I.

Chiều hôm ấy, mưa rơi rả rích, đều đều gõ nhịp trên mặt đường giờ đã loang lổ nước. Một chiếc xe buýt dừng lại khi đến trạm cuối cùng, kèm theo đó là tiếng cửa kêu cót két và cái rập ràng của những bước chân đổ xuống vỉa hè.

Trong số những người bước xuống, một chàng trai dáng người tầm thước, khoác trên mình áo sơ mi trắng ngà và quần tây đen được đóng thùng ngay ngắn, đứng nép sát ở góc trong cùng của trạm chờ hiện đang chật kín người. Chàng trai thò tay vào chiếc ba lô đeo trước ngực, lục lọi một hồi rồi rút ra với vẻ mặt thất vọng, cau mày nhìn bức màn trắng xóa trước mặt. Vài giây sau, cậu giơ cao cặp lên đỉnh đầu rồi tức tốc chạy tót ra khỏi mái che, vụt qua những sạp hàng rong cạnh đó. Tiếng lộp bộp của nước bắn tung tóe trên đường chạy vang lên mỗi lúc một dày đặc hơn và chỉ dừng lại khi cậu đến gần ngõ cụt của một con hẻm nằm cách trạm xe hơn nửa cây số. 

Trước mắt cậu lúc này là một tòa nhà ba tầng trông như ký túc xá thời sinh viên, với khoảng sân rộng nằm ngay lối vào. Nhìn vào, người ta có thể thấy bức tường vôi lốm đốm những mảng xám, cánh cửa sắt có lẽ từng xanh biếc nay loang lổ những vết gỉ sét tróc sơn; và độ cao của tòa nhà cũng chẳng giấu được sắc đen đang lấm lem trong màu đỏ gạch của mái ngói.

Chàng trai đang lụi cụi mở chiếc cặp ướt sũng để lấy chùm chìa khóa thì một quả bóng da lăn đến dưới chân hút lấy ánh nhìn của cậu. Một thằng nhóc áng chừng 10, 11 tuổi chạy lại lượm trái banh rồi quay mặt sang nói to với đám bạn đang đứng xa xa:

“Ê, đừng có đá mạnh quá. Đi lượm mệt lắm!”

Thằng nhóc chạy vụt đi ngay sau đó, để lại chàng trai trẻ nhìn trân trân vào dáng chạy long tong của cậu bé. Một cơn lạnh bất chợt chạy dọc sống lưng, kéo đôi mắt chàng thanh niên về lại với chiếc ổ khóa và cánh cửa. Bước vào sân, anh lê cả thân người nặng trĩu vì nước mưa của mình theo từng bậc thang dẫn đến một căn phòng ở tầng 2. Anh đóng sập cửa lại ngay khi bước vào phòng, cởi áo quần đang ướt nhẹp, quăng phắt chúng ra một góc trên sàn rồi ném mình lên giường và úp mặt xuống gối.

Chớp mắt đã gần sáu năm từ ngày cậu sinh viên Phạm Thế Vĩ vượt cơn khủng hoảng thất nghiệp và chấp nhận làm một công việc bản thân chẳng hề yêu thích: trở thành nhân viên thẩm định giá tại một ngân hàng lớn. Ngày ngày, Vĩ phải đối mặt với hàng núi giấy tờ, số liệu cùng ti tỉ thứ sổ sách. Hết nhìn vào màn hình, anh lại phải khoác lên chiếc mặt nạ bộ tịch, gồng mình để trở nên hoạt ngôn, khéo léo nhằm lấy lòng khách hàng. Ban đầu, anh nghĩ rằng bản thân sẽ dần thích nghi cho đến khi anh nhận ra mình sẽ mãi chôn chân với công việc nhàm chán này cả cuộc đời. Nhiều lúc Vĩ nghĩ có lẽ cuộc đời mình đã dừng lại, bởi lâu lắm rồi chẳng có tín hiệu nào cho anh thấy mình đang sống. Chẳng có điều gì làm anh nhớ về mỗi ngày trôi qua.

Những ngày gần đây, công việc trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết. Mấy đêm liền, Vĩ tăng ca đến tối và về nhà vẫn ôm khư khư chiếc laptop để trả lời khách hàng hay xử lý đống hồ sơ ngồn ngộn sếp giao gấp. Song, vào sáng nay, vì một sơ suất nhỏ trong báo giá vốn đã được anh xử lý ổn thỏa, anh bị trưởng phòng kỷ luật, buông lời chế giễu năng lực và tru tréo “Làm không được thì nghỉ đi!”. Vĩ thấy uất nghẹn cùng tận, nhưng anh chỉ biết im lặng. Đồng nghiệp xung quanh cũng chẳng ai lên tiếng. Anh hiểu vì sao tên cấp trên đó lại làm vậy: tuần trước, Vĩ đã bỏ phiếu “kín” phản đối hai đề xuất của vị trưởng phòng này trong một buổi họp. Thêm vào đó, anh nhiều lần thẳng thừng từ chối những cuộc vui mà người này mời chỉ vì cảm thấy kiệt quệ năng lượng xã hội. Anh thấy rệu rã khi mỗi ngày diễn ra chẳng khác gì một trận chiến, lúc nào cũng phải trưng diện lớp lớp áo giáp để phòng thủ với sự bộ tịch của cả thế giới. 

Hay là thôi... mình dừng lại? - Vĩ nghĩ. Ngoài nỗi lo bố mẹ sẽ suy sụp, còn điều gì níu giữ mình? Điều gì khiến mình không dám kết thúc tất cả?

Đắm chìm trong dòng suy nghĩ u ám, Vĩ giật mình khi nghe tiếng chuông báo thức vang lên từ chiếc điện thoại trong cặp. Anh ngồi bật dậy, thẫn thờ một lúc rồi thu dọn quần áo đi thẳng vào nhà tắm. Sau đó, anh hâm lại đồ ăn đã nấu từ sáng, nhai vội vài miếng rồi nhanh chóng ngồi vào bàn làm việc như được lập trình sẵn. Anh chợt nhớ ra lý do mình gắng gượng sống suốt những năm qua. 


II.

Từ trước đến giờ, Vĩ luôn thấy bản thân thật tầm thường và tạo hóa đã trao cho anh số phận của nhân vật phụ - những kẻ mang theo bao câu chuyện tẻ ngắt, để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, cuộc đời họ sẽ vĩnh viễn tan biến. Vĩ không muốn như vậy. Anh muốn được làm nhân vật chính, để dù thời gian hiện diện trên thế gian này vô cùng ngắn ngủi, di sản anh để lại là bất tử. Anh khát khao trở nên vĩ đại. 

Khi học cấp 3, Vĩ nhận thấy mình có năng khiếu viết lách khi liên tiếp đạt điểm cao ở môn Ngữ văn, tham gia thi học sinh giỏi và nhận được tin nhắn từ giáo viên đội tuyển: “Chất văn chảy trong người em, cô hi vọng em sẽ không lãng phí nó.”. Lời động viên ấy khiến anh yêu thích văn chương và bắt đầu đắm chìm trong sách truyện. Anh say mê ngòi bút thiên tài của Nguyễn Tuân, cái nhìn sắc sảo của Vũ Trọng Phụng, tư tưởng vượt thời gian của Lev Tolstoy và sự sáng tạo vô hạn của J.K. Rowling. Dù một số trong những nhà văn ấy đã không còn trên đời, giá trị họ để lại vẫn sống mãi. Vĩ mơ về một ngày, cả thế giới, hay ít nhất là Việt Nam, sẽ cầm trên tay tác phẩm của mình, đọc say mê và tên tuổi anh sẽ được truyền tụng qua bao thế hệ. Giấc mơ trở thành một nhà văn vĩ đại nuôi dưỡng anh từ đó.

Mặc cho đã nghiêm túc với con đường viết lách được gần 8 năm, gia tài tác phẩm của Vĩ khá khiêm tốn. Nguyên nhân chính là vì Vĩ không muốn viết ra những tác phẩm tầm thường, bám lấy những chủ đề mực thước hay múa bút với những câu văn dễ dãi, rẻ tiền. Anh thử thách bản thân với những chủ đề lớn lao, cần tri thức sâu rộng để khám phá, nhưng anh tin rằng chúng sẽ đủ sức vang vọng lâu dài. Vĩ cũng dành nhiều tâm sức để xây dựng những câu chuyện có khả năng thu hút độc giả, khiến họ cùng anh trăn trở về những tư tưởng lớn mà tác phẩm gửi gắm. Với anh, thế giới văn chương mà nhà văn dày công xây dựng với bao lớp lang thông điệp sẽ trở nên rỗng tuếch nếu độc giả không ghé thăm, thưởng thức, đồng kiến tạo và lớn lên.

Sau khi ra mắt một vài truyện ngắn được đăng báo và nhận lời khen “nhà văn trẻ tiềm năng” từ nhiều nhà xuất bản, anh cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình mang tên “Bình minh trong ngục tối”. Câu chuyện kể về hành trình phiêu bạt cứu nước của K’rông - chàng trai đến từ một vương quốc giả tưởng bị xâu xé, xâm lăng bởi các cường quốc vì sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản quý hiếm. Anh nhận thấy dù ở thời kỳ nào, tình yêu quê hương hay khát vọng hòa bình luôn cuộn trào trong huyết mạch mỗi người và dường như là chủ đề đáp ứng mọi tiêu chuẩn anh đặt ra về một tác phẩm vĩ đại. Không chỉ vậy, cách triển khai cấu trúc truyện theo lối phi tuyến tính, truyện lồng truyện; sự lồng ghép tài tình lượng tri thức khổng lồ về quân sự, chính trị, văn hóa Việt Nam cũng như khả năng sáng tạo thế giới dồi dào đã chắp cánh cho tác phẩm thăng hoa và giúp anh nhận được cái gật đầu từ ba nhà xuất bản. Vĩ vô cùng tự tin rằng tên anh sẽ khắc sâu trong lòng công chúng khi cuốn sách được ra mắt. 

Gần hai năm kể từ ngày cuốn sách chính thức nằm trên kệ của hàng loạt nhà sách nổi tiếng, bản in thứ 500 cuối cùng cũng được bán ra nhưng lại làm xuất hiện trong lòng anh trăm ngàn tảng đá nặng đến nghẹt thở. Vĩ nghĩ sẽ không có lần tái bản nào nữa, và tên tuổi anh chỉ còn hiện lên yếu ớt trong ký ức của 500 người, trong đó hơn 50 người đã là người quen. Những ngày đầu phát hành, anh dành hàng giờ đọc đi đọc lại những bình luận từ vài chục độc giả. Phần đông chẳng thật sự khen ngợi mà chỉ là những lời động viên sáo rỗng về một tác giả trẻ dám thử sức với chủ đề lớn. Vài người dành nhiều lời có cánh cho câu chuyện, nhưng như vậy là quá ít ỏi - anh nghĩ. Song, có một bình luận khiến anh phải suy ngẫm: “Câu chuyện vĩ mô, nhiều tình tiết dễ gây xúc động nhưng không gợi cho tôi bất kỳ cảm xúc nào.”. 

Cuối cùng, anh cảm thấy nhận định của mình đã sai: có lẽ độc giả đại chúng không còn quá mặn mà hay dễ rung cảm về đề tài chiến tranh hay chủ nghĩa anh hùng dân tộc nữa. Cũng phải thôi, thời mưa bom lửa đạn đã qua, giai đoạn thiếu thốn, cùng khổ về vật chất chỉ còn là những câu chuyện. Giờ đây, người ta quan tâm, khao khát và đấu tranh cho những nhu cầu ở tầng cao hơn.

Vượt qua nỗi buồn thất bại, Vĩ lần nữa dấn thân vào sáng tác tác phẩm mới - một tiểu thuyết mà anh tin đủ sức nói lên tư tưởng của con người thế kỷ 21 và sẽ vừa khơi gợi niềm đồng cảm tuyệt đối với số đông độc giả, vừa chiếm trọn cảm tình của giới phê bình. Anh lựa chọn một đề tài khó nhằn, nhạy cảm nhưng cũng rất sốt dẻo: LGBT và bình đẳng giới. 


III.

Một năm đã trôi qua từ khi Vĩ bắt đầu theo đuổi chủ đề này, và trong suốt thời gian đó, không ít đêm dài anh miệt mài đọc sách, tích lũy tri thức, xây dựng cốt truyện từ những ý tưởng ban đầu. Tối nay cũng là một đêm như thế. Ngồi trên chiếc bàn làm việc dưới ánh đèn vàng dịu, từng đường nét trầm tư trên khuôn mặt Vĩ càng trở nên sắc nét. Anh lật giở liên tục các trang sách, ngón tay lướt chầm chậm qua từng con chữ, miệng lẩm bẩm vài câu rồi nhanh chóng gõ phím, ghi lại những phát hiện mới mẻ, ý tưởng thú vị cho tác phẩm. Một lúc sau, Vĩ ngẩng lên nhìn chiếc đồng hồ treo tường, sau đó quay sang kệ sách, ánh mắt lướt qua những chồng tiểu thuyết kinh điển, sách triết học và khoa học chính trị, rồi cuối cùng chọn ra cuốn “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” của nữ sĩ Svetlana Alexievich, tiếp tục công việc với những động tác quen thuộc.

Chẳng bao lâu sau, Vĩ lại ngước mặt nhìn đồng hồ, ánh mắt vô tình lướt qua chiếc cửa sổ trước mặt. Bên ngoài, cơn mưa vẫn dai dẳng, vẽ nên những vệt sáng mờ ảo dưới ánh đèn đường. Anh tự hỏi, liệu mưa vẫn chưa ngừng từ chiều đến giờ hay đây là một cơn mưa mới? Ánh mắt anh sẽ không dừng ở cửa sổ lâu đến thế nếu không bắt gặp hình bóng Đăng - một chàng trai trẻ nhỏ hơn Vĩ hai tuổi, sống ngay phòng bên cạnh. Đăng đang đứng quay lưng về phía anh, tựa người vào lan can, thực hiện động tác gì đó mà Vĩ không nhìn rõ. Vĩ chớp mắt, rồi quay lại với màn hình máy tính và những cuốn sách của mình. 

Vĩ không quá quan tâm đến Đăng, cả hai chỉ quen biết xã giao và trò chuyện vài lần khi Vĩ mới chuyển đến. Ấn tượng đầu tiên của anh về Đăng là sự niềm nở, dễ gần, nhưng điều đó cũng khiến Vĩ cảnh giác với người hàng xóm này hơn.  Điều đáng nhớ khác về Đăng là anh cũng viết văn, giống như Vĩ. Dù vậy, Vĩ không mấy thích tác phẩm của Đăng và trong mắt anh, Đăng chỉ là một “thợ viết” - một người kiếm sống bằng con chữ, chứ không phải một nhà văn thực thụ.

Khác với Vĩ, Đăng viết rất nhiều và đều đặn đăng ba đến bốn truyện ngắn lên trang blog cá nhân trên Facebook mỗi tuần. Tuy nhiên, Vĩ chưa từng thấy truyện của Đăng được xuất bản, và anh nghĩ mình thừa hiểu lý do dù chưa đọc trọn vẹn truyện nào của cậu hàng xóm. Những tác phẩm Đăng viết là điển hình của thứ văn học mạng thiếu sự suy ngẫm, chắt lọc và sáng tạo. Đăng theo đuổi các chủ đề nói nhẹ là đơn giản và tầm thường, nói nặng là “nhảm nhí”, để câu kéo tương tác và chiều lòng độc giả. Vĩ đã thử đọc một số truyện ngắn được hàng nghìn lượt tương tác nhưng đều bỏ dở giữa chừng. 

Nội dung chính xoay quanh những câu chuyện tình tay ba éo le, tình yêu vượt qua sự ngăn cấm của gia đình hay mối tình gà bông vườn trường lấy nước mắt người đọc. Một số truyện khác, Đăng còn viết những thứ kì quặc hơn, không đủ tinh túy để mang vào văn chương: một truyện ngắn sáu ngàn chữ chỉ để miêu tả cảm xúc của một thằng thất bại khi vừa hút thuốc lá vừa làm tình, hay một tập truyện dài chẳng khác gì cuốn nhật ký trồng cây suốt hai năm của cặp vợ chồng già. Ngoài những câu chuyện nổi tiếng rầm rộ trên mạng xã hội, Đăng cũng có vài bài đăng chỉ vỏn vẹn mấy chục tương tác; nhưng Vĩ chưa bao giờ đọc qua. Vĩ cho rằng, nếu những truyện nổi tiếng đã vô vị như vậy, thì các tác phẩm ít được yêu thích càng chẳng có gì đặc sắc. Niềm tin của Vĩ về văn chương của Đăng càng được củng cố khi những người bạn của anh trong giới văn đều có ý kiến không mấy tích cực các tác phẩm thuần giải trí, có phần dung tục như thế. 

Đang say sưa gõ phím, Vĩ vô thức ngước lên nhìn đồng hồ rồi buông một tiếng thở dài thườn thượt. Một lúc sau, tiếng chuông báo thức từ điện thoại vang lên. Anh xếp sách gọn gàng lên kệ, cất laptop vào cặp và lau chùi bàn làm việc trước khi tắt đèn. Thả mình xuống giường như một quả bóng xẹp bị rút cạn khí, Vĩ nhắm mắt lại làm đôi mi sụp xuống một cách nặng trĩu.


IV.

Anh chẳng nhớ đây là lần thứ mấy trong ngày mình cảm nhận rõ sự mệt mỏi đang ngấm sâu vào và ăn mòn từng thớ cơ, nhịp thở. Anh cố nhắm nghiền mắt, trở mình liên tục rồi cuối cùng úp mặt vào gối để được chìm vào giấc ngủ, để nhờ vả bóng đêm phủ mờ những ký ức đang dần hiện rõ mồn một trước mắt nhưng chẳng có tác dụng. Trong màn đêm, anh cảm nhận có một cơn lũ cuốn theo từng đợt uất ức, tức giận, hoang mang và chán nản đang ùa về, chực chờ đập tan những lớp phòng thủ cuối cùng trong anh, như những bóng ma lôi anh trôi dần xuống thẳm vực sâu hun hút.

Vĩ mở to mắt, nhìn chòng chọc vào trần nhà đặc quánh bóng tối trong tiếng thở có phần gấp gáp. Anh lần tay lấy chiếc điện thoại đang sạc cạnh giường, bấm vào ứng dụng Messenger. Mắt anh nhíu lại bởi thứ ánh sáng như được khuếch đại vạn lần trong bóng tối. Anh đang bấu víu chiếc điện thoại, hớp từng luồng ánh sáng như một con cá giãy chết trên bờ thì được kẻ bộ hành xối vài gáo nước đầy thương hại. 

Nhưng dẫu sao, đó cũng chỉ là sự chạy trốn tạm bợ, bởi anh lần nữa thấy mình cô đơn và thảm thương kinh khủng. Mặc cho ngón tay miệt mài lướt danh sách tin nhắn, anh chẳng tìm nổi, dù chỉ một người, để nhắn tin chia sẻ những muộn phiền của mình. Anh có vài người bạn thân, nhưng anh nhận ra đã lâu lắm rồi không gặp họ. Cuộc sống mỗi đứa bây giờ thật khác, và ai cũng quá bận rộn để lắng nghe hay thấu hiểu những tâm tình của một người nào đó. 

Vĩ mở Facebook, mắt lướt qua từng bài đăng trên trang chủ một cách vô thức - đọc vội vài dòng, ấn vào bình luận rồi lại lướt sang bài khác mà chẳng đọng lại gì trong đầu. Đến khi dòng chữ từ trang “Chuyện của Duy Đăng” hiện lên, anh mới thoáng sững lại. Gã hàng xóm ấy vừa đăng một truyện ngắn mới có tựa đề “Đội bóng khuyết tật.”. Bài viết đăng hôm qua, nhưng lượt tương tác lèo tèo chưa tới hai chục. Vĩ định lướt đi ngay, không muốn mất thời gian vì những con chữ nhạt nhẽo. Nhưng cái tên truyện bỗng níu anh lại, khiến lòng dấy lên chút tò mò và hy vọng về một câu chuyện chuẩn khuôn mẫu “hạt giống tâm hồn”.

Anh bắt đầu đọc, mắt đảo qua từng dòng đầu tiên. Những nếp nhăn trên trán anh cứ xô vào nhau, đầu thoáng nghĩ chắc sẽ có thêm một tác phẩm vào danh sách bỏ dở. Nhưng càng đọc, Vĩ càng thấy lông mày giãn dần ra. Anh chống tay ngồi dậy, môi mấp máy đọc theo từng dòng, có lúc mím lại rồi bất giác nhoẻn một nụ cười mơ hồ. 

Nửa đầu truyện ngắn kéo dài đến năm ngàn chữ và Duy Đăng dành trọn nó chỉ để mô tả chi tiết một trận bóng đá ở hội thao trường cấp 3. Từng khoảnh khắc, từ khi cả đội bàn chiến thuật trong phòng chờ, hô vang cổ vũ tinh thần trước giờ ra sân, cho đến những cú sút, những pha tranh chấp trên mặt cỏ suốt 90 phút, đều hiện lên thật sống động bằng những “cú máy” đậm chất điện ảnh. Với Vĩ, câu chuyện này là chìa khóa mở ra chiếc hộp Pandora chôn sâu trong tiềm thức. Anh bỗng nghe như vang lên tiếng bước chân lạch bạch, thoảng đâu đó mùi mồ hôi khai rình trong bóng tối.

Trong đầu Vĩ, hình ảnh thằng bạn thân Bảo “báo” của anh - tay thủ môn chuyên bắt trượt nhưng luôn “gáy” to lấy khí thế trước trận - bỗng hiện ra rõ mồn một. Rồi cả thằng Hùng “hục” học khối dưới nhưng đá siêu hay nên lúc nào cũng được gọi đi đá cùng, hay “cụ” Sinh với gương mặt già chát, lười cạo râu, khiến ai cũng gọi nó bằng cái biệt danh chẳng lẫn vào đâu. Vĩ sống lại những ngày đạp xe cùng anh em ra sân cỏ để đặt sân, hẹn hò lập đội với những đứa bạn trường khác thậm chí chẳng biết nổi tên họ nhau, và khi trận đấu kết thúc, cả bọn lại quây quần bên sạp nước, uống mấy cốc trà đá rồi vỗ đùi, ngoác miệng cười sằng sặc.

Hơn 10 năm trước thôi, cũng trong gian phòng tối om thế này, anh và mấy thằng bạn từng tụm lại trước màn hình tivi theo dõi World Cup, cười nói ầm ĩ và gào rú mỗi khi đội mình cược phá thủng lưới đối thủ. Có hôm, bố mẹ Bảo “báo” không cho nó qua xem trận Bán kết lúc 3 giờ sáng, cụ Sinh ôm chặt điện thoại bàn, tường thuật từng pha bóng cho đến khi bị mẹ nó quát, “Tiền điện thoại nào chịu nổi tụi bây?”. 

Những ký ức ấy cứ ùa về không dứt trong tâm trí Vĩ, mãi cho đến khi câu chuyện của Duy Đăng bất ngờ rẽ sang hướng khác. Nhân vật chính của truyện - chân tiền đạo lập cú đúp trong trận đấu - gặp chấn thương nghiêm trọng trong một pha tranh bóng, làm đôi chân của cậu bị cướp đi mãi mãi, để lại số phận tật nguyền gắn chặt với chiếc xe lăn. Kể từ đó, cậu chỉ có thể ngắm nhìn sân cỏ từ xa. Những người bạn trong đội bóng thường xuyên đến động viên và dắt cậu ra bãi tập nói đùa, nhưng khoảng cách về thể chất cùng nỗi mặc cảm đã tạo nên một bức tường vô hình ngăn cách cậu với phần còn lại.

Câu chuyện tiếp tục xoay chuyển theo cách Vĩ không ngờ tới. Các thành viên khác trong đội bóng lần lượt gặp tai nạn làm họ mãi không thể chạy đua cùng trái bóng. Đội bóng của họ nhận nhiều lời đồn thổi và những biệt danh ác nghiệt “Đội bóng khuyết tật” hay thậm chí “Đội bóng bị nguyền rủa”. Vài năm sau, chàng tiền đạo năm nào liên lạc lại với cả đội, mời họ đến công viên để chơi một trận bóng đặc biệt của những kẻ khiếm khuyết. Truyện kết thúc bằng những đường bóng bay là là trên mặt đất, những bước chạy chậm chạp và pha lập cú đúp của cậu tiền đạo. Chỉ khác là, lần này không còn chấn thương nào nữa. 

Đọc xong câu cuối, Vĩ thấy ngực mình nghẹn lại, từng hơi thở trở nên nặng nề cùng tận. Trong khoảnh khắc, Vĩ tắt màn hình điện thoại, hai tay ôm mặt, để bóng tối trùm lấy mình như một người tình cũ, xiết chặt anh trong vòng tay tĩnh lặng mà ngột ngạt. Cái nóng hổi, ẩm ướt mơn man da mặt khiến anh nhận ra mình đang khóc. Tiếng rên rỉ yếu ớt bật ra từ lồng ngực, và trong sự tĩnh mịch của căn phòng, âm thanh ấy dường như lớn hơn gấp bội. Vĩ cũng không rõ những giọt nước mắt đang rơi là sự tiếc thương cho số phận bi kịch của đội bóng ấy hay cho chính cuộc đời mình. Đôi tay anh vô thức sờ soạng hai chân rồi bất ngờ bấu chặt vào vai đến đau điếng. Cơ thể anh thật lành lặn và khỏe mạnh, nhưng điều đó lại làm anh bàng hoàng nhận ra chính mình cũng có khác gì những kẻ tật nguyền ấy đâu? Cuối cùng, Vĩ khóc tướng lên, nằm vật xuống giường và gào rống liên hồi như con thú bị thương.

Khi đôi mắt đỏ hoe và khuôn mặt đẫm nước mắt, anh uể oải nhoài người lấy điện thoại và giật mình khi thấy đã gần hai giờ sáng. Anh không ngờ mình đã đọc lâu đến thế. Anh vội lấy tay quệt vài đường trên mặt, nhắm mắt rồi cố gắng chìm vào giấc ngủ khi vẫn nghe tim mình đập dồn dập trong ngực.


V.

Hôm sau, trời mưa như trút nước và Vĩ lại quên mang ô. Về đến cửa phòng, anh ướt sũng từ đầu đến chân và co người run lẩy bẩy. Anh luồn tay vào cặp một lúc rồi trợn tròn mắt nhận ra mình bỏ quên chìa khóa phòng. Anh lấy điện thoại gọi cho chủ nhà xin mượn chìa khóa dự phòng để mở cửa, sau đó ngồi thụp xuống chiếc ghế đá kê sát bên, vô định nhìn vào tấm rèm nước dày đặc trước mặt. Những cơn gió thoảng qua làm da anh nổi lên từng đợt lạnh buốt. Vì chủ nhà ở xa, anh phải ngồi đợi hơn một tiếng mới có thể vào phòng. Anh nghĩ đến việc vào quán cà phê nào đó để sưởi ấm, nhưng khi cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt, anh lại bỏ phăng ý định đó.

Anh thấy không thể lãng phí thời gian như thế nên lấy cuốn “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” ra để tiếp tục đọc. Anh lật vài trang, lấy bút chì gạch chân những đoạn quan trọng rồi ghi chú vào điện thoại. Được một lúc, anh lại nhíu mày, ngẩng lên nhìn ra màn mưa. Tiếng mưa xối quá lớn, khiến anh không thể tập trung được. Đột nhiên, một giọng nói khàn khàn vang lên bên cạnh:

“Ơ kìa, sao anh lại ngồi ở đây?”

Vĩ giật mình quay sang thì thấy Duy Đăng đứng trước phòng cậu ấy, áp người sát lan can và tay đang vọc nước mưa. Không lẽ tối qua cậu ấy cũng làm vậy, Vĩ thầm nghĩ.

“Anh để quên chìa khóa nên đang chờ chú Phong đến cho mượn chìa khóa dự phòng.” - Vĩ chậm rãi đáp. 

“À, ra vậy. Mà khi nào chú Phong đến? Nhà chú ấy ở xa, trời lại đang mưa tầm tã thế này.” - Đăng quay hẳn người về phía Vĩ nói.

“Anh cũng không biết. Chú ấy nói tầm một tiếng nữa sẽ tới, nhưng anh nghĩ sẽ lâu hơn một chút” - Vĩ nói, hai tay chợt ôm hờ lấy cơ thể vì một cơn gió lạnh vụt qua.

“Anh muốn vào nhà em chờ một lát cho ấm không? Ngồi ngoài này lạnh chết khiếp.”

Lại một lời mời xã giao - ý nghĩ này thoáng vụt qua đầu anh. Bản năng mách bảo anh hãy từ chối, vì vào đó, anh lại phải tung hứng những câu nói bộ tịch - điều luôn kéo anh vào địa ngục mỗi ngày đi làm. Nhưng đầu óc anh lúc này chất đầy hình ảnh của đội bóng khuyết tật tối qua. Giờ đây, anh có cái nhìn khác hẳn về Duy Đăng và phần nào muốn trò chuyện với cậu ấy. 

“Em có đang bận gì không?” - Vĩ lịch sự hỏi như một nghi thức.

“Em không. Đang rảnh thế này cơ mà.” - Đăng vừa nói vừa cười khanh khách, tay lại chĩa ra vọc nước mưa. 

“Vậy anh xin phép vào ngồi một lúc với nhé! Cảm ơn em.”

Phòng của Đăng tối mờ và chỉ được chiếu sáng yếu ớt bởi cái đèn led duy nhất gắn gần bàn làm việc. Cơn mưa bên ngoài rơi như trút, tạo thành tấm màn đen dày đặc ngăn cản mọi tia sáng, làm không gian trong phòng càng thêm u ám. Lướt mắt một vòng, Vĩ thấy gần như không có gì ngoài dăm ba vật dụng thiết yếu. Vĩ chợt nhớ lại tiểu thuyết “Bình minh trong ngục tối” mình từng viết và anh có cảm giác như đang bước vào nơi trú ẩn của quân lính trong truyện. Điều làm Vĩ ngạc nhiên nhất là, khác với phòng mình, phòng của Đăng có vẻ không được cách âm tốt lắm, vì anh có thể nghe rõ mồn một tiếng mưa rơi ngoài kia.

Vĩ bắt gặp tủ sách của Đăng, nơi những cuốn sách được xếp vào như những mảnh vỡ vô tổ chức, chẳng có điểm chung nào ngoài việc chúng đều nằm đó, trong một sự pha trộn kỳ lạ. Có những cuốn self-help gối đầu giường của cả thế giới, cũng có những cuốn tiểu thuyết kinh điển mà Vĩ từng kiên trì đọc, nhưng chiếm nhiều chỗ nhất lại là những cuốn tản văn móng dính và những cuốn sách vô danh mà Vĩ chưa từng nghe tên, mặc dù anh luôn tự tin mình là người tra nát hầu hết danh sách sách hay. 

“Hay anh vào tắm rửa rồi thay đồ em mặc tạm cho thoải mái.” - Duy Đăng nói. “Em với anh chắc cùng cỡ quần áo thôi. Người anh ướt nhẹp thế kia.”

Vĩ ngại ngùng nhìn Đăng. Đúng là những giọt nước đang dần chiếm lấy cơ thể anh và đêm nay, anh có thể ốm một trận động trời nếu cứ mặc bộ quần áo này.

“Vậy cho anh mượn tạm bộ quần áo và nhà tắm nhé! Cảm ơn em.” - Vĩ ngập ngừng nói và cười gượng.

Trong lúc tắm, Vĩ đau đầu nghĩ cách trả ơn Duy Đăng. Trước giờ, anh không muốn nợ ai điều gì và càng không muốn là ân huệ của ai. Vừa bước ra khỏi phòng tắm, anh thấy Duy Đăng đang lục lọi trong tủ lạnh.

“Anh biết nấu canh chua cá lóc không?” - Duy Đăng ngẩng mặt hỏi.

“Anh biết.”

“Vậy anh nấu rồi anh em mình cùng ăn được không? Ăn xong em sẽ rửa chén.”

“Để anh xử đống này rồi rửa chén luôn.” - Vĩ vừa nói vừa cầm hộp đồ nấu chua trên gian bếp. “Hôm nay không có em thì mai có khi anh phải nghỉ làm vì ốm rồi.” 

“Em không biết nấu ăn nên thường ngày toàn ăn ngoài. Thỉnh thoảng người yêu em gửi ít đồ để hôm sau cô ấy qua chơi, sẵn tiện nấu cho hai đứa cùng ăn. Ngày mai cổ qua, thấy đồ ăn vơi đi một ít, cổ có nổi máu ghen thì anh qua làm chứng cho em nhé.” - Đăng nói trong tiếng cười khúc khích.

“Đàn ông làm chứng cho nhau, phụ nữ không tin đâu.” - Vĩ liến láu nói làm cả hai bật cười thành tiếng.

“Bình thường ở nhà, ngày nào anh cũng nấu ăn à?” - Đăng vừa hỏi vừa quay lại bàn làm việc.

“Ừ. Bận mấy anh cũng ráng nấu sơ buổi sáng để chiều về hâm nóng lại.” - Vĩ nói, tay gọt trái thơm bỏ vào nồi nước sôi.

“Anh nói gì?” - Đăng hỏi với âm lượng to hơn.

“Anh bảo có bận mấy anh cũng ráng nấu sơ buổi sáng để chiều về hâm nóng lại.” - Vĩ đáp lớn giọng hơn. Anh đột nhiên rợn người vì tiếng nước dội ầm ầm bên ngoài.

“Sao phải cực thế? Em thấy nếu bận quá thì ăn ngoài vài ba bữa có sao đâu?”

“Hồi còn là sinh viên anh cũng chẳng biết nấu ăn. Anh thấy nó cứ phí thời gian và khó khăn thế nào ấy. Ngày nào anh cũng gặm ổ bánh mì, ăn cơm tấm lề đường hết. Có ngày dậy muộn, anh bỏ luôn cả bữa sáng và trưa, chỉ ăn mỗi buổi chiều. Đến năm 3, anh bị đau bao tử và ngày bảo vệ khóa luận thì phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Vào bệnh viện gần cả tuần, anh mới thấy bố mẹ anh nói đúng: không có sức khỏe thì chẳng làm được việc gì hết. Từ đó trở đi, anh tập nấu ăn và không dám bỏ bữa nữa.”

Duy Đăng lắng nghe với vẻ chăm chú như muốn nuốt trọn từng lời Vĩ nói. Cậu im lặng một lúc rồi hỏi:

“Vậy giờ anh thấy nấu ăn có còn phí thời gian và khó nhằn như trước không?”

“Ban đầu anh thấy khó kinh khủng. Nhưng mà…” - Vĩ vừa nói vừa cho cá vào nồi - “... sau đó anh mới thấy nấu ăn không phải câu chuyện của khó và dễ. Món nào em cũng có thể nấu được hết, miễn là em có thời gian. Nó chỉ có quanh quẩn vài gia vị và nguyên liệu thôi. Còn ngon hay không thì tùy thuộc vào khẩu vị người ăn, em sẽ điều chỉnh công thức cho phù hợp. Hôm nào anh bận anh sẽ nấu nồi canh hay chiên miếng thịt tầm 15 phút là xong. Nhưng hôm nào rảnh thì anh sẽ xem công thức trên mạng rồi nấu thật linh đình.”

Đăng vừa nghe vừa gật gù, vẻ mặt trở nên đăm chiêu hẳn đi.

“Câu chuyện của anh truyền cảm hứng quá. Hôm nào em sẽ học nấu ăn rồi viết một truyện ngắn về quá trình nấu một bữa ăn linh đình như anh nói.”

Vĩ đang vớt bọt trong nồi canh thì nhíu mày, miệng hơi méo và nói với giọng nghi hoặc:

“Câu chuyện này mà cũng viết thành truyện được à?”

“Hay mà anh. Em rất thích chủ đề đó. Và có khi nó còn rất thu hút độc giả nữa.”

Vĩ lặng người, đôi tay vẫn khuấy nồi canh theo quán tính. Ánh mắt anh vô thức dừng lại trên mặt nước đang dần chuyển đục ngầu, nơi gương mặt anh chập chờn hiện lên. Lạ lùng thay, hình ảnh phản chiếu ấy sáng rõ một cách kỳ diệu, rực rỡ và trong trẻo đến mức anh chưa từng thấy ở bất kỳ tấm gương nào.

Tầm 10 phút sau, hai chàng trai ngồi vào bàn dùng bữa.

“Em thấy ngon thật đó. Đúng là kinh nghiệm 8 năm nấu ăn có khác.” - Đăng nói ngay sau khi ăn thức đầu tiên.

“Cảm ơn em.” - Vĩ nhoẻn miệng cười và nói. Nếu là anh, dù ngon hay dở thì anh vẫn phải khen mà thôi. Đó chỉ là phép lịch sự đầy bộ tịch của con người. 

Bầu không khí bắt đầu trầm xuống khi cả hai ngấu nghiến ăn mà chẳng nói với nhau câu nào. Vĩ buột miệng nói:

“Tối qua anh có đọc truyện “Đội bóng khuyết tật” của em. Anh thấy em viết xuất sắc.”

Đăng đang xắng phần bụng cá thì khựng người lại, dựng mắt nhìn Vĩ và ấp úng hỏi lại như không tin:

“Anh đọc truyện đó rồi à? Anh thấy nó xuất sắc thật sao?”

“Ừ. Anh rất ấn tượng.”

“Anh ấn tượng như thế nào? Anh thấy thích phân cảnh nào nhất?” - Đăng hăm hở hỏi với đôi mắt sáng rực như đứa trẻ được cho kẹo. Vĩ hơi bất ngờ trước phản ứng quá khích của cậu em.

“Về mặt bút pháp, em sử dụng ngôn từ rất chuẩn xác và gợi hình làm khung cảnh trận đấu hiện lên như một cuốn phim quay cận. Anh không chỉ nhìn thấy trận bóng của đội chơi, mà còn có cảm giác trở thành một thành viên của đội bóng đó. Truyện cũng đầy rẫy những hình tượng nghệ thuật, nhưng anh tâm đắc nhất là hình ảnh sự khuyết tật của cả đội bóng.” - Vĩ dừng lại giây lát rồi nói tiếp. “Em mất bao lâu để sáng tạo ra chi tiết này?”

Duy Đăng chau mày ngó nghiêng một lúc rồi đáp:

“Em không nhớ nữa. Lúc viết em thường không nhìn đồng hồ. Nhưng anh tâm đắc với chi tiết đó thế nào?”

Vĩ gác đũa xuống, bắt đầu bài nói chuyện của một nhà phê bình văn học dài tận 10 phút. Vĩ nói đến đâu, Duy Đăng gật gù đến đó, ánh mắt rưng rưng lộ rõ niềm xúc động. Cuối cùng, Vĩ chốt lại:

“Anh đã khóc rất nhiều khi đọc truyện của em, nhất là khung cảnh tất cả thành viên trong đội bóng cùng chơi một trận ở đoạn cuối, dù ai trong họ cũng đã khuyết tật ít nhiều. Chưa có tác phẩm nào làm anh khóc như thế. Tối hôm qua, anh cảm thấy suy sụp vô cùng và truyện của em xuất hiện. Sáng nay, …” - Vĩ ngập ngừng. Anh cảm thấy mình đã phơi bày bản thân quá trần trụi trước mặt một người không thân thiết.

“Sáng nay anh như thế nào?” - Đăng hỏi ngay tức thì với cặp mắt rưng rưng, sẵn sàng vỡ òa bất cứ lúc nào.

“À, không có gì.” - Vĩ quyết định giữ lại câu chuyện đó cho riêng mình. “Truyện của em chắc chắn thành công. Sao em không gửi cho nhà xuất bản để đăng báo hoặc phát hành sách?”

“Em có gửi cho vài trang báo, một trang từ chối và số còn lại thì chưa phản hồi.” - Duy Đăng thản nhiên nói. “Em không kỳ vọng gì nhiều. Em đã liên tục bị từ chối hơn 2 năm nay, ngay cả với những truyện được tương tác cao nhất của em, thứ có thể giúp họ thu bộn tiền. Truyện này còn chưa được 20 tương tác thì càng không có hi vọng. Nhưng những gì một độc giả như anh nói về tác phẩm của em là quá đủ cho đời sống của nó rồi.” - Đăng nói rồi cho cơm vào miệng nhai ngợm ngoạm.

“Độc giả và các nhà xuất bản chê truyện này sao?”

“Có nhiều độc giả lâu năm, nhắn tin bảo em truyện lần này không còn hấp dẫn, cuốn hút như những lần trước nữa. Một số khác thì bảo câu chuyện tầm thường và kì quặc quá.”

Vĩ rùng mình khi nghe những từ đó. Anh ngồi im lặng lúc lâu, nghĩ về truyện ngắn đó với từng con chữ như khắc sâu vào trí óc. Anh bắt đầu hơi hoài nghi rằng những lời khen của mình có hoàn toàn chính xác hay chưa. Anh không chắc, nhưng anh biết chúng đều là thật lòng. Anh húp hết chén canh, gác đũa rồi ngẩng mặt hỏi:

“Vậy làm sao để em tìm được những độc giả như anh?”

Duy Đăng có vẻ hơi bất ngờ khi nghe câu hỏi đó. Anh cảm nhận được một loạt thao tác đang diễn ra trong não anh. 

“Mục tiêu của em là đi tìm những độc giả như anh. Nhưng khi viết, em chỉ viết vì em không thể không viết. Em nghĩ em viết để mình có một chỗ trốn.” - Anh vừa nói vừa gác đũa, xếp chén đã dùng bỏ vào chiếc nồi rỗng giữa bàn. “Và nếu chỗ trốn em tạo ra đủ an toàn, sẽ có ít nhất một độc giả như anh đến đó. Chỉ tiếc là chỗ trốn của em thì thường không đủ rộng rãi” - Đăng vừa nói vừa tự bật cười khoái chí. “Nhưng hẹp hay rộng không quan trọng, miễn phải là do mình xây.”

“Miễn là mình xây…” - Vĩ vô thức mấp máy môi. Câu trả lời của Đăng khiến Vĩ cảm thấy như mình bị đóng băng, chỉ còn lại đôi mi chớp nhẹ nhàng mà liên tục. Cả hành trình 8 năm dài đằng đẵng cầm bút, những đứa con tinh thần mà anh từng dồn tâm huyết đang hiện ra ào ạt, như những cơn mưa bom dữ dội, làm rạn vỡ tâm trí anh. Nhưng anh không chắc liệu ánh sáng có thể len lỏi qua những vết nứt ấy hay không, càng không chắc mình có mong đợi ánh sáng đó xuất hiện hay không.

Giữa mớ cảm xúc hỗn độn, tiếng chuông điện thoại bất ngờ vang lên rõ mồn một, khiến Vĩ giật mình và nhận ra mưa đã ngớt dần. Chú Phong đến rồi. Anh vội vã ra mở cửa, nhận chìa khóa rồi quay vào giúp Đăng dọn dẹp. Hai anh em tranh nhau một hồi rồi quyết định cùng rửa chén. Trong tiếng nước chảy róc rách và tiếng chà xà phòng trên đĩa, Vĩ quay sang hỏi Đăng:

“Em sắp viết một truyện ngắn về mưa đúng không?”

“Sao anh biết?” - Đăng cất cao giọng, giật mình vươn thẳng người dậy.

Vĩ nở một nụ cười lấp lửng và hỏi:

“Câu chuyện đó sẽ kể về gì?” - Vĩ chợt thấy như mình hơi lỡ lời và ngập ngừng nói. “À, anh xin lỗi. Anh …”

“Cậu bé mù cảm nhận thời gian qua tiếng mưa rơi…” - Đăng nói, ngắt ngang lời Vĩ. “... và cái lạnh của từng cơn mưa.”

“Câu chuyện thú vị đó.” - Vĩ cười và gật gù nói. “Anh hi vọng sẽ trở thành độc giả em cần tìm”.

“Chuyện đó làm sao biết được.” - Đăng cười phá lên, kéo theo Vĩ cũng cười điên sảng khoái ngay sau đó. 

Rửa chén xong, Vĩ dọn đồ về lại phòng của mình. Trước khi đi, Vĩ ngoái đầu về phía Đăng đang chúi đầu vào màn hình laptop trên bàn làm việc và nói:

“Em muốn biết sáng nay anh đã làm gì không?”

Đăng ngẩng mặt dậy với ánh mắt đầy mong đợi. 

“Thú thật, anh cũng chẳng biết tại sao anh đã nhấc máy gọi cho mấy thằng bạn thân nhất trong đội bóng lớp anh ngày trước, sau gần 8 năm không nói chuyện để hỏi han tình hình và hẹn một trận đá banh. Anh thấy mình thật ngớ ngẩn…” - Vĩ dừng lại một lúc rồi nói tiếp. “... nhưng cũng đáng để thử.”


VI.

Vĩ bước vào phòng, ngồi phịch xuống giường một cách nặng trĩu. Anh vô thức ngả người ra sau, để thân thể mình tan ra theo từng nhịp thở, rồi nằm dài trên giường. Đôi mắt anh mở to và lại nhìn chòng chọc vào ánh đèn điện chớp nháy trên trần nhà. Tiếng chuông đồng hồ lần nữa vang lên làm anh giật mình. Anh bật người dậy, dọn dẹp nhà cửa một lúc rồi lại ngồi vào bàn làm việc. 

Anh khởi động laptop, chần chừ một lúc rồi mở dàn ý cuốn tiểu thuyết thứ 2 mà mình đang xây dựng lên. Anh lấy từ trong cặp cuốn “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” và ngắm nghía bìa sách. 

Một lúc sau, Vĩ bất giác ngước lên, nhìn thẳng xuyên qua ô cửa sổ. Trời lại đổ cơn mưa. Anh nghe thấy tiếng mưa rất khác so với lúc nãy. Anh lại nhìn vào những vệt nước sáng tù mù do đèn đường chiếu vào và thấy hiện lên trên đó hình ảnh bà nội, bà ngoại, mẹ và cô em gái nhỏ của mình.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout