Một


Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê rất bình thường có một gia đình sống dưới mái nhà tranh với thành phần tương đối là phức tạp. Tuy không đến mức con anh con tôi con chúng ta, nhưng có con anh và con chúng ta thôi cũng đủ cho những mâu thuẫn đời thường, nhất là từ khi người bố lâm bệnh qua đời, để lại Mẹ Kế sống cùng với hai đứa con gái của mình, trong đó có con riêng của người vợ trước sinh ra.


Đứa con gái của người vợ trước tên là Tấm, còn đứa con gái của Mẹ Kế tên là Cám. Hai chị em tuy cùng cha khác mẹ nhưng vẫn nhiều nét xinh xắn đáng yêu giống nhau. Có lẽ nguyên do từ gien di truyền từ đời thuở nào đó, chứ chưa thấy bản truyện kể nào bảo bố hai chị em đẹp trai hết cả. Mà biết đâu đấy, có đẹp trai mới có người chịu về làm mẹ kế của con chồng trong khi gia cảnh chả mấy gì dư dả chứ.


Tấm là điển hình của mẫu con gái ngoan ngoãn, chăm làm, nết na, hiền như cục bột, mặc cho bà mẹ kế đối xử thế nào cũng chỉ biết nhẫn nhịn làm theo. Bảo Đông không dám đi Tây, bảo ăn cơm không được ăn cháo, bảo rửa bát không dám để lại cái nồi cái niêu nào chưa sạch. Mà lẽ đời làm chị cả đương nhiên phải hay lam hay làm còn để gương cho em út, nên Mẹ Kế cũng sai bảo Tấm nhiều một chút cũng lẽ thường tình. Và đương nhiên, Mẹ Kế lại hơi bị chiều Cám, con gái mình nhiều hơn. Bởi lẽ các cụ đã nói, Giọt máu đào hơn ao nước lã, có tốt tới đâu với con chồng thì cũng không thể tốt bằng với con ruột được, huống gì bà mẹ kế này cũng chẳng có lòng tốt tới mức lật ngược câu Mấy đời bánh đúc có xương.


Còn em gái cùng cha khác mẹ của Tấm thì lại khác. Bản thân cô bé từ nhỏ đã hơi ngấm ngầm nổi loạn. Bảo cô nấu cơm, cô bảo cô thích nấu mì. Bảo cô da trắng tóc dài đen tuyền mới đẹp, cô thà chạy chơi trong nắng gió thỏa thích, tóc cắt ngăn ngắn cho dễ gội còn hơn. Nên dù gương mặt cũng xinh xắn, mắt bồ câu mũi dọc dừa mày lá liễu theo tiêu chuẩn cái đẹp của người xưa, nhưng vì phần còn lại của tiêu chuẩn cái đẹp lại ở trắng da dài tóc nên cô bị nói là không đẹp bằng chị gái. Thôi thì cô cũng mặc kệ, sống sao thoải mái là được rồi, việc gì phải đắn đo mấy chuyện so sánh kia chứ. Mà dường như những đứa con út luôn có chút máu nổi loạn trong người khi cứ phải nghe người khác so sánh giữa anh chị em trong gia đình với nhau…


Một ngày nọ, Mẹ Kế giao cho hai chị em cùng nhau đi mò tôm bắt cá để trưa về cơm nước có món mặn mà ăn. Đấy thấy chưa, tôi đã bảo là gia cảnh không mấy dư dả mà, nếu không sao lại bắt trẻ vị thành niên đi mò tôm bắt cá giữa trời nắng ban trưa? Mẹ Kế còn hứa rằng, ai về với cái hom đầy hơn thì sẽ được thưởng một cái yếm đào. Tôi chẳng biết người khác nghĩ sao chứ tôi thì thấy chuyện đó quá đỗi bình thường. Có giao việc cho cả hai chị em, có phần thưởng cho ai làm tốt. Mẹ đẻ cũng làm thế nói gì người mẹ kế.


Hai chị em cùng nhau tung tăng lội sông bắt cá. Cả hai đều tích cực mò cua vớt tôm bỏ vào cái hom của mình. Thì phải rồi, có phần thưởng treo đó ai chả thích, huống gì con gái nào cũng thích có một chiếc yếm đào làm duyên dù ít nhiều đều bị áo tứ thân che mất, may ra chỉ còn thấp thoáng cái cổ yếm tròn đỏ làm nổi bật cái cổ dài trắng trẻo kia. Nhưng cái thú mặc nội y đẹp đã có từ trước khi những Triumph hay Victoria’s Secret ra đời kia, nên âu cũng dễ hiểu. À ừ quay lại nội dung chính. Tấm vốn là điển hình con gái Á Đông với mái tóc dài chấm gót chân giờ do lội sông nên phải tết gọn rồi búi lên cho tiện. Nhưng trong quá trình mò tôm bắt cá, búi tóc bị xổ ra vì khi mái tóc dài chấm chân ấy, búi tóc vừa to lại vừa nặng, khiến bùn đất lấm lem hết cả.


Cám thấy vậy bèn mở miệng nhắc nhở: “Chị Tấm, đầu chị bị lấm, chị gội cho mau kẻo về mẹ mắng. Em về trước đây.” Tấm nghĩ nghĩ, rồi nhìn cái hom cũng đã khá đầy, nhìn sang hom của Cám thấy còn chưa được nửa do Cám mải hái hoa bắt bướm vui vẻ trên bờ hết nửa buổi, nên cô rất tự tin mà ở lại gội đầu cho sạch. Ai dè, trong quá trình gội đầu, cô nàng lỡ chân chạm phải cái hom trên mặt nước khiến nó bị đổ, bao nhiêu tôm cá trốn ra ngoài hết sạch. Cô nàng điếng cả người vì tiếc. Định quay sang Cám xem sao thì nhớ ra Cám đã về tự lúc nào.


Thật ra Cám cũng chẳng phải ham chơi, đơn giản là vì muốn tự do như mây trên bầu trời, đùa giỡn với gió và trăng, nên vừa làm vừa chơi, được nửa hom rồi thì cũng thôi, nhà có mấy người, chị Tấm đã kiếm được đủ nhiều tôm cua cá tép cho hơn một bữa, mình kiếm được chừng này cũng là đủ rồi. Không nên bắt quá nhiều mà khiến các loài vật không kịp sinh sôi nảy nở. Nghĩ vậy, cô bé tung tăng chân sáo tay cầm hom tay cầm bó hoa đi về nhà trước. Chị Tấm tóc dài gội đầu còn lâu.


Và thế là Tấm buồn Tấm khóc. Công sức bao lâu đã đổ sông đổ biển chỉ vì một phút sảy chân.


Bỗng bụp một cái, một ông tiên râu tóc bạc phơ hiện lên. "Vì sao con khóc?" Giọng Bụt ồm ồm từ tốn hỏi.


"Hu hu hu, chuyện là thế này, Mẹ Kế hôm nay bảo hai chị em con đi bắt tôm bắt cá, hứa thưởng yếm đào. Nhưng rồi... sau đó... Thế là công sức của con đi tong rồi Bụt ơi… Hu hu hu…" Vừa kể, Tấm không quên lã chã giọt châu trên gương mặt trắng trẻo hồng hào như hình ảnh thiếu nữ điển hình phương Đông e lệ.


"Vậy con xem trong giỏ còn gì không?" Bụt cười từ bi khi nhìn thấy vẻ đẹp duyên dáng mong manh của người thiếu nữ.


"À còn có mỗi con cá Bống, làm sao bây giờ hả Bụt?"


"Thôi thì con hãy nuôi con cá này nhé, sau này nó sẽ giúp con. Con chỉ cần mỗi bữa để lại cho nó ít cơm thừa trong bát. Muốn gọi nó thì đọc vè :

Bống bống bang bang,

Lên ăn cơm bạc cơm vàng nhà ta

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người."


Rồi thì Bụt bấm tách ngón tay một cái, một luồng hào quang tụ vào con cá Bống trong hom, và Bụt biến mất.


Tấm ngoan ngoãn nghe lời Bụt dạy không cần tự hỏi vì sao, về thả Bống xuống giếng, ngày ngày để lại ít cơm thừa cho Bống ăn. Còn chiếc yếm đào dĩ nhiên là về tay Cám, và hôm đó, Mẹ Kế đành cho cả nhà ăn đậu phụ rán với cơm thay vì món tôm rim ngon lành như đã định, còn may có mớ tép riu của Cám nên cũng được một bát tép rang nhỏ cho hai chị em. Cám cũng tỏ ra ngạc nhiên và tiếc cho Tấm, nhưng biết làm sao, cô bé rồi cũng quên chuyện này.


Rồi thời gian thấm thoắt trôi. Hai chị em càng lớn càng xinh, mỗi người mỗi vẻ mười phân chắc cũng được bảy tám. Cũng thời gian đó, nhà Vua mở hội lớn, nhằm kén vợ cho Hoàng tử, con trai duy nhất của nhà Vua, ý là người nào được làm vợ Hoàng tử, sau này làm Hoàng hậu là chuyện không cần bàn cãi. Vốn là thời đó chế độ một vợ một chồng rất thịnh hành, ngay cả vua chúa hoàng thất cũng tuân thủ quy định này mà không phải Tam thê tứ thiếp hậu phi ba ngàn như thời vua chúa nào đó.


Chuỵên kể rằng, nhà Vua thời bấy giờ có một con trai cưng độc nhất tên là Hoàng tử (chắc là có tên thân mật âu yếm gì đó nhưng chuyện vốn không nhắc tới). Đến tuổi lấy vợ đã lâu mà chàng chưa có mối tình nào vắt vai chứ đừng nói là vợ chưa cưới. Chàng chủ trương, vợ là vợ cả một đời, phải tìm người phù hợp tính tình, xứng làm vợ hiền dâu thảo, xứng đáng nuôi dạy dòng giống hoàng tộc tương lai. Thế nên để mở rộng mối quan hệ cho chàng, nhà vua quyết đinh mở lễ hội trên khắp cả nước cho dân chúng tích cực tham gia với lời hứa hẹn sẽ có Hoàng tử ở đó để tìm kiếm nhân tuyển cho vị trí vợ Hoàng tử, aka Hoàng hậu tương lai.


Rồi thì không khí lễ hội cũng lan dần đến làng của gia đình nhà Tấm và Cám. Nhà nào nhà nấy nô nức kéo nhau đi trẩy hội. Nhất là nhà nào có con gái mới lớn thì lại càng háo hức. Chả gì tới giờ vẫn còn hội, nghĩa là Hoàng tử vẫn chưa kén được vợ, nghĩa là cơ hội còn dài cho các thí sinh tiếp theo kia mà.


Nhà Tấm Cám cũng không nằm ngoài quy luật trên. Nhà có hai chị em, bất cứ cô nào được chọn hẳn cũng là vinh dự lớn. Có điều, như đã nói ở phần đầu, Mẹ Kế vốn ưu ái con gái mình hơn do tuân thủ lời dạy của các cụ Giọt máu đào hơn ao nước lã. Thế nên tới ngày hội, bà vẫn giao việc cho cả hai chị em như thường lệ. Việc của chị Tấm là nhặt một thúng thóc bị trộn lẫn với một thúng gạo cho sạch sẽ. Còn việc của em Cám là quét tước nhà cửa, dọn dẹp trong ngoài gọn gàng rồi thì đi đâu thì đi. Đấy, có phải Cám chỉ chơi không thôi đâu. Nhưng dù sao việc của Cám cũng có vẻ dễ dàng hơn, nên Cám nhanh chóng làm xong việc, và với tính trẻ con ham chơi, lại bị mẹ kéo đi, nên cô vui vẻ mặc quần áo mới đi chơi hội làng, trong đầu không có ý tưởng gì khác về chuyện làm vợ Hoàng tử hay không. Một trái tim hồn nhiên tột bực.


Còn Tấm, cô cắm đầu vào nhặt, nhặt, nhặt nữa, nhặt mãi, mà vì lo hỏng bàn tay trắng trẻo nõn nà tiêu chuẩn làn da châu Á, nên mới được khoảng vài chục hạt, mà ngày hội đã trôi qua quá nửa. Cô tiếc buổi lễ hội, điều đó là chắc chắn. Còn cô có tiếc chuyện có cơ hội thành vợ Hoàng tử để đổi đời hay không thì tác giả cũng chẳng phải con giun trong bụng cô nên tôi cũng chịu. Và thế là… tèn tén ten, cô lại ngồi khóc.


Tất nhiên, chuyện gì tới cũng phải tới. Bụt hiện lên. “Vì sao con khóc?” Đôi khi tôi tự hỏi Bụt có câu nào khác ngoài câu này không, nhưng mẹ tôi luôn kể thế nên đành chịu!


"Hu hu hu, hôm nay có lễ hội, mẹ con bắt nhặt thóc, sau đó… con muộn rồi… hu hu hu…" Lệ rơi thánh thót như hạt mưa thu trên gương mặt trái xoan trắng trẻo xinh đẹp, khiến Bụt cũng phải động lòng.


"Con cá Bống của con đâu rồi?"


"Cá… cá ấy ạ… Ờ, có hôm con mải dắt trâu đi ăn cỏ quên không cho nó ăn, nên nó bị đói chết rồi. Con đã chôn xác nó ở dưới gầm giường cho có bầu có bạn." Tấm rụt rè cụp mắt xuống và đáp lí nhí.


"Vậy à, khổ thân con cá… à ờ ý ta là, con hãy đào chỗ xương con cá lên, sẽ có điều tốt đẹp đang chờ con. Còn chỗ thóc này, để ta gọi đàn chim sẻ tới nhặt giúp con vậy."


Rồi Bụt huýt sáo một tiếng thật vang. Một đàn chim sẻ sà xuống, mổ lấy mổ để những hạt thóc, để lại hạt gạo trắng tinh tươm. Chỉ loáng chốc, cả một thúng thóc đã vào bụng đàn chim sẻ của Bụt. Chà chả, no bụng quá… Bay đi thôi.


Cô Tấm sững sờ quên cả việc nói rõ là mẹ cô muốn tách thóc và gạo ra chứ không phải muốn vứt thóc đi, đó là thóc giống kia mà. Nhưng chuyện gì đã xảy ra thì làm sao níu lại được, không lẽ phải mổ bụng từng đó con chim để tìm lại thóc. Thôi thì cứ đổ cho đàn chim xuống ăn vụng vậy. Rồi cô chạy vào buồng, đào đào chỗ xương của con cá Bống tội nghiệp kia lên. Bỗng một luồng hào quang vàng rực lóe lên từ đống xương cá, chúng hóa thành quần áo hài nón thật đẹp, thật xinh, thật hợp thời trang, nhầm, thật hợp với cô để đi dự lễ hội. Cô chỉ kịp ồ lên một tiếng rồi vội vã thay quần áo kẻo muộn. Còn Bụt, dĩ nhiên là đã lại biến mất từ lúc nào, biến đi đâu không rõ, có biến tàng hình xem cô thay đồ hay không thì tôi chịu.


Tấm háo hức, hớn hở, hồi hộp chạy tới lễ hội. Chẳng may lúc đi qua sông vì cầu tre lắt lẻo quá chật chội do người người chen lấn, cô sợ đám đông dẫm bẹp lẫn nhau nên đành nén chịu mà lội qua sông cạn. Ai ngờ vì chạy vội mà đánh rơi một chiếc hài. Tình cờ thay chàng Hoàng tử liếc thấy dáng cô tất tả chạy, chả hiểu sao bị sét đánh cái rầm, yêu luôn, dù làm quen nói năng với bao nhiêu cô gái xinh đẹp dễ thương khác mà chẳng thể cảm nổi. Có thể tại cái dáng tất tả của cô khiến chàng nghĩ, cô gái này rồi sẽ hay lam hay làm giúp đỡ việc trong cung giúp chàng thay vì mải chơi lễ hội phù hoa chăng?


Thế là chàng vớt vội chiếc hài của cô lên, định bắt chước cô bé Lọ Lem mà nhờ hài tìm vợ. Và dĩ nhiên, như truyện của Lọ Lem, cô Tấm cũng đi vừa chiếc hài xinh kia mà một bước lên mây chim sẻ hóa phượng hoàng, thành vợ của Hoàng tử.


Dĩ nhiên câu chuyện của chúng ta không dừng lại ở đây. Phải không nào?

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout