Thành phố Thanh Lân chào đón Đăng bằng tiết trời se se lạnh. Soạn hành lý trong vội vã, Đăng chỉ kịp đem theo hai bộ quần áo, ít đồ dùng cá nhân, chiếc điện thoại di động bất ly thân, chiếc laptop màu đen và một chiếc hộp gỗ màu nâu đỏ. Tuy thời gian đã phủ lên thân hộp một màu già cỗi, chiếc hộp vẫn mang một vẻ đẹp riêng của nó, chứng tỏ chủ nhân đã giữ nó rất kỹ và cẩn thận.
Ít nhất là trước khi một đám người tự xưng là “con cháu” đến để xâu xé đống tài sản ngay cái lúc mà đất trời còn chưa chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
“Gì vậy? Mớ giấy lộn này mà ông già cũng giữ gìn như bảo vật trân quý? Đốt đi.” Người con dâu thứ ba của ông cụ “báo hiếu” lại bố sau khi nhìn thấy chiếc hộp, đá nó nằm lăn lông lốc trên sàn, những bức thư bên trong đó cũng vì thế mà rơi hết ra ngoài. Đăng - thân là cháu trai trưởng, con của người con trai thứ nhất đã mất từ lâu của ông cụ vừa mất - cúi xuống nhặt chiếc hộp, đem những “tờ giấy lộn” bên trong xếp gọn gàng lại, sau đó ôm chiếc hộp trong lòng.
“Dì, hôm nay là ba mươi Tết, ít nhất cũng để qua Tết đã được không?”
“Hừ, mày đủ lông đủ cánh rồi nên muốn sai bảo tao đúng không? Tao mà không đến trước thì chúng nó hớt tay trên à?”.
“Chúng nó” ở đây chính là những người con và cháu của ông cụ đã đi làm ăn xa.
Đăng lắc đầu ngao ngán, cũng muốn nói rằng căn nhà này ngoại trừ đồ cá nhân của cậu và ông nội thì chẳng còn gì nữa đâu, ông nội cũng đã chuẩn bị trước cho ngày này từ rất lâu rồi, tuy nhiên có những chuyện dù người ta đã biết trước kết quả ngay từ đầu, người ta vẫn phải thọc sâu vào nó, bới tung hết lên, đào tận sâu vào những nhánh rễ yếu ớt khiến nó nát bươm tơi tả rồi mới tin rằng ở dưới đó thật sự chẳng có gì cả.
Cậu nhìn lại nơi đã chẳng còn là hình nhà nữa, thở dài một tiếng rồi dọn hành lý đi ngay trong buổi tối hôm đó. Có lẽ mọi người đã cùng nhau quây quần bên người thân hoặc tới những tụ điểm để chuẩn bị đón năm mới nên đường đi cực kỳ thưa thớt, chiếc xe ô tô của Đăng cứ lăn bánh băng băng trên đường, hiếm hoi lắm mới thấy một hai người cùng đi bên cạnh cậu. Đăng cứ đi trong vô định, cho đến khi những tấm biển đề những cái tên lạ lẫm cậu mới nhận thức được bản thân đã sang một thành phố khác. Đăng mới tới thành phố này một hai lần, những lần trước chủ yếu cậu sẽ lái xe thẳng vào khu du lịch hoặc resort, nơi mà cậu đã cài sẵn trên định vị.
Xung quanh Đăng, cứ cách một dãy nhà lại là một dãy ruộng rộng mênh mông. Trời đã nhuốm một màu đen thăm thẳm, có lẽ chỉ còn vài chục phút nữa là tới giao thừa. Cậu thở nhẹ một hơi, nếu nói bản thân không hoang mang thì là nói dối, cậu đành tìm một nhà nghỉ nào đó quanh đây được đánh giá ổn ổn để nghỉ qua đêm. Điện thoại có đến mấy chục cuộc gọi nhỡ, tuy nhiên cậu chỉ lướt qua. Những điều liên quan tới tiền bạc và tranh chấp luôn khiến cậu đau đầu và muốn đứng ngoài, vì chính cậu còn chẳng muốn hiểu lý do những tranh chấp ấy nổ ra.
***
Đăng nằm ngửa trên chiếc giường đơn, lúc này cậu bỗng thắc mắc điều mà đáng ra cậu nên hỏi chủ nhà nghỉ từ nãy: tại sao vào đêm ba mươi, còn chục phút nữa là giao thừa, nhà nghỉ này vẫn mở và chủ nhà nghỉ vẫn đi làm? Trong suy nghĩ của cậu, tối ba mươi là buổi tối người ta gác lại hết công việc lại để dành thời gian cho gia đình, người thân và bạn bè.
Chậc, nhưng mà cậu cũng đâu có đón giao thừa năm nay một cách bình thường đâu, lại còn thắc mắc hộ người ta, có thể họ cũng giống cậu mà?
“5, 4, 3, 2, 1. Chúc mừng năm mới.” Chào một năm mới chẳng vui vẻ gì.
Đăng ngồi thừ ra một lúc giữa tiếng pháo nổ bên tai, sau đó lôi từ hành lý ra chiếc hộp gỗ màu đen bị vứt chỏng trơ trước đó. Trong đó là tầm mười bức thư tay với những chiếc phong bì màu kem, trên đó không hề dán tem mà chỉ đề vỏn vẹn mấy chữ: Salut mon amour (*). Dù những bức thư này có liên hệ mật thiết với ông nội đã nuôi cậu từ nhỏ đến lớn, Đăng vẫn không khỏi rùng mình vì độ sến sẩm của nó thông qua tiêu đề.
“Chắc là bức thư mà ông nội gửi cho bà nội.” Đăng chắc nịch khi nhớ lại hành động của ông nội và bà nội dành cho nhau khi ông còn sống, còn bà chưa vào viện dưỡng lão. Hơn nữa những bức thư này còn chẳng được gửi đi, đây đích thị là cách thể hiện tình cảm khi chưa có tin nhắn. Đăng ngáp nhẹ, sự mệt mỏi khiến cậu ngả người xuống, chìm vào giấc ngủ ngay lập tức.
“Gửi em, người mà anh chẳng thể nào có cơ hội được trùng phùng.”
Ai? Là ai đang nói chuyện vậy? Giọng nói vang lên khiến Đăng mơ hồ tỉnh dậy. Bên cạnh cậu không phải là chiếc điện thoại quen thuộc nữa mà là một khung cảnh lờ mờ, hệt như nền của một bức ảnh xóa phông vậy. Tuy nhiên, cậu vẫn nhìn ra căn phòng cậu đang ngồi có một bộ bàn ghế gỗ đơn giản, trên bàn có một vật hình dạng như ấm trà, có lẽ đây là phòng khách một căn nhà nào đó. Tiếng bước chân vang lên làm Đăng giật mình, theo phản xạ cậu muốn trốn đi, nhưng vì chẳng xác định được phương hướng nên cậu đành núp bừa vào nơi mà cậu nghĩ rằng là cạnh một chiếc kệ hơi khuất, sau đó ngồi thụp xuống.
Từ nơi trốn, Đăng nhìn thấy hình bóng thướt tha của một cô gái. Cậu chỉ nhìn thấy nửa mặt của cô, cô mặc một chiếc áo dài truyền thống màu vàng nhạt. Trong lúc đang rướn người để có thể nhìn kỹ khuôn mặt của cô gái hơn thì cô gái đó bỗng lên tiếng.
“Anh Minh có đến không nhỉ?” Cô gái nói với giọng mong chờ rồi đứng lên, sau đó tiến sát lại chiếc gương đối diện để chỉnh trang lại đầu tóc. Lúc này, Đăng mới nhìn thấy khuôn mặt cô gái, một sự quen thuộc bỗng vờn quanh đầu cậu, tuy nhiên cậu lại chẳng thể nhớ ra cô gái này là ai. Cô gái có khuôn mặt thanh tú, chắc vừa tròn hai mươi, đường nét trên khuôn mặt tràn ngập sự trẻ trung, có lẽ vì đang chờ đợi người trong mộng nên khuôn mặt cũng tràn đầy niềm vui và tình ý. mái tóc của cô được chải rối, trên đó là một chiếc trâm ngọc tinh xảo màu trắng có hình một đóa mai vàng.
“Khó chịu ghê…” Cậu lẩm bẩm, việc không nhớ ra một người mà cậu đã từng thấy trong đời khiến cậu cảm thấy vô cùng bứt rứt, tuy nhiên cậu đành gác lại cảm giác đó để quan sát hành động tiếp theo của cô gái đối diện. Nhất thời cậu cảm thấy có gì đó sai sai, nhưng lại không biết là sai ở đâu. Minh? Cậu nhẩm lại trong danh sách bạn bè của mình, cái tên Minh là một cái tên vô cùng xa lạ, người duy nhất có cái tên đó mà cậu biết chính là ông nội mới mất của cậu.
Lúc này, trước mặt Đăng không còn là căn phòng đó nữa, cô gái lúc này cũng đã mặc một bộ bộ áo dài khác. Cậu nhìn thấy bóng dáng cô gái từ đằng xa, cô dựa vào vai một người đàn ông cao lớn hơn mình. Dựa vào khoảng cách, đáng lý ra cậu không thể nào nghe được tiếng hai người nói chuyện, thế nhưng cậu lại nghe rất rõ, cô gái đó tên là Mai.
Cậu chắc chắn bản thân đang ở trong một giấc mơ. Vậy những giấc mơ trước cậu có ý thức được điều này hay không? Đăng lắc đầu, thôi không suy nghĩ khi bộ não vẫn còn đang mơ hồ.
“Em đẹp như tên em vậy. Em đến vào mùa xuân, rực rỡ dưới nắng vàng.”
Giọng nói ban nãy lại vang lên. Giọng nói đến từ một thanh niên trẻ, nó quẩn quanh tai Đăng như muốn thì thầm cho cậu biết vậy.
“Anh Minh, cảm ơn vì anh đã đến. Em đã rất nhớ anh.”
“Anh cũng nhớ em, mon amour (**).”
Đây chả phải là cách gọi được ghi trên những phong thư hay sao? Nếu cậu đang mơ về ông nội cậu, cô gái tên Mai kia là ai? Bà nội cậu tên khác cơ mà.
Cảnh tiếp theo đúng như cậu nghĩ, hai người ôm nhau rất lâu và trao cho nhau một nụ hôn thắm thiết. Đăng có thể cảm nhận được tình yêu qua những lời mà họ dành cho nhau, hay cách người đàn ông tên Minh nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc dài, ánh mắt chan chứa tình cảm mà có lẽ cậu chưa từng nhìn thấy ở ông nội trước đây.
Đăng nhất thời chưa thể hiểu được tình huống trước mặt. Chuyện xảy ra trong giấc mơ chẳng hề có nghĩa lý gì ngoài đời thật cả, nhưng tại sao cậu lại mơ thấy chuyện này, và mọi thứ lại diễn ra chân thực như vậy?
Cậu bỗng nhớ ra mình đã thấy hình ảnh người này ở đâu, đó là một tấm ảnh xưa cũ của ông nội cậu đã cho cậu xem vào mấy chục năm về trước, khi mà cậu cứ nằng nặc đòi ông phải cho mình xem ngày xưa ông có phong độ như lời ông nói hay không. Ông nội cậu chỉ cười hiền rồi ôm cậu ngồi lên đùi mình, tay lấy chiếc kính lão đã cũ, sau đó lật giở từng bức ảnh mà ông cậu cũng vô cùng trân quý. Đăng nhớ, đó cũng là một ngày nằm trong dịp Tết.
“Đây là ảnh ông chụp cùng bạn học cũ của ông đấy. Ông nội đã lừa cháu bao giờ chưa?” Ông chỉ vào một bức ảnh đen trắng rồi đặt nó lên tay cậu. Khi đó cậu bé mười tuổi cũng gật gù công nhận, cậu còn đùa rằng trông ông còn phong độ hơn bố, khiến cả nhà cười phá lên.
“Còn đây là ai vậy ạ…?” Đăng chỉ vào một tấm ảnh mà ông chụp với một cô gái, cậu tò mò vì đó là tấm duy nhất, còn lại ông chỉ chụp với bạn học nam mà thôi.
“Đây là… bạn học thân nhất với ông, nhưng đã lâu rồi ông không liên lạc.”
Ký ức bỗng ùa về khiến Đăng hoài nghi, hay đây là những gì đã từng xảy ra trong quá khứ? Cô Mai này là người yêu ông hay sao? Đăng cứ miên man suy nghĩ cho đến khi hai người trong giấc mơ tay trong tay cùng nhau đi trên phố. Dù khung cảnh xung quanh không rõ ràng nhưng cậu vẫn nhận ra đây là dịp Tết, xung quanh có những mảng màu hồng của đào, màu cam của quất và nhất là màu vàng rực của cây mai. Minh ngồi xuống, mua tặng Mai một chiếc lắc tay có hình hoa mai. Mai e thẹn từ chối.
“Anh đã tặng em cây trâm rồi mà. Anh cứ để dành tiền dùng vào dịp khác.”
“Không sao, là anh muốn mà.” Nói rồi Minh nhất quyết đeo chiếc vòng vào tay Mai, sau đó lại ôm người con gái ấy.
“Anh sẽ cho em một tương lai khác. Chắc chắn nó sẽ đẹp hơn bây giờ nhiều lần.”
Mai không nói gì. Cô chỉ ôm lại người bạn trai, hai người như khoảng lặng duy nhất giữa không khí tấp nập ngày Tết. Không gian xung quanh Đăng cũng như lắng lại, nếu đây là một bộ phim tình cảm, cậu mong rằng hai người họ có kết cục hạnh phúc, thế nhưng chính cậu là người rõ nhất kết quả của mối tình này. Trong lúc cậu nghĩ rằng sắp có cảnh tiếp theo thì bỗng nhiên cậu đứng hình, vì rõ ràng Mai không hề nhìn vô định hay nhìn Minh say đắm như trước mà nhìn thẳng vào mắt cậu. Môi của Mai mấp máy mấy từ khiến cậu giật mình tỉnh giấc.
“Xin chào, Hải Đăng.”
***
Nhịn đói từ tối hôm qua khiến Đăng cảm thấy vô cùng thèm ăn, tuy nhiên cậu không nghĩ rằng sáng mùng một Tết ở một nơi vắng vẻ thế này lại có quán ăn mở. Cậu đành lọ mọ đi xuống dưới quầy lễ tân, mong rằng ở đó sẽ có dư gói mỳ tôm mà có thể cứu đói cho cậu, dù phải trả gấp mười lần cậu cũng sẵn sàng cảm tạ. Đứng quầy là một cậu bé, cậu ta đang ngồi xem chương trình ca nhạc chiếu lại trên ti vi, miệng thì ngáp ngắn ngáp dài, có lẽ vì tối qua thức đón giao thừa.
“Chào… ở đây có bán đồ ăn sáng hay có mỳ tôm không?” Đăng gõ lên quầy, cậu bé cũng hơi giật mình vì không nghĩ là có khách đang thuê phòng, chân tay luống cuống bấm vào chiếc điều khiển dừng chương trình lại.
“Chào chú. Chắc chú phải hỏi bà cháu rồi. Cháu chỉ đến chơi với bà thôi.” Nói rồi đứa nhóc chạy đi chơi, bỏ lại Đăng với cái bụng đói meo. Cậu lắc đầu, có lẽ đây là ý tưởng điên rồ nhất mà cậu đã làm trong suốt hơn hai mươi năm qua.
“Ở đây không có mỳ tôm, nhưng tôi còn cái bánh chưng hôm qua cúng, cậu ăn tạm nhé?” Một bà lão tầm tuổi ông nội cậu bước vào, dáng bà hơi còng do tuổi tác, tuy nhiên động tác vẫn còn nhanh nhẹn. Bà chỉ tay vào chiếc bánh chưng trên bàn. “Cậu ngồi đi, hiếm lắm mới có khách đến thuê phòng vào mấy ngày này đấy. Thằng bé Duy chắc lại tót đi chơi rồi, chẳng hiểu nó đến chơi với bà hay chơi với hàng xóm nữa.”
“Bà cứ để lại cho cháu bà ăn, cháu… lát nữa trả phòng cháu sẽ vào thành phố, chắc vẫn trụ được.” Đăng cười trừ, nhìn xung quanh một lúc rồi mới ngồi xuống. Trước khi ngồi, cậu bỗng để ý bà cụ còn cài trâm, mà còn là chiếc trâm cậu thấy trong giấc mơ tối qua. Như để chứng thực cho những suy nghĩ của cậu, cậu bé tên Duy lúc nãy chạy ù vào, sau đó nói to.
“Bà Mai ơi, bố mẹ đón cháu đi chơi rồi, cháu chào bà, năm mới chúc bà bách niên giai lão, an khang thịnh vượng ạ.” Nói xong, cậu bé lại chạy đi như một cơn gió, còn không thèm quan tâm xem mình có chúc đúng hay không.
“Cậu thấy đấy, cháu tôi nó cũng có bánh chưng ở nhà nó, tôi già rồi cũng có ăn được mấy đâu. Không ăn hết bỏ đi cũng phí, cậu ở đây vào ngày này cũng coi như là có duyên, cậu đến chơi nhà tôi.” Nói rồi bà bóc chiếc bánh chưng ra, Đăng thấy vậy liền nhanh tay cắt bánh.
“Bà ơi, có phải trước bà học trường Bonnal không? Khóa 14 ạ.”
Đôi tay đang rót nước của bà bỗng khựng lại.
“Khóa… Ờ đúng rồi, khóa 14. Sao cậu biết? Hồi đó trường đẹp lắm, tôi là một trong số ít những người trong làng được đi học. Mới đó mà đã chân yếu tay run rồi.”
“Có phải… Bà học cùng khóa với ông Minh, Trương Gia Minh không ạ?”
“Anh Minh… Cháu là cháu anh Minh, đúng không? Duyên số, đúng là duyên số.” Có lẽ vì quá xúc động, tay của bà Mai hơi run, mãi không đưa lên miệng uống được. Đăng thấy vậy liền đỡ cốc nước giúp bà. Vậy mọi điều trong giấc mơ… Chưa kịp để cậu lên tiếng, bà Mai đã chầm chậm nói, đôi mắt thì hướng ra xa, như thể đang nhìn về thời quá khứ ấy, khung cảnh năm ấy như hiện ra ngay trước mắt.
“Đã lâu quá rồi bà chẳng có gặp anh Minh. Hồi đó, ông cháu đi học muộn hơn hai năm nên trong lớp ai cũng gọi là anh Minh. Ông ấy học giỏi lắm, cũng được nhiều cô gái thích, trong đó có bà. Nhưng mà ông ấy chỉ vùi đầu vào học thôi, chảnh lắm. Trước lúc tốt nghiệp, bà có gửi cho ông cháu tổng cộng là mười bức thư, nhưng chẳng bức nào ông ấy hồi âm cả. Tốt nghiệp xong thì cả nhà ông ấy rời khỏi thành phố, mãi sau này mới có tin là ông ấy cưới vợ rồi, cũng đã có con.”
Khác với người con gái trong giấc mơ, bà ấy đã trải qua mọi thăng trầm trong cuộc sống, đôi mắt ấy không còn chan chứa tình yêu nữa mà chính là đôi mắt bình thản đối diện với cuộc đời.
“Cháu muốn hỏi một chút… Liệu đó có phải là thư tình không ạ?”
“Đúng vậy, thư tình. Bà đã nghĩ mình sẽ có một câu chuyện tình cảm đẹp tựa những trang thơ tình hay những câu chuyện tình kinh điển, thế nhưng cuộc đời không diễn ra như vậy.”
Đăng lặng im, cậu dần hiểu ra tại sao mình lại có giấc mơ như vậy. Có lẽ đó chính là những tình cảm kết tinh lại trong những bức thư tình nằm trong chiếc hộp màu đỏ đặt ở đầu giường. Cậu quyết định giấu việc ông giữ rất cẩn thận bức thư tình của bà Mai, vì điều này không còn quan trọng nữa.
“Ông ấy… chắc đã tạm biệt dương thế rồi? Nếu không chắc cậu đã không đi lang thang vào đêm ba mươi như vậy.”
“Dạ. Còn bà sao không đón Tết với con cháu mà vẫn mở nhà nghỉ ạ?”
“Con cháu? Bà có cháu, nhưng không có con. Đừng hiểu lầm, bà không có ở vậy vì nhớ ông mày đâu, ha ha. Chỉ là bà thấy một ngày nào đó sống một mình cũng ổn, rồi bà cũng ở vậy đến bây giờ.” Nói rồi, bà ho một tràng dài, sau đó mới nói tiếp. “Thỉnh thoảng cháu của chị em bà cũng đến chơi, chắc bố mẹ chúng nó cũng muốn cho chúng nó về quê bay nhảy. Bà mở nhưng mấy chục năm rồi có khách nào mấy đâu, cậu là người đầu tiên trong chục năm trở lại đây đó. Nhưng mà cậu này, bà không biết đã xảy ra chuyện gì, nhưng Tết rồi, không có ai bên cạnh cũng buồn lắm. Bà cũng chuẩn bị đi du xuân với bạn bà rồi, đến lúc đó cậu muốn về nhà cũng không được đâu.” Sau đó bà bỗng ngập ngừng. “Với lại bà tin, những đứa trẻ của ông ấy là những đứa trẻ ngoan ngoãn.”
“Dạ. Cũng gần trưa rồi, bà cho cháu trả phòng, chúc bà năm mới nhiều sức khỏe.”
Đợi bóng cậu thanh niên đi xa rồi, bà mới lấy chiếc trâm màu trắng trên đầu xuống, mặc cho mái tóc trắng như cước cũng vì thế mà bung xõa. Ngắm nghía một hồi, bà liền lấy một chiếc khăn tay ra, sau đó bọc lại nó thật cẩn thận.
“Tạm biệt, mon amour.”
***
Đăng lái xe về nhà, tuy tâm trạng cậu đã nhẹ nhàng hơn nhưng cậu vẫn thở dài khi nghĩ về buổi tối ngày hôm qua. Vừa mở cửa bước vào nhà, cậu đã nghe thấy tiếng lanh lảnh của cô em họ mười sáu tuổi.
“A, anh Đăng về rồi bố ơi.” Chú cậu trên tay bưng đĩa chả nem cũng ngẩng lên, sau đó nở nụ cười hiền. Cậu vẫn chưa định thần lại, vì vốn gia đình chú cách đây một trăm cây số, và chú đã nói là Tết này có thể không về được.
“Chú…”
“Chú định không về, nhưng có mỗi cháu ở đây chú cũng không đành lòng nên đã đi xe máy về đấy. Diệp, dọn cơm lên đi con.”
Đăng vô thức mỉm cười, khóe mắt cậu ấm ấm. Đây cũng là người họ hàng mà cậu cảm thấy thân thiết nhất.
“Chú ba chắc đi mua rượu rồi. Thấy bảo quyết tâm ly hôn lắm, chắc cũng muốn giành quyền nuôi con. Nghe nói thím ba đã đến đây làm loạn hả? Nhưng chả xơ múi được gì, đáng lắm, cô ta bị thu lại chìa khóa nhà rồi. Chắc thấy Đăng nhà chúng ta hiền nên bắt nạt đây mà.”
Đăng bỗng lao lên, ôm chầm lấy chú, sau đó mới chầm chậm buông ra.
“Chào cả nhà!”
Trong nhà, cây mai đã nở hoa vàng rực, lấp lánh dưới ánh đèn, tỏa sáng giữa bầu không khí ấm áp của gia đình.
(*): Xin chào người tôi yêu
(**): Người tôi yêu
Bình luận
Chưa có bình luận