Đại Việt, những năm cuối thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Xứ Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát ham mê tửu sắc, bị loạn thần Trương Phúc Loan thao túng triều chính. Hắn ra sức vơ vét tài sản, sưu cao thuế nặng, hà hiếp dân lành, đưa phe cánh lên nắm mọi chức vụ, đẩy quân trung vào cảnh nhà tan cửa nát.
Bấy giờ ở làng An Hải thuộc tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn [1]. Trần Tấn vốn thuộc dòng dõi thế gia ở khu Hoài Ân phủ Bồng Sơn, cũng vì bị phe cánh của Trương Phúc Loan chèn ép, mà một thân văn võ kiêm toàn như hắn phải bỏ xứ tới làng An Hải làm thầy đồ dạy học, sống một cuộc sống cơ hàn ở ẩn chốn sơn thôn.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu…” [2]
Trong cái chòi tranh xiêu vẹo nằm giữa làng, tiếng Trần Tấn theo gió tản ra, văng vẳng tới tận đỉnh Sơn Trà. Hơn chục người học trò, có nam, nữ, già, trẻ, quần áo rách rưới, khuôn mặt lấm lem, hốc hác như những con ma đói đang ngồi bệt dưới đất mở hội bàn đào. Nhưng điểm chung là tất cả những cặp mắt trao tráo kia đều đang sáng rực, lấp lánh đầy vẻ sùng kính nhìn lên Tấn.
“Dù đời nào cũng vậy, người đọc sách phải hiểu cốt Nhân - Nghĩa đi đầu. Kẻ chí lớn phải biết lấy dân làm gốc. Dân ra binh, ra tướng, ra cơ đồ thịnh trị. Dân mà loạn, ắt vận quốc nguy nan.”
Tấn cầm tập thẻ tre yên vị trên chiếc ghế gỗ, ánh mắt sắc bén như đao bao quát xuống toàn bộ học đồ.
“Dạ thưa Thầy, muốn lấy dân làm gốc thì phải bắt đầu từ đâu?”
Ở bên dưới, một người trung niên độ chừng năm, sáu mươi tuổi, có vẻ ngẫm nghĩ rồi hỏi. Thầy Tấn trầm ngâm một hồi, sau đó chậm rãi viết xuống đất một chữ “Thực”.
“Thực?” Người kia đọc nhẩm trong miệng, nghi ngờ nhìn Trần Tấn kính cẩn: “Dạ thưa Thầy, cớ sao lại là thức ăn?”
Đoạn, hắn như muốn nói thêm gì đó, nhưng lời chưa ra khỏi miệng lại thôi. Trần Tấn thấy vậy, mỉm cười nhìn người đàn ông gần gấp đôi tuổi mình, lễ độ phất tay đáp:
“Mời chú Lang cứ nói tiếp chớ ngại, việc học ắt cần thắc mắc mới là phải đạo.”
“Dạ thưa Thầy, nếu có ăn nhưng bị ác bá đàn áp, tham quan đày đọa liệu có thể an dân?”
Nghe thế, Trần Tấn mỉm cười gật gù: “Đó chính là lý do để ‘dân chúng’ và ‘triều đình’ luôn song hành tồn tại.”
Nói đoạn, hắn dừng lại một chút rồi tiếp tục.
“Triều đình bên trên có Vua, có Chúa. Bên dưới chủ vẫn là phân hai nhánh quan văn, võ tùy tài… Võ quan lãnh binh dẹp loạn trong ngoài, chủ chốt nơi tuyền tuyến. Quan văn phụ trách hậu phương, nòng cốt yên dân chính là từ đây.”
Hết câu, Tấn thở dài một hơi rồi nhìn xuống người trung niên tên Lang kia hỏi.
“Để binh lính có sức chiến đấu thì cần gì?”
“Dạ cần đồ ăn thưa Thầy.”
“Ta vừa nói binh từ đâu mà sinh?”
“Dạ thưa từ dân mà ra.”
“Vậy nếu để dân chết đói, khi đất nước loạn lạc ai có sức để gánh vác?”
Nói đến đây, không đợi người kia trả lời Trần Tấn lại tiếp tục: “Sẽ không có ai cả. Muốn nước mạnh phải để dân đủ ăn, đủ mặc. Dân khốn cùng sẽ sinh tâm phản kháng, loạn lạc từ đó mà ra.”
Dừng lại một chút, y nhỏ giọng.
“Hiện tại các mi có đói, có khổ không?”
“Dạ có thưa Thầy.” Không chờ Tấn hỏi riêng ai, tất cả mọi người đều đồng thanh đáp. Lời nói như tiếng trống vang dội, đánh ra bốn phương tám hướng, đánh cả vào trong thâm tâm của mỗi người ngồi đây.
Trần Tấn như đã đoán trước sẽ có câu trả lời này, ánh mắt hắn càng thêm sắc bén nhìn hết mọi người một lượt, rồi gật đầu tỏ vẻ đồng ý.
“Vậy nếu bây giờ có bậc kỳ tài dựng binh, ở đây có ai dám đứng lên sao?”
Cả mái chòi thoáng chốc rơi vào tĩnh lặng, tất cả mọi người đều ngó nghiêng nhìn nhau, sau đó lại gục đầu không dám ngẩng mặt. Trần Tấn cũng im lặng, ánh mắt trong vắt của hắn như đọc được suy nghĩ từ đám đông. Y khẽ lắc đầu, thở dài tự giễu: “Mọi người đều giống như ta, đều là những kẻ hèn nhát, sợ chết!”
Đúng lúc này, một giọng nói có phần non nớt vang lên, cắt ngang suy nghĩ của Trần Tấn.
“Sẽ có, chắc chắn sẽ có thưa Thầy.”
Hắn đưa mắt nhìn xuống đứa trẻ vừa lên tiếng, sắc mặt không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, cười hỏi: “Niên à, Con cứ nói tiếp những gì con nghĩ.”
Nghe Tấn nói, Niên chỉ độ mười bốn tuổi, người như que tăm, ốm đến mức khuôn mặt chẳng khác gì cái đầu lâu khoác thêm lớp da, vội đứng dậy cúi người đáp: “Thưa Thầy, chỉ cần có ‘minh quân’ đứng lên, Niên nguyện dùng mạng mình để cống hiến.”
“Vậy con có định tự mình làm một minh quân không?”
Nghe thế, khuôn mặt tong teo của Niên nhăn lại, giọng nó chùng xuống chán nản đáp: “Dạ thưa Thầy, cha má mất sớm, con ở với ông nội, ăn còn không đủ thì làm sao nuôi nổi quân!”
Trần Tấn gật gù thở dài, chuyện về Niên hắn cũng có nghe qua. Cha cậu từng đỗ tú tài, làm đến chức quan Tri huyện, cũng là một bậc trung nghĩa vì nước thương dân. Nhưng bởi tranh đấu chốn quan trường, bị phe cánh của Trương Phúc Loan âm hại khiến cả nhà bị xử chém. May mắn cha Niên nhìn xa trông rộng, vốn giữ kín chuyện ông đã có con trai nối tự, nhờ vậy Niên mới nhặt được một mạng sau trận thanh trừng kia. Tấn thở dài, không cố đào sâu thêm chuyện này nữa.
Liếc nhìn sắc trời đã tối mịt, hắn khẽ giọng: “Được rồi, hôm nay tới đây thôi, ngày mai ai rảnh có thể đến để học về đao pháp.”
Nghe thế, cả đám người vội đứng dậy làm lễ cúi chào, sau đó mới nối đuôi nhau lục tục ra về.
*
Nhà Tấn nằm trên ngọn đồi nhỏ gần cuối làng An Hải. Phía Đông hướng ra biển hứng trọn ánh bình minh; đằng Tây lại có thể thong dong nhìn cảnh mặt trời lặn nơi sông Hàn thơ mộng; phương Nam là dãy Sơn Trà trập trùng, mây sương mờ ảo vô cùng đẹp đẽ; đằng Bắc đón lấy gió trời lồng lộng, bốn mùa mát mẻ, hoa rừng, cỏ dại khoe sắc quanh năm. Tấn về tới nhà đã là cuối giờ Dậu, trời tối như mực, không gian xung quanh tựa mảnh lụa đen huyền bí. Hắn từ trên sân đưa mắt nhìn xuống, làng An Hải trơ trụi như mảnh rừng lâu ngày chẳng được chăm sóc. Chút ánh sáng le lói từ vài căn bếp lụp xụp, chỉ đủ cho Tấn lờ mờ hình dung được những mái nhà tranh xiêu vẹo, cảm giác chỉ cần một cơn gió mạnh cũng có thể khiến nơi này trở thành một đống đổ nát.
Trong căn nhà đất, vợ chồng Tấn ngồi bên ánh đèn nhựa thông lờ mờ, ở giữa là mâm cơm chỉ có vỏn vẹn ít rau dại với hai củ sắn[3] vẫn còn tỏa hơi nóng. Hy ngồi thẫn thờ trước mâm cơm, có vẻ rầu rĩ hỏi chồng: “Chàng dự định thế nào? Chẳng lẽ chúng ta cứ trốn mãi nơi này sao?”
Nghe thấy lời cô, Tấn thở dài một hơi, cũng không trả lời ngay mà cầm lấy củ sắn luộc cắn một miếng. Ở bên cạnh, Hy thấy chồng mình lặng thinh cũng chẳng hối ép, đến khi cô định đứng dậy thì Tấn mới lên tiếng: “Ta tính đợi nàng sinh xong thì chúng ta rời khỏi đây. Hiện tại bên ngoài loạn lạc, mình trốn nơi thâm sơn hẻo lánh này bọn quan lại nó ít ngó tới, nên tạm thời còn giữ được an toàn.”
Hy mỉm cười, khẽ gật đầu, cũng không nói thêm lời nào. Cô nhẹ nhàng xoa xoa dưới bụng đã căng tròn của mình, trong ánh mắt thoáng hiện vẻ trông mong, xen lẫn một chút lo lắng khó giấu.
Trái ngược với sự tĩnh lặng ở làng An Hải, Phủ huyện lúc này vui như trẩy hội, đèn đuốc sáng trưng, lính gác tuần vệ nghiêm ngặt. Tại sảnh đường, Trương Thuận ngồi trên ghế chủ vị, mắt dẹp đang cố trợn to nhìn đám ca nữ nhảy múa giữa sảnh. Trong khi đó ở bên cạnh, hai ả đào kẻ dâng rượu, người gắp thịt, cơ thể lõa lồ dán sát vào người hắn. Trương Thuận sức trẻ sung mãn, miệng nhâm nhi rượu ngon, tay thỏa sức sờ nắn, “du ngoạn”, “tung hoành” khắp “chốn bồng lai”, miệng cười khoái chí không ngớt.
Hắn được ăn chơi, đàn đúm như vậy ở Phủ huyện, cũng chính là nhờ tới phần quan hệ cháu đời thứ tư với Trương Phúc Loan. Mới mười tám tuổi đã được giữ chức Tri huyện, quản lý toàn bộ vùng Diên Phước, trong đó có cả làng An Hải cũng thuộc địa bàn của y. Không chỉ Thuận, mà đám thân bằng quyến hữu, trong đầu chẳng có lấy một chữ vắt óc của hắn cũng được thơm lây. Ai nấy đều trở thành quan lớn, thỏa sức tung hoành, vơ vét tài sản dân đen.
Chẳng nói đâu xa, tất thảy hết ba, bốn tên Cai tri [4], Đề lại [5], Thông lại [6] đang ngồi bên dưới đều nhờ được Thuận tiến cử mà lên. Bên cạnh mỗi tên đều có một, hai ả đào. Cô nào cô nấy đồi núi trập trùng, quần áo có cũng như không đang ra sức ưỡn ẹo, dùng miệng mớm rượu mua vui cho bọn chúng.
“Dạ xin kính Trương Thuận Tri huyện, cùng các Quan ở đây một ly. Lần này bề tôi nhờ ân đức của quan Thuận, nên mới có thể cá chép hóa rồng. Tương lai, tôi xin nguyện góp hết sức lực để làm việc cho ngài ạ!”
“Được rồi Tráng, ở đây đều là người mình mi không cần khách sáo.” Trương Thuận nhìn xuống người vừa lên tiếng, lơ đãng phất tay nói. Tráng nghe vậy vội dập đầu tạ lễ, kính cẩn nâng chén rượu tự phạt mình một ly.
Phía trên, Thuận cũng không để ý đến hắn nữa, quét mắt nhìn về phía người trung niên ngồi ở hàng ghế đầu tiên dò hỏi. “Trương Mẫn, việc hoạch định tô thuế ở hai làng An Hải cùng An Khê đã xong chưa? Quốc phó vừa ban lệnh, thuế nông điền năm nay phải thu bù cho mười năm trước nữa. Ngoài ra còn các loại thuế khác như: Thuế đinh, thuế tử, thuế muối, thuế vải… cũng phải thu về. Mi nhanh chóng cho người bên dưới đi làm việc này, nếu không bên trên trách tội, ta cũng không bảo vệ mi nổi đâu.”
Trương Mẫn giữ chức Cai tri, đang ngồi bên dưới “bận bịu” với ả đào. Nghe Thuận nói, hắn liền đẩy cô ả ra, chắp tay khẽ cúi người đáp: “Dạ bẩm Quan, bề tôi đã cho người tiến hành kiểm tra lại nhân khẩu của hai làng này rồi ạ. Ngoài ra, tôi còn có tấu sớ muốn trình lên Quan ạ.”
Nghe thế, Trương Thuận cũng có chút tò mò, nhướng mày nói: “Ồ! Nếu không phải chuyện tuyệt mật thì cứ nói luôn ở đây đi.”
“Dạ bẩm Quan, dựa trên tình hình tô thuế hơn hai năm nay, vấn đề thuế đinh có chút khó khăn. Đinh tráng ở các làng hiện tại rất ít, vì thế bề tôi xin đề nghị chúng ta cứ chuyển từ thuế đinh sang thuế thân. Từ nam tráng tính sang đầu người, bất kể già trẻ, nam nữ. Như thế chẳng phải lợi hơn sao?”
Nghe Trương Mẫn giải thích, ánh mắt Trương Thuận lóe lên vẻ tham lam, vỗ tay khen. “Tốt! Ý kiến rất hay, cứ theo đó mà làm ha ha.”
Nửa tháng sau, Trương Mẫn sai Trương Văn Khôi đang giữ chức Thông lại, hỗ trợ hắn sự vụ tô thuế ở làng An Hải. Đến độ cuối năm, Khôi dẫn theo binh lính bắt đầu tiến hành trưng thu tất cả các loại thuế do phía triều đình, cũng chính là Trương Phúc Loan ban hành. Trước đó vài ngày, Trương Văn Khôi cho người ra thông cáo, lệnh hơn trăm hộ dân nơi làng An Hải phải chuẩn bị đầy đủ tiền hoặc hiện vật nộp thuế cho Chúa. Kẻ nào kháng lệnh nhẹ thì bị phạt năm mươi gậy lớn, nếu không chết cũng thành tàn phế, nặng thì thậm chí có thể lôi đi chém đầu nêu gương.
Trước cổng làng, Khôi một thân quan phục tươm tất, chân đạp giày vải khảm ngọc, đầu đội mũ bình đính gắn đầy vàng bạc, sáng đến chói cả mắt. Lều trại, võng nằm đều đã được đám lính lệ chuẩn bị sẵn, nên vừa đến nơi hắn liền chui thẳng vào trong, theo sau còn có một ả đào ngực nở mông to vô cùng xinh đẹp.
Dân trong làng không cần đợi binh lính đánh kẻng cũng biết hôm nay là ngày đóng thuế, ai nấy mặt mày sa sầm. Thậm chí đêm qua đã có bốn người vì túng quẫn, biết trước kết cục của bản thân nên quyết định gieo mình xuống sông Hàn để được chết toàn thây. Hầu hết những người này chẳng có một cắt dính túi, trong nhà đến rễ cây cũng chẳng còn huống gì tiền bạc hay đồ đạc khác mà nộp thuế cho quan. Những hộ dân còn lại cũng chẳng khá khẩm hơn, năm nay mùa màng thất bát, nắng đến quá nửa năm ròng chẳng có nổi giọt mưa, cả cây xương rồng còn chết khô chết héo thì lương thực lấy đâu mà tồn tại. Vốn họ không nối gót bốn người kia bởi ai cũng còn có gia đình, chứ nếu cả làng đều một thân một mình, thì có lẽ sông Hàn hôm nay cũng phải đổi hướng do bị xác người lấp kín.
“Mậu, mi cầm sắc lệnh đọc cho đám mọi rợ kia nghe đi.” Trương Văn Khôi vứt cuộn chiếu lệnh cho tên Cai thuyền [7] đang đứng cạnh mình, còn hắn thì vẫn lim dim trên võng, hưởng thụ cái khoái cảm từ cơ thể mềm mại của ả đào trẻ đi cùng. Ở bên ngoài, dân chúng nghe được tiếng kẻng triệu tập đã vây lại chật ních. Nhìn thấy tên Mậu từ trong lều cầm chiếu lệnh đi ra, tất cả đều cúi người lễ phép chào hắn một tiếng.
Còn Mậu tuy chỉ là một tên lính quèn, nhưng cậy có quan trên chống đỡ nên lên mặt, hếch hàm phun một bãi nước bọt vào cụ già đứng đầu tiên, miệng gào to chửi lớn.
“Cái đám nghèo hèn chúng mi không biết xếp hàng hay sao? Muốn bị đòn roi đúng không? Cho chúng mi ba tiếng đếm, xếp thành bốn hàng nghe ta đọc chiếu lệnh tô thuế. Một, hai…”
Mậu vừa bắt đầu đếm, cả đám gần trăm người bên dưới liền nháo nhào, nhanh chóng xếp thành bốn hàng dài. Mặt mày ai nấy đều sợ hãi, vì những đợt thuế trước tên này cũng hay kiếm chuyện gây khó dễ với bọn họ. Có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, cái thế sự nhiễu nhương khiến tình người cũng mai một. Ngày xưa khi Mậu còn khốn khó, hắn cũng từng là một tên nông quê hiền lành chân chất, ai muốn nhào nặn thế nào thì tùy. Ấy vậy mà chỉ vài năm làm lính, Mậu ngày trước đã bị cái thế thời này “giết chết”, trả lại cho đời một kẻ cậy quyền, chẳng còn nhân tính, chẳng giữ tình người như hiện tại.
“Lôi thằng già kia ra đánh hai mươi gậy lớn cho ta.”
Lần này cũng vậy, Mậu chỉ tay vào một cụ già đã đến độ thất tuần, người gầy tong teo, bộ dáng yếu ớt như ngọn cỏ trước gió hét lớn. Đám lính lệ canh gác xung quanh nghe lệnh, liền có hai tên cầm gậy hùng hổ xông tới. Cụ già kia thì sợ hãi, vội vàng quỳ rạp xuống đất khóc lóc van xin: “Kính xin các vị Quan trên tha cho bề tôi. Lão già cả chậm chạp, kính xin các ngài châm chước lần này.”
“Không nói nhiều, đánh đủ cho ta. Lấy mi làm gương, kẻ nào không nghe lệnh tự chuốc lấy hậu quả.”
Mặc cho lão van khóc, Mậu không chút mảy may mở lòng thương xót, vẫn hếch hàm lệnh hai tên lính kia tiếp tục hành hình.
Bên cạnh ông lão, thằng Niên nãy giờ vẫn đứng yên thấy hai tên lính lệ áp sát tới, nó hoảng hồn vội vàng chạy ra chắn trước mặt lão già, quỳ rạp giơ tay ngăn cản bọn chúng, miệng thì la khóc rống lên như cha mẹ chết: “Dạ thưa Quan ơi, con van lạy Quan trên tha cho ông nội con. Nhà chỉ còn hai ông cháu, ông con nhiều bệnh sống nay chết mai, giờ Quan đánh chết ông con thì con cũng chẳng có nổi tiền để tô thuế cho Quan. Con xin Quan, con lạy Quan, tha cho ông con lần này. Nếu đánh thì hãy đánh con đây, con xin nhận phạt thay ông.”
Thấy cảnh này, những tưởng Mậu sẽ mủi lòng mà bỏ qua cho ông cháu Niên, ai ngờ hắn như bị động kinh, mặt mày trợn trừng bước nhanh tới vung chân đạp mạnh vào mặt Niên một cái.
“Mẹ thằng mọi rợ ở đâu ra, dám kháng lệnh ta. Bọn mi lại đây, ngay cả thằng này cũng phạt hai mươi gậy lớn.”
Ở giữa đám đông, Trần Tấn chứng kiến toàn bộ cảnh này, hắn siết chặt nắm tay, lòng căm phẫn vô cùng. Hít sâu một hơi, y quay sang nói nhỏ với người trung niên bên cạnh mình: “Này Linh, anh giúp em chạy về nhà, bảo vợ em chuẩn bị ít đồ, sau đó gọi thêm những người mà em nói với vợ đêm qua, cố gắng men theo đường rừng tới cây đa ở chân núi Sơn Trà chờ bọn em.”
Nghe Tấn nói, người tên Linh kia giật mình quay lại đè thấp giọng, gằn từng chữ hỏi: “Này, mi định làm gì? Chẳng lẽ…”
Nói đoạn, như nghĩ tới chuyện gì đó, ánh mắt Linh tràn đầy vẻ sợ hãi. Hắn liếc nhìn về đám binh lính gươm đao sáng loáng đang đứng phía trên, sau đó mới quay lại, giọng càng nhỏ hơn nói tiếp: “Mi điên rồi Tấn, tao biết mi có võ, nhưng bọn nó tới hơn hai mươi thằng, còn có cả đao kiếm, mình mi xông lên là chết chắc. Lúc đó con Hy vợ mi, cùng đứa con trong bụng nó ai lo?”
“Anh yên tâm, em với chú Lang, ông Tâm, thằng Khánh, bà Mận… cùng cả thằng Niên đều chuẩn bị rồi. Cả làng mình bây giờ đến một hạt thóc, một cắt bạc cũng không có thì lấy gì nộp thuế? Lần này mình không phản thì bọn nó cũng giết hết hơn nửa làng. Vốn em định nghĩ cách xin bọn nó thư thả thêm vài ngày để chuẩn bị thêm, nhưng tình cảnh như giờ thì hết cách rồi! Giờ em mà không làm gì thì ông cháu thằng Niên chết chắc.”
Nói tới đây, Tấn có chút do dự dừng lại nhịp, rồi lại tiếp tục: “Nếu chẳng may trong chúng em có ai nằm lại, bà con mình cứ mang xác chúng em đi nộp cho Quan trên. Cứ nói bọn em tạo phản, dân làng hỗ trợ bắt giết. Có khi chúng nó nương tay, thư thả cho làng mình thêm mấy tháng.”
Nghe Tấn nói, Linh tuy còn lưỡng lự, nhưng qua vài cái tích tắc cũng đành thở dài gật đầu. Hắn bất ngờ giơ tay lên cao, la to giả vờ bị đau bụng, sau đó vội xin đám lính cho ra khỏi hàng để đi giải quyết.
Ở bên trên, Linh vừa rời đi không lâu thì thằng Niên cùng ông nội nó cũng bị đám lính lệ lôi xềnh xệch đến bãi đất trống kế bên. Vừa tới, tên lính chẳng chút thương tiếc vung chân đạp mạnh ông cháu nó ngã úp xuống đất. Hai tên lính đi sau cầm cây gậy lớn như cánh tay, lập tức vung lên nhắm vào lưng hai người mà đập mạnh xuống.
“Viu…”
“Vút…”
“Phốc.”
“Phốc.”
Bốn âm thanh nối đuôi nhau đồng loạt vang lên. Hai mũi tên từ trong bìa rừng cạnh đó phóng vút ra, cực chuẩn xác găm thẳng vào sọ hai tên lính lệ đang vung gậy cao quá đầu người.
Thời gian như đọng lại, khóe miệng bốn tên lính lệ đang hành hình vẫn còn giữ nụ cười lạnh; dân làng bên dưới thì tất cả đều gục mặt chẳng ai dám nhìn lên; tên Mậu cùng đám lính khác đang lắng tai nghe những tiếng rên rỉ dâm dục, phát ra từ trong lều vải. Đến khi hai tên lính lệ cầm gậy ngã khụy xuống đất, phát ra tiếng “uỵch” rõ to mọi người mới giật mình tỉnh lại.
Tiếng ngã như còi lệnh, chỉ thấy Tấn đang đứng giữa đoàn người lập tức rút thanh đao to, dài đến hơn nửa thân giấu ở sau lưng ra. Hắn như viên đạn pháo lao xuyên qua đám đông, nhắm thẳng vào tên lính lệ gần nhất chém tới. Kẻ đó còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị một nhát đao chẻ đôi mà bỏ mạng. Máu tươi từ tên lính văng ra bốn phương tám hướng, đám dân làng chứng kiến cảnh này lập tức trở nên hoảng loạn la lớn, lui hết về phía sau. Không cần Tấn ra hiệu, chú Chánh cùng bốn, năm người khác cũng đã bắt đầu hành động, toàn bộ rút ra vũ khí mình có xông vào đám lính gần đó mà đâm, mà chặt, mà chém…
Ở bãi đất trống, vừa nghe tiếng người ngã, gậy rơi, Niên lập tức lăn sang một bên. Ngay lúc đó, lưỡi đao của tên lính lệ khác chém thẳng xuống vị trí nó vừa nằm khiến đất đá bắn ra tung tóe. Chớp lấy thời cơ này, Niên rút con dao nhỏ giấu sau lớp áo dày dệt từ vỏ cây, nó vung chân đạp mạnh lấy đà, như con nhạn lao vút về phía tên lính vừa toan giết mình. Kẻ kia thấy Niên lao tới, trong lòng đắc ý không né tránh mà vung đao lên, định lợi dụng ưu thế tầm tay dài để chém chết nó trước.
“Phốc.”
Niên còn chưa tới nơi, một mũi tên từ hướng bìa rừng đi sau tới trước, găm thẳng vào đầu tên lính này. Gã trợn trừng, con ngươi ngấn lệ, môi mấp máy nhìn Niên như muốn trăn trối điều gì đó nhưng tất cả đều đã muộn.
“Phản rồi, thằng già chết đi.”
Không đợi Niên có hành động gì, âm thanh một tên lính khác đang đứng gần đó hét lớn làm nó giật mình bừng tỉnh. Vừa quay lại, thứ đập vào mắt Niên là tấm lưng gầy còm của ông nội mình đã bị chặt ra làm đôi, chỉ còn lủng lẳng một ít da dính lại. Nội tạng, máu thịt hòa lẫn vào nhau tràn ra hai bên nền đất.
“Ông nội…”
Niên la lớn, chẳng màng nguy hiểm bật dậy lao thẳng về phía ông mình. Tên lính kia thấy thế cười lạnh, cầm kiếm nhào tới định đâm chết thằng nhóc chán sống này. Nhưng vừa chạy được vài bước, hắn đã nghe thấy tiếng gió rít vang sau lưng. Tên lính vừa xoay người thì mũi tên đã cắm phập vào hốc mắt, hắn chỉ kịp rên lên một tiếng liền đổ gục xuống đất, bỏ mạng.
Gần đó, Niên ôm chặt ông mình, khóc rống lên như con sói nhỏ lạc bầy, đầy tuyệt vọng.
“Ông nội, ông đừng bỏ con mà! Con không muốn sống một mình, ông đừng bỏ con như cha má đã từng làm. Ông đừng bỏ con mà, ông tỉnh lại đi ông nội…”
“Niên bình tĩnh lại, giết chết đám lính trả thù cho ông Năm.”
Tiếng nhắc nhở của Tấn vang lên làm Niên bừng tỉnh. Nó xoay người lại, thấy kẻ thù giết ông mình đã chết, nhưng tên Mậu là kẻ chủ mưu vẫn sống sờ sờ đằng kia. Trong mắt Niên lóe lên ngọn lửa thù hận, dẫu vậy nó cũng còn đủ lý tính để không lập tức nhào tới liều mạng với Mậu. Niên nắm chặt dao găm, như con báo rình mồi lăm le sang vài tên lính lệ vẫn còn chưa kịp hành động ở gần đó.
Cạnh lều vải, Mậu lúc này đã hoàn hồn trở lại. Thấy tình cảnh trước mắt, hắn giật mình quát lớn: “Làng An Hải phản rồi, giết, giết hết chúng nó cho tao.”
Vừa hét, Mậu vừa định rút kiếm xông lên, nhưng còn chưa kịp làm gì thêm thì bên trong lều vải đã vang tiếng la thất thanh của ả đào.
“Aaaa, chết người rồi!”
“Có chuyện gì? Thôi chết, ngài Thông lại có chuyện rồi!” Mậu hốt hoảng thì thầm, rồi vội vàng lao vào lều.
Bên trong, mặt mày ả đào tái nhợt, toàn thân run rẩy. Đôi mắt ả hoảng loạn, dán chặt vào Trương Văn Khôi đang nằm bất động trong vũng máu. Trên lưng hắn cắm chằng chịt sáu, bảy mũi tên, trông chẳng khác gì chiếc bia tập bắn. Máu trên người y vẫn đang chảy không ngừng, đỏ thẫm, loang lổ khắp sàn.
“Đội trưởng, đám dân... Aaaa cứu ta…”
“Giết chúng…”
“Nhanh hỗ trợ ta…”
“Cứu mạng, tha cho ta…”
Bên ngoài, tiếng la hét hỗn loạn của đám lính lệ không ngừng vang lên, nhưng lúc này Mậu chẳng còn tâm trí để bận tâm đến những âm thanh ấy. Ánh mắt hắn dán chặt vào ả đào đang co rúm trong góc lều. Giọng hắn khàn đặc, pha chút run rẩy, cất lên: “Đây… đây là có chuyện gì?”
“Dạ dạ bẩm Quan. Thiếp… thiếp cũng không biết...”
Nghe ả ấp úng, Mậu tức giận hét lớn: “Con điếm, sao mày không chết luôn đi?”
Dứt lời, hắn bất ngờ vung kiếm chém thẳng xuống, tách đầu ả đào ra khỏi cổ. Máu phun thành tia dài, đỏ thẫm, nhuộm ướt cả một phần vách lều vải. Giết người xong, cũng không có ngừng lại kiểm tra xác của Trương Văn Khôi, Mậu siết chặt thanh kiếm, gấp gáp lao thẳng ra ngoài.
Vừa rời khỏi lều, hắn lại thêm lần nữa giật mình sợ hãi, tim muốn rớt ra. Chắn trước lều là hai đồng đội của Mậu, người chúng chằng chịt vết thương, giáp sắt cũng chẳng còn nguyên vẹn, đầu bị hai mũi tên bắn xuyên qua, gục vào nhau mà chết. Ở đằng xa cũng là năm, bảy cái xác nằm đè lên nhau, trong đó chỉ có một, hai xác là của đám dân đen làng An Hải.
Mậu đưa mắt nhìn đến trung tâm trận chiến, nơi đó Tấn đang cực kì nổi bật giữa đám đông, chẳng khác nào một tên đồ tể, người y dính đầy máu đang cầm thanh đao to, vung lên liền chém chết một tên lính lệ. Ở xung quanh, Chánh, Niên cùng với ba bốn người khác cũng như bầy thú nổi điên. Người cầm cuốc, cầm rựa, kẻ cầm rìu, cầm gậy… thế như ong vỡ tổ đuổi giết đám lính đã quen với sự xa hoa. Bọn chúng chẳng còn cái vẻ uy quyền thường ngày mà chỉ biết rút lui, hoảng loạn chạy về phía rừng rậm hòng tìm cách thoát thân. Mậu bủn rủn tay chân, chẳng còn chút ý chí chiến đấu. Nhân lúc đám đông hỗn loạn, hắn vòng ra sau lều rồi theo hướng Phủ huyện thục mạng mà chạy.
“Chém, tao chém, tao giết, tao giết hết đám chó đẻ chúng mi trả thù cho ông nội tao.”
Niên như kẻ điên, thân nó cao không quá bốn thước [8], đang cầm cây rựa còn dài hơn cả người mình nhắm tới một tên lính lệ vừa hét vừa chém loạn xạ. Cạnh gần đó, bà Mận cùng thằng Khánh cả hai đều chằng chịt vết thương, máu chảy đầm đìa nhưng cũng mặc kệ đau đớn. Bà cầm cuốc, thằng Khánh vung gậy, hợp lực đánh một tên lính khác chẳng còn sức chống trả. Tấn cùng chú Lang giỏi võ nhất làng nên tiên phong, chặn đứng sáu tên lính khác. Còn ông Tâm thì thủ sẵn hai cây nỏ, đang ẩn mình trong bụi cây cách vòng chiến không quá xa, chỉ chờ có kẻ nào sơ sẩy lão liền ra đòn chí mạng.
Qua nửa giờ cuồng chiến, toàn bộ hai lăm tên lính lệ bị nhóm sáu người của Tấn giết chết. Cơ thể rã rời, Tấn cố gượng người đứng trên bàn cao do đám lính mang tới, gằn giọng nói lớn: “Năm nay làng ta thất thu, Quan trên lại đặt tô thuế hà khắc. Nhớ năm ngoái, hơn hai bảy hộ dân nợ thuế, trai tráng bị bắt đi làm lính nơi tuyền tuyến, đến nay tất cả bọn họ đều đã chết. Gái thì bị bán đi làm đào làm điếm, mua vui cho đám quyền quý. Hộ nào toàn người già lại bị chúng đánh đập, hành hạ đến chết mới thôi. Tôi còn nhớ rõ như in chuyện con Lộc nhà cụ Lý bị chúng nó bắt đi. Ngày hôm sau trở về chỉ là một cái xác không hồn, cơ thể trần truồng, dịch nhầy của đám cầm thú kia vẫn còn chưa khô, dính khắp người con bé vừa tròn mười lăm tuổi.”
Lời hắn nói như nhát dao xoáy sâu vào lòng mỗi người, không ngừng khơi gợi lại những nỗi đau, mất mát mà cả làng từng gánh chịu.
Tấn hít sâu một hơi, nhấn mạnh: “Chúng ta không thể tiếp tục sống trong nỗi sợ hãi này. Nếu không đứng lên chống lại, chúng ta khác chi những cái xác đang chờ đến ngày được chết. Con cháu của chúng ta, ngày mai có thể sẽ giống như con Lộc và biết bao nhiêu người khác đã chịu chung số phận. Tương lai của chúng sẽ ra sao nếu hiện tại chúng ta không làm gì? Bà con ở đây nếu ai nguyện ý thì theo chúng tôi vào nơi rừng sâu tạm thời lẩn trốn quân Chúa, xây dựng lực lượng chống lại ách thống trị tàn bạo của Trương Tần Cối[9]. Những người khác nếu không muốn đi thì có thể ở lại, mang tin tức hướng đi của chúng tôi ra nộp cho Quan trên làm bia đỡ đạn, chắc chúng cũng sẽ không làm khó dễ mọi người.”
Trần Tấn vừa dứt lời, đám đông ở dưới đều xôn xao bàn luận, kẻ muốn đi, người lại chẳng nỡ. Sau một lúc, chỉ có năm người trai gái, già trẻ lẫn lộn tiến lên gia nhập vào nhóm của Tấn. Ở bên dưới, những người ở lại bắt đầu suy tính chuyện làm dịu cơn giận của đám quan trên. Một người trung niên tên Lê Trực đứng lên chỉ tay về hướng ông nội của Niên, vẻ mặt đầy áy náy mà nói.
“Bọn mi có thể đi, chúng ta sẽ hỗ trợ phần nào đánh lạc hướng đám Quan trên. Nhưng phải để xác của những người đã chết kia ở lại. Để lại toàn bộ, không thiếu một ai.”
Nghe đến đây, Niên đang ngồi khụy ôm lấy xác ông nội mình vội ngẩng mặt lên. Đôi mắt đỏ ngầu, khuôn mặt nhếch nhác đầy nước mắt của nó lúc này trông thật dữ tợn. Nó như con sói nhỏ lạc đàn, hai tay cấu chặt vào nhau, cũng không nói gì mà đưa mắt nhìn về phía Tấn như muốn tìm lấy một điểm tựa. Ở hướng dân làng, Lê Trực hiểu tâm trạng của Niên, hắn không đợi ai khác lên tiếng liền nói tiếp: “Chúng ta cần những người đã khuất này để nộp cho Quan trên. Nếu không bọn chúng ắt sẽ giết cả làng này để xả giận.”
Tấn nhìn về phía Niên đang gục mặt vào ngực ông mình mà khóc, ngay cả hắn lúc này cũng không biết phải xử lý ra sao cho phải lẽ.
“Niên…”
Đúng lúc Tấn định lên tiếng hỏi ý kiến, thì Niên cũng bất ngờ ngẩng mặt lên. Nó nhìn xuống toàn thể dân làng ở đây, sau đó đứng dậy quỳ bái trước xác ông mình ba lần.
Cả người nó run rẩy, răng cắn chặt vào môi đến bật cả máu, mếu máo nói: “Ông nội, con bất hiếu. Ngay cả lúc ông mất cũng không lo ma chay được cho ông. Nhưng con cũng không thể ích kỷ mà không quan tâm đến mạng của những bà con làng xóm khác, mong ông trên trời có linh hãy hiểu cho thằng cháu bất hiếu này!”
Nói đoạn, nó cầm con dao nhỏ lên, không do dự cạo trọc phần tóc dài rậm rạp như tổ chim của mình.
“Hôm nay con ở đây cắt tóc xin thề, con sẽ dùng mạng của mình để chống lại Trương Phúc Loan cùng phe cánh của nó. Con phải trả thù cho cha má, trả thù cho cả họ nhà mình, con phải trả thù cho ông nội!”
Giải quyết xong mọi chuyện ở làng, Tấn phất tay ra hiệu cho những người chấp nhận đi theo mình, vẻ mặt âm trầm nói: “Chúng ta phải nhanh chóng rời khỏi đây trước khi lính huyện biết chuyện. Thà chết tự do ngoài thế giới rộng lớn, còn hơn nép mình chốn này để bị đám quan tham đọa đày.”
Cả đoàn người theo Tấn dẫn đầu rời đi, để lại những thôn dân vẫn đứng lặng nơi bãi đất trống, mắt dõi theo bóng dáng của những kẻ muốn phá tan nghịch cảnh, không chấp nhận làm nô lệ cho đám ác quan.
Ông Liềm, lão làng từng trải qua bao thăng trầm, thở dài. “Chúng ta như những cô hồn, ngạ quỷ sống leo lắt giữa chốn địa ngục!”
Lời ông nói như nhát dao, chạm vào nỗi sợ hãi sâu thẳm trong lòng mọi người. Cạnh đó, một số người khác lại cảm thấy bừng bừng nhiệt huyết. “Nếu… nếu họ thành công, chúng ta biết đâu cũng có thể thoát khỏi cái địa ngục này!” Một người trung niên ánh mắt rực lửa đầy hy vọng đáp.
Ở nơi khác, Mậu trốn được ra khỏi làng liền lấy ngựa chạy sang Phủ huyện gọi cứu viện. Đợi đến khi hắn dẫn hơn trăm tên lính kỵ, thân mang giáp sắt, tay cầm cung nỏ giáo mác, về lại làng An Hải thì trời cũng đã xế chiều. Vừa tới nơi, đập vào mắt Mậu là xác của ông nội Niên, cùng vài dân làng chết trận khác bị treo lên bụi tre đầu làng, trên ngực mỗi người đều có dán dòng chữ nhỏ: “Kẻ phản loạn, dân làng An Hải phơi xác để làm gương cho kẻ khác.”
Nằm bên dưới là hai mươi lăm tên lính lệ, được thôn dân xếp thẳng hàng ngay ngắn. Riêng xác của Thông lại thì bọn họ đặt ở trên giường cao, phủ chiếu che kín.
“Bao vây toàn bộ làng này lại cho ta, kẻ nào phản kháng giết không cần báo.”
Tứ dẫn đầu đội kỵ binh quát lớn, giọng khàn khàn nhưng đầy uy lực. Các lính kỵ nhanh chóng lệnh cho nhau hành động. Họ phân chia thành từng nhóm, bao vây mọi lối ra vào của làng. Thấy Mậu dẫn lính kỵ tới, ông Viên trưởng làng vội dẫn theo toàn bộ người dân còn lại, vừa quỳ vừa lạy ra tiếp đón. Nhưng còn chưa đi được bao xa, tất cả đã bị mũi giáo nhọn hoắt của đám lính chặn đứng.
Mậu đứng giữa đám lính, nhận được sự bảo hộ của quân huyện nên hắn tự tin hẳn ra, một bộ hống hách như trước, quát lớn: “Thằng nhóc cháu của thằng già đã chết kia, cùng với thằng cầm đao dài, và những kẻ phản loạn khác đâu? Hôm nay chúng mi không khai rõ, thì làng An Hải cũng nên xóa sổ rồi.”
Dù lòng đầy sợ hãi, nhưng ông Viên vẫn cố giữ vững tinh thần, quỳ gối trước mặt Mậu, khẽ thưa: “Dạ bẩm Quan, dân lành chúng tôi cũng không biết chúng đã đi đâu…”
Mậu cười khẩy, ánh mắt châm biếm. “Dân lành? Nếu không có sự đồng lõa của chúng mi, những kẻ đó dám làm phản sao?”
Ông Viên cùng đám dân làng đang quỳ rạp xung quanh đều lộ rõ vẻ sợ hãi, liếc mắt nhìn nhau, nhưng tuyệt nhiên không ai dám mở miệng.
“Một phút cho chúng mi.” Mậu quát. “Khai ra nơi ẩn nấp của chúng, nếu không…”
Nói đoạn, hắn bước tới xác của bảy người dân đã chết, vừa được đám lính hạ xuống, vung kiếm chém đầu toàn bộ.
Mọi người thấy thế hốt hoảng, có kẻ yếu vía sợ đến mức ngất đi. Ông Viên nuốt khan, cảm thấy thần chết đang cận kề bên cạnh mình, vội dập đầu lia lịa van nài: “Xin Quan, chúng tôi thật sự không biết chúng nó trốn ở đâu, nếu chúng tôi có ý phản loạn thì đã bỏ trốn theo đám chúng nó rồi!”
“Thời gian không chờ đợi.” Mậu gằn giọng. “Nếu hôm nay không tìm được chúng, thì cái mạng của đám chúng mi cũng nên gác lại rồi!”
Toàn bộ thôn dân nhìn nhau chần chừ, kết quả cũng không còn cách nào khác, cuối cùng ông Viên đành phải cắn răng đứng dậy, hít sâu một hơi nói: “Chúng tôi… thấy bọn chúng chia hai hướng, một nhóm đi qua sông Hàn, nhóm còn lại về đỉnh Sơn Trà.”
Tên Tứ nghe vậy, đinh ninh ông Viên không dám lừa mình nên liền quát lớn, ra lệnh cho đội kỵ binh: “Đi thôi, chia ra hai nhóm. Mậu, mi dẫn người qua hướng sông Hàn, những người còn lại theo ta.”
Dứt lời, hắn liền nhanh chóng dẫn người tiến về khu vực núi Sơn Trà. Trước khi đi còn quay lại nhìn đám thôn dân hăm dọa: “Nếu chúng mi dám lừa ta, thì bây giờ nên chuẩn bị sẵn quan tài đi.”
Nhóm người Tấn không hề hay biết tình hình làng An Hải hiện tại như thế nào. Hơn ba mươi người họ, từ mười gia đình đã vượt qua ngọn Sơn Trà, men theo bờ biển hướng về phía Ngũ Hành Sơn.
Nửa tháng sau, hai nhánh kỵ binh do Mậu cùng Tứ dẫn đội hội quân tại làng An Hải. Trong cơn thịnh nộ, Tứ ra lệnh đốt sạch toàn bộ nhà cửa, hơn ba mươi mạng dân vô tội, tay không tấc sắt cũng bị hắn tàn sát không chút thương tiếc.
Dưới chân Ngũ Hành Sơn, đoàn người nổi loạn trốn từ làng An Hải ra đang tụm lại, chia nhau ít trái dại vừa tìm được. Nhìn vợ mình bụng đã rất lớn, dự là sắp đến ngày sinh, lòng Tấn quặn thắt ôm chặt Hy vào lòng, thủ thỉ: “Ta làm hai mẹ con phải chịu khổ rồi. Cố gắng, chỉ cần vào được Ngũ Hành Sơn, dựa vào địa thế nơi này, trừ khi có ngàn quân bao vây nếu không chúng ta có thể an toàn vượt qua giai đoạn này.”
Ở bên cạnh, Hy tựa vào vai chồng, khuôn mặt gầy còm đầy mệt mỏi nhưng ánh mắt cô vẫn hiện lên vẻ hạnh phúc, mỉm cười đáp: “Thiếp không thấy khổ, ở bên chàng, thiếp đã bao giờ than khổ đâu?”
Đoạn, cô lại tiếp tục: “Thiếp thà chết nơi rừng thiêng nước độc, còn hơn sống luồn cúi dưới chân của bọn ác bá, coi tính mạng chúng ta như cỏ rác.”
Hai ngày nữa nhanh chóng trôi qua, Tấn dẫn đầu đoàn người thâm nhập vào sâu trong Ngũ Hành Sơn, lẩn trốn truy binh có thể đuổi tới bất cứ lúc nào. Trời tối, bọn họ dừng lại nghỉ ngơi tại một khu đất tương đối bằng phẳng nằm giữa sườn núi. Màn trời chiếu đất, cả đám cử người luân phiên nhau canh gác phòng cho có thú dữ tấn công. Những người còn lại bởi bôn ba đường dài, vừa đặt lưng xuống đã đi sâu vào giấc nồng.
Trời về khuya, những cơn gió lạnh khiến mọi người co rúm vào nhau. Thằng Niên cùng chú Chánh được cử canh gác cũng khép nép, chia nhau nấp sau hốc đá để tránh đi cái lạnh thấu xương này. Từng cơn gió kéo theo cành lá, phát ra tiếng xào xạc như những bản nhạc ma mị làm Niên có chút rùng mình. Ngồi trong hốc đá, nó hơi mệt mỏi lim dim mắt, bất chợt Niên cảm thấy cơ thể mình dường như ấm hơn lúc nãy. Cơn gió xào xạc kia tựa bị thứ gì đó che khuất, ngăn cách chúng và Niên tiếp xúc với nhau. Nó giật mình, vội mở mắt ra, cổ họng cu cậu khô khốc, mắt trợn trừng không tin vào những gì mình nhìn thấy. Môi Niên mấp máy như muốn nói điều gì đó, nhưng cổ họng nó giống bị uy thế của sinh vật trước mặt bóp nghẹn lại, chẳng thể thốt nên lời.
Trước mắt Niên là một con hổ cái to như con trâu nước, đang nhìn thẳng vào nó như thể nhìn một con kiến sắp bị giẫm chết.
“Thầy Tấn có cọp. Aaaa.”
Trước khi bị hàm răng sắc nhọn của con hổ đói cắn chặt vào cổ, Niên cố gắng dồn hết sức hét lớn để báo hiệu cho Tấn và những người khác. Cậu giống như một con nghé nhỏ, bị chúa sơn lâm ngoạm lấy rồi lôi tuột vào rừng sâu, trở thành miếng mồi ngon cho nó thưởng thức.
Ở gần đó, vừa nghe tiếng thét của Niên, Tấn và chú Chánh lập tức cầm bó đuốc phóng người đuổi theo. Nhưng họ chỉ kịp thấy một bóng trắng to lớn lướt qua, rồi nhanh chóng bị những tán cây rậm rạp phía trước che khuất hoàn toàn.
“Tất cả cảnh giác, Niên bị cọp bắt rồi! Chánh, Mận, Khanh, mọi người canh chừng, để tôi cùng chú Tâm đuổi theo.” Dứt lời, Tấn cùng ông Tâm, một đao một nỏ, theo ánh đuốc lờ mờ lập tức đuổi theo con hổ kia. Sau khoảng nửa giờ, cả hai cảnh giác đứng trước một hang đá cao hơn đầu người, rộng chừng ba thước. Bên trong không có chút ánh sáng, tối đen như mực.
“Không ổn rồi, nơi này quá tối, nếu mạo hiểm tiến vào trong chỉ sợ ngay cả hai người mình cũng bỏ mạng!” Ánh mắt Tấn trầm ngâm, buồn bực nói nhỏ. Ở bên cạnh, ông Tâm cũng thở dài đáp: “Tao với mày cứ về trước, ngày mai lại tính. Rừng thiêng nước độc, bây giờ đến việc đi đứng còn khó khăn chứ huống hồ gì đánh đấm với cọp.”
Lời vừa dứt, như cảm nhận được nguy hiểm cận kề, ông Tâm vội xoay ra sau lưng, không chút do dự bắn hai mũi tên vào khoảng không tối om trước mặt.
Hai tiếng “phập” cùng lúc vang lên, mũi tên bị cành cây to chặn lại, còn hai người thì cũng hoảng hồn nhìn sinh vật vừa nấp sau bụi cây kia lộ ra trong ánh đuốc lờ mờ.
“Có con cọp khác nữa? chuyến này nguy rồi Tấn!” Mắt ông Tâm trừng lớn, miệng há hốc gấp gáp nói. Ở bên cạnh, Tấn nắm chặt đao trong tay, cơ thể căng cứng đề phòng mọi động tĩnh của con hổ lớn trước mặt. Đây cũng là một con hổ trắng đã trưởng thành, kích cỡ thậm chí còn lớn hơn so với con trước đó. Thấy Tấn cùng ông Tâm đang chăm chú nhìn mình, con hổ cũng không vội tấn công mà chùn thân vào tư thế chuẩn bị vồ mồi, ánh mắt sắc lẹm nhìn chằm chằm hai kẻ ngoại lai trước mặt.
“Giờ phải làm sao mày Tấn?” Ông Tâm có phần sợ hãi hỏi nhỏ.
Tấn thì cũng chẳng khá hơn là bao, tuy không đến mức sợ bủn rủn tay chân, nhưng cũng là tim đập nhanh, cơ thể khô khốc như bị mất nước. Hít sâu một hơi, hắn gằn nhỏ giọng: “Đường nào cũng chết, liều mạng thôi!”
Vừa dứt lời, Tấn liền chủ động phóng lên trước, tay nắm chặt thanh đao nhắm đầu của con hổ mà chém mạnh xuống. Bạch hổ thấy có nguy hiểm, cơ thể to lớn lúc này như một cơn gió, thoáng chốc đã nhảy sang một vị trí khác, còn không quên gầm gừ thị uy. Tấn tiếp tục xoay đao, theo hướng nhảy của con hổ mà chém tiếp. Ở đằng sau, ông Tâm chớp lấy thời cơ, con hổ vừa tránh thoát một đao của Tấn liền bị hai mũi tên của ông chặn lại không còn đường lùi. Tưởng chừng nó sẽ bị xuyên thủng sọ não, ai ngờ con hổ vậy mà quay ngược trở lại, vung bàn chân lớn tát thẳng vào thân đao Tấn đang chém tới.
Tiếng “coong” vang lên, lực lượng mạnh bạo tác động khiến Tấn ngã ra một bên. Thấy vậy, ông Tâm cũng hoảng hồn, vội vàng bắn tên tiếp viện Tấn. Nhưng tên vừa ra khỏi nỏ, con hổ lớn như đoán được ý đồ của bọn họ, nó tiếp tục lần nữa xoay thân, ngắm thẳng hướng ông Tâm mà cắn tới.
“Phập - phập.” Tiếng mũi tên đâm vào lớp da dày vang lên, con hổ trúng thương gầm lên một tiếng đau đớn. Dẫu vậy nó vẫn không hề dừng lại, tiếp tục theo đà nhảy tới, há họng chuẩn xác cắn vào cổ ông Tâm sau đó lắc mạnh vài cái.
Ông Tâm còn chẳng kịp kêu la, sau vài cú lắc của con hổ dữ liền ỉu xìu bỏ mạng. Tấn chứng kiến cảnh này trong lòng sợ hãi tột độ, nhưng vốn đã không còn đường lùi, tranh thủ lúc con hổ kia còn bận giữ lấy “con mồi” vừa bắt được, Tấn cầm đao nhảy bổ tới, chém mạnh vào khớp chân con thú dữ.
Tiếng gầm đau đớn của con hổ vang lên khiến màng nhĩ Tấn như muốn rách toạc. Cố gắng gượng, hắn không chút dừng lại, tiếp tục vung đao chém tiếp vào chân sau còn lại của con hổ. Lại một tiếng gầm như thiên lôi đánh xuống bên tai, Tấn nhăn mặt đau đớn, máu từ trong tai chảy ra thành dòng khiến cả người hắn xây xẩm, cơ thể như muốn lập tức ngất đi. Vội vã cắn mạnh đầu lưỡi lấy lại tỉnh táo, Tấn cố dùng hết chút sức lực cuối cùng của mình, vung mạnh đao chém thẳng xuống đầu con bạch hổ. Lần này chẳng còn tiếng gầm nào phát ra nữa, chỉ thấy con hổ bị một đao chém thành hai nửa, cơ thể Tấn cũng thoát lực, xụi lơ ngã xuống trên tảng đá.
Đến khi Tấn giật mình tỉnh lại cũng đã là ngày thứ hai. Nghe vợ mình kể lại mọi chuyện, Tấn mới biết nhờ chú Chánh cùng những người khác đến tiếp viện mới cứu được Tấn mang về. Chỉ tiếc họ đã đến trễ, ông Tâm cùng Niên đã vĩnh viễn ra đi, chẳng phép màu nào có thể cứu được bọn họ.
Sau biến cố kinh hoàng đó, nhóm của Tấn quyết định chỉ ở lại khu vực rìa rừng Ngũ Hành Sơn. Tuy nói quanh quẩn bên ngoài, nhưng đây cũng là nơi rừng thiêng nước độc, hiểm nguy không ngừng rình rập. Một tháng ngắn ngủi sau đó, nhóm hơn ba mươi người của Tấn, giờ chỉ còn lại đúng mười sinh mạng mong manh.
Chập choạng tối, Tấn cùng chú Chánh vừa vào rừng tìm thức ăn trở về, liền thấy bà Mận hốt hoảng chạy ra báo.
“Tấn, con Hy chuyển dạ rồi! Mi mau vào chuẩn bị phụ tao đỡ đẻ!”
Nghe vậy, Tấn vừa mừng vừa lo. Hắn vội giao con lợn rừng và ít quả dại cho chú Chánh rồi nhanh chóng theo bà Mận vào lán. Đêm đã xuống sâu, bầu trời phía Ngũ Hành Sơn đen kịt. Giữa cái tĩnh lặng nơi rừng già, tiếng khóc chào đời của một sinh linh vang lên xé toạc bầu không khí u tịch.
“Ha ha Trần Tấn ta có người nối tự rồi, ha ha!”
Đợi bà Mận ra ngoài, Tấn hạnh phúc ôm đứa con trai đầu lòng trong tay, nhẹ nhàng cúi xuống hôn lên má vợ, khẽ hỏi: "Nàng muốn đặt tên con là gì? Ta nghe theo ý nàng."
Nghe Tấn hỏi, dù rất mệt Hy vẫn nở một nụ cười khẽ. Sau khi suy nghĩ một chút, cô thều thào đáp: “Thiếp muốn đặt tên con là Trần Văn Đạt - Đạt trong đạt được. Thiếp không mong nó làm Quan làm Chúa, chỉ mong con có một đời bình yên, đạt được những điều nó mong muốn. Thiếp ước sau này gia đình chúng ta tìm một nơi nào đó thật bình yên, ngày vợ chồng cày cấy, đêm xuống thiếp nấu ăn, chàng dạy con viết chữ, luyện võ. Cuộc sống không phiền lo cho đến cuối đời.”
Nghe Hy nói, Tấn nắm lấy tay cô cười rạng rỡ gật đầu.
“Được, Trần Văn Đạt, cái tên rất hay, ta cũng rất thích. Ha ha con ta từ nay lấy tên Trần Văn Đạt [10]. Đợi sau này chúng ta cùng tìm chốn bình yên, sống một kiếp bình lặng, mặc đời ganh đua.”
Đúng lúc này, một người đàn ông trung niên tên Tự hớt hải chạy tới ngoài lán, giọng đầy lo lắng.
“Thầy Tấn! Con Thu nhà tôi nó bảo đi nặng, nhưng đã hơn một giờ rồi mà không thấy về. Thằng Thành, con Liên, ông Đội với chú Chánh đi tìm, nhưng đến giờ đã nửa tiếng mà vẫn chẳng thấy ai trở lại. Thầy coi ra xem thử, tôi lo quá!”
Nghe đến đây, linh cảm chẳng lành dâng lên trong lòng Tấn. Hắn quay qua nhẹ giọng nói với Hy: “Má con nàng ở nhà, ta ra coi thử tình hình sao!”
“Chàng đi đi, cẩn thận trời tối ngoài rừng nguy hiểm, sớm trở về với hai mẹ con thiếp.”
Tấn nhẹ nhàng đặt con xuống bên cạnh vợ mình, cũng không quên hôn lên trán Hy một cái, sau đó nhờ bà Mận trông chừng giúp rồi cùng ông Tự bước nhanh ra ngoài. Con đường dẫn ra bìa rừng gập ghềnh, không một lối đi rõ ràng. Tấn cùng ông Tự lần theo địa hình quen thuộc, trèo lên một mỏm đá để có thể quan sát rõ hơn. Từ trên cao, cảnh vật dưới chân núi hiện ra hoang vu và tĩnh mịch đến rợn người. Từng âm thanh nhỏ bé, từ tiếng lá cây xào xạc, đến tiếng côn trùng rỉ rả khiến không khí càng thêm phần ngột ngạt.
Bất chợt, từ bụi rậm gần đó một bóng trắng to lớn lao vút qua, rồi nhanh chóng biến mất sau một hốc đá lớn. Tấn nhìn sang Tự với ánh mắt dò hỏi. Đáp lại, khuôn mặt Tự tái nhợt, ánh mắt trống rỗng như người mất hồn, nơi khóe mắt đã rơi xuống những giọt lệ nóng.
“Vừa rồi hình như tôi thấy con cọp trắng. Con Thu, con Thu nó…!”
Ông Tự run rẩy, nước mắt nước mũi hòa lẫn vào nhau. Không cần ai nói ông cũng tự biết số phận của con gái mình, thậm chí ngay cả đám người của chú Chánh, giờ đây có lẽ cũng khó mà thoát khỏi cái kết nghiệt ngã ở chốn rừng núi hoang sơ này.
Tấn cũng hoảng hồn, hắn hít sâu cố lấy lại bình tĩnh, tay cầm chặt thanh đao, trầm giọng nói: “Chú Tự, cố giữ bình tĩnh. Lúc này không phải là lúc để đau buồn, chúng ta có thể bị con cọp kia xé xác bất cứ lúc nào.”
Vừa nói, Tấn vừa trượt xuống khỏi mỏm đá. Ông Tự tuy đau khổ nhưng cũng cố nhịn xuống, cẩn thận chậm rãi bước theo sau. Cả hai không đi theo con đường cũ trở về, mà rẽ sang hướng khác để tránh chạm mặt với con hổ dữ. Vừa về đến trại, Tấn hoảng hốt khi nghe tiếng khóc thê lương của Khánh và Hy cùng với con trai mình. Linh cảm có chuyện chẳng lành, hắn không màng nguy hiểm, len qua những lùm cây rậm rạp cùng đá lớn, lao thẳng đến lán nơi Hy đang ở cữ.
Nhưng còn chưa kịp tới nơi, Tấn sững người khi thấy trước cửa lán có một cái xác không đầu. Không ai khác, đó chính là bà Mận. Tấn còn chưa kịp hỏi chuyện gì đã xảy ra thì từ trong bụi rậm gần đó, một cặp mắt sáng quắc bỗng hiện ra nhìn chằm chằm vào Khánh, người đang khóc nấc ôm chặt lấy xác bà cô của mình.
“Khánh coi chừng có cọp!”
Tấn sợ hãi hét lớn, đồng thời vung đao nhảy bổ tới, muốn ngăn cản con thú dữ sắp hành động. Một tiếng gầm rung chuyển cả bầu trời kéo Khánh ra khỏi nỗi mất mát. Vừa ngẩng mặt lên, nó kinh hoàng thấy con hổ trắng từ trong bụi cây lao ra vồ tới. Khánh chỉ kịp bật ngửa ra sau, tránh thoát cú vả chí mạng từ vuốt hổ. Nhưng chưa kịp trốn thoát, con hổ đã há rộng miệng cắn thẳng vào cổ Khánh, khiến nó chết ngay tại chỗ.
Ở đằng sau, tốc độ của Tấn không thể nào nhanh bằng chúa sơn lâm. Phải đến khi máu nơi cổ Khánh bắt đầu tuôn ra, cơ thể nó đã ngừng co giật thì một đao của Tấn mới vung tới, chém vào lưng con thú dữ. Tưởng chừng nó sẽ bị một đao này chém chết, nhưng bất ngờ đao vừa rơi xuống, con hổ há rộng miệng, phóng qua hướng Hy đang ngồi run rẩy trong góc giường. Cô vừa sinh xong, đến đi đứng còn khó huống gì là phản xạ trước một con hổ dữ. Ánh mắt Hy trợn trừng, dùng hết sức bình sinh đẩy đứa con còn đỏ hỏn tách sang một bên, chưa kịp làm gì khác đã bị một vả của con hổ đập văng xuống đất.
“Đừng mà…! Hy chạy đi…”
CÒN NỮA.
LỜI TÁC GIẢ: TÁC PHẨM SẮP ĐƯỢC XUẤT BẢN TRONG TUYỂN TẬP. NÊN MÌNH ẨN BỚT MỘT ĐOẠN CUỐI. MONG ĐỘC GIẢ THÔNG CẢM! KHI NÀO CÔNG BỐ BẢN QUYỀN TÁC GIẢ SẼ CẬP NHẬT THÊM ĐỂ ĐỘC GIẢ ĐƯỢC BIẾT. XIN CẢM ƠN TẤT CẢ CÁC BẠN.
Chú thích:
[1] Nay thuộc Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
[2] Trích: Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi.
[3] Dân miền Bắc gọi là củ sắn, dân Trung và Nam thường gọi là củ khoai mì.
[4] Cai tri là chức vụ hỗ trợ Cai phủ trưng thu thuế. (Từ điển chức quan Việt Nam.)
[5] Đề lại: Cấp dưới của Tri phủ hoặc Tri huyện. Chịu trách nhiệm chủ yếu về các công việc hành chính, văn thư, giấy tờ... (Tham khảo: Việt Nam sử lược - Chương VI - Phần quan chế.)
[6] Thông lại: Là chức vụ thấp hơn so với Đề lại. Thông lại thường có trách nhiệm liên quan đến các công việc về thu thuế, duyệt xét tài liệu, và hỗ trợ các chức quan cấp cao hơn. (Việt Nam sử lược.)
[7] Cai thuyền là chức chỉ huy thấp nhất trong binh bị thời chúa Nguyễn, mỗi thuyền có từ 20 - 80 người.
[8] Đơn vị đo lường cổ ở Việt Nam, 1 thước = 40cm. (Tham khảo internet.)
[9] Vì tham lam, tàn ác nên người đương thời khinh bỉ gọi Trương Phúc Loan là Trương Tần Cối - tên của gian thần đời Tống bên Trung Quốc bị nhân dân căm ghét vì hãm hại chết trung thần Nhạc Phi.
[10] Theo nhiều nguồn tin thì Trần Quang Diệu tên thật là Trần Văn Đạt. Nhưng chính sử vẫn chưa xác nhận thông tin trên là chính xác hay không. (Thông tin tham khảo từ internet.)
Bình luận
Chưa có bình luận