B. Chương 5: Tôi bị cảm nắng


Tôi vội vã tới lớp, đôi chân như chạy đua với thời gian. Nhưng cuối cùng đã muộn mất rồi. Giáo viên đã vào lớp, và đó lại là tiết Toán của cô Xuân.

Nấp đằng sau cánh cửa lớp, tim tôi đập thình thịch liên hồi. Tôi tự nhủ rằng, cố gắng không phát ra âm thanh, chắc chắn cô sẽ không biết đâu. Trước khi bước vào cửa phía sau lớp, tôi còn cẩn thận nhìn để kiểm tra xem cô Xuân có đang viết bài lên bảng hay không. Thế là tôi mạnh dạn hơn, khom người đi chậm rãi dưới mấy cái ghế. Nhưng bất ngờ thay, dự tính của tôi bị phá hỏng vì tác động của bên ngoài, cụ thể là một bạn đứng lên, chỉ vào tôi và nói: “Cô ơi, bạn Trang vào trễ!”

Mặt tôi tối sầm lại, cảm giác như mọi thứ xung quanh bỗng dưng quay cuồng. Tôi chậm rãi cố gắng nhìn sang hướng của bàn tôi, đồng thời cùng lúc Huyền với Ngọc cũng quay xuống theo hướng giọng của cô bạn kia, khẩu hình Huyền như muốn nói với bạn đó: “Đồ nhiều chuyện.”

Ánh mắt nghiêm nghị của cô Xuân như một mũi tên sắc bén chiếu thẳng vào tôi, khiến tôi không dám ngẩng đầu lên. “Lần nào cũng thế, ra ngoài lớp đứng!” Giọng cô gằn lên đầy bực tức, khiến tôi chỉ biết lặng lẽ bước ra ngoài đứng cạnh cửa sổ. Ánh sáng ấm áp vào ban ngày cùng những làn gió mát thổi nhè nhẹ, tạo thành một cảnh tượng yên bình và tĩnh lặng. Thật ra, dù cô có phạt tôi đứng đây cả buổi, tôi cũng chẳng phiền. Đứng đây ngắm cảnh còn hơn là ngồi trong lớp chịu đựng tiết học Toán, cái môn mà trước đây tôi rất yêu thích nhưng giờ đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất. Tình trạng này đã bắt đầu từ hai tháng trước, vào tiết học đầu tiên với cô, tôi bị cô mắng đến không dám ngẩng đầu. Điểm số cũng từ đó mà tuột dốc. Với điểm Toán tệ thế này, chắc chắn mẹ sẽ lại mắng tôi mất.

Lớp tôi nằm ở thanh ngang của chữ U, tầng trệt, gần cuối hành lang, bên cạnh là cầu thang. Hình phạt này với tôi là vừa may vừa xui. Điều đen đủi duy nhất tôi gặp là chịu hình phạt này, còn về phía may mắn là vì bây giờ là tiết học sau giờ chơi nên sẽ có ít người qua lại. Hai người có thể thấy được tôi bị phạt cũng chỉ có chú bảo vệ đang ngồi tán gẫu với một thầy giáo khác ở phòng bảo vệ kế bên cổng trường, đối diện mặt tôi.

Một lúc sau, từ lớp ở phía hành lang bên cạnh, tôi nghe thấy một giọng nói to vang lên: “Đi ra ngoài đứng!”

Xem ra tôi không cô đơn chịu trận, nên tự cười chúc mừng bản thân. Ở bên kia, một cậu bạn bước ra với vẻ mặt đùa cợt, mặc kệ tiếng giáo viên đang mắng vọng ra. 

Cậu ấy quay mặt về phía tôi, tôi liền cảm nhận được ánh bình minh vừa ló rạng trong đôi mắt ấm áp đó, và có một chút gì đó lấp lánh nữa. Nó chứa đựng hết thảy mọi điều bí ẩn mà tôi không thể nào lý giải được khi nhìn cậu. Đôi mắt ấy khiến tôi như quên hết mọi thứ xung quanh, chỉ còn lại hai chúng tôi trong cái hành lang rộng lớn không bóng người. Cậu ta tiến đến gần, bước chân từ tốn và có phần thong thả, rồi dừng lại bên cạnh tôi. Một nụ cười nhẹ nhàng nở trên môi cậu, vừa dịu dàng vừa cuốn hút. Trong khoảnh khắc ấy, một sự kết nối lạ kỳ hiện lên, như thể từ giây phút này, có một điều gì đó trong lòng tôi đã thay đổi. 

Khi ánh mắt chúng tôi vô tình chạm nhau, có một luồng năng lượng vô hình đã làm cho thế giới xung quanh tôi không còn chuyển động. Trái tim tôi bỗng nhiên đập rộn ràng hơn trong lồng ngực, như thể vừa bị trúng phải một mũi tên của thần Cupid. 

“Bạn cũng bị phạt à?” Câu hỏi đơn giản nhưng với chất giọng ngọt ngào cũng làm tôi tan chảy. Tôi ngượng ngùng cúi mặt, chỉ khẽ gật đầu nhưng lòng thì ngập tràn cảm xúc khó tả.

Cậu ấy lặng lẽ đứng sang bên cạnh tôi. Nhà trường thiết kế các phòng học đều có hai cửa sổ lớn. Vì khoảng cách giữa chúng cũng khá rộng, nên tôi với cậu ấy đều tránh được ánh mắt của giáo viên trong lớp. Cậu ta mỉm cười, nụ cười tỏa sáng như một đóa hoa đang nở giữa mùa xuân: “Mình tên Thắng, còn bạn?”

“Trang.” - Tôi đáp lí nhí, cảm giác ngại ngùng lại dâng lên trong lòng.

“Trang hả?” Cậu ấy khẽ cười, “Tên của bạn đẹp lắm!”, nói rồi cậu lại nhắm mắt tựa lưng vào tường đầy thoải mái. Thắng nói tiếp với vẻ phấn khích:

“Hôm nay hên thật nhỉ? Mình còn sợ phải đứng một mình.”

Tôi khẽ cười, nụ cười lẫn chút bối rối: “Cậu nên đứng ở trước lớp, nếu thầy biết được sẽ phạt nặng thêm đó.” 

“Không sao đâu. Mình muốn đứng chung với bạn.”

Tôi im lặng trước câu trả lời của Thắng. Tự dưng, cậu tiếp tục hỏi tôi thêm lần nữa: “Lần đầu bạn bị phạt hả?”

“Đúng rồi.”

Cậu ấy thở dài, gãi đầu rồi nói: “Hồi nãy mình đi vô trễ nên bị bắt ra đây đứng.”

“Sao bạn không canh giờ đi sớm chút?”

Cậu ấy liền cúi mặt, ra vẻ xấu hổ: “À… thì… mình đi… nặng!”

Tôi nghe cậu ấy thú nhận như thế thì bấm bụng không biết làm sao, đành né mặt ra chỗ khác, miệng thoáng nở nụ cười.

“Còn bạn?” Thắng hỏi ngược lại tôi.

“Mình cũng giống bạn. Đi trễ nên bị cô phạt.”

“Bởi vậy, mình rất ghét những quy tắc. Tại sao đi trễ lại bị phạt chứ? Ai muốn học giờ nào thì đi giờ đó thôi. Mà cô của bạn đáng ghét thật. Ai nỡ mà lại đi phạt một bạn nữ…”

“Xinh đẹp như bạn đúng không?”

Lúc này, cái giọng to tiếng mà hơi lớn tuổi đó làm cơ thể tôi lạnh toát cả mồ hôi. Người mà tôi không muốn gặp nhất lại đang đứng sau lưng Thắng. 

“Cậu là học sinh của lớp thầy Toàn đúng không? Ai cho phép cậu đứng ở đây buôn chuyện? Về lớp mau! Tôi sẽ báo cáo chuyện này với thầy Toàn.”

Cô Xuân ngay lập tức lấy cái cây “thiết bảng ngàn cân” trên tay ra toan đánh cậu. Ngay lập tức, cậu đã ba chân bốn cẳng chạy về phía hành lang bên kia lớp mình, không quên vẫy tay chào tạm biệt tôi. Cô lúc này mới hả giận mà quay sang tôi, quát thật lớn:

“Trang! Em mà còn như vậy nữa, tôi sẽ nói chuyện với cô chủ nhiệm của em!”

Nói rồi, cô rảo bước đi, tay vẫn còn cầm cây thước bảng theo người, tay còn lại xách chiếc cặp da màu đen, dáng vẻ rất uy nghiêm. Cùng lúc đó là tiếng trống trường vang lên ba lần báo hiệu hết tiết Toán. Tôi lắc đầu than trời, không biết khi nào mới được thoát khỏi tầm ngắm của cô giáo viên đó.

Tôi uể oải vào lại lớp, nhỏ Huyền cuối cùng mới chạy lại gần bảo tôi: “Lúc nãy mới kiểm tập, lo gần chết luôn.” Nó lật đật mở cuốn tập toán ra, ngồi giảng lại mấy chỗ tôi không hiểu. Trong lòng thầm cảm ơn cô bạn, không có nó chắc tôi “liệt” toán mất!

Thấm thoát lại tới buổi thứ Sáu của tuần thứ ba trong tháng, ngày mà ai nấy trong lớp tôi đều ngán ngẩm vì buổi tổng vệ sinh định kỳ.

Lần này đến lượt tổ của tôi phải trực nhật, và như thường lệ, tổ trưởng My lại cầm danh sách, chia việc cho các bạn trong tổ làm. 

Người có chức vụ và người chỉ làm tổ viên hoàn toàn ở hai thế giới khác nhau. My chỉ lau qua loa cái bảng rồi thản nhiên giao phó phần dọn dẹp còn lại cho cả tổ. Ai cũng đều tức giận, nhưng không ai có ý kiến gì?

Tôi được phân công lau cánh quạt trần, nơi mà lớp bụi dày đặc như một lớp mây mù màu đen đang bao phủ. Chật vật gần nửa tiếng đồng hồ, mãi tôi mới hoàn thành được công việc. Tôi nhìn xuống nhỏ Huyền, thấy nó vẫn chưa lau sàn xong. Số phận hai đứa tôi đen đủi lắm mới phải vào cái tổ này.

Sau khi giặt xong đống khăn bẩn, tôi nghe thấy tiếng cười nói phía ngoài sảnh. Bản tính tò mò chiếm lấy não bộ, tôi vừa đi chậm rãi, vừa cố gắng nghe trộm đoạn hội thoại.

“Nè! Sao Thắng đi nhanh vậy? Chờ Nhi với…”

"Thắng ơi! Đợi Nhi.”

Giọng lanh lảnh của Nhi vang khắp cả sảnh, nên tôi không cần phải đi sát họ mới có thể nghe.

Nhỏ Huyền đợi tôi ở cổng trường. Nó cứ cằn nhằn việc tôi chậm chạp lề mề, sao giờ này mới ra. Hai đứa không về nhà ngay mà ghé vào quán phá lấu gần đó. Huyền tính vốn thích ăn vặt, còn tôi lại thích ngắm nhìn cảnh vật, do vậy khi cả hai đứa tôi cộng lại với nhau lại  thành những đứa la cà mê chơi.

Mùi thơm của nước lèo tỏa ra từ quán khiến bụng tôi réo lên.

Tôi cầm ổ bánh mì nóng hổi trên tay, xé một miếng to rồi chấm vào nước lèo đặc quánh. Vị béo ngậy và thơm ngon lan tỏa trong miệng, tôi không kiềm được mà thốt lên: “Ngon ghê á!”

Huyền cũng gật gù một cách đồng tình.

“Chỗ này mẹ tao bảo là ngon từ hồi xưa tới giờ rồi, người ta bán ở đây mấy chục năm nay rồi.”

Sau một khoảng thời gian, Huyền tự đổi xưng hô kiểu “tao - mày” làm tôi đôi lúc không theo kịp. 

Chợt nhớ lại cảnh tượng lúc nãy, tôi tò mò hỏi Huyền. Do nó là một trong những cái loa của lớp, nên chuyện gì nó cũng biết cả.

"Nè Huyền, mày nhớ nhỏ mà suýt đánh mình không? Nhỏ đó dữ lắm hen?”

“Hừm… Hông phải hung dữ, mà là siêu hung dữ á. Hồi cấp một, tao nghe nói là nó cắn bạn cùng bàn chảy máu luôn đó.”

“Ghê vậy? Kể đi mà! Kể đi mà!” Tôi phấn khích, đặng lấy tay lay lay cái vai nó.

Huyền ngạc nhiên, đôi mắt tròn xoe nhìn tôi. 

“Trời trời? Nay sao con nhỏ này nó bà tám dữ thần?”

Tôi đỏ mặt, phản biện lại, “Mày cũng nhiều chuyện khác gì tao!”

“Sao nè, khoái rồi chứ gì? Năn nỉ tao đi rồi tao kể cho nghe tiếp!” Huyền cười hì hì, tâm trạng rất đắc ý khi đang nắm thế chủ động.

“Hỡi công chúa, xin hãy khai sáng cho con dân ngu muội như thần được biết rõ câu chuyện.” Vừa ca thán, tôi vừa rót thêm nước vào cái ly đang tan đá của nó. 

Huyền vui vẻ như được mùa, nói: “Được rồi! Được rồi! Mày làm thấy gớm quá! Mày muốn biết thêm về gì nè?”

Tôi nói tiếp: “Nãy tao thấy hai người đó thân thiết quá, lại còn kẹp tay nhau đi cùng nữa chứ.” Tôi cố ý nhấn mạnh từ “kẹp tay” để thấy phản ứng của Huyền.

Huyền cười trừ, “Về hai người đó, thì tao kể mày đừng nói ai nghe nha.”

"Hai đứa nó là hàng xóm, mẹ nó hứa hẹn kết hôn gì đó. Xong với tính của nhỏ Nhi thì mặc định Thắng là của nó.”

"Tao nhớ nhỏ Ngọc cũng bị nhỏ Nhi đánh vì Thắng thích nó. Ghê hen. Mà mày đừng kể ai nhe.”

“Tao thấy bọn con trai, con gái bây giờ thân thiết với nhau cũng bình thường thôi.” Nó lại xé bánh mì, tiếp tục ăn.

Chắc chắn tôi đã hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện này. Và tôi cũng rút ra được kết luận rằng: giữa Thắng và Nhi có một sợi dây liên kết bền chặt nào đó mà khó có thể làm đứt được.

Không biết vì sao tôi nhớ lại mấy câu trong phim bộ truyền hình, tôi liền phản bác: “Nam nữ thọ thọ bất tương thân.”

Rung động tuổi dậy thì là một phần không thể thiếu của tuổi trẻ. Nhưng tôi thấy cảm nắng đầu đời không nhất thiết phải bộc lộ, đó chỉ đơn thuần là sự yêu mến đối với một người.

Huyền im lặng một lúc, rồi mới lên tiếng: “Mày nghĩ nhiều quá rồi đó. Có khi nào mày đang ghen tị với Nhi không?”

“Ghen tị cái gì chứ!” Tôi bĩu môi. “Tao đâu có thích thằng đó.”

“Ai biết được. Con gái mà, nói có là không.” Huyền nháy mắt trêu chọc.

Tôi đỏ mặt, lảng tránh câu hỏi của Huyền. “Mày mà trêu tao nữa mốt tao không cho mày mượn sách nữa nha!”

Hai đứa cười đùa, ngồi buôn chuyện một lúc lâu, chẳng mấy chốc mà trời đã bắt đầu chuyển tối.

Ánh hoàng hôn cũng dần buông xuống, những tòa nhà xa xa in bóng trên nền trời vàng cam nhạt nhòa. Khung cảnh hoàng hôn ấy dù đã quen thuộc trong mắt tôi, nhưng mỗi lần nhìn lại thì lòng tôi vẫn không khỏi xao xuyến. Huyền đèo tôi về trên chiếc xe đạp nhỏ, màu trắng, loại xe cũ của Nhật nhưng nhìn rất chi là dễ thương.

Khi về tới nhà, tôi vẫy tay chào tạm biệt Huyền rồi chậm rãi bước vào trong nhà, lòng nặng trĩu như bị một tảng đá đè lên.

Hình ảnh cậu bạn tên Thắng cứ lởn vởn trong tâm trí tôi, từ ánh mắt dịu dàng đến nụ cười ấm áp của cậu. Sao mà cứ mãi không chịu rời đi vậy?

Vừa thay đồ xong thì tôi thấy mẹ vào phòng, giọng nghiêm nghị: “Giờ này mới về à? Sao suốt ngày đi chơi vậy? Học không lo học suốt ngày đi chơi!”

"Con không có đi chơi! Con đi học nhóm với bạn mà mẹ…”

"Học nhóm kiểu gì mà điểm kiểm tra một tiết môn Toán chỉ có ba điểm? Là con có thực sự thích đi học không?”

“Con… con cũng cố gắng rồi mà mẹ,” tôi khẽ đáp, giọng nhỏ xíu. Nhưng sâu trong lòng, tôi không buồn vì bị mẹ la, mà vì cảm giác bất công cứ chực trào lên. Tôi biết rõ mình đã cố gắng hết sức, nhưng dường như cô Xuân lúc nào cũng nhắm vào mình, luôn tìm cách làm khó dễ. Đôi lúc cảm thấy bản thân bị nghẹt thở, không thể chịu đựng nổi sự bức bối này nữa.

Chờ mẹ rời khỏi, tôi quyết định trốn ra ngoài như một thói quen. Tôi vội lấy chiếc áo khoác len màu be khoác lên mình. Dưới ánh đèn đường, tôi bước đi một cách lơ đãng trên những con phố quen thuộc. Không khí về đêm thật mát mẻ, làn gió nhẹ thổi qua khiến lòng tôi cảm thấy bình yên hơn một chút. Khi ngước mắt lên, tôi chợt bắt gặp một tiệm sách cũ nằm khuất sau hàng cây xanh rợp bóng.

Mặt tiền tiệm hơi khiêm tốn so với mấy cửa tiệm khác. Đằng trước là cái cửa rào bằng sắt màu đen được mở sẵn, có điều nó đã phai màu theo thời gian. Bên trên là một tấm biển hiệu đơn giản để chữ "Vườn Ký Ức”. Chữ viết tay uốn lượn được sơn bằng gam màu xanh lá, tạo cảm giác thật trong lành.

Tôi bước vào trong liền ngửi thấy mùi thơm đặc trưng của những quyển sách cũ kỹ cùng với hình ảnh các trang giấy đã ngả vàng theo thời gian. Ở đây, sách được chất đầy trên các kệ gỗ sẫm màu, bày biện chồng lên nhau từ sàn đến trần nhà. Phía dưới sàn nhà được lót gạch theo kiến trúc hình ô vuông đan xen nhau giống bàn cờ nhưng thay vì màu đen thì nó là đỏ và trắng. 

Những quyển sách được đặt thành chồng cao ở dưới đất, do không có đầy đủ chỗ ở trên kệ. Các kệ sách cao đến nỗi phải dùng đến cái thang gỗ mới có thể với tay đến những cuốn sách trên cùng. Sách ở đây đặc biệt đủ mọi thể loại, từ tiểu thuyết, truyện tranh, thơ ca, đến những cuốn từ điển và tài liệu học thuật. Tất cả đều mang lên mình một lớp bụi của thời gian, càng làm nổi bật sự cổ kính và giá trị của chúng

Mãi đang ngắm nghía xung quanh, bỗng nhiên có một bác già đang đeo kính thấy tôi đến liền hỏi, “Cháu muốn mua hay thuê sách?”

“Dạ, con muốn thuê sách. Bác biết tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nằm ở kệ nào không ạ?”

“Cháu lại cái kệ thứ ba, hàng trên cùng nhé cháu,” giọng ông ấy đang nói nhưng mắt vẫn không rời cuốn sổ.

Tôi đi tới chỗ cái thang, khiêng qua kệ sách mà bác ấy bảo, leo nhẹ lên cái thang gỗ, lấy quyển ở đầu nằm kệ trên cùng. Quyển sách có phần hơi nhăn nheo và bị rách một chút ở bìa. Nói về bìa thì nó được thiết kế trông khá đơn giản. Chỉ vỏn vẹn một màu tím đơn điệu với ô ở giữa là tranh sơn dầu vẽ cảnh ba người bạn chơi chung với nhau. Con Huyền nó bảo tôi nếu mới bắt đầu đọc Nguyễn Nhật Ánh thì nên đọc quyển này vì tình tiết rất hay và gay cấn. 

Tôi leo xuống chầm chậm, trả cái thang lại như cũ rồi lại chỗ quầy của bác già chìa ra quyển sách:

“Dạ cháu muốn thuê quyển này.”

Bác nở nụ cười ,“Cháu cũng thích Nguyễn Nhật Ánh hở,” rồi chỉ tay vào quyển sổ, “Cháu vui lòng điền tên và ngày mượn vào quyển sổ này nhé.”

Không biết từ lúc nào, tôi chăm đọc sách hơn cả, nhưng không phải là sách học tập mà là tiểu thuyết. Tôi ghi họ và tên “Trần Minh Trang” vào, điền ngày mượn, ngày trả, ký một nét dài ngoằng loằng như con giun.

“Bác ơi, có chỗ nào để có thể ngồi lại đọc được không ạ?”

“Cháu lên cầu thang, bên tay trái sẽ có cửa, cháu vào đọc tự nhiên nhé!”

Tôi rảo bước theo lối đi bên trong, bên cạnh tường có một chiếc thang gỗ nhỏ được sơn bằng nước sơn đen bóng. Khi lên đến nơi, căn phòng nhỏ hiện ra trước mắt tôi có chút đơn giản nhưng cảm giác rất ấm cúng. Tiếng chuông gió va vào nhau tạo ra tiếng leng keng, còn trên tường được treo vài chậu cây xanh giúp cho không gian tươi mát hơn.

Nhìn lướt qua những bụi hoa giấy trên ban công chợt làm tôi nhớ tới người anh trai đó. Bình thường vào khoảng thời gian này anh cũng hay đọc sách cho tôi nghe. Chỗ nào tôi không hiểu, anh liền giải thích tường tận cho tôi. Đôi lúc, anh miệt mài chịu khó ngồi hướng dẫn cho tôi một vài bài toán nâng cao mà tôi chưa tìm ra cách giải. Mặc dù ở cái nơi tôi có gia đình thật sự, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy rất cô đơn…

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout