Vuốt lại mái tóc rối, gã nhét nhanh hai tờ quyết định vào túi quần. Túi quần thủng một lỗ toang hoác như cái hang. Một tờ còn vướng ở trên, một tờ thì chui tọt vào trong, cọ vào háng ngứa ngáy.

“Mẹ nó chứ!”

Gã chửi thề, đôi con ngươi màu cỏ úa long lên vì tức giận. Giá như chửi rủa có thể làm tờ giấy nghe lời mà chui ra. Nhưng không, nó không có tai cũng không nghe lời gã. Mọi thứ đã chệch khỏi quỹ đạo, đã vượt khỏi tầm khống chế rồi. Gã đành vào nhà vệ sinh lột quần, lôi tờ quyết định ra. 

Có tiếng cười khe khé như bị bóp cổ vang lên ở phòng vệ sinh bên cạnh:

“Nó đi rồi nhỉ? Tưởng thế nào, hóa ra là hổ giấy, sống ở xã hội này còn có cái thói tự ái cá nhân thì vứt.”

Tiếng nhỏ nhẹ nhưng đầy giễu cợt đáp lại:

“Anh ấy bảo đó không phải tự ái cá nhân còn gì. Người ta đi để bảo vệ cái tôi, cái bản ngã của con người. Anh có bản ngã đó không? Hay bị chó tha rồi? Bản ngã của chúng ta đã bị chó tha cả rồi. Từ giám đốc, phó giám đốc, tới thành phần hội đồng chấm thi đều không bằng một con chó.”

Gã thở hồng hộc, vò nát tờ giấy trong tay, cay đắng dâng nghẹn cả cổ. Nước nóng rẫy trong hốc mắt gã rỉ ra chảy vào miệng mặn chát.

Đó chính xác là ý tứ mà gã đã phát biểu trong hôm họp hội đồng có đông đủ ban lãnh đạo trung tâm nghiên cứu và hội đồng chấm thi đề tài nghiên cứu của gã. Một đêm trước đó, gã ngồi bất động trước mô hình máy móc, thứ đã gắn bó với mình suốt năm năm, thân thuộc với gã còn hơn cả cô em gái và bà mẹ già côi cút ở quê. Gã đã đặt vào đó không chỉ thời gian, công sức, mà còn là niềm hy vọng, là khát khao của cả một tuổi trẻ. Nhưng khi chuẩn bị đem đề án để nộp gã đã bị gọi lên phòng giám đốc trung tâm. Ông ta không mất thời gian để lòng vòng, lão đề nghị thay vì để tên một mình gã cho phí hoài thì bây giờ bên cạnh tên gã sẽ có thêm tên một người nữa. Đó là con trai lão - một thằng bé học lớp mười hai đang cần điểm cộng để làm hồ sơ xin học bổng du học, sẽ là đồng tác giả.

Gã tái mặt, không hiểu tại sao một người từng làm nghiên cứu như ông ta có thể nói ra những điều phi lí đó. Nếu thằng nhóc cấp ba kia là con trai duy nhất của lão, thì đề án này là con vàng, con bạc, con giời của gã. Mà có người bố nào, lại đi bán đứt đứa con trai dứt ruột đẻ ra bao giờ.

Gã từ chối, cũng chẳng mất thời gian để lòng vòng.

Giám đốc đề nghị gã sẽ chắc suất biên chế trong năm nay nếu gã thay đổi ý định, và toàn bộ số tiền thưởng ông ta sẽ trả cho gã không thiếu một xu.

Gã trả lời ngắn gọn nhưng đanh thép: “Không!”

“Vậy cứ thử nộp đi, đề án của cậu sẽ không lọt qua được vòng sơ khảo.” Ông giám đốc nhẹ nhàng cảnh cáo.

Lòng tự ái nổi điên, gã hít một hơi để kiềm chế cơn tức rồi đi thẳng ra cửa mà chẳng thèm chào lấy lệ.

Đến hôm sau thì gã được thông báo trung tâm mở cuộc họp để giải quyết vấn đề liên quan đến đề án của gã. Bị quy kết chủ nghĩa cá nhân, không lắng nghe đề nghị của cấp trên, coi thường tinh thần phát triển chung của tổ chức gã bị phê bình không thương tiếc. Đến lượt gã phát biểu ý kiến, gã cũng chẳng thèm nghĩ xem lời mình nói ra sẽ đụng chạm đến ai. Thỏa mãn cái tôi xong, gã nhìn xuống dưới, có người mặt đỏ phừng, có người mặt tái mét. Gã mỉm cười thỏa mãn, đúng như đứa em gái lúc nào cũng quả quyết nghề nghiên cứu không hề hợp với gã. Bản tính ương bướng, bốc đồng của gã rồi sẽ chỉ khiến mọi người lấy đó làm mục tiêu công kích mà thôi. Nhưng có hề gì, với gã phải làm những việc trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp chẳng khác nào bắt gã tự bẻ cổ mình. Gã tiêu sái bước về phòng giám đốc giữa tiếng xì xào bàn tán của mọi người xung quanh, điều đó càng khiến gã thêm hăng hái và tin chắc rằng những việc mình làm là hoàn toàn chính xác.

Không chào hỏi xã giao, gã thản thiên  đặt tờ đơn xin nghỉ việc trước mặt giám đốc, nhưng không ngờ ông ta lại ném trả lại, tờ giấy bay vào mặt gã, chao liệng giữa không trung rồi mới rơi xuống đất. Ông ta đưa cho gã tờ giấy A4 khác, có chữ ký dài loằng ngoằng như một sợi thòng lọng đè lên đó là dấu triện đỏ tươi còn ươn ướt mực:


“Tôn Thất Hà! cậu không thôi việc, cậu bị đuổi.”


Bước ra khỏi sảnh trung tâm, theo thói quen gã quay lại nhìn. Tòa nhà này đã từng là niềm ao ước, là mục tiêu phấn đấu của biết bao sinh viên cơ khí và cả của gã nữa. Năm năm học đại học, với tất cả đam mê và nỗ lực tên của gã đã xuất hiện trong danh sách nhân viên trung tâm. Gã cũng nghĩ đời mình từ này thế là ổn rồi, nói về một môi trường để nghiên cứu và tự do sáng tạo thì đây là nơi hoàn hảo theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nhưng gã đã lầm.

Trời sầm sì gọi mưa. Mắt kính gã lất phất những đốm nước nhỏ li ti. Gã chậm chạp tháo kính lau tạm bợ vào tà áo sơ mi quăn như ruột gà. Một cơn gió từ đâu thốc tới. Hai hàm răng gã không bảo nhau mà tự nhiên run lên cầm cập.

Mùa đông đã tới rồi sao?

Gã ngơ ngác.

Nó tới đúng lúc gã đang vừa bị đuổi việc à không là nghỉ việc mới đúng, mà có quan trọng gì cơ chứ. Mùa đông (và cả mọi người xung quanh) đâu có quan tâm là gã bị đuổi hay tự nghỉ. Nó vẫn cứ lạnh lẽo, hoang tàn, vô lý vùi dập người ta bằng gió rét, mưa sa và hàng ngàn nỗi cay đắng nhọc nhằn.

Gã nhìn xung quanh, mọi người co ro trong những chiếc áo phao, rụt cổ trong khăn len, xoa đôi bàn tay đeo găng rồi hít hà hơi nóng tỏa ra từ cốc trà.

Hóa ra trước khi ập tới, mùa đông đã báo trước bằng ánh nắng lấp lóa, khô rang, nừng nực hay cơn mưa ngắn ngủi, vội vàng giữa đêm giông. Và chắc chắn lúc bản tin thời tiết phát đi gã còn miệt mài trong xưởng cắt phôi, hoặc vùi đầu trước màn hình máy tính tìm ra sai số. 

Gã nào đã có sự chuẩn bị gì để đón cái rét và sự thất bại cùng đến một lúc thế này đâu.

Gã lần tìm điện thoại trong túi. Màn hình đen ngòm chẳng biết đã hết pin từ bao giờ. Nỗi chán nản, hụt hẫng xâm lăng. Gã tìm an ủi từ sự hăng hái và quyết tâm trong cái đêm ngồi viết đơn xin nghỉ việc, nhưng chúng đã trốn tiệt đâu mất sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ đưa cái tôi của gã lên ngôi. 

Về đến phòng trọ, gã thả mình xuống giường. Căn phòng tối thui, xộc lên mùi ẩm mốc và hôi hám. Lâu quá rồi, hắn chưa dọn dẹp phòng mình, quần áo chỉ nhúng nước rồi vắt lên dây phơi qua loa lấy lệ. Rác rưởi thì quét dập vào góc phòng. Những lon bia, chai nước rỗng tiện tay gã đẩy hết vào gầm giường. Gã định sau khi có kết quả cuộc thi sẽ tìm phòng trọ mới gần chỗ làm hơn, lúc đó thì dọn một thể. Nhưng gã đã mất việc trước khi bắt tay vào dọn dẹp lại cuộc sống của mình.

Mấy năm nay đều rét muộn. Mùa đông về có nghĩa chẳng bao lâu nữa Tết sẽ gõ cửa từng nhà. Mọi năm có lương, có thưởng gã trở về quê trong nỗi mong chờ của mẹ, niềm hân hoan của em gái. Còn bây giờ, ngoài tờ quyết định sa thải  như một mũi dùi nóng đỏ đâm thẳng vào tâm hồn ngạo nghễ thì gã chẳng có gì. 

“Phải tìm việc mới thôi.”

Gã lẩm bẩm và bật máy tính lên. Nhưng trong đầu và trước mắt gã chỉ hiện lên những hình vẽ, những bản thiết kế, những công thức tính toán đang nhảy múa. Sáng nay lúc trở về từ phòng giám đốc, gã nhận được email thông báo đề án của mình đã bị loại khỏi cuộc thi vì bị tố cáo ăn cắp ý tưởng. Gã điên cuồng gọi điện cho ban tổ chức nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Họ chỉ nói, có người đã đăng ký bản quyền ý tưởng trước khi gã nộp hồ sơ một ngày. Còn việc người đó là ai, họ buộc phải giữ bí mật vì đó là nguyên tắc.

Gã ôm lấy đầu, rên lên khe khẽ. Một giọt nước mắt trào ra, loang lổ chảy trong gan bàn tay lạnh buốt.

Đêm ấy gã thiếp đi trong ngổn ngang những con số và đống chai lọ nhét ở gầm giường. Gã cứ nghĩ mình sẽ hừng hực tinh thần chiến đấu vì công bằng cho bản thân, sẽ ngẩng cao đầu như chiến binh bất tử để rời đi. Nhưng sau hết, chỉ còn lại nỗi căm phẫn, cay đắng và đau đớn đến tận tâm can. Ba từ “Bị đuổi việc” ở một trung tâm danh tiếng cộng thêm cú chí mạng “ăn cắp ý tưởng”  sẽ theo hồ sơ cá nhân của gã suốt cả chặng đường về sau. Giới nghiên cứu không như những lĩnh vực khác, nó nhỏ bé chật chội, như một bàn cờ sáu mươi tư ô vuông. Cho dù gã có cố chạy tới đâu, dù được tự mình chọn quân và giành giật nước đi chủ động cũng không thể thoát khỏi sự khống chế của hai màu đen - trắng. 

Năm giờ sáng, gã bị đánh thức bởi cơn lạnh buốt từ cửa sổ thổi tới. Gã quơ tay theo phản xạ tìm chăn, nhưng chợt nhớ ra lúc chuyển phòng gã đã tặc lưỡi để chăn ở lại cho đứa bạn ở cùng. Khi ấy đương mùa hè, gã đâu có nghĩ chỉ chớp mắt mùa đông đã bất ngờ đâm sầm vào gã đúng lúc gã đang chới với tìm lối ra.

Gã tỉnh hẳn và phát hiện ra thứ kiệt sức trong phòng này không chỉ có bản thân mình. Mò tìm sạc điện thoại, gã uể oải chờ đợi ánh sáng từ màn hình như người ta đã chán chường vì chờ đợi một niềm hy vọng mong manh. Ba mươi cuộc gọi nhỡ từ đứa em gái và một bức ảnh chụp khoa cấp cứu bệnh viện đa khoa tỉnh được gửi đến lúc hai giờ mười lăm phút sáng.

Gã bổ nhào ra khỏi phòng, chạy như điên trong màn đêm tối tăm và làn mưa phùn giăng giăng lạnh lẽo.


Mẹ không chờ được gã cũng như gã không chờ đợi được vị vua của mình ra quyết định đầu tiên. Hắn đã thoái vị, bỏ rơi thần dân và những công thần đã đưa mình lên ngôi. Chỉ còn lại gã với nỗi đau đớn nghẹn ngào và một mùa đông chẳng quan tâm đến chuyện gã nghỉ việc hay là bị đuổi.

Làm lễ năm mươi ngày cho mẹ xong xuôi, cô em gái vẫn chưa thấy gã đi. Đợi hết một trăm ngày, gã vẫn mang bộ mặt im lìm ở đó. 

“Bữa mô anh đi Hà Nội?” Đứa em gái suy nghĩ mãi mới dám hỏi khẽ gã. Trước nó chỉ hơi sợ thôi, nhưng bây giờ thì nó hãi cái vẻ lạnh lùng của anh nó thật sự. 

“Anh ở nhà.”

“Ở nhà là răng?”

“Ở nhà tức là không đi nữa.”

Tưởng nói chơi, hóa ra gã làm thật.

Sáng tinh mơ, khi đứa em gái còn ngủ gã xách dao, vác thuổng ra mảnh đất sát vệ đường làng mà mẹ hắn để trồng ngô lâu nay. Ngồi máy lạnh lâu ngày, ít vận động gã hì hục mãi mới phát quang được cái hàng rào đầy cỏ dại và cây cộng sản mọc dày um. Cả ngày hôm đó gã đào thêm được cái rãnh dẫn nước là cột sống như muốn gãy ra. Hai bắp đùi mỏi nhừ vì bất ngờ đang ngồi ung dung chợt bị đem ra đọ sức bền cùng sỏi đá. Gã trở về nhà trong thân xác mệt mỏi và tâm trạng mông lung.

Vét nốt số tiền còn lại trong tài khoản gã mua cọc thép, mướn thợ làm tôn về dựng lên một cái xưởng nho nhỏ có tên "Xưởng cơ khí Thất Hà”. Đứa em gái đứng trước cái nhà trống huơ trống hoác ái ngại nhìn gã. Gã bảo "Anh ở nhà mở xưởng, mi tìm chị dâu đi”.

Vị khách đầu tiên của xưởng cơ khí Thất Hà là một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, mặc chiếc áo gió đã nhục màu cháo lòng. Ông hỏi gã có biết động cơ 2,2Kw/220-380V dùng trong máy tách hạt nông nghiệp không? Gã cười ánh mắt xa xăm bảo cháu còn từng sống chết với ramjet (động cơ phản lực luồng tĩnh dùng trong chế tạo máy bay) nữa cơ. Vị khách gật gù, hóa ra Ju li ét cũng như chúng ta cũng đều phải tách hạt ngô cả!

Rồi ông ấy ngồi xuống cái ghế duy nhất trong xưởng, dùng tất cả trí tưởng tượng và khả năng mô tả của mình để nói cho gã nghe ý tưởng của ông - về một chiếc máy tách hạt ngô đơn giản cho vợ mình - bắp ngô được cắp vào một chiếc dùi nối với vòng xoay, khi quay bắp ngô sẽ cọ lên một bàn đinh cố định. Có thể vừa ngồi làm vừa nghe chương trình “Dân ca của đài tiếng nói Việt Nam” mà không sợ tiếng động cơ làm cho đinh tai nhức óc.

“Quay bằng tay thì ông hỏi cháu về động cơ 2,2Kw/220-380V làm gì?” 

Gã toan đứng dậy. 

“Tôi hỏi cho vui. Trước khi người ta nói chuyện về bóng đá cũng hay hỏi nhau có biết về Mẹc Xi với Rô Bảy còn chi nữa.”

Gã không cười nữa, giọng đã bắt đầu tỏ vẻ khó chịu:

“Vâng, thế bản vẽ của ông đâu?”

“Bản vẽ? Bản vẽ chi?”

Người đàn ông ngơ ngác.

“Bản vẽ cái máy tách ngô nghe được chương trình “Dân ca và đài tiếng nói” của ông ấy.”

Gã bực bội.

“Tôi không có bản vẽ, mà chẳng phải thợ cơ khí các chú là chỉ cần nghe khách nói là biết làm ra máy à?”

“Cháu là thợ cơ khí không phải là ảo thuật gia.”

Người đàn ông nhìn gã chòng chọc như nhìn thấy một cái máy tách hạt biết hát thật rồi bỏ về.


Vị khách thứ hai cũng là một người đàn ông. Anh ta trẻ hơn, chắc cũng tầm tuổi gã, nhưng nhìn lạ mặt. Lùng nhùng mãi mới cởi được chiếc áo mưa có một đầu vướng vào yên xe đạp, anh ta bước vào xưởng với vẻ mặt cáu kỉnh như bị chứng táo bón kinh niên. Quần áo trên người anh ta ướt nhem nhép bùn đất. Cái mũi đỏ và phổng phao như quả cà chua chín rục.

“Mưa chi mà mưa mãi rứa…”

Gã cũng mỉm cười, thay cho lời đáp. Đã là giữa tháng chạp, cái rét đổ đông đổ tây kéo về dồn dập. Bầu trời giăng đầy một màu ảm đạm, nhìn đâu cũng thấy mưa bay trắng xóa.

Lần này không phải đòi hỏi, vị khách của gã có mang theo bản vẽ hẳn hoi. Đó là hình ảnh của lưỡi cày ba mặt thường dùng trong máy cày hiện nay.

“Hôm mô thì lấy được?”

Anh ta hất hàm.

“Chắc phải tuần sau, anh để lại số điện thoại có gì tôi sẽ báo.”

“Điện thoại điện thiếc gì, ngày nào tôi chả đi qua đây.”

Anh ta cộc cằn lôi cái áo mưa ra tròng vào cổ. Cái áo lại bị vướng vào yên xe, tức tối, anh ta giật mạnh, cái áo toạc làm đôi để lộ ra tấm lưng lấm lem bùn đất.

Đơn hàng đầu tiên hoàn thành trước dự kiến tận hai ngày, dù gã chẳng để tâm lắm. Gã hờ hững nhìn cái lưỡi cày y chang bản mặt của lão giám đốc trung tâm nghiên cứu, lòng nổi sóng. Cảm giác đã từng tiếp xúc với những kỹ thuật tiên tiến nhất trong ngành khoa học hàng không và năm năm nghiên cứu các học thuật lý thuyết cao siêu nay lại về quê làm lưỡi cày, hàn xì, gia công khoan khoét mấy cái chuồng gà chuồng chó thật sự khó tả. Vẫn là những cảm xúc chán nản, buồn bã, rã rời như cái hôm nghỉ việc ở trung tâm dù đã chuẩn bị tâm lý trước cho sự hụt hẫng và chông chênh.

Buổi tối đang định về nhà, gã nghe thấy tiếng phanh xe đạp gấp gáp dừng lại trước cửa xưởng. Cáu Kỉnh ném cái lưỡi cày ba mặt xuống nền nhà, gương mặt đầy nước mưa và cả sự tức giận:

“Làm ăn chó chi mà không cày được rứa?”

“Có gì anh cứ bình tĩnh nói.”

Gã vừa lau dầu luyn trên ngón tay vừa thong thả nói. 

“Cái lưỡi ni không cày được.”

Hắn ta cố nhịn cơn tức đang tìm cách xông ra trên mặt.

“Tôi chỉ làm theo bản vẽ anh đưa…Cái chìa khóa đâu nhỉ?”

Câu nói của gã và thái độ hờ hững như là dấu hiệu của sự chối bỏ trách nhiệm đó đã mở khóa cho cơn tức xổ lồng. Cáu Kỉnh túm lấy cổ áo gã, quại luôn bốn đấm vào mặt. Vừa đấm, hắn vừa gào to:

“Con mạ mi làm ăn như rứa cũng dám lấy tiền của tao! Tao bảo làm một lưỡi cày, tức là nó phải cày được! Mi lớn lên ở đây, mi phải biết ruộng làng Đông mi khô khan, ít màu, lưỡi cày phải làm răng để lậm sâu vô đất, mà lưỡi cày mi làm chỉ hơn hớt ở trên. Ngu rứa còn bày đặt làm thợ! Thợ bợ đít tao.”

Sau trận đòn bất ngờ, gã phải nằm viện hai tháng vì bị gãy xương quai hàm. Dù không để lại di chứng nặng nề nhưng những cú đấm đó còn có tác dụng hơn cả bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Mặt gã được sắp xếp lại. Cái gò chân mày hạ thấp xuống, gò má bớt nhô, đôi mắt không bị kéo nhếch lên trông hiền khô và vô hại đến bất ngờ. Con em gái buổi sáng đi học, buổi chiều lên viện chăm anh. Cứ mỗi khi nó nhìn thấy gương mặt lạ kia đang đăm chiêu nó lại không kìm được mà bật cười. Không nói được, gã nạt nộ nó bằng hai cánh tay xương xẩu, con em gái lại càng cười to hơn. 

Cáu Kỉnh và vợ hắn cũng có đến thăm gã mấy lần. Dù chẳng bị ăn cú đấm nào, nhưng khuôn mặt hắn cũng như được “”phẫu thuật chỉnh hình”. Hắn cúi đầu xin lỗi rồi nắm lấy bàn tay gã tỏ ý xin gã đừng có làm lớn chuyện, đúng là “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”. Gã nhìn Cáu Kỉnh giờ cũng hiền khô cùng người vợ bụng to vượt mặt đang ngồi khóc như mưa, thở dài:

“Bao giờ cần làm lưỡi cày lại ra tôi.”


Gương mặt không phải là thứ thay đổi duy nhất trong gã.

Sau khi xuất viện, hành tung của gã trở nên bí ẩn. Gã ra khỏi nhà khi trời còn đen kịt và chỉ trở về khi nhà đã sáng đèn.

 Mấy bận con em gái ra xưởng tìm đều thấy khóa cửa im ỉm, ngoài hiên ngổn ngang lưỡi cày hỏng và sắt thép han gỉ. Nó lại bắt đầu sợ và nghĩ anh nó có khi phải trải qua nhiều cú sốc quá dẫn đến sa sút tinh thần quá mà nghiện ngập rồi cũng nên. Bây giờ cha mẹ không còn nữa, nếu anh nó cũng sụp đổ thì nó còn biết trông cậy vào đâu.

Sáng hôm sau, gã vừa nai nịt ra khỏi nhà là con em gái cũng khóa cửa cẩn thận đi theo sau. Gã ra xưởng, vác trên vai một bao tải gì đó trông nặng lắm, bước chân bị ghìm lại nhưng trong bóng tối gã vẫn bước từng bước chắc nịch.

Con em gái ra đến đầu Cốm Vòng thì gã đã bắt đầu lội xuống ruộng Ao Bồng. Không giống như những khu ruộng khác, Ao Bồng rộng lớn nhưng nước sâu, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, còn lại thì để hoang. Cỏ năn, cỏ lác mọc thành rừng. 

Dưới cái ao mênh mông nước lạnh cóng, một bóng người nữa cũng đang ì oạp bên cạnh khối sắt đen xì kêu tạch tạch, ầm ầm.

“Anh ơi! Anh ơi!”

Đứa em gái đứng trên Cống Vòm gọi anh nó.

Gã tắt cái máy cày, bảo với Cáu Kỉnh:

“Chắc nó bị kẹt dây curoa rồi, với cả cái lưỡi này tôi thấy vẫn chưa đủ dài.”

Rồi gã vẫy tay ra hiệu:

“Về chuẩn bị đi học đi. Cơm anh cắm rồi đấy.”

Trời đã tạnh mưa từ đêm. Một khối đỏ hồng, tròn vo, ấm nóng từ phía đông trồi lên. Ánh sáng bừng lên, dù trời vẫn còn rét. Và nhờ có ánh sáng rực rỡ đó mà con em gái nhìn thấy một nụ cười vừa mới nở trên môi anh trai.









0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout