Tôi đến thị trấn ấy vào một chiều tháng Mười, khi hoàng hôn đổ dài như những sợi tơ nhuộm bằng máu nhạt của lá úa, trùm lên thế giới thứ ánh sáng nửa mộng nửa mê. Tàu dừng lại tại một sân ga nhỏ phủ đầy rêu phong, không biển tên, không tiếng còi tàu, không loa thông báo. Ở góc tường nhà ga, một chiếc đồng hồ cũ treo lặng lẽ, khung đồng xỉn màu, mặt kính nứt, không kim. Vậy mà tôi vẫn liếc nhìn nó như thể mong tìm được một giờ chính xác hơn cả sự thật. Cảm giác như vừa lướt khỏi một thực tại mà không ai biết, không ai chứng nhận. Trạm ga nằm giữa hai vách núi rêu phong, những dãy đá dựng đứng như cánh cổng hoang phế dẫn về một nơi bị lãng quên.
Chiếc vali sờn màu lăn lóc trên nền đá lát lồi lõm, mỗi cú xóc như nghiến vào hồi ức mơ hồ, đánh thức những kỷ niệm chưa kịp định hình. Đây không chỉ là một chuyến đi, mà là hành trình tìm lại mảnh ký ức đã bị xóa nhòa, hay có lẽ, đã bị ai đó che đi.
Vốn là một nhà nghiên cứu âm học, chuyên sâu vào những hiện tượng âm thanh siêu hình – tần số nằm ngoài giới hạn nhận thức con người. Tôi đã từng tin rằng âm nhạc là bản ngữ của vũ trụ. Nhưng từ sau biến cố của Mina, mọi niềm tin ấy bắt đầu rạn vỡ.
Cô bé mười lăm tuổi với đôi mắt như chứa cả vầng trăng, hay nghêu ngao những giai điệu lạ kỳ không ai dạy. Mina luôn có gì đó không thuộc về thế giới này, sống lặng lẽ, ít lời nhưng sâu sắc, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ như thể ẩn dụ cho điều gì đó. Em không kết bạn nhiều, thường ngồi một mình bên cửa sổ với cây đàn kalimba gỗ nhỏ xíu, gảy những nốt nhạc không thành bài, nhưng tôi luôn có cảm giác em đang “gọi” thứ gì đó không tồn tại. Có lần tôi hỏi em đang chơi gì, em chỉ mỉm cười: “Một bài hát cũ... nhưng không ai nhớ tên.”
Em thích ghi lại những giấc mơ. Nhật ký của Mina đầy những dòng chữ nghiêng nghiêng, đôi khi là chữ, đôi khi là hình vẽ: mặt trăng vỡ đôi, cầu thang dẫn xuống đáy đại dương, hay một cánh cửa không tay nắm. Khi tôi đọc, em chỉ nói: “Chúng là ký ức của người khác, lạc vào đầu em.”
Tôi từng cho rằng đó chỉ là trí tưởng tượng phong phú của một thiếu nữ nhạy cảm. Nhưng càng về sau, những giấc mơ ấy càng trùng khớp với những biểu hiện kỳ lạ của em, đột nhiên im lặng giữa chốn đông người, hoặc thì thầm hát một giai điệu mà ai nghe xong cũng thấy lạnh gáy. Không phải vì nó đáng sợ mà vì nó quen, như từng nghe trong một kiếp khác.
Một buổi chiều tháng Sáu, em được tìm thấy ngất lịm trong hành lang trường, đôi mắt mở to, miệng há rộng như đang thét gọi. Không một âm thanh thoát ra. Kể từ đó, chìm vào hôn mê sâu. Dù không có tổn thương thể chất nào, sóng não dao động một cách bất thường, như thể...đang “nghe” một thứ gì đó không thuộc về thế giới này.
Nhiều đêm dài, tôi ngồi lặng trước máy đo điện não đồ, gắn chặt tai nghe, khuếch đại mọi tín hiệu. Và rồi, từ khoảng lặng sâu thẳm, một âm thanh thoát ra, không rõ ràng, không giai điệu, chỉ là cảm giác: một bài ru rạn vỡ, rên rỉ như tiếng khóc của linh hồn không còn giọng nói. Trong hỗn độn ấy, hai từ lập lòe như ánh đèn dầu sắp tắt: “trở về”.
Những giấc mơ bắt đầu đến với tôi. Một nơi đầy mù sương, nơi giọng hát vang lên trong vô thức, nơi người ta không biết mình đang ca. Trên bản đồ, chỉ một khoảng trống không đánh dấu và trong nhật ký của Mina, nét mực cuối cùng là một hình vẽ: chiếc đồng hồ không kim.
Không phải vì niềm tin, mà vì tuyệt vọng. Tôi đã bước đến đây. Bởi nếu giai điệu đã ru Mina vào giấc ngủ mộng mị kia, có lẽ nó cũng là chiếc chìa khóa để đánh thức em.
Thị trấn này hiện ra như tranh ký ức bị bạc màu. Những mái nhà lợp ngói cũ kỹ, tường đá loang lổ, hàng rào sắt cong queo, rỉ sét bởi thời gian. Không một bóng đèn điện, chỉ vài ngọn đèn dầu lập lòe trước cửa, như thể ánh sáng ở đây không nhằm soi sáng, mà để giữ ký ức không khỏi tan đi.
Gần đó, một cụ bà đang quét lá trước hiên, ánh mắt đã đục màu dừng lại nơi người khách lạ. Nhưng nụ cười bà hiền hòa, như thể đã quen biết từ kiếp nào.
“Cháu mới tới phải không? Trời se lạnh đấy!” chất giọng khàn ấm vang lên, tay bà chìa ra một chiếc khăn len cũ, thơm mùi quế khô và gỗ thông.
Tôi ngạc nhiên trước sự thân thiện ấy của bà. Đón lấy món quà không lời đề nghị, lòng chợt thấy ấm hơn ánh đèn trên hiên. “Dạ, cháu cảm ơn… bà tốt bụng quá!”
Bà mỉm cười nhẹ, tiếp tục quét lá trước hiên. “Tốt bụng không phải vì nhớ tên, mà vì không quên ai từng ghé qua nơi đây.”
Câu nói ấy rơi vào tâm trí như một hòn sỏi rơi xuống giếng sâu, tạo thành những gợn sóng lan dần. Không rõ tại sao, lời lẽ ấy gợi lên điều gì đó mơ hồ như một lễ nghi của ký ức, như thể bà không chỉ nói về lòng hiếu khách, mà là cách thị trấn này giữ chặt những người đã từng hiện diện, bằng một phương thức nào đó vượt khỏi sự nhớ thông thường.
Tôi không suy nghĩ nhiều, lần nữa cúi đầu chào và tiếp tục lang thang giữa những con đường không tên, ánh sáng yếu ớt rọi qua các ô cửa kính bụi mờ. Cuối cùng, tôi bắt gặp duy nhất một quán cà phê còn mở cửa, bảng hiệu gỗ treo lủng lẳng: “Café Silence”. Chữ cái bạc màu, những đường nét như muốn tan biến cùng làn sương.
Bên trong, không nhạc nền. Không radio, không tiếng thì thầm. Chỉ có tiếng thìa chạm sứ, vải lướt qua gỗ, và tiếng gió rít khe khẽ qua kẽ tường. Không gian dài hun hút, như kéo sâu vào bên trong ký ức, với ánh sáng mờ nhạt tựa như một lớp sương mù bàng bạc, nhẹ nhàng lướt qua từng vật thể trong quán. Những chiếc bàn gỗ uốn cong mốc meo dưới thời gian, ghế bọc vải xám lởm chởm những vết mòn cũ kỹ. Mỗi chiếc ghế như một kẻ khách lạ, mỏi mòn chờ đợi một người đã lâu không đến. Những bức ký họa đen trắng treo trên tường, rừng cây u tối, giếng cổ vắng lặng, bóng người mờ ảo lạc giữa sương mù. Tất cả đều như không thuộc về thế giới này.
Tôi bước đến, yên vị gần nơi cửa sổ. Một cô gái phục vụ trong bộ tạp dề đen xuất hiện, nét mặt nhợt nhạt nhưng thanh tú. Cô di chuyển nhẹ nhàng như một cái bóng, không lời chào, chỉ đặt ly trà nóng lên bàn gỗ cũ kỹ rồi mỉm cười, một nụ cười dịu dàng, thản nhiên, như ánh trăng phản chiếu trên mặt nước đọng. Không phải nụ cười thân thiện, mà là một nụ cười đầy ý tứ, như thể cô biết rõ mọi thứ đang chờ đợi trong sự im lặng kì lạ này.
“Cô không hỏi tôi muốn gì sao?”
“Ở đây, ai cũng biết mình cần gì. Chỉ đôi khi họ quên cách gọi tên nó.” Mắt cô không nhìn vào khách, mà như dõi theo một hình bóng khác, vô hình mà hiện diện. Một chiếc ghế ở góc phòng, sát rèm đen, hiện ra. Không dấu xê dịch, không hạt bụi, lớp sàn dưới chân ghế bóng loáng như thể thời gian đã dừng lại ở đó. Một cảm giác kỳ lạ dấy lên trong lòng tôi.
“Ghế đó… Không có ai ngồi sao?”
“Không ai từng ngồi. Không ai nhớ người cuối cùng đã ngồi. Nên nó chờ. Và chờ… cũng là một cách để còn tồn tại.” Cô phục vụ quay đi, nhưng ánh mắt tôi vẫn bị hút về phía chiếc ghế ở góc phòng. Cảm giác lạ lùng dâng lên trong lòng như thể tôi đã thấy chiếc ghế đó ở đâu, đã từng ngồi ở đó, nhưng lại không nhớ rõ. Mọi thứ trong quán này cứ như thể được bảo vệ bởi một lớp sương mờ ảo, khiến cho mọi kỷ niệm trở nên nhạt nhòa, không thể nắm bắt.
Tôi không rõ mình đã ngồi bao lâu trong quán cà phê ấy. Thời gian như ngưng đọng, hoặc trôi đi theo một nhịp độ khác. Những ngón tay khẽ siết lấy tay cầm ly trà đã nguội. Mùi hương cỏ khô, gỗ thông, chút quế và hồi gợi lại tuổi thơ mơ hồ bên hiên nhà cũ, nơi Mina từng ngồi hát nghêu ngao trong những buổi chiều gió thổi, giọng em khi ấy cũng mơ hồ như một bản nhạc không đầu không đuôi. Nhìn sang mái tóc người phục vụ, cảm giác thân thuộc có nét gì đó giống Mina trổi dậy trong tôi. Không phải màu tóc, mà là sự vắng mặt của sắc màu nơi mái tóc ấy khiến tôi nhớ đến em.
Góc phố vắng lặng, ánh đèn mờ hắt lên từ ô cửa nhỏ phía sau, nhuộm vàng nhạt lên bóng người cô độc đứng đó, người đàn ông với mái tóc trắng xõa dài, tay cầm vĩ cầm nhưng không có dây. Ông đứng bất động, như tượng. Nhưng ngón tay vẫn đang di chuyển, chầm chậm và đầy chủ ý. Không một âm thanh vang lên, nhưng chuyển động ấy lại có nhịp, có tiết tấu, một bài hát không tai nào nghe được, nhưng không vì thế mà không tồn tại. Người đàn ông nâng cổ tay, để lộ chiếc đồng hồ bỏ túi bạc đã tróc lớp men. Không có kim, không có tiếng tích tắc. Nhưng tôi thề, mình nghe thấy nhịp. Không phải của máy, mà là chính tôi.
Tôi đứng lặng. Có thứ gì đó trong tôi co rút lại, không phải sợ hãi, mà là cảm giác quen thuộc. Như khi tôi ngồi hàng giờ bên thiết bị đo sóng não của Mina, nhìn những dao động vô thanh hiện lên từng dải, và biết rằng âm thanh có thể tồn tại bên ngoài thính giác. Thế giới có những bài hát không dành cho tai người.
“Sao ông không chơi thật?” Tôi cất tiếng hỏi, dù có hơi ngập ngừng. “Không có dây đàn… thì làm sao tạo ra âm thanh?”
Ông quay đầu lại, ánh mắt sâu thẩm như giếng sâu không thấy đáy. Nhưng không đục mà lấp lánh như có gì đó đang lay động dưới tầng sâu.
“Không nghe thấy sao?” ông hỏi lại, giọng nói rạn vỡ như gió chạm vào nơi vách đá sâu. “Sự im lặng… nó có cao độ. Khi đủ sâu, nó biến thành tiếng hát.”
Tôi khẽ rùng mình. chúng giống như thứ tôi từng viết trong các nghiên cứu về tần số vô thanh, về việc ở một ngưỡng dao động nhất định, não bộ con người không còn nghe bằng tai, mà bằng ký ức.
Tôi bước đến gần hơn, mắt không rời những ngón tay ông đang lướt qua không khí, không chạm vào bất kỳ thứ gì, nhưng lại có lực kéo lạ lùng, như thể đang kéo ra từng sợi âm thanh từ một chiều không gian khác.
“Ông đang chơi bản gì vậy?” Tôi hỏi vì tò mò hơn là cảnh giác.
“Không nhớ tên. Chỉ biết… bản này có từ rất lâu. Tôi từng nghe khi còn nhỏ, nhưng chẳng ai dạy. Nó cứ đến, cứ lặp lại mỗi khi nơi này sắp... thức dậy.” ánh mắt ông không còn nhìn tôi, mà như thể xuyên qua tôi, vào thứ gì đó phía sau, phía sau mọi lớp thực tại.
Tôi rợn người. Những âm thanh đến từ đâu đó không xác định, không lời mời, nhưng len vào như thể thuộc về máu thịt. Nhanh chóng lấy điện thoại ra, bật nhanh ứng dụng phân tích âm thanh, hy vọng bắt được chút dao động trong không khí. Nhưng màn hình chỉ hiện một đường thẳng. Tĩnh lặng tuyệt đối. Vậy mà tôi vẫn nghe thấy gì đó, một luồng run rẩy trong lòng ngực, một bản ru bị chôn vùi dưới tầng ký ức ẩn sâu.
“Người lắng nghe.” ông thì thầm, như đã biết rõ tôi từ lâu.
Tôi cứng người. Không ai ở đây biết tôi, càng không thể biết lý do tôi đến. Nhưng ánh nhìn của ông lại không cho tôi cảm giác bị xâm phạm mà như thể ông đang nhận ra một điều mà chính tôi cũng chưa sẵn sàng đối diện.
Tôi khẽ ngượng cười nhẹ. “Tôi là nhà nghiên cứu âm học, thính giác của tôi không tốt hơn ai hết, chỉ là tôi có máy để đo thứ người khác bỏ qua.”
Ông không đáp. Nhưng ánh nhìn như tan ra thành hàng ngàn tần số dao động, cắt xuyên qua lớp mô não và ký ức. Tôi không hiểu vì sao mình lại ở gần ông như thế, chỉ biết rằng không thể rời mắt khỏi bàn tay cầm vĩ.
“Bản nhạc này,” tôi thì thầm, “có vòng lặp chu kỳ 11 nhịp, ngón tay ông đang thay đổi vị trí giống như chơi hợp âm không thăng. Vậy nên… nó không có giai điệu, chỉ có sự dao động.”
Lần đầu tiên, tôi thấy ánh mắt ông hiện chút gì đó giống như tán thưởng. “Dao động… là sự chuyển động khi không còn âm.”
Tôi gật đầu. “Sóng đứng. Tần số im lặng. Mina từng… hát trong giấc ngủ. Em tôi. Tôi nghĩ em đang nghe một thứ gì đó. Từ nơi mà không ai có thể đến.”
Ông ngẩng đầu, như thể tên ấy có trọng lượng. “Cô ấy đã đến rất gần. Giấc ngủ không phải là ngưng nghỉ. Mà là bản giao hưởng kéo dài nơi âm thanh tan thành kí ức. Và một số giấc ngủ… không thể tỉnh lại.”
Tôi hơi lùi lại nửa bước. Không khí quanh ông dường như đặc quánh hơn, như thể có một lớp màng mỏng phân tách nơi ông đứng với phần còn lại của thế giới. Mà có thể… chính tôi cũng đang đứng trong một vùng giao thoa ấy.
“Độ tuổi này vẫn còn nghe. Đó là hiếm. Đa phần khi lớn lên, người ta thôi không còn nghe được bài hát trong im lặng.”
Tôi không trả lời. Có gì đó sau gáy bắt đầu râm ran một tần số siêu thấp? Hay chỉ là cảm giác? Tôi nhớ đến Mina, nhớ đến đôi mắt mở to như bị thôi miên vào một thứ mà em không thể cưỡng lại. Tôi nhớ đến bài hát không ai dạy, và giấc mơ không ai viết.
“Có một nơi,” ông nói tiếp, “nằm ngoài biên độ đo được của bất kỳ dải tần nào. Nơi ấy, âm thanh không cần truyền qua không khí. Nó lan qua xương. Qua máu. Qua điều mà ký ức để lại. Thị trấn này từng không tồn tại,” ông nói, ngón tay dừng lại, vĩ cầm hạ thấp. “Nó là một giai điệu chưa từng được viết ra. Nhưng có người đã hát nó. Và một khi bài hát cất lên… thế giới không thể không tạo ra nơi để nó ngân vang.”
Tôi bàng hoàng. “Ý ông là… đây không phải một địa danh thật?”
Ông quay đi. “Hãy hỏi chiếc ghế trong góc phòng kia. Nó từng là người. Giờ nó là kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm ở đây… không tan. Chúng trở thành đồ vật. Trở thành nhịp điệu. Trở thành người phục vụ trà mà cậu nghĩ là thật.”
Tôi mở miệng nhưng không thể thốt ra câu nào. Không khí đặc lại, rồi như bị kéo căng bằng một lực vô hình. Gió rít bên tai, nhưng không lạnh. Tôi quay trở lại quán cà phê. Cửa vẫn hé, ánh sáng vàng mờ len ra như luồng hơi thở của một giấc mơ chưa muốn thức tỉnh.
Không gian trong quán dần đặc lại như sương đọng giữa hai khoảnh khắc. Những ánh đèn mờ nhạt như muốn tan chảy vào bóng tối, và thời gian nếu còn tồn tại, cũng đang bước thật khẽ, không muốn đánh thức điều gì đó đang ngủ yên.
Tôi bước qua ngưỡng cửa, chưa khỏi bàng hoàng, thì một âm thanh rất khẽ, rất thật. Vang lên.
“Ting.”
Không chói tai, không kéo dài, chỉ một chấm nhỏ trong bản nhạc đang lặng. Tôi quay đầu lại, lúc ấy mới thấy: trên mặt sàn gỗ, dưới chiếc đồng hồ không kim, một vật nhỏ bé nằm im lìm, chiếc kim đồng hồ, vừa rơi xuống.
Không ai chứng kiến. Không có cử động nào khác. Nhưng âm thanh ấy nhỏ đến mức tưởng như chỉ vang lên trong ký ức, vẫn còn ngân trong lồng ngực.
Giống như một tiếng gọi xa xôi.
Giống như điều gì đó trong tôi vừa được đánh thức.
Và tôi hiểu: có những lúc, thời gian không cần phải trôi. Nó chỉ cần một dấu hiệu, để bắt đầu ngân lên.
Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!
Bình luận
Chưa có bình luận