Nhìn thấy Hoài Nam đang đưa lưng về phía mình nên tôi tận dụng cơ hội, túm lấy ghế gỗ và dùng hết sức bình sinh nện ghế vào đầu cậu ta, ngây thơ tưởng rằng chỉ cần đánh ngất người đối diện thì tôi hoàn toàn có thời gian tìm cách trốn chạy. Sau đó, trong chớp mắt, tôi thật sự đang chạy dọc một hành lang màu trắng dài đằng đẵng. Những bóng người vạm vỡ túm lấy tay tôi, lôi tôi đi và ném tôi vào một phòng giam kín. Song sắt kim loại lành lạnh, khiến tôi cảm thấy cả người như đang rơi vào hầm băng.
Thế rồi, có người bước đến gần song sắt. Lạ thay là tôi lại nhìn thấy rõ mặt của anh ta. Một người đàn ông trẻ tuổi cao gầy, khoác áo blouse trắng của bác sĩ, trông chưa đến ba mươi nhưng cũng lớn tuổi hơn tôi. Tóc anh ta rối bù xù, trên đỉnh đầu còn có tóc vểnh. Khuôn mặt dài góc cạnh, mũi cao, môi mỏng. Râu cằm mọc lỉa chỉa.
Anh ta nhìn tôi và nở nụ cười, cười híp cả mắt, khiến tôi không những không thấy đôi mắt đối phương mà còn nổi da gà. Tôi cảm nhận được ánh mắt quan sát quét trên người, rụt vai.
Anh ta hất cằm về sau và cười nói với bóng người vừa bước qua cửa:
“Mười. Người yêu nhỏ của cậu này, còn cần không?”
Tôi nhìn thấy Hoài Nam bước vào. Cậu nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng thật xa lạ, mặt không biểu cảm đáp:
“Không cần nữa. Tôi không cần một người yêu không tin tưởng tôi.”
Người đàn ông sốt sắng quay đầu lại nói:
“Vậy nhường tôi.”
Hoài Nam gằn giọng:
“Bác sĩ! Anh không nói câu nào không ai tưởng anh bị câm.”
“Tại cậu phí của. Tôi tiếc được chưa? Không nhờ người làm thật à?”
“Tôi thích xử lý thế nào là chuyện của tôi. Không đến phiên anh chõ mõm vào.”
Bác sĩ chậc lưỡi, nhìn tôi đầy lưu luyến rồi miễn cưỡng rời khỏi phòng. Còn Hoài Nam thì mở của sắt và bước vào phòng giam. Tôi từng bước lùi lại khi cậu đến gần. Nhưng mà, Hoài Nam có vẻ cũng không để ý. Máu khô đọng khắp phần gáy của cậu, cổ áo trắng còn nhuốm máu đỏ.
Cậu vò đầu, dường như không nhịn được hoang mang mà hỏi ra tiếng:
“Đau đấy! Sao chị đánh em? Sao chị không tin em? Em làm gì sai? Em nói thật mà.”
Không đợi tôi trả lời, Hoài Nam đã bóp chặt cổ và đè tôi xuống. Cậu ta cúi xuống bên tai tôi, thì thầm:
“Em không cần chị nữa. Đừng lo. Sẽ kết thúc nhanh thôi. Chị sẽ giúp được rất nhiều người…”
Tôi há miệng để thở nhưng không được, giãy dụa, cào cấu hai tay cậu ta nhưng cũng vô ích. Trước mắt tối sầm nhưng tôi nghe thấy rất rõ những câu Hoài Nam nói tiếp:
“Bác sĩ, có thêm một lô hàng mới. Lát kiểm tra chất lượng. Chỗ anh đang cần gấp tim và phổi đúng không?”
Có lẽ là ảo giác trước khi chết, tôi còn mơ hồ nghe thấy Hoài Nam lẩm bẩm.
“Lần sau… nhất định…”
Tôi giật mình bừng tỉnh, lập tức đưa hai tay lên chạm vào cổ. Tuy nhiên, bởi vì lại nhìn thấy gương mặt của Hoài Nam gần trong gang tấc, tôi bắt giác giơ tay hòng đẩy cậu ta ra và lùi lại. Hoài Nam túm lấy cổ tay tôi, theo tôi trở dậy, lo lắng hỏi:
“Chị sao vậy? Gặp ác mộng à?”
Cậu ta thậm chí còn ôm hờ lấy tôi, vỗ lưng tôi từng nhịp từng nhịp nhằm giúp tôi bình tĩnh lại. Tôi bịt miệng, ép mình hít sâu, thở ra rồi lại hít sâu, phải mất một hồi mới bình tĩnh lại. Mồ hôi ướt đẫm trán tôi, khiến phần chân tóc ướt nhẹp. Lưng áo cũng đã ướt đẫm.
Tôi không nhịn được tự hỏi giấc mơ vừa nãy là gì? Cảnh tượng quá thật, như thể nhìn thấy tương lai diễn ra ngay trước mắt - tương lai nếu tôi rời khỏi căn phòng này mà không hề chuẩn bị. Trực giác mách bảo rằng tôi phải tin tưởng giấc mơ. Có phải là tôi điên rồi hay không? Có lẽ là do quá căng thẳng nên mới gặp ác mộng? Nhưng mà, tôi chưa từng nhìn thấy bác sĩ trong giấc mơ. Anh ta là ai?
Hồi nhỏ, tôi rất mê truyện tranh, nằm mơ cũng muốn sở hữu năng lực đặc biệt, tìm được đồng đội, cứu vớt thế giới. Thế nhưng, giờ đã trưởng thành rồi, không hiểu sao tự dưng tôi lại cảm thấy mình vừa thức tỉnh dị năng, thật khó tin. Thậm chí tôi còn mơ hồ biết cách vận dụng năng lực, cứ như thể tôi từng sử dụng nó rất nhiều lần.
Hoài Nam ngồi hẳn dậy, vắt khô khăn ướt và cẩn thận lau mồ hôi cho tôi. Tôi ngẩn người, vẫn không thể tin được chàng trai chu đáo lúc này lại là người sẽ thẳng tay bóp chết người nếu tôi trốn ra khỏi phòng. Nhưng ít nhất thì tôi đã biết cậu ta nói thật, rằng những kẻ bên ngoài đáng sợ không kém. Tỉnh lại tầm hai giờ sáng, chẳng mấy chốc, tôi lại mệt mỏi ngủ thiếp đi.
Ngày hôm sau, tôi lại lên cơn sốt. Hoài Nam nói mấy ngày tới không ra khỏi nhà, hóa ra là nói thật. Ba ngày liên tiếp, trừ những lúc tôi đi tắm hoặc dùng nhà vệ sinh, cậu ta đều bám dính lấy tôi, có ở ngoài cửa chờ cũng không chờ lâu lắm. Mỏi mệt làm tôi không đủ sức để ý những chuyện nhỏ nhặt. Những giấc mơ tiên tri chập chờn không chừng, chỉ biết rằng tạm thời tôi có thể yên tâm nghỉ ngơi khi đang là “bệnh nhân”.
Hoài Nam có vẻ rất am hiểu chăm sóc người ốm. Nghĩ lại thì những ngày tôi sốt mê man, cậu ta vẫn luôn túc trực bên cạnh. Nhíu mày, tôi không nhịn được hỏi:
“Sao cậu thuần thục vậy?”
Sờ bát cháo để kiểm tra độ ấm, Hoài Nam múc một thìa đưa đến bên miệng tôi, cười đáp:
“Vẫn luôn phải chăm bệnh, em quen rồi.”
“Cho ai cơ?”
Cuộc đối thoại bị cắt ngang bởi tiếng kêu từ nhiệt kế điện tử. Cậu ta đặt bát xuống bên giường, xem màn hình hiển thị, vắt khăn ướt đắp lên trán tôi, và nói:
“Chị uống thuốc, ngủ một giấc, chắc mai sẽ đỡ hơn.”
Đầu đau âm ỉ, tôi ăn thêm chút cháo, uống thuốc hạ sốt rồi cuộn mình trong chăn.
Buổi sáng lúc tôi ngủ dậy thì trên bàn ăn đã có sẵn cơm. Không phải cơm hộp như ngày đầu tiên, mà là thức ăn bỏ trên khay giống kiểu phát cơm tập thể đợt tập quân sự, kèm theo một hộp đựng cơm lớn đủ hai người ăn cả ngày. Tôi định bụng canh xem Hoài Nam ra ngoài giờ nào nhưng do đổ bệnh, nên không tài nào dậy sớm hơn cậu ta được.
Hôm nay, tôi vừa mới đỡ hơn một chút, Hoài Nam liền hứng lên dạy tôi khiêu vũ. Vài lần tôi cố tình dẫm lên chân đều bị cậu ta né được. Hoài Nam nâng tay đỡ lấy tay tôi, mỉm cười nói:
“Chị tập tử tế đi nào. Đến đoạn này là phải xoay người.”
Đối diện nhau thêm tầm ba giây, tôi miễn cưỡng xoay theo cách cậu ta dạy. Bài nhạc không lời du dương lặp lại, vang lên trong căn phòng ngủ tối tăm một lần nữa. Lần này, thả lỏng theo giai điệu, tôi cảm thấy động tác nhịp nhàng hơn nhiều. Từ sáng tới giờ cứ tập đi tập lại, thật sự mệt, tôi chỉ muốn làm cho xong. Nhạc vừa dừng tôi liền thở phào một hơi. Thế rồi, Hoài Nam đột ngột hỏi:
“Em hôn chị được không?”
Tôi giật mình, lập tức lùi lại còn Hoài Nam thì thuần thục túm chặt lấy hai tay tôi.
“Không cần chạy. Em chỉ hỏi thôi. Tại trông chị có vẻ thích khiêu vũ. Chị có biết là hồi nãy chị cười không?”
Tôi cố đứng xa cậu ta hết mức có thể, nghiêng đầu không trả lời. Hoài Nam bước đến gần, một tay ôm lấy eo tôi, cúi người nhỏ giọng thủ thỉ:
“Đừng mà. Sao chị không thử lợi dụng em, biết đâu trốn được cũng nên. Giờ chị khỏe rồi, hay để ngày mai em dắt chị đi xung quanh xem…”
Đúng lúc này, tiếng chuông di động bỗng reo lên. Tôi biết tiếng chuông thông báo này. Hoài Nam có tin nhắn. Cậu ta nhíu mày, đứng thẳng dậy, lôi điện thoại di động khỏi túi quần, mặt vô biểu tình cúi đầu đọc tin nhắn. Ánh sáng xanh từ màn hình di động chiếu vào khuôn mặt của cậu ta, bỗng khiến tôi lạnh gáy. Có lẽ là vì đây là lần đầu tiên tôi thấy Hoài Nam khi cậu không cười.
Nhưng cũng chỉ trong chớp mắt, Hoài Nam lại ngẩng đầu lên nhìn tôi và cười nói:
“Em phải đi ra ngoài rồi.”
Tôi ngạc nhiên nhìn Hoài Nam, mím môi, im lặng. Cậu ta chậm rãi quét mắt trên người tôi rồi dặn dò:
“Chị ở nhà, làm gì thì làm, đừng bước ra khỏi cửa.” Sau đó, Hoài Nam đột ngột cúi đầu cắn nhẹ vào cổ tôi, thì thầm: “Cũng đừng rêu rao. Chị đáng giá hơn mình tưởng nhiều.”
Tôi giật bắn mình, lùi lại thêm vài bước, lẳng lặng nhìn Hoài Nam nhét đồ vào túi xách. Thế nhưng, đã đi đến cửa rồi cậu bỗng quay đầu lại, nói:
“Chị chúc em đi đường cẩn thận đi.”
Hoài Nam mở cửa phòng ngủ, sau đó đứng luôn ở đó chờ. Hai chúng tôi im lặng nhìn nhau vài phút. Cảm nhận được quyết tâm không nghe được thì không chịu đi của cậu ta, tôi miễn cưỡng mở miệng:
“Đi đường cẩn thận.”
Hoài Nam nhắc nhở:
“Gọi cả tên em nữa.”
Tôi siết chặt nắm tay, nghiến răng nghiến lợi nói:
“Hoài Nam. Cậu phải ra ngoài thì nhanh đi đi. Đừng có lề mề.”
Hoài Nam bật cười, đáp:
“Rồi, em đi đây.”
Cậu ta tươi cười khép cửa phòng ngủ lại. Tôi tiến đến mở cửa ra, nhìn bóng lưng cậu bị che khuất sau cánh cửa ra vào. Chốt khóa vang lên một tiếng ‘tách’ chói tai giữa không gian im ắng. Tôi thở dài một hơi, chậm rãi bước ra ngoài phòng khách, ngồi trên sô pha một hồi rồi nằm xuống. Nếu ông trời tự nhiên ban cho tôi dị năng lực thì ắt hẳn là để giúp tôi vượt qua kiếp nạn này. Trước hết, tôi muốn xác nhận xem nó có thật không, thử xem xét trong phòng có gì đã. Nghĩ vậy, tôi nhắm mắt lại.
Bình luận
Chưa có bình luận