Tấm trở thành vợ của Hoàng tử chẳng được bao lâu thì nhà Vua qua đời trong một cơn bạo bệnh. Có lẽ cũng vì vậy mà nhà Vua quá cố cố gắng nhanh chóng tìm vợ cho con để yên tâm nhắm mắt xuôi tay. Các cụ thường nói, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hoàng tử lớn nhường này coi như đã vững vàng tâm tính của bản thân, giờ đã thành gia thất bên người vợ ngoan hiền đảm đang như mong muốn, âu cũng đã đến lúc chàng có thể tập trung vào việc trị quốc và bình thiên hạ. Sau tang lễ của nhà Vua quá cố, Hoàng tử lên ngôi, ra các chỉ lệnh về miễn thuế, mở trường học, xá tội tử tù xong xuôi rồi thì mọi việc cũng đi vào ổn định. Từ nay ta sẽ gọi chàng là nhà Vua, còn Tấm trở thành Hoàng hậu.
Từ khi Tấm vào cung, nhà còn lại hai mẹ con Cám thui thủi với nhau. Mẹ Cám tuy rất buồn vì con mình không được thành vợ Hoàng tử, nhưng nhà dù sao vẫn có Tấm được tuyển, thế cũng là vinh dự lớn cho cả gia đình rồi. Cám cũng an ủi mẹ rằng cô còn nhỏ lắm, chưa nghĩ chuyện chồng con gì đâu. Hai mẹ con sống với nhau thế này còn đỡ khó xử hơn là nếu Cám vào cung còn mẹ ở lại với chị Tấm, rồi người ta sẽ lời ra tiếng vào thì sao.
Cuộc đời cứ thế yên ả trôi, nhà Vua trẻ đã lên ngôi, và cô Tấm trở thành Hoàng hậu. Một hôm, tới ngày giỗ bố của Tấm và Cám, như tục lệ, ngày giỗ Tết hàng năm là ngày con cháu tụ họp sum vầy, mà dân ta xưa nay vốn luôn coi trọng chữ hiếu. Thế nên mẹ Cám vội báo tin mời Tấm về ăn giỗ bố cùng hai mẹ con. Thế là cô Tấm hồi hương, tiền hô hậu ủng, đúng theo nghi thức Hoàng hậu về thăm quê. Trạng nguyên vinh quy bái tổ còn phải đoàn lính cầm cờ cầm biển cầm quạt mở lối dẫn đường, huống gì là Hoàng hậu. Tuy nhiên, Tấm bỏ lại hết ngựa xe võng lọng mũ miện áo gấm ngoài đầu làng, mà chỉ mặc quần the áo vải như xưa. Trong lòng, cô muốn vẫn là cô Tấm thảo hiền nết na về ăn giỗ bố chứ không phải là một Hoàng hậu kiêu sa về làng lên mặt.
Ngày giỗ, đương nhiên không thể thiếu đi lễ trầu cau. Những năm trước thuở còn con gái, Tấm là chị cả, lại khỏe hơn nên thường nhận việc trèo cây cau hái quả đặt lên bàn thờ cúng bố. Năm nay, tuy Cám đã lớn nhưng Tấm vẫn muốn tỏ rõ rằng tuy mình đã là Hoàng hậu nhưng trước tiên cô vẫn luôn là một người con có hiếu. Cô trèo lên cao, đang hái cau thì bỗng thấy thân cây run lên bần bật. Nhìn xuống dưới là một cảnh có chết cô cũng không quên. Mẹ Kế đang dùng sống dao đập mạnh vào cây, còn đứa em gái cùng cha khác mẹ của cô, Cám hình như đang nắm tay mẹ để đập cho mạnh hơn nữa. Họ… sao họ nỡ nhẫn tâm giết mình… Đó là suy nghĩ cuối cùng của Tấm trước khi rơi thẳng xuống ao, đập đầu vào một tảng đá dưới đáy mà chết. Dù vậy tác giả có thắc mắc nhỏ, không hiểu tại sao cây cau lại mọc gần ao, nó đâu phải loài cây ưa nước.
Thật tình chuyện xảy ra dưới gốc cây không hoàn toàn như Tấm nghĩ. Mẹ Kế quả là có ý nhân cơ hội giúp con vào cung chơi một lần cho biết đây biết đó. Bà chỉ nghĩ đơn giản, là nếu Tấm ngã xuống ao, Tấm vốn gái quê, khỏe mạnh biết bơi thì thể nào xảy ra chuyện gì được. Còn Cám sẽ nhảy xuống cứu chị và rồi mẹ con bà sẽ được vào cung chăm sóc cô, để có cơ hội vào cung cho biết bên ngoài ra sao, về sau ở nhà đến lượt Cám gả chồng cũng được thêm chút vẻ vang nở mày nở mặt. Bởi lẽ tuy Tấm làm dâu nhà hoàng thất từng ấy năm, đã bao giờ nó mở lời mời mẹ con bà vào cung gặp bao giờ kia chứ, chỉ toàn gửi lời thăm hỏi đãi bôi.
Dè đâu Cám cứ giằng tay bà ra, bảo rằng cần thì nói với chị mời mẹ con mình vào cung chơi là được, cô không muốn làm tổn thương chị mình. Nhưng rồi khi Mẹ Kế vừa muốn giằng tay khỏi con gái vừa cầm dao cố tránh chém vào Cám, bà lỡ vung tay quá mạnh đập thẳng vào cây cau, khiến Tấm mất đà lao thẳng xuống ao, lại không may đập đầu vào tảng đá.
Chao ôi sự đời muôn vẻ khó lường, ngay cả những gì chính mắt ta nhìn thấy nghe thấy, đôi khi chưa chắc đã là sự thật hoặc chỉ là một phần sự thật. Cũng may hôm đó không có ai trông thấy sự việc này, mà mẹ con Cám cũng chẳng dám hé miệng nói ra sự thật, chỉ nói rằng Tấm sảy chân ngã mà thôi.
Tin dữ truyền tới tai vua. Mặt rồng đùng đùng nổi giận. Vợ hiền yêu dấu bị chết thảm như thế, làm sao không đau lòng được kia chứ? Vua đành sai người rước Hoàng hậu Tấm về cung tổ chức tang lễ trọng thể. Trong thời gian tang lễ, dĩ nhiên hai mẹ con Cám cũng được đón vào cung vì là thân nhân gần gũi nhất. Cả ba người đều mặt ủ mày chau vì xét cho cùng, người đã khuất là người nhà của họ.
Nhất là Cám, cô tự trách khôn nguôi, chỉ vì ý muốn vào cung điện dạo chơi cho biết đó đây và lỡ miệng thủ thỉ cùng mẹ, lại khiến chuyện ra nông nỗi này. Cô ngồi hàng giờ trong vườn thượng uyển, tưởng tượng cảnh chị Tấm dạo bước nơi đây. Và rồi cô lắc đầu, chị ấy vốn tính dịu dàng nhẹ nhàng, đâu có giống như cô thích chạy nhảy bắt bướm hái hoa kia chứ. Thế là bỗng một ý tưởng lạ lùng nảy lên trong đầu cô, nếu chị Tấm đã không dạo chơi được nữa, cô hãy sống thật tốt thêm cả phần của chị ấy vậy. Thế là Cám gạt nước mắt, nở một nụ cười trong trẻo qua hang hàng lệ châu, cô lơ đễnh dạo bước quanh vườn thượng uyển, để ý xung quanh xem hoa nơi nào đẹp nhất để tự tay hái, kết thành một bó hoa thật đẹp để lên bàn thờ chị để tỏ lòng thành. Người đã khuất cũng chẳng còn đây nữa, nghĩa tử là nghĩa tận, người còn ở lại thì vẫn phải sống tiếp để không thấy hối tiếc về sau. Dần dần, nỗi buồn bã tự trách dần dần vơi đi, chỉ còn lại một niềm u hoài khó tả khiến cô không nhịn được mà cất tiếng ca buồn réo rắt.
“Chiều chiều ra đứng gốc cây
Trông chim bay liệng, trông mây ngang trời
Trông xa xa tít xa vời
Những non cùng nước, còn người nơi nao.”
Cám không ngờ tới một điều, Vua cũng đang đi dạo trong vườn thượng uyển và tưởng nhớ tới người vợ đã khuất. Nghe thấy tiếng ca, Vua ngẩng mặt lên nhìn và bỗng như ngừng thở. Trong ánh nắng chiều đỏ quạch nửa bầu trời, dường như Tấm đã trở lại, có chút gì đó sinh động hơn, và ma mị hơn. Vua vội vàng chạy tới ôm chặt lấy bóng hình đó vào lòng như sợ vợ mình sẽ biến mất lần nữa.
"Quan gia… quan gia… ngài làm gì thế? Trời ơi, buông tôi ra!" Cám hốt hoảng kêu lên.
"Tấm, Tấm của ta, đừng bỏ đi nữa, ta sẽ không bao giờ cho em rời xa ta nữa…" Nói rồi Vua xốc người con gái trong lòng lên vai lôi về tẩm cung mặc cho cô ấy vùng vẫy. Và chuyện gì phải đến đã đến. Trong cơn bi thương, Vua không hề nhận ra người đang nằm với mình là em gái của Tấm chứ không phải Tấm. Chỉ cho tới khi người dưới thân hét lên đau đớn, cơn đau điếng người đầu đời khi một người con gái bị hóa thành đàn bà, thì Vua mới giật mình tỉnh thần lại.
"Cám, sao… sao lại là… Ai cho cô đóng giả Tấm của ta?" Vua giận dữ hét, nhưng cũng không thể ngừng lại giữa chừng cái việc đang làm, nên hét thì vẫn hét, động thì vẫn động.
Nước mắt Cám rơi ào ạt như mưa không thốt nên lời. Đau quá, và cũng tủi quá, nhục quá… sao cơ sự lại thành ra thế này…
Rồi sau đó, mặc cho Cám khàn giọng van vỉ giải thích, Vua vẫn một mực cho rằng cô cố tình đóng giả Tấm để lường gạt mình. Ngài nhốt cô em vợ của mình lại, nói với mẹ của Cám rằng muốn để Cám thay thế chị mình làm Hoàng hậu và tiễn bà về quê. Dĩ nhiên mẹ Cám cũng mừng lòng vì con gái cũng có nơi có chốn được tử tế, tuy rằng lương tâm vẫn đau đáu cắn rứt vì chuyện của Tấm. Bà về nhà một lòng ăn chay niệm Phật, hi vọng mọi quả báo nếu có xin hãy đến với bà, mà buông tha cho Cám, để Cám được hạnh phúc.
Từ đó, Cám sống dưới cái bóng của chị mình. Khi hứng lên, Vua sẽ coi cô là Tấm mà đòi hỏi xác thịt một cách vô cùng bạo lực chỉ để thỏa mãn nhu cầu, khi không vui, nhớ về người vợ quá cố, ngài sẽ tra tấn cô vì cô dám lừa gạt ngài, và cả vì biết đâu cái chết của Tấm chẳng do cô sắp đặt. Dẫu sao khi còn sống, Tấm vẫn thường kể lại những ký ức thuở còn son, và cuộc sống sinh hoạt giữa mẹ kế con chồng, làm sao tránh khỏi đụng chén đụng bát.
Cám biết, mình đang chịu khổ ải. Cám biết, Vua chỉ làm thế vì quá đau lòng với cái chết của vợ mình. Cám biết, mình có một phần lỗi trong chuyện đó. Nên từng ngày, từng đêm cô đành chịu đựng trong đau đớn thể xác lẫn tủi nhục tinh thần. Mà có muốn cải thiện khác đi, cô cũng chẳng có cách nào. Nhà Vua đã sai người giam lỏng cô trong cung điện, không cho phép cô mặc quần áo tử tế nên cô chỉ có thể náu mình trên giường, dưới những tấm chăn hờ được thay đổi mỗi ngày khi đã thấm ướt mồ hôi lẫn nước mắt hay nhiều thứ khác. Hàng đêm, Cám khàn cả giọng vì khóc vì giải thích vì gào thét với những nhục hình lẫn nhục dục mà nhà Vua áp đặt lên người mình. Dần dần, từng ngày, từng tuần, từng tháng, tiếng khóc lóc van xin càng nhỏ đi, yếu ớt, và trở thành câm lặng.
Có lẽ điều Cám tiếc nhất chính là mình chưa kịp báo hiếu cho mẹ, tiếc rằng mình chưa kịp thắp nén nhang xin lỗi chị mình, và nhất là cảm giác hối hận biết thế chẳng làm càng lúc càng ăn mòn tâm trí cô như một thứ chất độc khủng khiếp. Những khi nằm trân người nhìn lên trần nhà đếm từng giọt nước trên đồng hồ nước đang rơi, cô lại thầm khấn cầu thần Phật mười phương, rằng quả báo này cô đáng phải chịu, nên xin họ hãy tha thứ cho mẹ mình.
Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ vẫn như thế, Cám cũng dần chai sạn sau những đêm đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Cô không còn khóc lóc, cô không còn giải thích, thậm chí có phần thông cảm và thương cảm cho người anh rể đáng thương của mình đã mất đi lý trí. Nhưng trời chẳng chiều người, một ngày họ phát hiện, cô có thai.
Bình luận
Chưa có bình luận