Tháng 4 đang chín rục như táo liền cành. Nắng là trứng rán còn những nốt âm của ve sầu là tiêu đen, rắc liên tục khiến lòng người ngứa ngáy bực dọc.
Một toà nhà có hàng rào kẽm gai khiến người ta phải nheo mắt nhìn nó thật lâu dù cho trưa nắng chang chang trên đầu. Đó là những bức tường đá xếp chồng lên nhau, hơi lạnh u ám rỉ ra đã vô tình nuôi những mảnh rêu đen ăn sâu loang lổ. Có mùi sát khí phảng phất như cũi sắt nhốt thú dữ. Ở cổng lớn có một hàng người mặc suit thẳng thớm, cổ áo thắt cà vạt đường hoàng. Nếu không có những vết xăm lộ ra ở cổ tay và vết đinh tán, xỏ khuyên trên mặt thì họ trông giống như những vệ sĩ hộ tống chuyên nghiệp. Tất cả cúi rạp trước một lão già vừa đi ra từ nhà tù đó, lão ta ngước đầu lên nhìn trời, phẩy phẩy tay cười trừ rồi đi vào một chiếc xe hầm hố bạc tỉ, đoàn xe nối đuôi nhau đi. Khuất bóng rồi mà đám bụi mù bốc lên khi bánh xe lăn qua vẫn ngùn ngụt không tản bớt.
Những phạm nhân vừa mới ra tù xuýt xoa trước cảnh tưởng đó không thôi. Lần này Trùm Bâu ra được tù thật rồi thì cớm khó mà bắt hắn nhốt lại đây được nữa. Có một người tách ra khỏi đám đông, hắn ta xách ba lô rẽ vào lối mòn, nhổ toẹt đờm trên đường một cách chua chát. Hắn có một mái tóc cạo sát đầu, lưng còng xuống nhưng tầm vóc rất cao nom như cây tre mọc khuất trong lùm bụi. Hắn có đôi mắt tam giác cùng chiếc mũi diều hâu, lông mày rậm hình lưỡi mác, một khuôn mặt đầy ác tướng và là một phạm nhân bẩm sinh. Đôi môi hắn mỏng nhưng khoé môi lại hay nhoẻn lên cười hào phóng, thái độ và cách nhìn đời của hắn là một nước cờ hiểm giúp hắn thắng trước ván cờ tranh đấu thiện ác. Hắn có vẻ đẹp lạ lùng tựa như trái cấm trong vườn địa đàng, vỏ ngoài đỏ mọng hứa hẹn một hương vị đầy cám dỗ. Một thợ điêu khắc lành nghề thời Phục Hưng chắc chắn sẽ tâm đắc vỗ đùi đen đét khi thấy minh chứng sống của tượng đài thiên thần sa ngã này.
Hắn chỉ cay cú một điều, hắn cạy két sắt bị phán án 10 năm tù vậy mà Trùm Bâu giết người như ngoé lại được ăn no rửng mỡ trong tù được 1 năm 2 tháng lẻ 3 tuần. Hắn ước rằng địa ngục có thật dù rằng hắn cũng sẽ bị đá ngon ơ xuống đó. 
Mấy ngày nay hắn không tài nào hoà nhập với cộng đồng được. Mười năm tưởng ngắn mà thay đổi chóng mặt, cái điện thoại bàn phím cùi của hắn tự giác thu mình lại trong túi áo khi ai ai cũng cầm trên tay chiếc điện thoại cảm ứng bóng láng. Giá một đêm tại nhà nghỉ cũng ngót nghét hai trăm rưỡi, quần áo cũng lên giá đáng kể. Buồn cho hắn khi hắn nghĩ rằng mình là kẻ giàu nhất thế giới khi ra tù với xấp tiền đầy trong túi. Tiền vơi cạn nhanh chóng, công sức hắn lao động trong tù cũng ào ào đổ sông đổ bể. Hắn vừa tìm trọ vừa thầm nghĩ : “Chậc! Ta đã mang nợ đời nên thây kệ, đời cứ việc lấy của ta”.
Hôm nay tìm được trọ giá bèo nhưng mụ chủ nhà có tật là cứ hay tìm cớ chửi đổng. Mới đầu thì mụ cũng đon đả với hắn lắm nhưng đôi mắt lồi hay chớp chớp của mụ khiến hắn ái ngại. Một hôm, mụ mặc chiếc váy ngủ màu hồng bó sát tìm hắn, nhìn từng ngấn mỡ ngùn ngụt rung rinh theo từng bước chân của mụ. Hắn lợm giọng đóng sầm cửa lại trước mặt mụ và thế là mụ tự ái.
Có hôm hắn đi dép tông lào loẹt xoẹt ra ngoài ngõ thì vô tình đá phải bịch rác trước cổng nhà mụ, thế là mụ đứng trước cửa trọ hắn lôi tổ tông mà hắn chưa kịp biết mặt biết tên lên chửi. Hắn lúc đầu cũng giận lắm nhưng mà chẳng ai chịu nói chuyện với kẻ tù tội là hắn nên hắn đành nghe chửi để chứng thực sự tồn tại của chính mình.
Hôm nay mụ chủ nhà về quê, hắn đội cái nón lưỡi trai màu mận lên đầu rồi đi lang thang ngoài đường. Đi đến bụi lau ngửi thấy mùi cháy nên tiện đường rẽ vào, hắn lấy điếu thuốc lá rẻ tiền trong túi áo trước ngực ra để đưa lên mũi hít hà. Hoá ra không phải ai vun lá đốt rác mà là một ông già đang đốt sách, hắn nhún vai chậc lưỡi: “Như nhau cả thôi!”. Hắn cà lơ phất phơ đi đến, nhìn ông già đang cúi gằm mặt, đỉnh đầu của ông ta hơi hói, vai rụt lại, ngón tay ông già có vết chai đặc trưng của kiếp đèn bút.
- Ông già! Cho xin miếng lửa nào!
Không chờ ông mở miệng cất lời, hắn tự ý vơ đại cái que rồi bới ra từ trong đám lửa một tờ giấy đang bị lửa nóng ăn ngấu nghiến. Hắn cúi đầu xuống châm lửa, hít một hơi thật sâu rồi theo thói quen phẩy phẩy tờ giấy để dập tắt lửa. Hắn nheo mắt lại hưởng thụ chốc lát rồi nhíu mày nghĩ: “Quái! Sao châm điếu thuốc thôi mà như thắp hương thờ cúng thế này”. Hắn cũng có điều kiêng kị nên ra sức đánh trống lảng bằng cách cầm mấy tờ giấy dưới chân ra đọc, dẫu hắn dốt đặc cán mai một chữ bẻ đôi cũng không biết. Hắn nhìn xấp giấy rất lâu rồi vô thức ngẩng đầu nhìn ông già ngồi đối diện, hắn há hốc mồm suýt rơi cả điếu thuốc khi nhìn biểu cảm tang thương của ông già. Mắt ông đỏ hoe sầu não, môi thì mấp máy thều thào không ra hơi, mọi nếp nhăn xô vào nhau để ép ra từng hàng nước mắt ướt nhẹp. Ông già mãi mới thốt lên một câu rõ nghĩa:
- Chàng trai trẻ! Có hay không? Đọc có thấy hay không?
“ Mình mà nói không hay thì liệu ông già có lăn đùng ra đất rồi giãy nảy bắt vạ không nhỉ?” Hắn cười thầm trong bụng nhưng lại nhìn thẳng vào mắt ông trả lời:
- Hay! Viết khá đấy! Tuyệt tác! Tuyệt tác!
Thế mà ông lão lại chồm tới, hai tay nhăn nheo như gọng kìm túm lấy tay hắn, lôi hắn đi. Hắn cố giằng ra nhưng khi nhìn những giọt nước lăn xuống cái cằm khắc khổ của ông già, hắn đành nhổ điếu thuốc ra đường, lấy chân dúi mạnh để dập tàn thuốc rồi đi theo ông ta đến một dãy trọ xập xệ hơn cả trọ của hắn nữa. Ông già đẩy cánh cửa bằng gỗ mục khép hờ, cảnh tưởng bên trong khiến một gã có máu trộm như hắn cũng chẳng phiền mắt ngoái đến. Trong trọ tối tăm ẩm mốc, chỉ có một cái giường, bộ bàn ghế đóng tạm từ những tấm ván gỗ ép, một cái phích nước, nồi niêu và bếp gas cũ đã rỉ sét. Quần áo thì treo vài ba bộ trên một sợi dây nối giữa hai đầu cột. Trên nền nhà ngổn ngang giấy tờ, hắn nghe được cả tiếng những con mọt đang uốn éo chui rúc trong tầng tầng lớp lớp sách chồng lên nhau. Bụi sách khiến cổ họng hắn nghèn nghẹn, hắn hơi hối hận khi cơn thèm thuốc đã vô cớ đưa hắn đến đây. Hắn đảo mắt nhìn lên bàn, một chai thuốc trừ sâu và một cái ly rượu đế để trên đó. Có lẽ ánh nhìn chằm chằm của hắn đã khiến ông già buông tay hắn ra, cầm lấy chai thuốc trừ sâu vứt xuống gầm giường. Ông già cầm một đống sách đưa cho hắn, hắn hiểu ý nên ngồi xếp bằng xuống, lật giở vài trang có lệ. Toàn là chữ viết tay được nắn nót từng câu từng chữ, hắn cố đánh vần được đôi từ rồi tự dưng ghét cái sự dốt nát của mình. Ông già trìu mến nhìn hắn hồi lâu rồi lục lọi trong đống nồi niêu ra mấy quả chuối đã lốm đốm nốt đen. Hắn lại để ý đến quả lê trong tay ông già, nó khô quắt lại rúm ró, đầy những vết thâm của thời gian. “Vật nào chủ nấy quả không sai!“ ý nghĩ đó loé lên trong đầu hắn, hắn cúi gằm xuống, dùng tiếng lật sách loạt xoạt để át đi cảm giác tò mò về ông già lạ hoắc này. Một cái đĩa hoa quả đột nhiên xuất hiện trong tầm nhìn, hắn tự nhiên cầm lên rồi nhai rau ráu, cái nết ăn của thú hoang cũng không khiến ông già khó chịu. Hắn chợt khựng lại, cái vị giác đã bị cơm tù nhạt nhẽo mài mòn nay lại lục đục sống dậy. Hắn cầm miếng lê trên tay, đắn đo để trên mũi ngửi một lát rồi từ từ nhấm nháp, lần này hắn nghiền ngẫm hương vị như một học giả nghiền ngẫm tri thức. Ngọt lành, thơm mát, giòn rụm, gói gọn vào đây là cả khí trời của mùa thu, hắn tựa như đang ngậm trong mình một miếng trăng rằm trên trời cao.
Hoa quả trên đĩa vơi nhanh chóng, hắn lau sạch nước quả trên ống quần rồi mới cầm những cuốn sách lên nhìn tiếp. Như để chứng minh mình không dốt nát, hắn bắt chuyện với ông già:
- Tôi còn biết cả tiếng anh đấy, “You are apple of my eye”! - Hắn sẽ không bao giờ nói với ông già là hắn học lỏm từ này từ một lá thư mà người vợ gửi cho bạn tù của hắn đâu.
Ông già cúi đầu gọt hoa quả, chẳng chú tâm lắm tới sự nỗ lực thể hiện của hắn. Hắn cũng không bỏ cuộc:
- Tôi là “apple”, biệt danh trong tù của tôi đấy. Liệu hồn mà nhớ để sau này gặp thằng nào láo thì khè cái tên này ra.
Ông già đẩy đĩa quả về phía hắn, hắn vừa ăn vừa nói tiếp:
- Ông già, ông có biết quả lê trong tiếng anh là gì không?
- Pear! - Giọng ông lão nghe ai oán như tiếng kêu của chim cuốc.
Hắn vét sạch thêm một đĩa lê nữa:
- Tất nhiên tôi biết Pear là quả lê rồi, tôi vừa mới thử ông đấy, ông cũng không tệ lắm. Tôi gọi ông là Pear nhé!
Ông già lại hỏi hắn câu hỏi mà ông đau đáu từ chiều:
- Đọc có hay không? Cậu thấy thế nào?
Hắn gấp cuốn sách lại, đứng lên:
- Đọc sách mà như giục ngựa thế kia thì toang hết ông Pear ạ! Cho tôi mượn đọc qua đêm này thì tôi mới trả lời cho ông được. Còn quả lê nào không?
Chờ ông già quay lưng đi tìm thì hắn vội tiến tới giường, động tác rón rén của hắn dẻo dai như một con mèo đen đi trên nóc nhà. Hắn thó chai thuốc trừ sâu vào túi áo may viền kín trong áo khoác của hắn, thoạt nhìn qua không thấy dấu vết. Ông già đưa hai quả lê cho hắn, hắn lấy áo lau qua vỏ ngoài xấu xí của quả lê, tiến ra phía cửa, ngoái đầu nói vọng lại:
- Ngày mai tôi sẽ có câu nhận xét xứng đáng nhất, ông nhớ chờ tôi đấy nhé ông Pear!
Hắn đi mà không ngoái đầu lại, vừa đi vừa gặm hai quả lê, đi qua thùng rác lớn, hắn thảy chai thuốc trừ sâu vào. Cầm chặt quyển sách trong tay, hắn rảo bước về nhanh hơn.
Sáng mai, hắn lướt qua ánh mắt soi mói hằm hằm của mụ chủ nhà để đi đến nhà ông Pear. Hắn đi qua một sạp hoa quả giữa đường, chọn một quả táo Mỹ đẹp đẽ rồi đem đến tặng người bạn mới này. Ông Pear ngồi ngoài bậc cửa đọc sách, cái kính lão mờ đục đầy vết rạn đang cố tinh lọc những tia sáng của tri thức.
Ông già gọt vỏ ngoài hấp dẫn của quả táo rồi bổ ra, hắn cảm thấy lòng chùng xuống khi bên trong bị hư hại hơn phân nửa, tựa như mỏ than của giới côn trùng gặm nhấm. Ông già lại không vứt đi, nhẫn nại gọt phần hư hại. Hắn bất ngờ khi phần nguyên lành của quả táo nhiều hơn hắn nghĩ, giòn rụm nhưng hơi chua. Hắn vắt óc nói ra từng câu từng chữ:
- Có nhiều nhà văn không viết cho thời này mà viết cho thời sau, hoa nở muộn là những đóa hoa đẹp nhất. Câu chuyện của ông rất hay, rất xuất sắc nhưng thiếu đi hơi thở của thời đại.
Chính hắn cũng bất ngờ khi hắn nói ra được những lời này. Hắn bỗng thấy một niềm vui khó tả khi thấy ông già chắp tay lại, rưng rức nước mắt nhìn lên trời.
- Tôi mới đọc lướt qua thôi. Ngày mai tôi sẽ đến, ông xứng đáng có được lời nhận xét tận tâm hơn nữa!
Thế là ngày mai, ngày mai và rất nhiều ngày mai nữa. Tối nào, hắn cũng cố tìm ra những lời khen hay nhất dành cho một tác phẩm văn học vô danh. Ông già Pear cũng dần có thói quen gọt sẵn lê, ngồi chờ hắn trước bục cửa. Cho đến một ngày, hắn đang rũ những giọt mưa hắt lên cái áo khoác da, ông Pear đặt quyển sách trên bàn, nghe những giọt mưa rơi lanh canh rơi trên ngói đất nung rồi nói:
- Cậu Apple! Cậu khen cũng rất nhiều rồi, cậu nói cho tôi biết nội dung quyển sách này được không?
Hắn khựng lại, nhìn chăm chăm vào ông già như tội đồ đứng trước bục thú tội của linh mục. Ông điềm tĩnh lật từng trang một, nụ cười lạ lẫm xuất hiện trên khuôn mặt ông, một nụ cười hiền từ và nhẹ nhõm.
- Chàng trai trẻ, đây là cuốn sách chép tay triết học Mác Lênin của tôi. Trong hàng chục cuốn truyện do tôi sáng tác thế mà cậu chọn trúng quyển này. Cậu không biết chữ nhưng cậu đã dùng sức mạnh của ngôn từ để cho tôi hy vọng. Cậu cho tôi một niềm tin rằng dẫu tôi viết tệ hại thế nào thì cũng sẽ có một độc giả trung thành luôn đón chờ và công nhận nó. Cậu là một kẻ nói dối vĩ đại đấy Apple! Nếu mà cậu chọn trúng bất kỳ quyển truyện nào khác, cậu sẽ ăn trộm luôn niềm tin của tôi.
Ông già Pear nhìn vành mắt ửng đỏ của hắn, dúi một quả lê vào tay hắn:
- Tôi từng soi mình vào cậu, tôi thèm khát cái ngông cuồng bất cần của tuổi trẻ, tôi tự ti trước vẻ ngoài rạng rỡ của cậu đấy,Apple ạ! Nhưng cậu đã cho tôi niềm tin rằng, tôi không cần phải trở thành quả táo căng mọng sức sống như cậu, tôi vốn là quả lê, đó là sự thật vĩnh hằng và hiển nhiên. Tôi yêu lấy tất cả những khiếm khuyết của mình. Cảm ơn cậu nhé Apple, tôi vốn sẽ nốc cạn chai thuốc trừ sâu nếu không có cậu. Thôi! Tôi không lê thê nữa! Từ giờ trở đi, tôi sẽ dạy chữ cho tên khốn cao cả là cậu này!
Quả thực, ông già Pear đã trở thành thầy dạy vỡ lòng cho hắn. Dưới mái nhà trọ xập xệ ám đầy mùi giấy cũ ố vàng, hắn đã trở thành một miếng bọt biển hút lấy hút để những tia sáng của tri thức. Cuộc đời tăm tối của hắn đã lật sang trang mới, quả táo cũng không bài xích những vết đen của bản ngã và của quá khứ nữa, hắn ôm lấy tất cả. Hắn đi từ từ từng bước, học nghề một cách bài bản rồi trở thành một thợ sửa xe có tâm có tài.
Ngày nọ, hắn vội lấy giẻ chùi sạch tay khi thấy ông già Pear đến xưởng, tay vẫn còn mùi hăng của dầu xe. Hắn nhìn ông đứng dưới tán cây bàng, đầu đã hói nay còn hói hơn nhưng nụ cười của ông Pear đã khiến ông trở thành người hạnh phúc nhất thế gian này vào ngày hôm nay:
- Cậu Apple! Cậu Apple ơi! Nhà xuất bản Sông Hồng đã chấp nhận tác phẩm của già này rồi!
Hắn vội dùng bàn tay xoa mắt, trong thâm tâm hắn cho rằng hơi dầu làm cay mắt nhưng sự thật là nước mắt vui sướng đã lũ lượt kéo đến vỡ oà. Hắn chạy vào, ném mũ bảo hiểm cho ông Pear rồi dắc chiếc xe mô tô mới cóng ra, cái vẻ mặt vừa khóc vừa cười của hắn nom dí dỏm y như anh hề vừa chứng kiến một bữa tiệc kết thúc có hậu. Hắn trộm lấy niềm vui của mây trắng nắng vàng, nhìn về ông Pear:
- Thả ga nào ông già!
Chiếc xe phóng vút đi trong sự phấn khích tột cùng, họ đi qua những eo biển xanh ngọc bích giao thoa với núi rừng xanh rì. Họ đi đến đường chân trời, nơi những mảnh đời soi chiếu và cứu rỗi lẫn nhau.
Bình luận
Chưa có bình luận