Hoa sen hồng phấn đã nở rộ, cánh hồng nhụy vàng lá xanh, gió đưa hương ướp đượm hồn người trong nắng sớm vừa ló. Giữa ao sen đẹp như tranh thủy mặc ấy đang dập dềnh một chiếc thuyền nhỏ, đã hơi cũ kĩ và mục nát một vài góc, trên thuyền lấp ló bóng dáng nho nhỏ mặc một chiếc áo nâu nhạt, mái tóc sáng lên màu nâu gỗ lim dưới ánh mặt trời, được vấn gọn gàng bao kín trong chiếc khăn đen, chỉ chừa lại chỏm tóc đuôi gà phía cuối. Chỏm tóc ấy lắc lư nhè nhẹ theo từng đợt sóng dập dềnh cuốn vào chiếc thuyền, bóng lưng nhỏ vẫn thẳng và đôi tay lấp ló khum lấy từng búp sen chưa nở, tách từng cánh ra rồi nhồi lá trà vào phần nhụy sen để ướp hương.
Trên bờ, một người thanh niên gọi vọng ra phía ao.
"Cô Phức, bẩm cô đã xong chưa ạ? Ông cho gọi cô vào nhà trên nấu nước pha trà cho ông tiếp khách!"
"Anh vào bẩm thầy một tiếng, tôi rửa chân tay vén tóc gọn gàng sẽ bưng trà lên ngay."
"Bẩm vâng."
Người thanh niên lại tất tả chạy ngược về, ống quần bên thấp bên cao, phỏng chừng ông đồ Lê nhà anh lại cáu gắt với anh hầu về chuyện tay chân anh vụng về pha trà không hợp ý ông, nên anh đành cuống cuồng lên chạy đi tìm cô út để cầu cứu.
Nhà thầy đồ Lê có truyền thống chữ nghĩa, ấy thế nhưng vẫn không có duyên khoa cử, hoặc như gia đạo nhà thầy chỉ có thể dạy người ta thành tiến sĩ chứ chẳng thể tự mình đỗ đạt cao. Có câu bụt chùa nhà không thiêng, có lẽ là để nói về nhà thầy đồ Lê, gõ đầu biết bao người, dạy biết bao tiến sĩ, bảng nhãn, thám hoa vẫn chỉ là ông đồ ông nghè mở lớp đại tập. Thầy đồ Lê cũng chẳng nuôi chí làm quan như cha ông của thầy, thầy suốt đời chỉ cặm cụi nghiên cứu thơ văn tiền nhân, và truyền cái đạo chữ nghĩa cho đời. Nhà thầy đồ Lê có hai cô con gái, cô chị cả đã gả cho một anh học trò của thầy từ hai năm trước, chỉ còn lại mỗi cô út vừa tròn mười sáu cũng đang được thầy cân nhắc trong đám học trò nhà thầy.
Thầy đồ Lê yêu thương hai cô con gái như ngọc như ngà, mỗi cái tội truyền thống níu chân đàn bà lại nơi góc bếp nên cũng chẳng thể vượt quá khuôn phép lề thói mà mong hai cô làm rạng danh dòng họ, chỉ mong gả cho người chồng xứng đáng để không uổng đóa hoa thầy đồ đã dạy biết chữ nghĩa vỡ lòng, bà đồ dạy nữ công tam tòng. Chỉ mong sao “trai anh hùng, gái thuyền quyên” là ông bà cũng an lòng.
Tháng trước, thầy đồ Lê nhận được một phong thư ngỏ lời từ ông bà huyện Trần, nhờ gửi gắm cậu cả nhà đó cho thầy vì nghe được tiếng lành từ lâu. Sáng hôm nay, Cậu Cả Trần sẽ đến tận nơi dâng trà bái lễ xin được học chữ từ thầy. Vừa hay hôm nay thầy không có lớp nào, đang ngồi nghỉ ngơi và chấm bài cho học trò thì nghe xôn xao ngoài cổng nhà tiếng chân người xen trong tiếng chó sủa, tiến gần vào trong càng rõ ràng, phỏng chừng là Cậu Cả Trần đã đến.
Ngược sáng mà vào có một bóng dáng thanh niên dong dỏng cao, khuôn mặt từ từ hiện rõ thật là một bậc đẹp đẽ khó gặp. Chiếc áo dài lụa dệt chìm hoa văn không rõ hình dạng nhưng ánh lên tia sáng vàng nhạt mỗi lần chuyển động, nổi bật trên nền vải xanh đen. Đôi mày rậm kéo dài sánh cùng đôi mắt đen như mực, sống mũi cao đầy đặn nổi bật giữa khuôn mặt vuông vức sáng bửng, cánh môi lại hơi mỏng nhưng gọn gàng khẽ mấp máy, lộ hàm răng đều tăm tắp, thật là một dung mạo sang quý.
"Bẩm thầy, con là con trai nhà huyện Trần, tên Trần Bá Cử, hôm nay xin được dâng lễ bái sư, mong được học chữ nghĩa từ thầy."
Cậu thanh niên hơi khom đầu đang đội khăn vấn cùng màu với áo dài, hai bàn tay đan chéo các ngón vào nhau khẽ cúi chào thầy đồ Lê. Đoạn cúi chào xong cậu Cử đứng thẳng lưng dậy, hai tay ôm vào nhau đợi thầy trả lời.
Thầy đồ Lê nhẹ nhàng nhìn từ dung mạo, phong thái đến lời ăn tiếng nói của cậu, gật nhẹ đầu tỏ ý hài lòng, đoạn thầy đưa tay lên vuốt chòm râu vẫn đen tuyền dưới cằm, cho cậu ngồi xuống chiếc ghế đối diện, từ tốn mà rằng.
"Năm nay cậu cả bao tuổi?"
"Bẩm, năm nay vừa tròn mười lăm ạ."
"Luận ngữ có câu “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học; Tam thập nhi lập; Tứ thập nhi bất hoặc; Ngũ thập nhi tri thiên mệnh; Lục thập nhi nhĩ thuận; Thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ”. Tuổi mười lăm là vừa đẹp."
Đoạn thầy ngóng ra gian sau sai bưng trà lên mời khách. Phía trong nhà ứng lên một tiếng dạ nhỏ, tiếng dạ ấy theo nắng bừng lên trong lỗ tai người nghe, vừa ngọt vừa dịu nhưng cũng vững vàng ngắn gọn chứ không nũng nịu quá đà. Một lát sau, hương trà thơm quyện mùi sen ướp đẫm không gian dập dềnh theo cơn gió mà tới, như làn sóng nước trong ao tỏa ra khi cá chép đớp rễ sen. Tiếng guốc mộc lộp cộp tiến lại gần, hiện rõ một cô gái độ trạc trạc tuổi cậu, dung nhan không đẹp như tiên nhưng chắc chắn cũng không phải nét đẹp kẻ phàm trần có được, chỉ có điều đôi mắt nâu và đôi môi kia quá sức tinh anh và bướng bỉnh.
Cậu Cử chỉ nhìn thoáng qua một lát vì giữ trọn lễ nghi người quân tử, đã chấn động tâm can bậc này, thì có lẽ ai may mắn được ngắm kĩ từng chi tiết sẽ như ăn được mật ong mà ngọt thấm tận lòng. Cô gái bưng khay trà đang tỏa ra từng đợt hương sen ngào ngạt đặt xuống trước mặt thầy đồ Lê và cậu, rồi ôm tay gật nhẹ đầu.
"Bẩm, con mời thầy."
Năm ấy, trong hương trà và sen thơm, cậu Cử gặp cô Phức. Tên đẹp tựa lần đầu gặp gỡ, Lê Thị Ngọc Phức. Thơm thấm tận tâm can.
_
*Chú thích:
1. Trước tiên gọi là thầy đồ Lê nhưng thầy đã đỗ ông Nghè (tức là Tiến sĩ (Thái học sinh) đỗ kì thi Hội; có 3 kì thi: Hương, Hội, Đình). Đủ điều kiện tự mở trường (tư thục) Đại tập ở làng. Người học sinh theo Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính được mô tả như sau:
- Vỡ lòng: Từ bảy, tám tuổi học Tam tự kinh, Tứ tự kinh v.v, rồi tập viết ván gỗ rồi tập viết tô.
- Mông học: Khoảng một hai năm sau khi vỡ lòng được học Dương tiết, Sử thượng hoặc học chính văn kinh, truyện, tập viết phóng, viết câu đối bốn chữ v.v.
- Ấu học: Là Tứ thư ngũ kinh, sử Hán, sử Đường,tập làm câu đối bảy chữ (đối thơ), làm câu đối tám hoặc chín chữ (đối phú) rồi chuyển dần sang làm bài văn, đoạn nhỏ văn sách.
- Trung tập: Năm sáu năm sau khi đã rành rọt thì chuyển qua làm thơ phú, làm kinh nghĩa, làm văn sách, học và ôn truyện sử rồi mở rộng và liên hệ ra cổ văn, đường thi, tính lý, chu lễ.
- Đại tập: Giảng sách sẽ ít hơn mà tập trung vào tập làm văn chương.
+ Tập làm văn chương có Văn thường kỳ: 4 kỳ/ 1 tháng bài tập về nhà sau 5, 6 ngày sẽ nộp; Văn nhật kỳ: 2 kỳ/ 1 tháng bài thi tại đình hoặc nhà thầy mà làm trong ngày để nộp.
Văn làm xong thầy sẽ chấm quyển, hay nhất chấm ưu hạng, hay vừa chấm bình hạng, tầm thường chấm thứ hạng, kém lắm phê liệt hạng.
- Ông đồ, ông khóa dạy từ Ấu học (dưới 10 tuổi) trở xuống. Ông cử,ông nghè dạy Trung tập (10-15 tuổi). Đốc học hoặc quan huấn quan giáo xa tỉnh (và ông Cử ông Nghè trong làng đó) dạy Đại tập (trên 15 tuổi).
2. Trần Bá Cử.
Cử (举): Hưng khởi. Dùng làm tên gọi chỉ sự mong ước thành đạt về đường học vấn.
3. Lê Thị Ngọc Phức.
Phức (馥): Hương thơm. Chỉ sự thanh nhã, tôn quý.
4. “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học; Tam thập nhi lập; Tứ thập nhi bất hoặc; Ngũ thập nhi tri thiên mệnh; Lục thập nhi nhĩ thuận; Thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ”
Nghĩa là: “Ta 15 tuổi lập chí học tập, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không bị mê hoặc bởi những hiện tượng bề mặt của ngoại cảnh, 50 tuổi hiểu được thiên mệnh là gì, 60 tuổi có thể lắng nghe và đối đãi chính xác với những ý kiến khác nhau, 70 tuổi có thể làm theo ý muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn phép”.
5. Người Việt cổ có cách chào là các ngón tay của hai tay đan vào nhau rồi vái chào, chứ không phải kiểu ôm quyền như Trung Quốc, hay xếp chồng lên nhau như Hàn Quốc.
Bình luận
Chưa có bình luận