Chương 2: Khách khó ưa!


Bây giờ, khi anh thay quần áo và đã ngồi yên ổn lúc lâu trong chiếc ghế mây ở sân trước, khi những ngọn đèn trong vườn bắt đầu được thắp lên, Thuận Thiên có thể nghe thấy tiếng bước chân lạo xạo vọng tới từ con đường chính, chỗ mà anh đã lái xe qua. Dù tầm nhìn bị chia cắt bởi đám cây to, anh vẫn thấy cô đi rất chậm rãi, tận hưởng và đầy vẻ hài lòng với thế giới này. Cô đang vui vẻ chào hỏi mấy con mèo, hai con chó Bông và Béo, cả lũ ếch nhái và cây cối ven đường nữa, dù bằng giọng rì rầm hơn. Cô thường làm chuyện ngớ ngẩn đó một cách tự nhiên đến nỗi việc đó có vẻ bớt ngớ ngẩn hẳn đi, tuy vậy, vẫn ý thức được sự kỳ quặc của mình, cô thường không hành động như thế trước mắt những người lạ. Và người lạ là những người không ở trong khu nhà chính, bao gồm cả anh, nhưng thói quen đó dường như ăn sâu đến nỗi cô thường biểu hiện chúng ra một cách vô thức và chỉ cần chú ý một chút sẽ nhận ra ngay.

Thuận Thiên đi bật ngọn đèn trong sân của anh rồi cầm tách trà lá sen trở lại. Bảo Thanh nhận ra sự thay đổi ánh sáng, cô nhìn sang và giật mình vì thấy anh ở đó. Có lẽ cô nghĩ anh sẽ xuất hiện vào ngày mai chứ không phải hôm nay mà cái cách anh nhìn cô thì thẳng thắn và không che giấu thông điệp rằng:”Tôi đã trông thấy em làm chuyện kỳ cục đó rồi!”

Cô lập tức im lặng, nhanh chóng giấu mình phía sau cánh cổng đầy dây leo. Kế tiếp, Thuận Thiên nghe tiếng cô Thu nấu bếp réo cô nhanh vào ăn cơm cùng.

Ở đây mọi người thường ăn cơm vào lúc bảy giờ. Thầy Lữ thường khuyến khích anh ăn chung với họ. Các món ở đây hầu hết từ rau củ, các loại quả, đậu, tàu hũ và nấm. Với anh món ăn không phải là vấn đề. Vấn đề là có quá nhiều người trong bữa ăn thường làm anh thấy không thoải mái.

Anh nghĩ bữa ăn là điều gì đó rất riêng tư. Người ta xây dựng mối quan hệ với nhau qua bữa cơm, đặc biệt là những bữa cơm gần gũi thay vì xã giao lịch sự. Và cũng có thể thấu hiểu một người bằng cách liên tục quan sát cách mà họ dùng bữa: cách họ chọn lựa rồi gắp thức ăn, âm thanh và tốc độ khi người ta ăn, cách mà họ đối xử với thức ăn còn thừa trên đĩa. Mà khi đã ăn cùng nhau nhiều lần, một cách vô thức người ta khó mà không cảm thấy một mối liên hệ nào đó với đối phương. Anh thì không thích bị gắn bó theo kiểu bị động như thế. Nên Thuận Thiên ngồi yên ở đó, mở laptop, bình tĩnh xem các báo cáo gửi tới trong ngày và chờ cho đến khi thức ăn và thuốc của mình được mang đến.

Bảo Thanh đẩy mấy thanh củi sắp cháy tàn vào trong lò. Giữa trời đêm lành lạnh, đứng cạnh bếp lửa khiến cô thấy ấm cúng lạ lùng. Nó có một nét thi vị riêng khó tả và gợi nhớ những gì cũ kỹ xa xưa. Giờ thì người ta vẫn có ấm sắc thuốc bằng điện nhưng thầy Lữ muốn cô và chị Linh phải biết nấu thuốc bằng bếp củi: biết giữ độ lửa sao cho đúng, biết ngửi mùi thuốc mà áng chừng khi nào thì vừa. Thầy thường hay trích dẫn lời của nhà triết học và kinh tế học Ấn Độ J.C. Kumarappa rằng:”Nếu bản chất của lao động được đánh giá và thực hiện đúng đắn, nó sẽ có quan hệ đối với tài năng như thức ăn đối với cơ thể. Nó nuôi dưỡng và làm phấn chấn con người, giục giã con người cống hiền điều tốt đẹp nhất theo khả năng của mình.” Thầy Lữ nói công việc nhỏ nhặt có thể mang lại cho con người nhiều thứ hơn so với những gì người ta có thể tưởng tượng. Mỗi người có thể sử dụng những công cụ thường ngày như dao, cuốc, búa, xẻng để phát triển các giác quan của mình trở nên điêu luyện, để rèn giũa cho tâm hồn mình trở nên thuần thục, sâu sắc và nhạy bén hơn chẳng khác gì một tay kiếm sĩ hay một nghệ sĩ đánh đàn.

Bảo Thanh rất vui vẻ làm công việc này, trừ chuyện lát nữa phải mang thuốc sang bên nhà Lam. Cô thường nghĩ lẽ ra Thuận Thiên nên tự đến mà lấy đi vì thuốc thường được sắc xong đúng giờ mỗi ngày. “Nói đúng ra thì người đó nên đến đây, ăn cơm chung, tự lấy thuốc của mình, vì anh ta rất khỏe mạnh đến mức có thể chạy lăng quăng khắp Sài Gòn mà ăn uống với bạn bè kia kìa!” Cô vừa đẩy củi vừa tự làu bàu.

Nhưng dù sao thì Thuận Thiên không bao giờ làm vậy. Nên cách duy nhất để cô tự thuyết phục mình khi nổi cơn bực bội là tự nhủ rằng: “Anh ta là kiểu người đã quá quen với chuyện được phục vụ từng li từng tí rồi, mà muốn kiểu người này thay đổi thì sẽ mệt mỏi và tốn công sức gấp trăm lần so với chuyện mang thuốc và cơm sang.” Cuối cùng cô rút ra kết luận: “Mệt ít vẫn tốt hơn là mệt nhiều!”

Nhưng điều Bảo Thanh không hiểu nhất là tại sao thầy Lữ lại thương anh ta đến thế. Thầy thương anh ta như thương đứa con trai ruột của mình, và chăm sóc như anh ta là một bệnh nhân đáng được quan tâm nhất. Lúc nào thầy cũng nhìn anh ta bằng cái nhìn khoan dung và thông cảm. Thầy không nghiêm khắc với anh ta như khi thầy dạy học trò. Thầy giải thích và biện minh cho những thói xấu của anh ta nhiều hơn là muốn chỉnh sửa nó, đến mức làm cho cô có khi cũng phải bực mình. 

Lần đầu tiên cô nhìn thấy Thuận Thiên, là lúc anh ta vừa ra khỏi chiếc xe Ford màu bạc. Khách đến nông trại khá thường xuyên nên tiếng xe thường không làm cho cô quan tâm. Nhưng lý do mà cô ngẩng đầu lên nhìn là vì cô nghe thấy một âm thanh gắt gỏng làm cho cô phải chú ý.

- Đưa xe vào nhanh, rồi cậu đi bộ ra ngoài đón xe về!

Một giọng khác đáp lại hiền lành:

- Dạ? Anh không cần em ở lại để chở anh đi sao anh?

- Không! Ở lại chỉ phiền thêm thôi! Nhìn cậu là nghĩ tới công ty.

Người tài xế ấp úng:

- Dạ, vậy em… có thể xin anh… nghỉ vài ngày lo chút chuyện riêng không anh?

- Không được! Ở nhà còn có chị Hai, biết đâu chị tôi sẽ cần. Đi làm đừng có suốt ngày đòi nghỉ để lo chuyện riêng. Công việc đã lương cao, có nhiều phúc lợi mà cậu còn trông đợi lúc nào cũng thoải mái tự do?

- Dạ, em biết rồi, em chỉ định hỏi vậy thôi…

- Đừng hỏi mấy câu không có ích gì, chỉ làm chủ không thích! Về đi! Nhớ phải trông chừng điện thoại, có khi tôi sẽ gọi lên đột xuất!  

Hôm đó, Thuận Thiên mặc áo sơ mi trắng đến lóa mắt, rất vừa vặn, thẳng thớm. Tay áo được xắn lên cẩn thận, cũng như chiếc quần âu màu xám xanh ủi xếp li bén ngót, cùng màu với áo vest được vắt trên tay. Mái tóc vuốt keo phong cách, gương mặt cũng dễ nhìn. Bảo Thanh lập tức liên tưởng đến mấy con ma nơ canh trong các cửa hàng âu phục cao cấp cho nam, ngoại trừ việc da của chúng không thể rám nắng vừa đủ như thế mà chỉ trắng nhợt hoặc đen sì sì. Tuy nhiên, chúng đem tới cảm giác yên tĩnh và dễ chịu hơn, vì chúng không có gương mặt cau có và miệng không phát ra những âm thanh khó nghe. Một tay cầm điện thoại, trên tay kia là túi xách đựng laptop thời trang. Đúng hình mẫu đàn ông thành đạt chói sáng khiến các cô gái phải trụy tim vì ngưỡng mộ như trong các bộ phim hay quảng cáo nhan nhản trên truyền hình. Bảo Thanh tự dưng thấy mắc cười. Trong đời thực, nếu các nàng thôi chiêm ngưỡng đối tượng từ xa mà đến đủ gần để chứng kiến tất cả những lời lẽ và hành vi khó ưa mà các quý ông này đổ xuống những người quanh mình, tim họ chắc sẽ khỏe lại nhanh thôi.

Tiếp theo, tiếng chuông điện thoại réo lên du dương, anh ta nhìn màn hình, nét mặt rắn lại như đá, làm như người gọi là kẻ giành mất hũ gạo trong nhà:

- Em nghe! Chị đừng gọi nữa, em lên trại rồi.

- Khi nào muốn về thì về!

- Tự nấu thì cứ tự ăn, em có nói là em muốn ăn đâu, tự dưng nấu xong rồi lại bắt người khác phải nuốt!

- Em bận rồi, không nói nữa!

Bảo Thanh đứng rất im lìm dù mặt cô cũng đang rắn lại với mỗi lời cô nghe. Nhưng cô không hiểu làm sao mà anh ta lại biết cô đang nhìn? Dừng bước trên những bậc thang bằng gạch đỏ, mọc lấm tấm rêu xanh, vị khách đột nhiên quay đầu về phía sân phơi, không phải kiểu nhìn vội vàng lướt qua quang cảnh mà là một cái nhìn rõ ràng, có chủ đích tìm kiếm và nó dừng lại ở chỗ cô. Ánh mắt đanh, lạnh, hơi ngạc nhiên nhưng khó chịu cũng hệt như cách nói năng của anh ta. Bảo Thanh im lặng đón lấy nó, không chịu thua. Cho đến khi cô cảm thấy việc đứng yên giữa sân phơi đang rộn ràng người qua lại để nhìn chòng chọc về một hướng thiệt là kỳ cục, cô mới chậm rãi tránh đi, làm tiếp công việc của mình.

Dù vậy, cô vẫn biết vị khách đang đi thẳng đến ngôi nhà nhỏ đứng riêng một mình, thường được gọi là nhà Lam vì màu sơn của nó. Anh ta không đến chào thầy Lữ trước, mà ông Hai Nghĩa quản vườn đã nói chỗ đó chỉ dành cho khách rất thân thôi. Cô kết luận người này có lẽ là con bệnh lâu năm của thầy Lữ. Người bệnh lâu năm thì thường bị bệnh tật ảnh hưởng ít nhiều đến tính tình, nếu có chút ẩm ương khó thương dễ ghét thì cũng không lạ, nên cô dặn mình phải mở lòng thông cảm hơn.

Nhưng lòng thông cảm đó cũng không kéo dài lâu lắm, chỉ một lát sau, cô được thầy Lữ gọi vào nhà lớn. Thường khi muốn dặn dò điều gì, thầy sẽ chỉ ghé qua chỗ cô đang làm và nói nhanh thôi, vì cô cũng thạo việc rồi. Nhưng gọi đến, chỉ cho cô ngồi xuống chiếc bàn trà thầy thường tiếp khách vãng lai và rót trà cho cô nữa thì chắc chắn không phải là chuyện công việc hằng ngày.

Thầy nhìn cô cười.

- Lúc nãy con mới thấy khách của thầy rồi hen?

- Dạ? Người vừa đến chỗ nhà Lam hả thầy?

- Ờ, đó là Thuận Thiên, anh họ của thầy.

Thầy Lữ ngừng lại, làm mặt cô hơi nóng lên. Cô không có thói quen nhìn chằm chằm người khác một cách thiếu lịch sự, chỉ là lúc đó cô bị bất ngờ với cách hành xử của vị khách thôi.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout