Lúc ông về đến cửa, mưa đã bắt đầu dội xuống những hàng cây to lớn ngoài sân khách sạn. Những giọt mưa to rào rạt, gió rú rít và sấm rền rĩ, cơn đau trên người và nỗi kinh hãi khi chứng kiến người thân bị bắt đi khiến cho cái ngày hôm đó luôn hằn sâu trong trí nhớ ông.
Ông không bao giờ quên những ngày cùng gia đình bác Ba chờ tin ở khách sạn, nhìn đồng hồ trên tường gõ từng nhịp chậm chạp đến mức không thể chịu nổi, và trái tim run lên mỗi khi điện thoại bàn reo, hay tiếng gõ cửa của những người đến từ cơ quan điều tra để hỏi han hay báo tin tức. Người ta nói Thuận Thiên có thể bị bắt để tống tiền, hoặc có thể do thù hằn vì làm ăn nhưng lý do thứ hai có vẻ hợp lý hơn vì chẳng có tín hiệu nào đến từ những kẻ bắt cóc. Chỉ ba ngày thôi mà như cả hàng tháng trời khi người ta giãy giụa trong nỗi sợ hãi và lo lắng, chờ đợi một tương lai ảm đạm sụp xuống đầu. Ông nhớ lúc đó mình đã ngồi đờ ra khi nghĩ về tất cả những thứ tồi tệ có thể đến, nghĩ về hình ảnh trên bãi biển có thể là những hình ảnh đẹp đẽ cuối cùng mà ông còn giữ lại. Rồi nhớ ra chiếc máy ảnh cũng bị va chạm trong cuộc tấn công, ông lo lắng chạy quanh khắp nơi tìm cho được một cửa tiệm chụp ảnh. Ông mừng rơi nước mắt khi biết là phim và máy không hư hỏng gì, rồi nài nỉ người ta giúp rửa cho càng nhanh càng tốt. Bức ảnh này trở thành bức ảnh quý giá và mang theo ấn tượng sâu sắc nhất trong đời ông. Nó luôn gợi lên một cảm giác sợ hãi, run rẩy, mà cũng chứa đựng một niềm vui sâu sắc khó nói thành lời. Nó gắn với một kỷ niệm đau buồn nhưng kết thúc có hậu. Nó khiến ông luôn nghĩ về sự sống thật mong manh nhưng quý giá. Vì vậy, nó dường như không thể hòa lẫn với những bức ảnh khác và ông luôn giữ nó đứng một mình.
Ba ngày sau người ta tìm được Thuận Thiên: bất tỉnh, người đầy thương tích, nhưng vẫn còn sống. Đó đúng là một phép màu vì các vết thương rất nặng. Người ta nói đó hẳn phải là dấu tích của những trận đòn thù, và gia đình nên cảm thấy may mắn vì kẻ thủ ác đã dừng tay mà không đi đến bước cuối. Rồi cơ quan điều tra cũng bắt được thủ phạm. Họ nói một đối tác kinh doanh của bác Ba đã trút giận lên con trai ông vì nghĩ ông đã lừa gạt và khiến hắn rơi vào cảnh khốn cùng.
Vụ việc khép lại, nhưng sau đó, Thuận Thiên được chẩn đoán bị mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Một căn bệnh thời đó còn ít người biết. May nhờ điều kiện gia đình thuận lợi, Thuận Thiên được một bác sĩ tâm lý người Anh chữa trị và hầu như bình phục sau khoảng hai năm. Dù vậy, lo sợ con trai sẽ chịu những ảnh hưởng về sau, người bác đã nhiều lần gửi gắm ông hãy để ý trông nom sức khỏe cho cậu. Mà không cần lời gửi gắm đó, ông cũng tự thấy phải có trách nhiệm quan tâm đến cậu bằng tình thương của một người cha, người anh lẫn người thầy thuốc.
Và cũng vì một điều cứ luôn gợn lên trong ông. Mặc dù phương pháp chữa trị kết hợp thuốc tây với hỗ trợ tư vấn tâm lý từ chuyên gia, đã cho thấy kết quả rõ ràng; nhưng bằng trực giác của một người thầy thuốc lẫn một người thân thiết trong gia đình, ông luôn cảm thấy như thể có cái gì đó bên trong Thuận Thiên vẫn chưa mở ra được, giống như một mẩu bụi bặm bẩn thỉu tàn dư còn rơi rớt lại, chui vào thật sâu mà không thể lấy ra hay làm sạch hoàn toàn. Một cái gì đó rất mơ hồ, chưa thể chứng minh luôn khiến ông nghi ngờ và phân vân liệu mình có lo lắng thái quá hay không.
Nhưng gần đây, bằng chứng cho mối lo ngại của ông dường như đã xuất hiện. Theo những gì ông quan sát, Thuận Thiên lên trại Cỏ Xước lần này có thể vì bị một cảm giác lo âu và sợ hãi đột nhiên xâm chiếm mà không thể giải thích được, và ở mức độ tự mình không xử lý nổi. Đó chắc chắn không phải là một tình huống thông thường, nếu xét theo tính cách và khả năng làm chủ tình huống thường ngày của Thuận Thiên.
Nếu đây là sự thật, ông biết Thuận Thiên cần phải đối mặt với vấn đề càng sớm càng tốt, gặp gỡ bác sĩ tâm lý trở lại cũng là một cách nên làm. Nhưng ông tự hỏi, nếu căn bệnh đột nhiên xuất hiện lại sau rất nhiều năm, vậy thì tác nhân trực tiếp của nó là gì: do áp lực công việc đã nặng nề đến mức làm con người ta phải suy sụp, hay là điều gì khác? Ông thấy cần phải tìm ra. Hiển nhiên đó không phải chuyện dễ dàng. Ký ức vốn rất khó chạm tới, vì chỉ tồn tại trong tâm trí riêng mỗi người. Chúng dường như vô hình và mong manh hơn hết thảy. Nhưng đó cũng là thứ mạnh mẽ và đáng sợ nhất nếu người mang ký ức không chịu để chúng lộ ra dưới ánh sáng mặt trời, soi xét chúng với một cái nhìn thật thấu đáo và khoan dung.
Lúc này là hơn mười giờ, Bảo Thanh đang ngồi ở đầu giường, bên ánh sáng của ngọn đèn bàn, tay cầm quyển Khu Vườn Findhorn mà cô rất ưa thích, với một cái nhìn mờ mịt xa xăm mà hiếm khi mới bắt gặp.
Trong nhà, ông Hai Nghĩa thường ngủ hẳn ở chiếc giường nhỏ kê ngay trong khu bếp lớn hoặc có lúc cứ nằm ngả lưng trên chiếc võng dày mà đong đưa cho mát mẻ, cũng để tiện đi tới lui và dòm ngó khu vườn. Đôi lúc ông cũng cười khà khà mà thừa nhận rằng vườn rộng mà ông thì đã quá già để có thể đuổi theo nếu có tên ăn trộm nào lén lút rình mò. Anh Minh tài xế kiêm chạy việc vặt ngủ ở một phòng nhỏ cạnh phòng thầy Lữ, để lỡ khi thầy cần vào lúc giữa đêm.
Chỗ ngủ cho cô và Hà Linh là căn phòng cuối cùng ở dãy bên trái, nằm ngăn cách giữa phòng cô Thu và phòng chứa sách của thầy Lữ. Nó có một chiếc giường lớn cho hai người, bốn chân giường cách điệu hình cây được một bệnh nhân cũ làm nghề thợ mộc đặc biệt gửi tặng. Một chiếc tủ gỗ nhỏ đầu giường, chỗ mà Bảo Thanh dùng đặt mấy quyển sách cô vẫn thường đọc tới đọc lui đến mức mà Hà Linh ví là người yêu muôn thuở của cô; có nhiều sổ ghi chép đã viết chi chít hoặc vẫn còn trắng tinh; đủ loại bút viết, bút màu mà cô hay dùng để tự làm những bản vẽ mind map mà cô thích rồi kẹp chúng với nhau thành một xấp dày như hồ sơ; những thứ linh tinh như dây cột tóc, kẹp, băng đô của Hà Linh; mấy chiếc túi rút bằng vải đủ kiểu được quấn thành từng cuộn và những quyển album phủ đầy lá khô và hoa khô của chị; bên trên có một chiếc đèn nến xông tinh dầu; một chiếc đèn bàn với phần chụp đèn bằng gỗ uốn lượn rất dễ thương.
Hai chị em có một tủ đựng quần áo làm bằng gỗ theo kiểu cũ, được sắp xếp ngăn nắp, lúc nào cũng rất thơm vì Hà Linh đã làm một chiếc túi đựng hoa khô thấm tinh dầu sả treo lên. Ở gần cửa sổ còn có một chiếc bàn con, lúc nào cũng có một bình hoa hái từ vườn, một chỗ có thể ngồi viết và trông ra ngoài để thấy một vạt những cây ớt chim lốm đốm trái đỏ cho tới những cây dừa cạn tím trắng hay những cây thơm ổi đủ màu ở xa hơn. Trên cửa sổ và cửa chính treo vòng hoa khô được tết khéo léo. Hà Linh thường tán tụng căn phòng của các cô là một nơi ấm cúng, xinh xắn, có hơi hướng ngọt ngào của các chị em, rồi tiếp theo sẽ phàn nàn rằng còn vài thứ rất đáng yêu nữa muốn mang vào nhưng bị Bảo Thanh cản lại. Lý do là cô không muốn căn phòng thành một kho chứa đồ trang trí, dẫu là một kho trang trí rất đẹp. Cô đã mất nhiều ngày để ngăn một con vịt nhồi bông to kinh khủng xâm nhập, vì biết để nó lên giường thì hai chị em sớm muộn cũng có người sẽ thức dậy dưới đất vào lúc nửa đêm vì giường chật quá. Bảo Thanh thích không gian thoáng đãng, trống trải và sạch sẽ, ít tốn kém thời gian để chăm sóc và lau dọn. Cô chỉ cần vài thứ đơn giản hữu ích và trông dễ thương một chút là được. Với cô những vật dụng xuất hiện trong phòng nên có nhiều giá trị sử dụng hơn ngoài việc trang trí, nếu không chúng nên xuất hiện ít thôi. Nhiều thứ linh tinh trong phòng thì cũng sẽ mang tới nhiều thứ linh tinh trong đầu, cô thường dọa Hà Linh như thế mỗi khi bà chị cùng phòng lại nổi cơn thèm muốn tha thêm cái gì đó vào.
“Lung Linh” là cách mà Bảo Thanh sẽ gọi khi muốn chọc ghẹo chị Linh. Theo cô đó là sự miêu tả khá phù hợp về người chị “giữa đàng” này. Bảo Thanh cảm thấy Hà Linh rất đẹp, một nét đẹp lung linh, duyên dáng tươi vui rất rõ chứ không mờ nhạt và khó thấy như vẻ đẹp của cô. Thật ra cô thường nghĩ mình không tệ lắm chứ không phải đẹp, mặc dù chị Linh thường thuyết phục cô là cô có một vẻ dịu dàng, phúc hậu, một nét tao nhã trầm lặng rất riêng và thu hút. Hà Linh là người chú ý đến vẻ ngoài hơn và vì thế cũng chịu luôn trách nhiệm nâng cao phần ý thức này cho Bảo Thanh. Chị sẽ tết tóc cho Bảo Thanh khi rảnh, vì cô có mái tóc rất mềm và đen. Chị nhắc cô thay đổi dây buộc tóc thường xuyên thay vì chỉ dùng vài chiếc cho đến khi chúng xấu xí và bắt đầu giãn ra. Chị lôi Bảo Thanh lên giường, bắt cô nằm im như tượng để thử đủ loại mặt nạ thiên nhiên mà chị tự chế trong lúc rảnh rỗi, mặc cho cô la oai oái vì thứ mặt nạ này đôi khi có mùi kỳ lạ quá chừng.
Nhưng Bảo Thanh đôi khi sẽ chau mày lại và làu bàu gọi chị là “Linh Lung Lay”, vì cái tính dễ bị lung lạc và thay đổi ý kiến nhanh chóng. Chẳng hạn như cái lần hai chị em cùng nhau lên danh sách để mua vài thứ cần dùng ở chợ huyện. Cả hai đã quyết định sẽ mua thêm một chiếc mùng mới để thay dự phòng khi cần phải giặt giũ, và một chiếc rèm cho cửa sổ. Tốt nhất là nên chọn một chiếc mùng giản dị, nhẹ nhàng phù hợp với không khí căn phòng. Và một chiếc rèm cửa dày dặn, màu sắc sáng sủa nữa. Bàn xong, cô hết sức yên chí để cho bà chị đi mua sắm bao nhiêu thì khi Hà Linh trở về cô đã phải há hốc mồm kinh ngạc bấy nhiêu. Cả rèm cửa lẫn mùng đều rực rỡ và cầu kỳ ngoài mong đợi. Chúng đẹp đến mức chả có liên hệ gì với căn phòng đơn giản này. Hiển nhiên đó chính là thành quả rất đáng khen ngợi của những người bán hàng còn bà chị của cô thì vừa cười vừa nói rằng:
- Lúc ở dưới chợ, chị tưởng là tụi nó cũng hợp chứ…
Dù vậy chị đã giấu biến chúng xuống dưới đáy tủ rồi mua những món khác thay vào. Giờ thì Bảo Thanh là người thường xuyên lôi chúng ra nhất, thỉnh thoàng cô sẽ thích căng chiếc mùng lên để ngủ. Rồi cô sẽ đứng trông cái vẻ lạc tông đến khó ưa của nó với căn phòng mà cười khúc khích trong khi bà chị phải giãy nãy lên vì bị chọc quê.
Bình luận
Chưa có bình luận