A. Chương 1: Bông hoa nhỏ


“Chị hai ơi! Chị hai! Dậy đi! Đừng ngủ nữa!”


Giọng nói thúc giục vang lên giữa màn đêm, kéo tôi ra khỏi khoảng không mơ hồ của cơn mê. Hơi ấm từ đôi bàn tay bé nhỏ ấy như một sợi dây níu giữ tâm trí tôi, kéo tôi trở về với thực tại.


Ánh sáng từ bóng đèn trắng trên trần nhà hắt xuống khiến đôi mắt tôi díu lại. Tôi khẽ chớp mắt vài lần, hình ảnh trước mặt dần trở nên rõ ràng hơn.


Trước mắt tôi là cậu em trai nhỏ bé của tôi. Khuôn mặt nó lấm lem nước mắt, bàn tay run rẩy vẫn siết chặt lấy tay tôi như sợ rằng chỉ cần buông ra, tôi sẽ biến mất.


“Chị hai, chị tỉnh rồi!” Giọng của nó nghẹn ngào, pha lẫn giữa sự nhẹ nhõm và một chút hoảng loạn. 


Tôi muốn nói gì đó, nhưng cổ họng khô khốc, chỉ có thể mấp máy môi mà không phát ra được âm thanh nào.

Từ từ mở mắt rõ hơn, tôi cảm nhận được mùi thuốc sát trùng dày đặc trong không khí. Tôi chậm rãi ngồi dậy, phóng tầm mắt nhìn ngó xung quanh, bỗng bắt gặp ông ngoại đang ngủ thiếp đi trên chiếc ghế xếp cũ kỹ. Dáng người ông hơi đổ về phía trước, lồng ngực phập phồng đều đặn, như thể đã trải qua một đêm dài thức trắng.

Tiếng Trọng cất lên làm ông giật mình tỉnh giấc. Điều đầu tiên ông làm là nắm lấy đôi bàn tay tôi, ánh mắt rưng rưng xúc động:

“Con thấy đỡ hơn không?”

Tôi khẽ gật đầu trấn an ông, rồi chỉ tay về phía chiếc đồng hồ trên tường như muốn hỏi tôi đã nằm bao lâu rồi. Ông có vẻ hiểu ý, nhẹ nhàng nói:

"Ông nghe giáo viên nói rằng con bị tai nạn. Cũng may là có người kịp thời đưa con vào viện sáng nay."

Tôi cố gắng nuốt nước bọt để giọng nói không còn khàn đặc: "Ông… biết ai… đã đưa con… vào không?”

"Ông có hỏi bác bảo vệ, thì được biết đó là một cậu bé mặc đồng phục học sinh cùng trường con."

Đúng rồi… Tôi nhớ ra rồi.

Hình ảnh cậu trai hớt hải, trán lấm tấm mồ hôi xông vào giữa đám học sinh hiếu kỳ, vội vàng cõng tôi trên lưng, chạy một mạch không ngừng nghỉ. Tôi cảm nhận được bước chân của cậu càng lúc càng dồn dập hơn, bỏ lại tiếng xôn xao của đám đông tan dần phía sau.

Lúc ấy, tôi đã chẳng còn đủ tỉnh táo để nhận thức điều gì rõ ràng. Chỉ nhớ rằng, tôi thiếp đi trên vai cậu, áp má vào lưng cậu, cảm nhận được sự gấp gáp trong từng nhịp thở. 

Mùi nước xả vải thoang thoảng trên áo cậu hòa quyện cùng mùi mồ hôi nhễ nhại. Đây là một sự pha trộn kỳ lạ, nhưng lại khiến tôi có cảm giác an tâm khi ở bên cậu.

Tôi mơ hồ nghe được câu nói duy nhất vang vọng từ bên tai:

"Em cố gắng lên! Một lát nữa là tới rồi! Đừng bỏ cuộc!"

Trong cơn mê man, tôi siết chặt đôi vai cậu, hít thở thật sâu, cố gắng giành giật từng giây sự sống với thần chết.

Và có lẽ chính cái câu nói động viên ấy đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của tôi sau này. 

Vào cái khoảng thời gian năm tôi ba tuổi, tôi đã quen với việc sống xa ba mẹ. 

Họ đi làm ăn xa, để lại tôi cho ông ngoại chăm sóc. Rồi vài năm sau, họ lại gửi thêm một cậu nhóc về sống cùng hai ông cháu. Câu nói mà tôi thường xuyên nghe nhất chính là:

"Ba mẹ kiếm được nhiều tiền sẽ đón con và em về ở chung.”




Câu nói ấy lặp đi lặp lại nhiều đến mức tôi không còn cảm giác mong chờ ngày họ trở về nữa. Tôi chỉ muốn ở lại bên ông ngoại mà thôi.

Ông ngoại vốn là một người lao động chân chất, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", làm lụng vất vả để lo cho tôi và đứa em bé bỏng mới lọt lòng. Nhưng dù nghèo khó đến đâu, ông vẫn dành cho hai chị em tôi tất cả những gì tốt nhất.

Tuổi thơ của tôi là những ngày tháng rong chơi trong một thế giới riêng do chính ông tạo ra.

Khi rảnh rỗi, ông lại ngồi ở cái ghế tre quen thuộc, tỉ mẩn đẽo từng thớ gỗ thành những con thú, con búp bê thật tinh xảo. Tôi thích lắm, ôm chúng trong tay, tưởng tượng ra cả một câu chuyện cổ tích về chàng hiệp sĩ cầm gươm giải cứu công chúa khỏi lũ cướp dữ.

Nhà ông ngoại rộng lắm, có lẽ còn rộng hơn cả cái hồ nước mà con bác Năm hay dẫn tôi đi câu cá. Ở một góc vườn sau nhà, hoa ly nở rộ mỗi khi vào mùa.

Ông trồng hoa ly vì nhớ bà.

Bà ngoại tôi mất sau một cơn đột quỵ, và hoa ly chính là loài hoa bà yêu thích nhất khi còn sống.

Mấy cô bác trong xóm vẫn gọi tôi là con khỉ con tinh nghịch. Mỗi ngày của tôi là một cuộc phiêu lưu mới, và ông ngoại chính là người bạn đồng hành không thể thiếu. Chúng tôi cùng nhau khám phá vườn cây, cùng nhau nghe chim hót mỗi buổi sáng.

Tôi đã từng nghĩ, tôi sẽ là người bù đắp cho ông quãng đời còn lại khi không có bà bên cạnh.

Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi từ khi em trai tôi xuất hiện.

Tôi không còn là trung tâm của mọi sự chú ý nữa.

Mọi ánh mắt đều dồn về nó. Các cô, các dì từng vây quanh tôi ngày nào, giờ chỉ còn quan tâm đến đứa em nhỏ bé đó.

Tôi cảm thấy bị bỏ rơi.

Thế giới của tôi thu nhỏ lại, chỉ còn ông ngoại là duy nhất.

Nhưng ông vẫn như mọi ngày.

Sáng, ông chải tóc, buộc hai chùm tóc gọn gàng cho tôi, rồi dắt tay đưa tôi đến trường. Chiều, ông lại đón tôi về, trên tay lúc nào cũng có một viên kẹo dâu tằm, nhẹ nhàng bốc ra đặt vào lòng bàn tay tôi.

Có điều, thời gian không báo trước điều gì.

Biến cố ập đến vào một buổi chiều mùa thu se lạnh. Tiếng trống báo hiệu giờ chơi kết thúc vừa vang lên, tôi vội vã chạy về lớp. Bỗng, chân tôi trượt dài trên nền đất, trán va mạnh vào cạnh cầu thang. Chỉ giây lát sau, tôi cảm thấy một cơn đau nhói dữ dội ở trên trán. 

Rồi mọi thứ tối sầm lại.

"Trang.”

Tiếng ông ngoại cất lên, không to nhưng cũng đủ để kéo tôi về với thực tại. Giọng ông trầm ấm, như sợ rằng nếu nói lớn hơn sẽ khiến tôi suy sụp.

"Vết thương này sẽ nhanh lành thôi."

Ông an ủi, nhưng ánh mắt lại ánh lên chút lo lắng không giấu được.

Tôi khẽ quay đầu, nhìn qua khung kính cửa sổ. Hình ảnh phản chiếu khiến tim tôi thắt lại. Chiếc băng gạc trắng quấn quanh đầu tôi, loang lổ vệt máu đỏ thẫm. Một mảng lớn. Tôi nuốt nghẹn, cổ họng khô khốc. Nước mắt như trực trào, nhưng tôi cố nuốt ngược vào trong. 

Chỉ có kẻ yếu đuối mới khóc.

Vết thương lớn nên phải khâu đến sáu mũi. Ba tôi kể, bác sĩ đã nói rằng nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời, tôi có thể đã mất quá nhiều máu mà chết. Hộp sọ đã có một vết nứt nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến não bộ. Chỉ nghĩ đến thôi, tôi đã thấy toàn thân lạnh ngắt.

Tôi phải nằm viện suốt nửa học kỳ để theo dõi.

Ba mẹ ở lại chăm sóc tôi được một tuần, rồi lại phải vội vã quay về Sài Gòn. Trước khi đi, họ giao việc chăm sóc hai đứa tôi lại cho ông ngoại. Quen với việc này, tôi không khóc òa như thằng Trọng, cũng không níu kéo. Tôi chỉ ngồi yên trên giường, mắt hướng ra cửa sổ. Bên ngoài là một cây phong lá đỏ. Lá phong đỏ rực, nhưng trong mắt tôi lúc ấy, nó lại giống như những vệt máu khô bị gió cuốn đi mất.

Những ngày sau đó, bệnh viện là một chiếc lồng sắt khổng lồ. Tôi cảm thấy mình giống như một con mèo bị nhốt, chỉ có thể ngồi một chỗ, nhìn thế giới ngoài kia chuyển động mà bản thân thì bất lực. 

Tôi quá chán nản vì tù túng.

Cho đến một đêm, khi dì Út đã ngủ say, tôi khẽ mở cửa, len lén đi ra ngoài. Bệnh viện về đêm tối om om, chỉ có những bóng đèn tròn treo lơ lửng trên trần, tỏa ánh sáng lờ mờ, vàng vọt. Những dãy hành lang dài hun hút như kéo dài mãi trong bóng tối. Bước chân tôi vọng lại khe khẽ trên nền gạch, nghe rõ mồn một trong không gian vắng lặng. Gáy tôi lạnh buốt. Chẳng hiểu sao, trong đầu tôi bỗng dưng vang lên những câu chuyện ma mà dượng Năm hay kể. 

Bỗng nhiên, tiếng bíp bíp vang lên, cùng với ánh đèn đỏ trên tường nhấp nháy liên tục. 

Tôi giật bắn người. Cánh cửa phòng tự động mở ra, nhưng phía sau không có một bóng người.  Hoảng sợ tột độ, tôi hét toáng lên, quay đầu bỏ chạy, lao thẳng về phía thang máy. Khi cánh cửa kim loại đang dần khép lại, tôi thoáng nhìn thấy hai anh điều dưỡng đẩy một chiếc giường ra ngoài. Tôi thở phào nhẹ nhõm. 

Hóa ra… chỉ là tự dọa mình thôi.

“Ting!” 

Tiếng chuông thang máy vang lên chói tai trong không gian im ắng. Tôi rón rén bước ra… và ngay lập tức choáng ngợp. Trước mặt tôi là phòng cấp cứu, một nơi hoàn toàn trái ngược so với sự yên tĩnh của hành lang trên kia. Người ta chạy qua chạy lại, khuôn mặt ai cũng đầy lo lắng. Các bác sĩ mặc áo blouse trắng, tay cầm những ống tiêm dài ngoằng, nhanh chóng tiến  đến bên cạnh từng giường. Các y tá cũng tất bật không kém.

Mọi thứ vội vã và hỗn loạn. Tôi cứ thế bước nhanh qua dãy hành lang dài. Không để ý đường đi, tôi va phải một người phụ nữ đi ngược chiều với mình. 

Tôi cúi đầu xin lỗi người trước mặt, vô tình tôi nhìn thấy một người con trai đang ôm chầm lấy người phụ nữ ở trong góc kia. Có vẻ người kia là mẹ anh ấy. Cả hai đều đang khóc nức nở. Tôi đứng lặng nhìn họ, lòng tràn ngập cảm xúc khó tả. 

Anh ấy có vẻ đau khổ lắm…

Chắc là bị tiêm rồi. Đôi mắt vẫn còn đỏ hoe, sưng húp. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ lại chính mình, cũng từng cảm thấy cô đơn và sợ hãi như vậy.

Bệnh viện thật giống như một khu vườn hoa. Có những bông hoa tươi đẹp, nhưng cũng có những bông hoa tàn úa.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá bên dưới ánh đèn, ngả người về phía sau, chân vắt chéo, bắt chước dáng vẻ của mấy ông chú hay hóng mát. Hai tay dang rộng để lên thành ghế, chân đong đưa nhịp nhàng. Bầu trời đêm tĩnh lặng, vằng vặc những vì sao.

“Cái này chắc là sao anh nè, cái bé này là sao em.” 

Tôi lẩm bẩm, ngón tay chầm chậm đếm từng ngôi sao nhỏ. Ánh trăng khuyết tỏa sáng giữa bầu trời, tôi ngắm nó một lúc lâu rồi chợt quay sang nhìn về phía trước.

Anh trai khi nãy đã ngừng khóc, giờ lại đang tiến về phía tôi, nụ cười tươi tắn đã thay thế cho vẻ mặt mít ướt lúc ban nãy.

"Bạn ơi, cho mình hỏi căn tin ở đâu vậy?"

Tôi mỉm cười, chỉ tay về phía tòa nhà bên kia: “Đi ra sau tòa nhà kia là đến nơi.”

Anh ta nhìn theo hướng tay tôi, rồi bỗng rụt rè hỏi tiếp:

"Hay… bạn dẫn mình đi được không? Mình không giỏi tìm đường."

Có chút bất ngờ, nhưng tôi cũng vui vẻ gật đầu, nắm lấy cổ tay anh kéo đi. Dưới ánh đèn lờ mờ của bệnh viện, một trai một gái bước đi giữa trời đêm se lạnh.

Tấm màn đen thẫm sương khuya bao phủ khu công viên nhỏ giữa bệnh viện. Gió thu thổi hiu hiu, mang theo hương hoa cỏ thoang thoảng, như xoa dịu nỗi đau âm ỉ trên trán tôi. Đứng cạnh anh trước sạp hàng, ánh mắt tôi vô thức dán vào mấy hộp kẹo trên kệ. Căn tin bệnh viện rộng lớn, dù trời đã khuya nhưng vẫn còn nhiều người lui tới ăn uống.

Trên đường đi, anh trai kia luyên thuyên mãi, chẳng còn lại chút dấu vết gì của cậu thiếu niên vừa khóc lóc lúc nãy. Anh ta tự giới thiệu mình là học sinh lớp Sáu, hơn tôi ba tuổi, nên ép tôi phải gọi là anh. Tôi phì cười, gật đầu đồng ý, rồi cũng giới thiệu mình tên Trang, đang học lớp ba.

Sau khi anh mua một số thứ cần thiết, tôi lại lót tót đi theo anh về gần phòng cấp cứu. Cả hai tìm một chiếc ghế đá và ngồi xuống. Anh kể rằng, người phụ nữ khi nãy là mẹ anh, còn người nằm trong phòng cấp cứu chính là ba anh. Ông ấy vốn là một kỹ sư công trình, vài ngày trước không may bị tai nạn lao động. 

Ồ! Vậy là do ba anh gặp chuyện, làm tôi cứ tưởng anh bị tiêm nên khóc giống tôi.

"Trán của nhỏ bị nặng không?" Anh nhìn lên đầu tôi, tay sờ nhẹ vào chỗ băng bó rồi tò mò hỏi. Tôi bĩu môi, bình thản đáp: 

"Bị té vỡ đầu. Em cũng không biết nữa."

Anh lập tức hoảng hốt, hết nhìn bên trái lại nhìn bên phải đầu tôi, mắt trợn tròn: 

“Vỡ đầu? Không ngờ em lại bị té nặng như vậy, chắc phải ở đây lâu lắm nhỉ?”. Tôi chưa kịp mở miệng, anh ta đã nhảy vào trước:

"Không sao… không sao, anh cũng sẽ ở đây mấy tuần, vậy mình kết bạn nha!"

Nói rồi, anh hớn hở đưa tay ra, chờ tôi bắt lấy. Tôi mỉm cười, cũng đưa tay ra siết nhẹ bàn tay anh. 

Chúng tôi chính thức trở thành bạn.

Đêm hôm đó, hai đứa ngồi nói chuyện mãi, cho đến khi tôi gục đầu ngủ trên vai anh…

Sáng hôm sau, sương sớm giăng lối, bầu không khí se lạnh mang theo mùi hoa cỏ đặc trưng của thành phố ngàn hoa. Ánh nắng len lỏi qua những tán cây, rọi xuống nền sân bệnh viện ẩm ướt, tạo thành những mảng sáng lung linh. Tiếng loa bệnh viện như cái chuông báo reo lên inh ỏi, báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu. Mùi thuốc sát trùng thoang thoảng lan tỏa tạo nên một bầu không khí đặc trưng.

Tôi bật dậy, nhớ lại chuyện tối qua đi lang thang đến nửa đêm, khiến dì Út lo lắng tìm khắp nơi. Bước ra ngoài sân, tôi vươn vai, hít thở sâu bầu không khí trong lành, hy vọng nó sẽ giúp tôi xua tan đi những suy nghĩ hỗn độn. Bắt chước lại động tác thể dục của mấy bác trong bệnh viện, tôi vặn vẹo người, rồi lắc eo, tập thể dục nâng cao sức khỏe.

“Trang ơi.” 

Tôi quay lại, thấy anh trai hôm qua đang vẫy tay với tôi, trên tay cầm hai hộp xôi. Tôi lục lại trí nhớ bé nhỏ của mình một lúc lâu, mới sực nhớ ra tên anh…

À! Anh tên là Nguyễn Thanh Tùng. Anh chạy đến bên tôi cùng bịch xôi, giơ ra trước mặt:

"Anh mua đồ ăn sáng, em ăn không?"

Tôi lắc đầu chu môi, nhưng mắt vẫn dán chặt vào bịch xôi. Anh cười khúc khích, rồi kéo tôi đến một chỗ nào đó ngồi.

"Đông người ghê… Ngày nào cũng có người bệnh hả anh?” Tôi buột miệng hỏi, ánh mắt dõi theo dòng người ra vào tấp nập.

Nhìn vẻ mặt đăm chiêu đó thì tôi cũng ngờ ngợ đoán được câu trả lời. Chắc anh lại mắng mình đây.

“Bệnh viện này là tuyến đầu ở Đà Lạt đó, mẹ anh bảo là xịn lắm.” Vừa ăn, anh vừa tâm sự với tôi. Mặc kệ tôi ngồi ngơ ngác nhìn trời nhìn đất, cơ miệng của anh vẫn hoạt động liên tục, nhai ngấu nghiến một cách ngon lành, có lúc còn suýt mắc nghẹn. 

“Mười mấy năm trước, Đà Lạt còn hoang sơ lắm. Chưa có nhiều nhà cửa như bây giờ. Ai cũng thích lên đây để tận hưởng không khí se lạnh của cao nguyên Lâm Viên.”

Tôi chống tay lên cằm, giả bộ trầm tư suy nghĩ, rồi nghiêng đầu hỏi: 

"Mười mấy năm trước anh còn chưa ra đời mà, sao anh biết?" 

Anh nghe xong, cổ họng lại nghẹn ứ, một lần nữa. Tôi thấy vậy nên vỗ nhẹ vào lưng anh vài cái liên hồi cho thức ăn trôi tuột vào trong. Sau đó, anh thở dài đầy bất lực, gương mặt y như ông cụ non, nhìn tôi chán nản:

“Do anh đọc báo thấy người ta ghi như vậy.”

"Ông cụ non! Lêu lêu!” Tôi bật cười, lè lưỡi trêu chọc.

Anh lườm tôi, nhưng cũng bật cười theo.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc khi mẹ anh gọi tên từ phía xa. Anh nhanh chóng đứng dậy, nhưng không quên nhắc nhở: 

"Mai anh tìm em, rồi chúng ta đi chơi nha!"

Vừa dứt lời, anh chạy đi kèm theo cái phất tay chào, tôi cũng vui vẻ vẫy tay lại.

"Sao con lại ngồi đây, không vào phòng nằm cho mát?"

Tôi quay đầu lại, là tiếng ông ngoại. Không chần chừ, tôi chạy đến ôm ông, tiện thể làm nũng vì cái bụng đói réo suốt từ nãy đến giờ. 

Tại anh Tùng cứ mãi nói chuyện…

Vừa sà vào lòng ông ngoại, tôi vừa chăm chú nhìn xem anh đã đi chưa. Lúc này, tôi thấy hai mẹ con anh đang đứng phía xa xa. Mẹ anh mỉm cười nhẹ, ánh mắt có chút gì đó buồn bã.

Ông ngoại chắp tay sau lưng, nhìn theo hai người họ, rồi lẩm bẩm:

"Đó là con ông Tư Gà đúng không? Con nhỏ này, nay có thằng cu con lớn dữ.” 

Tôi trầm ngâm, không rõ ông đang nói với tôi hay đang nói với chính mình. Mà… Ông Tư Gà là ai? Tôi chưa từng nghe cái tên này bao giờ…

* * *

Kể từ ngày có anh Tùng, cái xứ Đà Lạt bình yên, có phần nhàm chán trong mắt tôi bỗng trở nên thật đẹp. Cuối tuần nào cũng vậy, tôi chạy tới rủ anh đi chơi. Anh lễ phép xin phép mẹ đàng hoàng, không quên ôm theo bó báo chưa kịp phát, rồi nắm tay tôi chạy ra bệnh viện.

Mặc dù thời gian đã trôi qua khá lâu, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái buổi sáng hôm ấy. Đó là lần đầu tiên chúng tôi cùng nhau đi chơi, và cũng là lần đầu tiên tôi có một người bạn mới theo cách tình cờ như vậy. 

Anh Tùng đạp xe lên dốc, lưng còng xuống vì bó báo chất cao. Sương mù giăng kín những mái nhà, biến cảnh Đà Lạt đẹp như một bức tranh sơn dầu huyền ảo. Anh Tùng quay sang nhìn tôi, nụ cười rạng rỡ giữa cái lạnh của buổi sớm. Mồ hôi lấm tấm trên trán, anh đưa tay quệt ngang, rồi sẵn dịp lau cả mồ hôi trên trán tôi.

Tôi ngắm nhìn anh thật lâu, trong lòng có chút rung động khó hiểu.

Trời chập tối, tôi lén trèo tường, đi theo lối thường lệ để ra khỏi bệnh viện. Anh Tùng đã chờ sẵn ở góc đường, cùng với con chiến mã cũ kỹ của mình, cụ thể là chiếc xe đạp cà tàng. Hai đứa đạp xe khắp quảng trường, rồi lại tấp vào một quán sữa đậu nành nhỏ ven đường. Cái bóng của cột điện tạo thành vệt dài trên cái bàn nhựa nơi chúng tôi ngồi. Anh Tùng đẩy ly sữa đậu nành nóng hôi hổi về phía tôi.

Thấy tôi chỉ ngồi im mà không động vào ly sữa, anh bèn bưng ly lên uống thử một ngụm nhỏ. Trong giây lát, anh lè lưỡi, nhăn mặt vì nóng.

"Không có độc đâu, uống đi. Nóng muốn chết mất!" Vừa nói, anh vừa quạt lấy quạt để, ra vẻ đau khổ vô cùng. 

Nhìn bộ dạng của anh, tôi cười không ngậm được miệng, cười đến mức nước mắt cũng chảy ra. Tôi chắc chắn người đi đường thấy hành xử của hai đứa tôi cũng sẽ thấy khó hiểu. Sau một lúc lấy lại bình tĩnh, tôi mới nói:

"Ngốc quá đi! Ly còn nóng mà, em đang đợi nói nguội. Anh phỏng lưỡi rồi hả?”

Anh không nói gì, chỉ trầm mặc nhìn tôi lúc lâu. Tôi thoáng thấy khóe môi anh cong nhẹ, chứng tỏ anh đang cố giấu đi nụ cười.

Đà Lạt về đêm chỉ còn dưới mười độ, vậy mà anh Tùng chỉ khoác mỗi cái áo len mỏng. Chưa đầy mười phút sau, anh đã hắt hơi liên tục. Cái mũi bắt đầu đỏ ửng, trông chẳng khác gì chú hề là mấy. Ngồi thêm mười phút, anh không chịu nổi cơn cảm nữa, vội đưa tôi về bệnh viện.

Cứ như vậy được một thời gian, chúng tôi càng ngày càng thân thiết. Cũng là lúc tôi bắt đầu hiểu rõ về anh Tùng hơn. 

Anh là một học sinh giỏi và chăm chỉ nhất mà tôi từng thấy, đặc biệt là khả năng giải toán siêu phàm. Bởi vì khi nào anh có thời gian rảnh, tôi đều thấy anh lấy quyển vở nháp ra, ngồi giải mấy bài toán khó trong sách tham khảo. Những bữa cuối tuần, anh còn hay rủ tôi vào nhà văn hóa của huyện, tìm kiếm thêm nhiều quyển sách tham khảo khác, mục đích là rèn dũa kỹ năng giải toán của mình. Tôi quan sát anh từng ngày, thầm đem lòng ngưỡng mộ anh.

Bất giác tôi nhìn lại bản thân, cảm thấy mình thật tệ hại. Kết quả học tập của tôi không tốt chút nào. Các bạn khác chỉ cần mang điểm năm về nhà đã bị cha mẹ mắng đến phát khóc. 

Còn tôi?

Tôi vẫn bình an vô sự qua ngày này tháng nọ. Vì ông ngoại lúc nào cũng hiền từ, chỉ nhìn vào bài kiểm tra rồi bảo: 

"Con mới học cấp một, chủ yếu là học đạo đức cho giỏi. Lớn một chút rồi hẳn đặt nặng điểm số.” 

Vậy là ưu tiên học tập của tôi bị giảm đi hai bậc.

* * *

Đầu giờ chiều, dì cho phép tôi đi chơi. Không do dự, tôi liền ba chân bốn cẳng chạy đến phòng của ba anh Tùng thật nhanh, trước khi dì tôi đổi ý.

Chú ấy vẫn đang ngủ trên giường, xung quanh chi chít dây nhợ rối rắm, còn nhiều hơn cả số tóc trên đầu tôi. Còn anh Tùng thì nằm dài ngoài ghế đá, tay cầm một quyển sách cũ nát. Tôi tò mò bước lại gần, cất tiếng hỏi:

"Anh đọc gì đấy? Sao bìa sách không có chữ gì? Anh không ghi tên vô, lỡ mất thì sao?”

Tùng nở nụ cười, đôi mắt sáng tựa minh châu cuối cùng cũng rời khỏi trang sách. Anh ngồi dậy, nhích sát lại gần, giơ quyển sách ra cho tôi xem. Tôi liếc qua, nhiều hàng chữ dài ngoằng ngoèo như đang nhảy múa trước mặt tôi.

"Anh đang học võ công. Đây là bí kíp của anh.” 

Ngay tức thì, anh lật trang đầu tiên cho tôi xem. Tôi lẩm nhẩm đánh vần từng chữ, đọc thành tiếng: 

“Thiên… Long… Bát… Bộ... có nghĩa là gì?”

Hồi đó, ai cũng mê đọc truyện kiếm hiệp. Cơn sốt Kim Dung cũng vì vậy mà lan rộng khắp nơi. Hình ảnh một người thật thà, ngờ nghệch nhưng đầy nghĩa khí như Quách Tĩnh, một Vô Kỵ nhân hậu bị hãm hại từ nhỏ nhưng nhờ lĩnh hội tuyệt kỹ Càn Khôn Đại Na Di mà thống lĩnh lục đại môn phái, hay là Dương Quá si tình với cô cô của hắn là Tiểu Long Nữ... đã trở thành niềm đam mê của biết bao thế hệ. Mỗi đứa trẻ khi đó đều mơ ước được hóa thân thành anh hùng, được hành tẩu giang hồ, trở thành cao thủ võ lâm, được người người kính nể.

Vài năm sau, đài truyền hình còn mua bản quyền phát sóng mấy bộ phim kiếm hiệp Kim Dung, phát trên truyền hình cho cả nước xem.

Như “gãi đúng chỗ ngứa”, anh bắt đầu giải thích cho tôi rằng đây là cuốn truyện mà anh mới mượn được ở hiệu sách gần trường.

Anh Tùng đọc cho tôi nghe một vài đoạn. Theo như lời anh kể, các nhân vật trong truyện đều là các cao thủ võ lâm, nào là Đoàn Dự, Hư Trúc, Kiều Phong,... Nhưng càng nghe thì tôi càng thấy khó hiểu. Đến khi đọc đến phân cảnh nhân vật Kiều Phong một mình chiến đấu với quân Mông Cổ, vẻ mặt anh phấn khích hơn hẳn. Đối với anh, việc một mình nhân vật này có thể "phá giải vòng vây”, cứu được các huynh đệ Cái Bang thoát chết trong gang tấc là một việc làm không tưởng. Anh vừa đọc vừa tấm tắc khen nấy khen để, rồi giơ ngón cái về phía tôi, giọng tự hào: 

"Chính nhân quân tử!”

Đôi mày tôi cau lại, khó hiểu nhìn anh. 

Câu đó nghĩa là gì? 

Không bằng lòng, tôi giật lấy quyển sách trên tay anh Tùng, tự mình đọc thử. Khổ nỗi, số lượng chữ nhiều chi chít như thế này thì vượt ngoài tầm cho phép đối với một đứa tiểu học như tôi. 

Anh cốc nhẹ đầu tôi một cái rồi lấy lại sách, tay duỗi lại phần mép sách bị gập vô.

Chúng tôi ngồi đó cả buổi chiều. Anh đọc sách, còn tôi nằm nghe. Cứ như vậy, làn gió mát cũng dần trôi theo những câu từ của anh. 

Thời gian như lắng đọng vài giây, ánh nắng vàng cam cũng dần ló dạng, xuyên qua kẽ lá, chiếu thẳng vào mặt tôi từng vệt sáng ấm áp. Bừng tỉnh từ giấc ngủ, không biết tôi đã nằm đây bao lâu rồi. Cơn gió thổi nhẹ, những chiếc lá đung đưa xào xạc thành tiếng. Khẽ xoay người, tôi nhìn sang bên cạnh. Anh vẫn ngồi đó, đôi mắt chăm chú vào từng con chữ…

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout