vàng của muôn nghìn bông hoa cúc, một khoảnh khắc nào đấy tôi tưởng như mình được sống lại những năm về trước, khi tôi còn là một cô bé con mười tuổi và Khoa bấy giờ chỉ là một cậu thanh niên.


Lòng bồi hồi, tôi sẽ sàng tiến lại gần anh thêm một bước, chìa bàn tay ra, mỉm cười đáp lời:


- Còn anh, anh có phải là Khoa?

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout