A. Chương 3: Lần chia tay đầu tiên



Phải chăng đối với người nhỏ thì cái gì cũng nhỏ hay không? Tôi bỗng thấy dòng thời gian của mình cũng bé theo cái tuổi. Tính đi tính lại, mới chốc lát vậy mà tôi đã lên lớp Năm rồi. Ba năm qua, nhịp sống của tôi gần như là một vòng lặp đều đặn: sáng dậy đi học, trưa về, làm bài tập, nếu thấy chán quá thì lại chạy đi tìm anh Tùng chơi.

Từ sau chuyện với Duyên, tôi không còn đụng tới bút màu hay tranh vẽ nữa, mặc dù hai mẹ con nhà Duyên đã đến xin lỗi gia đình tôi rất nhiều. Có lẽ, cảm giác bị vu oan ngày hôm ấy đã đánh cắp đi niềm vui thời thơ ấu của tôi.

Nhưng bù lại, tôi có thời gian đi chơi với anh Tùng nhiều hơn. Tình cờ thay, tôi cũng dần trở thành khách quen với gia đình anh. Trước đây, tôi chưa từng thấy người phụ nữ có tuổi nào trẻ đẹp đến vậy, cho đến khi gặp được mẹ anh. Hình ảnh ấy làm tôi nhớ đến mấy cô diễn viên trên tivi mà tôi thường xem kế bên nhà bác Hai. Điểm tương đồng giữa họ cái má lúm đồng tiền đặc trưng, khi mẹ anh cười lên cứ như là mặt trời ấy. Đặc biệt hơn, điều thu hút tôi nhất chính là đôi mắt của cô lại có nét đôi phần đượm buồn. 

Anh Tùng hiếu thảo đến mức khiến ai cũng phải ngưỡng một. Đôi lúc, tôi thấy anh như một trụ cột thầm lặng trong gia đình. Sáng đi học trên lớp, tối lại đi làm thêm. Bữa nào rảnh rang hơn, thì anh ở nhà phụ mẹ chăm sóc ba. Nhắc về ba anh, tôi chỉ có thể dành cho người đàn ông ấy một sự khâm phục. Mặc dù, chú ấy sống một đời sống thực vật được 3 năm rồi, nhưng chú không bao giờ từ bỏ sự sống mong manh đó. Đôi lúc, tôi cũng tới nắm tay chú, cầu nguyện cho chú ấy mau tỉnh dậy để không phải còn thấy anh với mẹ anh buồn bã mỗi ngày.

Hơn một tuần rồi, tôi không sang nhà anh nữa. Vì tôi phải chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ sắp tới, đồng thời phụ giúp ông ngoại chăm sóc mấy chậu hoa ngoài vườn. Tôi cảm thấy dần dần thờ ơ với những câu mắng nhiếc của mẹ tôi về con điểm Tập làm văn, lúc nào cũng thấp lè tè. Cộng thêm, mấy bài kiểm tra của các môn khác cũng không khấm khá hơn. Những yếu tố này khiến tôi chán nản, chẳng buồn đi đâu cả. Nhưng đến chiều hôm đó, trong lòng tôi cứ thôi thúc, "phải đi chơi, phải gặp anh Tùng". Thế là, dù không định trước, tôi quyết định đến bệnh viện để tìm anh.

Dưới cái ánh nắng chói chang chiếu rọi xuống nền xi măng, bệnh viện Trung ương Đà Lạt quen thuộc hiện ra trước mắt tôi. Mấy lần trước, tôi đến đây là chỉ lo chạy đi tìm anh Tùng. Nhưng hôm nay, tự nhiên tôi lại muốn bước thật chậm để ngắm cảnh xung quanh. 

Tòa nhà sừng sững với nét kiến trúc Pháp đặc trưng. Mái ngói đỏ tươi nổi bật trên nền trời xanh nhạt, những bức tường vàng nhạt bị tróc nhiều mảng sơn tạo nên vẻ cổ điển và trang nhã. Các ô cửa sổ hẹp và cao, viền khung gỗ trắng, xếp ngay ngắn dọc theo tòa nhà, trông xa xa chẳng khác nào đang đứng trước một cung điện cổ kính.

Phòng bệnh của ba anh Tùng nằm ở phòng số mười tám, cuối lầu hai. Mùi thuốc sát trùng nồng nặc trong không khí làm tôi cảm thấy khó chịu, nhưng cũng không bằng sự bồn chồn đang cuộn trào trong lồng ngực bây giờ.

Tôi cứ nghĩ, khi đẩy cánh cửa ra, tôi sẽ nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của anh, nhìn thấy anh đang ngồi đó, cúi đầu đọc sách, còn ba anh vẫn nằm yên trên giường bệnh như mọi khi.

Có điều thứ đáp lại trước sự mong đợi đó chỉ là cái giường bệnh trống trơn. Tấm ga trải giường sạch sẽ, phẳng phiu, không còn dấu vết gì của người đã từng nằm ở đây. 

Giống như chưa từng có ai hiện diện. Mọi thứ đã bị xóa sạch.

Tôi bàng hoàng quay sang cô y tá đang chăm sóc bệnh nhân giường bên, giọng nói vô thức bật ra:

“Chị ơi, bệnh nhân nằm ở giường này đâu rồi ạ?”

Cô y tá tỏ ra vẻ mặt khó chịu, không thèm nhìn tôi lấy một lần mà đáp: “Bệnh nhân đó mất rồi. Đã đưa về nhà cách đây một tuần.”

Trái tim tôi đau nhói, lồng ngực siết chặt như muốn nuốt trọn hơi thở của tôi. Rõ ràng mấy tuần trước, tôi còn ở bên cạnh anh chăm sóc cho ba anh, mà giờ người đâu thì không còn thấy nữa rồi! Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự trêu ngươi của định mệnh.

“Dạ, thế chị có thấy cô vợ với con của chú ấy… hai người hay chăm sóc cho bệnh nhân này không ạ?”

Lần này, cô y tá không còn kiên nhẫn nữa, giọng điệu có phần bực bội hơn:

“Đã bảo là không biết, con nít con nôi hỏi nhiều làm gì?”

Sự hụt hẫng đã làm cho tâm trạng tôi không còn đủ tỉnh táo để đôi co với cô y tá. Trong đầu tôi lúc này chỉ có vô vàn câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với anh? Liệu anh có vượt qua được chuyện này không? Giờ anh đang ở đâu, tôi còn không biết. Mà, anh đi mất rồi thì tôi sẽ chơi với ai?”

Trong đầu tôi thoạt nhiên nảy ra ý định khác, tôi liền chạy thật nhanh đến trường anh cách đó không xa. Bất chấp trước cổng đang có bảo vệ, tôi không màng tới sự hiện diện ấy. Tôi không thể dừng lại ngay lúc này.

Tôi luồn qua đám học sinh tan trường, chạy thẳng đến phòng giáo viên, chẳng màng đến ánh mắt tò mò xung quanh. May mắn thay, cô Thảo là giáo viên chủ nhiệm của anh, đang ngồi chấm bài một mình trong phòng. Nhìn thấy tôi, cô hơi sững lại, rồi chậm rãi hỏi: 

“Em tìm ai vậy?”

“Em là bạn của anh Nguyễn Thanh Tùng, cô có thể cho em xin địa chỉ nhà của anh ấy được không ạ?”

“Ơ, mẹ em Tùng đã rút học bạ cách đây hai ngày rồi. Em ấy không nói gì với em sao?”

Tay chân rã rời, tôi đứng ngơ ngác như trời trồng. Anh Tùng đã rời bỏ tôi, mang theo cả thế giới tươi đẹp mà tôi từng vẽ ra. Mọi việc xảy ra nhanh đến nỗi tôi còn chưa kịp tin đó là sự thật. Cô Thảo cho tôi địa chỉ nhà anh, tôi nhận lấy tờ giấy và chạy ra khỏi cổng trường.

Trời bắt đầu chìm vào màu đen tĩnh mịch. Sương mù dày đặc của tháng mười hai cùng cái lạnh thấu xương, cắt da cắt thịt càng thêm phần cô đơn khi không có anh. Tôi càng bước đi nhanh, hơi thở càng gấp gáp hơn. Tôi không còn quan tâm nữa, chỉ muốn gặp anh, sà vào lòng anh để được anh âu yếm. Anh không chào tôi trước khi đi, anh không thích tôi à, mấy cái suy nghĩ ấy cứ văng vẳng trong đầu. Tôi cứ đi mãi, cảm xúc không kiềm nỗi nữa, òa khóc. 

Cuối cùng, tôi cũng dừng lại trước một căn nhà nhỏ màu kem. Xung quanh nhà tràn ngập hoa tulip đủ màu sắc. Tôi đến trước cánh cửa gỗ rồi gõ cửa. Gõ mãi, nhưng đáp lại tôi chỉ là tiếng rít nhẹ của gió. Lúc này, tôi mới hiểu được mình không còn gặp lại anh nữa. Không một lời nhắn, không một lá thư và không lần gặp mặt cuối. Cảm giác này cho tôi biết thế nào là mất đi một người bạn thật sự.

Một mình dạo bước trên bờ hồ Xuân Hương, tôi thấy cái ghế đá quen thuộc nơi gốc cây tùng. Hình ảnh chúng tôi ngồi ăn bánh tráng nướng cùng nhau, lửa than cháy đỏ rực; dây chuyền ngôi sao anh tặng tôi ở chợ; anh ngân nga những bài hát trữ tình người lớn… 

Những kỷ niệm đó cùng hiện lên trước mắt tôi. 

Và cũng cùng nhau biến mất khỏi trước mắt tôi.

Đôi mắt tôi ngấn lệ, nước mắt tuôn rơi trên má. Tôi không muốn khóc, vì khóc sẽ làm cho tim tôi đau. Nhưng nước mắt thì cứ không ngừng chảy…

Nếu có một điều ước, tôi ước rằng anh có thể quay trở lại và nói với tôi rằng: “Hôm nay đi đâu nhỉ, Minh Trang?”

* * *

Người ta nói rằng, thứ có thể chữa lành nỗi đau chính là thời gian. Nói không ngoa, tôi đã sớm thích nghi với việc không có anh Tùng ở bên cạnh.

Mùa Tết cuối cùng đã trôi qua, cũng là lúc để nhường chỗ cho những ngày hè rực rỡ. Tiếng ve sầu bắt đầu kêu ríu rít ở sau nhà tôi.

“Dậy thôi con, tranh thủ dự lễ rồi về ngủ tiếp.” 

Mơ mơ màng màng chưa tỉnh ngủ, tôi mở mắt hờ, thấy bên cạnh là ông ngoại đang cố kêu thằng nhóc Trọng dậy. Nay là buổi cuối đi học ở trường rồi.

Ông ngoại buộc cho tôi kiểu tóc hai chùm như thường lệ, rồi sửa lại khăn quàng đỏ mà thằng Trọng đang thắt sai. Xong xuôi, ông đưa cho hai chị em mỗi đứa một ổ bánh mì, rồi lại lụi cụi dắt cái xe máy cũ ra sân, chuẩn bị chở chúng tôi đến trường. 

Năm nào cũng thế, cứ đến lễ tổng kết là ông đích thân đưa đón. Mặc cho sự lo lắng khuyên ngăn của tôi, ông chỉ phẩy tay, cười hề hề: 

"Không không, ông sợ hai đứa nhận quà rồi lại ôm về nặng tay, đi bộ cực lắm."

Thế đó! Hai chị em được ông đèo tới trường.

Trở về nhà, tôi nhìn thấy mẹ đang pha trà. Tôi tự hỏi, chẳng phải mẹ ở trên Sài Gòn sao?

“Mẹ lên lúc nào thế?” Đặt cái cặp xuống, tôi vừa cởi giày, vừa hỏi.

“Mới tới thôi, em con đâu rồi.” Mẹ nhìn tôi rồi cầm tách lên, nhấp một ngụm trà. Tôi cầm lấy ly nước uống cạn rồi mới trả lời:

“Dạ, Minh Trọng về trước con, chắc nó đang ngồi chơi với mấy tấm thẻ bài trong phòng.” Tôi đáp rồi nhìn vào phía sau nhà. Những tấm thẻ này nó kiếm được khi chơi thắng mấy đứa bạn trong lớp đang được bày đầy khắp sàn, một thú vui không thể thiếu của tụi con trai vào giờ ra chơi.

Mẹ ngừng uống trà, nhẹ nhàng đặt tách xuống bàn, chậm rãi nói: 

“Trang này, con với em chuẩn bị hành lý, thu gom lại đồ đạc. Mấy hôm nữa tụi con sẽ xuống Sài Gòn ở với ba mẹ.”

Chưng hửng mất mấy giây, tôi không tin vào cái mình mới nghe. Đà Lạt là nơi tôi đã gắn bó với nhiều kỷ niệm đẹp, mặc dù thời gian ở đây cũng chưa được lâu. Một chút cảm giác bồi hồi trong lòng, sẽ không còn được ở đây thêm bao lâu nữa. Tôi chưa kịp nói thì chợt nghe tiếng đập nhẹ vào vách tường, tiếng của thằng Trọng gào lên:

“Không, không về đâu! Con không muốn về Sài Gòn!”

Mẹ tôi sững người, vội la lên: “Phải về!” Nó cứng đầu không nghe, chạy một mạch ra khỏi nhà, vượt qua hàng rào gỗ cũ kỹ, rồi phóng như bay về phía cánh đồng hoa đằng sau. Tôi nhìn mẹ, thấy mẹ cau mày một chút nhưng không nói gì thêm.

“Để con đi dỗ em.” Vừa nói xong liền tức tốc đuổi theo Trọng, tôi biết cánh đồng này là nơi yêu thích của nó, nơi mà nó hay đem con diều ra để thả bay theo làn gió mát vào mỗi buổi chiều sau khi tan học về. Tôi bước chậm đến chỗ thằng bé, nó ngồi thu mình, tay vẫn còn nắm chặt mấy tấm thẻ bài, nước mắt chảy dài trên má.

Ngồi xuống bên cạnh, tôi ôm lấy vai nó, dỗ dành: “Nghe chị nói này, lên Sài Gòn mình sẽ được học nhiều thứ hơn, em sẽ có nhiều bạn mới, nhưng mỗi khi nghỉ hè mình lại về Đà Lạt thăm ông ngoại, thăm các bạn ở đây. Mình sẽ quay lại mà em.” Tôi dịu dàng thuyết phục, dù lòng mình cũng trĩu nặng. Trọng vẫn khóc, nhưng tiếng khóc đã nhỏ dần, như thể nó đang dần hiểu ra điều gì đó. Không hiểu thì cũng phải cố để hiểu, vì ai rồi cũng phải lớn, và khi lớn, phải học cách hiểu mọi chuyện. Những đứa trẻ dù ngây thơ đến đâu cũng không thể mãi sống trong thế giới vô tư của mình.

Cuối cùng, Trọng quay lại nhìn tôi, đôi mắt ngấn lệ, bĩu môi gật đầu như đồng ý với tôi. Nó ôm chầm lấy tôi, nước mắt của nó ướt đẫm trên vai tôi. “Chị Trang, em không muốn xa ông ngoại, không muốn xa chỗ này...”

Tôi nhẹ nhàng vỗ về lưng nó, lòng nhẹ nhõm hẳn nhưng cũng không kém phần xúc động. Hai chị em cứ thế ôm nhau giữa cánh đồng hoa, nơi chứa đựng bao kỷ niệm mà cả hai chúng tôi đều trân quý.

* * *

Những ngày cuối cùng. Ánh hoàng hôn nhuộm vàng những phiến đá, biến chúng thành những tấm gương khổng lồ phản chiếu một bầu trời đang dần chuyển màu. Chói lọi, rực rỡ rồi nhạt dần, nhường chỗ cho một màu tím huyền ảo. Cảnh tượng ấy đẹp đến mê hồn, khiến tôi muốn bắt lấy nó, lưu giữ nó vào tim mình.

Thằng Trọng và tôi đi dạo một vòng lớn những nơi cả hai yêu mến. Về tới nhà cũng đã hơn chín giờ, Trọng thấp thỏm sợ mẹ la. Hai chị em vừa mở cửa đã thấy ông ngồi chờ sẵn. Ông không mắng chúng tôi, cũng không đánh, chỉ ôm gọn cả hai đứa vào lòng.

“Hai con đi chơi vui không? Vào ngủ lấy sức nhé rồi sáng khởi hành.” Trong vòng tay ông, tôi cảm nhận được giọng ông nghẹn ngào, ông vừa khóc sao? Tôi đáp: “Chúng cháu sẽ nhớ ông lắm”, nước mắt tôi chảy ra, nhớ cả Đà Lạt và nhớ cả người bạn thân là anh Tùng.

Đêm đó tôi cứ trằn trọc mãi, tôi lo lắng về ông ngoại, hai chị em tôi đã bên cạnh ông từ rất bé, liệu ông có buồn khi chúng tôi rời đi không? Nằm cả buổi mà không tài nào chợp mắt, tôi đành ngồi dậy rót nước uống. Thằng Trọng nằm ngủ ngon lành, chắc cả một buổi chiều nó vừa khóc vừa cười nên mệt hơn hẳn.

Đi xuống bếp, tôi nghe có tiếng thì thầm ở nhà trên liền rón rén ra xem.

Ông ngoại thắp ba nén nhang lên bàn thờ rồi nhìn vào di ảnh của bà, nghẹn ngào nói: "Bà ơi, cuối cùng thì ngày tụi nhỏ lên thành phố cũng tới, bà coi rồi đi theo phù hộ hai đứa cháu ngoại nghen bà.” Đứng sau bức tường, nước mắt tôi bắt đầu chảy không ngừng. Tôi lấy vạt áo lau vội những dòng nước mắt đang rơi.

Nói rồi ông chậm chậm xoay người, không may lại ngã nhào ra đất. Tôi hoảng hốt chạy lại đỡ ông đứng lên, ông không nói gì chỉ nhìn tôi cười, rồi xoa đầu bảo tôi vào ngủ.

Rạng sáng, mẹ đánh thức thằng Trọng với tôi dậy để chuẩn bị ra bến xe. Ông ngoại giúp tôi thắt hai bím tóc, chải lại phần mái rồi ông đặt tay lên vai tôi dặn dò: “Cháu đã lớn hơn nhiều so với ông tưởng tượng, ông không chạy theo kịp rồi nên không thể cùng cháu đi khám phá khắp nơi được nữa. Lần này cháu đến một nơi mới, hành trình khám phá của cháu vẫn hãy tiếp tục nhé.” Ông ôm tôi vào lòng, rồi lại nói tiếp: “Ông vẫn ở đây, lần sau cháu về thì đến lượt cháu kể chuyện cho ông nghe nhé.” 

Thằng Trọng chạy tới ôm lấy ông rồi khóc òa lên, ông vỗ vỗ lưng nó.

“Cả Trọng nữa, con ngoan đừng khóc.”

Mẹ tôi đứng phía sau khẽ lau nước mắt, giọng mẹ như cố nén lại sự nghẹn ngào để hối thúc chúng tôi.

Ngồi vào chỗ của mình trên xe, tôi thấy ông đứng bên ngoài vẫy tay chào tạm biệt, nước mắt tôi không kiềm được mà chảy xuống. Chuyến xe bắt đầu lăn bánh, mang theo hai anh em rời xa thành phố thân thương. Đà Lạt mờ dần sau lưng như bức tranh thủy mặc nhòe đi trong cơn mưa phùn…

* * *

Trên chiếc ghế đá ven bờ hồ Xuân Hương, chiếc khăn choàng đỏ vẫn còn vương hơi ấm bị bỏ quên. Cơn gió mùa đông ùa qua, mang theo lời thì thầm của anh để lại cùng đóa hoa dại và một mối tương tư… chưa kịp nở đã tàn phai.

Giật mình tỉnh dậy, tôi thở hổn hển, mồ hôi ướt đẫm áo, tai như bị ù đi, đầu tôi đau nhức. Giấc ngủ dài trên xe rút cạn tất cả sức lực mà tôi có. Ánh hoàng hôn vàng óng lọt qua khe cửa sổ, phủ lên gương mặt Trọng. Nó đang tựa vào vai tôi, ngủ say như một chú cún con.

Nhìn ra ngoài cửa sổ, cảnh vật hai bên đường lướt qua nhanh chóng, tôi mới nhận ra mình đã đi rất xa Đà Lạt rồi. Giọt nước mắt của lần chia tay đầu tiên đã khô trên gò má. Tôi hy vọng thành phố mới này sẽ đón chào chúng tôi với những cảm xúc vui vẻ nhất.

Chiếc xe đò cuối cùng cũng chậm rãi dừng lại. Bác tài xế, như bao lần, nhắc nhở mọi người nhớ lấy đồ dưới hầm xe. Tôi cùng em trai khệ nệ xách hai túi vải to đùng, bên trong chứa đầy những món đồ nhỏ xinh mua từ Đà Lạt. Mẹ tôi thì đi phía trước, kéo cái vali to không kém.

Ra khỏi bến, chúng tôi bắt hai chiếc xích lô, chị em tôi một chiếc, mẹ tôi một chiếc. Chiều Sài Gòn nhẹ nhàng, gió mơn man qua từng ngọn tóc, làm tôi cảm thấy thư thái lạ thường.

“Chị ơi, chỗ này đẹp quá, mấy tòa nhà to như này lần đầu em được thấy.” Nó chỉ vào mấy dãy nhà cao tầng.

“Cái này người ta gọi là nhà lầu đấy, to hơn cả nhà ông!” Tôi cố ra vẻ hiểu biết, nhớ lại những gì anh Tùng từng kể. Anh nói ở Sài Gòn, chỉ toàn là những tòa nhà vừa to vừa rộng như thế này thôi. Nói xong, tôi quay đầu nhìn lại, chiếc xe xích lô chở mẹ tôi đang lăn bánh phía sau, trông xa xa mà sao tôi lại cảm thấy một chút gì đó xa cách trong lòng. Những tòa nhà cao tầng trước mặt đột nhiên không còn hấp dẫn với tôi như lúc đầu nữa.

Bác xích lô thong thả đạp xe, thấy chúng tôi đang cười nói rôm rả, bác liền hỏi với giọng điềm đạm: “Hai đứa từ tỉnh khác đến đây hả?”

“Dạ đúng rồi bác, tụi con mới từ Đà Lạt tới đây.” Tôi đáp, giọng vẫn còn vương chút bồi hồi. Bác ấy gật gù song lại không nói gì thêm.

Tôi và em trai ngồi trên chiếc xích lô, bác tài đạp chầm chậm qua những con đường của Sài Gòn. Tôi tò mò hỏi bác: “Bác ơi, sao ở đây nhiều xe thế ạ, người ta có tông mình không?” vừa nói xong, chúng tôi được phen giật mình vì bác thắng gấp, do có người lái xe du lịch chuyển làn đột ngột.

Sau cú thắng gấp đó, bác cười hiền, trả lời: “Cháu đã thấy rồi đó.” Thằng Trọng cười phá lên, nó nói tôi là đồ xui xẻo, ngại ngùng tôi đánh vào vai nó, bặm môi ra vẻ bảo nó im đi.

Trọng đổi chủ đề, nó hỏi bác rằng: “Bác chắc chạy xích lô lâu rồi hả bác?” Trời ạ! Nó chẳng thèm thêm chữ “ạ” vào, đứa nhóc hỗn láo. 

Tôi véo tay nó: “Mày phải thêm chữ ‘ạ’ vô câu chứ!”

Bác cười khổ, vội trấn an, “Không sao nhé hai đứa!” Rồi, ánh mắt nhìn về phía trước đầy suy tư: “Cũng hơn hai mươi năm rồi con. Bác gắn bó với cái nghề này từ khi còn trẻ, chở bao nhiêu thế hệ người Sài Gòn. Đối với bác, chỉ cần nhìn thành phố này thôi là đủ để bác cảm thấy ấm lòng.” Cuộc trò chuyện giữa ba người cuối cùng cũng đi đến im lặng.

Chẳng mấy chốc, chiếc xích lô đã dừng lại trước căn chung cư cũ kỹ mà ba mẹ tiết kiệm mua được.

Ở thành phố mới, có một cuộc sống mới, liệu tôi sẽ rực rỡ như ánh bình minh, hay đượm buồn như nắng chiều…

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout