Có ai đó đang nhìn mình!
Thuận Thiên ngẩng đầu lên, rời mắt khỏi chiếc ly còn trống rỗng, vì cái cảm giác đó hiện lên một cách rất rõ ràng, bất chấp sự ồn ào của đám bạn bên cạnh. Như mọi lần, nó làm anh thấy khó chịu. Anh không thích bị người khác nhìn chăm chú, dù là một cách thích thú hay là không hài lòng. Thuận Thiên đưa mắt nhìn quanh. Bây giờ chỉ là đầu buổi chiều, vẫn chưa đến giờ đông đúc, quán ăn gia đình này là nơi rộng rãi và dễ chịu, với gió thổi từ bờ sông và tiếng leng keng khe khẽ của những chiếc chuông nhỏ được treo trang trí. Anh khá thích chỗ này, mặc dù đám bạn của anh thường nói là nó không hợp với anh, rằng dáng vẻ của anh dễ làm người ta hình dung đến một quý ông đang chậm rãi thưởng thức ly rượu vang của mình thay vì cố gắng dốc cạn một ly bia giữa quán xá ồn ã.
Và anh nhìn thấy cô, đứng gần góc quán bên phải cạnh một chiếc bàn nhỏ với vài cô gái khác, đang nhìn anh với con mắt soi mói mà thậm chí khi chạm phải mắt anh, nó còn chẳng chịu nhún nhường. Sau khi biết rằng mình không nhầm lẫn, ánh mắt cô có vẻ như còn khắt khe hơn. Cô cúi xuống nói với mấy cô bạn gì đó rồi bất ngờ mang theo túi đi thẳng đến chỗ bàn anh đang ngồi.
- Xin lỗi! Làm phiền các anh!
Cô mỉm cười. Nụ cười có tính lịch sự xã giao đi cùng chất giọng mềm mỏng dành cho mấy anh bạn vốn đang ngẩn ra, khi chuyển hướng sang anh lập tức đông cứng lại.
- Chú có thể ra ngoài nói chuyện một chút được không?
Có tiếng ho sặc sụa, và chẳng cần nhìn, anh cũng biết là hai thằng bạn thân đang nghĩ gì, cho dù là có đang sặc bia thật hay không. Nhưng cả hai có vẻ đủ khôn ngoan để không thốt ra câu hỏi với đối tượng vừa mới lên tiếng, mà ngồi im thin thít, hẳn là vì vẻ mặt rất nghiêm túc lạnh lùng của cô. Thay vào đó, bọn họ nhìn anh lom lom cứ như thể anh là một gã trốn nhà để đi đàn đúm ăn chơi bỗng nhiên bị người quen bắt quả tang tại trận.
Anh gật đầu bước theo cô. Ra đến tận một góc xa khỏi chỗ đám bạn của anh lẫn những người đi cùng cô, Bảo Thanh mới dừng lại.
- Tôi biết đây là chuyện riêng của chú, nhưng mà lỡ thấy thì không ngó lơ được. Chú nghĩ sao mà đi uống bia trong khi còn đang uống thuốc!
- Tôi chỉ ngồi chơi thôi, họ mới uống bia, tôi uống thứ khác.
Thuận Thiên đút tay vào túi quần, làu bàu đáp lại.
- Chú nói dối không chớp mắt luôn! Ở trên bàn chỉ có bia thôi, đâu có nước lọc hay thứ gì khác!
Bảo Thanh ngừng nói, đợi một chút để đảm bảo là anh chẳng có lời lẽ hay ho nào khác mà phân trần, cô nói tiếp.
- Chú vẫn còn mấy đợt thuốc phải theo, uống bia rượu trong khi còn dùng thuốc này, có thể làm giảm hiệu quả hay phản lại thuốc. Nếu chú không muốn hết bệnh thì đừng đi sắc thuốc làm chi, để thuốc cho người khác còn dùng! Cực khổ mới làm ra được một thang chứ không phải đá cuội lượm lặt ngoài đường đâu!
Thuận Thiên nhăn trán.
- Chuyện đó để thầy của em nói với tôi mới đúng, em đâu phải người trực tiếp chữa cho tôi. Tôi nói không uống bia thì sẽ không!
- Ừ, mong là chú làm được, nhưng đã ngồi vào bàn thì chuyện uống hay không, uống ít uống nhiều chưa chắc gì do chú kiểm soát đâu. Tôi nói xong rồi, xin lỗi làm phiền chú!
Sau khi giáo huấn anh một cách nhiệt tình, cô mang túi vải cứ vậy mà đi một mạch về chỗ mấy cô bạn, chào tạm biệt rồi hướng thẳng ra cửa. Lững thững trở lại bàn, anh vừa ngồi xuống, hai thằng bạn thân nhìn anh tò mò, hẳn là đã theo dõi từ xa và phỏng đoán ra đủ thứ, bắt đầu truy hỏi:
- Cô bạn nhỏ đó là ai?
- Không dám bạn nhỏ đâu, chỉ thua bảy tuổi thôi! – Anh đáp.
- Tức là ba mươi hai hả? Chà, nhìn mặt trẻ hơn tuổi ghê. Ủa, không nhỏ hơn nhiều, sao lại gọi mình bằng chú ta? – Một tên lúc lắc đầu với cái mặt ngơ ngác giả trân.
- Sai rồi, người ta chỉ gọi Thuận Thiên là "chú" thôi, còn hai đứa mình là gọi bằng "anh". – Tên còn lại vừa cười vừa rót bia vào ly của anh. - Không lẽ vì tính tình bạn trưởng thành quá nên nhìn già hơn bọn này! Hay… hai người là bà con? Ở đâu ra cô cháu thấy thương quá nha bạn!
- Bà con ngang hông thì có! Bớt xàm đi!
Thuận Thiên nhìn ly bia đang sủi bọt, bực mình muốn bỏ lơ mà mấy lời lúc nãy cứ gai lên trong đầu không sao trôi được. Anh chép miệng, thở dài:
-Thôi, không xả stress nữa, về đây. Hai người ở lại uống đi, chầu này tôi trả!
Bỏ lại hai thằng bạn đang ơi ới càu nhàu phía sau, anh lấy xe, chạy chầm chậm dọc theo con đường, bất giác mà ngó nghiêng qua chỗ trạm xe buýt. Anh thấy bóng áo xanh đang đứng, chợt nghĩ ra là lúc này hẳn cô cũng đón xe về lại trại, từ đây phải chuyển xe ba lượt mới tới nơi. Thuận Thiên thấy có chút băn khoăn. Anh nên để cô đi cùng cho đỡ vất vả, dù sao thì anh cũng sẽ lên trại sớm hơn một ngày. Nhưng khi nghiêng đầu qua nhìn vẻ mặt đó, lại nghĩ phải đi chung cả một quãng đường mà không biết nói gì, hoặc nếu có nói thì hẳn cũng sẽ bị mắc cả một mớ móc câu trong miệng, anh lại thấy chùn tay. Rồi cứ vậy mà chiếc xe trôi qua. Nhìn qua kính chiếu hậu thấy xe buýt đã dừng lại, anh thở phào một hơi, tự cảm thấy rằng chuyện đã vậy rồi thì không cần nghĩ ngợi gì, nên nhấn ga phóng thẳng.
Trại Cỏ Xước giống một khu rừng thì đúng hơn. Thuận Thiên luôn cảm thấy như vậy mỗi khi anh lái xe từ từ trên con đường trải sỏi dẫn từ cổng lớn vào đến khu nhà chính. Ở đâu cũng thấy cây cối, rậm rì. Những cây gỗ lâu năm đủ loại cao lớn lạ thường. Những cây gòn to lừng lững đeo dây thần thông ngoằn ngoèo làm trang trí. Những cây bồ kết gai tua tủa, cho đến những bụi cỏ hôi mọc thành cả vạt lớn, những cây xích đồng nam với cái chỏm đầu đỏ lòm hay mấy cây ổi rừng trái vàng ươm bị lũ chim rỉa mất một lõm. Những bụi nghệ vàng, nghệ đen, lá dong và gừng chỉ thò được chỏm lá to vượt lên khỏi đám xuyến chi nở hoa trắng. Bướm bay khắp nơi, nhởn nhơ ngay trước đầu xe. Mấy con mèo thì nằm ườn bụng, phơi mình trên vài tảng đá nhẵn nhụi mà chẳng thèm ngóc đầu, cục cựa hay có bất kỳ biểu hiện nào cho thấy chúng “có đếm xỉa” lúc chiếc xe của anh đi qua. Chim chóc bay rào rào từ phía này sang phía kia, kêu gọi nhau một cách ầm ĩ bằng đủ thứ tiếng nhanh chậm, trong trẻo hoặc chói tai, rộn ràng cứ như đang kể hàng ngàn câu chuyện bất tận và xem đây hoàn toàn là lãnh địa của chúng. Thuận Thiên lái thật chậm, vì giờ này những con cóc mập ú, to bằng bàn tay vốn thường chui xuống dưới đám lá ẩm ẩn mình thi thoảng sẽ nhảy nhót ra để bắt muỗi mòng.
Con đường lúc này đang râm mát, nhưng vào sáng sớm sẽ có những vạt nắng óng ánh chiếu xuống chỗ này chỗ kia. Và sẽ có những con rắn mối, kỳ nhông bò ra hứng nắng. Ở đây không khí rất khác, có điều gì đó bí ẩn, mời gọi; một bầu không khí hầm hập nhựa sống, gần gũi mà lại tách biệt thế giới ngoài kia. Và con đường là chiếc cầu nối đầy ma thuật. Ban đêm nó sẽ ngợp hương hoa khi gió ngừng, sương xuống. Có khi là hoa bưởi, sử quân tử, hoặc hương của cây ngọc lan sừng sững đằng kia.
Cuối cùng anh rẽ vào nhà để xe, trong đó đậu sẵn một chiếc Toyota vừa được rửa sạch sẽ bụi đường. Vậy là thầy Lữ về rồi! Anh nghĩ khi đang bước chầm chậm trở ra đường cũ. Nhà chính giờ đã lên đèn, mùi thuốc phảng phất tỏa ra từ căn bếp lớn. Thật lạ, thứ mùi nồng nồng hăng hăng này làm anh thấy rất khó ngửi mỗi khi ở nhà, nhưng ở nông trại này thì khác, như thể chính hương vị của nó cũng hòa hợp với bầu không khí của nơi này đến mức trở nên dễ chịu hơn nhiều.
Hướng sang phải là tới hàng rào thấp với chiếc cổng vòm mọc dày thiên lý, khổ qua rừng và đậu biếc. Nhưng Thuận Thiên đi ngược lên một con đường dốc bên trái xếp gạch đỏ thành những bậc thang, dẫn tới ngôi nhà nhỏ có hai phòng nằm trên một gò đất nhô cao nhìn xuống đường chính. Nó được xây dành cho anh, tách riêng với nhà chính lẫn khu nhà dành cho bệnh nhân phải ở dài ngày. Đôi khi nó cũng được dùng cho khách nghỉ qua đêm trong trường hợp khẩn cấp, lúc anh vắng mặt nhưng cơ bản là nó thuộc về anh. Và nó là bằng chứng rất hữu hình về mối liên hệ sâu sắc của anh với nơi này.
Nếu tính ra lần đầu anh đến khu nông trại này là năm mười bảy tuổi, mỗi năm đều đến đây ít nhất một lần vào dịp lễ, Tết hoặc mùa hè hằng năm. Thời gian ở lại ít nhất vài ngày, một tuần và lâu nhất là đến vài tháng. Thuận Thiên đã chứng kiến nông trại này từ một mảnh đất lơ thơ cỏ dại, cằn cỗi như đất hoang dần dần trở thành một rừng cây thuốc; rồi từ ngôi nhà xinh xắn chỉ đủ cho vài ba người chui ra chui vào thành khu nhà lớn, có sân phơi, rồi thành hai khu nhà; mấy luống cải xanh húng quế nho nhỏ được bao quanh bằng tre và lưới chuyển thành vườn rau lớn với các cọc gỗ làm hàng rào, cho đến những vườn quả với đủ loại ở ngọn đồi xa hơn chút nữa. Anh đã chứng kiến nó thay đổi, từ rất lâu trong khi cô nàng hãy còn ở một nơi nào đó xa lơ xa lắc. Vậy mà Bảo Thanh vẫn có cái vẻ gần gũi và thông thuộc nơi này hơn cả anh, nhất là khi cô đi băng băng giữa những bụi cây dày đặc như luôn biết rõ là mình phải tìm cây gì ở chỗ nào, hoặc cái gì sắp phải thu hoạch, hay khi cô bảo ban mấy con vật trong nhà.
Lần đầu tiên anh nhìn thấy cô là tuần trước, đội nón lá, khoác một chiếc áo sơ mi màu xám trơn thùng thình bên ngoài áo lanh cổ tròn và quần ống rộng màu đen, đang cần mẫn rải những lát thân cây cắt mỏng lên một giàn phơi to dưới cái nắng buổi trưa hầm hập. Trông cô như một cây nấm mũ trắng thanh mảnh thường nhú lên trên thân gỗ mục giữa rừng: bình thường, nhạt nhòa và chẳng có gì để phân biệt với vài chiếc nón trắng lô nhô khác cũng đang bận rộn trong sân. Ngoại trừ một thứ: ánh mắt của cô, khi cô nhìn chằm chằm anh trong khi bàn tay vẫn đang bận rộn làm việc, một kiểu nhìn không thân thiện chút nào. Nó đầy sự soi xét và khiến anh cảm thấy như thể mình là một kẻ phạm tội đang đứng trước tòa để cho người ta đong đếm tội trạng kỹ càng trước khi ra đòn phán quyết.
Bình luận
Chưa có bình luận