A. Chương 2: Giọt nước tràn ly



Ngày thứ chín mươi ở bệnh viện, tôi được bác sĩ cho phép xuất viện. Ánh nắng ban mai như nghe được chuyện mừng, nàng ghé vào khung cửa sổ, sưởi ấm khắp căn phòng.

Cẩn thận xếp gọn lại chiếc áo cuối cùng, tôi đặt nó ngay ngắn lên đầu giường, còn bản thân thì lặng lẽ ngồi xuống, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Từ nơi ấy, những bông hoa hướng dương kiêu hãnh vươn mình tắm dưới ánh mặt trời trong khu vườn của bệnh viện.

“Chúng ta về thôi.” - Giọng ông ngoại trầm ấm vang lên, kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ miên man. Tôi đứng dậy, khoác lên vai chiếc ba lô, còn ông ngoại ân cần giúp tôi xách túi đồ còn lại. Chúng tôi cùng nhau bước ra khỏi phòng bệnh đã giam cầm tôi suốt một tháng rưỡi. 

Đúng lúc đó, một bóng dáng quen thuộc chợt xuất hiện ở cửa. Là Thanh Tùng! Anh đứng đó cùng với một nụ cười hiền lành, tay giơ cao bó hoa dại nhiều màu. 

“Hoa này anh mới hái lúc sáng, không phải hái trộm của người ta đâu.” - Giọng anh lí nhí, gò má thoáng ửng hồng như những cánh hoa đầu xuân. Tôi đón lấy nụ cười ấy bằng nụ cười chân thành, không quên nói lời cảm ơn anh. Hai bên má tôi cũng vì ngượng ngùng mà bất chợt nóng ran cả lên. Bó hoa dại với những cánh hoa mỏng manh nhiều màu sắc cùng hương thơm ngào ngạt. Tôi ôm chặt bó hoa vào lòng mà tràn đầy hạnh phúc kèm với một chút lưu luyến.

Anh Tùng thấy tôi thích bó hoa như vậy, có vẻ hài lòng nên vui vẻ nói: 

“Chúc mừng em xuất viện nhé.” 

Hai chúng tôi đứng đó nhìn nhau trong vài giây. Bầu không khí ngượng nghịu sớm bị ngắt quãng bởi giọng nói điềm đạm của ông ngoại: "Con là cháu ông Tư Gà đúng không?”

Thanh Tùng thoáng sững lại, nhưng rồi anh chậm rãi gật đầu đáp: 

"Dạ đúng rồi ông, đó là ông ngoại con.”

Tôi tròn mắt ngạc nhiên vì điều mới được nghe, hết nhìn anh rồi lại nhìn ông ngoại. Trái ngược với sự kinh ngạc của tôi, ông vẫn điềm nhiên, chỉ gật gù rồi hỏi tiếp: "Vậy hả? Con bị sao mà vô đây?”

Biểu cảm trên gương mặt anh thay đổi một cách đột ngột, sự vui vẻ lúc nãy dường như biến mất. Anh nói, giọng cũng có phần trùng xuống:

"Dạ là ba con… Ba bị chấn thương trong lúc làm việc ạ. Nhưng ba con không sao đâu, ông đừng lo nhé." 

Nghe vậy, ông khẽ thở dài khi biết sự tình, rồi cầm tay anh lên, vỗ nhẹ như một lời động viên:

"Cho ông gửi lời hỏi thăm sức khỏe ba con nha."

Anh Tùng lập tức tươi tỉnh lại, trên khóe môi hiện lên nụ cười ấm áp:

"Dạ con sẽ chuyển lời lại cho ba con. À mà ông ơi, con muốn hỏi ông một việc.”

"Việc gì hả con?”

“Dạ… Con có thể… đến nhà Trang chơi được không ông?”

Ông cười thành tiếng, xoa đầu anh làm cho tóc anh rối bù:

"Con có thể đến nhà Trang chơi bất kỳ lúc nào, ông luôn chào đón.” 

Sau câu nói đó của ông thì tôi thấy vẻ mặt anh phấn khích hơn hẳn, giống như là anh đang chờ cái ngày này từ rất lâu. Tôi lại càng vui hơn nữa, khi từ nay có thêm anh Tùng chơi cùng, vì tôi chán phải thấy mặt đứa em trai lắm rồi. Anh cúi người cảm ơn ông rồi nhìn tôi nói:

“Em nhớ đến đây chơi với anh nha, không được quên đâu.”

Tôi gật đầu, đưa ngón tay út ra trước mặt anh. Anh ra ý hiểu tôi, lấy ngón út móc ngoéo vào ngón tay tôi. 

Trời cũng bắt đầu ngả dần về gam màu lạnh, cũng là lúc tôi phải tạm biệt anh rồi. Ánh hoàng hôn rọi xuống con đường nhỏ, kéo dài những bóng hình của chúng tôi.  

* * *

Trong thế giới tuổi thơ của tôi, mỗi biệt danh giống như một nhãn dán vậy, thường dành cho những kẻ bị "tụi nó" xếp vào hàng "khó ưa" nhất. Chẳng hạn như tôi, với vẻ ngoài có lẽ hơi khù khờ, lầm lì và ít nói, đám bạn tinh nghịch liền "ưu ái" tặng cho cái tên "Trang Bờm". Chuyện thằng Bờm với cái quạt mo như một biểu tượng của sự ngốc nghếch, được chúng dùng để tách biệt tôi ra khỏi cái thế giới "bình thường" của chúng. Tôi cảm giác như mình bị giam cầm trong lớp học của những đứa trẻ khác.

Vào cái ngày tôi đi học lại, tôi được đón chào bằng tiếng cười nói rôm rả xung quanh. Cả đám bạn xúm lại, hỏi han dồn dập:

"Ê, Trang Bờm, nay hết khờ chưa?"

"Đầu còn nhức không, Trang Bờm?”

Cái Khanh dí vào tay tôi viên kẹo. 

"Nè, cho cục kẹo nè, ăn cho đỡ.”

Rồi nó tò mò, nhìn ngó nghiêng cái vết thương một hồi, tay bất giác chạm vào chỗ dán băng cá nhân rồi bảo: 

“Đau lắm hả?!”

Tôi vội gạt tay nhỏ ra, nhăn nhó:

"Ui da! Đau thấy bà luôn!”

Nhỏ Duyên băng băng tiến vào lớp, nhìn thấy chúng tôi đứng tụm lại chắn hết giữa cả lối đi, liền đẩy mạnh hai đứa ra hai bên, không quên làm cái giọng khó chịu: 

"Tụi mày chắn hết đường tao rồi, né ra coi!”

Nó lườm tôi một cái, rồi đi thẳng về phía bàn của mình. Chỗ của nó ở ngay phía sau tôi. Đó là Khánh Duyên, con nhỏ có cái tên mỹ miều, đồng thời là đứa dễ thương nhất lớp. Từ bé đến giờ, tôi chưa thấy ai có gương mặt đẹp như nó. Gương mặt của nó, theo tôi, đích thị là kết quả của một vụ trộm nhan sắc, vô tình được gây ra bởi một con thỏ tinh nghịch nào đó làm hất lọ phấn trắng tinh lên vậy. Xinh xắn là thế, nhưng tính cách của nó thì đến cả sư tử cũng phải chạy mất. Nó lúc nào cũng ra vẻ hạnh họe, cái miệng thì la oai oái với mọi người.

Nếu Duyên là một con thỏ giả vờ ngoan ngoãn, thì tôi là con ngựa non háu đá bướng bỉnh. Nguyên do là vì tôi hay chống đối giáo viên, thậm chí đôi khi còn hung hãn đến mức khiến họ phải đau đầu.

Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ tỉnh táo nổi trong tiết đầu, có thời gian là tranh thủ chợp mắt ngay. Với cái tư thế ngủ gục trên bàn ấy, không hiểu sao, lại mang đến cho tôi cảm giác dễ chịu hơn so với khi nằm trên giường. Thầy cô cứ việc thuyết giảng, còn tôi thì cứ việc say giấc nồng. Cho đến khi một viên phấn lạc loài bất ngờ bay tới.

Bộp!




“Em vẫn chứng nào tật nấy, giờ của cô mà em cũng dám nằm dài ra ngủ hả?”

Giọng nói ấy làm tôi giật bắn mình. Tôi vội vàng ngồi dậy, giả vờ ngước mắt lên bảng, tỏ vẻ chăm chú lắm. Học sinh lớp ba đâu có học những phép tính cao siêu gì cho cam, huống hồ chi những bài phép nhân này, anh Tùng đã nhồi nhét vào đầu tôi từ trước rồi, nên tôi chỉ cần liếc qua một lần là hiểu vanh vách. Vậy là, tôi cau mày, đôi mắt thì cứ díu lại với nhau, và tôi lại tiếp tục chìm vào giấc mộng, mặc kệ những tiếng cười ha ha ở xung quanh.

Tiếng trống tan học vang lên, cả lớp nhốn nháo như ong vỡ tổ. Đứa nào đứa nấy hối hả thu dọn sách vở, chuẩn bị cho môn kế tiếp. Tôi uể oải ngồi dậy, vươn vai một cái cho giãn gân cốt, rồi lững thững đi rửa mặt. Lúc quay lại lớp, tôi đã thấy cô giáo chủ nhiệm bước vào, trên môi nở một nụ cười tươi rói, khác hẳn với vẻ mặt nghiêm nghị ban nãy. 

“Các em ơi, tuần tới trường mình sẽ tổ chức cuộc thi ‘Vở sạch chữ đẹp’ đó nha! Đây là cơ hội ngàn năm có một để các em thể hiện tài năng viết chữ của mình đó. Ai cũng có quyền tham gia, không phân biệt giỏi hay kém đâu nhé!” Giọng cô ngọt ngào, tràn đầy nhiệt huyết.

Tôi chống tay lên má, lẩm bẩm:

"Lại là phong trào… lại là cuộc thi…"

"Sao cái trường này lắm phong trào dữ vậy trời?"

Cứ đến mùa thi là trường lại bày ra đủ thứ cuộc thi trên đời, khiến cho tụi con nít chúng tôi chẳng có lấy một giây phút "thở oxy". 

Nhưng mà… 

Nói vậy thôi chứ từ bé đến lớn, hễ có phong trào gì là tôi đều "xung phong" tham gia hết mình. Đơn giản là vì tôi “nghiện” cái cảm giác được mọi người "mắt tròn mắt dẹt" thán phục.

Hai tháng sau, ngày tôi bình phục hẳn, cũng là lúc kỳ thi học kỳ căng thẳng kết thúc.

Ai mà ngờ được, đứa từng kém toán thảm hại như tôi, cuối cùng lại nằm chễm chệ ở trong nhóm hạng cao của lớp cơ chứ. Tôi cười đắc thắng, mát cả lòng. Dĩ nhiên, tôi có gia sư riêng rồi. Tôi thầm cảm ơn anh Tùng, người đã "hy sinh" hai ngày cuối tuần để "sạc" lại kiến thức cho tôi.

Ấy là chưa hết, cái danh sách nhận giải của phong trào “Vở Sạch Chữ Đẹp” cũng đã được dán lên bảng thông báo. Chây lười mãi, tôi quyết định ngồi trong lớp, không màng đi xem vì biết thế nào mình cũng được một giải gì đó. Tự tin như thế cũng một phần là vì chữ tôi cũng rất đẹp, phần khác do tôi là học trò ưu tú của ông ngoại mà.

* * *

Kết quả học tập của cả lớp rất tốt, nên cô chủ nhiệm muốn tổ chức một chuyến dã ngoại ở hồ Tuyền Lâm. Lớp tôi nghe tin này thì phấn khích lắm, đứa nào mặt cũng hớn hở như mới vừa được phát lì xì. Đám con gái xúm lại tụm ba tụm năm, bàn tán xem nên mặc gì để trông thật xinh đẹp. Còn lũ con trai thì chỉ muốn rủ nhau chia nhóm, lên kế hoạch cho mấy trò đuổi bắt vào ngày hôm đó. Chỉ riêng tôi là người muốn thoát ra khỏi cái thế giới này. Nếu bảo là đứa trẻ im lặng nhất lớp thì cũng không đúng, nhưng tôi lại là người không thích nơi nào quá náo nhiệt.

Chiều tan học, như thường lệ, tôi đứng đợi anh Tùng trước cổng trường. Anh đạp xe tới, tay cầm một bịch mứt dâu tằm, và cũng là món yêu thích của tôi. Điểm đặc biệt làm tôi nhớ về anh chính là khuôn mặt có phần trẻ thơ, kèm với nụ cười xán lạn như ánh dương rạng ngời. Tôi liền giơ ra hai bàn tay, xòe đủ mười ngón, háo hức khoe với anh rằng mình lần đầu được mười điểm môn toán. Anh xoa đầu tôi, cười tít mắt: "Trang thông minh mà! Chắc chắn em sẽ là học sinh xuất sắc cho coi!"

Không đợi anh nói thêm, tôi chỉ tay vào cái bịch dâu. Anh bật cười, hiểu ý, liền đưa cho tôi. Trong người tôi như có một luồng hơi nóng hổi bất giác như muốn dồn hết lên mặt. Cảm giác ngượng ngùng này làm cho giọng nói của tôi giảm dần âm lượng vừa đủ cho hai người nghe. Sau khi lời cảm ơn thốt ra từ trong miệng, tôi vội vã leo lên yên sau xe đạp, theo anh về nhà. Trên đường đi, hai anh em trò chuyện rôm rả. Mãi nói, tôi suýt quên kể cho anh nghe về buổi cắm trại sắp tới.

“Anh Tùng, thứ bảy này cô tổ chức đi hồ Tuyền Lâm rồi, bữa khác đi chơi nhe.”

Tùng bốc một viên kẹo cho vào miệng, nhai nhóp nhép rồi tấm tắc: "Vậy chủ nhật ở chợ nha.”

Tôi giơ ngón tay út lên, nói:

“Anh hứa rồi nha.”

Anh choàng tay trái trước mặt tôi, móc ngoéo, giọng chắc nịch:

“Hứa.”

Thấp thoáng đã đến sáng thứ bảy. Cả lớp tập trung trước cổng trường từ sớm. Do hồ Tuyền Lâm cách trường không xa, nên cô giáo đã quyết định cho chúng tôi đi bộ, coi như là tiện cho việc tập thể dục buổi sáng. Chưa đầy nửa giờ đồng hồ, cả lớp đã đến khuôn viên của bờ hồ. Không khí hôm nay mát rượi, không còn mưa phùn như những ngày trước.

Cô Trân trải ra một tấm bạt lớn ngay dưới những tán thông. Cô giáo cũng chuẩn bị đủ thứ món ăn, làm tôi không khỏi thắc mắc: "Không biết cô mất bao lâu mới nấu hết mấy món này nhỉ?"

Mọi người ngồi xung quanh thành vòng tròn, cô Trân bắt đầu bày ra những món ăn đã chuẩn bị sẵn, kèm theo các dụng cụ ăn màu trắng.

Đôi mắt tròn xoe, long lanh của Duyên hướng về phía những xiên gà nướng bày trên đĩa. Nhanh như chớp, con nhỏ đã lấy liền hai ba xiên. Nhìn quanh một lượt, tôi quyết định thử món khoai tây, thứ mà tôi chưa từng biết đến. Nhanh chóng nếm thử một miếng, tôi nhận ra rằng sự lạ lẫm không đồng nghĩa với sự ngon miệng. Khoai tây chỉ mang đến cảm giác giòn tan, nhưng lại thiếu đi một chút hương vị, khiến tôi cảm thấy nhạt nhẽo.

Cái Khanh nhìn tôi chật vật với cọng khoai, nó đưa cho tôi một xiên gà rồi bảo: "Nè thử đi."

Tôi ngó xiên gà, rồi cầm lấy ăn thử. Trời ơi, ngon gì mà ngon dữ! Thịt mềm, thơm phức, ăn vô là muốn ăn hoài luôn. Giờ thì tôi hiểu tại sao nhỏ Duyên không chừa ai miếng nào. Ai mà cưỡng lại nổi chứ! 

Sau khi mọi người ăn xong, tôi với lớp trưởng giúp cô dọn dẹp, một số bạn khác thì bắt đầu tổ chức mấy trò chơi.

Xong xuôi hết, tôi nhìn lại mới biết mọi người đang tập trung ở bờ hồ bàn tán gì đó. Thằng Chương la lên:

"Ê con cá kìa tụi bây! Có gì không? Lấy cho nó ăn đi!”

Nhỏ Duyên ngó tới ngó lui, mặt nó hóng hớt bảo: "Đâu? Đâu? Tao có thấy con cá nào đâu?”

Đám bạn hết đứa này đứa kia chỉ dưới mặt hồ, nhưng nó vẫn làm cái bộ dạng ngó nghiêng tìm kiếm. Hồ Tuyền Lâm to và rộng, tôi mãi nhìn ngắm bầu trời thì thấy nước bắn lên chân. Trước mặt tôi có con cá to khủng khiếp. Tôi chưa kịp reo lên thì nhỏ Duyên đã hô hoán:

"Tao thấy rồi! Ở đây nè!"

Hai tay nó lại đẩy tôi ra như thường lệ, mà lần này nơi tôi tiếp đất không phải nền gạch, mà là dưới hồ.

Tôi chới với trong nước, cố gắng dùng tay tạo thành động tác bơi ếch để trồi lên mặt nước. Nhưng giữa cái hồ nước lạnh ngắt, tôi càng vùng vẫy thì dòng nước càng kéo tôi xuống sâu hơn. Tiếng hét của các bạn vang lên, mọi người xung quanh bắt đầu hô hoán.

Tim tôi đập thình thịch, không khí trong phổi dường như cũng dần cạn kiệt. Tôi há miệng, tưởng chừng có thể hớp chút không khí trong lồng ngực, nhưng không, nước bắt đầu tràn vào miệng. Mọi thứ trước mắt mờ đi, chỉ còn lại một màu xanh lam của nước.

Ai đó làm ơn cứu lấy tấm thân bé nhỏ này! 

Tôi còn chưa được trải nghiệm làm người lớn mà, sao có thể chết sớm vậy được!

Bất ngờ, tôi cảm thấy cơ thể của mình như được ai đó ôm chặt lấy, không còn là dòng nước lạnh kia nữa, đó là hơi ấm của người.

Tôi ngoi lên khỏi mặt nước, ho sặc sụa, cố hít lấy hít để từng ngụm không khí. Bấy giờ, tôi mới nhận ra cô Trân đang ôm chặt tôi, ánh mắt cô đầy lo lắng. 

“Em không sao chứ, Trang?”

Tôi lắc đầu, giọng run run: 

“Em… không sao.”

Cô giáo quay sang Duyên, ánh mắt nghiêm nghị, đầy trách móc: 

“Duyên, con đã làm gì thế này?”

Duyên cúi đầu, im lặng một cách lạ thường. Ánh mắt nó hướng xuống đất, như thể đang tìm kiếm câu trả lời cho một bài toán khó. Tôi biết, trong lòng nó đang dâng trào biết bao cảm xúc lẫn lộn. Những đứa trẻ khác xung quanh, ai nấy cũng trùng xuống mà nói nhỏ tiếng lại. Buổi cắm trại vốn dĩ vui vẻ bỗng chốc trở nên nặng nề. 

Rất may mắn là cô giáo đã chuẩn bị sẵn cái khăn tắm trong ba lô. Cô choàng khăn lên người tôi, rồi nhẹ nhàng dùng tay, vừa lau khô tóc tôi, vừa bảo:

“Em đừng trách con bé ấy. Chồng cô hay đi công tác xa, nên ít có thời gian quan tâm cho nó. Mong em vì cô mà hãy bỏ qua cho nó nhé.”

Tôi gật đầu nhẹ, không nói gì. Cái gật đầu đơn thuần là do lòng trắc ẩn trong bản thân tôi trỗi dậy, chứ tôi vẫn chưa thể tha thứ cho Duyên. So với những chuyện trong lớp, thì sự cố này cũng chẳng đáng gì.

Chuyến đi chơi kết thúc theo cách không mấy êm đẹp. Vài ngày sau, cô giáo chủ nhiệm đích thân tới nhà để gặp ông ngoại tôi. Lén nhìn vào phòng khách, tôi chỉ thấy mỗi cô Trân, còn nhỏ Duyên không hề bén mảng tới. Thật ra tôi cũng không quan tâm việc Duyên có xuất hiện hay không. Nếu Duyên thực sự muốn xin lỗi thì sẽ trực tiếp đối mặt với tôi. Nên tôi cũng không trông chờ gì vào cuộc gặp này của cô Trân. Ông ngoại tôi cũng vui vẻ bỏ qua mọi lỗi lầm và chỉ coi đây là “sự cố” của tụi trẻ con mà thôi, không có gì lớn lao cả. 

Một hôm, trước khi vào học, Duyên đưa một mảnh giấy cho tôi, trên giấy viết “Xin lỗi cậu nhé”. Cậu ấy cười cười với tôi, gật đầu cho có lệ. Tôi tất nhiên là không đáp lại, nằm úp mặt trên bàn, để cho cơ thể tự nhiên chìm vào giấc ngủ. Từ lâu, tôi đã cho chuyện đó chôn vào dĩ vãng rồi.

* * *

Tiết sinh hoạt lớp đầu tuần, không khí trong lớp học bỗng chốc trở nên căng thẳng hơn thường ngày. Hôm nay, cô chủ nhiệm phát sổ liên lạc cho cả lớp xem lại cũng như là đem về cho phụ huynh ký tên xác nhận. Các bạn ai cũng chăm chú nhìn lên bảng, hồi hộp chờ đợi. Cô giao một chồng sổ cho lớp phó học tập tên My, rồi lại nói gì đấy mà tôi không rõ, vì đương nhiên là tôi đang nằm dài trên bàn để ngủ. Lim dim hai mắt, bỗng tiếng đập bàn kế bên tai làm tôi hú hồn, cứ tưởng đâu cô giáo đang chuẩn bị mắng mình. Mở nhẹ hai mắt ra, tôi thấy đó là My, và bạn ấy mới liếc tôi sao?

Vội cầm sổ, mở ra, lòng tôi như vỡ òa. “Mười điểm tròn” môn Toán, bên cạnh là lời nhận xét của giáo viên “Học sinh có tiến bộ trong học tập”. Dù đã được thông báo trước đó, nhưng tôi vẫn không thể tin vào mắt mình.

Sau khi tan học, tôi vội vàng về nhà, lòng tràn ngập niềm vui. Cánh cổng quen thuộc hiện ra trước mắt, không kìm được cảm giác háo hức. Mở cổng sắt bước vào, tôi thấy ông đang ngồi trên ghế xích đu ngoài hiên, tay cầm một cuốn sách cũ.

“Ông ơi, con có tin vui này!” Tôi reo lên, chạy thật nhanh đến bên ông.

Ông ngước lên nhìn tôi thật lâu dưới cặp kính lão sáng bóng, nở nụ cười hiền từ trải rộng trên gương mặt khắc khổ ấy, nhẹ nhàng hỏi han tôi: 

“Chuyện gì thế con?”

“Con được học sinh giỏi đấy ông…. Lúc sáng cô mới phát sổ liên lạc này!” Tôi nói với giọng đầy tự hào.

Ông ngoại không kiềm chế được cảm xúc, liền đứng bật dậy, ôm chầm lấy tôi vào lòng. 

“Cháu gái ngoan của ông! Ông biết là con sẽ làm được mà!” Vừa nói, vừa dùng tay xoa đầu tôi một cách âu yếm.

Như nhớ ra việc gì đó, ông nhẹ nhàng đặt tôi xuống đất mà đi vào trong nhà. Từ trong tủ, ông lấy ra một hộp quà nhỏ rồi đưa nó cho tôi. 

“Đây là phần thưởng của ông dành cho con.”

Tôi nhận lấy hộp quà, hồi hộp xé ra ngay lập tức. Đó là hộp bút chì màu làm bằng thiếc, màu bạc óng ánh, toàn là tiếng nước ngoài. Trên đó để số “24”, chắc là hộp này có hai mươi bốn cây chì màu. Lòng tôi rộn ràng niềm hạnh phúc, không đợi thêm giây nào nữa, vội vàng chạy lại ôm chầm lấy ông, reo lên. 

“Cảm ơn ông ngoại!”

Tôi lật đật chạy vào phòng, cầm lấy tập giấy màu trắng tinh, lại vui vẻ chạy ra vườn, ngồi trên chiếc xích đu cũ kỹ cùng với cái hộp bút chì màu mới.

Món quà này đối với tôi không chỉ là một món quà sinh nhật bình thường, nó còn là một kho báu vô giá trị, không gì có thể sánh bằng. Bởi lẽ, đây là món quà đầu tiên tôi được nhận từ người khác. Tôi thầm ghen tị với các bạn trong lớp khi thấy họ được ba mẹ tổ chức sinh nhật linh đình, được tặng những món đồ chơi mắc tiền mà tôi chỉ có thể nhìn qua lớp kính dày của các cửa hàng lớn.

Cánh cổng sắt hoen gỉ, những tán cây xanh um tùm, và cả ngôi nhà nhỏ thân yêu… Tất cả đều trở nên thật đẹp đẽ trong buổi chiều hôm nay. Tôi nhắm mắt lại, tận hưởng cảm giác bình yên và hạnh phúc. Điều quan trọng hơn, tôi có thể chia sẻ cảm giác ấy cùng với người tôi thương yêu là ông ngoại.

* * *

Hôm nay là thứ tư, tôi có tiết mỹ thuật như thường lệ. Cô cho một đề tài là “vẽ tranh về gia đình mà em yêu quý”. Sau khi hướng dẫn cách vẽ, cô dặn dò cả lớp:

“Các em cứ tiếp tục vẽ nhé, cô có việc bận ở phòng ban giám hiệu.”

Tôi ngồi nhìn lên bảng suy tư. Nếu được vẽ về chủ đề này, tôi chỉ muốn vẽ về ông ngoại, thằng Trọng và anh Tùng, một gia đình đúng nghĩa của tôi hiện giờ. Đang đắn đo chưa biết vẽ như thế nào, chợt tiếng hét chói tai vang lên từ đằng sau tôi.

“Áaa! hộp bút chì màu mình mới mua đâu mất rồi?!”

Là giọng của nhỏ Duyên.

Nó mếu máo, lục tung từng ngóc ngách của cái cặp màu hồng, rồi dốc ngược cái cặp lên, xốc cái cặp thật mạnh. Sách vở, bút thước lần lượt rơi lộp bộp xuống bàn. Nó tìm hết chỗ này đến chỗ kia, không thấy dấu tích của hộp bút chì màu của nó đâu. Nhỏ bạn thân của nó đứng kế bên, lo lắng hỏi:

“Hộp bút chì màu của bạn có hình dáng như thế nào?”

Nó vừa kể vừa khóc thút thít:

“Hộp bút chì màu của tao… hức, có màu bạc… hức, trên đó để chữ tiếng Anh… hức. Đứa nào ăn cắp trả ngay hộp bút chì màu cho tao!”

Nhỏ bạn thân xoa lưng Duyên, cố gắng trấn an:

“Thôi nín đi, để tao nghĩ cách.”

Lớp trưởng Minh đang im lặng nãy giờ, bỗng la lên như vớ được vàng, bảo:

“Để tao gọi cô mỹ thuật lên! Cô cho lục soát cặp. Nếu có bút chì màu nào giống vậy, chắc chắn là đứa ăn cắp.”

Duyên sáng mắt, gật đầu liên tục ra vẻ đồng tình với ý kiến này. Nhiều đứa khác cũng cho vậy là hay, đồng loạt hưởng ứng:

“Đúng rồi! Lớp trưởng có khác.”

Nói rồi, thằng Minh chạy một mạch ra khỏi lớp. Không lâu sau, cô giáo mỹ thuật bước vào lớp, mặt đăm chiêu nói:

“Cô đã nghe bạn Minh kể qua sự việc rồi. Cô yêu cầu các em để hết cặp lên bàn, để cô kiểm tra.”

Tiếng để cặp lên bàn ồn ào vang khắp cả căn phòng. Tôi thầm nghĩ trong bụng:

“Hộp bút chì của mình cũng có màu bạc, nhưng chắc chắn không phải của Duyên. Chẳng có gì phải sợ cả.”

Cô đi lần lượt từng bàn, lấy hết tất cả sách vở của từng bạn ra, vẫn chưa thấy ai có hộp bút chì màu bạc đó. Cuối cùng tới lượt tôi, tôi nhìn cô giáo trân trân, tự tin lấy hết tất cả sách vở trong học bàn và cặp ra. Hộp bút chì màu vừa đặt trên bàn, nhỏ Duyên liền la làng lên:

“Nó đó! Đây là hộp bút chì màu của em! Con nhỏ này, mày là đồ ăn cắp!”

Tôi hoảng loạn nhìn vào hộp bút chì màu đặt trên bàn, rồi lại nhìn xung quanh mọi người. Ánh mắt của các bạn học trong lớp, ánh mắt của cô giáo dạy mỹ thuật,... tất cả rõ ràng đang nghi ngờ tôi.

Không thể nào! Nhất định là có sự nhầm lẫn. 

Đây chắc chắn là quà tặng của ông ngoại tôi, sao có thể là của nhỏ Duyên được cơ chứ? 

Tôi không chịu thua, nhanh chóng quát lại:

“Đây là hộp bút chì màu của ông ngoại mới mua tặng cho tao! Đâu ra là của mày? Mẹ mày dạy đồ của người ta là của mày hết sao?”

Cô giáo quát thật lớn:

“Trang! Em thật quá đáng! Sao em lại nói như vậy với bạn?”

“Nhưng đây rõ ràng là hộp bút chì màu của em mà cô!” Tôi hậm hực, cãi tay đôi với cô.

Duyên bĩu môi, giọng chua chát:

“Mày xạo vừa thôi! Mẹ tao mua cho tao hộp bút chì màu này vài chục ngàn lận. Nhà mày nghèo rớt mồng tơi, làm gì có tiền mua?”

Nói rồi, nó chạy tới toang lấy hộp bút chì màu. Tôi cầm chặt cái hộp thiếc. Cứ thế hai đứa trẻ kéo qua kéo lại như đang chơi trò kéo co, để xem phần thắng nghiêng về ai. 

Xoảng! 

Hộp bút rơi xuống đất, làm văng các cây bút chì trong hộp. Vài ba cây đã bị gãy ngang, có cây thì bị gãy đầu chì. Tôi khuỵu gối xuống, nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào nói:

“Huhu… Hộp.. bút chì… màu… của tao… bị gãy… hết rồi.”

Nhỏ Duyên hứ nhẹ, khoanh tay kèm theo cái giọng lạnh tanh:

“Hức! Có hộp bút chì màu làm thấy ghê. Thôi tao không cần nữa. Mai mẹ mua cho tao cái khác. Cho mày luôn đó… Đồ ăn cắp.”

Tiếng thì thầm ngày càng nhiều. Tôi không hiểu tại sao mình lại bị như vậy. Nghe tới ba chữ “đồ ăn cắp”, tôi không nhịn nổi nữa, cầm đống chì màu quăng vô người nhỏ Duyên. Nó khóc rống lên:

“Hức, hức, cô ơi, nó đánh con!”

Tại sao lại là tôi? 

Tôi đã làm gì sai sao? Hay do tôi đã quá dễ dãi cho bản thân mình, lại tỏ ra thương xót nó? Đúng rồi! Tôi nên ích kỷ hơn! Đã quá muộn rồi! Tôi không bao giờ tha thứ cho các người! Tôi thà là chết ở dưới hồ còn hơn là được các người cứu!

Tôi lấy cặp, chạy ra khỏi lớp một mạch, bỏ lại tiếng gọi theo của cô giáo vọng lại sau lưng. Có lần tôi để ý ở cổng sau có một lối đi nhỏ dành cho nhân viên của trường ra vào. Canh lúc nhân viên căn tin không để ý, tôi chạy vọt lẹ ra ngoài, bỏ mặc ngôi trường đằng sau xa dần.

Về đến nhà, thằng Trọng thấy tôi thì la lớn gọi ông: "Ông ơi, chị Trang về rồi,” xong rồi tiếp lời:

“Sao nay chị về sớm vậy?”

Ông ngoại từ nhà sau bước ra, tay vẫn đang cầm mấy thanh tre. Nhìn thấy ông, tôi không kìm được, òa khóc chạy lại. Ông nhìn tôi, mắt đỏ hoe, gương mặt lấm lem nước mắt, liền ngồi xuống, kéo tôi vào lòng, vỗ về: “Con sao lại khóc vậy? Ở trường có chuyện gì à?”.

Tôi khóc mãi một hồi, rồi mới ấm ức kể ra ngọn ngành sự việc. Nghe xong, ông chỉ bảo: “ Ngày mai, hai ông cháu mình đến trường ”.

Tôi lau nước mắt và cảm thấy khá hơn chút.

"Thôi ông làm cho hai đứa một con diều, tí trời mát mình ra ngoài đồng thả.” Ông bảo.

Không hiểu sao mà tôi luôn có một niềm vui kỳ lạ với con diều giấy này. Nó được làm bằng giấy ô li với các nét chữ nguệch ngoạc rất cũ kỹ, xong lại được căng ngang phẳng bốn góc với bốn thanh tre và hai thanh chéo, cuối cùng cái đuôi diều được nối với bốn làn giấy được cắt thẳng đều.

Lúc ông đang vọt mấy thanh tre, tôi mới để ý chỗ chân của ông ngoại có 1 vết sẹo khá to. Tôi thấy hiếu kỳ nên chột dạ hỏi:

“Ông ơi, tại sao ông lại có vết sẹo ở chân ạ?”

Ông ngừng lại, bỏ mấy thanh tre xuống đất, tay còn lại đưa lên lau giọt nước mắt còn đọng trên má tôi rồi mới bảo:

"Đây là… vết thương thời chiến từ một trận đánh ác liệt ở một cứ điểm đồn điền của địch. Lúc đó, ông không may bị trúng một viên đạn ở chân. Nhưng may mắn thay, đồng đội đã kịp thời giúp ông sơ cứu, gắp viên đạn ra và băng bó tạm thời để cầm máu. Nhờ vậy, ông mới có thể sống sót mà trở về.”

Tôi cảm thấy thật yêu cái cảm giác bình yên này biết bao. Chiến tranh đã thực sự để lại trong lòng nhiều người sự mất mát không nguôi. Nếu tôi được sinh ra vào thời chiến, liệu tôi có đủ dũng cảm để bảo vệ ông?

Chúng tôi ngồi làm mãi, quên luôn cả giờ cơm. Mất thêm một lúc lâu, ông mới hoàn thành xong công đoạn cuối cùng, dán cái đuôi giấy vào con diều. Cả ba người chúng tôi cùng nhau bước ra cánh đồng sau nhà, nơi những bông cỏ lau đang phủ trắng xóa một góc trời. Hương thơm ngát của cỏ lau hòa quyện với gió, mang đến cảm giác thật dễ chịu. Ông ngoại và tôi thả diều. Chiếc diều lượn lờ bay giữa bầu trời xanh. Cánh diều bay tít lên cao, mang theo những ấm ức tủi hờn tôi mang, tặng lại cho gió.

“Oa! Con diều đẹp quá ông ơi!” 

Ông ngoại gật đầu với nụ cười hạnh phúc trên môi, thu dọn lại mấy vật dụng bỏ vào hộp.

Bầu trời hôm ấy trong xanh đến lạ. Những đám mây trôi chầm chậm, lặng lẽ vẽ ra đủ thứ hình thù kỳ lạ. Phía xa, có những đốm nhỏ đủ màu sắc, đầy những hình thù khác nhau. Những con diều được thả ngập trời tạo nên cảnh tượng nên thơ. Tôi ngước nhìn con diều trắng của mình, được thả bay cao ngút trời, lòng bỗng chốc nhẹ nhàng và thanh thản.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout