Khi Hào mới nhập học, các bạn nhìn nó nhiều lắm, bạn thì thấy lạ, bạn thì thấy thương. Nhưng cũng có một số bạn thấy thế liền lấy nó làm hồng tâm để bắn những mũi tên bắt nạt. Cường là đứa trẻ nghịch ngợm, thấy Hào hiền nên bầy trò nhiều lắm. Những lần như thế Hào cũng chỉ biết buồn chứ có đánh lại người ta đâu. Chưa kể mấy đứa bạn thấy Cường hành hung thằng Hào vô cớ cũng chẳng ai can, còn hùa theo bắt nạt chung với nó. Luân là một ví dụ, cu cậu đã cùng Cường bầy trò nhiều lần. Không chỉ thế, cả hai còn bắt tay nhau làm trùm trường. Để rồi lên phòng hiệu trưởng uống trà không biết bao nhiêu lần.
Ở độ sáu tuổi này, Hào được cha mẹ nó "thả rông" đi chơi vào những buổi trưa đến chiều. Ba Mã và Thị Tâm lo làm lụng để đóng tiền cho nó ăn học, không dành nhiều thời gian chơi với Hào thường xuyên như trước. Nên con có bạn bè thì cho nó "đu" theo, miễn bạn nó tốt. Vậy là buổi trưa khi ăn cơm xong thằng cu thường ra bãi đất trống chơi để ngắm cây, ngắm cỏ. Đặc biệt, Hào rất hay ngắm những chiếc lá khô trên cành cây gần đó.
Hào nghĩ thầm: "Bản thân và chiếc lá khô giống nhau vô cùng. Chiếc lá khô tồn tại chỉ khiến cành cây càng thêm xấu. Mình tồn tại cũng chỉ là cái gai trong mắt người đời giữa thế gian tấp nập này. Có phải tiêu cực quá rồi không? Chỉ mong một ngày nào đó, bản thân có thể rụng đi một cách nhẹ nhàng như chiếc lá khô kia..."
Hào quay đầu sang bãi đất trống nhìn con người ta chơi với nhau, trong lòng cũng có chút u sầu, nó muốn chơi với các bạn nhưng sợ rằng trái tim nhỏ bé lại chịu đau bởi những lời ác ý.
Nhắc đến bãi đất trống thì đây được coi là nơi "sinh hoạt chung" vào mấy buổi trưa đến chiều của tụi nhỏ, chúng tụm năm tụm bảy kéo nhau chơi trốn tìm, nhà chòi,v.v...
Một lúc sau, Hào thấy các bạn chơi vui quá. Thằng cu cũng lon ton chạy đến chơi cùng nhưng bị đẩy ra.
Trong đám đó thằng nhóc Luân lù lù xuất hiện, nhìn thấy Hào liền nhận ra thằng cu, Luân nhanh trí ra oai, hạ nhục Hào bằng cách kể cho đám bạn việc nó đã bắt nạt Hào như thế nào khi ở trường để lấy le với đám bạn. Thằng Luân nhìn phát tướng lắm nên cả đám nhận nó làm đàn anh mặc dù bằng tuổi.
Hào không nhận sự yếu thế này nữa, nó vùng lên dùng cái cổ tay đấm thẳng vào mặt thằng Luân. Luân thấy thế đánh cho Hào tím hết người rồi cả đám đi mất không chơi tiếp nữa.
Hào nằm ngước mặt nhìn trời với đôi mắt sưng to, thấy tủi hổ vô cùng. Hào muốn đi thật xa… Hào muốn bỏ nhà đi bụi vì giận cha nó do cho nó học với những đứa trẻ bình thường. Để rồi bị kì thị bởi những ánh nhìn xa lánh do sự bất thường ở đôi tay. Nó đứng dậy không biết bản thân đã đi về phía trước bao lâu đến khi ngất xỉu giữa đường sỏi đá.
"Con ai ngất giữa đường thế này?" Chú Tư vừa kéo cái xe bò vừa ngồi xuống vỗ nhẹ vào mặt Tí Hào, nó cũng tỉnh giấc.
"Dạ con là con cha Ba Mã." Nó vội đáp, tay dụi con mắt.
Thấy mắt nó sưng, chú Tư liền hỏi: "Sao mắt con tím thế, té ở đâu à?". Nghe chú nói, nó bất giác khóc không ngừng:
"Dạ con bị bạn đánh nên mắt sưng, mà cũng tại cha con hết! Cha con quyết định cho con học ở trường với các bạn bình thường, để con bị đám bạn bắt nạt, xa lánh con... Con giận cha nên đi bụi luôn!"
Tiếng khóc của Hào dần lớn hơn, chú Tư an ủi nó:
"Ba Mã chú có quen biết, là người lúc nào cũng muốn bảo vệ tốt nhất cho những người mà cậu ta yêu thương nên không lí nào để con thiệt thòi cả, con nghĩ xem nghen! Nếu như cha con đăng kí cho con vào trường khiếm khuyết thì đã công nhận con là một người khiếm khuyết. Ở trường đó, có rất nhiều bạn có số phận còn tồi tệ hơn con nhiều. Con tuy không có đôi bàn tay, nhưng chân con, những bộ phận khác của con lành lặn, vẫn hoạt động bình thường mà phải không? Con nên cảm thấy may mắn. Bạn con bắt nạt con nhưng hãy luôn chân thành, các bạn nhìn thấy cái tâm của con thì sẽ trân trọng con!"
Chú Tư lau nước mắt cho Tí Hào rồi nói thêm:
"Chú không biết Ba Mã có đứa con khôi ngô đến thế, con hãy chống lại số phận bất công phía trước nghen con! Lên xe! Chú đưa con về nhà, đừng giận cha con nữa nghen!"
Hào đã thông suốt những câu nói của chú Tư, nó leo lên xe kéo: "Con cảm ơn chú!"
Trời tắt nắng, Thị Tâm đang bán chè ngoài chợ cũng vừa về nhà, không thấy con đâu cả. Cô nghĩ thầm: "Tí Hào đi chơi gì mà sắp tối rồi chưa thấy về?"
Cùng lúc đó, Ba Mã về nhà liền biết tin con đi chơi chưa về. Anh liền chạy đi tìm, cô Tâm ở nhà chờ tin. Từ bóng xa xa, chú Tư kéo xe bò, trên xe có thằng Hào, Thị Tâm liền chạy lại ôm con.
"Con đi đâu vậy hở?" Thị Tâm thở phào nhẹ nhõm.
"Nó đi lạc đó cô Tâm." chú Tư vội nói dối để chạy tội cho thằng cu. Nếu cha mẹ nó biết nó giận cha quá muốn đi bụi thì chết nó.
Nói xong, chú Tư quay xe kéo: "Thôi thì tôi đi về đây, cũng tối rồi."
"Tôi cảm ơn chú Tư!" Thị Tâm vừa nói, tay vừa xoa đôi mắt của thằng con:
"Mắt con bị gì vậy?"
"Thằng Minh Luân... Nó đánh con đó mẹ Tâm!" Hào oà khóc, chắc là nó tủi thân lắm mới khóc lớn đến vậy.
Tối đó, Thị Tâm kể chồng nghe chuyện Hào bị đánh, nghe tên thằng Minh Luân thấy quen quen. Ba Mã liền nhớ ra Minh Luân là con của một người mẹ đơn thân từ nơi xa đến huyện này vào mấy năm về trước. Ở quê, người ta miệt thị cổ (cô ấy) do có chửa mà chưa chồng nên cô đến nơi này. Thế là Thị Tâm quyết định ngày mai sẽ đến đó nói chuyện để người ta dạy lại con của chính mình.
Sáng hôm sau, Thị Tâm đi một mình đến đó vì tính Ba Mã nóng nảy lắm, cô Tâm nói chuyện sẽ tốt hơn. Cứ tưởng việc này sẽ khó khăn nhưng khi Thị Tâm ngỏ lời thì mẹ thằng Luân cũng đồng ý răn đe. Mẹ kêu nó ra ngoài gặp Thị Tâm hỏi tội thì thằng cu cũng tự nhận đã đánh Tí Hào, rồi nó cũng xin lỗi mẹ thằng nhóc. Còn Hào nó sẽ ngỏ lời sau…
Nói vậy thôi chứ Luân nó đời nào xin lỗi Hào, hôm ở bãi đất trống là thằng Hào ra tay đánh trước, nó mới đánh lại. Nhưng tối đó, Luân nằm trên chiếc giường giả bộ ngủ để tránh tiếng mắng của mẹ, mẹ tâm sự với nó:
"Con này, mẹ biết con là một đứa trẻ ngoan. Mà con theo đám bạn xấu nhiều lần bị mời lên phòng hiệu trưởng, điều đó không khiến mẹ buồn… Nhưng hôm nay, con đã làm mẹ nhọc lắm..."
Thằng Luân im lặng, không nói lời nào, mẹ nó nói tiếp:
"Hoàn cảnh của con và bạn giống nhau, đều không có đủ cha đủ mẹ bên cạnh, con không có cha, bạn không có mẹ. Nhưng mà hoàn cảnh khiếm khuyết của bạn thì con sẽ khó thể thấu được. Đáng lẽ ra con phải bầu bạn, an ủi tâm hồn ấy, nhưng... Con không làm vậy... Con đánh bạn, đánh một người bị khiếm khuyết ở đôi bàn tay."
Thấy thằng con vẫn nín thinh. Mẹ nó liền nhẹ giọng hơn: "Con phải xin lỗi người ta đó nghen!"
Những câu nói của mẹ, nó nghe hết, nó suy nghĩ rất nhiều. Nhớ lại dáng vẻ thằng Hào thấy tội nó lắm: "Dù là ở trường hay ở bãi đất trống chẳng có đứa nào dám chơi với nó. Những lúc con người ta vui chơi, nó thường ngắm cây, ngắm cỏ. Lại gần chơi thì bị đẩy ra. Khi đó, mặt nó buồn dữ lắm và đôi lúc nó mếu máo sắp khóc, mặt nhăn như trái táo tàu sấy khô trông buồn cười không thể chịu được, nên đám thằng Cường, trong đó có cả mình cũng tham gia bắt nạt nó."
Luân bật dậy giọng rõ to: "Con sẽ xin lỗi nó, mẹ yên tâm!"
"Mẹ biết con mẹ là người tốt mà!" Mẹ vừa nói, tay vừa xoa đầu nó.
Sáng tinh mơ, Luân cắp sách đến trường học, tiện đường đi ngang qua bãi đất trống đó, liền nhìn thấy cái cây mà Hào hay ngắm. Ngước lên trên cao có chiếc lá khô đã rơi từ lâu đang đậu trên cành, hướng đó cũng là hướng thằng Hào ngắm nhiều nhất.
Luân nghĩ thầm: "Chắc là Tí Hào nó muốn nhặt chiếc lá ấy lắm nhưng tay như thế khó leo lên nhặt." Thế là Luân leo lên nhặt chiếc lá rơi trên cành.
Thật là một kiệt tác của tự nhiên, chiếc lá khô cứng đã rơi từ lâu, nó không rơi xuống đất mà rơi trên cành cây khác, chiếc lá khô nằm đấy mà không bị gió thổi hay mưa bão cuốn đi trong mấy ngày qua, nó như bị ai đó bẻ gãy rồi dán keo dính lên vậy.
Tay Luân để chiếc lá vào cặp xem như là quà làm bạn giữa hai đứa. Hào nó đâu có bạn đâu nên chắc chắn nhận Luân làm bạn.
Đến lớp, đập vào mắt Luân là cảnh tượng Hào đang bị Cường dọa nạt. Thằng cu lao vào đấm vào mặt Cường. Cường choáng váng, ngước mặt nhìn.
"Thì ra mày theo phe nó!" Cường quát to.
"Tao với Hào là bạn, mày đừng hòng đụng vào!" Luân dõng dạc quát ngược lại.
Cuộc chiến giữa Cường và Luân kéo dài hết mười lăm phút đầu giờ, Hào trốn một góc nín thinh. Khi anh chị trực ban đến thì tụi nó mới ngừng giao chiến. Mắt cả hai sưng to, tụi này đánh lộn toàn đem mắt nhau ra đấm. Thấy thế, Hào vội chạy lại hỏi thăm Luân. Nhân dịp thời cơ đã chín muồi, Luân tặng Hào chiếc lá khô đó. Đúng như thằng Luân nghĩ, cái lúc nó đưa chiếc lá tặng Hào, thì thằng cu nhận ra ngay. Dù gì cũng dành hàng phút, hàng giờ để ngắm sao không nhận ra cho được. Hào cũng tặng lại cho Luân một viên kẹo dừa. Mẹ Thị Tâm thường nói lúc nào buồn thì ăn kẹo ngọt là vui lên ngay và Hào cũng nói với Luân như thế. Cả hai trở thành bạn thân thiết, Luân nó bảo kê Tí Hào khỏi bạn xấu, Hào dạy Luân ở những bài tập mà Luân không hiểu. Cả hai làm bạn thân với nhau suốt chặng đường đi học.
Chuyện là khi Hào lên tám tuổi. Thị Tâm cũng mang thai, nó sắp có em nên vui mừng lắm. Vui thì vui vậy thôi, chứ mỗi ngày đi học là nỗi ám ảnh của nó. Hào khi đi học lại trầm ngâm lạ thường. Hôm nay, Cường có trò mới để trêu nó. Biết khi viết bài Hào không dùng cổ tay viết được nên dùng chân. Mỗi khi nó đưa chân lên bàn là thằng Cường lại nói to:
"Chân ai hôi quá mọi người!"
Thế là cả lớp cười to. Điều đó khiến Hào vừa quê, vừa xấu hổ vô cùng. Thằng nhóc rút chân xuống, không dám đưa chân lên bàn để viết bài lần nào nữa.
Sau lần đó, Hào không chịu đi học nữa. Ba Mã và Thị Tâm biết thế cũng cho nó không gian riêng để nó bình tâm lại. Mấy ngày qua, Luân không thấy nó đi học nên lại nhà nó chơi. Vừa vào liền thấy Hào ngồi trước nhà đang luyện cổ tay để cầm bút.
"Sao mấy ngày nay mày không đi học vậy hở?" Luân lại vỗ vai Hào.
Hào ngước mặt lên nhìn Luân: "Tao ghét đi học!"
"Tụi nó không bắt nạt mày nữa đâu, tao đánh cho sợ rồi."
Hào không nói gì, tiếp tục luyện viết chữ bằng cổ tay. Luân chuyển chủ đề nói: "Tuần sau có cuộc thi bơi ấy! Đi bơi không? Bơi với tao cho vui, ở nhà mãi chán lắm!"
"Tao có biết bơi đâu!"
"Thì tao tập chút là biết thôi à!"
Thế là cả hai ra con sông gần đó. Luân cởi cái áo, Hào thấy cơ thể nó đầy vết thương, vội hỏi:
"Mày bị sao vậy Luân?"
"Hở tao bị gì?" Luân khó hiểu hỏi ngược lại.
"Mấy vết bầm tím trên người mày kìa!"
"À! Tao đánh lộn với mấy thằng cười mày hôm trước ấy." Luân kể lại cuộc chiến với vẻ mặt đầy tự hào...
"Tụi nó mà dám bắt nạt mày nữa là tao hẹn ra cổng trường liền!"
"Cảm ơn mày nghen!" Hào cười tươi đáp.
"Không cần cảm ơn!"
Từ khi Luân chịu làm bạn với Hào, thằng cu cũng ít ngắm cây, ngắm cỏ. Hình như Hào không còn cảm thấy cô đơn nữa.
Sau đó, Luân tập cho Hào bơi. Nhìn cái tướng Hào bơi như con vịt con đang nổi trên nước. Không có bàn tay khiến ban đầu Hào hơi loạng choạng. Nhưng khi quen nước thì chân nó trông khoẻ lắm đạp nhanh như cắt. Mãi đến tối tụi nó mới ngừng tập rồi đi về. Ngày hôm nay, khiến Hào đỡ tủi thân hơn vì nó có người bạn tốt như Luân.
Về đến nhà, bên trong không một bóng người. Cô hàng xóm thấy thằng cu về nên nói lớn sang:
"Mẹ Tâm của con đau bụng nên đến trạm xá gần đây! Nghe nói sắp sinh em bé. Cha con cũng đến đó rồi."
"Vậy hở cô?" Nói xong Hào phi thật nhanh đến trạm xá gần đó. Thấy Ba Mã, nó liền chạy lại ôm cha. Ba Mã cũng dang tay ôm nó lại. Nhớ cái hồi Hào mới sinh Ba Mã cũng lo lắng như thế. Điều mong muốn nhất lúc này của Ba Mã là "mẹ tròn con vuông".
"Em bé sinh ra rồi, mẹ Tâm có còn yêu thương con không hở cha?" Ánh mắt Hào long lanh như sắp khóc.
"Con hỏi ngộ! Tất nhiên là còn rồi." Ba Mã vỗ lưng an ủi nó.
Ngay khoảnh khắc cô y tá bế em bé ra. Ba Mã vội đỡ. Nhìn thằng em lành lặn Hào vui như được mùa. Nhóc sẽ không trải qua những phiền muộn như cậu. May sao "mẹ tròn con vuông" thật. Cả hai mẹ con đều bình an.
Ba Mã và Thị Tâm đặt tên cho cậu em là Tí Trung. Nó thương em mình dữ lắm! Thường xuyên dẫn em đi chơi. Luân cũng hay sang nhà chơi với hai anh em tụi nó. Tí Trung sinh ra có tố chất thông minh, chắc chắn lớn lên sẽ thành tài…
Bình luận
Chưa có bình luận