Lần thứ hai tôi tỉnh dậy, trời đã đổ mưa từ lúc nào. Tiếng mưa rơi đồm độp, men theo những lớp ngói cũ rồi chảy dọc vách tường. Màn đêm yên tĩnh, chỉ có tiếng mưa không ngừng không nghỉ. Chốc chốc lại len vào, là tiếng sấm ngang trời, vọng lại qua mấy quả núi, day dứt mãi chưa buông. Nghe mẹ kể ngày nhỏ tôi rất sợ sấm sét, nhưng trải qua nhiều thứ trong đời, có lẽ thiên nhiên vẫn là thứ bao dung hơn tất thảy.


Sáng nay khi được đưa vào khu trạm xá cũ này, cơ thể tôi vì mất nhiều máu mà gần như hôn mê, chưa kịp định hình xem đây là đâu. Lần đầu tỉnh vào lúc xâm xẩm tối, lơ mơ nhìn mấy bóng áo trắng xẹt qua xẹt lại mà im lặng như tờ, tôi còn ngỡ mình đã chết rồi. Nhưng cũng không còn sức trách cứ ông trời, tôi cứ vậy thiếp đi. Trong cơn mơ, tôi trở lại thành chàng thanh niên mười bảy, trốn nhà theo đám bạn lêu lổng cờ bạc, cả gan lấy cả tiền lễ dưới chân Đức Chúa.


- Chúng mình theo đạo Phật mà, sợ cái cóc khô gì. – Tôi đã cười hềnh hệch trong quán cháo lòng giữa nơi phố thị mà nói với mấy gã bạn như thế.


Phải chăng khi thần chết chực chờ, cái con người vẫn nhởn nhơ với đời ấy mới biết mình thực sự sợ cái gì, mình thực sự đã làm sai những gì.


Nhưng ngay cả khi đứng giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết ấy, tôi vẫn khăng khăng vỗ ngực ta đây – ấy là nếu cánh tay tôi không gãy rời và cơ thể tôi không ê ẩm như lúc này – rằng tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ mình không thể gặp lại em, không thể giữ nổi lời hứa hèn mọn khi đó với em. Tay trái vẫn còn cử động được, tôi cố gắng sờ lên cổ, mãi tới khi nắm được vào chiếc túi vải nhỏ thêu hoa, tôi mới an lòng. Bên trong là lọn tóc thề em trao tôi khi em vừa mười sáu. Năm đó em nói tôi hãy đợi em, đợi em đến khi em lo đủ tiền dưỡng già cho mẹ, em sẽ theo tôi. Mẹ em mất sau khi tôi trở về từ quân ngũ không lâu, nhưng tôi lại chẳng thể nắm lấy tay em.


Một ngày tháng ba dường như đã rất lâu, khi ấy tôi mười bảy, em mười lăm.


Tôi là gã bỏ nhà bỏ cửa đi bụi, em là đứa con riêng của ông thầy lang già. Tôi đã biết em từ trước, thì người làng vẫn kể về bà vợ hai của ông lang Bảy làng Cao Xá đó thôi, với đứa con gái tí tuổi ranh đã mang nhiều tính toan và mưu mô cướp đoạt. Tôi vốn chẳng coi đó là chuyện của mình, cho tới cái ngày tháng ba đó. Hoa gạo đỏ ngợp trời, tôi đang nhẩn nha giữa chợ cùng mấy thằng bạn tìm mối làm ăn, chợt thấy nóng gáy, tôi vừa quay đầu thì bắt gặp ngay em đang nhìn xoáy vào mình.


- Nhìn cái gì? – Tôi hất hàm hỏi, chân đá vào mấy cái thúng gạo: – Đã đóng thuế chưa mà ngồi ở đây?


Em chẳng nói một lời, cứ vậy lẳng lặng nhìn tôi, đoạn tháo nón rồi thản nhiên ngồi xuống, phe phẩy que đuổi ruồi, rõ ràng không coi tôi ra gì. 


Mấy tên bạn đứng bên cạnh cười hinh hích. Tôi thẹn quá hoá giận, giơ chân định đá bay cái thúng đỗ xanh nhưng nghĩ thế nào lại thôi, đổi hướng trút lên cái xảo rỗng để gần đó. Cái xảo bay lên mấy chục phân rồi rơi xuống đất, lăn tận ra gốc cây bàng rụng đầy lá đỏ.


- Ơ cái con này, mày ... – Tôi chưa nói hết câu đã lại bị cái nhìn của em làm cho chột dạ, mà quái lạ ở chỗ, chính tôi cũng không biết tôi phải nể nang gì con nhóc này.


- Anh Chung, thầy em bảo anh bỏ học để đi làm ăn, sao anh lại ở đây?


- Thầy nào? Tao quen biết gì thầy mày. – Tôi nói cứng, vờ không quen. Từ hồi theo học ở nhà thày Bảy, tôi có gặp nó vài lần, mà lần nào cũng là do lười học bị phạt quỳ ngoài sân gặp con nhỏ đi qua. Tôi bỏ học cũng đã hai năm nay, chẳng lí nào nó vẫn nhận ra tôi.


Nhưng con nhỏ chẳng vì thế mà buông tha tôi, nó tỉnh queo đưa mắt nhìn cả đám bạn tôi một lượt ra chiều đánh giá, rồi dừng lại trước gương mặt đang ngây ra như phỗng của tôi, thở dài:


- Thầy anh nhờ mọi người trong làng nếu ai gặp anh thì nhắn, một tháng nữa anh không về thì ông từ mặt anh luôn đấy.


Nói xong, không đợi tôi kịp phản ứng gì, con bé hất hất que đuổi ruồi ý bảo chúng tôi tránh qua một bên cho nó bán hàng.


Nhìn cái hàm răng trắng nhởn chẳng giống ai của nó cứ toe toét mời chào mấy bà mấy cô ở chợ, tôi nào nghĩ ra được có ngày tôi lại phải lòng nó. Và tôi cũng chẳng khi nào nghĩ, một thằng nổi tiếng ngỗ nghịch là tôi, sau khi đi bộ đội và được cử về làm công tác dân vận tại làng, lại vì cái mác Đảng viên mà không được kết hôn với em – người đã được liệt vào danh sách tiểu thương tiểu chủ chỉ vì gánh hàng xáo của mình.


Cũng giống cái hồi em bị cả làng gọi là đứa con hoang về tranh tài sản, em chẳng phân bua dù chỉ một câu. Ở cái thời đại này, cái đúng đứng về số đông.


Em đã giữ lời hứa đợi tôi trở về, dù rằng ở tuổi của em, quả thực không ít kẻ nhòm ngó. Ấy vậy mà kẻ thất hứa lại chính là tôi, người vẫn giữ khư khư lọn tóc thề năm xưa.


Bom đạn chiến trường đã giúp tôi bỏ được thói cuồng ngông trời trai trẻ, nhưng sao tôi có thể để mình bị giam bởi những luật lệ vô lý của cái xã hội mới mà vẫn cũ này. Tôi những muốn cùng em bỏ trốn.


Chiều cuối năm, mây trời bảng lảng. Ngoài đồng rơm rạ héo khô, đất ruộng nứt nẻ, tôi ngồi trên bờ đê, nhìn em lom khom hái cỏ gà. Tóc em vấn cao, trước mặt loà xoà vài sợi. Có lẽ điều khiến tôi nhớ nhất ở em chính là mái tóc dài và đen óng, dài qua cả gót chân. Mỗi khi vấn tóc, em đều phải đứng trên chiếc ghế cao, thả tóc xuống dưới, chải cho thật mượt rồi bắt đầu cuộn từng vòng nhỏ, cuộn dần tới chân tóc. 


- Đi với anh. Tôi nói, tiếng nói lẫn vào tiếng gió may, chẳng biết có đưa được tới em hay không.


Chỉ thấy một lúc sau em mới ngẩng đầu lên, dịu dàng nhìn tôi rồi lắc đầu. Tôi không hỏi lí do, có lẽ vì chính tôi là kẻ hèn mọn không dám đứng lên bảo vệ tình yêu nên tôi chẳng có quyền gì mà đòi hỏi.


Ngay sáng hôm sau, tôi liên lạc với một người đồng đội cũ hiện đang chiến đấu ở Điện Biên, quyết định một lần nữa rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn.


Ngày tôi lên đường, em đã không đến. Mà hầu như chẳng có ai đến. Chỉ có cha dẫn theo hai đứa em đưa tôi ra tận đầu làng rồi cứ đứng vậy nhìn theo thật lâu. Tôi đi tắt qua cánh đồng, khi chuẩn bị rẽ lên đường lớn, quay đầu lại vẫn thấy mấy dáng người quen thuộc đứng đó, tưởng như đã hoá thành tượng tự lúc nào. Tôi bật cười nghĩ, đây nào phải sinh ly tử biệt gì, ba năm trước tôi đi rồi lại về, toàn vẹn mạnh giỏi, còn được cả bằng khen nữa cơ mà. Cái thằng được cả làng ưu ái gọi “trời đánh thánh vật” như tôi, đất trời chẳng nề hà, thì cắc cớ gì phải hoang mang trước súng ống người phàm.


Một lần nữa lao vào nơi lửa đạn, tôi nhiều lần tự hỏi có phải bản thân vẫn là tên thanh niên ngày trước, coi trốn chạy là sự lựa chọn dễ dàng? Phải chăng bỏ mạng với lí do phụng sự tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc sẽ đẹp hơn là đấu tranh cho công bằng và sự tự do đích thực?


Ấy thế mà lúc này, giữa cái mùi đất ướt mưa ngai ngái lẫn với mùi thuốc sát trùng và mùi máu tanh thi thoảng dậy lên, tôi lại tự hỏi tôi đã sẵn sàng để ra đi hay chưa?


Giường bên cạnh có tiếng ho khan. Lúc này tôi mới nhìn sang, phát hiện người đồng đội sáng nay vẫn còn chia nhau miếng lương khô, giờ đã mất một bên chân. Gã ho vài tiếng, sau đó quay nhìn tôi:


- Tỉnh rồi à? Còn có tao với mày.


- Đâu đây mày? – Tôi hỏi. Trước lúc ngất đi, tôi chỉ thấy mình bị vùi dưới một lớp đất đá dày, tưởng như ánh sáng không thể lọt qua.


- Trạm y tế. Nghe đâu là nhà địa chủ bị bắt xung công.


Gã bạn tôi nói bằng cái giọng vẻ vang lắm, nhưng tôi lại chỉ thấy rặt những xót xa.


Có khi nào người địa chủ kia cũng giống như cô hàng xáo của tôi, chưa khi nào làm ăn gian dối, càng không hề cướp đoạt của ai? Tiếng mưa rơi rạo rạo, tôi mơ màng nhớ về những đốm hoa gạo đỏ lập loè, mái tóc dài của em được vấn thật cao, đôi quang gánh trên vai, chùng chình theo từng nhịp bước.


Hết.

 

 

    

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout