Sống sao đặng phước muôn đời
Kẻo mai đây nghiệp rớt rơi xuống nhà
Hại mình cũng hại người ta
Nghiệp này mang gánh bao giờ trả xong?
***
Sau khi thằng Bo hết bệnh, Hiền bị cha mắng cho một trận té tát, thiếu điều ông lấy cả roi mây ra tẩm quất hắn cho vừa lòng hả dạ.
“Làm cha mà hư thân mất nết như mày làm sao noi gương cho con cháu? Đến cả con mà mày còn bỏ mặc thì đến lúc hai ông bà già này bệnh yếu, mày sẽ đem đẩy xuống núi cho chết đúng không?” Cha chồng tức giận quát chửi vang vang.
Hiền vẫn trơ bộ mặt bất cần đời ra đó, nghe tai này lọt tai kia.
Má chồng đứng một bên hé răng, tính mở lời can dự bênh vực con trai, nhưng ý đồ của bà bị cha chồng nhìn thấu, ông liếc một cái làm bà nín thinh.
“Nhà này ba đời gia giáo, tao cho mày ăn học đàng hoàng để mày làm người kiểu vậy đó hả Hiền?”
“Con đi giúp người tích phước mà cha nặng lời quá đáng.”
“Phước? Phước đâu không thấy, nghiệp đầy toàn thân.” Cha chồng nổi cơn tam bành, rống lên rồi ho khù khụ.
Ông ho mạnh đến độ ngỡ ói cả lòng phèo phổi ra ngoài. Má chồng sợ hãi rót cho ông ly trà, vuốt ngực đỡ giận.
“Thôi thôi, có gì từ từ nói, chớ giận quá mất khôn.”
“Bà coi… bà coi cái thể loại như nó, tôi chưa đánh chết đã may!”
Hiền tặc lưỡi, mắt láo liên nhìn quanh, chẳng thèm để ý đến cha.
Cuộc giáo huấn diễn ra lâu và dài trong căng thẳng tột độ. Đến quá nửa giờ cơm vẫn chưa ai buồn xuống bếp động đũa, cả nhà không ăn, Hạnh cũng chẳng động đến. Cha chồng vì tức mà cơm nuốt không trôi, bỏ ngoắt vào phòng nằm nghỉ, má chồng lặng lẽ theo sau, không ai nói với nhau lời nào.
Rồi, Hiền cũng bỏ đi. Nhưng hôm nay, hắn đi bộ. Từ lúc hắn về, Hạnh chẳng thấy chiếc xe ầm ĩ kia đâu, vì giận mà Hạnh không ngó ngàng hỏi han nữa. Giờ bình tĩnh nghĩ lại mới thấy lạ, Hạnh bèn thăm dò:
“Xe ông đâu rồi?”
Hiền quay đầu, quắc mắt đỏ ngầu hằn tia máu nhìn Hạnh, Hạnh bàng hoàng tưởng hắn muốn xé xác mình đến nơi.
“Hỏi làm gì?”
Nói rồi, hắn hùng hổ đi ra cổng, bực tức đá mạnh vào cánh cửa, cánh cửa bật ngược lại đập thẳng vào đầu hắn. Hắn điên tiết chửi thề luôn miệng.
Hành vi mập mờ giấu giếm của Hiền khiến Hạnh thấy bất an. Chiếc xe mà hắn đang chạy là mua bằng của hồi môn của Hạnh. Số vàng cha má cho Hạnh mang theo đều bị hắn đem bán hết, nào bảo là làm ăn, nào bảo là mua xe, đầu tư gửi ngân hàng. Đến cuối, đồng lời không thấy chỉ thấy đồng nợ. Làm ăn thì thất bại, gửi vào ngân hàng chưa kịp nóng đã rút ra tiêu sạch, có mỗi chiếc xe là giữ để chạy nhưng có nguyên vẹn được như lúc mới mua đâu. E là lần này chiếc xe cũng hy sinh oanh liệt vì sự nghiệp gầy sòng của hắn rồi.
Tầm xế chiều, bà hàng xóm mang vải qua cho Hạnh để đặt may đồ. Trong xóm, Hạnh có tiếng khéo tay hay làm, lại thêm cái tài thêu thùa may vá công phu nên nhiều bà rất khoái. Cứ may đồ, sửa đồ gì là đem hết cho Hạnh làm. Nhờ vậy mà cũng có đồng ra đồng vào đủ sống qua ngày.
“Đợt này sắp Tết, mày may cho chị một bộ áo dài để chị chụp ảnh, với mấy bộ đồ bộ. Mà nhớ mới kiểu mô-đen xíu nghen.”
“Dạ, vẫn số đo cũ hả chị?”
“Ờ thôi, đo số mới đi, Tết tới lên ký dữ lắm. May rộng rộng trừ hao, bận cho thoải mái.”
Hạnh lấy thước dây và giấy bút, sau đó đo người của bà khách theo số đo cần thiết để may đồ, đo đến đâu ghi chép đến đó.
Bà khách thấy Hạnh chăm chú làm việc, ánh mắt dè chừng, tính nói gì đó lại ngập ngừng ngại mở lời.
“Hôm bữa…” Cuối cùng, bà khách cũng không kiềm được cơn nhiều chuyện đang chạy thẳng lên não, thôi thúc bà phải nói. “Hôm bữa chồng chị đi nhậu với mấy ông đồng nghiệp ở quán trên này chút nè, ổng nói ổng gặp chồng mày ôm con nào ngồi nhậu với thằng Tuấn.”
Hạnh đương cầm thước dây vòng qua eo bà khách, tay chợt thoáng khựng lại, mi mắt cụp xuống trầm tư.
“Nhỡ đâu chồng chị nhằm ai.”
Bà khách đinh ninh: “Trời ơi, nhầm sao được mà nhầm. Ổng với thằng Hiền quen biết đó giờ, mặt mũi tướng tá nó sao, ổng rõ như ban ngày.”
Hạnh im lặng không nói gì.
Nếu thực sự chồng bà khách không nhìn nhầm, thì Hiền đã đi cặp bồ. Mà hắn cặp bồ cũng không có gì quá ngạc nhiên, người như hắn sớm muộn cũng làm ra loại chuyện bại hoại gia phong. Chỉ là… trong lòng Hạnh thấy bứt rứt như có trăm ngàn con kiến ráo riết chạy khắp người.
Không yêu không thương đã đành, đến chút tình nghĩa vợ chồng cuối cùng mà hắn cũng nỡ lòng vứt bỏ. Thử hỏi, Hạnh biết sống sao với kẻ bội tình bạc nghĩa như hắn?
“Mà mày biết con nhỏ đó là ai không?”
“Ai ạ?”
“Con Hương, vợ cũ thằng Quốc.”
Hai tay Hạnh run run, không kiềm chế được chấn động thoáng qua trong tâm trí.
Hạnh không dám tin vào tai mình nữa, có đâu ngờ Hiền quen ai cũng được, lại quen con Hương mới thôi.
Thằng Quốc trước kia từng đi bốc vác trong lò gạch, nhưng tánh nó nóng lắm, nên mấy ông công nhân làm chung không thích nó. Mới năm ngoái đây chứ lâu đâu, nó gây gổ với người ta rồi cầm cục gạch phang bể đầu người ta, máu me tung tóe. Nghe mấy người làm chung chứng kiến, phang xong nó còn chẳng dừng cho, lại tiếp tục cầm gạch đập vào mặt đối phương cho đến khi tắt thở mới thôi. Sau khi bị bắt, nó không có chút thái độ ăn năn nhận lỗi, còn khinh khỉnh nhìn gia đình nạn nhân bằng ánh mắt thách thức.
Nó đi bốc lịch rồi để lại cho con Hương khoản nợ bồi thường, e là cả đời con Hương cũng trả không nổi. Con Hương túng quá, đem hai đứa nhỏ về nhà mẹ đẻ gửi nhờ nuôi. Tưởng thế là xong, Hương sẽ đi kiếm công việc nào đó làm để trả nợ, nhưng không, nó học đòi ai giở chứng cặp hết ông này đến ông khác để vòi tiền của mấy ổng. Mà xui cho nó, vơ trúng mấy thằng cha có mấy mụ vợ chua ngoa thôi rồi. Mấy mụ ấy tìm tới nhà đòi cào nát mặt con Hương, tuyên chiến gặp ở đâu sẽ đánh ở đó. Dẫu vậy, nó chẳng chịu từ bỏ.
Hiền chẳng phải là người đầu tiên hay người cuối cùng gì cả, hắn chỉ là một cái mỏ để con Hương vơ vét đến kiệt quệ mới tha. Khổ nỗi, hắn có cái đếch gì để con Hương vòi?
Vừa ngu dốt vừa nhác biếng, chẳng ra cái thần hồn gì. Thế quái nào con kia cũng vỡ mộng cho xem.
Hạnh đo xong cho bà khách, bà ấy vẫn nán lại buôn chuyện mấy câu mới chịu đi về.
Hạnh thất thần ngồi bên máy may, nhìn cây kim nhọn và cây kéo sắc bén. Trông lưỡi kéo sắc thật, nếu cắt vào da có lẽ sẽ đau lắm.
Bà khách may đồ đi chưa bao lâu, lại một tốp “khách không mời” kéo đến.
Một đám đàn ông phóng xe nẹt bô lao thẳng vào trong sân nhà, mặt mũi người nào người nấy bặm trợn hung dữ như ma quỷ.
Hạnh hoang mang cầm điện thoại chạy ra xem tình hình, tiện có sự xảy ra liền báo công an.
Thấy dáng Hạnh thấp thoáng sau cửa nhà, một gã sừng sộ lên tiếng hỏi: “Ê bà chị, thằng chồng chị có ở nhà không?”
“Ổng đi rồi. Mấy anh tìm ổng có chuyện gì?”
“Nó thiếu nợ bọn này, vốn lẫn lời những một trăm triệu. Tụi này tìm nó sáng giờ mà không thấy… Mẹ nó, nó bảo hôm nay trả mà dám xù.”
Một thằng khác nhao nhao chen lời: “Tao mà gặp nó tao sẽ lột da nó đem trụng.”
Hạnh choáng váng lùi về sau mấy bước, cả người mệt mỏi không còn sức đứng vững. Chẳng biết có phải năm nay tam tai nên chuyện xấu ào ào kéo đến như thế?
Không ngờ số nợ lẻ nhỏ mới đó đã lên thêm mấy số không. Bán hết đồ trong cái nhà này khéo chưa trả được món nợ.
“Bà chị có gì quý giá cầm được thì đưa tôi cầm, còn không tôi đập nát nhà chị.”
Hạnh mím môi, nhắm nghiền mắt làm ngơ để cửa nhường cho bọn họ vào rinh đi cái tivi mà má chồng thích xem nhất. Chuyện ra nông nỗi này, con làm thì mẹ chịu.
Lúc chuẩn bị rời đi, gã không quên đánh giá một câu: “Cái này trông rẻ tiền quá, bán chắc chẳng được bao nhiêu. Nhưng có còn đỡ hơn không.”
Bọn họ kéo đến rồi kéo đi như vũ bão. Đúng lúc má chồng đi chơi ở xóm trên vừa về tới gặp đám người vào cuỗm mất tivi, bà xồng xộc xông vào nhà hỏi tội con dâu.
“Đâu rồi, đâu rồi? Trời ơi đâu mất rồi? Thánh thần ngó xuống mà coi, mày ở nhà trông nhà mà để người ta vào lấy đồ giữa ban ngày ban mặt vậy đó hả?”
Má chồng thảy cái nón lá qua một bên, lao vào mắng té tát. Không buồn hỏi rõ ngọn ngành đã đổ hết lên đầu Hạnh, luận tội Hạnh.
“Mà bình tĩnh nghe con nói đã…” Hạnh ra sức phân bua.
Má chồng dừng chừng mấy giây hít thở đều. Hạnh kể lại tường tận câu chuyện, nghe xong, bà càng nổi điên hơn. Hạnh lơ là, má chồng liền giáng xuống bạt tai khiến Hạnh không kịp trở tay.
Mắt Hạnh đỏ lên, nước mắt trào ra trong tức khắc.
“Mày làm vợ mà chẳng biết khuyên ngăn nó, để nó thành ra nông nỗi như này còn đổ lỗi cho ai!”
“Con…” Hạnh uất nghẹn chẳng giải thích được lời nào. Bao nhiêu nỗi niềm mắc lại cổ họng không trôi ra cho nhờ, cứ vậy mà chịu lời đắng cay nghiệt ngã.
Không để Hạnh có cơ hội giãi bày, má chồng thẳng thừng tuyên bố: “Mày để nó nợ nần thì mày phải có trách nhiệm gánh vác với nó. Hai vợ chồng bây tự lo với nhau đi.”
Từ chiều tới tối, Hạnh trốn trong phòng khóc suốt mấy tiếng trong sự tủi nhục và uất hận. Mặc cho cả nhà đói khát thế nào, Hạnh không quan tâm nữa. Không ai nấu cơm, má chồng lại có lý do rủa một trận tràng giang đại hải, lại có chuyện để gièm pha tán dóc với mấy mụ đầu đường.
Hạnh đã làm gì sai? Cớ sao ai làm gì, ai đúng ai sai thế nào cũng đều là lỗi do Hạnh?
Mấy ngày sau đó Hiền vẫn chưa về nhà. Hàng xóm đã đồn đãi đến mức má chồng chẳng dám vác mặt ra đường nữa. Nào là Hiền cặp phải con điếm, bỏ bê vợ con, bị chủ nợ dí bạt mạng nên chẳng còn mặt mũi nào về gặp gia đình. Có lẽ hắn đã đến một nơi xa để trốn chui trốn nhủi. Nghiệp thay cái kiếp đê hèn, sống không lo trước, rối ren than trời.
Vì bảo vệ con mà má chồng Hạnh đã chửi rủa với mấy bà hàng xóm, mối quan hệ đang tốt đẹp giờ đã tan thành tro bụi.
Hạnh và má chồng cũng đã gọi hỏi thăm khắp nơi nhưng không ai biết tung tích của Hiền đâu. Bà lo đến phát khóc, khóc rồi lại quay ra mắng chửi, trách móc và đổi hết lỗi lầm lên đầu Hạnh.
“Bà thôi ngay cái trò giận cá chém thớt đi, người làm sai là con bà chớ có phải con Hạnh. Bà mắng chửi con nhỏ như vậy không sợ nghiệp quật à?”
“Ông còn bênh nó nữa à? Ai mới là con ruột của ông hả? Ông không lo cho thằng Hiền thì đành thôi, đã vậy còn hết mực che chở cho con Hạnh. Ông muốn chọc cho tôi tức chết mới vừa lòng sao?”
Trong chớp mắt, mục tiêu công kích của má chồng chuyển từ Hạnh sang cha. Hai ông bà ngồi đó lớn tiếng cự cãi qua lại, không ai nhường ai nửa lời.
“Tôi cạn phước lắm mới có đứa nó như nó!”
“Ông!?”
Đương lúc hai người hăng say cãi nhau tóe lửa, bóng dáng nghiêng ngã ngã nghiêng lù lù xuất hiện, từ ngoài cổng chầm chậm đi vào trong nhà.
Hiền trở về với bộ dạng nhếch nhác, lôi thôi. Toàn thân nồng nặc mùi rượu, cách chục mét như đứng cạnh kề.
Cả nhà đang sờ sờ đó đợi hắn trong nỗi lo lắng khôn nguôi, nhưng hắn không nhìn lấy một cái, lầm lũi đi vào trong.
Cha chồng bị làm ngơ, ông nổi cơn tam bành, cầm lấy cây gậy chống đi theo Hiền. Ông giơ cây gậy đập mạnh vào lưng hắn, hắn giật mình đau đớn hét toáng lên, theo bản năng đẩy mạnh cha ngã ra sau.
Má chồng hoảng hốt nhìn cả hai, lại sốt ruột tiến về phía con trai ân cần hỏi han.
Hạnh bèn đỡ cha chồng đứng dậy. Ông cầm gậy chỉ thẳng mặt hai mẹ con, nổi đóa mà mắng:
“Con hư tại mẹ! Con hư tại mẹ!!!”
“Hôm nay tao phải đánh chết mày, để mày sống lại làm nhục mặt tổ tông nhà tao.”
Xung đột diễn ra, người la kẻ khóc.
Chiếc gậy sắp giáng xuống đầu gã chồng, hắn vươn tay túm chặt đầu gậy rồi hất mạnh ra xa. Song, nhanh như chớp lao đến nắm lấy bả vai cha chồng.
“Cha thì biết cái gì. Cha già rồi, nên ở nhà hưởng phúc con cháu đi. Chuyện con làm không cần cha quản.” Hiền trừng mắt, gằn giọng rít từng chữ qua kẻ răng.
“Thằng mất dạy!” Ông vung tay táng hắn một cái bốp.
Hiền ôm mặt, bật cười dữ tợn, hắn gào lên: “Cha có dạy con đâu. Con mất dạy là tại cha chứ ai?!”
Cả Hạnh và má chồng đều thất kinh trước câu nói của Hiền. Dường như hắn đã hóa thành thú dữ sau vài ngày sống trong cảnh hoang dã nguyên thủy. Bây giờ, hắn không còn phân biệt người thân với không thân nữa, chỉ cần là người rủa xả hắn, hắn đều có thể liều mạng.
Cha chồng tức lên cơn co giật, hai mắt ông trợn ngược, tay ôm ngực xiết chặt. Trong thoáng chốc, ông ngã khuỵu xuống, lăn ra ngất xỉu.
“Ôi ông ơi! Ông ơi, ông sao thế?”
Má chồng hoảng loạn, hớt hải chạy đến bên cạnh ông, nước mắt ngắn nước mắt dài lay lay người ông xem tình hình. Nhưng dẫu bà làm gì, ông ấy cũng không tỉnh lại.
Hạnh đứng một bên hết hồn, lấy điện thoại gọi xe cấp cứu, nhưng hai tay Hạnh run lên bần bật, bấm trật mấy lần mới gọi được.
Sau đó, cha chồng được xe đưa đi nhập viện. Ông có bệnh nền về tim mạch và huyết áp, cứ hễ nóng giận lên là khó thở, mệt tim. Lần này Hiền làm ông phát bệnh, bác sĩ thông báo suýt thì ông đã đột quỵ tại chỗ, may mà trời cao có mắt, phù hộ cho ông.
Tội nghiệp thay…
Thương con cha mắng đôi lời, con thì chán ghét nhất thời chẳng nghe.
Bình luận
Chưa có bình luận