Mười đồng (4): Món nợ


Người xưa có câu “Đi đêm có ngày gặp ma.” Tôi không biết mấy ông bà già xưa làm gì mà ra được lắm câu phán thế, mà đã phán thì chỉ có trúng chứ chẳng thèm trật hay lệch đi miếng nào. Đêm sáng sao, tôi xách tiền qua nhà dì Tám mua miếng mỡ về thắp đèn, chẳng hiểu trời xui đất thế nào mà tôi lại đi qua con đường hồi bữa gặp cậu Ba, chắc là do tôi quá đỗi nhung nhớ cái vị sông toàn mùi oan ức đây mà.

Bình thường đường này nhiều người qua lại nên gạch đá cũng mòn đi nhiều, mắt mà để trên đầu có ngày té lộn cổ như chơi. Nhưng hôm nay người té lộn cổ lại không phải là tôi, mà lại là một người khác. Tiếng té sông lớn đến nỗi người hay đi đêm như tôi cũng phải sợ chết khiếp, thiếu điều quỳ xuống lạy ông lạy bà kiếm người khác gây rối, chớ có tìm đến tôi. Ngờ đâu nghe được chất giọng thân thuộc, làm tôi buộc lòng phải ngó mặt lên nhìn.

Người té sông tưởng xa mà lạ, tưởng quen mà gần. Tôi nhìn cậu Ba vùng vẫy dưới sông mà hả lòng hả dạ hết biết, nhưng cậu này cũng lạ, nước sông đã quá cổ mà vẫn không kêu la nhờ ai cứu giúp, nếu không phải hôm nay tôi vô tình đi ngang qua đây, sợ rằng ngày mai đã được ăn tang nhà bá hộ.

Nom bộ dạng cậu thế kia chắc say tí bỉ rồi, còn sức đâu mà vùng với chả vẫy. Tôi cũng muốn cứu cậu lắm nhưng lương tâm cứ bứt rứt thế nào, nên đành ngồi trên bờ chờ thêm chút đỉnh. Đành rằng cứ cho là chìm quá đầu đi, nếu thấy người vẫn không ngoi lên thì tôi sẽ giúp. Song tôi nào biết miệng mình ngoài tài ăn nói nức tiếng ra còn vạ mồm người khác, vừa dứt suy nghĩ thì người cậu càng lúc càng chìm. Đến khi tôi ý thức được thì chỉ còn thấy mấy bọt bóng nổi lõng bõng trên sông.

Lòng tôi lo sợ bản thân gián tiếp phạm phải tội giết người, nhanh chóng đặt tiền lên bờ rồi nhảy xuống cứu. Trời thì tối, nước sông lại đen như mực, tôi tìm hoài tìm mãi chẳng thấy xác cậu đâu, quanh đi quẩn lại trên sông một lúc, cuối cùng tôi mới đánh liều hét lên.

- Cậu Ba, cậu ở đâu? Cậu có chết thì cũng hiện hồn về báo tôi một tiếng với. Cậu thương tôi với, tôi cảm mới khỏi đây, mà nước sông thì lạnh quá, ngâm thêm lần nữa thì tôi chết mất cậu ơi!

Tôi có gọi thế nào cũng không có người đáp lại, bèn thẫn thờ bơi đến giữa sông, trong lòng cũng ít nhiều thấy tội lỗi. Đành là người ta cứ hay trêu ngươi tôi đi, nhưng tôi thấy chết mà không cứu. Ông giời ơi, tội này tôi gánh sao nổi…?

Bỗng nhiên từ dưới sông có một cái gì kéo tuột chân tôi xuống, lôi thế nào cũng không dứt ra được. Có khi nào là cậu Ba không? Tôi thầm nghĩ.

Quả nhiên ông trời không phụ lòng tôi. Xem ra nghiệt duyên giữa tôi và cậu chưa dứt, người kéo chân tôi đúng thật là cậu Ba Liêm. Tôi lặn xuống lôi cậu lên bờ. Người cậu lạnh ngắt, môi thì tím tái, tôi nhấn mấy cái ngay ngực cậu, nước trào ra, cậu ho sặc sụa, mắt lim dim nhìn tôi.

- Vân… là em à? 

- Bẩm cậu, lỡ làm cậu thất vọng, tôi là Sỉ ạ. - Tôi cười nhạt đáp. Ra là có người mượn rượu làm loạn, thất tình nên điên. Biết vậy tôi chả cứu cho rồi, cứ đợi cô Đào cô Vân gì đó đến cứu cho bõ ghét.

- À, anh Sỉ làng Mường phải không? 

Tôi nói thật, khắp cái thành này chẳng thế nào kiếm ra được thằng Sỉ thứ hai như tôi. Nhưng thôi chấp nhất với người say làm gì, tôi đành nhàn nhạt đáp lại.

- Dạ không, tôi là Sỉ làng Linh Khê ạ.

- Ối giời, tôi đi khắp cái làng Linh Khê từ kiếp nào rồi, kiếm mãi có ra được ai tên xấu như anh đâu. 

Lời cậu vừa dứt, nếu như không phải ân trên ban cho cậu khuôn mặt quá đỗi thanh tú, tôi sợ bản thân đã bồi lên nó một phát rồi. Bỗng nhiên tay tôi không hiểu sao lại giơ lên, quất hẳn một cái tát đau điếng lên má cậu. Cậu bị đau, tỉnh rượu hơn phân nửa, mắt trợn to, nhìn chòng chọc vào tôi.

- Anh vừa làm gì đấy?

- Bẩm cậu, tôi thấy trên má cậu có một con muỗi to tướng, sợ nó mang độc hại thân, thế là đánh liều đập nó. Mong cậu nhân từ bỏ qua cho tôi lần này, để nó đốt cậu thì tôi phải tội chết mất. - Tôi nói, giơ tay ra cho cậu kiểm chứng. May mắn thay trên má cậu quả thật có con muỗi, tất nhiên giờ nó đã bán mạng trong tay tôi. Cậu nhìn tay tôi rồi lại nhìn tôi, mắt cậu vẫn sáng, chỉ là giờ đây có chiều hướng khép xuống.

- Ông giời ơi là giời ơi, tôi có làm gì sai đâu mà anh lại đánh tôi thế này hả giời?

Tôi đực mặt, không hiểu cậu đang diễn trò gì?

Cậu ôm má gào lên, nước mắt nước mũi chảy ra tuồn tuột. Tiếng cậu khóc còn thảm hơn lúc tôi khóc tang cho thầy, nghe mà buồn não ruột. Tôi xót người say rượu, miễn cưỡng nhún nhường một bước.

- Thưa cậu… Nếu tôi có làm gì sai thì xin cậu bỏ qua cho. Hồn phách tôi yếu ớt, bị cậu dọa vậy thì không đủ để đầu thai kiếp sau ạ.

- Vậy anh cho tôi đánh một cái, tôi không khóc nữa.

Đây là gì đây? Tính ăn vạ tôi à?

- Được không? - Cậu ngước mặt nhìn tôi, cả khuôn mặt đỏ bừng như lửa đốt, tôi bỗng hiểu ra người này đang lên cơn sốt, thần trí bất ổn. Mà không lẽ tôi lại đi gây sự với người bệnh, làm như vậy thì mất hết chí quân tử của tôi mất.

- Dạ không thưa cậu.

- Anh dám từ chối tôi à? - Cậu trợn mắt, có vẻ ngạc nhiên lắm. Tôi thành khẩn gật đầu. Thế là cậu lại tiếp tục diễn trò, nằm trên đất ăn vạ. Tôi thường nghe mấy ông bà xưa bảo bệnh vào đổi tính, bình thường cậu nho nhã bao nhiêu, bây giờ bệnh vào, chẳng khác gì đám trẻ tóc chỏm trong làng là bao.

- Được rồi, được rồi. Cậu đánh đi. Này tôi đưa tay cho cậu đánh này.

- Tôi muốn đánh ở mặt cơ. 

- Mặt mũi thờ thầy thờ bu, tôi đâu để ai đánh lên được. 

- Ơ anh này, thế mặt tôi bị anh đánh tan nát thế này thì thờ nổi ai hở? - Cậu cãi, có vẻ tủi lắm. Thôi thì tôi cũng chẳng còn thầy bu để thờ, đành phải dặn lòng cho cậu tát một cái. Tát xong, cậu vui vẻ hẳn ra, còn liên tục vỗ vai tôi mấy cái, làm như thân thiết lắm. Tôi xị mặt, vác cậu lên vai, vừa đi vừa gặng hỏi.

- Nhà cậu ở đâu?

- Tôi không biết. 

Tôi kiềm chế cơn tức đang gầm gừ muốn quẳng cậu quắt xuống sông cho xong, điềm nhiên hỏi lại.

- Thế bây giờ cậu không chỉ tôi biết nhà cậu ở đâu thì tôi làm sao dẫn cậu về được? Lỡ may thầy cậu khó, cậu về muộn thì khéo lại rước họa vào người.

- Thầy không quan tâm tôi đâu. Thầy lo cho cậu Hai Khiêm rồi, lo gì đến thằng con vợ lẽ như tôi. - Nghe cậu nói, tôi thấy mát lòng ghê gớm. Cũng đáng lắm, ai bảo cậu chuyên rước nghiệp vào người làm gì.

- Thế bây giờ không về nhà cậu, không lẽ lại về nhà tôi? 

- Ơ, thế anh định bỏ mặc người bệnh giữa đường à?

Tôi trợn mắt, có người bệnh nào khôn như cậu không?

Thế là tôi đành phải vác thêm của nợ béo ục ịch về nhà. Nhà vốn đã chật, nay thêm thây cậu, tôi thấy nó ngột ngạt phải biết. Tôi quăng cho cậu bộ đồ mới, nói cậu tự đi mà thay ra, còn bản thân mình thì ra ngoài sân đọc sách cho khuây khoả. Rõ là đang trên đường đi mua mỡ, giờ bị cậu báo hại, tôi đành phải vừa híp mắt vừa đọc từng chữ, miễn cưỡng lắm mới nhìn rõ cả một trang sách. 

Canh ba tôi vào nhà, thấy cậu nằm trên giường thở gấp như sắp chết, tôi lo lắng chạy lại sờ trán cậu. Cái trán trơn nhẵn coi vậy mà nóng bỏng tay, tên này lại chẳng chịu thay đồ, cứ nằm phè ra đó mà ngủ. Giờ thì hay rồi, bệnh cảm bệnh sốt gì ồ ạt kéo đến thăm một lượt. Tôi vào bếp bắc ấm nước, đổ nước đun sôi ra, hòa thêm miếng nước giếng cho ấm, nhúng khăn vào rồi đặt lên trán cậu.

- Cậu Ba này… Sao cứ ám tôi hoài không biết... - Tôi lầm bầm, cứ liên tục thay nước đắp khăn như vậy suốt một đêm, trán cậu dần hết nóng.

Sáng sớm, mặt trời vừa ra khỏi núi là tôi đã tức tốc chạy qua mời thầy lang về chạy chữa. Xui thế nào gặp dịp thầy lang vừa bị vợ bỏ, uất ức đòi tăng đến tận năm đồng cho hai thang thuốc cảm. Tôi cắn răng, miễn cưỡng chi tiền ra trả, lòng nghĩ sau này phải đòi lại cả vốn lẫn lời.

Tuy lương tâm hành nghề của thầy lang bị quỷ ám nhưng bù lại bốc thuốc rất chuẩn. Cậu ba uống một lần thuốc là khỏi, hại tôi tiếc hùi hụi khi bản thân bỏ tiền ra mua hai thang. Bệnh vừa hết, cậu liền bắt chân ra chõng ngồi, điềm nhiên xem nhà tôi như nhà cậu.

- Nay bệnh cậu đã khỏi, tôi cũng không dám giữ lại khách quý trong nhà…

Chưa đợi tôi nói nốt câu, cậu đã lên tiếng cắt ngang:

- Anh đừng giữ kẽ quá làm gì. Anh cứu tôi một mạng, tôi biết ơn anh còn không kịp, chứ sao dám nhận danh khách quý.

Tôi nghe mà xém cắn trúng lưỡi, người đâu mà vô ý vô tứ, ý tôi đuổi khách rành rành ra đấy, cậu lại cứ bỏ mặc làm ngơ.

- Sẵn đây tôi muốn hỏi, anh lo liệu tiền thuốc tôi hết bao nhiêu?

Chờ mãi mới thấy cậu nói được một câu dễ nghe, tôi tươi cười đáp:

- Dạ mười đồng hết thảy cậu ạ. - Này cũng không trách tôi được, số là tôi định nói đúng giá, nhưng ngờ đâu mỗi lần trông thấy mặt cậu là hồn vía tôi mất sạch, lòng nghĩ sao là mồm cứ tuôn ra hết. Bỗng nhiên lời thầy từ đâu vọng về, khiến tôi thấy mông mình ê ẩm.

- Mà thôi… cậu không trả cũng không sao. - Thấy không? Tôi nói mà, cái xui này cứ nối đuôi cái xui khác. Làm quân tử chi cho khổ cái xác này thế không biết!

- Tôi đâu dám quỵt nợ ai, cụ kị về ám tôi chết! Nhưng anh biết đấy, tôi thân cậu Ba nhà họ Tô, tiền lại chẳng dành dụm được bao nhiêu. Nay nợ nần chồng chất, không mấy tôi trả dần cho anh nhé, được không?

Tôi trợn mắt, thân là con nhà bá hộ lại không có mười đồng bạc lẻ, nói ra thì ai tin. Huống hồ tôi đây đã định cắt sạch quan hệ, nào muốn dây lại chút gì cho khổ người.

- Dạ, cậu đã nói vậy, tôi cũng không dám trái lời. - Sỉ ơi là Sỉ, chỉ vì mười đồng bạc lẻ mà mày nỡ nào vứt đi nhân chi lễ nghĩa thầy mày cất công dạy cho mày vậy hả? Tuy mắng mỏ bản thân là thế, nhưng tôi vẫn không hề thấy hổ thẹn khi chấp nhận lời đề nghị này.

Cậu Ba cười, ngoắc tôi lại ngồi cùng cậu. Tôi lòng tuy chẳng muốn nhưng chân lại cứ xếp lại ngồi lên chõng, nhiều khi tôi ghét cái xác mình ghê gớm.

Nhưng cũng trong ngày hôm đó tôi biết được, cậu Ba cũng chẳng đáng ghét như mình nghĩ.



0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout