Tôi chạy được một đoạn thì đi bộ, đi bộ được một đoạn lại tiếp tục chạy. Tôi mất hơn hai mươi phút để có thể tới khu chợ ấp T.
Vào buổi xế chiều, khu chợ vắng hoe, chẳng có một bóng người, chỉ có những sạp hàng trống không và những chiếc lá, rác rến còn vương vãi lại. Tôi không rẽ vào khu chợ mà đi dạo quanh con đường đầy đất cát. Đôi chân trần trưa giờ tiếp xúc với nền đất nóng dần dần đã quen với nhiệt độ như thế, lòng bàn chân dường như chẳng còn cảm giác nóng cháy da cháy thịt.
Tôi vừa đi vừa giở cuốn sổ ra nhìn, có vài người đi ngoài đường nhìn tôi với ánh mắt như thể đang nhìn một sinh vật lạ, tôi cảm thấy mặt mình hơi nóng lên, tôi cười đầy ngượng nghịu. Lão Mộc Trầm chắc không có lừa tôi, cuốn sổ này thật sự tàng hình, và hành động cầm sổ, lật qua lật lại của tôi chắc ai nhìn vào cũng tưởng tôi là kẻ thần kinh quá, khi không lại đi ngoài đường giữa cái nắng chang chang rồi tay thì múa qua múa lại.
Thế là, để cho đỡ… thần kinh, tôi không còn đi ngoài đường nữa mà thay vào đó là chui vô bờ dừa ven con đường đất. Tôi giở sổ ra, đọc các nhiệm vụ mình cần phải thực hiện.
Đầu tiên là nhịn đói cho đến sáng mai. Uầy, đơn giản mà, cho đến tối mai luôn còn được.
Tiếp theo là hóa trang thành kẻ ăn xin. Hừm… nhìn tôi giờ cũng có khác gì đứa ăn xin đâu chứ, đầu trần chân đất, tóc tai bù xù, áo quần xộc xệch, và tôi đoán mặt mình chắc cũng rất lem luốc nữa là.
Tôi nghĩ ngợi một lát, lão Mộc Trầm bảo tôi phải hóa trang, không biết tôi có nên hóa trang thêm không. Hay là… xé quần xé áo để trông cho nó thêm tàn tạ?
Áo trên người tôi là chiếc áo thun màu vàng đã cũ, nó đã giãn ra không ít. Quần tôi mặc là chiếc quần bò màu xanh, ở chỗ ống quần đã rách vài lỗ nhỏ. Quần áo tôi không đẹp và mới nhưng tôi vẫn thấy tiếc. Tiếc thì tiếc thật, nhưng rồi tôi vẫn quyết định xé khi đã chấp nhận chơi hết mình trong thế giới này.
Khi đã quyết định sẽ làm cho quần áo rách thêm. tôi đi loanh quanh để tìm một vật sắc nhọn. Rất nhanh, tôi đã kiếm thấy một cành cây gãy, đầu bị gãy rất là nhọn. Một, hai, ba, tôi nín thở và bắt đầu làm cái việc mà tôi tiếc hùi hụi nhưng vẫn quyết tâm làm.
Tự tay tạo ra một vài lỗ thủng trên áo quần, có chỗ rách nhỏ, có chỗ rách to xong, tôi vứt cành cây đó xuống đất rồi giở sổ, đọc nhiệm vụ tiếp theo. Nhiệm vụ tiếp theo là tôi phải ngắt lá dừa để làm thành chiếc đồng hồ đeo tay và đeo vào tay luôn.
Một chiếc đồng hồ đeo tay được làm từ lá dừa? Đó có phải là thứ đồ chơi mà bọn trẻ con nông thôn sáng tạo ra không? Nếu thế thì tôi cũng biết làm đấy. Nếu mà làm đơn giản thì cách làm cũng dễ ẹc như cách gấp ngôi sao thôi.
Thật may là giờ tôi đang đứng ngay bờ dừa, xung quanh tôi là từng hàng dừa chạy dọc theo bờ đất. Thế là, tôi hí hứng đi ngắt lá dừa xuống, làm một người thợ để tạo ra đồng hồ. Chưa đầy năm phút, chiếc đồng hồ đeo tay màu xanh lá đậm được làm từ lá dừa đã thành công mỹ mãn. Tôi đeo nó vào cổ tay, nhìn ngắm một lúc lâu. Nó cũng khá đẹp đấy chứ, trông là lạ mà thấy cũng thích mắt thật.
Ba nhiệm vụ trên chắc chắn tôi đã ổn, tôi nhìn trang giấy ghi nhiệm vụ trên cuốn sổ tay, nghĩ ngợi. Nhiệm vụ cuối cùng trong ải là vào đêm nay, tôi phải ngủ ngay cạnh lối vào khu chợ ấp T cho đến sáng mai.
Ngủ ở chợ à? Tôi khá ái ngại vì sợ mùi hôi, sợ dơ bẩn, sợ côn trùng và ma cũng hơi sợ chút xíu. Tôi cố nhớ lại xem ở ngay cạnh lối vào khu chợ có gì đáng sợ không, có rác rến không, và có chỗ nào sạch sẽ chút để ngủ tạm qua đêm được không.
Thay vì cố nhớ cố nghĩ như thế, tôi đi đến lối vào khu chợ luôn cho nhanh. Không gian trước khu chợ trông cũng không tệ, có vài cây xoài, cây mận, cây cóc đứng chắn hai bên nên cũng khá mát mẻ, dịu hơn cái nắng gay gắt ở ngoài đường. Ở hai bên lối vào có vài miếng giấy vụn, vài tấm ván gỗ và vài cái bao lớn nhỏ nằm rải rác.
Tôi nghĩ, mấy cái đó có thể làm chỗ ngủ, có chỗ lót ngủ còn đỡ hơn không có gì. Tôi chắc mẩm nó chả sạch sẽ gì nhưng tôi không chê đâu, vì ăn mày chuyên ngủ ở đầu đường xó chợ ai lại ngại dơ chứ. Tôi giả làm kẻ ăn xin cũng phải làm sao cho giống chứ, càng giống biết đâu lại càng tốt thì sao.
Thế là, tôi đi trải mấy cái bao ra làm manh chiếu. Trong lúc chờ đợi cho đến sáng ngày mai, tôi đi hái mấy trái xoài, mấy trái cóc, mấy trái mận để nhâm nhi lót dạ.
…
Tôi chẳng thể chờ nổi cho đến sáng mai mặc dù tôi đã nghĩ đêm nay tôi sẽ không sao ngủ nổi. Tôi tưởng là tôi sẽ không ngủ được, ai dè trời chập choạng tối, tôi đã thiếp đi. Tôi nghĩ chắc do quá mệt nên mới có thể đi sâu vào giấc ngủ nhanh như vậy.
Trong cơn mơ màng, tôi thấy mình đang bay trên trời cao, làm một chú chim tự do sải cánh, muốn đi đâu thì đi, muốn về đâu thì về. Tôi thấy mình là chim, bay đi về tổ. Nơi tổ chim ấy có hai con chim khác ngoài tôi, một con là chim cha, một con là chim mẹ, và tôi là chú chim con. Gia đình chim cứ quấn quýt lấy nhau trong tổ ấm…
Rồi giấc mơ lại chuyển tôi đến một nơi khác, tôi thấy mình đang nổi lên trên con kinh trước nhà, người người xúm lại đông như ổ kiến, trong đám người bu nghẹt ấy, tôi nhìn thấy mẹ đang quỳ rạp xuống đất, gào khóc thảm thiết. Tôi muốn chạy lại nhưng sao tay chân tôi không thể làm theo ý mình, tôi cựa quậy mãi, vùng vẫy mãi cho đến khi…
“Này con, này bé gì ơi! Con có sao không đó? Này, này!”
Tôi dường như cảm nhận được cơ thể mình đang bị ai đó lay nhẹ, và người đó đang ra sức gọi tôi. Tôi vẫn tiếp tục vùng vẫy, tôi cứ ngỡ mình vẫn còn mắc kẹt trong giấc mơ nhưng ai dè đâu, mắt tôi mở được, chân tay tôi cũng đã cử động lại được. Ngay lập tức, tôi ngồi bật dậy, đôi mắt lờ đờ dáo dác nhìn quanh.
Trời bây giờ mới tờ mờ sáng, màn đêm còn chưa tan đi hẳn nhưng đã có vài người đi đến chợ, tôi đoán là họ đi sớm để bày hàng ra bán. Thấy họ lặng lẽ đi như vậy, tôi thấy may mắn làm sao khi họ chẳng chú ý tới tôi. Mà cũng phải thôi, tôi đã chọn chỗ khuất để đợi mà, đâu thể nào mà nằm sải lai ở bên đường để người người đều thấy.
Nói là đợi, nhưng tôi lại ngủ quên lúc nào không hay. Ngủ quên… lỡ mà tôi ngủ quên đến trưa luôn thì có phải không thể hoàn thành nhiệm vụ hay không? Tôi thầm mắng mình tại sao lại có thể ngủ say giữa một không gian như thế này chứ.
Ấy thế mà vẫn may sao, có người phát hiện ra tôi và lay tôi dậy. Tôi nhìn người đang đứng trước mặt mình, người đó ở kế bên tôi luôn nhưng sao tôi chỉ thấy mờ mờ thôi vậy. Tôi dụi dụi mắt cho mắt hết nhòe, rồi nhìn lại người đó, lúc này tôi mới có thể nhìn rõ được.
Đó là một ông chú trung niên ước chừng bốn mấy, năm mươi tuổi. Chú mặc áo bà ba màu đen, chiếc khăn rằn vắt ngang cổ, nước da ngăm đen, trên khuôn mặt chằng chịt những vết nhăn, vết rỗ. Chú khom người xuống nhìn tôi với vẻ mặt đầy lo lắng, chiếc đòn gánh trên vai đựng đầy rau củ đã đặt xuống đất tự bao giờ.
Thấy tôi đã tỉnh, chú sốt sắng hỏi: “Con sao thế? Nhà con ở đâu? Sao con không về nhà mà lại nằm ở đây hả?”
Nghe chú cất tiếng hỏi dồn như thế, tôi thoáng giật mình, vội đứng lên, ấp úng: “Con… con…”
Không hiểu sao, giờ phút này, đầu tôi hoàn toàn trống rỗng, tôi chưa thể tìm ra cái cớ hợp lí nào để trả lời lại. Có lẽ đầu óc tôi vẫn còn mụ mị sau giấc ngủ chập chờn giữa những cơn mơ.
Thấy tôi ngập ngừng mãi, chú không gặng hỏi thêm mà chỉ bảo: “Con đói bụng hông? Đi vào chợ với chú, chú mua bánh con ăn ha!”
Lời vừa mới dứt, thoắt cái, chú đã gánh đòn gánh trên vai, nắm lấy tay tôi rồi dẫn tôi vào khu chợ ấp T trong khi tôi vẫn còn ngơ ngác nhìn, chưa kịp gật đầu nữa.
...
Khu chợ lúc tờ mờ sáng chỉ có lác đác vài ba người đi chợ và thưa thớt những người bày hàng ra bán trên các sạp. Tôi lặng lẽ đi theo người chú xa lạ đó vào trong một góc nhỏ ở ven lối ra vào, nơi có tán me xanh mát mẻ. Lúc này, chú mới buông tay tôi ra và đặt đòn gánh xuống, trải manh bao để bày rau củ và lót thêm tấm chiếu để ngồi.
Sau khi đã bày biện xong xuôi, chú quay đầu sang nhìn tôi và bảo: “Con ngồi đây đợi chú một lát, nhớ là đừng có đi đâu lung tung đó!”
Tôi nhìn lên khuôn mặt hốc hác của người đối diện và gật đầu lia lịa. Rồi, người đó đi sâu vào trong chợ, còn tôi thì ngồi bệt xuống manh chiếu, nhìn trời nhìn mây và nghĩ ngợi vẩn vơ.
Sáng sớm ngày mai đã đến rồi, cớ sao tôi chưa thấy có điều gì thay đổi? Liệu lão Mộc Trầm ấy phải chăng đang chơi khăm tôi? Tôi thấy bụng mình cồn cào và lòng mình cũng nóng như lửa đốt. Không biết lòng tôi đang nôn nao thứ gì.
Chợt, những mớ suy nghĩ trong đầu tôi bỗng đứt gãy khi có tiếng bước chân của ai đó đang vang lên mỗi lúc một gần. Tôi hơi giật mình, quay đầu nhìn sang thì thấy chú đã quay trở lại và ngồi trên manh chiếu, cạnh bên tôi. Chú đưa cho tôi một nắm xôi gói bằng lá chuối, tôi ngập ngừng giây lát rồi mới nhận lấy nó bằng hai tay, không quên nói lời cám ơn với chú.
Vào khoảnh khắc tôi chìa hai tay ra để nhận lấy gói xôi thì bất chợt, chú khựng lại, một tay nắm chặt gói xôi, một tay ghì chặt lấy cổ tay tôi khiến tôi giật thót. Tôi khẽ nhìn lên thì phát hiện mắt chú đã đỏ ngầu, cứ nhìn chằm chằm vào cổ tay tôi, đôi môi mấp máy mãi không thể thốt nổi thành câu: “Cái… cái này…”
Tôi cũng nhìn xuống cổ tay mình, nơi có đeo chiếc đồng hồ lá dừa ấy. Giờ tôi mới hiểu chú đang nói đến thứ gì, tôi bèn lên tiếng: “Ý chú là đang hỏi về cái đồng hồ này hả? Con làm chơi á chú. Chú thấy đẹp hông?”
Chú không đáp lại tôi, chỉ đưa tôi gói xôi rồi ngồi yên lặng. Lúc này tôi mới để ý là chú chỉ mua xôi cho tôi chứ không mua đồ ăn cho mình. Thấy vậy, tôi hơi ngại nên khẽ hỏi: “Chú… không ăn sao?”
Nghe thấy tiếng tôi, chú bỗng giật mình, quay đầu sang chỗ khác, đáp: “Chú không đói.”
Thế là, một lúc lâu sau, một góc nhỏ cạnh cây me bỗng trở nên yên lặng, không ai nói với ai thêm lời nào. Chú ngồi cách xa tôi hơn, ngồi im như một pho tượng. Còn tôi chỉ lẳng lặng ăn xôi và nhìn từng dòng người lại qua hối hả.
Trời dần sáng hẳn, mặt trời đã lên cao, tôi ngồi trên manh chiếu nhìn chú bán rau, nhìn chú trò chuyện với những cô chú hàng xóm để giết thời gian. Tôi cảm thấy mình ngồi đây rảnh quá nên đâm ra phát chán, cũng muốn nói chuyện phiếm góp vui nhưng tôi đâu có gì để nói. Tôi chỉ biết nhìn những cô chú đi qua đi lại, đôi lúc sẽ chú ý tới tôi và hỏi han nhiều câu như nhà ở đâu, con cái nhà ai… Những lúc như thế, tôi chỉ biết nhoẻn miệng cười, bảo con không có nhà, và phần lớn câu đáp lại của tôi chỉ biết vâng vâng dạ dạ.
Khi mặt trời bắt đầu chói là lúc chú dọn đồ trở về nhà. Một lần nữa, tôi lại bám đuôi theo chú. Tôi chẳng biết con người xa lạ này là người tốt hay kẻ xấu, thôi thì đành tin vào trực giác của tôi thôi. Khi nhìn vào ánh mắt đầy thâm trầm như chất chứa nhiều nỗi niềm đau khổ ấy, tôi tin chú là người tốt.
Thế nhưng, nếu tôi đặt lòng tin vào chú thì lòng tin của tôi đối với lão Mộc Trầm đã bắt đầu lung lay sắp đổ. Giờ sắp trưa tới nơi rồi, thế mà lão lại bảo rằng sáng ngày mai tôi sẽ biết rõ những gì còn đang thắc mắc.
Trên đường về nhà chú, tới đoạn vắng người rồi, tôi mới dám lôi cuốn sổ ra, viết: [Ông bảo sáng mai con sẽ biết rõ. Giờ sắp trưa rồi, sao con chưa biết gì dạ ông?]
Chỉ mất có mỗi một giây, chữ đã hiện ra trên trang giấy: [Ta tính nhầm. Chắc là trưa nay mới đúng đó con.]
Tôi đưa tay xoa xoa cái trán. Tôi thấy trong cái thế giới trò chơi này, tôi không thể tin ai cả, kể cả là người đóng vai trò hướng dẫn đi chăng nữa.
Bình luận
Chưa có bình luận