Kể đến chỉ mới vài năm sau ngày giải phóng đất nước. Cũng xem như cuộc sống lại bình yên sau bão lớn. Người miền ngoài cũng về miền Tây lập nghiệp nhiều. Nhưng ở đây đất còn thoáng lắm, cứ cách trăm mét mới có một căn nhà đơn sơ…
Từ khung cửa sổ, chập chờn hình bóng người cha mới tuổi đôi mươi đang ru đứa con ngủ. Người miền Tây ngày đó cưới xin sớm nên chuyện này cũng đâu lạ:
"Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh…
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi…"
Cu cậu mới nghe có hai câu ru của cha nó đã lăn ra ngủ. Thương lắm... Ngày nó chào đời cũng là ngày mẹ nó mất. Sinh ra thì không có đôi bàn tay, cơ thể có khiếm khuyết không lành lặn như con người ta. Cái ngày nó chào đời cha nó nhớ mãi. Ba Mã là tên của cha, gặp mẹ là nhờ mai mối ở huyện bên, nó chào đời phải sinh non. Lúc bà Mụ ôm thằng cu ra khỏi phòng sinh, Ba Mã nhìn nó với đôi tay chỉ đến cổ tay, không có bàn tay. Điều đó khiến anh có chút bất ngờ…
Mụ nói: "Thằng nhóc bị khiếm khuyết ở đôi tay. Với lại, nãy giờ Mụ đánh mà nó không chịu khóc!"
Phép màu thay khi Ba Mã ôm lấy con thì nó hít một hơi thật dài mà oà lên từng tiếng.
"Nhẹ nhõm rồi! Vợ tôi sao rồi Mụ?" Ba Mã vừa ôm vừa dỗ nó.
"Gái nó đi rồi con! Do mất máu nhiều quá!" Cha nó tay chân bủn rủn nhưng gắng gượng để bế đứa con, vừa khóc vừa tự trách bản thân chăm sóc mà để cô ấy bị ngã, động thai mất máu nhiều. Nhìn đứa con trên tay phải trải qua sinh tử và mẹ nó phải ra đi vì sự vô trách nhiệm của bản thân, Ba Mã tự dằn vặt mình lắm.
Bà Mụ nhìn đôi tay đứa nhỏ liền an ủi: "Chắc thằng cu biết số mẹ nó sắp tận, không còn nhiều thời gian gặp mặt. Nên nó mới gấp rút đến thế gian mà quên đôi bàn tay ở linh giới, sống với cơ thể không lành lặn này…"
Nghĩ lại câu nói đó khiến Ba Mã u sầu nhìn con mình:
"Cha mới ru có hai câu... Con liền ngủ, con sợ cha nhọc hở con?... Con sợ công việc cha nhiều mà còn phải ru con nên con ngủ để cha làm việc? Sao mà ngoan ngoãn vậy con? Con mang trong mình khiếm khuyết lớn, sau này phải đương đầu với ánh nhìn ngoài kia. Khổ con quá!" Ngưng vài giây, Ba Mã nói tiếp:
"Dạo này cha bận tang mẹ con, chưa cho con được cái tên..."
Bỗng bên ngoài có tiếng chuột đồng kêu. Thế là cha nó đặt tên nó là "Tí Hào" (Nguyễn Tí Hào), "Tí" là tên chuột, tên đệm xấu để nuôi mau lớn, ham ăn để ăn thật nhiều. Cũng vì ông bà ta ngày trước thường nói đặt tên xấu để dễ nuôi. Còn "Hào" là hào hùng, là anh dũng để nó vượt qua cái số phận nghiệt ngã.
"Cha cũng mới học hết lớp năm, từ ngữ cũng không được phong phú, lớn lên mong con thích cái tên này, dùng cái tên này để làm việc giúp ích cho đời, cho xã hội nghen con!" Ba Mã vừa nói, tay vừa vỗ mông Tí Hào cho nó ngủ thật sâu.
"Hãy lớn thật nhanh và sống thật tốt, con trai cưng của cha!"...
Thoáng chốc thằng cu đã lên năm tuổi, ăn cũng nhiều nhưng khó mập mạp giống con người ta, nó thường đi theo cha nó ra đồng "chăn" lúa. Ngày ngày đi theo những con đường mòn, có chỗ là xi măng, có chỗ là sỏi đá. Đi một khúc là bờ sông men theo nó đến đồng ruộng. Ở đây có người sống trên ghe, có người sống ở những ngôi nhà với lối kiến trúc đặc thù vùng sông nước: Đằng trước là gạch lát trên đất, đằng sau là gỗ cất trên sông. Trưa hay chiều người ta nhìn ra bờ bên kia là thấy Hào cùng cha nó đi đi về về ở ruộng, nhìn những ánh mắt xa lạ ấy Tí Hào cũng bận lòng nhiều lắm, sợ người ta ghét nó với hình hài như thế.
Một hôm, cả hai đang gieo lúa thì có một cô gái còn rất trẻ, tuổi đời đôi mươi đi ngang qua, nhìn thấy hai cha con liền hỏi:
"Hai cha con ơi! Có biết nhà dì Lan ở đâu không?" Cô gái vừa hỏi, vừa cười tươi với vẻ rất thân thiện.
"Lan nào?" Ba Mã gieo từng nắm lúa ở dưới ruộng, đáp to đến độ sợ cô gái không nghe được.
"Dạ Sáu Lan." Cô gái vội đáp.
Chuyện là dì Sáu Lan hay được Ba Mã gọi tên thân thuộc là Mụ, bà là người đỡ đẻ năm đó, nhà bà cách nhà hai cha con một đoạn không xa tầm mấy trăm mét thôi, cũng được xem là hàng xóm. Ba Mã vội chỉ đường cho cô gái sau đó hỏi tên.
Cô gái nhẹ giọng: "Tôi tên Thị Tâm, từ huyện xa nghe tin dì Lan bệnh nặng. Đó là người dì luôn yêu thương tôi hết mực, nghe tin dì như vậy tôi xót lắm! Nên đến đây chăm sóc."
"Tôi là Ba Mã, đây là con tôi Tí Hào, hai cha con tôi đội ơn dì Lan của cô dữ lắm! Dì là người cứu con tôi chào đời, tiếc là mẹ nó không qua khỏi." Ba Mã vội giới thiệu nhưng giọng có chút buồn.
"Tiếc cho gia đình anh! Thôi cũng chiều rồi tôi đi trước hẹn gặp lại, tôi chào anh, cô chào con nghen!" Nói xong Thị Tâm vừa bước đi vừa vẫy tay chào hai cha con.
Mặt thằng Tí Hào đỏ như hạt đậu đỏ trong chè đậu mà nó hay ăn. Đây là lần đầu tiên ngoài cha nó có người chịu trò chuyện với nó hơn hai phút. Trong lòng có chút vui. Trên đường về nó vừa đi vừa tủm tỉm cười. Ba Mã hỏi nó sao cười thì nó không nói.
Tối đó, chờ con nó ngủ, Ba Mã nằm trên chiếc giường tre thở dài, gác tay lên trán suy nghĩ: "Bà Mụ bị bệnh nặng, chắc Thị Tâm cũng không ăn uống được nhiều hay ngày mai mình bắt cá đồng đem qua cho cô ấy, dù gì cũng là hàng xóm với nhau quan tâm là lẽ thường tình."
Vừa nghĩ xong là mai bắt tay làm liền, hình như Ba Mã bị nghiện đem đồ ăn qua cho cô Tâm, ngày nào không có cá thì cũng có chuột đồng ăn. Có lần cô hỏi Ba Mã: "Sáng nào anh cũng đem đến nhiều vậy có phiền lắm không? Anh không dành thời gian chăn ruộng sao?"
"Phiền gì mà phiền! Ruộng có thằng con nó chăn, tôi đem qua là vì tình nghĩa, hai dì cháu ăn nhiều để có sức khoẻ!" Nói rồi Ba Mã vẫy tay chào cô rồi quay lưng đi về. Cô nhìn tấm lưng xa dần thì cũng có chút cảm giác lạ ở trong lồng ngực. Bất giác hô to:
"Tôi cảm ơn anh nghen!"
Chuyện là bệnh tình dì Lan đã bắt đầu trở nặng, nhiều lần phải đưa vào trạm xá y tế. Thị Tâm rất lo, dì Lan một đời chăm các cháu của anh chị em trong nhà, gương mặt dì có vết sẹo dài nên không ai lấy làm vợ, quá tuổi lấy chồng thì không còn nghĩ sẽ lập gia đình nên không con không cái. Thương cho sự lận đận của dì, Thị Tâm ân cần chăm sóc. Bỗng một ngày dì Lan ngỏ lời:
"Thằng Ba Mã là một người tốt, điều dì muốn nhất trên cõi đời là thấy các cháu thành gia lập thất, hay con với nó về chung một nhà, sang sẻ yêu thương, con cứ chăm dì thì sẽ quá tuổi lấy chồng mất!"
Nghĩ lại Thị Tâm cũng thấy chàng ấy tốt. Trong tim cũng có chút lây động.
May sao được bữa nay thấy dì Lan hồng hào hẳn lên. Thị Tâm đi chợ mua ít đồ ăn để tẩm bổ cho dì tiện đường ghé nhà Ba Mã đem chút chè đậu đỏ sang cho hai cha con. Đến trước nhà nhìn vào thấy chỉ có thằng Hào ở nhà, nó ngồi ngắm cây, ngắm lá. Thị Tâm vội kêu nó:
"Hào con ơi! Cha đâu rồi con?"
Nó thấy Thị Tâm liền vui mừng, dùng cổ tay mở cánh cửa nhà cho cô vào, vội đáp: "Dạ, cha con ra đồng chăn ruộng rồi."
"Đây cô đem ít chè đậu đỏ qua cho hai cha con nè!" Cô vừa nói vừa vào bếp lấy chén, muỗng đổ chè ra cho thằng cu ăn.
"Ngon lắm luôn cô ơi!" Hào nuốt từng muỗng chè, nói lớn.
Lúc này, Ba Mã về đến nhà. Thấy Thị Tâm đang đút Hào ăn, liền hỏi: "Chào cô, nay cô qua chơi hở? Dì Lan khoẻ hơn rồi hở cô?"
"Đúng rồi anh! Tôi có đem chút chè đậu đỏ sang cho hai cha con xem như là lời cảm ơn!" Thị Tâm đáp, tay đút chè cho Tí Hào.
"Cảm ơn cô nghen!" Ba Mã cười tươi đáp.
Tối đó, Ba Mã nằm chiêm bao, cũng ngôi nhà đó, khung cảnh đó thấy mẹ Tí Hào mặc cái áo bà ba đứng bên ngoài nhà. Bất giác Ba Mã như không biết cô đã chết, liền nói với vợ:
"Sao em không vào nhà, đứng đó lạnh lắm!"
Mẹ nó nói: "Em thấy Thị Tâm là một người tốt, chắc chắn cô ấy sẽ chăm lo cho con mình, dù sao con nó cũng cần có đủ cha, đủ mẹ. Em biết trong tim anh cũng đã có chút tình cảm với cô ấy và cô Tâm cũng vậy... Em với anh thì âm dương cách biệt... Thôi thì cưới cô ấy cho con nó ấm no anh nghen!"
Vợ vừa nói xong, anh liền tỉnh dậy.
"Là mơ sao!" Ba Mã nghĩ thầm, mồ hôi lạnh đổ đầm đìa, nhìn ảnh thờ của vợ, anh muốn thắp cho vợ nén nhang. Miền tây lúc bấy giờ nhà cách xa nhau nên đất thoáng, tạo cảm giác lạnh đến lạ thường.
"Không biết vợ có lạnh không? Mong hương khói bay sẽ giúp cho cái nhà ấm áp, không còn lạnh nữa..." Ba Mã bật cái hộp quẹt đốt nén nhang.
Thờ cúng không phải để thể hiện mình mù quáng tin vào chuyện ma cỏ, mà nó giúp ta nhớ về công ơn tổ tiên (người thân đã khuất...), thờ cúng tổ tiên là truyền thống tốt đẹp của đất nước Việt Nam ta.
Ba Mã vái lạy vài cái rồi nói: "Đất lạnh quá, thắp cho em một nén nhang, em đỡ lạnh rồi nghen!"
Vừa nói dứt câu, trong lòng Ba Mã có dự cảm không lành.
Đúng là chuyện không lành thật. Sáng hôm ấy, đang coi lúa thì thấy chú Ba đang đi đâu đó, bình thường thì chú ít đi hướng này dữ lắm, thấy lạ anh liền hỏi:
"Đi đâu vậy chú Ba?"
"À thì tao sang nhà bà Sáu Lan dự đám tang bả nè, nghe nói khuya qua bả đi rồi!" Chú nói giọng có chút buồn.
Nghe xong Ba Mã có chút bất ngờ, hôm qua cô Tâm có nói bà Mụ khoẻ hơn rồi mà đi nhanh thế: "Trời! Sao con không biết vậy ta, để con qua chung với chú!"
Ngày tang bà Mụ, mưa dữ lắm, mưa nhiều nên nước sông lên nhiều. Cá đồng, ếch đồng, chuột đồng,v.v… lên cao, bắt không hết. Ai mò ít lấy ít đem đi bán, ai mò nhiều thì giữ một vài con để dành ở nhà ăn dần, đỡ tiền đi chợ.
Biết thằng Hào nó muốn ăn thịt chuột đồng, Ba Mã bắt từ khuya đến tờ mờ sáng. Ngắm trời sáng dần cũng gọi là tuyệt mĩ trần gian. Sớm tinh mơ còn sương đọng trên lá là thấy Thị Tâm đi trên đường, Ba Mã lớn tiếng gọi cô. Nghe tiếng gọi, cô quay sang thấy Ba Mã đang mò chuột. Cô nhẹ giọng:
"Chào anh Ba Mã, đám của dì tôi cũng đã xong, tôi đang trên đường về huyện, cảm ơn anh đã qua giúp tôi mấy ngày tang."
"Không có gì mà cô đi rồi, ai lo hương khói cho bà Mụ, nhà Mụ bỏ không luôn sao?"
"Tôi đem ảnh thờ dì về huyện luôn!"
"Thôi thì hay cô ở đây đi." Ba Mã vừa nói, vừa bước lên đường cạnh cô Tâm. Cả hai có cảm giác khó tả với nhau.
"Không biết cô có tình cảm với tôi không? Nhưng tôi muốn quan tâm cô mãi mãi về sau."
Thế là cả hai cưới nhau, về chung một nhà, Thị Tâm mua một đôi giày mới cho Tí Hào để năm sau nó vào học lớp một, cha nó đã chọn cho nó một ngôi trường cũng khá gần nhà. Ba Mã muốn nó học ở trường với những bạn bình thường, nhất quyết không cho nó học lớp dành cho người khiếm khuyết ở huyện bên cạnh.
Bình luận
Chưa có bình luận