Ba


Lại nói, Tấm được Bụt vài lần cứu độ, nên cũng vô tình Bụt đi ngang qua ngôi làng của cô khi cô ngã xuống ao chết.


Bụt không kịp cứu sống Tấm, nhưng cũng kịp thu linh hồn của Tấm vào một chiếc bình thần để nuôi dưỡng hồn phách cho cô.


Sau bảy bảy bốn chín ngày, Bụt thả hồn phách của Tấm ra và đưa ra cho cô lựa chọn. Nếu cô không còn điều gì nuối tiếc hay chấp niệm muốn thực hiện, cô có thể lập tức đi về nơi chín suối nghe Địa Tạng Vương Bồ Tát giảng kinh rồi sau đó vào cõi luân hồi đầu thai kiếp khác. Ngược lại nếu cô muốn, có thể giữ hồn phách bây giờ gửi vào các vật chứa tạm thời để thực hiện nốt các chấp niệm khi còn sống. Đây là dịch vụ đặc biệt của Bụt dành cho cô do đã quen biết cô lâu nay và thấy tiếc nuối khi cô bị chết oan khi chưa đến lúc ghi rõ trên sổ sinh tử.


Nếu cô đi đầu thai, do bị thiếu hụt một phần lớn cuộc đời, cô sẽ được đền bù trong kiếp sau, gia đình vẹn toàn hạnh phúc, con cháu đề huề, sản nghiệp phong phú. Còn nếu cô muốn ở lại kiếp này và gửi hồn vào các vật chứa, tương lai sẽ hoàn toàn không xác định, và mỗi lựa chọn của cô sẽ quyết định những gì sẽ xảy ra tiếp theo.


Tấm suy nghĩ một hồi lâu rồi quyết định ở lại kiếp này, bởi những gì cô nhìn thấy trước khi chết khiến cô không cách nào cam lòng đi đầu thai. Cô muốn chính mắt nhìn xem chuyện gì sẽ xảy ra sau khi mình chết, tại sao mình chết và nhất là cô muốn trước hết về thăm lại người chồng yêu quý của mình, người đầu tiên đã đối xử với cô một cách chân thành yêu thương đến thế. Bụt đồng ý, và dạy cho Tấm một câu thần chú để khiến cô có thể nhập vào bất cứ thân xác nào không phải loài người. Ngài cũng bảo Tấm, chừng nào cô không làm điều ác thì vẫn có thể tiếp tục giải quyết những chấp niệm mà không bị kéo đi đầu thai. Còn một khi cô làm điều ác, cái giá mà cô phải trả sẽ tăng lên gấp bội. Tấm nghe hết những lời căn dặn đó, đầu gật gù liên tục rồi đọc thần chú để gửi linh hồn mình vào thân xác một con chim Vàng Anh tuyệt đẹp. Tấm nhớ chồng, nhớ hoàng cung, vô cùng ao ước được thăm lại chốn xưa ấy, bèn tung cánh bay vút lên trời cao. Cô không nghe thấy tiếng thở dài não nề của Bụt sau lưng mình. “Oan oan tương báo, kiếp nào mới xong.”


Con chim Vàng Anh bay về hoàng cung đúng lúc Cám đã bị nhốt một thời gian. Nó nghe thấy binh lính người hầu trong cung bàn tán về việc Cám đến dự tang lễ rồi bị giữ lại trong tẩm cung của Vua, và rằng Vua rất sủng ái cô ta. Linh hồn của Tấm giận dữ khôn nguôi, cộng với những gì nhìn thấy trước khi chết, nên càng đinh ninh trong lòng rằng tất cả là mưu kế của hai mẹ con Cám, nhằm giết mình để thay thế mình làm vợ vua.


Vàng Anh từ đó cứ bay quẩn quanh trong hoa viên. Lâu lâu nó lại ghé vào gần tẩm cung dò xét, nhưng tẩm cung cửa đóng then cài, đôi khi chỉ mở ra để cơm nước đưa vào hoặc chính nhà Vua ra vào mà thôi. Những lúc đó, nó thoáng thấy một mái tóc đen dài rủ xuống từ đầu giường, như cách nhà Vua hay yêu chiều xõa tung mái tóc của Tấm để ngắm ngày xưa. Nó thấy cánh tay trần đầy dấu vết ân ái lộ ra ngoài chăn màn. Nó thấy, cái đứa em gái xấu xa độc ác kia được nâng niu chiều chuộng tới mức không phải ra ngoài một bước mà cơm bưng nước rót tận giường. Nó thấy… nó thấy… và nó thấy quan thái y thông báo rằng đứa em gái của mình đã có thai.


Đôi mắt Vàng Anh sực đỏ ngầu vì căm hận. Nó hận chỉ muốn moi gan móc mắt đứa con gái lăng loàn cướp chồng của chị kia. Nó hận chỉ muốn ăn thịt uống máu bà mẹ kế độc ác giết con chồng kia. Nó đau thương, nó ai oán mà hót lên bài hát từ trái tim đang rỏ máu vì đau đớn và hờn ghen. Có điều vì không phải tiếng khóc, nên Bụt chẳng hiện ra được. Nhưng nhà Vua đã nghe thấy. Sao tiếng chim hót lại uyển chuyển giống như tiếng vợ Tấm của mình thế nhỉ, cũng giọng ai oán về bản thân ấy, cũng đầy nỗi sầu thương nhân thế như vậy. Và thế là vua ngâm nga dịu dàng như dụ dỗ.


"Vàng Ảnh Vàng Anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo."


Chà, mừng quá, Vua còn chưa quên mình, phải thế không ? Nó vội vã bay vào tay áo của vua, cái nơi ấm áp quen thuộc, cái mùi hương nam tính nồng nàn mỗi tối. Và thế là nó được ở lại trong tẩm cung, trong một chiếc lồng sơn son thiếp vàng để cạnh cửa sổ. Nhưng những gì nó nghe thấy lại thật đau lòng.


"Cám, nàng xem, ta bắt được một con chim Vàng Anh làm bạn với em. Em hãy vui lên đi nào, thái y nói để đứa trẻ được mạnh khỏe thì người mẹ phải giữ gìn cho tinh thần sảng khoái."


Đúng vậy, nhà Vua tuy hận Cám, nhưng với điều bất ngờ khi được thông báo Cám đang mang trong mình giọt máu của Vua, ngài quyết định thôi tra tấn mà đổi sang chăm sóc Cám, chính xác hơn là chăm sóc đứa con máu mủ của ngài trong bụng cô. Chỉ chờ đứa con chào đời xong…


Phải nói rõ, cho tới giờ này, vị trí Hoàng hậu vẫn là của Tấm. Còn Cám, xét cho cùng, chỉ là thứ vật chứa để nhà Vua trút giận dữ lẫn dục vọng mà thôi.


Người mang thai, đương nhiên là nghén nặng. Cám không phải ngoại lệ. Và trớ trêu làm sao, tạo hóa bất công, một hôm đẹp trời Cám bỗng lên cơn nghén thèm món canh thịt chim hầm ! Cũng chẳng sao, dù gì chim nhồi thịt băm với cốm và hạt sen, hầm với táo tàu táo đỏ long nhãn, rất bổ dưỡng cho cơ thể. Nhưng trớ trêu ở chỗ, giờ đã đầu đông, các loài chim đều đã đi tránh rét về phương Nam, lấy đâu ra con nào mà hầm với chẳng nhồi cho Cám. Ngay cả các đầu bếp cũng bất lực. May sao, còn có chú chim Vàng Anh đang ở trong lồng Và thế là Vàng Anh vào nồi hầm.


Linh hồn của Tấm bị đẩy ra khỏi thân xác con chim, càng thêm nung nấu thù hận khôn nguôi. Cô đinh ninh Cám cố tình làm như thế, bởi dường như cô không thể nhìn thấy cảnh em gái nôn nghén khổ sở ra sao, mà trong đầu cô chỉ quẩn quanh duy nhất một suy nghĩ, nó đang mang thai với chồng cô, nó đã cướp chồng, cướp vị trí Hoàng hậu, và cướp cả đứa con mà đáng ra phải là của cô với nhà Vua. Còn điều gì có thể thiêu đốt ngọn lửa giận dữ bùng lên tận trời nhiều hơn thế nữa.


Cám mang thai đủ chín tháng mười ngày thì sinh hạ một hoàng tử giống cha như đúc. Nhưng thân phận cô không vì thế mà đổi đời mẹ sướng nhờ con. Cô vẫn chỉ ở lại trong cung, tham gia quay tơ dệt vải cùng đám người hầu, lâu lâu vua gọi đến bắt ngủ cùng, coi như là công cụ phát tiết nỗi nhớ vợ. Còn lại, cô hoàn toàn không có bất cứ một danh phận nào, thậm chí cho dù là cái danh cung nữ cấp thấp nhất.. Sau lưng cô, đám binh lính lẫn cung nữ trong cung lén rủa cô là con điếm của vua.


Còn linh hồn của Tấm sau khi thoát ra khỏi hình hài con chim, nhập vào một cây xoan đào trong vườn thượng uyển theo lời thần chú mà Bụt đã dạy hôm trước. Mùa hè đến, nhà Vua mắc võng cạnh cây xoan nằm hóng mát sau những buổi trưa hè nóng bức mệt mỏi. Linh hồn Tấm liền rì rào cùng tán cây mỗi khi có cơn gió thổi qua, những mong vua nghe thấy lời nhắn nhủ của mình. "Cám… Cám… độc ác… Cám… chồng chị… cướp đoạt…"


Vua đang ngủ, nghe tiếng được tiếng mất, chỉ nghe những chữ Cám, độc ác… liền rợn cả tóc gáy, nghĩ rằng thần Phật đang trách tội mình độc ác với Cám. Xét cho cùng, ông trừng phạt Cám như thế cũng có phần quá đáng. Dù gì Cám cũng đã sinh cho ông một hoàng tử để nối dõi, và dù gì điều đó cũng giúp ông lấy lại lý trí mà sống tiếp. Nghi thần nghi quỷ mất vài hôm, cuối cùng ông chặt cây xoan đào kia, lấy gỗ đóng thành khung cửi mà đưa xuống cho Cám ngồi dệt, hi vọng thần Phật thấy Cám giờ đã ổn thỏa mà tha thứ cho ông.


Nào ngờ điều này càng thêm hun đúc nỗi hận thù trong lòng linh hồn của Tấm. Con ả đó, được phép dệt áo cho Vua. Còn cô, khi còn sống chỉ cần được nâng áo long bào dâng lên cho ngài ấy thay áo đã là hạnh phúc lắm. Còn nó, được dệt nên những hình long hình phượng hình hoa hình gấm. Cô… không cam lòng. Vậy là khung cửi lại kẽo kẹt khóc than. "Cám… hại ta… phải chết…"


Các cung nữ dệt cùng hoảng hốt. Họ vội bẩm báo lên trên để hỏi xem nên làm gì. Và câu trả lời thì, dĩ nhiên bạn đã biết mà, khung cửi được ra lệnh mang ra đốt rụi ném tro bên đường. Và từ đám tro đó mọc lên một cây thị xum xuê chỉ sau một đêm. (Lần này có lẽ là nhờ một phép thuật mới của Bụt chăng)


Chuyện tiếp theo thì như các phiên bản quen thuộc. Có bà bán nước, có quả thị nở ra cô Tấm, có vị vua đi ngang qua xin miếng trầu têm và nhận ra miếng trầu cánh phượng chính tay vợ hiền của mình khéo léo thực hiện. Và họ đón nhau về cung, hạnh phúc mãi mãi…


Có thật hay không?


Vua nhận ra vợ hiền năm xưa, đúng vậy. Nhưng thay vì mừng rỡ nhào vào vợ, ngài chỉ biết thẫn thờ cả người sững sờ mặc cho cô Tấm đang dang tay chào đón. Vì sao ư ? Vì giờ ngài bắt đầu khó xử, vì ở trong cung, còn có Cám. Và vì thật lòng mà nói, ngài lúng túng vì nhận ra mình đã bắt đầu có tình cảm với Cám. Dù gì đó cũng là mẹ của con trai ngài, và dù gì Cám cũng chưa từng thể hiện ra vẻ ác độc đanh đá hay quá quắt như Tấm từng nói, mà luôn nhẫn nhịn cam chịu. Và dù gì nhà Vua cũng không thể quên được hình ảnh một cô gái trong trẻo đứng hát trong ánh chiều tà khi đang đi dạo thượng uyển năm nào. Tuy hình ảnh đó đã tắt lịm sau những gì ngài làm với Cám, nhưng gần đây, cô đã bắt đầu nở lại nụ cười, nhất là những khi ôm lấy đứa con trai mới sinh. Bởi dường như đó là những giây phút hiếm hoi cô cảm thấy mình đã làm được một việc có ích lớn lao, đó là tạo ra một Con Người. Những lúc ấy, nhìn ánh mắt dịu dàng của Cám, nhà Vua lại thấy lòng mình chao nghiêng khó tả.


Nhà Vua cảm thấy rối bời, nhưng rồi vẫn phải thôi thẫn thờ mà đưa ra quyết định. Tấm, dù sao vẫn là vợ chính thức của ngài (dù thông tin công khai là đã qua đời?), còn Cám, chẳng có nổi một cái tên gọi trong cung. Nhà Vua cuối cùng vẫn đón Tấm về cung như cũ. Chỉ là, ân ái đã kém mặn nồng, chưa kể đứa con trai của Cám và Vua vẫn chình ình ở giữa hai người, như bằng chứng về sự ‘phản bội’, sự ‘ác độc’, sự ‘thâm hiểm’ của Cám. Hơn nữa cũng vì đứa con trai ấy mà Vua càng không nỡ xuống tay với Cám, vì ngoài việc Tấm đã quay lại, Cám còn là mẹ của con ngài. Giờ đây, quả thật ngài tiến thối lưỡng nan.


Thế nên Tấm đành xuống tay vậy. Sự hằn thù nung nấu bấy lâu, trải bao kiếp sinh tử, đã không cách nào bình tĩnh trong lòng cô gái một thời hiền dịu nữa. Cô lén bỏ thuốc độc vào thùng nước tắm của Cám, khiến da thịt Cám lở loét thối rữa mà chết (Loại thuốc độc này tên ngày nay có lẽ là chất cường toan, thứ muôn đời dùng để đánh ghen giữa những người phụ nữ). Cô còn muốn giết cả con trai Cám và chồng mình để tránh cảnh chướng mắt trái tai hàng ngày, nhưng trước đó nhà Vua đã kịp nhận ra sự bất thường nơi vợ mình mà đề phòng. Ngài đã không bảo vệ nổi mẹ của con ngài, nếu đến con trai cũng không bảo vệ được thì chỉ có thể gọi là bất lực.


Chỉ còn cái đầu của Cám vì chưa nhúng vào nước mà còn nguyên vẹn. Tấm cũng không tha mà cho vào lọ mắm gửi về cho Mẹ Kế, bảo rằng đấy là mắm tươi nguyên chất làm quà. Mẹ Kế ăn hết tận đáy lọ mới phát hiện cái đầu của con gái mình nhắm nghiền mắt không còn chút sức sống, liền nôn thốc nôn tháo, sợ hãi uất ức thổ huyết rồi đột tử.


Vậy là Tấm đã trả thù xong xuôi, trừ đứa con nghiệt chướng kia. Cô tưởng như có thể đã yên lòng hả dạ mà sống tiếp hạnh phúc bên chồng. Câu chuyện chẳng phải kết thúc như thế hay sao?


Nhưng không, khi cô quay đầu lại, là ánh mắt ngỡ ngàng của người chồng thân yêu, vị Vua cao quý. Ngài những tưởng mình hành hạ Cám đã là tột đỉnh độc ác, nào ngờ… Ngài như không còn nhận ra người vợ đầu ấp tay gối của mình, người vợ hiền thảo hay lam hay làm ngày nào nữa. Chỉ qua một đêm mà ngài bạc từng sợi tóc.


Còn Tấm, cũng chỉ qua một đêm, không những cô trở nên xấu xí, bạc tóc, mà da dẻ đang trắng trẻo nõn nà bỗng nhăn nheo như bà lão. Và cô lại ngồi khóc.


Dĩ nhiên, Bụt lần này cũng lại hiện ra, dù có hơi miễn cưỡng. "Vì sao con, à, vì sao bà khóc?"


“Không hiểu sao tự nhiên con đang trẻ đẹp từ khi ra khỏi quả thị thì bây giờ lại biến thành thế này Bụt ơi?"


Bụt thở dài. "…Tự làm tự chịu…" Và rồi Bụp một cái, Bụt biến mất, không bao giờ còn xuất hiện nữa.


Thế là Tấm nhanh chóng chết già ở tuổi vừa chớm hai mươi, vì bệnh mà không ai biết là bệnh gì. Chỉ cô mới biết, cô phải trả giá cho những hành động độc ác của mình như Bụt từng cảnh báo. Nhưng đã quá muộn.


Còn nhà Vua, thể xác và tinh thần đều mỏi mệt, nên đành nhường ngôi cho con trai còn nhỏ, rồi bỏ hoàng cung mà đi tu tiên đắc đạo.


Nghe đồn, Vua cũng trở thành Bụt.


Nhiều năm sau, câu chuyện Tấm Cám được kể đi kể lại như lời răn về sự độc ác, về quả báo, về thói đời giữa người với người. Còn được kể ra sao, đón nhận thế nào, e là còn nhiều tranh cãi.


Và còn một câu hỏi bỏ ngỏ, vậy ông Bụt đã giúp Tấm từng ấy việc, liệu có bao giờ chính ông ấy cũng từng hối hận việc mình làm hay không? Hay chỉ đơn giản là chấp nhận rằng việc mình làm lúc này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến những gì xảy đến về sau?


Tấm Cám kể lại tới đây là kết thúc. Còn bạn, bạn có câu hỏi gì cho bản thân không nhỉ?


(Một ngày không quá đẹp trời, năm 2011)

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout